Xem mẫu

  1. Ngô Hoài Phương Nguyễn Đình Nam Trường Đại học Thông tin liên lạc Tóm tắt: Chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo là yêu cầu khách quan trong giai đoạn hiện nay trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Qua tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, bài báo này bàn thêm về thuật ngữ chuyển đổi số trong giáo dục đại học, tác động của chuyển đổi số đối với việc dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) ở các cơ sở giáo dục đại học. Trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp cơ bản nâng cao hiệu quả dạy học các môn KHXH&NV trước yêu cầu chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay. Từ khóa: Chuyển đổi số; giáo dục đại học; khoa học xã hội và nhân văn; quản lý đào tạo; thách thức trong chuyển đổi số. 1. Đặt vấn đề Chuyển đổi số là bước tiếp theo của số hóa (bao gồm số hóa dữ liệu và số hóa quy trình). Chuyển đổi số đã và đang được nghiên cứu, tìm hiểu và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó giáo dục và đào tạo, trực tiếp là giáo dục đại học là một lĩnh vực trọng điểm. Đối với các môn KHXH&NV, với đặc điểm là những nội mang tính lý luận, trừu tượng, góp phần hình thành ở người học thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng, nhân sinh quan cộng sản, phẩm chất, nhân cách của con người mới xã hội chủ nghĩa…, chuyển đổi số vừa tạo ra tiền đề, cơ hội thuận lợi để thúc đẩy quá trình dạy học các môn KHXH&NV dễ dàng đạt đến cái đích, chuẩn đầu ra đã được xác định, đồng thời vừa đặt ra những thách thức lớn để quá trình dạy học các môn KHXH&NV không mất đi tính khoa học, tính đảng và tính định hướng chính trị. Vì vậy, việc tìm hiểu, nhận thức đúng, có hệ thống tác động của chuyển đổi số đối với quá trình dạy học các môn KHXH&NV ở các cơ sở giáo dục đại học có ý nghĩa cần thiết để góp phần thực hiện thành công định hướng chuyển đổi số trong giáo dục đại học thời gian tới. 427
  2. 2. Nội dung Chuyển đổi số (Digital transformation) là thuật ngữ xuất hiện phổ biến trong những năm gần đây ở nhiều quốc gia trên thế giới khi mà những tiện ích trên nền tảng về công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại của cuộc CMCN 4.0 mang lại. Có nhiều cách tiếp cận khác nhau khi định nghĩa về chuyển đổi số. Theo GS. Hồ Tú Bảo - Viện trưởng viện John Von Neumann: “Chuyển đổi số là quá trình ứng dụng công nghệ số vào mọi khía cạnh của doanh nghiệp để làm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, quản trị, nhằm cải thiện, gia tăng giá trị mới, vượt trội hiệu quả hơn” [5]. Tiếp cận ở góc độ nhận thức, tư duy, Microsoft cho rằng: “Chuyển đổi số là việc tái cấu trúc tư duy về việc phối hợp giữa dữ liệu, quy trình và con người để tạo ra nhiều giá trị mới” [5]. Tiếp cận một cách cụ thể, chi tiết hơn, FSI - doanh nghiệp chuyển đổi số hàng đầu Việt Nam đã quan niệm: Chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IOT), điện toán đám mây(Cloud)…thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty…[5]. Các quan niệm đều thống nhất ở chỗ cho rằng, chuyển đổi số cần dựa trên nền tảng số hóa dữ liệu (digitization) và số hóa quy trình vận hành, số hóa tổ chức (Digitalization). Theo đó, có thể hiểu: Chuyển đổi số là quá trình triển khai một loạt những thay đổi về công nghệ và con người để tái cấu trúc cách thức hoạt động (từ quy trình truyền thống sang quy trình số), từ đó tạo ra những cơ hội và giá trị mới [2], [3]. Cuộc CMCN 4.0 với nền tảng về công nghệ thông tin hiện đại như: internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện toán đám mây.. đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội hiện nay. Giáo dục và đào tạo là một lĩnh vực trọng yếu của xã hội, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo là yêu cầu khách quan. Chuyển đổi số trong giáo dục đại học là cách thức chuyển đổi từ quản lý giáo dục, tổ chức quá trình dạy học ở đại học theo kiểu truyền thống sang quản lý và tổ chức quá trình dạy học dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại của cuộc CMCN 4.0, đảm bảo cho người học được tham gia vào quá trình học tập mọi lúc, mọi nơi theo nhu cầu cá nhân thông qua các kết nối của môi trường mạng, nhằm đào tạo người học có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu xã hội số hiện nay. Khi thực hiện chuyển đổi số, có thể nói toàn bộ cái cách giáo dục được tổ chức, thực hiện và quản lý thay đổi. Trọng tâm của chuyển đổi số trong giáo dục đại học là trải nghiệm của người học sẽ hoàn toàn thay đổi, theo đó năng lực, phẩm chất cũng sẽ được chuyển biến theo hướng tích cực và thiết thực. 428
