Xem mẫu

  1. CHUYỂN ĐỔI SỐ Ở CÁC THƯ VIỆN VIỆT NAM: LỘ TRÌNH CẦN THIẾT ĐỂ PHỤC VỤ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 Ths. Nguyễn Hữu Giới, Email: huugioinguyen@gmail.com Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Tóm tắt: Trên cơ sở nhận thức và nhận diện về những thay đổi lớn lao của hoạt động thư viện và văn hóa đọc trong kỷ nguyên số trên thế giới cũng như ở Việt Nam; tác giả bài viết phác thảo đôi nét về việc chuyển đổi số trong các thư viện ở Việt Nam thời gian qua; đồng thời đề xuất một số nội dung cơ bản, những giải pháp khả thi để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và hiện đại hóa thư viện, nhăm phục vụ hiệu quả cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Từ khóa: Chuyển đổi số, thư viện Việt Nam I. Một số vấn đề nhận thức, quan điểm và lý luận về chuyển đổi số trong các thư viện Việt Nam. 1. Nguyên lý cơ bản, sự thay đổi có tính bước ngoặt, quan trọng nhất của hoạt động thư viện trong kỷ nguyên số so với hoạt động thư viện truyền thống. Thư viện truyền thống ở Việt Nam đã có từ hàng trăm năm trở lại đây: khi mà các thư viện không chỉ là nơi tàng trữ kho tàng tri thức của nhân loại, mà quan trọng hơn, nó còn được tổ chức để phục vụ đông đảo mọi nhu cầu thông tin-tri thức của các tầng lớp nhân dân và tổ chức trong xã hội. Và hầu như trong suốt chiều dài lịch sử của thư viện truyền thống ấy; hoạt động phục vụ người đọc/người dùng thông tin trong xã hội được mặc định theo một nguyên lý “thuận chiều”, đó là: Thư viện và kho tàng tri thức-thông tin thì đứng yên một chỗ; còn bạn đọc/người dùng thông tin thì phải di chuyển đến thư viện để đọc, mượn tài liệu v.v… Câu chuyện trên đây đã bắt đầu thay đổi theo chiều hướng ngược lại (thậm chí 180 độ), khi mà hoạt động của thư viện truyền thống ở Việt Nam cũng như trên thế giới có sự can thiệp mạnh mẽ của máy vi tính và ứng dụng CNTT trong tác nghiệp thư viện; khi mà các thư viện đã chuyển mạnh sang xây dựng thư viện điện tử-thư viện số- thư viện ảo, nhằm phục vụ tốt hơn, nhanh và hiệu quả hơn người đọc/người dùng tin trong xã hội (với nhiều CSDL thư mục, CSDL toàn văn, bộ sưu tập số …với hàng chục vạn-hàng triệu trang in). Đến lúc này, bên cạnh hoạt động thư viện truyền thống (tức là bạn đọc đến thư viện đọc-mượn tài liệu như thường lệ); đã xuất hiện một phương thức phục vụ mới, linh hoạt hơn, đó là: Bạn đọc/người dùng tin muốn có thông tin-tri thức, có thể không cần đến thư viện, chỉ cần ngồi một chỗ, với vài thao tác “nhấp chuột” máy vi tính, là tức khắc có thể đọc/xem tài liệu ở thư viện nào đó 108
  2. (hoặc tìm kiếm các bộ sưu tập số ở đâu đó); phục vụ và thỏa mãn cho nhu cầu thông tin-tri thức của mình. Quy trình phục vụ/tự phục vụ bạn đọc trong công tác thư viện này là một quy trình hoàn toàn ngược lại với hoạt động của thư viện truyền thống nói trên; tức là: Người đọc/người sử dụng thông tin thi đứng yên một chỗ, còn thông tin và tri thức thì lại di chuyển (nhanh và rất nhanh) trên mạng Internet. Đó có thể coi là sự thay đổi cơ bản và quan trọng nhất; sự khác biệt lớn nhất trong hoạt động thư viện hiện đại, trong CMCN 4.0 so với hoạt động thư viện truyền thống. Và chính yếu tố này, sự thay đổi bước ngoặt có tính quyết định này; cũng sẽ góp phần làm thay đổi căn bản và toàn diện mọi hoạt động của thư viện hiện đại ở nước ta; khi ứng dụng CNTT trong các