Xem mẫu

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2012, Vol. 57, No. 2, pp. 113-119 CHẤT LƯỢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM – MỘT SỐ VẤN ĐỀ BẤT CẬP HIỆN NAY Tô Thị Hồng Nhung Trường Đại học Sư phạm Hà Nội E-mail: violet-blueocean@yahoo.com Tóm tắt. Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ không còn là lợi thế của Việt Nam khi bắt đầu bộc lộ những hạn chế, đặc biệt là về chất lượng trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và đòi hỏi cao về mọi mặt. Tỉ lệ lao động đã qua đào tạo thấp, chất lượng và cơ cấu đào tạo còn nhiều bất cập, năng suất lao động chưa cao, cùng với các yếu tố hạn chế về thể lực, trí lực, tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật đang là những thách thức đối với lực lượng lao động Việt Nam hiện nay. Từ khóa: Thị trường lao động, chất lượng lao động, lực lượng lao động, bất cập. 1. Mở đầu Lực lượng lao động là nhân tố hết sức quan trọng trong nền kinh tế - xã hội của bất cứ một quốc gia, một lãnh thổ hay một địa phương nào đó. Sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực luôn là mối quan tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, một quốc gia đang phát triển và đông dân, vấn đề lao động – sử dụng lao động lại càng có ý nghĩa quan trọng. Nhà nước cũng đã có nhiều chương trình, chính sách, nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, trình độ của người lao động nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực dồi dào của đất nước, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu, lực lượng lao động đông đảo của nước ta, bên cạnh những thế mạnh đang phát huy, cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, trở thành lực cản đối với việc giải quyết việc làm và hội nhập vào thị trường lao động thế giới, đặc biệt là vấn đề chất lượng của nguồn lao động. Bài báo này bước đầu phân tích một số hạn chế về chất lượng lao động Việt Nam trong tình hình hiện nay. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Vài nét về thực trạng nguồn lao động Việt Nam hiện nay 2.1.1. Nguồn lao động dồi dào Việt Nam có lợi thế về dân số đông, đang trong thời kỳ “dân số vàng” nên lực lượng lao động trong độ tuổi khá dồi dào. Năm 2009, dân số Việt Nam có khoảng 86,02 triệu 113
  2. Tô Thị Hồng Nhung người (đứng thứ 13 thế giới, thứ 2 Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines). Tỉ lệ gia tăng dân số là 1,06% và đạt mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). 10 năm trở lại đây là những năm tỉ lệ tăng dân số đạt mức thấp nhất trong vòng nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, tốc độ tăng dân số mặc dù đã chậm lại nhưng do quy mô dân số đông nên mỗi năm vẫn tăng thêm trên 1 triệu người. Dân số trong độ tuổi lao động vì vậy cũng tăng khá nhanh: từ 33,9 triệu người năm 1989 lên khoảng 56,87 triệu năm 2009, chiếm 66% dân số cả nước. Như vậy, hiện tại Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số “vàng”. Đây là một thời cơ để khai thác lực lượng lao động phục vụ cho việc tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội. Với tỉ lệ dân số phụ thuộc thấp nhất từ trước tới nay, Việt Nam sẽ có lợi thế nhân khẩu học tốt nhất: một lực lượng lao động đông đảo và dồi dào. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2009, lực lượng lao động trong độ tuổi từ 15 trở lên là trên 49,32 triệu người. Điều tra cho thấy, hơn 3/4 dân số nước ta từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động (khoảng 76,5% năm 2009). Đây là một tỉ lệ cao so với nhiều nước trong khu vực, ở châu Á và trên thế giới. Tính bình quân trong giai đoạn 1999 - 2009, mỗi năm có thêm khoảng gần 1,5 triệu người tham gia vào thị trường lao động, với tốc độ tăng lao động là 2,49%/năm. 2.1.2. Chất lượng nguồn lao động Việt Nam đang từng bước được cải thiện Trước hết, về trình độ học vấn, Việt Nam có ưu thế là trình độ học vấn của người lao động khá cao. tỉ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên đã tăng từ 90,3% năm 1999 lên 94% năm 2009, cao