Xem mẫu

  1. CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN THỰC TIỄN TỪ TRƯỜNG ĐẠI HỌC THƯƠNG MẠI Nguyễn Thị Mai Hoàng Thị Tâm Trần Ngọc Trang Trường Đại học Thương Mại Tóm tắt: Trong những năm gần đây, thuật ngữ ‘chuyển đổi số’ (digital transformation) được nhắc đến ngày càng nhiều, các quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai các chiến lược quốc gia về chuyển đổi số. Nội dung chuyển đổi số rất rộng và đa dạng nhưng có thể thấy chuyển đổi số tập chung vào những nội dung chính sau: chính phủ số (như dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở), kinh tế số (như tài chính số, thương mại điện tử), xã hội số (như giáo dục, y tế, văn hóa) và chuyển đổi số trong các ngành trọng điểm (như nông nghiệp, du lịch, điện lực, giao thông). Với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, chuyển đổi số sẽ đưa đến những thay đổi lớn trong giáo dục góp phần tăng hiệu quả đào tạo và đảm bảo sự bình đẳng trong giáo dục và giáo dục đào tạo (GDĐT) ở Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung của thế giới. Bài viết tập trung phân tích một số nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong GDĐT bao gồm: làm rõ nội hàm của chuyển đổi số trong giáo dục, đánh giá thực trạng giảng dạy trực tuyến tại Trường Đại học Thương mại, trên cơ sở đó đưa ra một số khuyến nghị chung nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong GDĐT. Chuyển đổi số trong giáo dục Việc nghiên cứu chuyển đổi số được tiếp cận từ nhiều quan điểm và góc độ khác nhau nên thuật ngữ chuyển đổi số (Digital transformation) trên thế giới hiện nay được diễn đạt không giống nhau, mà chưa có một định nghĩa thống nhất. Theo trang Tech Republic - Tạp chí trực tuyến, cộng đồng xã hội dành cho các chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT), khái niệm chuyển đổi số là “cách sử dụng công nghệ để thực hiện lại quy trình sao cho hiệu quả hơn hoặc hiệu quả hơn.” Theo Gartner - công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới đưa ra định nghĩa về chuyển đổi số như sau: “Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới” Tại Việt Nam, thuật ngữ chuyển đổi số mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây với nhiều định nghĩa khác nhau. Song, cho dù được định nghĩa theo cách nào thì về nội hàm đều có đặc điểm chung, đó là: 349
  2. - Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số” - Chuyển các hoạt động của con người trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội từ thế giới thực sang thế giới ảo ở trên môi trường mạng. Các quan điểm trên là chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực nói chung vậy chuyển đổi số trong giáo dục được hiểu như nào? chuyển đổi số trong giáo dục bao gồm sự chuyển đổi ở nội dung hay khía cạnh nào khác và mức độ ra sao. Tiến trình thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục sẽ không giống nhau đối với các cá nhân, tổ chức và các quốc gia, bởi lẽ xuất phát điểm của chuyển đổi số là rất khác Tuy nhiên, chuyển đổi số trong giáo dục ở các quốc gia sẽ đều có đặc điểm chung đó là: Chuyển đổi số trong giáo dục không đơn giản chỉ là số hóa các nguồn dữ liệu mà còn bao gồm việc chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi phương thức đào tạo. Toàn bộ đầu vào và ra của quá trình giáo dục phải được số hóa, trong đó quan trọng nhất là học liệu, tài liệu, sách giáo khoa. Quá trình giảng dạy được thực hiện trên các nền tảng số, vì vậy các học liệu cũng như bài giảng phải được số hóa. Bên cạnh đó, toàn bộ dữ liệu về người học, quá trình học tập cũng sẽ được theo dõi và lưu trữ bằng công nghệ, không thông