  3. Ở Việt Nam, quan điểm đẩy mạnh ứng dụng và thực hiện chuyển đổi số được Đảng, Chính phủ, Nhà nước, các Bộ, ngành rất quan tâm, nhất là lĩnh vực hành chính công, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, tài chính, sản xuất, thương mại, … Trong xu thế đó, giáo dục đào tạo ở bậc đại học thời gian gần đây đã thực hiện được những bước quan trọng trong chuyển đổi số, như: việc số hóa dữ liệu; số hóa một số quy trình trong công tác quản lý, điều hành giáo dục đào tạo; tổ chức dạy học trực tuyến; kiểm tra đánh giá kết quả người học, liên thông, liên kết trong dạy học, khai thác dữ liệu… Điểm nổi bậc nhất được nhìn thấy rộng rãi là việc tổ chức triển khai dạy và học online do tác động của dịch bệnh Covid-19. Như đã đề cập ở trên, dạy học các môn KHXH&NV ở các cơ sở giáo dục đại học với mục tiêu chính là hình thành thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng, nhân sinh quan cộng sản, xây dựng phẩm chất, nhân cách của con người mới xã hội chủ nghĩa ở người học, để họ có ý thức, thái độ, trách nhiệm và khả năng thực hiện tốt các yêu cầu của thực tiễn, góp phần phát triển xã hội. Đối với dạy học các môn KHXH&NV ở các cơ sở giáo dục đại học, thực hiện ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để thúc đẩy quá trình dạy học các môn KHXH&NV dễ dàng đạt đến cái đích, chuẩn đầu ra đã được xác định, cụ thể là: Thứ nhất, nhờ việc số hóa mà nguồn học liệu phục vụ cho dạy học KHXH&NV hết sức đa dạng và phong phú. Dựa trên nền tảng môi trường mạng, với thiết bị thông minh cầm tay, cả người dạy và người học đều được tiếp cận nguồn học liệu đã được số hóa từ các trung tâm học liệu lớn trong các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tạp chí về các chuyên ngành KHXH&NV trong nước và trên thế giới. Đặc biệt, với nguồn học liệu mở cùng với trí tuệ nhân tạo trong dịch thuật, giảng viên có thể khai thác được nhiều thông tin quan trọng liên quan đến chủ đề bài học được trình bày trong các tạp chí, hội thảo. Mặt khác, nền tảng không gian mạng cũng sẽ tạo được sự kết nối giữa người dạy và người học ở khắp mọi nơi, từ đó mở ra cơ hội lớn trong việc tìm kiếm và chia sẻ nguồn học liệu phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu. Điều này khó đáp ứng được nếu thực hiện giảng dạy theo lối truyền thống. Thứ hai, chuyển đổi số đã tạo cơ hội thuận lợi trong việc phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng hay, độc đáo về phương pháp dạy học các môn KHXH&NV. Những bài giảng KHXH&NV hay, ấn tượng, có nét mới và độc đáo, những cách thức tổ chức lớp học hiệu quả sẽ được đăng tải, phổ biến trên môi trường công nghệ số. Mỗi giảng viên dù ở cương vị, địa điểm nào cũng có thể tham khảo và học hỏi để bổ sung, làm mới phương pháp dạy học của mình. Đặc biệt, chuyển đổi số đã thực hiện được quan điểm “cá biệt hóa” trong dạy học 429
  4. các môn KHXH&NV mà cách tổ chức dạy học truyền thống khó thực hiện được. Theo đó, sinh viên có thể học theo nhu cầu, sở thích và khả năng của mình. Thứ ba, trên cơ sở chuyển đổi số, việc giảng dạy các môn KHXH&NV sẽ làm cho sinh viên hứng thú hơn trong học tập nhờ nội dung ngắn gọn, mang tính tích hợp, thiết kế theo dạng mô-đun học tập, được dẫn chứng cụ thể thông qua các liên kết. Bài giảng được sinh động hơn, trực quan hơn nhờ các phần mềm, các phương tiện kỹ thuật hiện đại trong thiết kế bài giảng điện tử, bài thuyết trình của giảng viên. Thứ tư, việc tương tác giữa giảng viên và sinh viên cũng trở nên dễ dàng hơn thông qua học tập trên môi trường mạng. Thông