khâu tác nghiệp thư viện: từ khi bổ sung sách báo/tài liệu, xử lý kỹ thuật, tổ chức kho tư liệu & bộ máy tra cứu (CSDL thư mục và CSDL toàn văn/các bộ sưu tập số…); đến khi tổ chức hệ thống phục vụ bạn đọc (trong và ngoài thư viện) và tổng hợp, kiểm kê, thống kê…các số liệu và dữ liệu của hoạt động thư viện. 2./ Chuyển đổi số trong thư viện là gì? Chuyển đổi số trong thư viện (Digital Transformation of Library) là khái niệm ra đời trong thời đại internet bùng nổ, đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây, mô tả việc ứng dụng công nghệ (digitalize) vào tất cả các khía cạnh/hoạt động của công tác thư viện. Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện (transformation) cách thức mà thư viện mang lại cho xã hội, làm tăng hiệu quả phục vụ bạn đọc, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị to lớn cho người sử dụng thư viện. 3./ Các dạng thức của việc chuyển đổi số trong xã hội. Như vậy là bên cạnh khái niệm chuyển đổi số trong thư viện, chúng ta cũng có thể thấy và nhận biết những dạng thức khác về chuyển đổi số trong xã hội Việt Nam hiện nay, như: - Chính phủ điện tử/chính phủ số. - Kinh tế số. - Thư viện điện tử/thư viện ảo/thư viện số. 4./ Các yếu tố cơ bản để tiến hành chuyển đổi số trong thư viện. Rõ ràng chuyển đổi số trong thư viện là một quá trình và là quy luật tất yếu, khách quan trong xã hội, khi khoa học và công nghệ đã có nhiều thay đổi, đã tác động mạnh mẽ vào các ngành nghề, lĩnh vực trong đời sống xã hội (trong đó có thư viện). Sau đây chúng ta thử xem xét những yếu tố cơ bản nào có ảnh hưởng đến việc chuyển đổi số trong thư viện ở Việt Nam. + Cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin (bao gồm: máy móc, trang thiết bị, máy tính, phần mềm thư viện v.v…). + Kho sách báo, tài liệu in (có trong thư viện). 109
  3. + Nguồn nhân lực (bao gồm: kỹ sư máy tính, cán bộ thư viện, chuyên gia, nhà quản lý thư viện v.v..). + Kinh phí, tiền bạc. + Thời gian tiến hành. II.Thực trạng công tác chuyển đổi số trong thư viện Việt Nam thời gian qua. Ở Việt Nam, trong mấy thập kỷ qua, được sự chỉ đạo và quan tâm của Chính phủ về hiện đại hóa thư viện, việc ứng dụng CNTT trong thư viện đã được tiến hành trong thời gian khoảng 2 đến 3 thập kỷ (bắt đầu từ những năm 90 thế kỷ XX). Tuy nhiên, hoạt động này (có thể được coi như bước khởi đầu của chuyển đổi số) cũng không đồng bộ (có nơi làm trước, có nơi làm sau, có thư viện lớn được cấp nhiều tỷ, có thư viện nhỏ chỉ được vài trăm triệu), vì thế có thể nói bức tranh & kết quả ứng dụng CNTT trong các hệ thống thư viện ở Việt Nam cũng khá đa dạng, phong phú, nhiều màu, nhiều vẻ. Nếu coi việc chuyển dạng số (tức là xây dựng CSDL thư mục và CSDL toàn văn trong các thư viện) là bước đi ban đầu của chuyển đổi số trong hoạt động thư viện ở nước ta trong mấy chục năm qua là những cố gắng, nỗ lực của các hệ thống thư viện Việt Nam, thì sau đây là kết quả; ghi nhận bước đi đầu tiên, quan trọng và có ý nghĩa của hoạt động này. 2.1. Cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin. - Trang thiết bị: Nếu như giai đoạn trước (từ năm 1995-2005), đầu tư trang thiết bị qua các dự án của Bộ VHTTDL, thì hiện tại nhiều thư viện được đầu tư hạ tầng CNTT với những dự án lớn, được trang bị thiết bị tin học hiện đại, (ví dụ Thư viện Quốc gia VN với các dự án "Mở rộng và nâng cấp hệ thống thư viện điện tử/thư viện số tại Thư viện Quốc gia Việt Nam và hệ thống TVCC" năm 2006-2007 và 2013, Thư viện tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và các Thư viện tỉnh: Bình Dương; Quảng Ninh; Thanh Hóa; Nghệ An, Lạng Sơn; Bình Định; An Giang; Đắc Lắc; Khánh Hòa; Đồng Nai, Phú Yên; Thừa thiên-Huế...