Xem mẫu

  1. CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI CN. Trần Văn Thanh; ThS. Trương Khắc Chu Ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc - Viện KHGDVN Email: thanhtv@vnies.edu.vn chutk@vnies.edu.vn Tóm tắt Phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư; được thể hiện rất rõ ở các chính sách đối với người học, đối với người dạy, các chính sách về cơ sở vật chất. Thực hiện hiệu quả các chính sách ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi là cơ sở quan trọng để thực hiện bình đẳng, hiệu quả trong tiếp cận và phát triển giáo dục giữa các vùng miền; hỗ trợ tích cực và đắc lực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới giáo dục trong thời kỳ mới ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. ĐẶT VẤN ĐỀ Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) khẳng định và nhấn mạnh tới việc cần thiết phải quan tâm đầu tư, phát triển hơn nữa đối với giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN): "Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách". Văn kiện Đại hội XIII của Đảng quan tâm việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế: “Lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo; xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình tiến tới miễn học phí đối với học sinh phổ thông”. Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến các chính sách phát triển giáo dục vùng DTTS, MN; được thể hiện qua những chính sách cụ thể. 1. Các chính sách hiện hành đối với giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi 1.1. Các chính sách đối với người học 1.1.1. Các chính sách đối với giáo dục mầm non (1) Chính sách hỗ trợ tài chính: Hỗ trợ ăn trưa, kinh phí tổ chức nấu ăn thực hiện theo Nghị định số: 105/2020/NĐ-CP; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo 367
  2. Nghị định số 86/2015/NĐ-CP; từ 15/10/2021 thực hiện theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. (2) Chính sách hỗ trợ bảo hiểm, y tế: Thực hiện theo Thông tư số: 25/2016/TT- BLĐTBXH (3) Các chính sách khác: Tăng cường tiếng Việt, hỗ trợ đồ dùng, ... 1.1.2. Các chính sách đối với giáo dục phổ thông (1) Chính sách hỗ trợ tài chính: Hỗ trợ ăn trưa, gạo, tiền nhà ở, kinh phí tổ chức nấu ăn cho HS bán trú thực hiện theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP; miễn, giảm học phí theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP; từ ngày 15/10/2021 thực hiện theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP Riêng đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú: Thực hiện theo Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT. Đối với học sinh khuyết tật: Thực hiện Thông tư liên tịch số 41/2013/TTLT- BGDĐT-BLĐTB&XH-BTC ngày 31/12/2013 (2) Chính sách hỗ trợ bảo hiểm, y tế: Thực hiện theo Thông tư số 25/2016/TT- BLĐTBXH (3) Các chính sách khác: Tăng cường tiếng Việt (TCTV) cho HS theo Quyết định số 1008/2016/QĐ-TTg CP; dạy tiếng DTTS theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP; chế độ cử tuyển theo Nghị định số 141/2020/NĐ-CP; ngoài ra HS thuộc các dân tộc rất ít người theo nghị định số 57/2017/NĐ-CP. 1.2. Các chính sách đối với người dạy (1) Chính sách hỗ trợ tài chính: Thực hiện Thông tư 50/2008/TTLT-BGDĐT- BNV-BTC; ngoài ra nhà giáo và CBQLGD công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các phụ cấp theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP. (2) Chính sách hỗ trợ bảo hiểm, y tế: Thực hiện theo Thông tư số 25/2016/TT- BLĐTBXH (3) Chính sách luân chuyển vùng: Thực hiện Nghị định số 61/2006/NĐ-CP. 1.3. Các chính sách đầu tư cơ sở vật chất Quyết định số 201/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ ưu tiên hoàn chỉnh cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Chương trình 135 của Chính phủ kiên cố hoá trường, lớp học tại vùng DTTS, MN. 368
