Xem mẫu

  1. CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC VÀ QUY TRÌNH ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TRONG ĐÀO TẠO THEO HỌC CHẾ TÍN CHỈ Nguyễn Thanh Tuấn1 Tóm tắt: Trong quá trình dạy và học, giảng viên và sinh viên có thể sử dụng một phương pháp hay kết hợp nhiều phương pháp với nhau. Điều này tùy thuộc vào nội dung bài học, điều kiện thực tế của hoạt động dạy và học, trình độ, năng lực và kỹ năng giáo dục của người giảng viên, đặc biệt là hình thức tổ chức giảng dạy. Dù giảng viên sử dụng bất kỳ phương pháp hay hình thức dạy học nào cũng chỉ nhằm mục đích phát triển khả năng tư duy độc lập, sáng tạo và tự nghiên cứu, tự trải nghiệm thực tế của sinh viên. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu các nội dung sau: bản chất của đào tạo theo học chế tín chỉ, các hình thức tổ chức giảng dạy theo học chế tín chỉ và quy trình áp dụng phương pháp dạy học trong đào tạo theo học chế tín chỉ. Từ khóa: Đào tạo, Phương pháp, Hình thức tổ chức, Tín chỉ, Quy trình áp dụng. 1. Mở đầu Bản chất của hoạt động dạy học theo học chế tín chỉ là lấy người học làm trung tâm. Theo đó, giảng viên phải lựa chọn và sử dụng các hình thức tổ chức và phương pháp dạy học có khả năng tạo điều kiện, thậm chí buộc sinh viên phải sử dụng thời gian ngoài giờ lên lớp để tự học, tự nghiên cứu, tự làm việc nhóm một cách độc lập và sáng tạo nhất. Thông qua hoạt động dạy và học tập, hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có năng lực, trình độ chuyên môn vững, có khả năng thích nghi cao, khả năng tự học tập suốt đời, đáp ứng được yêu cầu toàn cầu hóa trong liên thông đào tạo và sử dụng lao động. Để đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình dạy học trong đào tạo theo học chế tín chỉ, giáo viên cần lựa chọn các hình thức tổ chức dạy học và quy trình áp dụng phương pháp dạy học khoa học. “Phương pháp dạy học là hệ thống những cách thức hoạt động của giảng viên và sinh viên nhằm thực hiện tốt mục đích và nhiệm vụ dạy học xác định” [4, tr 235]. Phương pháp dạy học bao gồm phương pháp giảng dạy của giảng viên và phương pháp học tập của sinh viên. Phương pháp giảng dạy: là cách thức tổ chức, quản lý, điều tiết, định hướng của giảng viên đối với hoạt động nhận thức của sinh viên. Phương pháp học tập là cách thức tự điều khiển hoạt động nhận thức và rèn luyện khả năng thu thập thông tin thông qua quá trình học tập để hình thành hệ thống tri thức và kỹ năng thực hành, hoàn thiện nhân cách của sinh viên. Quy trình áp dụng phương pháp dạy học là các bước tiến hành đưa các phương pháp dạy học phù hợp với nội dung, yêu cầu và mục tiêu của bài học, tiết học vào quá trình giảng dạy và học tập nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục một cách tốt nhất trong thời gian ngắn nhất có thể. 2. Kết quả nghiên cứu 2.1. Bản chất của đào tạo theo học chế tín chỉ 1. ThS, Trường Đại học Nội vụ, Quảng Nam 126
  2. NGUYỄN THANH TUẤN Phương thức tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ lần đầu tiên được tiến hành vào năm 1872 tại trường Đại học Harvard của Hoa kỳ. Ngay sau khi được thực hiện trong một thời gian ngắn, phương thức tổ chức đào tạo này đã bộc lộ những ưu điểm quan trọng. Trên cơ sở đó, nó dần được áp dụng một cách rộng rãi trên khắp khu vực Bắc Mỹ và hiện nay đã trở thành hình thức tổ chức đào tạo phổ biến, hiệu quả trên khắp thế giới. Với triết lý: “Người học là trung tâm của quá trình đào tạo”; nhà nghiên cứu Lê Văn Hảo khẳng định: “đào tạo theo tín chỉ không chỉ hiệu quả đối với các nước phát triển mà còn đối với các nước đang phát triển” [3, tr 204]. Vào những năm 2000, Chính phủ Việt Nam đặt ra nhiệm vụ cho đào tạo cao đẳng và đại học là: xây dựng học chế tín chỉ thích hợp cho giáo dục đại học ở nước ta và vạch ra lộ trình hợp lý để toàn bộ hệ thống giáo dục đại học chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Trải qua 20 năm, hiện nay gần như tất cả các trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc đã tiến hành chuyển đổi sang phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ với các mức độ áp dụng khác nhau. Đứng trước những yêu cầu và đòi hỏi của “thế giới phẳng”; phương thức đào tạo này đặt ra mục đích: “Cung cấp nguồn nhân lực có năng lực và tính thích nghi cao, khả năng học tập suốt đời trên cơ sở phát huy tính tự chủ của người học, đáp ứng yêu cầu toàn cầu hóa trong liên thông đào tạo và sử dụng lao động. Hướng đến bốn trụ cột giáo dục của UNESCO đề ra năm 1996 là: học để biết, học để làm, học cách chung sống, học làm người”[3, tr 202]. Trên cơ sở đó, để phát huy tối đa khả năng sáng tạo và tư duy độc lập của mình; mỗi sinh viên có thể (phải) tự xây dựng kế hoạch