Xem mẫu

  1. Hội thảo khoa học Quốc gia Quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Việt Nam CHUYỂN ĐỔI SINH KẾ TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA Ở MIỀN NÚI - CÂU CHUYỆN CỦA NGƯỜI DAO TẠI XÃ TẢ PHÌN, HUYỆN SA PA, TỈNH LÀO CAI Đào Thanh Thái Khoa Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội Email: daothanhthai@gmail.com Tóm tắt: Quá trình đô thị hóa cùng những ảnh hưởng của du lịch đã làm thay đổi bộ mặt đời sống cộng đồng dân tộc thiểu số, trong đó có người Dao tại xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Trong nghiên cứu này, chúng tôi chỉ ra sự thích ứng một cách nhanh chóng của người Dao trong việc đa dạng nguồn sinh kế hộ gia đình bằng việc khai thác nguồn tài nguyên sẵn có tại cộng đồng. Các nguồn thu nhập từ thu hái dược liệu tới các loại hình sinh kế mới như kinh doanh homestay, bán thổ cẩm, hướng dẫn du lịch,… đã mang lại cho người dân nguồn thu nhập cao hơn nhiều so với hoạt động kinh tế truyền thống từ đó tạo sự thay đổi đời sống tinh thần cũng như vật chất của người dân nơi đây. Từ khóa: Đô thị hóa, người Dao, Sa Pa, du lịch. 1. MỞ ĐẦU Đô thị hóa được coi là một quá trình phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội, chính vì vậy đòi hỏi cần có một phương pháp tiếp cận đa dạng của nhiều ngành khoa học [4]. Việc nghiên cứu về đô thị hóa trong những năm qua đã được nhiều nhà khoa học quan tâm dưới những góc độ khác nhau. Tuy nhiên các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào các thành phố, trung tâm kinh tế - xã hội nhằm tìm ra những biểu hiện của đô thị hóa, từ đó đưa ra các vấn đề đô thị hóa phải đối mặt, trên cơ sở đó, xây dựng các khung lý thuyết, học thuyết, các lý luận [9, 4]. Tại Việt Nam, quá trình đô thị hóa phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, việc nghiên cứu vấn đề này cũng được các nhà khoa học quan tâm dưới nhiều góc độ khác nhau từ văn hóa, xã hội, môi trường, nhân học/dân tộc học [5, 6]. Đặc biệt việc đầu tư vào các khu đô thị miền núi cùng những tác động của du lịch đã tạo ra sự đa dạng nguồn thu nhập của hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Sa Pa là một huyện vùng cao ở Lào Cai với trên 65.000 dân sinh sống, phân bố thành 98 làng, bản, trong đó có 15 làng người Dao, chiếm 24 % dân số của huyện. Du lịch Sa Pa được hình thành từ đầu thế kỷ XX nhưng hơn 15 năm qua mới phát triển khá mạnh. Năm 1992, Sa Pa đón 5.000 lượt khách, đến năm 2015, Sa Pa đón 800.000 du khách với 113.333 khách quốc tế. Trong 9 tháng đầu năm 2019, có 490.000 lượt khách đến Sa Pa, số lượng khách quốc tế có gần 100.000 người của 81 nước và vùng lãnh thổ. Sa Pa trở thành một trong 15 trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước. Hầu hết khách du lịch quốc tế đến Sa Pa đều đến thăm các bản làng. Vì vậy, du lịch đã tác động mạnh mẽ đến nông thôn Sa Pa, đặc biệt tới bản của người Dao tại Tả Phìn [3]. Phương pháp nghiên cứu: Trong quá trình nghiên cứu phương pháp phỏng vấn sâu, quan sát tham dự trong nghiên cứu dân tộc học được sử dụng tối đa và áp dụng với nhiều đối tượng khác nhau như: Trưởng thôn, những người bán hàng thổ cẩm cho khách du lịch, người già, lãnh đạo địa phương là người dân tộc và cán bộ huyện nằm vùng, hội phụ nữ,… để có thông tin cần thiết và cụ thể nhất về hoạt động kinh tế cũng như sự hòa nhập vào nhịp độ phát triển du lịch mạnh mẽ của người Dao Đỏ nơi đây. Thông qua phương pháp phỏng vấn việc sử dụng phỏng vấn mở và phỏng vấn bán cấu trúc được thực hiện thường xuyên tại thực địa. + Phỏng vấn mở: Là phương pháp phỏng vấn tự do, câu hỏi được đặt ra tùy thuộc vào hoàn cảnh, thứ tự các nội dung câu hỏi có thể thay đổi dựa trên câu trả lời của người cung cấp thông tin. Đối tượng phỏng vấn tập trung vào những người bán thổ cẩm, và những người làm nghề hướng dẫn du lịch cho khách tại điểm nghiên cứu. Những cuộc phỏng vấn này thường không chính thức, nó như những buổi trò truyện, trao đổi với người dân trong lúc rỗi rãi. + Phỏng vấn bán cấu trúc: Phương pháp phỏng vấn được sử dụng trên cơ sở một sườn thông tin cần phỏng vấn, là một danh mục các câu hỏi được chuẩn bị trước và cách đặt câu hỏi (thứ tự câu hỏi) cũng như các câu hỏi mới phát sinh trong quá trình phỏng vấn có thay đổi tùy theo đối tượng phỏng vấn. Đối tượng phỏng vấn là những người tham gia vào các hoạt động du lịch tại địa phương.