qua hệ thống hồ sơ sổ sách thông thường nhằm phục vụ quy trình quản lý người học và thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo. Như vậy, mọi dữ liệu có liên quan đến quá trình đào tạo sẽ phải được số hóa, triển khai, thực hiện bằng ứng dụng công nghệ trên máy tính. Chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ là số hóa bài giảng, tài liệu học tập hay ứng dụng các phần mềm vào soạn bài giảng và giảng dạy, mà còn là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công. Khi phương thức đào tạo thay đổi, đòi hỏi trang thiết bị, cơ sở vật chất hạ tầng công nghệ phục vụ đào tạo và giáo dục cũng phải thay đổi. Cần có trang thiết bị mới cho cả người học, người trực tiếp giảng dạy, các cơ sở giáo dục và cho các cơ quan quản lý, đi kèm thiết bị CNTT là các ứng dụng phần mềm, các nền tảng (platform) để toàn bộ các hoạt động giáo dục và quản lý ở các cấp diễn ra trên các thiết bị đó.Yêu cầu cơ bản của chuyển đổi số là phải đảm bảo sự tích hợp, kết nối tất cả các chương trình, phần mềm trên cùng một nền tảng. Nền tảng này trong lĩnh vực giáo dục cho phép các hoạt động giảng dạy, quản lý, học tập, 350
  3. kiểm tra, đánh giá cũng như toàn bộ hoạt động tương tác giữa người học với người dạy và nhà trường cùng diễn ra. Chuyển đổi số trong giáo dục cần có sự tham gia và kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó công nghệ và nguồn lực là hai yêu tố trực tiếp tác động còn các yếu tố khác bao gồm chiến lược, môi trường, văn hóa là nền tảng, cơ sở cho giáo dục số phát triển. Chuyển đổi số trong giáo dục là sự kết hợp của nhiều yếu tố tương thích mang tính hệ thống, không chỉ bao gồm công nghệ, nguồn nhân lực tham gia vào quá trình thực hiện đào tạo mà cần có cả các yếu tố như môi trường, chiến lược và văn hóa. Điều này được thể hiện rõ trong khung chuyển đổi số do tác giả Bumann và Peter (2019) đề xuất [1] Khung chuyển đổi số trong giáo dục cấp hệ thống của Bumann và Peter (đã được dịch sang tiếng Việt) . Theo khung chuyển đổi số trên, có thể thấy để tiến hành chuyển đổi số trong giáo dục cần có sự tham gia của cả hệ thống các yếu tố kết hợp với nhau bao gồm: Chiến lược giáo dục số: Để vận hành cả hệ thống giáo dục thông minh đòi hỏi tư duy và năng lực quản lý của lãnh đạo ngành giáo dục cũng như lãnh đạo các cơ sở giáo dục phải thay đổi, cần phải có các chiến lược phù hợp với tình hình thực tế, trang bị những hiểu biết về tư duy số để có thể làm chủ và khai thác 351
  4. có hiệu quả công nghệ với điều kiện thực tế nhằm hướng tới mục tiêu không chỉ đáp ứng được yêu cầu của thời đại mà còn đi tiên phong, chiếm lĩnh khoa học. Do đó, các cơ sở giáo dục đi tiên phong trong áp dụng công nghệ khoa học nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao là thực sự cần thiết cần thiết. Môi trường: Để hoạt động giáo dục số được thực hiện cần phải có khung pháp lý, các quy định thống nhất, hướng dẫn chi tiết cũng như hệ sinh thái số phục vụ cho việc tổ chức đào tạo, đánh giá, công nhận kết quả và cấp bằng, chứng chỉ cho đúng đối tượng, đây sẽ là cơ sở cho các đơn vị đào tạo có thể dễ dàng tổ chức, triển khai hoạt động chuyển đổi số. Văn hóa giáo dục số: bao gồm các vấn về đề thái độ học tập, hiểu biết về đạo đức học thuật, tính tự giác, ý thức về học tập suốt đời (lifelong learning). Trong đó, yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn tới sự thành công của chuyển đổi số là sự sẵn sàng tiếp nhận của người học, đối với đào tạo trực tiếp, việc kiểm soát quá trình đào tạo phần lớn thuộc về cơ sở giáo dục và giáo viên, trong khi đối với đào tạo trực tuyến, người học cũng phải chia sẻ nhiệm vụ này, điều này đỏi hỏi người học phải có ý thức, thái độ tham gia học một cách tự chủ và cầu thị. Chuyển đổi số trong giáo dục ở Việt Nam Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ cùng với việc chuyển đổi nền kinh tế số sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến phân công, cơ cấu lao động xã hội theo hướng đòi hỏi nguồn nhân lực số chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế mới. Do đó, đòi hỏi phải nhanh chóng chuyển đổi số trong giáo dục đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục đại học là nơi có rất nhiều lợi thế khi là tổ chức đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, tuyển sinh và đào tạo. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu làm đình trệ mọi hoạt động kinh tế xã hội, người học không thể đến trường, điều này càng khẳng định vai trò của công nghệ đối với dạy và học, yêu cầu bức thiết của ngành giáo dục là phải thay đổi cách dạy, cách học từ trực tiếp sang giáo dục trực tuyến, mặc dù trước đây giáo dục trực tuyến không mới nhưng trong điều kiện hiện nay, chuyển đổi số sẽ là một quá trình mà kết quả của nó có thể thay đổi hoàn toàn diện mạo giáo dục, với cách thức, phương pháp, kĩ thuật, công cụ và phương tiện mới, lúc này chuyển đổi số trong giáo dục càng cần phải nhanh chóng được triển khai. Trước bối cảnh đó, trong “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đã xác định, “Giáo dục đào tạo là một trong tám lĩnh vực ưu tiên thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định chuyển đổi số là một chiến lược đột phá, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước”. [6] 352
  5. Ngành giáo dục đặt mục tiêu Việt Nam phải trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong chuyển đổi số giáo dục và đào tạo”, với nhiệm vụ của ngành giáo dục và đào tạo trong giai đoạn chuyển đổi số được nhấn mạnh như sau: “Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hoá tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hoá. 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học.” [2] Cục công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) cho rằng, chuyển đổi số trong giáo dục là việc chuyển đổi cách dạy, cách học, quản trị và quản lý giáo dục dựa trên công nghệ số hướng tới một hệ thống giáo dục chất lượng tốt, chi phí thấp và tiếp cận dễ dàng với mọi người dân. Theo đó, chuyển đổi số là việc nhà trường đổi mới mô hình tổ chức giảng dạy và quản lý, giáo viên đổi mới nội dung và cách dạy dựa trên bài học điện tử, học sinh được học chủ động hơn, trải nghiệm nhiều hơn qua tương tác trên môi trường số, từ đó nắm bắt kiến thức dễ hơn và chất lượng giáo dục được nâng cao hơn; nhờ có học liệu số và môi trường học tập số đó mà mô hình, cách thức dạy học được đổi mới theo hướng hiệu quả hơn [3] Như vậy, có thể xác định thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo ở Việt Nam hiện nay tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học (NCKH) [8]. - Chuyển đổi số trong quản lý: số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các Công nghệ 4.0 (AI, blockchain, phân tích dữ liệu, ..) để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ các cấp lãnh đạo, quản lý ra quyết định trong lãnh đạo, điều hành dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong ngành GDĐT nhanh chóng, chính xác. - Chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá gồm: Số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các trường đại học ảo (cyber university). Riêng đối với các cơ sở giáo dục đại học tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2021 tổ chức sáng ngày 12/12. Bộ Giáo dục đã xác định “Ngay trong năm 2021, chuyển đổi số phải trở thành một nhiệm vụ chiến lược của mỗi cơ sở giáo dục 353