  3. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X “Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, mở thêm các trường NT, BT. Quyết định số 07/2008/QĐ-TTg về việc nâng cấp cơ sở hạ tầng trường học, đặc biệt quan tâm đến vùng đặc biệt khó khăn. Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg, kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, xoá phòng học 3 ca, phòng học tranh, tre, nứa lá. 2. Những tác động của chính sách giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi 2.1. Những tác động tích cực của chính sách 2.1.1. Đối với người học a. Đối với giáo dục Mầm non: (1) Tạo công bằng trong tiếp cận giáo dục đối với trẻ em Chế độ bán trú đã thúc đẩy việc tổ chức nấu ăn và chăm sóc trẻ ăn trưa tại trường giúp trẻ phát triển tốt về sức khỏe, thu hút cả trẻ em trai, trẻ em gái, trẻ khuyết tật đến trường mầm non. Góp phần tác động làm thay đổi suy nghĩ trọng nam khinh nữ của cha mẹ HS người DTTS; khuyến khích cha mẹ tạo cơ hội cho cả trẻ em gái và trẻ em trai đi học ngay từ lứa tuổi MN; tạo công bằng trong tiếp cận giáo dục giữa trẻ em trai và trẻ em gái; Năm 2010 trẻ em gái độ tuổi 5 tuổi được đến trường chỉ đạt 58,7%, trong khi đó trẻ em trai trong độ tuổi này đến trường đạt 78,2%; đến năm 2020 tỷ lệ trẻ em gái và trẻ em trai 5 tuổi đi học MG đã gần như tương đương nhau trẻ em gái 99,5; trẻ em trai 99,7% (2) Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ Nhờ các chính sách hỗ trợ về tài chính, chính sách hỗ trợ nấu ăn cho trẻ, tất cả các trường mầm non vùng DTTS, MN đã tổ chức nấu ăn trưa cho trẻ, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ; Tỉ lệ trẻ em được học 2 buổi/ngày đạt 99,2% (tăng bình quân 0,2%/năm), tỉ lệ trẻ em mầm non được tổ chức ăn bán trú đạt 93,3% (tăng bình quân 0,3%/năm). Tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng hệ thấp còi đến năm 2020 giảm xuống dưới 10% (giảm trung bình 0,2%/năm); trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trung bình 0,3%/năm. Đa số các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng DTTS, MN tổ chức hiệu quả các hoạt động TCTV cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Khả năng nói và hiểu tiếng Việt của trẻ mẫu giáo 5 tuổi người DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực, năm 2010 đa số trẻ khi hoàn 369
  4. thành chương trình MG, vào học lớp 1 chỉ biết một số ít từ tiếng Việt đơn giản; đến năm 2020 đa số trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình MG 5 tuổi biết và nhớ được các chữ cái tiếng Việt, giao tiếp được các câu, từ đơn giản; 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi được xét hoàn thành, đủ điều kiện đi học lớp 1 ở tiểu học. (3) Thực hiện công tác phổ cập giáo dục Qua số liệu tổng hợp báo cáo của các tỉnh và theo Báo cáo ngày 21/10/2020 của Bộ GDĐT tại Hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Phổ cập giáo dục cho trẻ 5T, sơ kết 2 năm thực hiện Đề án Phát triển GDMN giai đoạn 2018-2025: - 30% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 80% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập. - Tỷ lệ huy động trẻ MG 5 tuổi ra lớp cao (năm 2016, trẻ 3-5 tuổi ra lớp đạt 89,2%; riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến lớp là 99,5%, đến năm 2020 trẻ 3-5 tuổi ra lớp đạt 92,8 % (tăng 3,56% so với năm 2016); riêng trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,6%; Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non đạt 99,9%; trên 70% trẻ em khuyết tật được đi học ở độ tuổi mẫu giáo (Trang Bộ Giáo dục và Đào tạo điện tử ngày 30/6/2017). 