  2. Chuyển đổi sinh kế trong quá trình đô thị hóa ở miền núi - 259 câu chuyện của người Dao tại xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai 2. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 2.1. Đô thị hóa và tác động tới sinh kế Ngành du lịch - dịch vụ được coi là thế mạnh của Sa Pa. Trong những năm qua với sự mở cửa của nền kinh tế, là cơ hội cho Sa Pa phát triển mạnh mẽ. Toàn huyện có tới gần 400 cơ sở kinh doanh thương nghiệp, nhà nghỉ, khách sạn. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã được hình thành. Hệ thống thương nghiệp quốc doanh được củng cố, góp phần ổn định giá cả, cung cấp các mặt hàng thiết yếu. Doanh thu từ du lịch - dịch vụ tăng nhanh, du lịch kéo theo nhiều loại hình dịch vụ của địa phương, tạo sức hấp dẫn cho thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy quá trình đô thị hóa ở địa phương. Sự phát triển mạnh mẽ của loại hình kinh tế du lịch đã tạo nhiều công ăn việc làm tăng thu nhập cho người dân, đời sống nhân dân được cải thiện. Trong cơ cấu kinh tế, ngành này chiếm tỉ trọng cao và tăng nhanh, năm 2015 chiếm 59% trong cơ cấu GDP đến năm 2019 tăng lên 71% [7]. Việc nâng cấp phát triển các tuyến điểm du lịch được chú trọng bởi nhu cầu của khách du lịch muốn tới các làng bản để tham gia quan sát hoạt động sản xuất của các dân tộc, tìm hiểu bản sắc dân tộc cũng như phong tục tập quán tại địa phương. Các tuyến điểm du lịch của huyện Sa Pa được mở rộng, chỉ tính riêng về số điểm du lịch chính, Sa Pa đã chiếm 12 trong số 28 điểm du lịch toàn tỉnh (chiếm 43 %). Hoạt động du lịch tại Tả Phìn đã xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ XX, tuy nhiên hầu hết là hoạt động tự phát. Các hoạt động du lịch bắt đầu nở rộ khi huyện nâng cấp tuyến đường liên xã nối từ cầu 32 vào Tả Phìn cũng như bê tông hóa đường vào động Tả Phìn. Chính nhờ vậy lượng khách du lịch tìm tới Tả Phìn ngày càng đông. Theo thống kê năm 2014 Tả Phìn đón 2.762 đoàn khách với 3.576 lượt, trong đó 23 lượt khách lưu trú. Đến năm 2019 Tả Phìn đón 16.000 lượt khách, trong đó 59 lượt khách lưu trú. Doanh thu từ du lịch đạt 678.900.000 đồng (2019). Qua đó cho thấy du lịch Tả Phìn tốc độ tăng trưởng nhanh. Số nhà nghỉ tại gia (homestay) liên tục tăng, năm 2010 chỉ có 4 cơ sở phục vụ khách nhưng tới năm 2019 tăng lên 11 cơ sở. Hình thức lưu trú tại nhà được xây dựng thông qua dự án của tổ chức phát triển du lịch cộng đồng của Canada kết hợp với trường Đại học Mở Hà Nội hướng dẫn thực hiện với 05 hộ gia đình người Dao đỏ tham gia và tiếp tục được phát triển trong những năm tiếp theo. Cùng với đó hàng loạt các dịch vụ phát triển theo như tắm lá thuốc dân tộc Dao đỏ, dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, hàng tạp hóa xuất hiện tại trung tâm xã đã đem lại nguồn thu đáng kể cho người địa phương. Như vậy, có thể thấy hoạt động du lịch ở Tả Phìn diễn ra nhộn nhịp và sôi động trong những năm gần đây. Các tổ chức phi Chính phủ, dự án trong và ngoài nước đầu tư cho du lịch Tả Phìn, giúp Tả Phìn có nhiều cơ hội phát triển dựa trên tiềm năng và thế mạnh sẵn có của mình. 2.2. Những biến đổi trong sinh kế của người Dao 2.2.1. Sinh kế truyền thống của người Dao - phương thức kiếm sống