Xem mẫu

  1. CHÍNH PHỦ KIẾN TẠO TRONG QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ Ở VIỆT NAM . ThS Phan Thị Cẩm Lai* TÓM TẮT Bài viết khái quát những kết quả của chính phủ kiến tạo (CPKT) trong công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế ở Việt Nam. Dựa trên phương pháp nghiên cứu định tính bằng cách sử dụng các kỹ thuật thống kê mô tả, thu thập và so sánh các tài liệu thứ cấp về CPKT trong quản lý và phát triển kinh tế làm tiền đề cho việc bình luận các thành tựu đạt được như: 1) Về thay đổi tư duy và phương thức chỉ đạo, điều hành nền kinh tế; 2) Về xây dựng và củng cố năng lực thể chế Nhà nước; 3) Về cải thiện và tạo dựng môi trường kinh doanh, môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; 4) Về phát huy dân chủ trong xã hội để đưa Chính phủ đến gần người dân và doanh nghiệp hơn. Từ đó, đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn trong công tác quản lý, điều hành kinh tế của CPKT, tạo nền tảng để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Từ khóa: Chính phủ kiến tạo, phát triển kinh tế, quản lý kinh tế. 1. Đặt vấn đề Học giả Leftwich đã viết rằng “Ngày nay có vẻ như không tránh khỏi cho bất kỳ xã hội nào thực hiện chuyển đổi nhanh chóng và thành công từ đói nghèo mà không có mô hình Nhà nước tôn trọng ít nhiều đặc trưng của nhà nước kiến tạo phát triển” (Leftwich, 1995). Nhận định này của Leftwich đến nay vẫn còn nguyên giá trị khi sự phát triển mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang làm thay đổi tư duy về sản xuất, tiêu dùng, thị trường, phương thức kinh doanh và cả tổ chức xã hội, lao động, việc làm, văn hóa, lối sống. Vì vậy, việc xây dựng một chính phủ có thể khơi gợi sự phát triển của thị trường đang trở thành một yêu cầu bức thiết nhất là đối với các quốc gia có thu nhập thấp. Nguyên lý này không là ngoại lệ với Việt Nam – khi phát triển kinh tế được đặt là mục tiêu hàng đầu trong thời kỳ đổi mới đất nước. Xây dựng một CPKT phục vụ người dân và doanh nghiệp đã trở thành một định hướng lớn trong chủ trương của Đảng và Nhà nước “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nền kinh tế và năng lực kiến tạo sự phát triển của Nhà nước” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2017). Đó là một chính phủ có bộ máy Nghiên cứu sinh, Trường Đại học Thủ Dầu Một. * 28 -
  2. tinh gọn, hoạt động hiệu quả, tận tụy phục vụ và tạo điều kiện cho nhu cầu phát triển của doanh nghiệp và người dân. Bài viết tập trung đánh giá những thành tựu, hạn chế trong quá trình quản lý và phát triển kinh tế của CPKT. Từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, cản trở trong công tác quản lý, điều hành kinh tế của CPKT, tạo nền tảng để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước. 2. Tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý thuyết Khái niệm “Chính phủ kiến tạo” được sử dụng lần đầu tiên khi học giả Chalmers Ashby Johnson nghiên cứu về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản những năm 1980. Ông cho rằng: CPKT là một mô hình quản lý trong đó Chính phủ không đứng ngoài thị trường và cũng không làm thay thị trường, mà chỉ chủ động can thiệp vào thị trường để thúc đẩy phát triển nhằm đạt các mục tiêu đã đề ra (Johnson, 1982). Đồng tình với khái niệm trên của Johnson, Leftwich cho rằng CPKT là mô hình chính phủ nằm giữa mô hình chính phủ điều tiết (theo chủ nghĩa tân tự do) và mô hình chính phủ kế hoạch hóa tập trung (theo mô hình Xô Viết) (Leftwich, 1995). Dưới góc độ kinh tế học thể chế, (Robinson & Acemoglu, 2012) cho rằng việc xây dựng CPKT là cần thiết để thu hút sự tham gia của mọi chủ thể trong xã hội, thúc đẩy sự sáng tạo, củng cố niềm tin, và qua đó tạo dựng một môi trường đầu tư và kinh doanh lành mạnh để thúc đẩy tăng trưởng. Cách hiểu này khá tương đồng với quan điểm về vai trò của CPKT mà nhiều nghiên cứu khác về