Xem mẫu

  1. Zarathustra đã nói như thế CHIẾC BÓNG Nhưng khi Người ăn xin tự nguyện vừa chạy xa và Zarathustra còn lại một mình đơn lẻ, thời hắn nghe một giọng nói mới lạ cất lên từ đằng sau: “Đứng lại, Zarathustra! Chờ tôi với! Chính tôi đây, hỡi Zarathustra, chiếc bóng của ngài đây!” Nhưng Zarathustra không dừng chân chờ đợi, vì đột nhiên một sự tủi giận xâm chiếm lòng hắn, do cái đám đông người đang chen chúc nhau trong vùng núi cao của hắn. Hắn tự nhủ: “Sự cô đơn của ta đã ra sao rồi? Quả thật ta quá đỗi chán ngán; vùng núi này lúc nhúc những người là người, vương quốc của ta không còn thuộc về thế giới này nữa, ta cần có những ngọn núi mới. Chiếc bóng của ta đang gọi ta. Nào sá gì chiếc bóng của ta! Cứ để chiếc bóng chạy đuổi theo ta - ta chạy trốn nó”.
  2. Zarathustra tự nhủ lòng như thế và co giò chạy trốn. Nhưng kẻ ở đằng sau Zarathustra cất bước đuổi theo, đến nỗi có ba kẻ chạy theo sau nhau: trước hết là Người ăn xin tự nguyện, rồi đến Zarathustra, kẻ thứ ba và sau cùng là Chiếc bóng của Zarathustra. Nhưng ba người chạy chưa được bao lăm thì Zarathustra chợt ý thức được sự điên rồ của mình, và bằng một cử chỉ, Zarathustra rũ bỏ lòng tủi giận và sự kinh tởm ra xa. Zarathustra nói lớn: “Sao chứ? Những điều lố bịch kỳ cục nhất há chẳng luôn xảy đến cho những bậc thánh và những ẩn sĩ già nua như chúng ta hay sao? Thực ra, cơn điên cuồng của ta đã lớn lên trong những vùng núi non cô tịch! Giờ đây ta đang nghe tiếng rổn rảng từ sáu bàn chân già cả của những tên điên đang đuổi theo nhau. Nhưng Zarathustra có quyền sợ hãi một chiếc bóng chăng? Vì vậy, sau cùng, ta tin rằng chiếc bóng có đôi chân dài hơn ta”. Zarathustra đã nói như thế và tươi cười hoan hỉ. Hắn dừng bước rồi đột nhiên quay lại - và ô kìa, Zarathustra đã làm chiếc bóng và hồn người của hắn bổ nhào, vì chiếc bóng ôm hắn quá gần và yếu ớt quá đỗi. Khi tận mắt quan sát chiếc bóng, Zarathustra đâm ra kinh hãi như đứng trước sự xuất
  3. hiện bất ngờ của một bóng ma; hồn người ấy mới ốm o, đen đúa, trũng rỗng và mỏi mệt ngần nào! Zarathustra hỏi, vẽ dữ tợn: - Mi là ai? Mi làm gì ở đây? Và tại sao mi lại tự xưng là chiếc bóng của ta? Mi làm ta không ưa nổi. Chiếc bóng trả lời: - Xin ngài thứ lỗi vì lỡ ra lại là tôi; và hỡi Zarathustra, nếu tôi có làm ngài ưa không nổi, tôi xin tán thành và ngợi khen ngài quả là có khiếu thẩm mỹ. Tôi là một lữ khách, từ lâu rồi tôi bám chặt vào đôi gót chân ngài: tôi luôn luôn ở trên đường, nhưng lại không mục đích và vô gia cư, đến nỗi chỉ thiếu chút nữa, tôi đã là người Do Thái lang thang, trừ sự kiện tôi không phải là dân Do Thái cũng chẳng phải là thiên thu. Rồi sao? Tôi cứ phải luôn luôn dấn bước trên đường mãi mãi? Tôi cứ phải trù trừ thất thường, bị xô đẩy và lôi kéo bởi gió bốn phương? Hỡi địa cầu, ngươi được tạo ra quá tròn cho chân ta!
