Xem mẫu

  1. Vũ Công Thương Trường Đại học Sài Gòn Tóm tắt: Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới với những thay đổi mạnh mẽ, trong đó công cuộc chuyển đổi số rộng khắp trên mọi lĩnh vực, ở các quốc gia, dân tộc đóng vai trò nền tảng và là động lực chủ đạo. Bài viết khái quát về chuyển đổi số, chuyển đổi số trong giáo dục; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu đặt ra đối với chuyển đổi số trong giáo dục; một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục ở nước ta trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay. Từ khóa: Chuyển đổi số, giáo dục, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ thông tin. 1. Mở đầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự giao thoa, hòa quyện của các công nghệ số - vật lý - sinh học có tác động to lớn, làm thay đổi mọi lĩnh vực của đời sống con người, từ cách thức điều hành, quản lý xã hội đến cách thức con người sống và làm việc, sinh hoạt. Trong bối cảnh đó, ngành Giáo dục Việt Nam cũng đứng trước những cơ hội và thách thức lớn, đòi hỏi sự chuyển đổi sang mô hình mới, tích hợp công nghệ trong các hoạt động và số hóa các quy trình nghiệp vụ theo hướng tự động, thông minh có thể tiến hành các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng dễ dàng trên nền tảng số, khai thác dữ liệu hiệu quả. 2. Nội dung 2.1. Chuyển đổi số và chuyển đổi số trong giáo dục Mặc dù đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, song đến khi cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ, chuyển đổi số (Digital transformation) mới xuất hiện và trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Chuyển đổi số được hiểu là “việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau”26. 26 Bộ Thông tin và Truyền thông, Đề án chuyển đổi số quốc gia, Dự thảo 1.0 ngày 04/4/2019. Tải xuống http://mic.gov.vn/Upload_Moi/DuThaoVanBan/PL03-DU-THAO-DE-AN-CHUYEN-DOI-SÓ-QG- VER-1.0.pdf 31
  2. Có thể hiểu một cách khái quát, chuyển đổi số là quá trình chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình số, bằng cách ứng dụng các công nghệ mới như vạn vật kết nối - Internet of things (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), trí tuệ nhân tạo (AI)…, các phần mềm công nghệ để thay đổi phương thức điều hành, quản lý, quy trình làm việc, văn hóa cơ quan, đơn vị; chuyển các hoạt động từ thế giới thực sang thế giới ảo ở trên môi trường mạng. Nhờ vậy, con người dễ dàng và tiếp cận thông tin nhiều hơn, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp về không gian, tiết kiệm về thời gian. Chuyển đổi số chính là một công cuộc cải biến toàn diện và sâu sắc trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nhằm khai thác tối đa sức mạnh thời đại và tiến bộ công nghệ để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và kiến tạo nền tảng căn bản cho hành trình phát triển bền vững. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Malysia, Anh, Pháp, Đan Mạch, Úc, Estonia … đã và đang triển khai các chiến lược quốc gia về chuyển đổi số. Tùy thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà mỗi quốc gia xây dựng nội dung chuyển đổi số trong các lĩnh vực cho phù hợp. Tuy nhiên, nhìn chung chuyển đổi số của các quốc gia đều hướng tới các nội dung chính như: Chính phủ số (dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở); kinh tế số (phát triển các doanh nghiệp số, tài chính số, thương mại điện tử); xã hội số (giáo dục, văn hóa, y tế, an toàn xã hội) và chuyển đổi số trong các ngành kinh tế trọng điểm (điện lực, du lịch, giao thông, công nghiệp). Trong lĩnh vực giáo dục, chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ số vào việc đổi mới mọi khía cạnh trong tổ chức và hoạt động của giáo dục (quản lý, dạy, học, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng). Quá trình này đã diễn ra từ khi bước sang thế kỷ XXI do sự bùng nổ của công nghệ thông tin, song khi thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nó mới trở thành xu thế toàn cầu. Trong điều kiện sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ hiện nay, kỹ năng và tri thức của con người trở thành tài sản chính yếu của mọi quốc gia, dân tộc. Nếu trước đây lao động sản xuất chủ yếu dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thì hiện nay lao động sản xuất lại chú trọng vào việc thu hút các nguồn tài năng và chất xám người lao động. “Tri thức với tư cách là nguồn tài nguyên chủ chốt sẽ thay đổi về cơ bản kết cấu xã hội, sáng tạo ra động lực phát triển mới, đồng thời thông qua sự chuyển hóa hiện thực của các cá thể thay đổi tiến trình của sự sống”27. Bởi vậy, chuyển đổi số trong giáo dục là tất yếu khách quan nhằm đáp ứng nhu cầu lãnh đạo, quản lý giảng dạy, học tập của người lãnh đạo, người dạy và người học, giúp họ phát huy tối đa khả năng tư duy, tính sáng tạo, chủ động, tích cực trong hoạt động lãnh đạo, dạy và học. 27 Thế Trường (2004), Hành trang thời đại kinh tế tri thức, Nxb Giao thông vận tải, Hà Nội, tr.8. 32