hơn đáng kể so với mức bình quân của thế giới (khoảng 82%). Về cơ bản, Việt Nam đã phổ cập tiểu học và Trung học cơ sở. Đến tháng 6/2010, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đã hoàn thành phổ cập THCS. Hàng năm, hầu hết học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đều tiếp tục vào học THCS, tỉ lệ thanh, thiếu niên trong độ tuổi 15 – 18 có bằng tốt nghiệp THCS đạt 87,2%. Thành quả đạt được về phổ cập giáo dục THCS đã góp phần nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Năm 2009, trong số gần 19,2 triệu người đang đi học có 87,5% đang theo học các bậc phổ thông, 2,8% đang theo học nghề, 3,2% đang theo học cao đẳng và 6,6% đã theo học đại học trở lên [3]. Lực lượng lao động có trình độ văn hóa có xu hướng tăng và lực lượng lao động không có trình độ văn hóa (mù chữ và chưa tốt nghiệp tiểu học) giảm. Tuy nhiên, trình độ giáo dục phổ thông ở nước ta có sự khác biệt lớn giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng lãnh thổ. Ở khu vực thành thị, tỉ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết là 97% (năm 2009) trong khi khu vực nông thôn con số này là 92,4%. Theo giới tính, tỉ lệ lực lượng lao động nam có trình độ văn hóa cao hơn so với lực lượng lao động nữ. Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, năm 2009, tỉ lệ lao động qua đào tạo của dân số hoạt động kinh tế cả nước là 24,7%, trong đó tỉ lệ qua đào tạo nghề nói chung là 13,1%, tỉ lệ tốt nghiệp THCN là 4,4%, tỉ lệ tốt nghiệp CĐ – ĐH và trên ĐH là 7,2%. Vùng có tỉ lệ lao động qua đào tạo cao nhất là Đông Nam Bộ 37,4%, đồng bằng sông Hồng 34,4%, thấp nhất là Tây Bắc 13,5%. 114
  3. Chất lượng lao động Việt Nam – một số vấn đề bất cập hiện nay Bảng 1. Lực lượng lao động Việt Nam chia theo trình độ chuyên môn kỹ thuật năm 2009 [4] Trình độ chuyên môn kỹ thuật 100% - Không có trình độ chuyên môn kỹ thuật 75,3% - Công nhân kỹ thuật không có bằng 7,1% - Sơ cấp nghề 3,8% - Trung cấp nghề 2,1% - Trung học chuyên nghiệp 4,4% - Cao đẳng nghề 0,3% - Cao đẳng 1,7% - Đại học trở lên 5,2% Như vậy, về trình độ CMKT của lao động nước ta, tỉ lệ qua đào tạo đã và đang không ngừng tăng lên. Hoạt động dạy nghề cũng đã có những bước phát triển quan trọng. Nhìn chung, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đã được nâng cao hơn trước, được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá khá cao về mặt bằng trình độ học vấn (tỉ lệ biết chữ, tỉ lệ tốt nghiệp tiểu học và THCS cao), khả năng tiếp thu nhanh, thông minh, cần cù, khéo tay. 2.2. Chất lượng nguồn lao động của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế Bên cạnh những lợi thế nhất định, chất lượng của lực lượng lao động Việt Nam đang còn tồn tại nhiều hạn chế. Mặc dù năng suất lao động có tăng trong nhiều năm qua nhưng lực lượng lao động Việt Nam nhìn chung có tay nghề thấp theo tiêu chuẩn quốc tế và chưa theo kịp một số nước trong khu vực. Như vậy, từ một quốc gia có thế mạnh về nguồn nhân lực, lao động Việt Nam vừa trẻ, vừa rẻ trong khu vực, đến nay, điều này đã không còn là lợi thế. Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CM KHKT, chất lượng lao động Việt Nam thực sự chưa đáp ứng được những yêu cầu trong công cuộc CNH, HĐH đất nước và trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu. 2.2.1. Tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo cao Trước hết, lực lượng lao động Việt Nam mặc dù đông đảo, dồi dào nhưng tỉ lệ chưa qua đào tạo nghề rất cao: năm 1986 là 89%, đến nay vẫn chiếm tới 2/3 tổng số lao động trong độ tuổi. Mỗi năm có khoảng gần 1,5 triệu người mới bổ sung cho lực lượng lao động nhưng trong số này nhiều người có kỹ năng chỉ đạt mức trung bình và không được cập nhật kiến thức chuyên môn thường xuyên. Năm 2010, trong số 20,1 triệu lao động đã qua đào tạo trên tổng số 48,8 triệu lao động đang làm việc, chỉ có 8,4 triệu người có bằng cấp, chứng chỉ do các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước cấp. Như vậy, tỉ trọng lao động trong các ngành kỹ thuật cao còn ít, số lượng lao động phổ thông lớn một mặt cho thấy Việt Nam vẫn thiếu việc làm hiệu quả, mặt khác phản ánh chất lượng lao động chưa cao, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tỉ lệ huy động thấp, hạn chế thu nhập của người lao động, đồng thời là lực cản đối với sự phát triển kinh tế. 115