thể chế đã chỉ ra như (White & Wade, 1984), (Evans, Rueschemeyer, & Skocpol, 1985), (Burmeister, 1986), (Onis, 1991). Trong khi đó, (North, 1990) lại cho rằng để duy trì một chính quyền tốt, hạn chế tham nhũng; những nước có thể chế chính trị dân chủ và quyền tự do dân sự sẽ đạt những thành quả kinh tế to lớn hơn là do có môi trường kinh tế tự do hơn. Ở Việt Nam, khái niệm CPKT được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập đến lần đầu tiên vào đầu năm 2014. Đến năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc coi việc xây dựng CPKT là mục tiêu và cương lĩnh hành động của Chính phủ ngay sau khi nhậm chức. Trong phiên chất vấn trực tiếp Quốc hội (ngày 18 tháng 11 năm 2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc định nghĩa về CPKT như sau: CPKT là chủ động thiết kế chính sách pháp luật để đất nước phát triển, Nhà nước không làm thay thị trường. Kiến tạo cũng có nghĩa là Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi. Cuối cùng là phúc lợi xã hội phải tốt và quan trọng hơn cả, CPKT là nói phải đi đôi với làm (VGP, 2017). Như vậy có thể hiểu, CPKT là chính phủ xây dựng luật pháp, trả lại và bảo vệ các quyền cơ bản nhất để xã hội tự vận hành theo cách hiệu quả nhất. Chính phủ chỉ đóng vai trò kiến tạo không gian phát triển và môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời giám sát, hướng dẫn các chủ thể tuân theo “luật chơi” đảm bảo - 29
  3. phù hợp với các nguyên tắc của thị trường và mục tiêu phát triển của đất nước. Như vậy, trong mô hình này, Chính phủ sẽ không làm thay cho thị trường hay doanh nghiệp những công việc cụ thể. 3. Phương pháp nghiên cứu Bài viết nhằm khái quát những thành tựu, hạn chế trong quản lý và phát triển kinh tế của CPKT ở Việt Nam. Do đó, trong bài viết này, từ cơ sở là các tài liệu thứ cấp thu thập được như các Nghị quyết của Chính phủ, các số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê Việt Nam, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), báo cáo về môi trường kinh doanh (Ngân hàng Thế giới), các kỷ yếu hội thảo, tạp chí nghiên cứu,… tác giả dựa trên phương pháp nghiên cứu định tính bằng cách sử dụng các kỹ thuật thống kê mô tả, thu thập, phân tích, đánh giá, rút ra những thành tựu và hạn chế trong quá trình quản lý và phát triển kinh tế của CPKT. Đồng thời sử dụng phép quy nạp để đưa ra các kết luận, tổng hợp lại để đề xuất các giải pháp. 4. Kết quả và thảo luận 4.1. Thành tựu trong quản lý và phát triển kinh tế của chính phủ kiến tạo Một là, về thay đổi tư duy và phương thức chỉ đạo, điều hành nền kinh tế Thực tế cho thấy, đổi mới tư duy là yếu tố quyết định mang tính chất bước ngoặt trong việc tháo bỏ các nút thắt thể chế để cải cách chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập kinh tế quốc tế. Sự thay đổi về tư duy và phương thức chỉ đạo, điều hành nền kinh tế của CPKT được thể hiện qua các quan điểm trong các phiên làm việc của Chính phủ như: xác định tăng trưởng kinh tế là hoạt động của người dân và doanh nghiệp; nhiệm vụ của Chính phủ và các cấp cơ quan, ban ngành là phải tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tạo nên sự tăng trưởng. Chính phủ không được trở thành rào cản của người dân, doanh nghiệp, cái gì thị trường làm được thì để thị trường làm, nhiệm vụ của Chính phủ chỉ nên tập trung vào công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, hoạch định chính sách, tạo môi trường cho đầu tư kinh doanh phát triển (Hoàng Thị Giang, 2020). Nhờ sự đổi mới tư duy và phương thức điều hành như trên, kinh tế Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020 đã có những chuyển biến đáng kể. 30 -