qua học tập môi trường mạng, sinh viên vượt qua được tâm lý e ngại trong trao đổi, họ sẽ mạnh dạn hơn trong việc bày tỏ quan điểm, chính kiến, ý tưởng của mình trong học tập thông qua các phản hồi trên môi trường mạng được kết nối với giảng viên. Qua đó, phát triển được kỹ năng tư duy lập luận, kỹ năng phản biện của người học trong học tập các môn KHXH&NV. Thứ năm, mục tiêu, chương trình, nội dung đã được số hóa và công khai từ đó sinh viên có thêm nhiều thông tin để lựa chọn phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và khả năng của bản thân để đạt được mục tiêu đề ra. Đồng thời, nhờ chuyển đổi số, vấn đề kiểm tra đánh giá kiến thức, kỹ năng và thái độ của người học trong học tập các môn KHXH&NV cũng sẽ đa dạng hơn, linh hoạt hơn và hạn chế rất lớn việc sử dụng giấy bút, ghi chép, tái hiện kiến thức dài dòng. Tuy nhiên, với đặc thù trong việc dạy học các môn KHXH&NV, việc chuyển đổi số cũng đặt ra không ít những thách thức để có thể đáp ứng được trong xu hướng chung. Một là, chương trình, nội dung dạy học các môn KHXH&NV trong chuyển đổi số phải được thiết kế lại theo hướng tích hợp, liên kết chặt chẽ giữa các môn để đảm bảo có tính hệ thống, logic nhưng đồng thời có tính chuyên sâu hơn. Để dạy học các môn KHXH&NV trong xu hướng chuyển đổi số, giảng viên phải chuyển đổi từ hệ thống giáo trình tài liệu được trình bày dài dòng trở thành các bài giảng ngắn gọn, cô đọng, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Phương pháp dạy học trong môi trường số phải thực thực sự hấp dẫn, lôi cuốn người học thông qua việc giảm thuyết trình, tăng các tình huống trong từng bài học và ứng dụng triệt để công nghệ thông tin. Thiết kế hình thức dạy học tập từ hình thức tập trung theo lớp sang hình thức dạy học theo cá nhân, học tập theo nhóm. Điều này đặt ra yêu cầu giảng viên KHXH&NV phải là người có kinh nghiệm trong giảng dạy, có chuyên môn sâu trong lĩnh vực để xây dựng, thiết kế chương trình, nội dung nhưng đồng thời lại là người giỏi trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo phần mềm. 430
  5. Hai là, đối với giảng viên, việc chuyển đổi số trong dạy học các môn KHXH&NV đòi hỏi giảng viên thay đổi tâm thế từ người giữ vị trí trung tâm sang người “phục vụ” cho nhu cầu học tập của sinh viên. Giảng viên KHXH&NV phải vừa phải là người thầy, vừa là nhà tư vấn và đồng thời vừa là nhà quản lý. Điều này đặt ra yêu cầu giảng viên phải nỗ lực rất lớn từ việc tìm kiếm và quản lý học liệu, thiết kế và số hóa bài giảng, biên soạn và thực hiện chuyển đổi các bài giảng truyền thống sang bài giảng E-learning cho đến sử dụng công nghệ để quản lý, tương tác, phản hồi kịp thời với người học. Ba là, đối với người học, chuyển đổi số trong giáo dục đại học yêu cầu sinh viên phải có ý thức tự giác, tính trung thực cao trong học tập, trong kiểm tra đánh giá; thành thạo trong khai thác, sử dụng các phương tiện về công nghệ thông tin, các phần mềm trong quá trình học tập. Đồng thời, sinh viên phải có kỹ năng trong tìm kiếm, khai thác đúng tài liệu phục vụ cho việc học các môn KHXH&NV trong một kho dữ liệu khổng lồ. Bốn là, việc định hướng chính trị, tư tưởng, hình thành niềm tin, thái độ cho người học sẽ khó thực hiện được. Bởi vì, ngoài chức năng trang bị kiến thức, thông qua việc lên lớp trực tiếp giảng dạy các môn KHXH&NV, giảng viên góp phần phát triển cho sinh viên về niềm tin, định hướng chính trị, tư tưởng, thái độ trước các hiện tượng xã hội, chính trị, kinh tế, đời sống…Tuy nhiên do việc học theo nhu cầu, nguyện vọng, do học online, ofline nên việc định hướng chính trị, truyền bá quan điểm, tư tưởng cho sinh viên sẽ bị hạn chế đi rất nhiều. Năm là, công tác bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin, vấn đề về bản quyền, pháp lý trong khai thác, sử dụng tài nguyên về KHXH&NV trong môi trường mạng phục vụ cho học tập và nghiên cứu khó được thực thi, phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức, thái độ của người sử dụng. Từ những vấn đề trên, để dạy học các môn KHXH&NV đáp ứng chuyển đổi số cần tiếp tục quan tâm