Xem mẫu

  1. HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1067.2022-0013 Social Sciences, 2022, Volume 67, Issue 1, pp. 119-127 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn CHÍNH SÁCH CỦA TRIỀU THANH ĐỐI VỚI TRIỀU TIÊN TRONG HAI THẬP NIÊN CUỐI THẾ KỈ XIX Đỗ Tiến Quân Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Hùng Vương Tóm tắt. Năm 1879, sau khi sát nhập Lưu Cầu, Nhật Bản uy hiếp trực tiếp đến an ninh của Triều Tiên và quan hệ tông phiên giữa Triều Thanh và Triều Tiên. Lúc này, các cường quốc như Mỹ, Anh, Pháp, Đức… cũng muốn mở toanh cánh cửa thông thương với Triều Tiên. Nhằm duy trì trật tự tông phiên truyền thống, đảm bảo an ninh biên giới, triều Thanh đã thực hiện chính sách can dự tích cực, chính sách này có ảnh hướng lớn đến cục diện chính trị Đông Bắc Á thời bấy giờ. Từ khóa: chính sách, triều Thanh, Triều Tiên, tông phiên. 1. Mở đầu Từ binh biến Nhâm Ngọ (1882) đến trước chiến tranh Giáp Ngọ (1894), Trung Quốc thực hiện chính sách mới đối với Triều Tiên. Quá trình thực hiện và diễn biến của chính sách này là một chương rất quan trọng trong lịch sử quan hệ ngoại giao Trung Quốc thời cận đại, là nhân tố quan trọng trong sự phát triển của tình hình chính trị tại Triều Tiên nói riêng và quan hệ giữa Trung Quốc, Triều Tiên với các cường quốc nói chung. Về các nghiên cứu hữu quan, có thể kể đến một số nghiên cứu tiêu biểu sau: Đối với lập trường của triều Thanh những năm cuối thế kỉ XIX, Kim Cơ Hách cho rằng, thái độ của triều Thanh đối với Triều Tiên những năm cuối thế kỉ XIX có sự thay đổi nhất định qua từng thời kì, thời gian đầu là hợp tác với các nước lớn, kiềm chế Nhật Bản (1870-1874), sau đó là tạo thế cân bằng tại Triều Tiên (1879-1882), cuối cùng là quyết đấu với Nhật Bản tại Triều Tiên [1]. Về quan hệ tông phiên giữa Trung Quốc và Triều Tiên, Kim Tại Thiện cho rằng, quan hệ này có lịch sử lâu đời, nhưng đến chiến tranh Giáp Ngọ giữa hai nước Trung-Nhật, quan hệ này bị uy hiếp nghiêm trọng, và bị xóa bỏ hoàn toàn sau cuộc chiến này [2, tr 126] Về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Triều Tiên đối với các nước, Đỗ Tiến Quân cho rằng, là một quốc gia có vị trí chiến lược trong khu vực, Triều Tiên trở thành đối tượng để các cường quốc tranh chấp, giành ảnh hưởng và quyền khống chế một cách quyết liệt. Việc tranh chấp này xuyên suốt lịch sử cục diện chính trị Đông Bắc Á thời kì cuối thế kỉ XIX [3, tr 3]. Nguyễn Phương Mai cũng cho rằng, Triều Tiên với vị trí địa chiến lược quan trọng ở khu vực Đông Bắc Á chính là mục tiêu sống còn của Nhật Bản, vì thế, chính sách đối ngoại xâm lược Triều Tiên mà chính quyền Minh Trị thực hiện là một điều mang tính tất yếu [4, tr 75]. Về quan hệ Trung-Triều trong thời cổ đại và cận đại, Đỗ Tiến Quân [5, tr 50] chỉ ra, mối quan hệ ngoại giao hai nước Trung-Triều mang nhiều nét đặc thù riêng, tư tưởng, văn hóa, chế Ngày nhận bài: 2/1/2022. Ngày sửa bài: 29/1/2022. Ngày nhận đăng: 10/2/2022. Tác giả liên hệ: Đỗ Tiến Quân. Địa chỉ e-mail: quandovn@yahoo.com 119
  2. Đỗ Tiến Quân độ chính trị của vương triều Triều Tiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của Trung Quốc. Như vậy, có thể thấy, các nghiên cứu cũng đã có đề cập đến quan hệ Trung-Triều những năm cuối thế kỉ XIX ở một mức độ và khía cạnh nhất định. Các nghiên cứu trên vẫn chưa đi sâu nghiên cứu một cách toàn diện, cụ thể vể chính sách của triều Thanh theo góc nhìn chủ nghĩa quốc tế, hoặc chưa có những phân tích cụ thể, chi tiết trên cơ sở sử liệu tổng hợp. Do đó, trên cơ sở nghiên cứu chính sách can dự của Trung Quốc trong quan hệ với Triều Tiên và các cường quốc thời Thanh, bài viết đưa ra một cách nhìn chi tiết hơn về bối cảnh, mục đích, diễn biến và kết quả của chính sách này trong hai thập niên cuối thế kỉ XIX. Đây cũng là đóng góp mới của bài viết đối với công tác nghiên cứu ngoại giao khu vực Đông Bắc Á thời cận đại. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Bối cảnh và mục đích thực hiện chính sách mới của Trung Quốc đối với Triều Tiên Sau khi triều Minh diệt vong, triều Thanh thành lập, Trung Quốc và Triều Tiên tiếp tục thực hiện giữ mối quan hệ đặc thù được thể hiện qua chế độ tông phiên, triều cống truyền thống. Điều kiện cơ bản của chế độ tông phiên là, các nước phiên thuộc tôn trọng lễ nghi, nạp cống phẩm, nhận sắc phong của Trung Quốc; là nước tông chủ, Trung Quốc không thao túng hoặc can thiệp vào công việc nội bộ và ngoại giao của nước phiên thuộc. Do đó về cơ bản, các nước phiên thuộc độc lập hoàn toàn về mọi mặt, điều này cũng khác hoàn toàn với quy định của Công pháp Quốc tế về vùng thuộc địa và các nước thuộc quốc. Thế nhưng, từ giữa thế kỉ XIX, do các cường quốc Châu Âu thực hiện chính sách “ngoại giao pháo hạm”, chính trường quốc tế và khu vực có nhiều biến động hết sức phức tạp, đặc biệt là sự thành lập của đảng Tiến Bộ và phong trào độc lập do đảng này phát động tại Triều Tiên, triều đình nhà Thanh không thể không thay đổi chính sách nhằm tiếp tục duy trì và tăng cường vị thế tông chủ của mình đối với Triều Tiên. Ngoài ra, vấn đề Lưu Cầu cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy nhà Thanh thay đổi chính sách đối với Triều Tiên. Sự thay đổi đó được bắt đầu từ năm 1879, khi Nhật Bản chính thức sát nhập quần đảo Lưu Cầu, đây cũng là lúc Pháp xâm lược Việt Nam và có nguy cơ uy hiếp đến biên giới phía Nam Trung Quốc. Đồng thời, Nga cũng đang chuẩn bị dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp vùng Yili, uy hiếp Trung Quốc từ phía tây bắc. Vì thế khi Nhật Bản sát nhập Lưu Cầu, trong nội bộ triều Thanh có sự tranh luận gay gắt về đối sách với tình hình mới này. Phụ trách phòng vệ phía nam, Tuần phủ Phúc Kiến Đinh Nhật Xương và Công sứ Trung Quốc tại Đông Kinh (Tokyo ngày nay) cho rằng, nên mở cửa thị trường Triều Tiên, kí kết hiệp ước thông thương với các nước châu Âu, từ đó kiềm chế sự xâm lược, uy hiếp của Nhật Bản và Nga đối với Triều Tiên [6, tr 31-32]. Tổng đốc Lưỡng Giang Lưu Khôn cũng cho rằng, Triều Tiên phải kí kết hiệp ước hợp tác hữu nghị với các cường quốc phương Tây, nhằm tránh sự dòm ngó của Nhật Bản và Nga [7, tr 19]. Đại sứ Anh tại Trung Quốc Thomas Francis Wade cũng đưa ra kiến nghị tương tự như vậy đối với Tổng Lý Nha môn [8, tr 31]. Triều Tiên là lá chắn cho an ninh của Mãn Châu, Mãn Châu lại ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của Bắc Kinh, triều Thanh nhận thức rất rõ về điều này, đồng thời cũng muốn củng cố địa vị tông chủ đối với Triều Tiên, hi vọng dùng chính sách “dĩ Di trị Di” (dùng ngoại bang để trị ngoại bang) để kiềm chế sự bành trướng xâm lược của Nga và Nhật Bản đối với Triều Tiên. Trong thời kì đó, triều Thanh giao cho Lý Hồng Chương-Tổng đốc Trực lệ kiêm Bắc Dương đại thần, phụ trách hoạch định chính sách của Trung Quốc đối với Triều Tiên. Lý Hồng Chương cũng cho rằng, Triều Tiên là tuyến đầu trong phòng vệ của đất nước, để đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, phương pháp tốt nhất là giúp Triều Tiên xây dựng mối quan hệ ngoại giao và thông thương với các nước Châu Âu, tăng cường lợi ích thương mại của các nước này tại Triều Tiên, từ đó mượn sức các nước này nhằm kiềm chế Nga, Nhật, hình thành thế cân bằng chính trị tại Triều Tiên. Ngày 26/8/1879, Lý Hồng Chương gửi thư cho đại nguyên lão vương triều Triều Tiên Lý Dụ Nguyên, chỉ ra dã tâm của 120
  3. Chính sách của triều Thanh đối với Triều Tiên trong hai thập niên cuối thế kỉ XIX Nga, Nhật, đồng thời đề nghị Triều Tiên “lần lượt kí kết hiệp ước với Anh, Mỹ, Pháp, Đức, nhằm kiềm chế Nhật Bản, phòng ngừa Nga” [9, tr 14-17]. Ngược lại, Lý Dụ Nguyên cho rằng, chính sách “dĩ Di trị Di” là chiến lược ngoại giao của các nước lớn, không chắc phù hợp với nước nhỏ yếu như Triều Tiên; trong quan hệ lợi ích với các cường quốc, chỉ có dùng Luật quốc tế mới có thể phát huy được tác dụng, nếu không không thể thực hiện được [10, tr 273]. Lý Dụ Nguyên cũng chỉ ra, mâu thuẫn của chính sách này nằm ở chỗ, Triều Tiên là nước nhỏ, các cường quốc lại chỉ quan tâm đến lợi ích của họ, nên không để xảy ra xung đột lẫn nhau vì một nước nhỏ được. Nhưng lý lẽ này không thuyết phục được Lý Hồng Chương, ông vẫn kiên trì thuyết phục Triều Tiên mở cửa đất nước, đồng thời còn nhắc lại chuyện gần đây, trong chiến tranh Nga và Thổ Nhĩ Kì, nhờ sự can thiệp có hiệu quả của Anh mà Thổ Nhĩ Kì tránh được kết cục thảm bại hoàn toàn; ngoài ra còn có trường hợp của các nước nhỏ yếu tại Châu Âu như Bỉ, Đan Mạch cũng được bảo vệ bởi các công ước quốc tế. Do đó, việc kí kết hiệp ước với Anh, Mỹ, Đức sẽ đảm bảo tốt nhất cho an ninh cho Triều Tiên, tránh được sự xâm lược của Nga, Nhật [11, tr 68-69]. Có thể thấy, trên cơ sở ý tưởng và thực tiễn nhất định, triều Thanh hoạch định chính sách mới với mục đích bảo vệ Triều Tiên, khu vực có