  6. đại học, được triển khai nhanh chóng và hiệu quả trong quản trị nhà trường, trong tuyển sinh và đào tạo, trong đổi mới dạy và học.” theo đó giáo dục đại học có 5 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Thực hiện công tác tuyển sinh, tự chủ đại học, chuyển đổi số trong giáo dục, kiểm định đại học và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học; trong đó chuyển đổi số là chiến lược đột phá của toàn ngành. Thực tế giảng dạy trực tuyến tại Trường đại học Thương mại trong thời gian qua Tại Việt Nam, nhiều cơ sở giáo dục và các trường học đã áp dụng giảng dạy trực tuyến trong suốt thời gian diễn ra dịch Covid-19 và Trường đại học Thương mại cũng không ngoại lệ. Qua quá trình giảng dạy thực tế nhóm tác giả trình bày một số vấn đề như sau: Về cơ sở học liệu và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác giảng dạy Đối với hệ thống phần mềm: Ngay khi có kế hoạch triển khai thực hiện công tác giảng dạy trực tuyến, nhà trường đã triển khai hệ thống phần mềm Trans tới giáo viên và sinh viên, tổ chức tập huấn kỹ năng sử dụng phần mềm cho toàn bộ giảng viên và các chuyên viên quản lý giáo dục của nhà trường, thông tin và gửi hướng dẫn sử dụng phần mềm cũng như tài khoản sử dụng cho tất cả các đối tượng là sinh viên hiện đang tham gia học tập tại trường nhằm đảm bảo cho việc dạy và học được tiếp tục diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh. Qua quá trình triển khai và thực hiện theo đánh giá của giảng viên và sinh viên, phầm mềm hỗ trợ giảng dạy trực tuyến về cơ bản dễ sử dụng, tiện ích, 100% giảng viên và sinh viên đều có thể tham gia ngay buổi học đầu tiên. Đối với hạ tầng viễn thông: Do thực tế nhà Trường chưa trang bị đường truyền Internet đến từng giảng đường hoặc đến từng khu vực xung quanh giảng đường để phục vụ cho việc triển khai giảng dạy trực tuyến mà các giảng viên sử dụng mạng 4G của nhà mạng và phát wifi qua điện thoại để thực hiện giảng dạy, điều này dẫn đến một số hạn chế nhất định như: buổi học đôi khi bị gián đoán do mạng 4G không đảm bảo tốc độ truy cập truyền phát, hoặc có những vị trí giảng đường không thể có được sóng 4G điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình giảng dạy và chất lượng bài giảng của giáo viên. Về số hóa dữ liệu, hiện tại trường mới số hóa dữ liệu người học, đối với cơ sở học liệu phục vụ cho việc học tập hiện vẫn chưa được số hóa, nhà trường đang trong giai đoạn triển khai xây dựng thư viện thông minh, làm cơ sở upload các tài liệu học tập để người học có thể tiếp cận qua các nền tảng trực tuyến. Nhà 354
  7. trường cũng đang lên kế hoạch cụ thể và đồng bộ việc xây dựng kho học liệu số (như sách điện tử, thư viện điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng điện tử, phần mềm học điện tử, phần mềm ứng dụng mô phỏng) nhằm cung cấp điều kiện học tập, nghiên cứu tốt nhất cho giảng viên và người học. Về mức độ sẵn sàng tham gia dạy và học trực tuyến của người dạy và người học Đối với người dạy phần lớn các giáo viên trong trường là giáo viên trẻ nên dễ dàng thích ứng với phương thức giảng dạy trực tuyến mà không gặp nhiều trở ngại, riêng một số giáo viên có tuổi sẽ mất thời gian ban đầu để làm quen với việc sử dụng phần mềm và thực hiện các thao tác trong quá trình giảng dạy Về mức độ sẵn sàng đối với học tập trực tuyến của sinh viên, nhóm tác giả đã khảo sát thu được kết quả cho thấy sinh viên của trường có mức độ sẵn sàng học trực tuyến thấp hơn rất nhiều so với giáo viên. Trên 80% số sinh viên tham gia khảo