đều được lãnh đạo địa phương quan tâm đầu tư kinh phí hang tỷ đồng để xây dựng TVĐT-TVS). Cùng với đó, từ năm 2011 đến 2017, dự án "Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và tiếp cận Internet công cộng tại Việt Nam" do Quỹ Bill & Melinda Gates (Hoa Kỳ tài trợ), đã góp phần củng cố hạ tầng CNTT tại 40 thư viện tỉnh/thành phố, 360 thư viện huyện, 500 thư viện xã, dã cung cấp hơn 11.000 máy tính, tổng trị giá hơn 50 triệu USD Mỹ. - Máy chủ/máy trạm: Máy chủ: 100% các thư viện đã có máy chủ phục vụ vận hành các phần mềm quản lý thư viện, nhiều thư viện được đầu tư máy chủ vận hành các dịch vụ khác như Internet, thư điện tử, bảo mật. Về máy trạm: Số lượng máy tính dành cho hoạt động nghiệp vụ, cho người sử dụng tăng dần hàng năm. Tuy nhiên, có sự chênh lệch lớn về số lượng máy tính giữa các TVT: nhiều thư viện có số lượng máy 110
  4. tính lớn như: Thư viện Quốc gia VN (250 máy); Thư viện Tp. HCM (180 máy); Thư viện TP. Hà Nội (118 máy); Thư viện tỉnh Đắc Lắc (103 máy); Thư viện tỉnh An Giang (92 máy), ngược lại một số thư viện tỉnh có số lượng máy rất hạn chế như: Kiên Giang (10 máy); Hải Dương (10 máy); Hà Nam (13 máy); Lâm Đồng (18 máy); Long An (14 máy); Bến Tre (16 máy). - Đường truyền Internet: Ngoài TVQGVN sử dụng đường truyền kênh riêng (Leased-line), gần như 100% các TVCC đã chuyển từ đường truyền ADSL sang sử dụng đường truyền cáp quang (fiber), tốc độ trung bình là 34Mbps, thì tốc độ trên đã đảm bảo được hoạt động nghiệp vụ cũng như phục vụ người sử dụng trong quá trình chuyển đổi số. - Thiết bị số hoá tài liệu: Việc số hoá tài liệu cũng được coi trọng và đang được triển khai tại phần lớn các thư viện công cộng, các thư viện tỉnh đã được trang bị các thiết bị số hoá tài liệu ở các cấp độ hiện đại khác nhau, chủ yếu là máy scanner dạng phẳng (flatbed scanner) và máy ảnh kỹ thuật số, đặc biệt có TVQGVN, Thư viện Tp. Hồ Chí Minh, Thư viện TP Đà nẵng, Thư viện tỉnh Bình Dương … được trang bị máy scanner tự động/ hoặc bán tự động hiện đại, giúp đẩy nhanh công tác số hoá tài liệu, xây dựng các bộ sưu tập số quan trọng, phục vụ người sử dụng trong tương lai. 2.2. Ứng dụng các phần mềm quản lý thư viện - Các phần mềm quản trị thư viện đang được ứng dụng trong hệ thống TVCC như: iLib (CMC), Libol (Tinh Vân); CDS/ISIS (UNESCO), MyLib (Nguyễn Thanh Nhã), InforLlib (Đức Minh), SmiLib (CMC), zLIS (PSC), PYLIB, Vebrary (Lạc Việt), E-LIBMAN (Nguyễn Anh Tuấn), Elib (Phạm Đăng Lâm), iLibMe (CMC), VNLIB, EMICLIB (DGSoft), KIPOS (Hiện đại), EMICLIB (DGSoft)... Đối với phần mềm quản trị các bộ sưu tập số, một số thư viện công cộng được trang bị phần mềm thương mại như: TVQGVN với hệ thống docWorks (CCS) + Veridian (DL Consulting); Thư viện KHTH Tp. Hồ Chí Minh với Libol Digital…, một số sử dụng phầm mềm mã nguồn mở quản trị bộ sưu tập số DSpace (20 thư viện), Greenstone (5 thư viện), một số khác sử dụng chung tích hợp với phần mềm quản trị thư viện, đã phần nào đáp ứng yêu cầu quản lý các bộ sưu tập số phục vụ hoạt động chuyên môn, qua đó có thể nhận thấy