ý nghĩa quan trọng về mặt địa chính trị, chiến lược và ngoại giao đối với Trung Quốc. Điểm mấu chốt của chính sách “cân bằng ngoại giao” này nằm ở chỗ, Triều Tiên thực hiện triệt để việc xây dựng quan hệ điều ước với các cường quốc Châu Âu, không cho bất kì nước nào độc chiếm Triều Tiên, từ đó hình thành một sự cân bằng về quyền lực và lợi ích quốc tế tại Triều Tiên, đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và duy trì vị thế tông chủ của Trung Quốc đối với nước này. 2.2. Quá trình thực hiện và diễn biến Từ năm 1854, sau khi kí kết hiệp ước Kanagawa với Nhật, Mỹ cũng đã có một số cuộc tiếp xúc và đàm phán song phương với Triều Tiên, nhưng đều không đạt được thỏa thuận nào. Sự thay đổi chỉ bắt đầu vào năm 1876, khi Nhật và Triều Tiên kí kết “Hiệp ước Giang Hoa”, theo đó, Triều Tiên phải mở cửa cho ngoại thương Nhật Bản, đồng thời, Nhật Bản có quyền tài phán lãnh sự trên đất Triều Tiên. Năm 1880, Mỹ phái đề đốc hải quân Robert W. Shufeldt đến Triều Tiên nhằm đề nghị thông thương, nhưng bị từ chối. Sau đó, theo chỉ thị của chính phủ Mỹ, Robert W. Shufeldt đề nghị Nhật Bản làm trung gian điều đình, giúp đỡ. Nhưng kế hoạch này cuối cùng cũng thất bại. Sau khi biết tin này, lo rằng nếu Mỹ và Nhật kết thành đồng minh, sẽ làm tổn hại đến địa vị của Trung Quốc tại Triều Tiên, uy hiếp mối quan hệ tông phiên Trung- Triều. Triều Thanh quyết định, đẩy nhanh việc thực hiện chính sách “dĩ Di trị Di”, lợi dụng mâu thuẫn giữa cường quốc, làm cho các nước này rơi vào tình thế kiềm chế lẫn nhau, giúp Triều Tiên có được khoảng thời gian hồi phục sức nước trong thế cân bằng chính trị đó. Do đó, triều Thanh đồng ý giúp đỡ Mỹ để tranh thủ sự ủng hộ của nước này. Lý Hồng Chương mời Robert W. Shufeldt đến Thiên Tân, đảm bảo với người Mỹ rằng ông sẽ hết sức ủng hộ họ để kí kết hiệp ước với Triều Tiên [12, tr 7-10]. Robert W. Shufeldt vô cùng hài lòng, lập tức xin chỉ thị của chính phủ để xúc tiến công việc tiếp theo. Cũng trong lúc này, tại biên giới tây bắc của Trung Quốc, do mâu thuẫn lãnh thổ, quân đội Nga tập trung lực lượng quân đội lớn tại Vladivostok. Xuất hiện nhiều tin đồn đoán rằng quân Nga sẽ tiến qua biên giới phía nam. Nhằm ngăn chặn ý định này của người Nga, triều Thanh cho rằng, điều cần thiết là phải thúc đẩy Triều Tiên kí kết hiệp ước với các cường quốc một cách nhanh chóng nhất. Tháng 11 năm 1880, với sự nỗ lực của các quan chức triều Thanh, đặc phái viên Triều Tiên Lý Đông Nhân đến Đông Kinh hội kiến với công sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Hà Như Chương, biểu thị ý nguyện muốn mở cửa đất nước và kí kết hiệp ước với các cường quốc, hi vọng triều Thanh sẽ đứng ra làm trung gian điều đình. Trong báo cáo gửi cho Lý Hồng Chương, Hà Như Chương cũng viết: “Khi kí kết hiệp ước với các cường quốc, nếu để cho Triều Tiên tự mình làm việc đó, các nước khác sẽ cho rằng Triều Tiên hoàn toàn tự chủ, không còn là phiên thuộc của 121
  4. Đỗ Tiến Quân Trung Quốc nữa,… điều này cần phải đề phòng”, Hà Như Chương cho rằng, “Hiện nay, Trung Quốc cho phép Triều Tiên kí kết hiệp ước với nước ngoài, điều này không có vấn đề gì, chỉ có điều triều đình phải thương nghị, nhanh chóng cử một quan chức tinh thông về lợi ích ngoại giao đến Triều Tiên để chủ trì việc kí kết…”[13]. Trước yêu cầu của Triều Tiên, tháng 1 năm 1882, Lý Hồng Chương chủ trì khai mạc vòng đàm phán thông thương Mỹ-Triều. Đoàn Trung Quốc đưa vào trong điều 1 dự thảo như sau: Triều Tiên là thuộc quốc của Trung Quốc, nhưng công việc nội bộ, ngoại giao từ trước đến nay đều tự chủ. Sau khi kí kết hiệp ước này, quốc vương Triều Tiên và tổng thống Mỹ đối xử ngang hàng với nhau, nhân dân hai nước mãi mãi hữu hảo, nếu nước thứ ba đối xử không công bằng hoặc coi thường một trong hai nước, thì hai nước phải ủng hộ bảo vệ lẫn nhau, hoặc giúp nhau điều đình một cách có thiện ý, nhằm đảm bảo an ninh lâu dài [14, tr 105]. Như vậy, phần đầu điều khoản này nói rõ Mỹ thừa nhận quan hệ tông phiên giữa Trung Quốc và Triều Tiên, cũng nhằm khắc chế Nhật Bản trước đây thông qua “điều ước Giang Nam” thừa nhận Triều Tiên là nước có chủ quyền. Phần sau điều khoản này chủ yếu vận dụng tư tưởng “dĩ Di trị Di” giống như trong “Điều ước Trung Nhật” (còn gọi là “Điều tu quy hảo Trung-Nhật”) kí kết năm 1871. Nhưng điều khoản dự thảo này không được phía Mỹ chấp nhận. Robert W. Shufeldt tuyên bố, nước Mỹ không đề cập quan