Xem mẫu

  1. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP Nguyễn Đoàn Thảo Linh*, Nguyễn Thị Thanh** 1 2 TÓM TẮT: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp ở Việt nam đã được Đảng và nhà nước ta quan tâm thông qua các chính sách hỗ trợ như chính sách tín dụng, chính sách đầu tư, chính sách thuế và một số chính sách hỗ trợ khác. Các chính sách này được thể hiện thông qua các văn bản pháp luật. Từ những quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật cho thấy còn bộc lộ nhiều bất cập, thiếu tính đồng bộ. Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp cụ thể đối với các chính sách này nhằm hỗ trợ có hiệu quả nhất đối với các DN khởi nghiệp nói chung và các DN nhỏ và vừa khởi nghiệp nói riêng ở Việt nam để startup Việt Nam ngày càng phát triển. Từ khóa: Khởi nghiệp; Khởi nghiệp sáng tạo; Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chính sách tín dụng, chính sách đầu tư, chính sách thuế 1. GIỚI THIỆU CHUNG: Vấn đề “Khởi nghiệp” hiện nay đã và đang được Việt nam và nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Hiểu đúng khái niệm về khởi nghiệp, đối tượng và mục tiêu của các chương trình chính sách khởi nghiệp sẽ là tiền đề cho việc xây dựng các chính sách đúng, khung khổ pháp lý phù hợp và chương trình hỗ trợ hiệu quả để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, biến Việt Nam thành miền đất lành cho khởi nghiệp. Theo Global Entrepreneurship Monitor thì: “…Khởi nghiệp được hiểu là những nỗ lực thực hiện các mạo hiểm về kinh doanh hoặc thành lập một doanh nghiệp mới, có thể dưới hình thức tự thuê, tự doanh, làm việc một mình, thành lập một doanh nghiệp mới, hoặc mở rộng doanh nghiệp hiện tại bởi một cá nhận, nhóm cá nhận hoặc bởi một doanh nghiệp đã thành lập….” Tại khoản 2 điều 3 Luật hỗ trợ DNNVV năm 2017 quy định: “ Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh”. Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế, chiếm gần 97% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước, sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP… Số tiền thuế và phí mà các doanh nghiệp này đã nộp cho Nhà nước đã tăng 18,4 lần sau 10 năm. Tuy nhiên, theo một thống kê bỏ túi từ 100 người đã khởi nghiệp trong 02 năm trở lại đây thì 80% đứng trước nguy cơ giải thể trong năm đầu tiên hoạt động. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc thiếu vốn (chiếm 40%); thiếu kiến thức về quản trị điều hành doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 50%), thiếu kinh nghiệm thực tế trong môi trường kinh doanh (chiếm 30%). Rõ ràng, Việt Nam đang chứng kiến sự trỗi dậy của một thế hệ doanh nhân ngày càng trẻ hơn về tuổi đời. Họ tự tin, quyết liệt, mạnh mẽ để tự tạo ra việc làm cho bản thân mình và cho nhiều * Công ty TNHH PwC Việt Nam, Tầng 16 Keangnam Landmark Tower, Hà Nội, Việt Nam ** Học viện Tài chính, Hà Nội, Việt Nam, Tác giả nhận phản hồi: Nguyễn Đoàn Thảo Linh . Tel.: +84 979557288. E-mail address: linhndt1911@gmail.com
  2. INTERNATIONAL CONFERENCE STARTUP AND INNOVATION NATION 1157 người khác. Dù vậy, để doanh nhân trẻ khởi nghiệp thành công, họ rất cần sự đồng hành của rất nhiều tổ chức và cá nhân và đặc biệt cần có cơ chế chính sách hỗ trợ rõ ràng và đầy đủ. 2. THỰC TRẠNG CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHO KHỞI NGHIỆP KINH DOANH ĐỐI VỚI DNNVV TẠI VIỆT NAM Trong những năm gần đây, hệ thống pháp luật kinh doanh đối với DN nói chung và DNNVV nói riêng đã từng bước được hoàn thiện. Nhiều văn bản luật mới được ban hành hướng tới việc rỡ bỏ các rào cản trong kinh doanh và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các hoạt động của các DNNVV. 2.1. Chính sách tín dụng đối với DNNVV khởi nghiệp Các chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp tập trung vào bảo lãnh tín dụng và các quỹ hỗ trợ vay vốn đối với các DNNVV khởi nghiệp. Cụ thể là hợp tác với các tổ chức tín dụng để cung cấp vốn giá rẻ, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; Chính sách cấp bù lãi suất đối với các khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trong từng thời kỳ thông qua các tổ chức tín dụng; Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam; Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng đối với các DN khởi nghiệp đáp ứng quy mô về lao động hoặc nguồn vốn là doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp...Tháng 3 năm 2018 Chính phủ đã ban hành nghị định 34/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018 [4] về việc thành lập, tổ chức, hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo đó các DNNVV được bảo lãnh tín dụng theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn, có tiềm năng phát triển nhưng chưa đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng ở các lĩnh vực được ưu tiên cấp tín dụng theo quy định tại Nghị định này. Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét cấp bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tối đa bằng 100% giá trị khoản vay tại tổ chức cho vay. Mặc dù đã có các chính sách tín dụng hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp tuy nhiên các DNNVV khởi nghiệp hiện nay phần lớn đều có quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ, tài sản dùng để thế chấp ngân hàng còn hạn chế hoặc không có. Chính vì vậy việc huy động vốn của các DNNVV hiện nay còn rất khó khăn. 2.2. Về chính sách đầu tư hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp Luật Hỗ trợ DNNVV số 04/2014/QH14 ban hành ngày 12/6/2017 [2] chính thức ghi nhận cơ sở pháp lý của hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo: “Nhà đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo bao gồm Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo” (khoản 1 Điều 18). Năm 2018 thì Chính phủ đã ban hành quy định chi tiết về chính sách đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua việc ban hành nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 [5] về việc thành lập và tổ chức hoạt động của Quỹ đầu tư khởi nghiệp, cơ chế sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Trong nghị định đã chỉ rõ Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là quỹ được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân để thực hiện đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạp theo các hình thức mà pháp luật không cấm như góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo...Cơ chế sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được hiểu là các tổ chức tài chính nhà nước của địa phương thực hiện đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo các nguyên tắc như lựa chọn các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đủ điều kiện để cùng đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; khoản vốn đầu tư từ ngân sách địa phương không quá 30% tổng vốn đầu tư mà DN khởi nghiệp sáng tạo huy động được từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được lựa chọn; tiến hành chuyển nhượng vốn đầu tư cho nhà đầu tư tư nhân trong thời hạn 5 năm kể từ thời điểm góp vốn đầu tư..
  3. 2.3. Về chính sách thuế hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp Quy định về chính sách thuế gần nhất để khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên trong quy định của các luật thuế này chỉ dừng lại ở quy định chung về ưu đãi thuế đối DN mới thành lập. Cụ thể theo Nghị định Số: 218/2013/NĐ-CP [3] về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời gian 15 năm đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: Thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo DN công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển; đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo DN công nghệ cao; đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; sân bay, nhà ga và công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định...,DN thực hiện chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được giảm 50% số thuế TNDN phải nộp tính trên phần thu nhập từ chuyển giao công nghệ; Miễn thuế đối với một số khoản thu nhập: Thu nhập nhận được từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ được miễn thuế trong thời gian thực hiện hợp đồng, nhưng tối đa không quá 03 năm kể từ ngày bắt đầu có doanh thu từ thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Thu nhập từ bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ được miễn thuế tối đa không quá 05 năm kể từ ngày có doanh thu từ bán sản phẩm; Thu nhập từ bán sản phẩm sản xuất thử nghiệm trong thời gian sản xuất thử nghiệm theo quy định của pháp luật; Cho phép DN được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN. Tuy nhiên, các hỗ trợ về thuế đối với DNNVV khởi nghiệp sáng tạo cũng đã