100% các tỉnh miền núi đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5T vào năm 2017 và duy trì đạt chuẩn ở những năm tiếp theo. b. Đối với giáo dục phổ thông: (1) Tạo công bằng trong tiếp cận giáo dục đối với trẻ em Tính đến năm 2020 tỉ lệ trẻ em gái đi học - Cấp tiểu học đi học đạt 95,8%, tăng 7,8% so với năm 2015 (thấp hơn so với trẻ em trai 0,6%); - Cấp THCS đi học đạt 90,2%, tăng 5,06% (thấp hơn so với trẻ em trai 1,7%) - Cấp THPT đi học đạt 81,3%, tăng 4,73% (thấp hơn so với trẻ em trai 3,2%) Trẻ em gái người dân tộc thiểu số được đến trường ngày càng tăng; hạn chế sự phân biệt, đối xử về cơ hội học tập giữa trẻ em trai và trẻ em gái. Tỷ lệ lưu ban, bỏ học đối với các học sinh nữ ngày càng giảm; đặc biệt tỷ lệ học sinh nữ chuyển lớp ở một số nơi cao hơn so với các học sinh nam. Giảm tỷ lệ tảo hôn đối với trẻ em gái DTTS; trẻ em khuyết tật là người DTTS đi học hoà nhập tăng nhanh trong những năm gần đây, Tiểu học đạt 81,7%, THCS 67,4 370
  5. %, THPT 33,6%. (Kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam 2016-2017 của Tổng cục Thống kê Việt Nam và Tổ chức Unicef tại Việt Nam) Dạy học tăng cường tiếng Việt, dạy tiếng dân tộc cho HS DTTS đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp HSDTTS tự tin, cảm thấy có sự công bằng trong việc tiếp cận giáo dục khi các em đến trường học tiếng Việt là ngôn ngữ thứ 2. (2) Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh Tỷ lệ huy động HS đi học trong những năm gần đây tăng cao, giảm tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường, đặc biệt là trẻ em gái ở vùng DTTS, MN; từ đó kết quả học tập của HS có nhiều chuyển biến, tích cực hơn; thể hiện: - Năm 2019 tỷ lệ chuyển lớp đối với cấp tiểu học đạt trên 96%, cấp THCS đạt 90,2%, THPT 81,6% (Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019 của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê). - Chất lượng học tập của HS có nhiều chuyển biến; đặc biệt là HS các trường PTDTBT, trường PTDTNT; tỷ lệ HS thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, các trường năng khiếu hàng năm đều tăng. Những vị trí chủ chốt ở đa số các địa phương vùng DTTS, MN đã có những cán bộ là người DTTS tham gia. (3) Thực hiện công tác phổ cập giáo dục Năm 2020 tất cả các tỉnh vùng DTTS, MN duy trì đạt chuẩn phổ cập GDTH và xóa mù chữ; phổ cập GDTHCS. Tỉ lệ nhập học tại các trường vùng DTTS hàng năm đều tăng; tỷ lệ đi học đúng tuổi ở tiểu học năm 2015 đạt 88,9, đến năm 2019 đạt 96,9% (tăng 8%); cấp trung học cơ sở năm 2015 đạt 72,6, đến năm 2019 đạt 81,6% (tăng 9%); cấp THPT năm 2015 đạt 32,3, đến năm 2019 đạt 47,0% (tăng 14,7%). Năm 2019 HS hoàn thành CTTH đạt 95,1%, đi học lớp 6 đạt 91,6%; HS tốt nghiệp THCS 92,7% vào học lớp 10 đạt 90%; HS tốt nghiệp THPT đạt trên 90% số học sinh đi học các trường Cao đẳng, Đại học tăng; đặc biệt số học sinh đi học nghề, số lao động nghề theo hàng năm đều tăng (Theo trang Bộ Giáo dục và Đào tạo điện tử ngày 09/10/2019). 2.1.2. Đối với người dạy Chính sách hỗ trợ nhà giáo, CBQLGD công tác ở vùng DTTS, MN là một chủ trương đúng đắn, góp phần giảm bớt những khó khăn về vật chất, tinh thần và cải thiện 371