hệ Trung-Triều như thế nào, mà sẽ kí kết hiệp ước trên cơ sở bình đẳng với Triều Tiên. Cuối cùng, Mỹ đồng ý trong phần tuyên bố trong phụ lục của phía Triều Tiên sẽ có phần ghi rõ Triều Tiên là phiên thuộc của Trung Quốc, mà không nằm trong phần chính thức của hiệp ước. Từ chi tiết này có thể thấy, trên thực tế Mỹ đã phủ nhận quan hệ tông phiên Trung-Triều, nhưng do lúc bấy giờ, ảnh hưởng của Trung Quốc với Triều Tiên vẫn còn rất lớn, Mỹ không thể không mượn sức mạnh của Trung Quốc để dọn đường cho việc kí kết hiệp ước thông thương với Triều Tiên, nên đồng ý đưa “Triều Tiên là thuộc quốc của Trung Quốc” vào trong tuyên bố phụ lục. Đồng thời, Robert W. Shufeldt cũng cho rằng, do tuyên bố này không nằm trong hiệp ước, nên không có tính bắt buộc. Thỏa thuận này đã xử lý được sự tranh luận gay gắt giữa các bên. Như thế, đến ngày 18/4/1882, cuộc đàm phán về nội dung hiệp ước đã hoàn tất. Ngày 23/4/1882, triều Thanh phái quan Nhị phẩm Mã Kiến Trung đến Triều Tiên giám sát việc kí kết hiệp ước Mỹ-Triều. Ngày 22/5/1882, “Hiệp ước hòa bình, hữu nghị, thông thương và hàng hải”, tức “Hiệp ước thông thương Mỹ-Triều” được kí kết tại Incheon, Triều Tiên. Đây có thể coi là điểm khởi đầu cho chính sách can dự tích cực Trung Quốc đối với Triều Tiên trong tình hình mới. Do sự chỉ đạo của triều Thanh, “Hiệp ước thông thương Mỹ-Triều” đã khắc phục được vấn đề thuế quan so với “Hiệp ước Giang Hoa”, đem lại một số lợi ích rõ rệt về kinh tế cho Triều Tiên. Ngay sau đó, nhiều nước khác như Anh, Đức,… cũng lần lượt kí kết với Triều Tiên một loạt các hiệp ước thông thương với nội dung tương tự. Mục tiêu nhằm xây dựng thế cân bằng chính trị, ngoại giao tại Triều Tiên của triều Thanh đã được sơ bộ hình thành. Triều Thanh cảm thấy rất hài lòng, nhưng trên thực tế, khi Triều Tiên mở toang cánh cửa quốc gia cho các nước tiến vào, cùng với sự suy yếu của triều Thanh, Triều Tiên dần trở thành miếng mồi ngon cho cường quốc xâu xé, thách thức quan hệ tông phiên truyền thống Trung-Triều, làm cho triều Thanh sau này không thể không điều chỉnh chính sách đối với Triều Tiên, đây cũng là vấn đề mà các lãnh đạo của triều Thanh trước đó chưa phán đoán hết được. Ngày 23/7/1882, nổ ra cuộc binh biến Nhâm Ngọ, đây là cuộc bạo động vũ trang mang tính chất phản phong kiến, chống xâm lược của một số quân dân Triều Tiên. Bạo động nổ ra chủ yếu do các binh sĩ của Vũ Vệ Doanh và Tráng Vệ Doanh của Triều Tiên tại Hán Thành từ hơn một năm trước đến lúc đó chưa được phát lương bổng, cộng với tâm lý thù ghét đối với người Nhật, nhưng bản chất đó là do tâm lý thù địch của Triều Tiên đối với Nhật Bản từ sau khi kí kết “Hiệp ước Giang Hoa”, và sự phẫn nộ đối với tệ nạn tham ô hủ bại của gia tộc họ Mẫn. Dù cuộc binh biến nổ ra ngoài dự tính, nhưng triều Thanh nhanh chóng ra lệnh phái quân đội Trung Quốc đến 122
  5. Chính sách của triều Thanh đối với Triều Tiên trong hai thập niên cuối thế kỉ XIX Triều Tiên để xử lý. Trong chỉ thị của mình đối với Quân vụ đại thần Ngô Trường Khánh - người được phái đi Triều Tiên xử lý sự vụ, triều Thanh đặc biệt nhấn mạnh hai nguyên tắc: Một là kết hợp quân sự và ngoại giao, hai là trấn áp loạn đảng. Hai nguyên tắc này nhằm: (i) Phòng trường hợp Nhật Bản dùng sức mạnh uy hiếp Triều Tiên; (ii) Tranh thủ đạt được thỏa thuận Trung-Nhật, duy trì vương triều Triều Tiên do hoàng đế Trung Quốc sắc phong. Về thực chất là nhằm củng cố quyền tông chủ, tăng cường sự khống chế của Trung Quốc với Triều Tiên. Đồng thời, căn cứ vào kiến nghị của quan cố vấn Tiết Phúc Thành, triều Thanh lệnh cho Ngô Trường Khánh bắt giữ Hưng Tuyên Đại Viện Quân (Daewon-gun). Do quyết định và hành động nhanh chóng, quân Trung Quốc đến Hán Thành trước quân Nhật. Ngày 26/8/1882, lấy cớ mời đến thương nghị, bộ tướng của Ngô Trường Khánh là Viên Thế Khải lập tức bắt giữ Đại Viện Quân, đưa lên giam giữ trên tàu chiến Trung Quốc, sau đó tấn công vào doanh trại của quân đội làm binh biến, giết và bắt giữ nhiều nhân vật chủ chốt, từ đây, cuộc binh biến Nhâm Ngọ bị thất bại hoàn toàn. Trong cuộc binh biến này, sứ quán Nhật Bản tại Triều Tiên bị san bằng, hơn 20 người Nhật bị giết hại. Mượn cớ này, Nhật Bản phái công sứ Hanabusa Yoshitada đem theo 1500 binh sĩ vũ trang đầy đủ và 4 tàu chiến đến Hán Thành, ép buộc Triều Tiên kí “Hiệp ước Tế Vật Phố” ngày 30/8/1882, từ đó giành quyền đóng quân tại Triều Tiên, củng cố, tăng cường