nhu cầu trang bị phần mềm quản trị các bộ sưu tập số tại thư viện công cộng là khá cao. • Các phân hệ chức năng đã được ứng dụng: Phần lớn các phân hệ chức năng căn bản của phần mềm thư viện như: Quản lý bạn đọc; Quản lý bổ sung; Quản lý biên mục; Quản lý báo cáo; Quản lý kho; Quản lý tra cứu (OPAC); Quản lý lưu thông tại chỗ… đang được ứng dụng, đảm bảo công tác quản lý thư viện, phục vụ bạn đọc.Tuy nhiên 1 số phân hệ tồn tại bất cập vẫn chưa được giải quyết triệt để như: Quản lý quản lý ấn phẩm định kỳ; Quản lý mượn liên thư viện; Quản lý mượn-trả từ xa; Quản lý xuất nhập dữ liệu; Quản lý an toàn bảo mật – phân quyền… 111
  5. Đặc biệt một số thư viện đã tích cực, chủ động phát triển các phần mềm, công cụ, tiện ích hỗ trợ cho công tác nghiệp vụ, tạo ra các “sản phẩm đầu ra” cho thư viện đạt kết quả cao như các tỉnh. TP: Cần Thơ, Tiền Giang, Bình Định, Phú Yên, Hậu Giang đã khẳng định lòng yêu nghề, trách nhiệm và sự cống hiến không mệt mỏi của cán bộ thư viện. * Xây dựng nguồn lực thông tin dạng số: Đây là công việc có ý nghĩa lớn, có tính quyết định, khi chúng ta tiến hành xây dựng TVĐT/TVS và chuyển đổi số trong thư viện, để có được “Big Data” phục vụ người dùng tin/bạn đọc. - Thư viện Quốc gia Việt Nam: Có 5 CSDL thư mục (sách mới, báo-tạp chí...) với tổng số gần 700.000 biểu ghi. Đồng thời có Bộ sưu tập số gồm 7 CSDL toàn văn (Luận án tiến sĩ; Sách về Đông Dương (thời Pháp thuộc); Sách Hán-Nôm; Báo-Tạp chí; Vi phim-vi phiếu, băng đĩa CD...), với hơn 5 triệu trang tài liệu. - Thư viện KHTH Tp. Hồ Chí Minh: Có 03 CSDL thư mục (CSDL Sách: khoảng 400.000 biểu ghi; CSDL Bài báo trích: khoảng 200.000 biểu ghi; CSDL ấn phẩm định kỳ, khoảng 4.000 biểu ghi). Bộ sưu tập số, gồm CSDL toàn văn với hơn 1 triệu trang tài liệu, và CSDL (toàn văn ) sách Hán-Nôm (khoảng: 800 ngàn trang). - Thư viện TP. Hà Nội có 03 CSDL thư mục, (hơn 217.000 biểu ghi). -Thư viện tỉnh Thừa thiên-Huế có 05 CSDL thư mục (gần 200.000 biểu ghi) - Thư viện tỉnh Thanh Hóa có 03 CSDL thư mục(hơn 210.000 biểu ghi); - Thư viện tỉnh Bình Định có 02 CSDL thư mục(hơn 120.000 biểu ghi). - Thư viện TP. Cần Thơ có 03 CSDL thư mục (hơn 115.000 biểu ghi) - Thư viện tỉnh An Giang có 03 CSDL thư mục (hơn 79.000 biểu ghi) - Thư viện Thành phố Đà Nẵng có 04 CSDL thư mục (hơn 190.000 biểu ghi) Bên cạnh đó các thư viện tỉnh rất chú trọng số hóa tài liệu địa chí, (Thư viện tỉnh Yên Bái đã số hóa được hàng ngàn trang; Thư viện tỉnh Sơn La đã sưu tầm, số hóa được 313 tài liệu (sách chữ Thái cổ quí hiếm, với 9.000 trang) và 269 tài liệu địa chí với 32.610 trang; Thư viện tỉnh Khánh Hòa số hóa được 550 tài liệu quí hiếm. Thư viện tỉnhThừa Thiên-Huế đã số hóa được gần 70.000 trang tài liệu Hán-Nôm.Thư viện tỉnh Đồng Nai số hóa được 317 tài liệu địa chí với 24.544 trang; Thư viện tỉnh Gia Lai đã số hóa được 47.200 trang tài liệu... Thư viện tỉnh Bình Định số hóa được hơn 180 ngàn trang tài liệu địa chí....) * Về kinh phí chi cho xây dựng CSDL và chuyển đổi số (cả số hóa tài liệu thư viện): từ năm 1990 đến năm 2000, trong hệ thống TVCC được đầu tư nhỏ giọt, có thư viện tỉnh được chi cho hoạt động này từ 50 triệu đến 100 triệu đồng/năm.Từ năm 2001 đến nay; kinh phí chi cho xây dựng TVĐT-TVS và chuyển đổi số đã có chiều hướng tăng lên (bình quân từ 200 triệu đến 350 triệu /năm). Các thư viện lớn như: Thư viện Quốc gia VN, Thư viện TP Hồ Chí Minh, Thư viện TP Đà Nẵng ... được cấp kinh phí 112