  4. 8 7.08 7.02 6.68 6.81 7 6.21 5.98 6 5.42 5.25 5 4 2.91 3 2 1 0 Năm 2012 Năm 2013 Năm 2014 Năm 2015 Năm 2016 Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020 Hình 1. Biểu đồ so sánh tăng trưởng GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2012 – 2020 Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam Hình 1 cho thấy, tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng đều qua các năm trong giai đoạn 2012 – 2020. Riêng năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam bị sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, so với thế giới thì đó là một thành công của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm nước cao nhất thế giới với 2.91%, phản ánh những nỗ lực “vượt khó” rất đáng ghi nhận trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ (xem hình 2). Cũng trong năm 2020, cùng với Trung Quốc và Mianma, Việt Nam trở thành một trong ba quốc gia ở châu Á có mức tăng trưởng tích cực với quy mô nền kinh tế đạt hơn 343 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD) và Malaysia (336,3 tỷ USD), đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á (IMF, 2020). 2.91 Thế giới Mỹ Anh Châu Âu Việt Nam -3 -5.9 -6.5 -7.5 Hình 2. Tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam so với thế giới Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam - 31
  5. Hai là, về xây dựng và củng cố năng lực thể chế Nhà nước Điểm đầu tiên trong xây dựng thể chế phát triển là vai trò của CPKT trong việc hình thành và triển khai tầm nhìn chiến lược, như định hướng mục tiêu phát triển quốc gia trong thời gian dài. Tầm nhìn chiến lược này được xây dựng trên cơ sở khoa học, đánh giá các yếu tố trong nước và quốc tế, nhất là xu hướng phát triển của khu vực và thế giới, từ đó hoạch định mục tiêu, xây dựng các chính sách và các nguồn lực để thực hiện. Từ năm 2016, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định mang tính nguyên tắc cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy và đổi mới hoạt động của các cơ quan, ban ngành và cho công tác phòng chống tham nhũng trong cơ quan nhà nước như: Nghị định số 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Luật 36/2018/QH14 Luật phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng; Chỉ thị 10/CT-TTG về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Quyết định 101/QĐ-TTg Ban hành kế hoạch triển khai, thi hành Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018; Quyết định 861/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 – 2021”; Luật 25/2018/QH14 Luật Tố cáo… Nhờ những chủ trương và chính sách tích cực trên đã giúp Chính phủ củng cố niềm tin về sự liêm khiết trong sạch, sự tận tâm của chính phủ phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2012 – 2020, chỉ số nhận thức tham nhũng của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể. 38 37 37 36 36 35 35 34 33 33 33 32 31 31 31 31 31 30 29 28 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020 Hình 3. Kết quả CPI hàng năm của Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020 Nguồn: Transperency International Hình 3 cho thấy, vào năm 2016, lần đầu tiên sau 4 năm, điểm số CPI của Việt Nam đã tăng 2 điểm so với mức điểm 31/100 được duy trì từ năm 2012 đến 2015. Với điểm số 32 -
  6. này, Việt Nam đứng thứ 113/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Đến năm 2020, chỉ số CPI có giảm 1 điểm so với năm 2019 nhưng được cho là không đáng kể, Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) – cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam đánh giá đây là một dấu hiệu đáng mừng đối với những nỗ lực phòng, chống tham nhũng, thể hiện những bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế và chính sách liên quan đến phòng chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam (TI, 2020). Việc đưa ra truy tố, xét xử hàng loạt các sai phạm, các vụ án lớn, như những vi phạm của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, của Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, sai phạm của một số lãnh đạo cấp tỉnh, lãnh