sức mạnh quân sự, kinh tế và chính trị tại đất nước này. Như vậy, sau binh biến Nhâm Ngọ, cả Trung Quốc và Triều Tiên đều có quân đội tại Hán Thành, đây là nguyên nhân trực tiếp làm cho nguy cơ xung đột quân sự bùng phát mạnh mẽ trong tương lai, và cũng là bối cảnh, nguyên nhân quan trọng của chính biến Giáp Thân (1884). Về phía nhà Thanh, thời kì này phái diều hâu trong triều đình cho rằng, phải áp dụng chính sách tích cực hơn đối với Triều Tiên. Phái này cho rằng, lực lượng hải quân của Nhật không phải là đối thủ của hải quân Trung Quốc, trước đây sở dĩ Nhật giành được một số ưu thế khi thách thức triều Thanh, chủ yếu là do phía Trung Quốc chủ trương tránh chiến tranh và nhẫn nhịn. Vì thế, phái diều hâu chủ trương phát động một cuộc chiến nhằm giải quyết tận gốc những vấn đề nổi cộm với Nhật như Lưu Cầu, Triều Tiên. Đại diện cho phái này là Viên Thế Khải và Trương Kiển. Trong “Sáu sách lược xử lý vấn đề Triều Tiên”, Trương Kiển kiến nghị đặt Triều Tiên dưới sự giám sát của một đại thần Khâm sai do hoàng đế Trung Quốc cử đến, điều này liên quan mật thiết đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc [15, tr 35-36]. Thế nhưng, binh biến Nhâm Ngọ cũng đem lại một cơ hội tốt cho Trung Quốc trực tiếp can dự vào chính trường Triều Tiên và tiếp tục thực hiện chính sách tông phiên của mình. Triều Thanh cho rằng, phải vận dụng sức mạnh của Trung Quốc tại Triều Tiên một cách thật linh hoạt, khéo léo và bí mật. Nhằm thực hiện ý định này, triều Thanh phái Trần Thụ Đường- người từng đảm nhiệm chức vụ lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco làm Ủy viên thương vụ Trung Quốc đến Hán Thành. Lấy danh nghĩa thương mại, Trần có thể thương nghị mọi việc với chính quyền Triều Tiên, từ đó đảm bảo sự kiểm soát của Trung Quốc với Triều Tiên. Về mặt ngoại giao, triều Thanh thuê một lãnh sự người nước ngoài tên là P.G. Von Mollendoff để xử lý các sự vụ ngoại giao và hải quan, đồng thời còn phái thêm một số quan chức khác làm đại diện chính trị đến Triều Tiên. Về quân sự, triều Thanh cung cấp vũ khí, cho phép Ngô Trường Khánh huấn luyện quân sự cho quân đội Triều Tiên. Về kinh tế, triều Thanh cung cấp các khoản vay cho Triều Tiên, nhằm đề phòng trường hợp Triều Tiên xin sự giúp đỡ đối với Nhật [17, tr 57-60]. Bằng hàng loạt các biện pháp trên, Trung Quốc đã can dự mạnh mẽ vào tình hình Triều Tiên, tiêu biểu là sự kiện tháng 10 năm 1882, Trung Quốc và Triều Tiên kí kết “Hiệp ước thương mại thủy bộ Trung-Triều”. Hiệp ước này thể hiện cho thế giới biết rõ về địa vị tông chủ và đặc quyền của Trung Quốc với Triều Tiên. Xét theo góc độ này, hiệp ước có ý nghĩa chính trị nhiều hơn là ý nghĩa kinh tế. Ngày 4/12/1884, một cuộc chính biến đẫm máu đã xảy ra tại Triều Tiên. Được sự giúp đỡ của Nhật, đảng Khai hóa dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Kim Okgyun đã phát động cuộc chính biến với hai mục đích chính: (i) Lật đổ chính quyền họ Mẫn, thoát ly Trung Quốc; (ii) Cải cách 123
  6. Đỗ Tiến Quân thể chế. Đảng Khai hóa đã giết hại 7 đại thần của phái bảo thủ, công bố chính cương mang màu sắc tư bản chủ nghĩa, vì thế đây cũng có thể coi là một phép thử của cách mạng giai cấp tư sản lần đầu tiên tại Triều Tiên. Trên thực tế, cuộc chính biến không được sự ủng hộ về quân sự thực sự của Nhật, do đó, ngày 6/12/1884, khi Viên Thế Khải chỉ huy quân đội Trung Quốc tiến hành trấn áp, cuộc chính biến nhanh chóng bị dập tắt, nhưng ảnh hưởng của nó vẫn rất lớn. Sau đó, triều Thanh nhanh chóng đưa ra tuyên bố về nguyên tắc giải quyết vấn đề Triều Tiên, hi vọng giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, đồng thời định ra một chính sách mới, đó là trên nguyên tắc phân tích thấu đáo những sự hiểu nhầm giữa Trung-Nhật, ưu tiên giải quyết các tranh chấp, chủ yếu là dẹp loạn. Triều Thanh cũng lo lắng về sự liên minh giữa Nhật và Pháp, cho nên quyết định tăng cường một tiểu đoàn bộ binh và hai tàu chiến cho lực lượng Trung Quốc đóng ở Masan, Triều Tiên [18, tr 17-26]. Sau cuộc chính biến, ngày 09/01/1885, Nhật Bản ép Triều Tiên kí kết “Hiệp ước Hán Thành”, theo đó Triều Tiên phải bồi thường cho những người Nhật bị giết, xin lỗi chính thức bằng văn bản, cho phép duy trì 1000 lính vũ trang Nhật tiếp tục đóng tại Hán Thành. Ngày 03/4/1885, Lý Hồng Chương đại diện cho triều Thanh gặp mặt toàn quyền Nhật Bản Ito Hirobumi tại Thiên Tân để tiến hành đàm phán. Phía