mang tính tộc người Người Dao đỏ ở Tả Phìn - Sa Pa - Lào Cai là bộ phận dân cư cư trú ở độ cao 1.300 m so với mực nước biển, do đó nguồn thu nhập chính của người dân từ nông nghiệp và nghề rừng, các nguồn thu nhập khác chiếm tỷ lệ thấp. Bên cạnh thu nhập từ nông nghiệp và khai thác rừng, người Dao đỏ Tả Phìn ở Sa Pa còn có nguồn thu nhập từ nhiều hoạt động khác phản ánh bức tranh sinh kế khá phong phú. Sinh kế từ nông nghiệp Đây là nguồn thu nhập chính của người Dao đỏ, nương rẫy của họ khá xa khu vực cư trú. Cây trồng trên nương chủ yếu là ngô tại đây có loại ngô trắng ăn ngon và dẻo, nhưng năng suất không cao. Ngô trở thành nguồn lương thực chính trong mùa giáp hạt. Theo Chảo Sử Mẩy - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tả Phìn cho biết “Thì ngày xưa, cứ tới tháng 4 là hết gạo phải ăn ngô, giống ngô trắng (ngô địa phương) ăn ngon, mỗi ngày xay ra làm 2 - 3 mẻ bánh để ăn, gia đình nào không có ngô lại phải đi đổi sắn khô ở nơi khác về trộn với gạo chống đói. Bây giờ đã đủ ăn ngô chỉ dùng để nướng, luộc và cho lợn, gà, vịt ăn”. Ngoài ngô cây Thảo quả cũng đóng góp vào nguồn thu của hộ gia đình người Dao, tuy nhiên sản lượng không đều, vì vậy chỉ có ý nghĩa hỗ trợ cho kinh tế hộ của người dân. Một trong những hình ảnh đặc trưng của người Dao đỏ Tả Phìn là những chân ruộng bậc thang, nơi gần nguồn nước trồng lúa. Tại đây họ cấy các giống lúa địa phương: Thóc trắng, thóc đỏ, nếp dâu (rẻo và ngon dùng làm các loại bánh), nhưng các giống lúa này hạt rất thưa, năng suất thấp, chỉ đạt 18 - 19 tạ/ha. Trong những năm gần đây, nhờ các chính sách đầu tư chuyển đổi giống cây trồng, xã Tả Phìn đã vận động, hỗ trợ người dân mua giống lúa lai Trung Quốc, giống lúa Nghị ưu 838 có thời gian sinh trưởng ngắn, chịu được khí hậu lạnh, cho năng suất cao, có
  3. 260 Đào Thanh Thái thể đạt 40 tạ/ha (gấp đôi giống lúa địa phương). Ngoài lúa và ngô là cây lương thực chính, thì người Dao còn trồng một số cây ăn quả như mận, đào, lê, chè,…, tuy nhiên quy mô nhỏ, năng suất thấp, chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm của gia đình. 2.2.2. Những loại hình sinh kế mới Homestay - cho khách lưu trú tại nhà: Mô hình này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu những chuyển biến căn bản trong nhu cầu du lịch trên thế giới. Khách du lịch muốn tới nghỉ tại điểm du lịch này một mặt nhằm tìm sự thoải mái về tinh thần, cân bằng trạng thái tâm lí và khám phá những giá trị đích thực của cuộc sống. Trong mô hình này, khách du lịch phải tôn trọng những giá trị truyền thống và văn hóa địa phương. Điều quan trọng là loại hình du lịch này do chính cộng đồng dân tộc đó tạo ra, nắm bắt được ưu điểm, giá trị độc đáo nơi mình đang sống trước làn sóng du lịch tràn về. Tả Phìn là một trong các điểm phát triển mô hình trên tại Sa Pa, tới nghỉ tại Tả Phìn du khách được sử dụng những sản phẩm thổ cẩm, thưởng thức những món ăn truyền thống của người Dao (thịt sấy khô, thịt chua, măng rừng, rau đắng, rượu mầm thóc,…) được hít thở không khí trong lành, mát mẻ, được tham gia các hoạt động theo phong tục tập quán của người Dao trong sản xuất cũng như trong cuộc sống đời thường (lễ cấp sắc, lễ tết nhảy, đám cưới, tang ma,…). Từ những hộ người Dao đầu tiên tham gia đến nay, mô hình này đã đem lại thu nhập tương đối ổn định cho người dân. Những hộ tham gia Homestay được cấp giấy phép của chính quyền địa phương, cam kết thực nội quy mà tiêu chuẩn của dịch vụ Homestay đề ra như đăng kí tạm trú tạm vắng cho khách lưu trú tại nhà; không gian nhà rộng rãi, thoáng mát, có phòng ngủ riêng cho khách, giường chiếu đầy đủ chăn, màn, gối đệm; công trình vệ sinh sạch sẽ, bếp nấu nướng gọn gàng; tôn trọng, đối xử lịch sự với khách. Ngược lại khách lưu trú cũng phải tuân thủ những nội quy, phong tục tập quán của gia đình khi nghỉ tại nhà như: Không được thức khuya làm ảnh hưởng tới gia đình vì họ cần phải đi ngủ sớm để dậy sớm; muốn chụp ảnh người hay đồ vật trong nhà phải được sự đồng ý của chủ nhà; bàn thờ là nơi linh thiêng của gia đình người Dao, không được ngồi quay lưng về phía bàn thờ; ăn uống sinh hoạt theo giờ giấc của gia đình; bỏ rác đúng nơi quy định. Mức giá nghỉ đêm tại các gia đình làm Homestay từ 60.000 - 90.000 đồng/người/đêm, kết hợp cả dịch vụ tắm thuốc từ 50.000 - 70.000 đồng/lần (tùy số lượng khách), ngoài ra khách còn được phục vụ ăn uống khi có nhu cầu. Mỗi năm các hộ gia đình thu 3 - 5 triệu đồng từ các dịch vụ này. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy khách tới lưu trú thường xuyên chủ yếu là khách nước ngoài, sinh viên,… Bán hàng thổ cẩm: Một trong trong những nguồn thu nhập của phụ nữ Dao ở đây là tham gia bán hàng cho khách du lịch tại trung tâm xã, sản phẩm của họ là những chiếc khăn, vòng tay, mũ,… được làm và thêu trên chất liệu thổ cẩm truyền thống. Giá trị của các mặt hàng này không lớn, theo người dân mỗi ngày mỗi người trung bình bán được khoảng từ 100.000 đến 150.000 đồng, tuy nhiên chỉ tập trung vào những tháng hè khi mà lượng khách đi du lịch đông nhất. Nếu so sánh nguồn thu nhập truyền thống từ nông nghiệp, có thể thấy thu nhập từ bán hàng khá cao, trong khi đó công việc ít nặng nhọc, đỡ vất vả hơn. Kinh doanh dược liệu: Người Dao có khá nhiều kinh nghiệm liên quan tới sử dụng và bào chế các loại dược liệu, hiện nay tại đây có một số cơ sở chuyên bốc thuốc và bán cho khách du lịch có nhu cầu, theo ông Ph D. T. “Một ngày trung bình có 3 người tới bốc thuốc, tùy từng loại bệnh mà thuốc có giá khác nhau, bệnh dễ chữa thì chỉ 70.000 đồng/thang, bệnh khó chữa giá 100.000 - 200.000 đồng/thang”. Kết hợp cắt thuốc uống, các gia đình này còn bán thuốc tắm (chữa bệnh đau xương, đau khớp, chăm sóc sức khỏe phụ nữ sau khi sinh,...), thuốc đã qua sơ chế phơi khô đóng thành từng thang giá cả tương đương tắm tại chỗ 50.000 - 70.000 đồng/thang. Hướng dẫn viên du lịch: Hoạt động hướng dẫn du lịch là người địa phương rất thu hút du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, tại Tả Phìn có 12 người tham gia hướng dẫn du lịch. Thu nhập từ hoạt động hướng dẫn du lịch khá cao, khoảng 200.000 đồng/ngày, các tháng cao điểm có thể đạt từ 3 - 4 triệu đồng/tháng/người. Nguồn thu nhập từ các hoạt động này làm phong phú và đa dạng bức tranh sinh kế của người Dao, không chỉ đơn thuần dựa vào nông nghiệp mà còn biết tăng thu nhập cho gia đình bằng những sinh kế mới - sinh kế du lịch, góp phần làm đa dạng hóa loại hình