Xem mẫu

CẢM THỨC PHI LÍ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THUẬN
PHẠM THỊ MY NY – THÁI PHAN VÀNG ANH
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế
Tóm tắt: Là nhà văn được xếp vào nhóm theo khuynh hướng hậu hiện đại,
với sáu tiểu thuyết xuất hiện liên tục, gần đây nhất là Thang máy Sài Gòn,
Thuận đã được trao tặng Giải Sáng tạo của Trung tâm Sách quốc gia Pháp.
Trong tiểu thuyết của Thuận, ta chứng kiến một lớp người trẻ hiện đại đi tìm
cội nguồn và ý nghĩa tồn tại ngay trong thế giới họ đang sống. Nhà văn để
nhân vật trôi đi trong một thực tại hư ảo của kiếp người với ám ảnh “tồn tại
hay không tồn tại - đó mới là vấn đề”. Tiểu thuyết của Thuận phảng phất
cảm thức hậu hiện đại, cảm thức phi lí trong ngòi bút và đôi khi nhìn thế giới
với cái nhìn vô nghĩa.
Từ khóa: cảm thức phi lí, hiện thực phi lí, yếu tố phi lí

1. MỞ ĐẦU
“Thế giới được dựa trên những điều phi lí, và không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu không
có những điều phi lí đó” (Anh em nhà Karamazov). Đó là lời cảnh báo tiên tri của
Dostoevski về vấn đề thân phận con người trong một xã hội hỗn độn. Sự hiện hữu cái
phi lí trong tiểu thuyết của Thuận khiến cuộc sống nghịch lí đến nực cười. Cảm thức phi
lí bàng bạc trong Chinatown, Paris 11 tháng 8, T mất tích, Vân Vy, Thang máy Sài Gòn
mang đến cho thế giới nghệ thuật của nhà văn một sức hấp dẫn, lôi cuốn đặc biệt.
2. HIỆN THỰC PHI LÍ - MỘT PHẢN ỨNG CỦA THỜI ĐẠI LỊCH SỬ
2.1. Sự phi lí của thế giới
Thế giới phi lí trong tiểu thuyết của Thuận nổi bật lên với cuộc khủng hoảng về niềm
tin, về thân phận con người, về nỗi cô đơn của những con người tha hương, chịu sự va
chạm mạnh mẽ của các vền văn hóa, trong đó nổi bật lên là văn hóa Việt - Pháp. Con
người khó bám rễ vào mảnh đất mới khi rời xa quê hương, tổ quốc. Họ không thể giao
tiếp, không thể hòa nhập vào cuộc sống chung và trở nên phi lí. Mở đầu Chinatown ta
bắt gặp giả thuyết đầy tính hoài nghi:“Tàu đến một ga nhỏ thì dừng lại. Mười lăm phút
rồi vẫn không nhúc nhích (…) Người ta nghi âm mưu đánh bom một cái ga hiu hắt thế
này chứa một âm mưu khác nguy hiểm hơn nhiều” [3, tr. 5]. Điều bất thường được suy
đoán trong sự bình thường. Con người cảm thấy xa lạ trong thế giới đó. Cũng giống như
câu chuyện của Thang máy Sài Gòn được bắt đầu bởi một sự kiện hết sức phi lí “Đêm
mưa trái mùa năm 2004, mẹ em qua đời, vì một tai nạn phi lí, có lẽ chưa kịp có tên
trong tiếng Việt” [7, tr. 9]. Cái chết của mẹ như một lẽ thường tình ám ảnh những người
ở lại và bắt đầu những cuộc rượt đuổi “kinh hoàng” của cô con gái. Cô gái tin rằng
chính mẹ cô chọn cái chết và diễn vai diễn cả đời mình - vai diễn người chết sau khi đã
chết. Cái phi lí trong Thang máy Sài Gòn được nhận thức một cách khách quan, không
chỉ đơn thuần là một hiện tượng tồn tại ngoài xã hội mà nó còn liên quan và thậm chí
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 02(34)/2015: tr. 59-65