đạo các bộ, ngành,... đã thể hiện rõ quyết tâm của chính phủ kiến tạo rằng sẽ không có “vùng cấm”, “vùng ngoại lệ” và người “miễn truy cứu” trong công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Ba là, về cải thiện và tạo dựng môi trường kinh doanh, môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Một trong những đặc điểm nổi bật của môi trường đầu tư kinh doanh trong giai đoạn 2015 – 2020 là số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng liên tục qua các năm và luôn tăng cao hơn với số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động (xem hình 4). Trong năm 2016, cả nước có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng, tăng 16,2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với năm 2015. Bình quân giai đoạn 2015 – 2020 hàng năm cả nước có 126.593 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 1,35 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới là 49,3%, với số vốn đăng ký tăng 24,8% (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2020). 160000 138139 134900 140000 127000 131000 120000 110110 107000 101700 94754 100000 80000 71391 73000 66067 60000 40000 28731 20000 0 2015 2016 2017 2018 2019 2020 Doanh nghiệp đăng ký thành lập Doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động Hình 4. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập và giải thể, ngừng hoạt động giai đoạn 2015 – 2020 Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư - 33
  7. Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam theo xếp hạng Doing Business của Worldbank cũng đã có sự cải thiện đáng kể. Nếu như năm 2012, Việt Nam đứng thứ 98 trên 183 nước thì xếp hạng đã có sự tiến bộ đáng kể, tăng 9 bậc trong năm 2015 (90/189). So với năm 2016, xếp hạng của Việt Nam cũng đã tăng thêm 9 bậc vào năm 2017, tăng 11 bậc vào 2018 và tăng 13 bậc vào năm 2019 (xem bảng 1). Bảng 1. Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020 Năm 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020 EDBI 98/183 99/189 99/189 90/189 91/190 82/190 70/190 69/190 69/190 Nguồn: Doing Business ranking Việc cải thiện thứ hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam được coi là điểm nổi bật nhất trong kết quả điều hành theo định hướng xây dựng CPKT ở Việt Nam thông qua việc ban hành hàng loạt các nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 – 2016; Nghị quyết 19/2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020. Đặc biệt vào năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Đây là lần đầu tiên, Chính phủ có riêng một nghị quyết về phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam, phấn đấu đến năm 2020, có trên 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả... Cùng nhiều hành động quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ cũng đã được xúc tiến như: tăng cường trực tiếp đối thoại, tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp. Bốn là, về phát huy dân chủ trong xã hội để đưa Chính phủ đến gần người dân và doanh nghiệp hơn Sức mạnh thực sự của CPKT thể hiện qua một xã hội năng động, người dân được phát triển tối đa năng lực cá nhân, xã hội đồng thuận, đa dạng và phong phú. Không dựa vào dân chủ, vào sự chính đáng thì không thể có CPKT. Hiểu được nguyên lý này, trong hoạt động quản lý, phát triển kinh tế Chính phủ luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp; bên cạnh đó, còn tham khảo, vận dụng phù hợp kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường pháp lý công bằng, bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế được thể hiện rõ qua các đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Tiếp công dân, Luật Phòng, chống tham nhũng,… Hàng năm, Chính phủ cũng đã góp ý kiến khoảng từ 17 đến 24 dự án luật, pháp lệnh với chất lượng văn bản được cải thiện, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh 34 -