kinh tế, thu nhập thêm từ dịch vụ, đưa đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Sinh kế nhờ tiếp cận thị trường: Người Dao bắt đầu đem những sản phẩm mà mình làm ra được hay kiếm được ra chợ bán, từ hàng thổ cẩm tới những lâm sản trên rừng (hoa chuối, phong lan, cây thuốc,…). Nhờ đó, rất nhiều sản phẩm của người Dao đỏ được thương mại hóa, trong đó cây thuốc tắm truyền thống của người Dao đỏ Tả Phìn có giá trị chữa bệnh, tăng cường sức khỏe được nhiều người biết đến, dẫn đến nhiều dịch vụ tắm thuốc ở thị trấn Sa Pa. Theo kết quả khảo sát cho thấy, hiện nay có khoảng 25 hộ người Dao đỏ ở Tả Phìn thường xuyên thu hái các loại dược liệu trong rừng cung cấp cho các cửa hàng tại thị trấn. Thu nhập từ nguồn này khá lớn khoảng 400.000 đồng/lần. Không những vậy tại đây đã thành lập công ty tắm thuốc dân tộc Dao đỏ do chính
  4. Chuyển đổi sinh kế trong quá trình đô thị hóa ở miền núi - 261 câu chuyện của người Dao tại xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai người dân quản lý và vận hành từ năm 2006 đến nay. Cơ sở vật chất của công ty là khu nhà cấp 4 chia làm 3 khu liền nhau: Khu sản xuất (3 bếp đun theo mô hình khép kín, theo các giai đoạn chiết suất); Khu dịch vụ (3 phòng tắm tại chỗ); Phòng khách. Sản phẩm kinh doanh kết hợp giữa tắm thuốc tại chỗ, và bán thuốc tắm chiết xuất đóng chai, doanh thu đạt 150 triệu [8]. Như vậy, nhờ năng động tiếp cận với thị trường, tạo cho người Dao ở Tả Phìn nhiều cơ hội việc làm mới, có thêm nguồn thu nhập mới, mở ra những nghề kinh doanh mới, làm đa dạng hóa hoạt động kinh tế trong bức tranh sinh kế của mình, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần ổn định an sinh xã hội 3. KẾT LUẬN Sự tác động của quá trình đô thị hóa và phát triển du lịch đã có tác động mạnh mẽ tới đời sống cộng đồng người Dao tại Tả Phìn, đứng trước sự thay đổi và tác động của nhiều yếu tố, của quá trình đô thị hóa, nhất là tốc độ phát triển du lịch ngày càng lan tỏa mạnh làm thay đổi môi trường và điều kiện sống thúc đẩy cộng đồng người Dao đỏ tìm kiếm và xác lập những sinh kế mới (đặc biệt là các sinh kế bền vững). Sinh kế mới thể hiện trong tư duy kinh doanh mới nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần hiện tại, thích nghi hòa nhập với cuộc sống chung của xã hội rộng lớn hơn rất nhiều so với cộng đồng nhỏ bé, đó là quá trình hội nhập kinh tế thị trường của người Dao đỏ. Họ biết tận dụng cơ hội, khai thác du lịch, tiếp cận thị trường, tín dụng. Nhờ đó, góp phần làm đa dạng hóa cơ cấu ngành nghề, tăng nguồn thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Thực tế cho thấy sinh kế mới do chính bản thân cộng đồng người Dao đỏ chủ động tìm kiếm và xác lập ngay tại địa phương của mình trước tác động của làn sóng du lịch. Họ tổ chức câu lạc bộ thêu dệt thổ cẩm, bán hàng thổ cẩm cho khách du lịch, mở dịch vụ tắm thuốc, homestay (cho khách lưu trú tại nhà), sản phẩm thủ công từ vai trò tự cung tự cấp trong gia đình đã trở thành hàng hóa cung ứng trên thị trường, thuốc tắm tri thức bản địa của tổ tiên người Dao cũng trở thành dịch vụ kinh doanh. Nguồn thu nhập từ sinh kế mới đem lại biết bao đổi thay cả đời sống vật chất, đời sống tinh thần cho cộng đồng người