60

PHẠM THỊ MY NY – THÁI PHAN VÀNG ANH

chi phối đời sống của nhân vật. Kết cục buộc ta phải chấp nhận những cái gì ta biết, như
cô gái chấp nhận cái chết bất thường của mẹ trong thang máy, mà “cô không thể không
nghĩ rằng chính mẹ đã chọn cho mình cái chết”.
Sự phi lí bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết, từ sự dửng dưng vô cảm đến lạnh lùng của con
người. Thế giới trong tiểu thuyết của Thuận không phải huyền ảo, bí ẩn mà là thế giới
thực tại với những cạm bẫy làm tha hóa con người. Đó là thế giới bị chế ngự bởi quyền
lực, mọi thứ được cân đo, đong đếm và con người bị ràng buộc, chi phối bởi đồng tiền.
Trong T mất tích, Thuận chỉ ra giá trị của con người dựa trên giấy đóng thuế, phiếu trả
lương cho người lớn, tiền căng tin cho trẻ con… Sự lặp lại nhàm chán, tù đọng đã mài
mòn cảm xúc, biến con người trở thành những thực thể dửng dưng, lạnh lùng khép kín
“ảnh chân dung được sử dụng để nhận diện một con người, còn phiếu trả lương lại
được sử dụng để nhận định giá trị của người ấy (…) Phiếu trả lương thành vật bất li
thân, một kiểu chứng minh thư đương đại” [5, tr. 24]. Trong thế giới ấy “theo thống kê
mỗi năm có hàng nghìn người ra đi không để lại dấu vết, có người vì chán cuộc sống
hằng ngày, có người muốn trốn nợ (…) Hai mươi năm sau, qua một chương trình cầu
truyền hình, nhà báo hỏi tại sao. “Ra đi là ra đi, có thế thôi”, ông ta thản nhiên trả lời”
[5, tr. 204]. Câu trả lời không nhận được sự tán thành của những người xung quanh, họ
cho rằng như thế “đúng là một thằng điên”. Trước một hiện thực phi lí nằm ngoài trí
tưởng tượng về một xã hội văn minh, mỗi ý nghĩ như một thứ độc tố làm biến dạng và
phá hủy tất cả. Con người lại trượt dài trên con đường tha hóa âm thầm và đáng sợ.
2.2. Nhận thức lịch sử và các vấn đề xã hội
Nhận thức luôn là một yêu cầu và thách thức đối với bản thân con người và càng khó
khăn hơn khi đối tượng là những vấn đề lịch sử. Các nhà văn đương đại đã đi tiên phong
trong việc tái tạo, phơi bày những tiêu cực của xã hội, nhận thức lại các giá trị lịch sử,
đặc biệt là nhìn nhận lại những vấn đề trước và sau chiến tranh. Ý thức giải phóng văn
học được đặt nền móng bởi sự nhận thức lại, lật lại những cách nghĩ truyền thống bảo
thủ phi lí.
Lịch sử khách quan là phương tiện để nhà văn thể hiện những day dứt về số phận con
người, ảnh hưởng lâu dài mà con người phải gánh chịu. Những vấn đề xã hội như cách
nghĩ truyền thống, lối sống vô cảm đã tạo nên bi kịch của con người và thời đại. Với
Thang máy Sài Gòn, nhận thức về lịch sử, vấn đề xã hội thời hậu chiến thật kinh hoàng.
Những năm 1970 -1980, vết thương sau khi đất nước thống nhất như “cải cách”, “vượt
biên”, “bao cấp”, “học hành”… cứ âm ỉ cháy trong mỗi con người. Theo lời kể của
“em” những cải cách sau chiến tranh cứ ám ảnh gia đình “Bà nội em thời Pháp thuộc có
một quầy bán tơ lụa ở phố Hàng Đào. Nếu ngày trước, nhờ cái quầy ấy mà bà nuôi
được một đại gia đình gồm bố mẹ chồng, chồng và năm đứa con, thì sau này, cũng vì
cái quầy ấy mà bà và đại gia đình bị xếp vào thành phần “trí thức tiểu tư sản”, thành
phần “cặn bã” theo đánh giá của chế độ mới” [7, tr. 159]. Để được cấp trên tin tưởng,
để sống yên ổn và làm việc gia đình bà phải hiến căn nhà cho chính phủ mới, đau lòng
hơn bố đã “viết đơn tuyên bố “từ” người anh cả”. Trong gia đình, mọi người nghi ngờ
lẫn nhau. Đó là câu hỏi day dứt suốt hai mươi năm bố không tìm được lời giải và không