  8. doanh, xây dựng chính phủ điện tử nhằm góp phần tháo gỡ các khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Nhờ vậy Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1000 thủ tục hành chính, 3893 trong số 6191 điều kiện kinh doanh, 6776 trong số 9926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành… Với những cải cách trên đã tiết kiệm được hơn 18 triệu ngày công/năm trong tổng chi phí xã hội, tương đương 6.300 tỷ đồng/năm (Mai Tiến Dũng, 2020). Trong các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ cũng thể hiện tính phát huy sự tham gia, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp như Nghị quyết 35/ NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Chỉ thị 26/CT-TTg năm 2016 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. 4.2. Những hạn chế, tồn tại Một là, các chính sách không ổn định và những phiền hà về thủ tục hành chính tác động bất lợi đến việc cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam Mặc dù Chính phủ đã có những nỗ lực rất lớn trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên với quy trình không thống nhất trong việc ban hành văn bản luật, chính sách liên quan đến đầu tư trước, sau đó một thời gian mới có thông tư hướng dẫn đã làm không ít các nhà đầu tư lúng túng trong thay đổi kế hoạch và dự án hoạt động của doanh nghiệp. Nguyên nhân của thực trạng này bắt nguồn từ cách thức xây dựng, chất lượng, hiệu quả thực hiện các luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật pháp, chính sách hiện nay. Hàng năm, Quốc hội chỉ ban hành khoảng 20 luật, gồm cả bổ sung, sửa đổi; Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành trung bình khoảng hơn 100 nghị định, quyết định; tuy nhiên, các bộ lại ban hành từ 600 đến 700 (Nguyễn Đình Cung, 2018). Điều này vô tình đẩy nhà đầu tư rơi vào rủi ro do chính sách. Bên cạnh đó, những tốn kém về phụ phí, những điểm không rõ ràng về quyền hạn, trách nhiệm và thời gian giải quyết công việc thường kéo dài một cách không bình thường đã tạo ra những cản trở đối với hoạt động kinh doanh và đời sống của doanh nghiệp và nhân dân (Đỗ Quốc Sam, 2017). Người dân, doanh nghiệp, những đối tượng bị quản lý không thực sự quan tâm, cũng không cần biết những gì đã và đang thay đổi mang tính chủ quan của các chủ thể quản lý. Điều họ mong muốn và chờ đợi chính là tác động tích cực của các chủ thể trong hoạt động quản lý nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp và làm cho cuộc sống, hoạt động kinh tế của họ tốt hơn. Hai là, tham nhũng vẫn còn là vấn đề nghiêm trọng trong môi trường kinh doanh của Việt Nam Tình trạng tham nhũng ở Việt Nam được đánh giá là nghiêm trọng, với những biểu hiện vừa tinh vi, vừa phức tạp, xảy ra trên nhiều phương diện. Một số lĩnh vực mà tham nhũng đang trở nên phổ biến như: đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, lĩnh vực tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực khác như quản lý cấp phát ngân sách Nhà nước, quản lý xuất nhập khẩu… (Nguyễn Văn Hùng, 2020). Trong khi đó việc thực thi - 35
  9. Luật Phòng, chống tham nhũng cũng như việc thực thi, tuân thủ Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng của Chính phủ còn nhiều bất cập. Đặc biệt, Luật Phòng, chống tham nhũng của Việt Nam mới chỉ chú trọng đến các vấn đề mang tính hành chính và các biện pháp phòng ngừa, chưa đi sâu bao quát các nội dung cơ bản để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực thi và xử phạt tham nhũng. Các quy phạm xử lý tham nhũng trong Luật chưa được hoàn thiện dẫn đến nhiều trường hợp đối tượng tham nhũng đã thừa nhận hành vi phạm tội nhưng vẫn khó đưa ra các kết luận xử lý công khai. Điều này góp phần làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài. Ba là, những bất cập trong việc xử lý mối quan hệ giữa đẩy mạnh vai trò quản lý của Chính phủ với