  6. đời sống đối với nhà giáo, giúp nhà giáo yên tâm công tác, ổn định cuộc sống và định cư lâu dài ở vùng DTTS, MN. Ngoài ra chính sách hỗ trợ học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đã giúp GV vùng DTTS, MN đặc biệt GV là người DTTS yên tâm học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thiện và nâng chuẩn bằng cấp; giúp GV yên tâm, tự tin trong công tác, điều này có tác động tích cực đến chất lượng học tập của HS. 2.1.3. Đối với cơ sở vật chất Mạng lưới cơ sở giáo dục được phát triển rộng khắp, mở rộng cơ hội giáo dục cho mọi người. Cơ sở vật chất trường học được quan tâm đầu tư theo hướng hiệu quả và hiện đại; tỷ lệ trường học, phòng học kiên cố ngày càng tăng, góp phần ổn định và phát triển quy mô giáo dục. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng DTTS, MN. Các lớp học mầm non, tiểu học được mở ở hầu hết các thôn/bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới tạo cơ hội cho trẻ em các DTTS trong độ tuổi được đi học 2.2. Những bất cập của chính sách 2.2.1. Đối với người học a. Đối với giáo dục Mầm non (1) Vẫn còn những điểm chưa công bằng trong tiếp cận giáo dục: Các chính sách đối với giáo dục mầm non còn đang tập trung nhiều đối với trẻ MG 5 tuổi; hầu như chưa quan tâm đến nhóm trẻ mầm non. (2) Có những bất cập khi thực hiện chính sách: Kinh phí hỗ trợ nấu ăn trưa còn thấp; chính sách miễn giảm học phí ưu tiên xã đặc biệt khó khăn. b. Đối với Giáo dục phổ thông (1) Vẫn còn những điểm chưa công bằng trong tiếp cận giáo dục: Các chế độ còn đang tập trung nhiều vào các xã, thôn/bản đặc biệt khó khăn; một số chế độ chỉ ưu tiên một số dân tộc thiểu số rất ít người; chưa có chế độ khuyến khích phủ rộng đối với HSDTTS và các khu vực. Quy định về khoảng cách để tính HS được ăn ở tại trường bán trú theo Thông tư 24/2010/TT-BGDĐT đối với vùng DTTS, MN (Tiểu học từ 4 km trở lên, THCS từ 7 km 372
  7. trở lên) đa số các tỉnh thực hiện là chưa hợp lý, chưa linh hoạt, chưa tạo được sự công bằng trong tiếp cận giáo dục đối với HS vùng DTTS, MN. (2) Có những bất cập khi thực hiện chính sách Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg; thì có rất nhiều trường PTDT bán trú học sinh không còn được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn, gạo theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP. Học sinh THCS nếu không thuộc dạng ưu tiên không được miễn giảm học phí theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP Một số chế độ theo Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT chưa đủ với HS các trường PTDTNT, không phù hợp với vùng miền (quần áo, chăn bông) 2.2.2. Đối với người dạy Chưa đảm bảo đủ số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, nguồn cán bộ cho sự phát triển bền vững của GD vùng DTTS, MN; còn thiếu nhiều GV mầm non, GV Tiếng Anh, Âm nhạc, Tin học, Mỹ thuật; nhân viên y tế. Thiếu sự công bằng trong việc hỗ trợ kinh phí dạy TCTV cho trẻ mầm non và HS tiểu học; theo Đề án thì chỉ có giáo viên dạy điểm trường lẻ của các trường mầm non tham gia trực tiếp dạy TCTV mới được nhận hỗ trợ 450.000đ/tháng; giáo viên mầm non dạy điểm trường trung tâm và giáo viên tiểu học không được hưởng. 