sát (từ các khóa và các chuyên ngành) đều chưa sẵn sàng cho học tập trực tuyến, vì nhiều lý do trong đó chủ yếu do một số lý do như trang thiết bị và hạ tầng viễn thông của người học ở một số vùng có băng thông Internet yếu, người học chưa được chuẩn bị về tâm thế, tinh thần và kỹ năng học tập trực tuyến, phần lớn sinh viên chưa được tiếp xúc, trải nghiệm với cách thức học kiểu mới nên còn có tâm lý e dè về tính hiệu quả của việc học trực tuyến cũng như chưa được hướng dẫn về phương pháp học tập hiệu quả, thích nghi với việc học qua nền tảng trực tuyến. Về chất lượng giảng dạy Mặc dù việc giảng dạy được thực hiện trực tuyến, giảng viên không thể trực tiếp theo dõi và quan sát hết quá trình học tập của tất cả sinh viên trong lớp, nhưng các hoạt động tổ chức trên lớp như thảo luận nhóm, tương tác giữa người dạy và người học vẫn diễn ra bình thường như khi dạy học trực tiếp, thậm chí nhiều giáo viên đánh giá việc quản lý sinh viên còn hiệu quả hơn so với trực tiếp, bằng kỹ năng, kinh nghiệm giảng dạy và quản lý lớp học phần lớn các giảng viên nhanh chóng thay đổi phương thức truyền đạt kiến thức, hạn chế thuyết giảng mà liên tục đặt các câu hỏi để sinh viên giải quyết vấn đề, điều này buộc sinh viên phải luôn theo dõi bài giảng và có ý thức tham gia học tập; giảng dạy trực tuyến cũng tạo điều kiện cho giảng viên có thể nhanh chóng truyền tải, chia sẻ các thông tin hữu ích ngay lập tức trên lớp giúp cho sinh viên có những trải nghiệm đa giác quan, dễ hiểu, dễ nhớ, gây tò mò và hứng thú cho người học, đồng thời tăng tính tương tác, thực hành và ứng dụng kiến thức ngay trong lớp học. 355
  8. Về kiểm tra và đánh giá kết quả học tập Việc giãn cách xã hội thời gian qua buộc trường phải tổ chức thi trực tuyến cho một học kỳ, việc vận hành cách thi này được đa phần sinh viên tham gia ủng hộ, tuy nhiên nó chỉ mang tính chất tình thế do chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng, hành lang pháp lý mà việc tổ chức kiểm tra, đánh giá vẫn còn những hạn chế nhất định trong quá trình tổ chức, bởi vì nền tảng giám sát người học khi họ thi trực tuyến vẫn còn khá nhiều hạn chế đặc biệt trong điều kiện cơ sở vất chất của trường đang trong giai đoạn hoàn thiện. Một số khuyến nghị chung nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo Từ việc phân tích các khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện giảng dạy trực tuyến tại Trường đại học Thương mại, để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, không bỏ lỡ cơ hội mà cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mang lại cho ngành GDĐT nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục như sau: Thứ nhất: Từng bước hoàn thiện, đồng bộ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tinphục vụ cho dạy học trực tuyến và chuyển đổi số Trước tiên, có thể thấy chuyển đổi số đòi hỏi phải phát triển hạ tầng viễn thông đường truyền, dịch vụ Internet, trang thiết bị CNTT (như máy tính, camera, máy in, máy quyét), cho nhà trường, giáo viên, học sinh ở một mức độ nhất định giúp cho việc quản lý, dạy - học có thể được thực hiện một cách bình đẳng giữa các địa phương, nhà trường có điều kiện hoàn cảnh kinh tế khác nhau - đặc biệt ở các vùng xa, vùng khó khăn – còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ, nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu cho chuyển đổi số (cả về quản lý giáo dục và dạy - học). Để thực hiện việc này ngành giáo dục không thể đi một mình mà phải đồng hành, phối hợp với các ngành khác, cần huy động được các nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia thực hiện chung tay hỗ trợ trang