phát huy dân chủ, thu hút đông đảo các lực lượng xã hội tham gia vào quản lý và phát triển kinh tế Công tác hoạch định chiến lược ở Việt Nam hiện nay vẫn do các cơ quan hành chính và đội ngũ công chức hành chính đảm nhiệm là chủ yếu. Vì vậy, trong công tác quy hoạch, nhất là trong việc xác định mục tiêu ưu tiên và phân bổ nguồn lực thì tính chuyên nghiệp và khả năng không bị chi phối bởi lợi ích (của các bộ ngành, vùng miền) là rất hạn chế. Bên cạnh đó, quy trình tuyển dụng đội ngũ cán bộ hiện nay còn thiếu tính minh bạch, thi tuyển dựa trên các tiêu chí bằng cấp chứ không phải thực tài, chế độ đãi ngộ nhân tài thiếu hấp dẫn đang là một trở ngại lớn cho việc xây dựng năng lực thể chế của CPKT ở nước ta. Việc mở rộng dân chủ trong quá trình xây dựng CPKT cũng bao hàm quá trình phân công, phân cấp và ủy quyền một cách hợp lý giữa các cấp và các cơ quan, ban ngành trong hệ thống quản lý Nhà nước. Nhiệm vụ đặt ra của quá trình này là “cấp nào có khả năng giải quyết hiệu quả nhất vấn đề phát sinh thì giao quyền cho cấp đó” và “đảm bảo sự cân xứng giữa quyền hạn và trách nhiệm”. Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề này vẫn còn đang bàn cãi, tồn tại nhiều bức xúc cần được nghiên cứu để tìm ra các giải pháp nhằm bảo đảm tính thống nhất của toàn bộ nền kinh tế, phát huy lợi thế của từng vùng, phát triển quan hệ liên kết nội vùng và giữa các vùng. 5. Kết luận và khuyến nghị chính sách Với mục tiêu lấy nhân dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ của CPKT đã thể hiện rõ sự thay đổi căn bản tư duy của Chính phủ từ thiên về quản lý hành chính sang Chính phủ phục vụ người dân và doanh nghiệp. Qua đó cũng khẳng định người dân và doanh nghiệp được xác định là chủ thể trung tâm của nền kinh tế. Trong thời gian tới, để phát huy những thành công đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quản lý và phát triển kinh tế của CPKT, theo chúng tôi, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: Thứ nhất, Chính phủ cần tập trung sửa đổi, bổ sung, thiết lập các thể chế còn thiếu để điều chỉnh các quan hệ kinh tế – xã hội mới phát sinh theo tiến trình phát triển của nền kinh 36 -
  10. tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan tâm hơn về chất lượng xây dựng hệ thống văn bản pháp luật theo hướng tạo môi trường bình đẳng cho các thành phần kinh tế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thiểu tối đa những rắc rối, phức tạp không đáng có và giảm tối đa chi phí hành chính trong đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Cải cách môi trường kinh doanh không chỉ dừng lại ở việc cắt giảm các thủ tục hay thời gian thực hiện các thủ tục mà phải hướng nhiều hơn tới các thể chế hợp tác, xác định trách nhiệm giữa các bộ, ngành, địa phương liên quan đến các lĩnh vực ưu tiên. Việc hoàn thiện thể chế, các quy phạm pháp luật và cải cách thủ tục hành chính còn góp phần khắc phục các lỗ hổng để diệt trừ mầm mống của lợi ích nhóm, đảm bảo môi trường kinh doanh trong sạch, lành mạnh cho các doanh nghiệp. Thứ hai, Chính phủ phải thực hiện bằng được nhiệm vụ chống tham nhũng, lãng phí một cách quyết liệt, mạnh mẽ. Vì nếu nạn tham nhũng, lãng phí còn hoành hành thì công cuộc kiến tạo, chấn hưng đất nước sẽ không bao giờ thành công. Do vậy, từ các thành viên chính phủ đến các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các bộ, ngành, địa phương phải “nâng cao tính liêm chính”, gương mẫu đi đầu trong việc thực hành chống tham nhũng, lãng phí để tạo ra sự chuyển động trong toàn bộ máy. Cần có các chế tài cụ thể để trừng phạt thích đáng các tội phạm tham nhũng của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước và xây dựng các cơ chế, chính sách hiệu quả để khích lệ và bảo vệ tốt hơn các nạn nhân, nhân chứng, người tố cáo tham nhũng. Có như vậy mới tạo được lòng tin, sự an tâm của nhân dân và