2.2.3. Đối với cơ sở vật chất Đa số các phòng học ở các điểm lẻ của các các trường mầm non, tiểu học là phòng học bán kiên cố, phòng học tạm; đây chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tỷ lệ trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia ở các xã vùng DTTS, MN chưa bằng ½ so với vùng phát triển (Theo tờ trình số 1728/TTr-UBDT ngày 10/12/2020) Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng chủ yếu tập chung nhiều đến nhà lớp học, chưa có sự đồng bộ; thiếu các phòng chức năng, phòng ở cho HS bán trú, nhà bếp, nhà ăn; các hạng mục công trình vệ sinh, nhà tắm, công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt cho HS còn thiếu hoặc đã có thì chưa đảm bảo vệ sinh và an toàn cho HS. Chưa có sự đầu tư nhiều về trang thiết bị đồ dùng dạy học; các trường vùng DTTS, MN đa số còn thiếu các hệ thống công nghệ thông tin, mạng internet; hầu như các điểm trường lẻ của trường mầm non và tiểu học chưa có máy tính, mạng intenet 373
  8. dẫn đến ảnh hưởng nhiều đến việc dạy và học; đặc biệt là khi có thiên tai dịch bệnh xảy ra. 3. Những vấn đề đặt ra đối với chính sách giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi khi thực hiện đổi mới giáo dục 3.1. Đối với người học (1) Đối với giáo dục Mầm non Thứ nhất: Cần có chính sách đối với trẻ em là đối tượng nhà trẻ, vì theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP trẻ nhà trẻ ra lớp không được hưởng chính sách hỗ trợ ăn trưa; lý do: (i) Đảm bảo sự công bằng khi đến trường; (ii) Thu hút được trẻ mầm non đến trường làm tiền đề huy động trẻ MG đi học ở các năm tiếp theo, duy trì phổ cập cho trẻ 5T và tiến tới thực hiện phổ cập MG cho trẻ 3-4 tuổi; (iii) Vùng DTTS, MN đa số cuộc sống của đồng bào dân tộc gặp rất nhiều khó khăn. Thứ hai: Điều chỉnh kinh phí, định mức tổ chức nấu ăn cho trẻ cho phù hợp với thực tế; định mức cần tính theo điểm trường; Lí do: (i) Các trường MN vùng DTTS thường có nhiều điểm trường lẻ (có trường hơn 10 điểm); (ii) Các điểm trường lẻ ở cách xa nhau (có điểm cách xa trung tâm hơn 30km); (iii) Các điểm lẻ thường đặt ở các bản vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, khó khăn; (iv) Đa số các điểm trường số lượng trẻ MG ít (thường dưới 20 trẻ); trong khi đó kinh phí hỗ trợ nấu ăn lại được tính chung theo số trẻ toàn trường. Thứ ba: Cần có văn bản hướng dẫn và có những chính sách hỗ trợ kịp thời vùng DTTS, MN khi các xã đạt xã nông thôn mới để đảm bảo trẻ vùng DTTS, MN vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn, miễn giảm học phí. Thứ tư: Cần có các chính sách bổ sung về việc giải quyết sớm tình trạng suy dinh dưỡng; vì suy dinh dưỡng có ảnh hưởng rất xấu đối với sự phát triển tổng thể của trẻ em. (2) Đối với giáo dục phổ thông Thứ nhất: Cần có văn bản hướng dẫn, bổ sung để tiếp tục duy trì việc thực hiện nghị định số 116/2016/NĐ-CP Thứ hai: Cần có chính sách miễn giảm học phí cho tất cả HS cấp THCS như đối với HS tiểu học ở vùng DTTS. Thứ ba: Cần có sự điều chỉnh về chế độ ở bán trú tại trường; không nên chỉ quy định về khoảng cách để được ở bán trú đối với HS; Theo quy định tại Thông tư 374
  9. 24/2010/TT-BGDĐT (Tiểu học từ 4km, THCS từ 7 km trở lên) chưa hợp lý ở vùng DTTS, MN; một số vùng khó khăn nên khuyến khích tất cả HS có nhu cầu ở bán trú tại trường. Thứ tư: Điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; chính sách cử tuyển; điều chỉnh, bổ sung một số chế độ của HS trường PTDTNT theo Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT cho phù hợp với lứa tuổi, thời gian học, vùng miền… Thứ năm: Tăng chỉ tiêu, bổ sung ngành, nghề đào tạo mở rộng đối tượng và phạm vi cử tuyển là học sinh người DTTS. Thứ sáu: Có chính sách cụ thể đầu tư đào tạo nghề trong trường THCS, THPT; khuyến khích HS người DTTS học nghề. 3.2. Đối với người dạy Thứ nhất: Cần có sự đổi mới về chính sách tuyển dụng công chức; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách thi, tuyển dụng công chức đối với đối tượng là người DTTS tại vùng DTTS, MN. Thứ hai: Có chính sách bồi dưỡng, tập huấn riêng, điều chỉnh theo vùng miền về thực hiện đổi mới giáo dục cho phù hợp với vùng DTTS, MN. Thứ ba: Có chính sách, kế hoạch đào tạo GV ở vùng DTTS, MN đạt trình độ chuẩn, trên chuẩn; chấm dứt tình trạng giáo viên chưa đạt chuẩn. 3.3. Đối với cơ sở vật chất Thứ nhất: Cần tập trung đầu tư hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, từ nhà lớp học, các phòng chức năng, phòng hiệu bộ, khu nhà công vụ; nhà ở cho học sinh; các hạng mục công trình phụ trợ; công trình nước sạch, sân chơi bãi tập; quan tâm xây dựng và nâng cấp các công trình tại các điểm trường lẻ tại các thôn bản vùng sâu, vùng xa, tại các vùng núi cao, biên giới. Thứ hai: Đầu tư đầy đủ trang thiết bị đồ dùng dạy học; các thiết bị điện tử, phòng học tin học, ngoại ngữ; hệ thống công nghệ thông tin, mạng intenet để đảm bảo việc đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng công nghệ số; đặc biệt là đáp ứng kịp thời các mô hình dạy và học phù hợp với tình hình diễn biến bất thường xảy ra về thiên tai, dịch bệnh. Thứ ba: Có những đánh giá độc lập, cụ thể về đảm bảo cơ sở vật chất trong các trường học ở vùng DTTS, MN. 375
  10. Thứ năm: Cần có chính sách cụ thể để giúp vùng DTTS, MN duy trì và mở rộng các trường PTDT bán trú; trường PTDT nội trú; tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường PTDTNT đối với học sinh vùng DTTS, MN. KẾT LUẬN Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư và phát triển giáo dục và đào tạo vùng DTTS, MN đã có những chuyển biến tích cực. Các chính sách đối với GD vùng DTTS, MN được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhờ đó, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng DTTS, miền núi đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống, mạng lưới trường lớp ngày càng phát triển; chất lượng và hiệu quả đào tạo đã có nhiều thay đổi, tạo sư bình đẳng, công bằng trong giáo dục; góp phần đáng kể trong việc đào tạo cán bộ người DTTS có trình độ ở địa phương; thực hiện thành công phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, của đất nước. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Báo Dân tộc và phát triển (2020), Đổi mới giáo dục và đào tạo vùng DTTS và miền núi: Những chuyển biến tích cực 2. Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam (2021), Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục vùng dân tộc và miền núi 3. Báo điện tử Giáo dục và Đào tạo (2019), Một số định hướng phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số miền núi 4. Báo cáo Chiến lược phát triển giáo dục (CLPTGD) Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 5. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (2019), Báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 6. Ủy ban Dân tộc (2019): Báo cáo Tổng kết công tác dân tộc năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 7. Ủy ban Dân tộc (2019), Báo cáo tình hình thực hiện chính sách GD&ĐT vùng DTTS từ 2010 đến nay 8. Ủy ban Dân tộc (2020), Báo cáo Tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, định hướng xây dựng chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045 376
nguon tai.lieu . vn