làm tốt một số giải pháp cơ bản sau: Một là, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho các chủ thể giáo dục về chuyển đối số trong dạy học các môn KHXN&NV, trực tiếp là đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục đại học. Nhận thức đúng về quy định trong khai thác tài liệu đảm bảo tính pháp lý về bản quyền, quyền tác giả, các nguyên tắc bảo mật, an toàn thông tin đối với lĩnh vực KHXH&NV. Giáo dục nâng cao tính trung thực, đạo đức nghề nghiệp trong dạy, học và đánh giá kết quả học tập trong môi trường mạng cho giảng viên và sinh viên. Hai là, triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về KHXH&NV ở các cơ sở giáo dục đại học đảm bảo kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở với nhau. Thực hiện số hóa từ hệ thống giáo trình tài liệu cho đến sổ sách học bạ, sổ điểm điện tử của sinh viên. Xây dựng hệ thống quản lý 431
  6. quá trình học tập, chất lượng học tập từ đó đưa ra nhắc nhở (khuyến cáo, tư vấn) cho sinh viên. Chú trọng xây dựng đội ngũ quản trị, khai thác, vận hành, khả năng làm việc trong môi trường hiện đại, chuyên nghiệp, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình làm việc trong môi trường mạng. Ba là, tiến hành đào tạo, dưỡng cho giảng viên KHXH&NV về năng lực dạy học tích hợp, biên soạn tài liệu, bài giảng trong môi trường số; khả năng tư vấn, chỉ dẫn tài liệu trên môi trường mạng đảm bảo cho người học dễ khai thác, sử dụng. Đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ thông tin, ứng dụng các phần mềm trong số hóa tài liệu, xây dựng hệ thống bài giảng E-learning. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá phù hợp với chuyển đổi số. Khai thác thành thạo các phần mềm phục vụ giảng dạy và quản lý chuyên môn trong lĩnh vực KHXH&NV. Bồi dưỡng cho sinh viên biết tự học tập phù hợp với năng lực và đặc điểm, sở trường cá nhân; tự tiếp cận các tài liệu, tài nguyên học tập; bồi dưỡng kỹ năng sử dụng, khai thác thành thạo công nghệ thông tin trong học tập và nghiên cứu các quan điểm khoa học xã hội, khai thác học liệu số, E-learning trên môi trường mạng. Bốn là, xây dựng, củng cố, phát triển hạ tầng số đáp ứng chuyển đổi số trong dạy học các môn KHXH&NV. Trong đó, tập trung đẩy mạnh xây dựng và phát triển hệ thống phần mềm ứng dụng trong quản lý điều hành dạy học chuyên ngành KHXH&NV đảm bảo nhanh chóng chính xác, hiệu quả trên môi trường mạng, đảm bảo có chức năng tự động phân tích hỗ trợ cho giảng viên trong đánh giá được chất lượng học tập của sinh viên. Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá các môn KHXH&NV, tập trung đánh giá năng lực vận dụng các quan điểm cơ bản của môn học để xem xét, nhận định các hiện tượng xảy ra trong xã hội. Thiết kế hệ thống kiểm tra thông minh để quản lý được hành vi của sinh viên trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập. 3. Kết luận Chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều cơ hội cho giáo dục đại học nói chung và việc giảng dạy các môn KHXH&NV nói riêng trong xu thế hiện nay. Đứng trước những cơ hội đó đòi hỏi các cơ sở giáo dục đó cần nắm bắt, tận dụng cơ hội vượt qua được các thử thách để việc dạy và học các môn KHXH&NV nâng lên một tầm cao mới, thực hiện được sứ mệnh của mình trong công nghệ số hiện nay. 432
  7. Tài liệu tham khảo: [1]. Chính phủ (2020), Quyết định về chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020, Hà Nội. [2]. Tô Hồng Nam (2020), “Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Số 2 tháng 4, tr. 35-39. [3]. Phạm Quang Thiệu, Đỗ Văn Chương (2021), “Ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo Tại trường sĩ quan thông tin”, Tạp chí Khoa học đào tạo - Thông tin liên lạc, Số 25 - Quý I, tr…. [4]. Saliu A. Danladi, Odjugo, Darling Inyigi. (2020), “A. Digitalization of Social Science Education: Implication for the 21st Century Teacher”, International Journal of Humanities Social Sciences and Education (IJHSSE) Volume 7, Issue 4, April, PP 175-181. [5]. Chuyển đổi số là gì? Định nghĩa chuyển đổi số, ngày 26/12/2020, 433
nguon tai.lieu . vn