CẢM THỨC PHI LÍ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THUẬN

61

nhận được lời giải thích nào từ mẹ “Cô đã làm gì ở Hỏa Lò trong ba ngày đó?”. Lịch sử
ở đây không liền mạch, được nhìn không theo một cái nhìn duy nhất và thống nhất. Lịch
sử trở thành vòng quay trong sự hỗn độn của những mảnh vỡ liên hồi. Những mảnh vỡ
mang trong nó những chân lí ngẫu nhiên về cuộc đời. Nhà văn dường như không hề nói
gì, người kể dường như không kể gì. Và câu chuyện theo những ẩn ức, dồn nén cứ thế
“bung” ra…
Hiện thực phi lí trong tiểu thuyết của Thuận được phản ánh qua các vấn đề xã hội nhức
nhối. Dưới ngòi bút của Thuận, xã hội Việt Nam đương đại hiện lên một cách hài hước,
đầy toan tính “bây giờ bố mẹ chúng nó nhận mấy nải chuối với mấy con vịt phế phẩm
chứ thời đại chúng nó, chúng nó kiên quyết không động đến hiện vật, chúng nó chỉ lấy
phong bì” [3, tr. 215]. Không chỉ ở Việt Nam mà tình trạng thất nghiệp lan tràn hầu
khắp các quốc gia trên thế giới “hai tháng hè trôi qua, tôi lại tự bảo giáo viên cấp hai
còn hơn gia nhập đội ngũ năm triệu người thất nghiệp” [3, tr. 92]. Với các ngành nghề
khác như nhà văn, nhà báo, họa sĩ… đều được nhìn bằng “đôi mắt” vật chất hóa. Các
vấn đề xã hội như một cuốn phim quay chậm, độc giả dường như đau đáu trước thực
trạng xã hội bát nháo, tình trạng bảo thủ, lạc hậu trong cách nghĩ, cách làm của con
người đến mức phi lí.
Tiểu thuyết Thuận đề cập đến nhiều vấn đề nhạy cảm trong thế giới hiện đại. Ở đó, ta
nhận ra dòng người nhập cư từ Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam… sang Pháp
đang ẩn mình ở những ngõ nhỏ tối tăm của Paris. Trong xã hội ấy đang nảy sinh những
vấn đề mang tính thời sự. Người già cô đơn trong các viện dưỡng lão nằm chờ chết mỗi
ngày; là tình trạng thất nghiệp, kì thị chủng tộc; là lối sống hưởng thụ đến thác loạn của
một bộ phận giới trẻ dẫn đến sự lan truyền của căn bệnh thế kỉ; là sự kì thị của xã hội
với những người “đồng tính”… Các vấn đề xã hội cứ “ngồn ngộn” hiện lên khiến người
đọc cảm thấy day dứt, bối rối trước các mảnh đời tang thương, xám xịt. Những vấn đề
nóng bỏng nhất của xã hội Việt Nam đương đại được cập nhật liên tục. Trong bài báo
cáo “Phụ nữ Việt Nam: hôn nhân và gia đình” (Paris 11 tháng 8) Mai Lan dịch các dẫn
chứng đưa ra nhằm thuyết phục người nghe lại hết sức phi lí. Dẫn nguồn tư liệu tại xã
M, tỉnh Thái Bình cho thấy phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ và phong trào sinh đẻ có kế
hoạch chỉ nằm trên lí thuyết. Thực tế, phụ nữ chưa được tuyên truyền đúng chủ trương
phát triển dân số. Đặc biệt hơn, khi nói về phụ nữ thành phố và quan niệm li hôn, li
thân, Thuận chỉ ra những ung nhọt của ngành y tế. Trường hợp của vợ chồng cán bộ của
một viện khoa học được giải thích thật phi lí “ngay từ năm đầu, cả hai đã đi gặp bác sĩ
phụ khoa hai lần nhưng kết quả rất mập mờ. Lần thì tinh trùng của chồng bị loãng. Lần
thì trứng của vợ bị ung (…) kết quả vẫn hoàn toàn mù tịt” [4, tr. 185]. Phải nói rằng, họ
li hôn và li thân vì những lí do hết sức nhảm nhí: mê tín dị đoan. Mặt khác, một thực
trạng đang được dư luận quan tâm của phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long là vấn nạn kết
hôn với người ngoại quốc. Họ dường như chỉ hi vọng được lấy chồng ngoại để đổi đời
nhanh chóng dù cho bao tấm gương “bất hạnh” phơi bày trước mắt. Chính những người
viết báo cáo cũng nhận ra nhưng không thể lí giải nổi tại sao. Việc giải quyết các vấn đề
đó theo họ “đáng tiếc, không nằm trong khả năng của chúng tôi” [4, tr. 189]. Người