Nhật Bản yêu cầu ba điểm chính: (i) Trung Quốc trừng phạt sĩ quan chỉ huy tại Triều Tiên; (ii) Bồi thường cho người Nhật; (iii) Rút quân đội khỏi Triều Tiên. Mục đích chính của Nhật Bản là đòi Trung Quốc rút quân. Lý Hồng Chương và triều Thanh kiên quyết không chấp nhận yêu cầu thứ nhất, nhưng lại đồng ý nhanh chóng rút quân. Ngày 18 tháng 4, hai bên kí kết “Hiệp ước Thiên Tân Trung-Nhật”, quy định hai nước phải rút quân khỏi Triều Tiên trong vòng 4 tháng, sau này không được phái người đến Triều Tiên huấn luyện quân sự. Điều quan trọng nhất là, trong tương lai, khi Triều Tiên có biến cố hoặc sự kiện quan trọng, hai nước hoặc một trong hai nước xuất quân, thì phải thông báo cho nhau bằng văn bản [19, tr 128]. Bằng hiệp ước này, địa vị của Nhật Bản tại bán đảo Triều Tiên đã được đưa lên ngang tầm với Trung Quốc, đây là một thắng lợi lớn về ngoại giao của Nhật Bản. Tuy vậy, sau sự kiện này, triều Thanh vẫn không ngừng nỗ lực nhằm tăng cường quyền tông chủ của Trung Quốc tại Triều Tiên. Thái độ của nước Anh đối với quan hệ Trung-Triều cũng là một trong những cơ sở quan trọng để triều Thanh tiếp tục thực hiện chính sách của mình đối với Triều Tiên. Nhằm kiềm chế thế lực của Nga mở rộng sang phía Đông Á, đặc biệt là Triều Tiên, Anh hết sức giúp đỡ Trung Quốc tăng cường quyền tông chủ đối với Triều Tiên. Cho dù cũng trong thời gian này, Anh vẫn đang thực hiện những hiệp ước bất bình đẳng với Trung Quốc, nhưng nước này lại có quan điểm rằng, việc tăng cường địa vị của Trung Quốc với Triều Tiên sẽ là sách lược tốt để làm cho Trung Quốc trở thành vật chướng ngại đối với con đường Nam tiến của nước Nga. Vì thế, công sứ Anh tại Trung Quốc luôn thúc giục triều Thanh tăng cường sự kiểm soát, ủng hộ vai trò tông chủ của Trung Quốc với Triều Tiên. Việc ủng hộ này được kéo dài liên tục cho đến trước chiến tranh Trung Nhật năm 1894 [16, tr 249]. Sau này, khi Anh thay đổi thái độ, ủng hộ Nhật Bản, đồng ý chấm dứt hiệp ước bất bình đẳng với Nhật, thay đổi chính sách từ liên minh với Trung Quốc để kiềm chế Nga sang liên minh với Nhật. Trên thực tế, đây cũng là nguyên nhân quan trọng làm cho Trung Quốc thất bại trong chiến tranh Trung-Nhật. Về phía Nga, cho dù Nhật Bản, Trung Quốc và Anh đều lo lắng về sự uy hiếp xâm lăng của Nga đối với Triều Tiên, nhưng trên thực tế, trong thời kì này, Nga không hề có ý đồ xâm lược Triều Tiên, mà chỉ hi vọng giữ nguyên hiện trạng, không muốn quan hệ của Triều Tiên với các nước khác uy hiếp đến biên giới phía đông của Nga. Vì thế, Nga cũng không phản đối quan hệ tông phiên giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Do đó, triều Thanh cũng muốn lôi kéo Nga đứng về phía mình, nhằm chống lại kế hoạch xâm lược Triều Tiên của Nhật. Nga cũng cho rằng, nếu Trung Quốc xâm lược Triều Tiên, thì mối uy hiếp đối với Nga có thể còn hơn cả khi Nhật xâm lược Triều Tiên. Vì thế, tháng 9 năm 1886, Tham tán sứ quán Nga tại Bắc Kinh N.F. 124
  7. Chính sách của triều Thanh đối với Triều Tiên trong hai thập niên cuối thế kỉ XIX Ladyzhenskii tiến hành đàm phán với Lý Hồng Chương, phía Nga nhất trí ý kiến của Lý rằng, Trung-Nga phải kí kết một Thỏa thuận bí mật không xâm lược Triều Tiên. Thỏa thuận sơ bộ ghi rõ: Chính phủ hai nước cam kết không thay đổi hiện trạng tại Triều Tiên, không có ý đồ xâm chiếm đất đai Triều Tiên [20, tr 16-17]. Nhưng triều Thanh lại cho rằng, điều khoản này sẽ hạn chế hành động của Trung Quốc sau này khi có sự thay đổi về vấn đề thuộc quốc trong quan hệ tông phiên với Triều Tiên, vì thế, điều khoản này không được ghi trong thỏa thuận chính thức, mà được bảo lưu trong thỏa thuận miệng giữa Lý Hồng Chương và N.F. Ladyzhenskii (còn gọi là “Thỏa thuận miệng Thiên Tân 1886”). Có thể thấy, thái độ của Anh và Nga trong vấn đề Triều Tiên là nguyên nhân quan trọng để triều Thanh tiếp tục thực hiện chính sách can dự tích cực đối với Triều Tiên. Về phía Mỹ, cho dù ảnh hưởng của Mỹ đối với Triều Tiên không bằng Nga và Nhật, nhưng suốt thời gian này, Mỹ luôn nhấn mạnh đến quyền độc lập tự chủ của Triều Tiên, ủng hộ cuộc đấu tranh của đảng Tiến Bộ Triều Tiên đối với quyền tông chủ Trung Quốc, tư tưởng và chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên cũng có một số tác động nhất định, nhưng không làm thay đổi chính sách của triều Thanh đối với Triều Tiên. Tháng 8 năm 1890, Viên Thế Khải phân tích tình hình Triều Tiên như sau: Lòng