  4. Tô Thị Hồng Nhung Lao động chưa qua đào tạo chiếm tỉ trọng lớn nên lực lượng dù đông nhưng trong nhiều trường hợp vẫn bị đánh giá là thiếu và yếu. Hạn chế về trình độ cũng chính là nguyên nhân khiến cho đông đảo người có nhu cầu không tìm được việc làm trong khi các doanh nghiệp nhiều lúc thiếu mà vẫn không tuyển được lao động. Thậm chí như ngành chế biến nông lâm thủy sản, là ngành sử dụng nhiều lao động và không đòi hỏi quá cao về trình độ nhưng hiện cũng bị xem là có nguồn nhân lực thiếu và yếu (Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn). Báo cáo cho thấy, đa phần người lao động trong ngành này không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật cần thiết. Nhiều nhà máy chế biến nông lâm thủy sản có đến trên 70% số người lao động không có chuyên môn kỹ thuật. 2.2.2. Chất lượng lao động đã qua đào tạo còn nhiều hạn chế Đối với những lao động đã qua đào tạo, vấn đề chất lượng, tay nghề cũng còn nhiều điều đáng bàn. Nhân lực đào tạo các bậc hàng năm vẫn tăng, một bộ phận cũng đã thích ứng với công nghệ tiên tiến, hiện đại ở nhiều lĩnh vực nhưng về cơ bản, đội ngũ nhân lực chất lượng cao vẫn rất thiếu so với nhu cầu xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực khoa học – công nghệ cao, lĩnh vực có ý nghĩa quyết định đối với việc hiện đại hóa nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh với thế giới. Theo đánh giá của World Bank, Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Không những thế, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam nhìn chung là thấp so với các nước trong khu vực. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, trong khi Hàn Quốc là 6,91, Ấn Độ là 5,76, Malaysia là 5,59, Thái Lan là 4,94. . . Thêm vào đó, một bộ phận không nhỏ có khuynh hướng hiểu biết lý thuyết rất tốt nhưng năng lực thực hành và khả năng thích nghi trong môi trường cạnh tranh công nghiệp lại kém. Các doanh nghiệp khi tuyển lao động đa phần phải đào tạo lại nghề cho người lao động, kể cả những lao động có trình độ cao đẳng, đại học. Năm 2008, kết quả xếp hạng khả năng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố bị tụt hai bậc, từ 68 xuống 70. Theo ý kiến của các chuyên gia, một trong số những “vấn đề đáng lo ngại nhất” của Việt Nam chính là lao động có trình độ mà lỗi chính thuộc về nền giáo dục đại học. Như vậy, có thể thấy rằng, chất lượng, trình độ của nguồn nhân lực có liên quan hết sức chặt chẽ đến giáo dục. Chất lượng lao động thấp là hệ quả của chất lượng giáo dục đào tạo chưa cao, công tác đào tạo hiện nay chưa phù hợp, chưa gắn chặt với nhu cầu của sản xuất, của thị trường lao động. Những năm gần đây, số trường đại học, cao đẳng cũng như số người theo học đã tăng lên khá nhanh chóng. Số trường đại học và cao đẳng cả công lập và ngoài công lập trong giai đoạn 2000 – 2009 tăng từ 178 lên 403 trường, tăng gần 2,3 lần và đặc biệt nhanh từ năm 2005 trở lại đây [4]. Số giáo viên tăng từ 32,3 ngàn lên 65,1 người và số sinh viên kể cả công lập và dân lập cũng tăng lên gần gấp đôi. Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy, trong khoảng 10 năm trở lại đây, số người được đào tạo từ trung cấp đến đại học tăng đáng kể: năm 2000 cả nước có 893.754 sinh viên đại học, cao đẳng và 182.994 học sinh bậc trung cấp chuyên nghiệp thì đến 2010, con số trên lần lượt là 1.935.739 và 116