  6. nhiều hơn (ví dụ: năm 2011, kinh phí cho việc số hóa tài liệu ở Thư viện Quốc gia VN đã lên tới gần 20 tỷ đồng). Cùng với việc xây dựng các CSDL thư mục, công tác phát triển nguồn thông tin số hoá toàn văn cũng được các thư viện coi trọng qua việc tự xây dựng các bộ sưu tập số, ưu tiên bộ sưu tập địa chí; tham gia các liên hiệp thư viện dùng chung CSDL; mua quyền truy cập CSDL trực tuyến trong và ngoài nước, đăng ký sử dụng CSDL trực tuyến miễn phí… 2.3. Nhân lực công nghệ thông tin: Nhân lực CNTT của hệ thống TVCC trong những năm qua vừa yếu vừa thiếu, là vì nhân lực CNTT trong hệ thống TVCC có độ biến động lớn, nhiều đơn vị đào tạo được một cán bộ lành nghề sau một thời gian làm việc, nếu có cơ hội tốt hơn ở một đơn vị khác họ sẽ chuyển và như vậy thư viện luôn luôn đặt trong tình trạng phải đào tạo cán bộ CNTT. Mặt khác các thư viện cũng tự đánh giá về số lượng, chất lượng cán bộ CNTT tại đơn vị chỉ đáp ứng được một phần, với số lượng rất ít thư viện cảm thấy hoàn toàn hài lòng về đội ngũ cán bộ thư viện hiện tại của mình biết / giỏi về ứng dụng CNTT trong thư viện. Thiếu nhân lực CNTT, và nhân lực đó thiếu được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp về ứng dụng CNTT trong thư viện, là những nguyên nhân gây khó khăn lớn cho các đơn vị trong hệ thống TVCC Việt Nam trong việc xây dựng TVĐT-TVS; dẫn đến hiệu quả ứng dụng CNTT tại TVCC thời gian qua đạt hiệu quả chưa cao. 2.4. Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc của các thư viện công cộng Việt Nam trong quá trình tiến hành chuyển đổi số thời gian qua. * Thuận lợi. - Có các văn bản chỉ đạo từ TW, trong đó có Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và Nghị quyết số 36 -NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”, cùng nhiều văn bản pháp quy quan trọng khác của các Bộ, Ban, ngành Trung ương về lĩnh vực CNTT trong hoạt động thông tin-thư viện. - Ở các thư viện, nhìn chung đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT, kinh phí, phần mềm chuyên dụng, nguồn nhân lực (cán bộ thư viện được đào tạo cơ bản về ứng dụng CNTT trong tác nghiệp thư viện) v.v.... - Nhìn chung cán bộ lãnh đạo thư viện nhận thức được xu thế tất yếu trong quá trình chuyển từ thư viện truyền thống sang hiện đại, vì vậy đã có sự chuẩn bị về tư duy quản lý, điều hành; đồng thời xây dựng lộ trình này sao cho phù hợp; đảm bảo hiệu quả, chất lượng. * Khó khăn, vướng mắc, hạn chế. 113
  7. - Hệ thống văn bản pháp quy về thư viện khá đầy đủ, song văn bản về ứng dụng CNTT trong thư viện, nhất là nội dung có liên quan đến xây dựng TVĐT/TVS ở Việt Nam, thì hầu như còn rất thiếu (nhiều văn bản chưa cụ thể, còn chung chung, chưa rõ ràng), nên rất khó vận dụng vào thực tiễn ở cả Trung ương và địa phương. - Nhìn chung, được sự chỉ đạo, quán triệt từ TW song ở mỗi thư viện lại được đầu tư khác nhau. Có thư viện triển khai đồng bộ, kinh phí, nhân lực dồi dào, thời gian, tiến độ nhanh chóng, thuận tiện, song có nơi do không chủ động được kinh phí, nên lộ trình ứng dụng CNTT bị gián đoạn; kinh phí cấp nhỏ giọt, nguồn nhân lực về thông tin -thư viện chuẩn bị cho công việc này rất thiếu và yếu v.v... - Các phần mền ứng dụng CNTT trong thư viện cũng khác nhau, do vậy việc ứng dụng trong thư viện về CNTT cũng có sự khác nhau. Các thư viện cũng khó trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau về phương pháp, kỹ năng ứng dụng CNTT sao cho hiệu quả, thiết thực. - Xây dựng thư viện điện tử-thư viện số/chuyển đổi số trong thư viện là việc làm mới mẻ, vì vậy kinh nghiệm cho vấn đề này còn quá ít. Nhiều thư viện vừa làm, vừa mầy mò, nghiên cứu vừa rút kinh nghiệm v.v... - Một số cơ quan tài chính ở các cấp chính quyền, do chưa hiểu đặc thù nghề thư viện, nên đã không sự ủng hộ về tài chính (tối đa) cho thư viện (nhất là việc “hồi cố” sách báo, mua sắm máy móc, trang thiết bị, phần mềm quản trị thư viện v.v....). - Một số cán bộ thư viện ngại học tập, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về máy vi tính, khi chuyển đổi sang các phương thức phục vụ mới/hiện đại...; tư duy quản lý của một số các bộ lãnh đạo thư viện thực sự chưa theo kịp xu thế thời đại; chưa đáp ứng được yêu cầu công việc này. - Đa số các thư viện chỉ sử dụng dịch vụ thông tin để phục vụ độc giả của mình; việc kết nối, liên thông, chia sẻ tài nguyên giữa các thư viện VN còn hạn chế. III. Đề xuất các giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong các thư viện Việt Nam. Từ những kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế trong việc chuyển đổi số ở Việt Nam thời gian qua, để phát đẩy mạnh và tăng cường việc chuyển đổi số trong thư viện, phục vụ hiệu quả CMCN 4.0 trong tương lai; xin được đề xuất một số giải pháp chủ yếu như sau: 1. Đổi mới & nâng cao nhận thức, tư duy quản lý; phương thức điều hành hoạt động thư viện trong CMCN 4.0. 114
  8. Như trên đã nói, phát triển thư viện Việt Nam trong kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra cơ hội mới và cả thách thức to lớn đối với Việt Nam, trong đó có ngành thông tin-thư viện. Vì thế, cán bộ lãnh đạo các thư viện từ Trung ương đến các địa phương cần nâng cao nhận thức và đặc biệt cần có tư duy đổi mới, mạnh mẽ, quyết liệt về vấn đề này; để có thể xây dựng/tổ chức điều hành hoạt động thư viện trong kỷ nguyên số; nhất là đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, xây dựng TVĐT-TVS. 2. Không ngừng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về công tác thư viện, trong đó có Luật Thư viện và các VBPQ quan trọng khác của Chính phủ, Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành Trung ương...(Lưu ý các nội dung, vấn đề liên quan đến đầu tư xây dựng và phát triển thư viện điện tử-thư viện số-thư viện ảo, vấn đề truy cập mở và bản quyền tác giả v.v....); tạo hành lang pháp lý thuận lợi và thông thoáng để tăng cường việc chuyển đổi số trong thư viện ở nước ta (đây có thể coi là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất hiện nay). 3. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng CNTT. Chúng ta biết rằng, ngay cả hiện nay, yếu tố CNTT, CSVC, trang thiết bị thư viện đã và đang là yếu tố quan trọng cho sự phát triển thư viện. Cho nên khi thư viện đẩy mạnh việc chuyển đổi số, phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0 với việc kết nối vạn vật, hệ thống định vị, cảm biến-điều khiển từ xa, thì công tác thư viện sẽ đòi hỏi đầu tư cao và chất lượng hạ tầng CNTT, về cơ sở vật chất với nhiều trang thiết bị hiện đại/siêu hiện đại (như máy chủ, scaner, máy trạm, các thiết bị khác); giúp cho cán bộ thư viện “làm chủ”/điều hành hiệu quả thiết bị thông tin-thư viện... 