  3. Trong giáo dục, chuyển đổi số được thể hiện ở hai nội dung cơ bản là: chuyển đổi số trong quản lý giáo dục; chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học. Trong quản lý giáo dục, chuyển đổi số bao gồm: số hóa thông tin quản lý, tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (như blockchain, AI, phân tích dữ liệu) để quản lý, điều hành, dự báo, định hướng trong lĩnh vực giáo dục một cách nhanh chóng, chính xác. Trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học bao gồm: số hóa học liệu (sách giáo trình, bài giảng điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, học liệu số đa phương tiện, phần mềm mô phỏng, bài báo và các học liệu khác), thư viện số, phòng thí nghiệm. 2.2. Cuộc cách mạng lần thứ tư và những yêu cầu đặt ra đối với chuyển đổi số trong giáo dục Trong lịch sử, nhân loại đã chứng kiến ba cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất gắn với quá trình cơ giới hóa sản xuất, diễn ra khoảng từ 1760 đến 1840 với sự khởi đầu bằng việc phát minh ra máy hơi nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai gắn liền với quá trình điện khí hóa và áp dụng dây chuyền sản xuất, diễn ra từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba gắn liền với việc điện tử hóa, số hóa quá trình sản xuất và phát minh ra Internet, diễn ra từ khoảng những năm 1960 đến thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Cuộc cách mạng cách mạng công nghiệp lần thứ tư (thường gọi là cách mạng 4.0 hay Industrie 4.0) là một thuật ngữ mới được công bố lần đầu tiên năm 2011 tại triển lãm công Hannover - Đức. Hiện nay, thuật ngữ này thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều quốc gia trên thế giới và tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos (tháng 01/2016) đã được thảo luận sôi nổi. Hiện nay, thế giới đang ở chặng đường đầu tiên bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với đặc trưng là tích hợp toàn bộ những thành tựu của ba cuộc cách mạng trước đây nhưng nâng lên một bước phát triển mới về chất, gắn liền với các trụ cột về trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence), người máy thông minh có thể tự học hỏi (learning machines), Internet vạn vật kết nối (Internet of things), công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) và xử lý dữ liệu lớn (big data). Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là “sự lên ngôi của những công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, trạng thái số hóa và thông minh hóa các ứng dụng công nghệ thông tin”28. Bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là việc ứng dụng công nghệ, khoa học dữ liệu và sử dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ sản xuất, đời 28 https://ictnews.vn/cntt/cach-mang-40/nhin-lai-dinh-nghia-cong-nghiep-4-0-va-cach-viet-nam-don- nhan-xu-huong-nay-162188.ict. 33
  4. sống sinh hoạt của con người và cấu trúc của nền hành chính - thể chế, quản lý - quản trị. Chính vì vậy, cuộc cách mạng công nghiệp này đã đem lại nhiều điều kiện thuận lợi cho con người khám phá ra những tri thức mới, nâng cao quy mô và chất lượng nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất vật chất, và tiêu dùng sản phẩm. Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền sản xuất chủ yếu là các máy móc được kết nối internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự vận hành toàn bộ quá trình sản xuất theo một kế hoạch đã được xác lập từ trước, năng suất lao động tăng cao. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt giáo dục, nhất là giáo dục đại học trước nhiều thách thức lớn. Trong đó, sự xuất hiện của các công nghệ mới đã làm thay đổi nền tảng sản xuất và đặt ra những yêu cầu mới về năng lực nhân sự, khoa học, công nghệ và tri thức. Để đáp ứng được thị trường lao động hiện đại cần phải đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và phẩm chất thích ứng với môi trường lao động mới. Điều đó, đòi hỏi ngành giáo dục nước ta phải nhận thức được những thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để sẵn sàng thay đổi và có định hướng cụ thể cho sự phát triển, thay đổi các hoạt động đào tạo: đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, quản lý sinh viên, phương pháp kiểm tra, đánh giá chuẩn đầu ra với sự ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ kỹ thuật số. Trong đó, người học phải chủ động, tích cực tự học, tự nghiên cứu và tu dưỡng rèn luyện bản thân, tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình; phải thay đổi phương pháp học tập phù hợp với sự đổi mới và chuyển đổi số trong giáo dục. Đối với nhà quản lý và người dạy cần phải thay đổi tư duy, tìm hiểu, vận dụng linh hoạt các phương tiện công nghệ thông tin, phương pháp dạy học nhằm mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất. 2.3. Cơ chế, chính sách và hạ tầng thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Căn cứ các quan điểm, mục tiêu, chủ trương và chính sách tại Nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 52. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện. Triển khai, thực hiện định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, ban hành Kế hoạch hành động của ngành triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị nêu trên, như: Quyết định số 2653/QĐ- BGDĐT ngày 25/7/2014 về chương trình hành động của ngành Giáo dục triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực 34
  5. hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy và học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”. Trong đó, xác định mục tiêu chung là: “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động quản lý điều hành của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở trung ương và các địa phương; đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học và công tác quản lý tại các cơ sở giáo dục đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân góp phần hiện đại hóa và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”29. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là: “Hình thành cơ sở dữ liệu toàn ngành giáo dục và đào tạo; phấn đấu 100% các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện quản lý hành chính xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 70% cuộc họp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục và đào tạo được áp dụng hình thức trực tuyến; 70% lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện qua mạng theo phương thức học tập kết hợp (blended learning); 50% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tối thiểu mức độ 3, trong đó 30% được xử lý trực tuyến ở mức độ 4... Định hướng đến năm 2025: Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Công nghệ thông tin trở thành động lực đổi mới quản lý, nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá trong giáo dục và đào tạo”30. Ngoài ra, có nhiều chính sách, văn bản pháp luật được xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện tạo hành lang pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục như Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT ngày 22/4/2016 quy định “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng”; quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học; quy định quản lý, vận hành sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành; hướng dẫn nhiệm vụ công nghệ thông tin cho khối đại học, phổ thông và nhiều văn bản chỉ đạo điều hành khác. 29 Thủ tướng Chính phủ, số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017, Quyết định phê duyệt đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”. 30 Thủ tướng Chính phủ, số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017, Quyết định phê duyệt đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”. 35
  6. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho chuyển đổi số trong giáo dục được quan tâm xây dựng. Năm 2018, ngành Giáo dục đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu toàn quốc về giáo dục “với 53.000 trường học, 710 phòng GDĐT, gần 24 triệu học sinh và hơn 1.4 triệu giáo viên được gắn mã định danh. Thông tin của 393 trường đại học, cao đẳng với 2,5 triệu sinh viên, 120.000 giảng viên cũng được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành. Việc phát triển học liệu số cũng được Bộ GD&ĐT chú trọng triển khai. Đến nay đã có 5.000 bài giảng e-learning; 2.000 bài giảng dạy trên truyền hình, 200 đầu sách giáo khoa phổ thông, 200 thí nghiệm ảo và hơn 35.000 câu hỏi trắc nghiệm. Thời điểm dịch COVID-19, với phương châm “tạm dừng đến trường, không ngừng học”, 80% trường phổ thông, 240 cơ sở đào tạo đã tổ chức dạy-học trực tuyến; trong đó có 79 cơ sở tổ chức quản lý dạy học hoàn toàn qua mạng. Với sự linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong GD&ĐT này, ngành giáo dục đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019- 2020, đảm bảo sức khỏe cho học