thiết bị đầu cuối và tham gia cung cấp các hệ thống, giải pháp đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Thứ hai: Trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ, an toàn thông tin, kỹ năng khai thác, sử dụng hiệu quả các ứng dụng cho cán bộ quản lý, giáo viên và người học Trong giai đoạn chuyển đổi số các cơ sở giáo dục không chỉ tập trung đào tạo kiến thức chuyên môn mà còn cần chú trọng tới đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về kiến thức, kỹ năng CNTT, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số. - Một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của chuyển đổi số là giáo viên, giáo viên sẽ là yếu tố hàng đầu và quan trọng nhất quyết định sự thành công 356
  9. của đào tạo trực tuyến và quá trình chuyển đổi số, là người điều phối quá trình dạy - học trực tuyến. Việc đầu tư cho nền tảng số phải luôn đi kèm với đào tạo và phát triển giáo viên ở cả ba mặt kiến thức, kỹ năng và thái độ. Giáo viên cần phải nắm vững và sử dụng thành thạo các phần mềm giảng dạy, điều này hỗ trợ rất lớn trong việc truyền tải kiến thức tới người học, và đảm bảo việc giảng dạy diễn ra suôn sẻ, trôi chảy. Ngoài ra, giáo viên cũng cần tiếp tục đổi mới cách dạy để duy trì sự chú tâm của học sinh vào các nhiệm vụ và hoạt động học tập cũng như quản lý được quá trình học tập của người học. - Đối với người học, các cơ sở giáo dục cũng cần chú trọng tới việc nâng cao nhận thức, kỹ năng số trong công cuộc chuyển đổi số cho người học. Giáo dục cần tập trung vào việc trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để thích ứng với sự chuyển đổi số trong cuộc sống và công việc. Bên cạnh đó, cần trang bị kiến thức về an toàn, an ninh mạng, do giảng viên, sinh viên có thể phải đối diện với một số rủi ro về an ninh thông tin cùng những nguy cơ tiềm ẩn từ Internet và mạng xã hội. Thứ ba: Thúc đẩy số hóa dữ liệu, phát triển học liệu mở Muốn thực hiện hoạt động quản lý và giảng dạy trực tuyến cũng như phục vụ chuyển đổi số, các tài liệu học tập, dữ liệu quản lý cần phải được số hóa. Vì vậy, các trường cần có sự đầu tư về nhân lực (gồm cả nhân lực quản lý và nhân lực triển khai) cũng như tài chính để xây dựng kho học liệu số đầy đủ, đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu học tập, nghiên cứu, tham khảo của học sinh, sinh viên ở các cấp học, ngành học, môn học Ngoài ra, cần có hệ thống học liệu mở, giúp mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức, bởi có kho học liệu mở thì dù ở đâu, thời gian nào, có bị cách ly xã hội như hiện nay hay không, việc học tập sẽ không bị gián đoạn. Do đó, cac cơ sở giáo dục cần sẵn sàng trao đổi chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, tài nguyên, cùng hợp tác xây dựng và phát triển kho học liệu điện tử và học liệu, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến. Thứ tư: Hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý Để việc chuyển đổi số trong giáo dục có thể sớm được thực hiện, cần có hệ thống chính sách đồng bộ từ cấp hệ thống đến cấp cơ sở giáo dục. Cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý phải được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số trong toàn ngành. - Để thực hiện được những điều này một trong những việc cần làm đầu tiên là trong thời gian tới Bộ GDĐT nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý, rà soát, điều chỉnh các quy định, có các hỗ trợ cho các trường đại học với cơ chế tài chính 357