  4. Tôi đã ngồi trên tất cả mọi bề mặt; tôi đã ngủ yên trên những tấm gương soi và kính cửa hàng, tựa như hạt bụi mệt mỏi. Tất cả đều thu nhỏ tôi lại, chẳng có gì làm tôi giàu có, tôi biến mình thành mảnh dẻ ốm o. Nhưng hỡi Zarathustra, chính ngài là người tôi đã theo chân và theo đuổi lâu nhất; dẫu cho tôi có trốn lánh ngài, thì không vì thế mà tôi chẳng phải là chiếc bóng tài giỏi nhất của ngài: nơi nào ngài ngồi xuống, tôi cũng nghỉ chân. Cùng với ngài, tôi đã lang thang trong những thế giới xa vời lạnh lẽo nhất, như một bóng ma thích chạy nhảy trên những mái nhà bị mùa Đông nhuộm trắng và chạy nhảy trên mặt tuyết giá băng. Cùng với ngài, tôi đã khát khao tất cả những trái cấm, tất cả những gì xấu xa, diệu vợi nhất; và giả sử tôi có thủ đắc được đức hạnh nào, thì đó là đức hạnh vô úy, đức hạnh chẳng hề kinh sợ bất cứ sự cấm đoán nào. Cùng với ngài, tôi đã đập vỡ điều mà quả tim tôi đã phụng thờ mãi mãi, tôi đã lật nhào tất cả những biên giới cùng những ảnh tượng, tôi đã săn đuổi những khát vọng nguy hiểm vô vàn. Thật ra, tôi đã một lần bước qua bên kia tất cả những tội ác gớm ghê nhất.
  5. Cùng với ngài, tôi đã mất đi đức tin nơi chữ nghĩa, nơi những giá trị đã được thừa nhận và những danh từ đao to búa lớn! Khi con quỷ thay da lột xác, thì cùng lúc nó chẳng thay đổi tên gọi đấy sao? Bởi vì chính tên gọi ấy cũng chỉ là một lớp da. Có lẽ chính con quỷ cũng chỉ là... một lớp da. “Chẳng có gì là thật cả, mọi sự đều được phép làm”: đấy là điều mà ngày nọ tôi đã tự nhủ lòng để khích lệ mình thêm can đảm. Tôi bị vứt ùm cả đầu óc lẫn tim gan vào trong những vũng nước giá buốt cắt da. Hỡi ôi! Biết bao lần sau đó tôi đã thấy mình trần truồng đỏ cạch như một con tôm! Hỡi ôi! Tôi đã làm gì với tất cả lòng tốt, với tất cả sự thẹn thùng và tất cả đức tin nơi những người thiện hảo! Hỡi ôi! Sự ngây thơ giả trá mà xưa kia tôi đã thủ đắc, sự ngây thơ của những con người thiện hảo và của những điều dối trá cao nhã của họ, bây giờ đang ở nơi đâu! Rất thường khi tôi đã bước đi trên gót chân của Chân lý: lúc ấy, Chân lý đập mạnh vào đầu tôi. Đôi lúc tôi tưởng mình nói dối, và chỉ khi đó, tôi mới thấy rằng mình chạm vào Chân lý. Quá nhiều sự việc đã được soi tỏ dưới mắt tôi, chính vì thế chẳng gì là quan hệ đối với tôi nữa. Chẳng gì còn tồn tại từ những điều tôi yêu thương nữa, - làm thế nào tôi còn có thể tự yêu thương chính mình được chứ?