4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (đào tạo, tập huấn cán bộ thư viện, đảm bảo đủ số lượng & chất lượng tốt). Đây là nhu cầu tất yếu và quan trọng trong hoạt động thư viện khi bước vào kỷ nguyên số, phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này bắt buộc tất cả các bộ thư viện: từ người làm công tác quản lý, đến chuyên môn đều phải học tập không ngừng để nâng cao các kỹ năng/kỹ thuật, tham gia vận hành thư viện (trong mọi khâu, mọi quy trình, mọi tình huống tác nghiệp thư viện), đảm bảo trơn tru, mạch lạc, hiệu quả tốt nhất có thể. 5. Đẩy mạnh và tăng cường chuyển đổ số, xây dựng TVĐT-TVS trong thư viện. Đây là một trong những nội dung trọng tâm, khi thư viện hoạt động trong kỷ nguyên số và tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi lẽ thư viện truyền thống chắc chắn sẽ không đáp ứng được cuộc cách mạng này, thay vào đó, thư viện của chúng ta phải chủ động số hóa tài liệu, bổ sung các bộ sưu tập số (trong và ngoài nước), tăng cường xây dựng TVĐT-TVS với chất lượng cao, cường độ lớn, với nhiều “Big Data”, phục vụ bạn đọc, người dùng tin trên địa bàn và trong cả nước. Đây cũng là thước đo trình độ, hiệu quả của thư viện trong kỷ nguyên số (với nhiều tiện ích: tra cứu tài liệu từ xa, đọc trên mạng; photo tài liệu qua mạng.. và nhiều tiện ích quan trọng khác.) 115
  9. 6. Đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc, người dùng tin. Trong tương lai, các thư viện Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ phương thức phục vụ bạn đọc do những yêu cầu xã hội đặt ra, trong đó sẽ có nhiều hình thức mới, như: Truy cập tài liệu mở; ứng dụng công nghệ RFDI (đặt chỗ đọc tự động, mượn trả sách tự động, đọc đa phương tiện) để độc giả tiếp cận thông tin, tri thức tiện lợi hơn; (việc này vừa phải tiến hành song song với chuyển đổi số, vừa phục vụ bạn đọc). 7. Đẩy mạnh liên kết vùng miền, liên kết chia sẻ nguồn lực thông tin trong các thư viện. Đây là lĩnh vực thời gian qua các thư viện ở Việt Nam thực hiện còn yếu, do vướng mắc trong các quy định, thủ tục hành chính, hạ tầng công nghệ thông tin và nhát là bản quyền tác giả. Bởi lẽ, “Thư viện số chỉ có thể hoạt động hữu hiệu thông qua các mối quan hệ hợp tác nhằm chia sẻ nguồn lực, qua đó tạo nên một môi trường cho phép truy cập liên thông tới thông tin với nhiều đối tác”. Vì vậy, sắp tới, công tác này cần tiến hành mạnh, quyết liệt hơn, tránh lãng phí tài nguyên và nguồn lực thông tin trong các hệ thống thư viện Việt Nam; đáp ứng nhu cầu người đọc/ người dùng tin trong xã hội. Kết luận: Việc chuyển đổi số trong thư viện là một quá trình lâu dài, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và cả khách quan; đồng thời công tác chuyển đổi số để đẩy mạnh hiện đại hóa thư viện và phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số, trong CMCN 4.0 vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với ngành thư viện Việt Nam hiện tại và tương lai. Đó cũng là sự vận động của lịch sử, của ngành thư viện Việt Nam trong xu thế đổi mới và phát triển theo quỹ đạo chung của xã hội, của tiến trình lịch sử và văn minh nhân loại, trong đó thư viện nước ta cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn, quyết liệt và toàn diện hơn, để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, nếu như không muốn tụt hậu với thời cuộc và xã hội./. 116
nguon tai.lieu . vn