Dao đỏ Tả Phìn, nhà cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ (xe máy, ti vi, máy xát, máy khâu, bàn ghế,…) trình độ hiểu biết ngày một nâng cao. Quá trình chuyển đổi này nằm trong quy luật chung của sự phát triển mà các dân tộc đang từng bước tiến tới. Đó cũng là chính sách xã hội nói chung, chính sách dân tộc nói riêng mà Đảng và Nhà nước đề ra nhằm phát huy yếu tố con người, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của mỗi dân tộc, như vậy mới mong đem lại sự bền vững lâu dài. Người Dao đỏ Tả Phìn - Sa Pa là ví dụ điển hình, tiêu biểu cho ý thức tự vươn lên nâng cao đời sống bằng sự kết hợp sinh kế truyền thống với sinh kế mới vượt qua đói nghèo, góp phần xây dựng xã hội giàu đẹp. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Lê Như Hoa (2000), Quản lý văn hóa đô thị trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin Hà Nội và Viện Văn hóa. [2]. Đỗ Thị Huệ (1997), Mấy khía cạnh văn hóa trong quá trình đô thị hóa ở nước ta hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu lý luận, Số 2, Tr. 36 - 37. [3]. Phòng Thương Mại - Du Lịch huyện Sa Pa, Tổng kết công tác Thương mại - Du lịch năm 2019. Phương hướng nhiệm vụ 2020 (Tài liệu lưu trữ tại Phòng Thương mại và Du lịch huyện Sa Pa). [4]. Pivovarov (1976), Những đặc điểm của công tác nghiên cứu đô thị và hiện tượng đô thị hóa, Nhà xuất bản Matscơva (bản dịch thư viện Viện Dân tộc học). [5]. Vương Xuân Tình, Trần Văn Hà và các cộng sự (2007), Tác động của đô thị hóa đến sự biến đổi kinh tế - xã hội ở các tộc người vùng miền núi phía Bắc, 1986 - 2006, Đề tài cấp Viện, Viện Dân tộc học. [6]. Nguyễn Ngọc Tuấn (chủ biên) (2003), Những vấn đề kinh tế - xã hội và môi trường vùng ven các đô thị lớn trong quá trình phát triển bền vững, Nhà xuất bản Khoa học và Xã hội, Hà Nội. [7]. UBND huyện Sa Pa, Báo cáo kết quả thực hiện chỉ tiêu KTXH – ANQP năm 2018. Phương hướng nhiệm vụ 2019 (Tài liệu lưu trữ Văn phòng UBND huyện Sa Pa). [8]. UBND xã Tả Phìn, Báo cáo tổng kết thường niên 2018, 2019. (Tài liệu lưu trữ Văn phòng UBND xã Tả Phìn). [9]. Yanitski O. N. (1975), Đô thị hóa và những mâu thuẫn xã hội của chủ nghĩa tư bản, Nhà xuất bản Matscơva (bản dịch thư viện Viện Dân tộc học).
  5. 262 Đào Thanh Thái LIVELIHOOD TRANSFORMATION IN THE URBANIZATION PROCESS IN THE MOUNTAINOUS AREA – STORY OF DAO PEOPLE IN TA PHIN COMMUNE, SA PA DISTRICT, LAO CAI PROVINCE Dao Thanh Thai Tourist faculty, Industrial University of Hanoi Email: daothanhthai@gmail.com Abstract: The process of urbanization and the effects of tourism have changed the face of the ethnic minorities' lives, including the Dao in Ta Phin commune, Sa Pa district, Lao Cai province. In this study, we point out the rapid adaptation of the Dao people to diversify their household livelihoods by utilizing the resources available to the community. Income sources from collecting medicinal materials to new livelihoods such as homestay business, brocade sale, tourist guides,... have brought people a much higher income than traditional economic activities, thereby changing the spiritual and material life of the people here. Keywords: Urbanization, Dao people, Sa Pa, tourism.
nguon tai.lieu . vn