người Triều Tiên đã tan, không tụ kết với nhau được, trong nước không có thế để giữ, ngoài nước không có nguồn chi viện, Người Mỹ chỉ mong giữ được hiện trạng, không có kế sách gì lâu dài, Anh, Pháp, Đức không có ý đồ thực sự. Nhật Bản đang bàn tính gấp gáp, nhưng cũng lại sợ hỏng việc. Nga chưa sửa xong đường sắt, lại đang lo nghĩ về biên giới phía Tây, chỉ ngấm ngầm có ý đồ nhưng chưa thể hiện ra [21, tr 2810]. Có thể nói, đây là nhận xét rất xác đáng và sát với thực tế. Trong điều kiện thuận lợi như vậy, chính sách can dự tích cực của triều Thanh đối với Triều Tiên được thể hiện bằng đường lối Lý Hồng Chương, người thực hiện Viên Thế Khải đã được hình thành một cách rõ nét. Trong vòng hơn 10 năm từ 1894 đến 1894, chính sách này được triển khai ở một cấp độ cao hơn, được Viên Thế Khải - người phụ trách sự vụ cụ thể tại Triều Tiên quán triệt thực hiện một cách tuyệt đối. Tháng 10 năm 1885, Viên Thế Khải hộ tống Đại Viện Quân về Triều Tiên. Tháng 11, Viên được phong làm Đại thần của Thủ tướng Trung Quốc chuyên trách xử lý các sự vụ thông thương và giao thiệp tại Triều Tiên, tương đương với quan tam phẩm, lúc này Viên mới 26 tuổi. Nhiệm vụ của Viên tại Triều Tiên là, trong điều kiện thông thương, quan hệ với các nước khác, làm cho Triều Tiên phải “hiểu rõ lễ nghĩa thân thuộc, ổn định lòng dân, bên trong khắc phục về chính trị, đặt mối bang giao với bên ngoài” [22], nói một cách khác là tăng cường mối quan hệ tông phiên giữa Trung Quốc và Triều Tiên, đề phòng khuynh hướng đòi độc lập tự chủ của Triều Tiên và sự lăm le xâm lược của Nga, Nhật. Về cơ bản, trong thời gian 12 năm tại Triều Tiên, Viên hoàn thành sứ mệnh này một cách tương đối thành công. Một phần là do tài năng của Viên, một phần, cũng là do nguyên nhân Viên muốn nỗ lực để báo đáp sự tin tưởng của Lý Hồng Chương đối với bản thân (Năm 1888, quốc vương Cao Tông (Joseon Gojong) thông qua sứ quán Triều Tiên tại Trung Quốc yêu cầu Lý Hồng Chương rút Viên Thế Khải về nước, một số đại thần triều Thanh như Trương Giản, Trương Bội Luân cũng có ý kiến như vậy, nhưng Lý Hồng Chương kiên quyết không tán thành). 3. Kết luận Sở dĩ Trung Quốc thực hiện chính sách can dự tích cực vào Triều Tiên trong những năm cuối thế kỉ XIX, là bởi vì họ cho rằng, sau khi Nhật Bản sát nhập Lưu Cầu, tình hình Đông Á đang phát sinh những biến động to lớn, ngoài sự uy hiếp của Nhật Bản với dã tâm ngày càng công khai, thì mối nguy do nước Nga có ý đồ tiến về phía Nam cũng hết sức nghiêm trọng. Qua hàng loạt những biến cố trong và ngoài nước, triều Thanh ý thức được tầm quan trọng của “lá chắn” Triều Tiên đối với cửa ngõ đất nước, nên thực hiện chính sách can dự mới đối với Triều 125
  8. Đỗ Tiến Quân Tiên, thuyết phục và thúc đẩy nước này kí kết một loạt các hiệp ước mở cửa thông thương với cường quốc Châu Âu, dùng chính sách “dĩ Di trị Di” nhằm tạo thế cân bằng trong khu vực, đồng thời cũng hi vọng mượn sức mạnh của nước ngoài để củng cố quan hệ tông phiên với Triều Tiên. Trong suốt những năm tháng biến động đó, chính sách can dự tích cực của Trung Quốc với Triều Tiên được thể hiện bằng hàng loạt hành động cụ thể. Trong ứng phó với binh biến Nhâm Ngọ, là nước tông chủ, Trung Quốc lập tức phái quân đội đến ứng cứu nước phiên thuộc theo nghĩa vụ, lấy danh nghĩa chính quyền Triều Tiên để trấn áp phiến loại, nhưng mục đích chính là kiềm chế Nhật Bản. Đây rõ ràng là một hành động can dự rõ rệt và tích cực của Trung Quốc, là điểm chuyển ngoặt trong chính sách của triều Thanh đối với Triều Tiên. Sự ủng hộ to lớn của Trung Quốc đối với đảng Sự đại Triều Tiên cũng là nguyên nhân quan trọng làm cán cân quyền lực chính trị tại Triều Tiên bị thay đổi rõ rệt, do đó, đảng Tiến Bộ thân Nhật đã tiến hành chính biến Giáp Thân nhằm lật đổ chính quyền thân Trung Quốc, nhưng do sự can thiệp mạnh mẽ của Trung Quốc, cuộc chính biến đã thất bại hoàn toàn. Từ đây, Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách can dự tích cực đối với Triều Tiên nhằm quy trì quyền tông chủ của mình. Lúc này, dù Mỹ không thừa nhận chính thức nhưng cũng không có hành động thực sự phản đối triều Thanh trong thực thi quyền tông chủ với Triều Tiên, còn Anh và Nga trong thế đối kháng, đề phòng lẫn nhau. Sau năm 1884, Nhật Bản tạm thời áp dụng chính sách kiềm chế, tích lũy sức mạnh để đợi thời cơ. Vì thế, trong hai thập niên cuối thế kỉ XIX, triều Thanh tận dụng triệt để điều kiện quốc tế thuận lợi đó để thực hiện chính sách can dự của mình, đây là nguyên nhân quan trọng và chủ yếu để từ đó củng cố được quyền tông chủ của Trung Quốc đối với Triều Tiên trong thời kì này. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Kim Cơ Hách, 1995. Mục đích của chính sách Lý Hồng Chương đối với Nhật Bản và Triều Tiên thời kì 1870-1882. Tuyển tập Nghiên cứu Hàn Quốc, số 1, tr 80-99 (bản tiếng Trung). [2] Kim Tại Thiện, 1997. Quan hệ tông phiên Trung-Triều trước chiến tranh Giáp Ngọ và tranh luận của Trung-Nhật-Triều về vấn đề phiên thuộc của Triều Tiên. Học báo ĐHSP Tứ Xuyên, số 1, tr 126-134 (bản tiếng Trung). [3] Đỗ Tiến Quân, 2014. Triều Tiên trong cục diện chính trị Đông Bắc Á thời kì cuối thế kỉ XIX. Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 164, tr 3-11. [4] Nguyễn Phương Mai, 2015. Vấn đề Triều Tiên trong chính sách đối ngoại xâm lược thuộc địa của Nhật Bản cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 10, tr 68-75. [5] Đỗ Tiến Quân, 2015. Quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên thời Minh xét dưới góc độ trao đổi các đoàn sứ thần. Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 10, tr 50-59. [6] Sử liệu ngoại giao Triều Trung Nhật thời Thanh Quang Tự, quyển 1, ngày 21 tháng 8 năm 1879 (bản tiếng Trung). [7] Sử liệu ngoại giao Triều Trung Nhật thời Thanh Quang Tự, quyển 1, ngày 16 tháng 12 năm 1880 (bản tiếng Trung). [8] Sử liệu ngoại giao Triều Trung Nhật thời Thanh Quang Tự, quyển 2, ngày 19 tháng 2 năm 1881 (bản tiếng Trung). [9] Sử liệu ngoại giao Triều Trung Nhật thời Thanh Quang Tự, quyển 16, ngày 26 tháng 8 năm 1879 (bản tiếng Trung). [10] Vương Minh Tinh, 1998. Tuyển tập nghiên cứu Hàn Quốc, quyển 4. Nxb Nhân dân Thượng Hải (bản tiếng Trung). 126
  9. Chính sách của triều Thanh đối với Triều Tiên trong hai thập niên cuối thế kỉ XIX [11] Phòng nghiên cứu lịch sử cận đại Viện nghiên cứu Trung ương, 1972. Sử liệu quan hệ ngoại giao Trung Nhật Hàn thời Thanh, quyển 11. Viện Nghiên cứu Trung ương (bản tiếng Trung). [12] Lý Hồng Chương. Lý Hồng Chương toàn tập, công hàm ngoại sự, quyển 13, ngày 25 tháng 3 năm 1882 (bản tiếng Trung). [13] Vương Tín Trung, 1937. Bối cảnh ngoại giao Trung Nhật trong chiến tranh Giáp Ngọ. Nxb Đại học Quốc lập Thanh Hoa (bản tiếng Trung). [14] Trương Vệ Minh, 2011. Giữa thể chế tông phiên và luật quốc tế: Phác thảo lại trật tự quan hệ Trung Triều thời cuối triều Thanh. Nghiên cứu học thuật, số 3 (bản tiếng Trung). [15] Trương Hiếu Nhược, 1930. Truyền kí kèm bảng niên phổ của tiên sinh Trương Quý Trực Nam Thông. Nxb Trung Hoa thư cục (bản tiếng Trung). [16] Lâm Minh Đức, 1995. Chính sách tông phiên của Lý Hồng Chương đối với Triều Tiên (1882-1894). Nghiên cứu Hàn Quốc, quyển 1 (bản tiếng Trung). [17] Vương Tín Trung, 1937. Bối cảnh ngoại giao Trung - Nhật trong chiến tranh Giáp Ngọ. Nxb Đại học Quốc lập Thanh Hoa (bản tiếng Trung). [18] Sử liệu ngoại giao Triều Trung Nhật thời Thanh Quang Tự quyển 5, ngày 21 tháng 12 năm 1884 (bản tiếng Trung). [19] Phó Khởi Học, 2007. Lịch sử ngoại giao Trung Quốc, quyển 2. Nxb Công ti trách nhiệm hữu hạn Thương vụ Ấn thư quán (bản tiếng Trung). [20] Sử liệu ngoại giao Triều Trung Nhật thời Thanh Quang Tự, quyển 69, ngày 24 tháng 10 năm 1886 (bản tiếng Trung). [21] Phòng nghiên cứu lịch sử cận đại Viện nghiên cứu Trung ương, 1972. Sử liệu quan hệ ngoại giao Trung Nhật Hàn thời Thanh, quyển 5. Viện nghiên cứu trung ương (bản tiếng Trung). [22] Lạc Bảo Thiện, 2013. Viên Thế Khải tại Triều Tiên. Trung Quốc cận đại, ngày 5 tháng 7 (bản tiếng Trung). ABSTRACT The policy of Qing dynasty to North Korea in the two decades at the end of the 19th century Do Tien Quan Faculty of Foreign Language, Hung Vuong University In 1879, after the merger of Ryukyu, Japan directly threatened North Korean security and the bilateral relationship between the Qing and North Koreans. At this time, the great powers like America, Britain, France, Germany ... also want to open the door of trade with North Korea. In order to maintain the traditional order of suzerain-vassal relationship and ensure border security, the Qing Dynasty implemented a policy of active engagement, which had a great influence on the political landscape of Northeast Asia at that time. Keywords: Policies, Qing dynasty, North Korea, suzerain-vassal relationship. 127
nguon tai.lieu . vn