  10. và các khung hướng dẫn chung cho quá trình chuyển đổi số như xây dựng cơ sở hạ tầng để tăng khả năng tương tác và sự linh hoạt cho người học trong môi trường học tập thực - ảo, số hoá học liệu, phát triển thư viện số, xây dựng lại khung năng lực giáo viên - giảng viên - cán bộ quản lý phù hợp tạo điều kiện cho việc chuyển đổi số, - Tiếp tục ban hành và hoàn thiện những văn bản để hoàn thiện hành lang pháp lý cho đào tạo trực tuyến như: xây dựng đề án phát triển đào tạo từ xa cho giai đoạn tiếp theo; xem xét đưa phương thức đào tạo trực tuyến vào quy chế đào tạo đại học, …. Song song với đó ban hành quy chế bảo đảm chất lượng các chương trình đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến như quy định chương trình học, thời lượng học, kiểm tra đánh giá trực tuyến, kiểm định chất lượng, công nhận kết quả học trực tuyến (khác với học truyền thống); quy định điều kiện tổ chức lớp học, trường học trên môi trường mạng (kể cả ngắn hạn và dài hạn). - Việc thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu quản lý giáo dục và học liệu số cần có hành lang pháp lý chung phù hợp với các quy định về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin, giao dịch điện tử và luật chia sẻ cung cấp thông tin. - Cần phải có hệ thống các công cụ giám sát, quản lý và đảm bảo chất lượng giáo dục trực tuyến để đảm bảo tính giá trị của hình thức đào tạo này. Tức là các thiết chế tạo điều kiện cho giáo dục (enablers) cần phải được chuyển đổi sang số hóa cả về cách thức thực hiện, từ khâu lấy dữ liệu đầu vào cho đến khâu trích xuất dữ liệu đầu ra. Kết luận Khoa học công nghệ phát triển làm thay đổi đời sống của con người, tác động tới mọi ngành nghề và lĩnh vực, giáo dục là một trong lĩnh vực được hưởng những thành quả của công nghệ. Ảnh hưởng này không chỉ đem đến những hiệu quả trong hoạt động giáo dục mà còn tăng cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi đối tượng người học. Do đó, chuyển đổi số trong giáo dục là tất yếu khách quan. Để thực hiện chuyển đổi số, không có một công thức chung cho các quốc gia và các nền giáo dục, do xuất phát điểm về giáo dục và công nghệ của một quốc gia là khác nhau, do đó mỗi quốc gia cần phải dựa trên năng lực của mình để có những định hướng, chính sách thay đổi trong quản lý và thực hiện giáo dục. 358
  11. Tài liệu tham khảo: [1]. Bumann, Jimmy & Peter, Marc. (2019). Action Fields of Digital Transformation - A Review and Comparative Analysis of Digital Transformation Maturity Models and Frameworks. [2]. Chỉ thị, báo cáo tổng kết năm học và hướng dẫn nhiệm vụ CNTT các năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. [3]. Chuyển đổi số đang ngày càng giúp thay đổi diện mạo ngành giáo dục, https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7142 [4]. Hồ sợ dự thảo Đề án chuyển đổi số Quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ. [5]. Lankshear, Colin; Knobel, Michele (2008). Digital literacies: concepts, policies and practices. p. 173. ISBN 978-1433101694 – via Google Books. The ultimate stage is that of digital transformation and is achieved when the digital usages which have been developed enable innovation and creativity and stimulate significant change within the professional or knowledge domain. [6]. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. [7]. Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy-học, NCKH góp phần nâng cao chất lượng GDĐT giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2925". [8]. TS.Tô Hồng Nam (2020), “Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Thông Tin và Truyền Thông Số 2 tháng 4/2020, http:// ictvietnam.vn/chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-giao-duc-va-dao-tao-thuc-trang-va-giai- phap-20200522150010574.htm. 359
nguon tai.lieu . vn