  5. Chất lượng lao động Việt Nam – một số vấn đề bất cập hiện nay 685.163. Trong khi nhu cầu người học tăng, số trường đại học và cao đẳng tăng song chất lượng còn rất nhiều vấn đề đáng bàn. Ở bậc giáo dục đại học nói chung, việc đổi mới phương pháp giảng dạy và tăng cường công tác nghiên cứu khoa học còn chậm và chưa quyết liệt; cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị thí nghiệm, thư viện, giáo trình, tài liệu. . . còn thiếu thốn, lạc hậu; việc kết hợp giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội còn rất ít, triển khai chậm, hiệu quả chưa cao. . . Tình trạng phát triển tràn lan các trường đại học, cao đẳng trong khi điều kiện vật chất và nhân lực không theo kịp là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của việc chạy theo thành tích và đầu tư theo phong trào trong ngành giáo dục. Chính vì vậy, hàng năm lượng sinh viên ra trường lớn nhưng số sinh viên tìm được việc làm ngay lại rất ít. Theo một thống kê không chính thức, có đến 63% sinh viên ra trường không có việc làm ngay, số có việc làm thì cũng nhiều người làm việc không đúng ngành học. Hơn thế nữa, các chương trình đào tạo của Việt Nam hiện nay theo đánh giá thường nhấn mạnh đào tạo kiến thức lý thuyết chứ chưa quan tâm đến các kỹ năng thực hành. Hầu hết các sinh viên ra trường không thể bắt tay ngay vào công việc mà luôn phải qua một thời gian đào tạo lại, tốn kém về thời gian và tiền bạc. 2.2.3. Cơ cấu đào tạo lao động bất hợp lý tỉ lệ lao động qua đào tạo thấp, chất lượng còn hạn chế và thêm vào đó, cơ cấu lao động ngay từ khi đào tạo cũng vẫn tồn tại nhiều bất hợp lý. Ở Việt Nam, tỉ lệ đại học và trên đại học là 1, trung học chuyên nghiệp là 1,3 và công nhân kỹ thuật là 0,92 trong khi tỉ lệ này trên thế giới là 1- 4 - 10). Với tỉ lệ đào tạo như vậy nên tình trạng thừa thầy thiếu thợ, nhất là thợ lành nghề khá phổ biến ở nhiều ngành. Cơ cấu ngành nghề được đào tạo cũng mất cân đối: các ngành kỹ thuật – công nghệ, nông – lâm – ngư nghiệp còn ít và chiếm tỉ trọng thấp, trong khi các ngành xã hội, luật, kinh tế. . . lại quá cao. Hoạt động dạy nghề ở nhiều nơi, trong nhiều chương trình đôi khi không xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động thật sự của các doanh nghiệp hay nhu cầu thực tế về nghề nghiệp của người dân mà chạy theo phong trào, có tính nhất thời. Cơ cấu trình độ lao động sử dụng trong mỗi ngành kinh tế còn bất hợp lý và cải thiện rất chậm. Trong số lao động đã qua đào tạo cũng có sự khác biệt lớn và chưa hợp lý giữa lý thuyết và thực hành, giữa các ngành nghề, giữa các vùng nên không phát huy được hết khả năng nội lực của đội ngũ này. Ví dụ, số lao động có trình độ trung học chuyên nghiệp trở lên chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động giữa khu vực thành thị và nông thôn có sự chênh lệch lớn. Các tỉnh miền núi, các nông – lâm trường, trình độ văn hóa và tay nghề của công nhân thấp hơn nhiều so với các nơi khác. Điều này phản ánh sự chênh lệch về chất lượng lao động, đồng thời cũng phản ánh sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, làm hạn chế khả năng tạo việc làm phi nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu phân công lao động, chuyển giao khoa học công nghệ, dẫn đến tình trạng thiếu việc làm nghiêm trọng ở nông thôn và thất nghiệp cao ở thành thị, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống. 117
  6. Tô Thị Hồng Nhung 2.2.4. Năng suất lao động thấp Một hạn chế cũng liên qua đến chất lượng lao động nữa là năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế (năm 2008 đạt 32 triệu đồng/người, tương đương với 1.930 USD, thấp xa so với các nước trong khu vực, chỉ bằng một nửa Philippines, Indonesia, bằng 1/3 Thái Lan, 1/10 Malaysia, 1/30 Singapore. . . ), năm 2009 đạt khoảng 34,7 triệu đồng/người, cũng chưa vượt qua được 2.000USD/người, trong đó nhóm ngành nông – lâm – thủy sản chỉ đạt 12,4 triệu đồng/người. Còn theo TS Hồ Đức Hùng (Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh), năng suất lao động của lao động Việt Nam hiện thấp hơn Indonesia 10 lần, Malaysia 20 lần, Thái Lan 30 lần và Nhật Bản tới 135 lần. Điều này chứng tỏ, sự gia tăng về số lượng lao động trong những năm qua chưa đi cùng với sự gia tăng chất lượng nguồn nhân lực. Dựa trên chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năm 2009 – 2010, Việt Nam xếp thứ 75/133 quốc gia về