sinh, giáo viên”31. Trong quản lý giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục đại học đã triển khai số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung từ Trung ương đến các cơ sở giáo dục trong cả nước. Đối với đại học, cơ sở dữ liệu này đã hỗ trợ đắc lực công tác tuyển sinh và thống kê, báo cáo của các trường đại học. Theo đánh giá của TS. Tô Hồng Nam: “Trong quản lý giáo dục, toàn ngành đã triển khai số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung từ Trung ương đến 63 sở GDĐT, 710 phòng GDĐT và khoảng 53.000 cơ sở giáo dục. Hiện nay đã số hóa và định danh dữ liệu của khoảng 53.000 trường học, 1,4 triệu giáo viên, 23 triệu học sinh… Khối phổ thông khoảng 82% các trường sử dụng phần mềm quản lý trường học, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử và hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đều sử dụng phần mềm quản trị nhà trường. Hệ thống quản lý hành chính điện tử kết nối 63 sở GDĐT và hơn 300 trường đại học, cao đẳng trên cả nước với Bộ GDĐT hoạt động thông suốt, ổn định, phát huy hiệu quả tích cực”32. Bên cạnh những thuận lợi nói trên, chuyển đổi số ngành giáo dục đào tạo hiện nay còn gặp nhiều khó khăn như: Hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin (như máy tính, máy in, máy quyét, camera), mạng, đường truyền cho nhà trường, giáo viên, sinh viên, học sinh, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ chưa đáp ứng yêu cầu cho chuyển đổi số (cả về quản lý giáo dục, dạy và học); việc xây dựng học liệu số (như sách điện tử, bài giảng điện tử, thư viện điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, phần mềm 31 https://dangcongsan.vn/khoa-giao/4-van-de-co-ban-de-thuc-day-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-dao- tao-569653.html, cập nhật ngày 10/12/2020. 32 TS. Tô Hồng Nam (2020), Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo: Thực trạng và giải pháp, Bài đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT, Số 2 tháng 4/2020). Truy cập từ https://ictvietnam.vn/chuyen-doi-so- trong-linh-vuc-giao-duc-va-dao-tao-thuc-trang-va-giai-phap-20200522150010574.htm, cập nhật ngày 7/6/2020. 36
  7. học điện tử, phần mềm ứng dụng mô phỏng) còn phát triển tự phát, chưa đi vào nề nếp và thành hệ thống, khó kiểm soát chất lượng và nội dung; việc thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu giáo dục và học liệu số, hồ sơ, sổ điểm, học bạ điện tử… chưa có hành lang pháp lý và sự quản lý chặt chẽ. 2.3. Một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số giáo dục ở Việt Nam hiện nay Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý trong hoạt động giáo dục thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo thuận lợi và thúc đẩy các mô hình trong quản lý, điều hành trong lĩnh vực giáo dục theo hướng bứt phá, đổi mới, sáng tạo nhưng vẫn chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người học, nhằm hạn chế những rủi ro, thách thức do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thứ hai, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, chương trình, giáo trình, tài liệu, học liệu và mạng phục vụ đào tạo công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông và ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả các cơ sở giáo dục. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho một số cơ sở đào tạo trọng điểm về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, kết nối mạng internet, thiết bị công nghệ thông tin đảm bảo phục vụ tốt cho dạy - học, tạo cơ hội học tập bình đẳng cho sinh viên các trường, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ và tăng cường xã hội hóa, hợp tác với các doanh nghiệp lớn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục. Thứ ba, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ thông tin, đảm bảo tất cả cán bộ quản lý, giáo viên ngành giáo dục được trang bị những kỹ năng, phát triển năng lực tin học, ngoại ngữ, có khả năng sử dụng các phần mềm ứng dụng trong các hoạt động nghiệp vụ theo tiêu chuẩn của từng chức danh thích ứng với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường giảng dạy, nâng cao kỹ năng sử dụng máy tính và ứng dụng công nghệ thông tin cho học sinh, sinh viên ở tất cả các bậc học, ngành học. Đồng thời, xã hội hóa công tác phổ cập tin học cho toàn xã hội. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhân lực công nghệ thông tin dưới nhiều hình thức. Thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học, các nhà khoa học ở nước ngoài hợp tác và tham gia giảng dạy công nghệ thông tin tại Việt Nam. Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến rộng rãi và quán triệt đầy đủ các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin 37