doanh nghiệp vào quyết tâm và hành động của Chính phủ trong công cuộc chống tham nhũng, lãng phí. Thứ ba, Chính phủ cần thực hiện tính minh bạch thật sự trong thi tuyển và tuyển dụng công chức; đổi mới công tác đánh giá công chức và kịp thời sàng lọc, loại ra khỏi bộ máy hành chính những cán bộ, công chức yếu về năng lực, kém về phẩm chất. Nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức trong việc xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, điều chỉnh chức năng và xác định rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp với yêu cầu của cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính phủ, các bộ, Ủy ban nhân dân các cấp chỉ nên thực hiện vai trò, chức năng quản lý nhà nước đối với các nội dung hoạch định chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; còn đối với các nội dung công việc không thuộc nhiệm vụ của hệ thống hành chính nên thực hiện chuyển giao cho các tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ, tổ chức sự nghiệp dịch vụ công, tổ chức doanh nghiệp, tư nhân đảm nhiệm theo hướng xã hội hóa./. - 37
  11. TÀI LIỆU THAM KHẢO Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020. Nhà xuất bản Thống kê. Burmeister, L. L. (1986). Warfare, Welfare, and State Autonomy: Structural Roots of the South Korean Developmental State. Pacific Focus, 1(2), 121-146. Đảng Cộng sản Việt Nam (2017). Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Hà Nội: Văn phòng Trung ương Đảng. Đỗ Quốc Sam (2017). Chương trình cải cách hành chính: Thực trạng và vấn đề đặt ra. Tạp chí Cộng sản, 5, 76-78. Evans, P. B., Rueschemeyer, D., & Skocpol, T. (1985). Bringing the state back in: Cambridge University Press. Hoàng Thị Giang (2020). Đẩy mạnh xây dựng chính chủ kiến tạo, hành động, tạo thế và lực phát triển đất nước. Tạp chí Quản lý nhà nước, 1, 45-49. IMF (2020). Triển vọng kinh tế thế giới tháng 10 năm 2020. May 10, 2020. https://mbs.com.vn/vi/ trung-tam-nghien-cuu/bao-cao-phan-tich/trien-vong-viet-nam/bao-cao-trien-vong-kinh-te- the-gioi-so-thang-10-2020/ Johnson, C. (1982). MITI and the Japanese miracle: the growth of industrial policy, 1925 – 1975. California: Stanford University Press. Leftwich, A. (1995). Bringing politics back in: Towards a model of the developmental state. The journal of development studies, 31(3), 400-427. Mai Tiến Dũng (2020). Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. May 10, 2020. http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Xay- dung-Chinh-phu-kien-tao-liem-chinh-hieu-luc-hieu-qua-tan-tam-tan-luc-phuc-vu-nhan- dan/411544.vgp Nguyễn Đình Cung (2018). Đổi mới tư duy và tháo bỏ nút thắt thể chế để chuyển mạnh nền kinh tế nước ta sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại. May 11, 2020. http://hdll.vn/vi/nghien-cuu- --trao-doi/doi-moi-tu-duy-va-thao-bo-nut-that-the-che-de-chuyen-manh-nen-kinh-te-nuoc- ta-sang-kinh-te-thi-truong-day-du-hien-dai.html Nguyễn Văn Hùng (2020). Thực trạng và một số giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Tổ chức Nhà nước, 5, 72-75. North, D. C. (1990). Institutions, institutional change and economic performance. United Kingdom: Cambridge university press. Onis (1991). The logic of the developmental state. Comparative Politics, 24(1), 109-126. Robinson, J. A., & Acemoglu, D. (2012). Why nations fail: The origins of power, prosperity and poverty: Profile London. TI. (2020). Báo cáo chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2020. May 11, 2021. https://www. transparency.org/en/cpi/2020/index/vnm VGP (2017). Điểm khác biệt của Chính phủ kiến tạo. May 9, 2020. http://congan.com.vn/tin- chinh/chinh-tri-thoi-su/diem-khac-biet-cua-chinh-phu-kien-tao 47870.html White, G., & Wade, R. (1984). Developmental States in East Asia: Editorial Introduction. IDS Bulletin, 15(6), 1-3. 38 -
nguon tai.lieu . vn