năng suất lao động, trong khi vị trí của Singapore là 3, Malaysia 24, Thái Lan 36. . . Năng suất lao động thấp là yếu tố cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhất là về chất lượng, là yếu tố tiềm ẩn làm mất cân đối kinh tế vĩ mô (lạm phát, nhập siêu, thâm hụt cán cân thanh toán. . . ), là lực cản của thu nhập. Có nhiều nguyên nhân làm cho năng suất lao động của Việt Nam thấp: quy mô GDP còn nhỏ, cơ cấu lao động hiện vẫn còn quá nửa số lao động làm việc trong ngành nông – lâm – thủy sản, trong khi năng suất lao động của nhóm ngành này chỉ bằng 1/5 của nhóm ngành công nghiệp – xây dựng, 1/4 nhóm ngành dịch vụ (tỉ trọng lao động trong nhóm ngành dịch vụ cao hơn công nghiệp – xây dựng, nhưng năng suất lao động lại thấp hơn chủ yếu do tính chuyên nghiệp thấp, tính kiêm nhiệm còn nhiều). 2.2.5. Những hạn chế khác Ngoài ra, các yếu tố như thể lực, trí lực, tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật của người lao động cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn. Thể lực người lao động Việt Nam nhìn chung còn thấp kém, chưa đáp ứng được yêu cầu cường độ làm việc của xã hội công nghiệp hiện đại và các chuẩn quốc tế. Theo đánh giá của Viện Khoa học Thể dục thể thao, so với thể lực của thanh thiếu niên Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Indonesia, thể chất người Việt Nam từ 6 – 20 tuổi còn kém hơn về chiều cao, cân nặng, sức mạnh, sức bền và chỉ tương đương về sức nhanh, sự khéo léo và mềm dẻo. Điểm yếu nữa của nguồn nhân lực Việt Nam là ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần hợp tác, kỹ năng làm việc theo nhóm còn thấp. Lao động, nhất là lao động ở khu vực nông thôn thường có thói quen tự do, thích thì làm, không thích thì nghỉ với tâm lý chung là làm thuê lấy tiền công, không cần trách nhiệm. 3. Kết luận Như vậy, có thể thấy rằng, nguồn lao động Việt Nam, bên cạnh những ưu thế vốn có thì vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng bàn, nhất là về chất lượng. Trong khi đó, chất lượng lao động lại là một yếu tố vô cùng quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển 118
  7. Chất lượng lao động Việt Nam – một số vấn đề bất cập hiện nay kinh tế - xã hội của nước ta. Trong kinh tế thị trường và hội nhập, vấn đề nâng cao chất lượng lao động là yếu tố quyết định và là giải pháp có tính chất đột phá, then chốt để tăng trưởng kinh tế cao, nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế, đi vào kinh tế tri thức. Vì vậy, từ những hạn chế chỉ ra, rất cần có các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để giải quyết, khắc phục những điểm yếu, phát huy thế mạnh, nâng cao hiệu quả của lực lượng lao động Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Báo cáo Xu hướng việc làm Việt Nam năm 2009, 2010. Trung tâm Quốc gia Dự báo và Thông tin Thị trường lao động – Cục Việc làm – Bộ LĐ TB và XH thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO thông qua Dự án Thị trường lao động do Ủy ban Châu Âu (EC) tài trợ. [2] Kinh tế 2008 – 2009 Việt Nam và Thế giới, Kinh tế 2009 – 2010 Việt Nam và Thế giới, Kinh tế 2010 – 2011 Việt Nam và Thế giới. Thời báo Kinh tế Việt Nam. [3] Website của Tổng cục Thống kê. http:/www.gso.gov.vn [4] Tổng cục Thống kê, 2010. Báo cáo Điều tra Lao động và việc làm Việt Nam 1/9/2009. Nxb Thống kê, Hà Nội. [5] Tổng cục Thống kê, 2011. Niên giám Thống kê 2010. Nxb Thống kê, Hà Nội. ABSTRACT Quality of Vietnam labor force – some limitations An abundant and cheap labor force is no longer an advantage for Viet Nam as it reveals many limitations, especially in term of quality while the labor market is becoming increasingly competitive and demanding in all aspects. Not only the rate of labor is small, but quality and structure of the training programe also need improvements. In addition, low productivity as well as shortfalls of physical and intellectual capabilities, profession- alism and working attitude, are the challenges facing Vietnamese labor force nowadays. 119
nguon tai.lieu . vn