được thể hiện trong các văn bản pháp luật như: Mục 2 Điều 18 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định: “Nhà đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tại khoản 1 Điều này được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn đối với thu nhập từ khoản đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp” 2.4. Các chính sách khác hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp Theo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa mặc dù có đề cập đến việc hỗ trợ thuế và kế toán cho DN nhỏ và vừa (Điều 10) Cụ thể: Doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán; Đối với DN khởi nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, các quy định về chế độ kế toán riêng cũng được nghiên cứu để ban hành đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế - tài chính và phù hợp với khả năng trình độ của cán bộ trong DN. Theo đó, báo cáo tài chính của các DN siêu nhỏ được hướng dẫn đơn giản, gọn nhẹ giúp DN dễ thực hiện, góp phần tiết kiệm chi phí kế toán và tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Các DNNVV khởi nghiệp được hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ; đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa; hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung... Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách cấp bù lãi suất đối với khoản vay của DNNVV khởi
  4. INTERNATIONAL CONFERENCE STARTUP AND INNOVATION NATION 1159 nghiệp sáng tạo. Việc cấp bù lãi suất được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng... Bên cạnh đó, DN khởi nghiệp cũng được hỗ trợ thông qua mô hình phát triển vườn ươm DN trong một số lĩnh vực ưu tiên, chủ yếu tập trung vào DN thành lập mới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Kinh phí thành lập và hoạt động các vườm ươm công lập được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như Vườn ươm Phú Thọ (Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh); Vườn ươm CRC (Đại học Bách Khoa Hà Nội); Vườn ươm khu Công nghệ cao Hòa Lạc; Vườm ươm DN (công viên phần mềm Quang Trung TP. Hồ Chí Minh)… [6] Mặc dù có khá nhiều chính sách ít nhiều có liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, tuy nhiên nhìn chung Việt Nam vẫn thiếu các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp riêng biệt. Quy mô của một số hoạt động chủ yếu mang tính lồng ghép. Các chương trình tín dụng cho khởi nghiệp khá hạn chế và quy mô của các quỹ tài chính vi mô thường rất nhỏ. 3. MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DNNVV KHỞI NGHIỆP 3.1. Đối với chính sách tín dụng đối với DNNVV khởi nghiệp: + Cần có văn bản hướng dẫn chi tiết đối với việc hỗ trợ tín dụng đối với DNNVV khởi nghiệp. Nên quy định việc vay vốn đối với các DNNVV khởi nghiệp trong các giai đoạn cụ thể như giai đoạn mới hoạt động (dưới 3 năm) và giai đoạn đã đi vào hoạt động (từ 3 năm trở lên). Chính sách tín dụng cần tập trung vào tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc hỗ trợ nguồn vốn cho các starup trong giai đoạn đầu thành lập và hoạt động như cho vay khởi nghiệp, các quỹ hỗ trợ vay vốn và thành lập các quỹ hỗ trợ giai đoạn đầu khởi nghiệp (bởi vì giai đoạn này là giai đoạn thực hiện ý tưởng và thử nghiệm sản phẩm nên mang tính rủi ro cao và nhiều nhà đầu tư ít đầu tư vào giai đoạn này). + Các NHTM nên đưa ra những gói sản phẩm tín dụng hỗ trợ DNNVV nói chung và DNNVV khởi nghiệp nói riêng trên cơ sở các tiêu chí năng lực tài chính “mềm” và bổ sung các tiêu chí đánh giá tính khả thi của từng phương án kinh doanh. Đồng thời cần ưu tiên cho các phương án kinh doanh có yếu tố mới, có tính sáng tạo. + Phát triển thị trường vốn cho các DN khởi nghiệp nói chung và DNNVV khởi nghiệp nói riêng. Các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu và xây dựng sàn giao dịch chứng khoán chuyên biệt dành riêng cho các DN khởi nghiệp nói chung và DNNVV khởi nghiệp nói riêng với các điều kiện niêm yết tương đối thông thoáng như chi phí niêm yết thấp, nghĩa vụ công bố thông tin, tài chính... không quá khắt khe và cơ chế thoái vốn dễ dàng hơn cho nhà đầu tư, đã phần nào giảm bớt áp lực huy động tài chính, thường là gánh nặng đối với các DN mới thành lập Thông qua kênh này thì các DN có thể tiếp cận trực tiếp nhanh nhất đối với nguồn vốn cần huy động cho sự phát triển của DN mình. [7] 