62

PHẠM THỊ MY NY – THÁI PHAN VÀNG ANH

đọc phải đặt ra câu hỏi nhức nhối: vậy vấn đề đó nằm trong khả năng của ai nếu không
phải là của các chuyên gia đầu ngành với những bản tham luận quốc tế?
3. PHI LÍ TỪ NGHỆ THUẬT TẨY TRẮNG NHÂN VẬT
Trên cơ sở tiếp thu những thành tựu của văn học phi lí phương Tây, Thuận đã khai thác
một đề tài khó xử lí đó là sự phi lí, vô nghĩa lí trong cuộc sống của con người. Thông
qua các thủ pháp nghệ thuật, cái phi lí hiện hữu trong đời sống và trong hiện thực dần
được “khai mở”. Thủ pháp tẩy trắng nhân vật tỏ ra “tối ưu” khi tác giả xây dựng các
nhân vật để bày tỏ những trăn trở, suy tư về lẽ hiện sinh, về sự phi lí của kiếp người.
Nhân vật trong tiểu thuyết Thuận được tái hiện khá giản đơn, họ hiện lên như một khối
hỗn tạp, xen lẫn thực ảo, xuất hiện một cách đột ngột, cứ như bị ném ra giữa cuộc đời.
Nhân vật được khắc họa như một kí hiệu, hoặc theo hình dáng, hoặc theo số
đếm…không tên, không tuổi, “vô tăm tích”. Có lẽ vì “guồng” quay của xã hội hiện đại,
ta không đủ thời gian để nhớ một cái tên của ai đó, bởi nhân vật chỉ còn là những kí
hiệu. Xuất hiện với tần suất lớn trong tiểu thuyết, những kí hiệu T, B, N, M, V… đã nói
lên sự nhạt nhòa, vô nghĩa và trống rỗng; ở đó tiềm tàng nỗi cô đơn, lạc loài cùng tâm
trạng đầy hoài nghi. Thủ pháp tẩy trắng đã hư vô hóa con người hoàn toàn. Vì vậy, cái
phi lí được đẩy lên cực đỉnh.
Bằng sự trải nghiệm của bản thân, nhà văn để cho con người đối thoại với hiện thực phi
lí. Đặt ra vấn đề đối thoại phi lí như một sự cảnh tỉnh về thực trạng xô bồ bát nháo, nhà
văn cảm thấy bất lực trước sự xuống dốc của xã hội, của tính cách, của tâm hồn con
người. Người ta phát tin và nhận tin dường như đang hướng về các ngã đường tư duy
khác nhau tạo nên sự trật khớp trong đối thoại. Những đoạn đối thoại vô nghĩa, những
câu, đoạn văn dài lê thê hay những câu đơn ngắn… đã tạo nên sự lệch pha trong giao
tiếp. Trong tiểu thuyết Thuận, hiện tượng này xảy ra khi các nhân vật ngồi lại với nhau,
ai cũng tranh thủ nói để đối phương biết nhưng rốt cuộc chẳng ai biết người đối diện
đang nói gì. Chẳng hạn, đối thoại một chiều giữa Mai Lan và Vinh trong Paris 11 tháng
8:“Vinh bảo:/Anh không biết là sẽ gặp em ở đây./Bài báo nói là em bị chồng bỏ./Nuôi
con một mình (…)./Hôm nay đi ăn nhà hàng gì./ Đại ca nào đãi./Xe đón lúc mấy giờ”
[4, tr. 148].
Đối thoại giúp cho nhân vật trao đổi và cùng tác giả phát triển vấn đề, khiến cho không
gian nghệ thuật xôn xao âm thanh giao tiếp của cuộc sống. Cắt đi đối thoại là ngầm báo
cho người đọc đối tượng vắng mặt vào lúc anh ta đang kể hoặc có thể hiểu anh ta đang
trò chuyện trong tưởng tượng. Trong những lần gọi điện thoại để tìm hiểu tung tích của
Paul Polotski, “cô” đã nói chuyện với rất nhiều người, nhiều kiểu đối thoại “ngắn”,
“dài” khác nhau nhưng cú điện thoại sau khiến cô có cảm giác kì lạ. Đối thoại được biên
tập lại thông qua lời kể của nhân vật dẫn truyện:
“ - Xin lỗi, có phải đây là nhà ông Paul Polotski? (…) Cô gọi có việc gì?
- Tôi chỉ muốn xem ông Paul Polotski có sống ở đây không.
- Nói thật cho tôi biết có đúng là mafia Hoa kiều đang truy lùng cái văn tự thổ trạch
ấy?” [7, tr. 89].