  8. trong giáo dục của Chính phủ và của ngành giáo dục. Từ đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ, công chức, viên chức, người học, phụ huynh về vai trò, vị trí, sự cần thiết của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục; cách thức ứng dụng kỹ thuật số và những lưu ý để phòng, tránh rủi ro khi thực hiện các hoạt động giáo dục trên môi trường điện tử. Thứ năm, thực hiện số hóa triệt để, thay thế văn bản, tài liệu giấy bằng sử dụng văn bản điện tử (sổ sách, bài giảng, sổ điểm điện tử…); hoạt động chỉ đạo, điều hành, giao dịch, họp, tập huấn, hội thảo được thực hiện chủ yếu trên môi trường mạng. Tăng cường kết hợp công nghệ như Big data, Blockchain, AI, Open API… với cơ sở dữ liệu số chuyên ngành để xây dựng các hệ thống thu thập thông tin, đưa ra các dự báo, dự đoán và tạo ra các ứng dụng, dịch vụ phù hợp với đối tượng dạy, học. Đồng thời, xây dựng hành lang pháp lý vệ bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu nhằm tạo dựng môi trường giao dịch số an ninh, an toàn, bảo vệ người học, người dạy, thúc đẩy lòng tin của họ đối với thực hiện giao dịch số, sử dụng dịch vụ số. Thứ sáu, hình thành cổng thông tin thư viện điện tử toàn ngành liên thông, chia sẻ học liệu với các cơ sở đào tạo; xây dựng cổng thông tin giáo dục chứa nội dung số, các kho tài nguyên giáo dục trên mạng Internet. Xây dựng, tuyển chọn và mua thư viện số về giáo trình, sách, tài liệu, học liệu, bài giảng phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học; phát triển một số mô hình đào tạo trực tuyến, các cơ sở giáo dục cùng hợp tác, tạo thành mạng lưới chia sẻ nội dung đào tạo, bài giảng qua mạng, tạo nên nguồn tư liệu phong phú, thúc đẩy phát triển học liệu số phục vụ dạy, học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học; hình thành mạng lưới chia sẻ nội dung đào tạo, bài giảng, hình thành kho học liệu số, học liệu mở, liên kết với quốc tế, đáp ứng nhu cầu tự học, tự nghiên cứu, học tập suốt đời của người học; tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, khuyến khích và hỗ trợ áp dụng các mô hình giáo dục đào tạo mới, tiên tiến dựa trên các nền tảng số. Thứ bảy, có cơ chế, chính sách để đánh giá, xếp hạng và khen thưởng, động viên, khuyến khích đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và đánh giá xếp hạng website của các cơ sở giáo dục. 3. Kết luận Bước sang thế kỷ XXI, nền sản xuất xã hội đã nhảy vọt cả về chất và lượng, với sự tham gia ngày càng nhiều của yếu tố tri thức trong sản xuất. Trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, giáo dục sẽ thay đổi sâu rộng để có thể bù đắp sự thiếu hụt lao động trình độ chuyên môn, kỹ năng lao động cao do yêu cầu thực tiễn đặt ra. Chính vì vậy, chuyển đổi số trong giáo dục được xác định là khâu đột phá, nhiệm vụ quan trọng được thực hiện ở các mặt 38
  9. mô hình tổ chức, cơ chế quản lý, nội dung chương trình, phương pháp đào tạo để kích hoạt năng lượng sáng tạo của cả người quản lý, người dạy và người học. Làm tốt chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng suất lao động, có thể tiếp cận những tri thức khoa học do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, tạo cơ hội lớn để hội nhập quốc tế. Tài liệu tham khảo: [1]. Bộ Thông tin và Truyền thông, Đề án chuyển đổi số quốc gia, Dự thảo 1.0 ngày 04/4/2019. Truy cập từ http://mic.gov.vn/Upload_Moi/DuThaoVanBan/PL03-DU- THAO-DE -AN-CHUYEN-DOI-SÓ-QG-VER-1.0.pdf. [2]. https://ictnews.vn/cntt/cach-mang-40/nhin-lai-dinh-nghia-cong-nghiep-4-0-va-cach- viet-nam-don-nhan-xu-huong-nay-162188.ict. [3]. https://dangcongsan.vn/khoa-giao/4-van-de-co-ban-de-thuc-day-chuyen-doi-so-trong- giao-duc-dao-tao-569653.html, cập nhật ngày 10/12/2020. [4]. Tô Hồng Nam (2020), Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo: Thực trạng và giải pháp, Bài đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT, Số 2 tháng 4/2020). Truy cập từ https://ictvietnam.vn/chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-giao-duc-va-dao-tao-thuc-trang-va- giai-phap-20200522150010574.htm, cập nhật ngày 7/6/2020. [5]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật số: 08/2012/QH13 (2012), Luật giáo dục đại học, Hà Nội. [6]. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. [7]. Thủ tướng Chính phủ, số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017, Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”. [8]. Thế Trường (2004), Hành trang thời đại kinh tế tri thức, Nxb Giao thông vận tải, Hà Nội. 39
nguon tai.lieu . vn