3.2. Đối với chính sách đầu tư đối với DNNVV khởi nghiệp + Hoàn thiện khung pháp lý, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư thiên thần và vận hành các Quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi hình thức đầu tư vốn mạo hiểm như: Thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc sở hữu nhà nước hoặc theo mô hình hợp tác công tư; thiết kế chương trình tín dụng hỗ trợ hoạt động đàu tư vốn mạo hiểm... + Cần bổ sung quy định cơ chế đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo có sử dụng NSNN. Theo đó, chính quyền địa phương thông qua một tổ chức tài chính nhà nước địa phương (Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV, công ty đầu tư tài chính nhà nước tại địa phương…) để triển khai Đề án đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn. Tổ chức tài chính nhà nước địa phương cùng hợp tác với tư nhân đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp. Bên cạnh đó cơ chế đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo có sử dụng NSNN như: DNVVN khởi nghiệp sáng tạo cần thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước để đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN với nguyên tắc bảo toàn vốn nhà nước. [7]
  5. 1160 HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA 3.3. Đối với chính sách thuế đối với DNNVV khởi nghiệp + Cần bổ sung các chính sách hỗ trợ về thuế đối với DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cụ thể: Các DNNVV khởi nghiệp trong thời gian đầu hoạt động có thể chưa có doanh thu, thu nhập. Vì vậy, nên áp dụng có mức ưu đãi thuế cao hơn so với các DN khác như: Cho phép miễn thuế trong thời gian 5 năm đầu hoạt động và áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong thời gian dài hơn so với thời hạn 15 năm mức ưu đãi hiện đang áp dụng với các DN khác. Đồng thời, có thể cho phép chuyển lỗ không giới hạn thời gian thay vì 5 năm như hiện nay để đảm bảo hỗ trợ tối đa cho DNNVV khởi nghiệp + Đảm bảo thống nhất giữa các chính sách thuế với các văn bản pháp lý liên quan đến các DN khởi nghiệp như Luật đầu tư, luật hỗ trợ DNNVV, Luật chuyển giao công nghệ... và một số văn bản dưới luật. Đồng thời các quy định về thuế cho các DN khởi nghiệp phải đảm bảo tính đơn giản và phù hợp với đặc thù hoạt động của các DN khởi nghiệp. + Cần có chính sách thuế khuyến khích nhà đầu tư cá nhân, nhất là các nhà đầu tư “thiên thần” đầu tư vào DN khởi nghiệp sáng tạo, cụ thể như: Khoản tiền được đầu tư vào DN khởi nghiệp sáng tạo được tính là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế cho nhà đầu tư cá nhân, miễn/giảm thuế đối với lợi nhuận được chia, thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn khi nhà đầu tư cá nhân đầu tư trực tiếp vào công ty đầu tư mạo hiểm/ Quỹ Đầu tư mạo hiểm, miễn giảm thuế thu nhập từ bán cổ phần, góp phần thúc đẩy các DN thực hiện mua bán sáp nhập dễ dàng hơn, qua đó tạo thanh khoản cho các nhà đầu tư, các Quỹ Đầu tư mạo hiểm. 3.4. Đối với các chính sách hỗ trợ khác: Cần có quy định cụ thể trong luật hỗ trợ DNNVV như hỗ trợ về kế toán; bên cạnh đó có những quy định về hỗ trợ đào tạo cho giới trẻ, sinh viên nhằm khuyến khích tinh thần của giới trẻ, sinh viên khi tham gia khởi nghiệp đồng thời giúp sinh viên có thể mạnh dạn đưa ra ý tưởng và trình bày ý tưởng của mình. KẾT LUẬN Như vậy, để hỗ trợ cho DNNVV ở Việt nam khởi nghiệp sáng tạo thì đòi hỏi các bên có liên quan có những văn bản hướng dẫn cụ thể đối với DNNVV khởi nghiệp theo từng mức thời gian và các chính sách cần cụ thể, đồng bộ giúp cho các DNNVV khởi nghiệp ngày càng phát triển. TÀI LIỆU THAM KHẢO Journals: Lê Minh Hương (2017). Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Tạp chí tài chính Other: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2014/QH14 ngày 12/6/2017 Nghị định Số: 218/2013/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp Nghị định 34/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018 về việc thành lập, tổ chức, hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 về việc thành lập và tổ chức hoạt động của Quỹ đầu tư khởi nghiệp, cơ chế sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; VCCI (2017), “Báo cáo nghiên cứu cơ chế hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo. Kinh nghiệp quốc tế - Đề xuất giải pháp cho Việt Nam”.
nguon tai.lieu . vn