  6. “Sống theo ý thích của mình, hay hoàn toàn chẳng sống gì cả”: đấy là điều tôi ước muốn, đấy cũng là điều kẻ thánh thiện nhất ước muốn. Nhưng, hỡi ôi! Làm thế nào còn có được cho tôi một niềm vui thú? Tôi hãy còn một mục tiêu nào đó chăng? Một bến bờ mà cánh buồm của tôi rong ruổi đến? Một ngọn gió lành? Hỡi ôi! Chỉ duy có kẻ biết mình đi đâu mới biết đâu là ngọn gió lành thổi đến cho y, một ngọn gió thuận lợi. Tôi còn lại gì? Một tấm lòng chán ngán, ngạo mạn, kiêu căng; một ý chí thất thường; đôi cánh vừa chập chững bay; một sống lưng bị gãy. Cuộc tìm kiếm nơi trú ẩn của tôi - hỡi Zarathustra, ngài biết đó, - cuộc tìm kiếm này đã là cuộc thử lửa, là mối phiền não[1] làm tôi khánh kiệt, tiêu hủy cả đời tôi. “Đâu là nơi trú ẩn của ta?” Nơi trú ẩn ấy chính là điều mà tôi hỏi thăm dò xét, nơi trú ẩn ấy chính là điều mà tôi đang tìm kiếm, đã kiếm tìm và đã không tìm thấy được. Ôi, vĩnh cửu mọi nơi, ôi vĩnh cửu không ở nơi nào cả, ôi vĩnh cửu - hoài công vô ích!”
  7. Chiếc bóng nói như thế và khuôn mặt của Zarathustra cứ chảy dài ra khi nghe những lời trên. Sau cùng, Zarathustra bảo bằng giọng buồn rầu: “Mi là chiếc bóng của ta! Hỡi tinh thần tự do lang bạt, hiểm họa của mi chẳng phải nhỏ nhoi! Mi đã gặp một ngày xấu; hãy coi chừng kẻo nó lại tiếp theo bằng một buổi tối còn tệ hại hơn nữa! Những kẻ lang thang phiêu bạt như mi cuối cùng đều tự cảm thấy mình hạnh phúc, ngay cả trong một nhà tù. Mi đã từng nhìn thấy những kẻ sát nhân ngủ ra sao trong nhà tù chưa? Chúng ngủ một cách thanh thản, chúng yên tâm hưởng thụ sự an toàn mới mẻ. Mi hãy đề phòng, rồi ra một đức tin chật hẹp sẽ xâm chiếm lấy mi, - một ảo tưởng khắc bạc và khốc liệt! Bởi vì kể từ lúc này trở đi, tất cả những gì là chật hẹp, kiên cố sẽ quyến rũ và cám dỗ hồn mi. Mi đã đánh mất mục đích: hỡi ôi, làm thế nào mi sẽ có thể đền bù an ủi mình về sự mất mát đó? Mi há chẳng mất luôn cả con đường của mi đấy sao?
  8. Hỡi kẻ lãng tử khinh bạc đáng thương, hỡi con bướm mỏi mệt kia! Tối nay mi có muốn ngơi nghỉ và một nơi chốn nương thân không? Hãy trèo lên hang đá của ta: Trên kia là con đường dẫn lên hang đá. Giờ đây, ta muốn lánh xa ngươi cho thật mau. Ta cảm thấy như có một chiếc bóng đang đè nặng trên hồn ta. Ta muốn chạy đi một mình, để chung quanh ta lại trở nên sáng rỡ. Chính vì thế ta còn cần phải hưởng thụ đôi chân một cách vui tươi khoái hoạt trong một thời gian lâu nữa. Tuy nhiên, vào đêm nay - tất cả sẽ khiêu vũ nơi hang đá của ta!” Zarathustra đã nói như thế. [1] “cuộc tìm kiếm này đã là cuộc thử lửa, là mối phiền não làm tôi khánh kiệt, tiêu hủy cả đời tôi”, do lối chơi chữ với các danh từ Suchung: sự
  9. tìm kiếm, Heim: nơi trú ẩn, quê hương, và Heimsuchung: mối phiền não đớn đau.
nguon tai.lieu . vn