CẢM THỨC PHI LÍ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THUẬN

63

Tính đối thoại trong tiểu thuyết được thể hiện trên nhiều cấp độ: đối thoại giữa các nhân
vật, đối thoại trong độc thoại, đối thoại giữa các chiều văn hóa, sự đa nghĩa trong các diễn
ngôn nghệ thuật. Ở cấp độ nhân vật, mỗi nhân vật là một tiếng nói, một chủ thể độc lập,
bình đẳng với tác giả. Đối thoại ngắn gọn gắn với tính cách của nhân vật. Đối thoại ít
mang tính xung đột, mâu thuẫn. Những câu chuyện đối thoại của hai mẹ con Mai Lan
trong Paris 11 tháng 8 làm người đọc liên tưởng tới cuộc đối thoại của những người
dưng, họ xa lạ và nói chuyện “bốp chát” với nhau. Đúng như nhận xét của Bakhtin “tiểu
thuyết là thể loại văn chương duy nhất đang chuyển biến và còn chưa định hình”. Vì vậy,
nhà văn khi bước vào tiểu thuyết khác nào làm một cuộc thám hiểm đầy rẫy bất ngờ, thú
vị và nguy hiểm. Và Thuận đã thể hiện đúng bản chất của phi lí qua những đối thoại từ đó
góp tiếng nói của mình vào vườn hoa đầy hương sắc của nền văn học nước nhà.
4. NGÔN NGỮ TRÙNG ĐIỆP - SỰ MIÊN MAN CỦA NHỮNG DÒNG CHẢY HOÀI
NIỆM MANG CẢM THỨC PHI LÍ
Ngôn ngữ trùng điệp trong tiểu thuyết của Thuận vang lên bởi quá trình lặp đi lặp lại
của ngôn từ. Thuận sử dụng thủ pháp lặp tạo nên ám ảnh của kí ức, những đổ vỡ bên
trong tâm hồn con người. Đó là sự phi lí. Ngôn ngữ trùng điệp lột tả bằng một sự “nhấn
nhá” báo hiệu sự hiện tồn và ám ảnh tha phương. Tiểu thuyết Chinatown với phong
cách độc đáo gần giống thơ. Thuận để cho ngôn ngữ thay đổi linh hoạt tạo nên những
điệp khúc “hằn” sâu vào tâm trí nhân vật. Đó là ám ảnh của nhân vật “tôi” về Thụy “Tôi
chỉ muốn biết Thụy ở đâu, gặp ai, làm gì. Những ngày ấy. Ngôi nhà hai tầng, bảng hiệu
tiếng Hoa, hai cái đèn lồng” [3, tr. 37]; “Thụy là một điều bí ẩn. Tôi đã yêu Thụy như
yêu một điều bí ẩn, điều bí ẩn chứa những điều bí ẩn. Yên Khê mãi là điều bí ẩn đầu
tiên. Yên Khê” [3, tr. 113]; “Yên Khê. Tôi chưa từng thấy tên nào lạ lùng đến thế. Thụy
dẫn tôi về lại Yên Khê. Yên Khê. Yên Khê (…) Tôi cho Yên Khê là số phận. Mọi số phận
đều bí ẩn” [3, tr. 113]. Những dấu chấm tạo ra sự ngắt quãng làm cho câu trở nên “im
lặng”, mang giá trị biểu cảm rất lớn. Hình ảnh của Thụy, Yên Khê cứ trở đi trở lại trong
suốt hoài niệm của “tôi” tạo ra cảm giác tất cả mọi thứ rất phi lí, nhuốm màu của hoài
nghi, của thất vọng.
Sử dụng ngôn ngữ trùng điệp, Thuận để cho âm hưởng những ca khúc trong sáng tác
của Trịnh Công Sơn vang lên lặp đi lặp lại đều đều như sự hoài niệm, tiếc nuối và suy
cảm. Ngôn từ trong ca khúc của Trịnh Công Sơn sâu lắng - điều duy nhất chứng minh
con người có mặt trên đời này không đến nỗi vô lí. Nhân vật “tôi” trong I’m yellow
mười năm chỉ nghe thằng Diễm Xưa ở Huế hát độc nhất một bài Diễm xưa “mưa vẫn
mưa bay trên tầng tháp cổ”; hay trong Thang máy Sài Gòn, bài hát “Còn tuổi nào cho
em” mà Quang Dũng hát lại lặp đi lặp lại trên môi người tài xế “tuổi nào nhìn lá vàng
úa chiều nay, tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời, tay măng trôi trên vùng tóc dài…”
[7, tr. 215]. Camus từng nói: trong cái phi lí này, chúng ta thường hay bị quyến rũ bởi
hai cách trốn thoát: một là tự vấn thân xác, hai là tự vấn triết lí, tức là nuôi dưỡng niềm
hi vọng rằng mình sau này khi chết đi sẽ được lên chốn thiên đàng vĩnh cửu. Theo
Camus, chúng ta phải từ chối hai con đường giải thoát này và phải chọn một con đường
khác: con đường chống đối phi lí này giống như nhân vật Sisyphus trong huyền thoại

nguon tai.lieu . vn