và thời khóa biểu học tập riêng trong khung thời gian và khả năng cho phép đối với các bậc học, ngành học, nhóm học phần cụ thể. Phương thức tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ cho phép các bậc học, các môn học trong phạm vi một trường có thể liên thông với nhau và liên thông với các trường khác trong nước, cũng như các trường trong khu vực và trên thế giới. Chương trình đào tạo của nhà trường và học tập của sinh viên có nhiều thay đổi như: tổng thể chương trình có thể được kéo dài hơn hoặc rút ngắn lại nhưng thời gian dạy học trên lớp được rút ngắn, thời gian tự học tập, tự nghiên cứu, làm bài tập nhóm của sinh viên thì nhiều lên. “Thời gian học tập của sinh viên được xác định bằng thời lượng sinh viên phải lên lớp, thực hành, thực tập... Khối lượng làm việc của sinh viên được xác định bằng thời lượng sinh viên phải lên lớp, thực hành, thực tập... và thời gian cần thiết để tự nghiên cứu, tự học. Chương trình được thiết kế theo cấu trúc mô đun và đáp ứng khả năng liên thông, lắp ghép giữa các ngành. Chương trình được thiết kế cho cùng một đầu ra hoặc hơn một đầu ra. Độ dài của chương trình học được tính theo tín chỉ. Các môn học cơ bản được xây dựng theo hướng đáp ứng yêu cầu của nhóm ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội và thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu quốc tế hóa trong sử dụng lao động”[3, tr 203]. Phương pháp dạy học trong tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ phải đặt người học vào vị trí trung tâm. Các phương pháp giảng dạy của giảng viên phải thực hiện được 127
  3. CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC VÀ QUY TRÌNH... yêu cầu: tạo điều kiện/bắt buộc sinh viên phải sử dụng thời gian ngoài giờ lên lớp để tự học tập, tự nghiên cứu, tự làm việc nhóm. Trong quá trình đó có thể tham khảo ý kiến, sự định hướng của giảng viên hoặc các chuyên gia khi cần thiết. Các phương pháp giảng dạy này cũng phải đáp ứng được yêu cầu về sự dung hòa tính đa dạng của ngành học và đối tượng học như: sinh viên nhiều ngành khác nhau, sinh viên năm nhất, năm hai, năm ba có thể học chung một lớp. Để theo học các lớp học được tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ, sinh viên cần lựa chọn môn học và tiến độ học tập sao cho phù hợp với sở thích, năng lực và hoàn cảnh riêng để đăng ký kế hoạch học tập cho từng học kỳ. Sinh viên không chỉ phải nỗ lực hết mình trong quá trình học tập tại lớp mà phải thực sự chủ động tìm hiểu, học tập, tìm kiếm tài liệu trước và sau khi lên lớp, thậm chí là trước khi học phần được tổ chức giảng dạy. Kết quả học tập của sinh viên được đánh giá theo tổng số tín chỉ đã tích lũy được trong một học kỳ, một năm. Sinh viên có quyền được học lại, học cải thiện nếu học phần đã học không đạt yêu cầu hoặc đủ điều kiện để được học cải thiện. Sinh viên cũng sẽ bị buộc thôi học nếu điểm trung bình chung tích lũy không đạt yêu cầu sau một quá trình học tập nhất định. Vì vậy, sinh viên cần tích lũy đủ số tín chỉ và điểm trung bình chung tích lũy theo quy định của từng năm và cả khóa học. Để đánh giá kết quả học tập của sinh viên, Phòng Đào tạo các trường sử dụng thang điểm 4.0 kết hợp với thang điểm chữ. Phương thức quản lý sinh viên trong đào tạo theo học chế tín chỉ có nhiều đòi hỏi khác biệt so với phương thức quản lý sinh viên đối với hoạt động đào tạo theo niên chế. Sinh viên được quản lý đào tạo theo lớp học phần. Hồ sơ học tập và tích lũy học phần mang tính cá thể nên Phòng Đào tạo và cố vấn học tập phải theo dõi và quản lý riêng theo từng cá thể. Quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên luôn nhận được sự tư vấn của cố vấn học tập có trình độ chuyên môn phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Đồng thời, sinh viên cũng được tham gia nghiên cứu khoa học dưới sự trợ giúp của người hướng dẫn khoa học. 2.2. Các hình thức tổ chức dạy học cơ bản trong đào tạo theo học chế tín chỉ 2.2.1. Giờ lý thuyết Là một đơn vị thời gian được tính bằng 50 phút giảng dạy và học tập của giảng viên, học sinh trên lớp. Trong đó giảng viên phải xây dựng và thực hiện kịch bản dạy học của mình thông qua giáo án của một tiết giảng lý thuyết với mục tiêu cụ thể cần đạt được sau mỗi buổi học. Giảng viên phải chuẩn bị hệ thống câu hỏi để hỏi sinh viên ở trên lớp, các bài tập, bài kiểm tra trên lớp và các tiêu chí đánh giá; xác định các nội dung tự học, cách học, các vấn đề, bài tập, các loại tài liệu phải đọc, phải tìm kiếm bổ sung để sinh viên củng cố nội dung đã học và chuẩn bị cho các hoạt động học tập tiếp theo. Giảng viên còn phải biên soạn, thu thập, phân loại và hướng dẫn sinh viên sử dụng tài liệu cho việc tự học, tự nghiên cứu. Để thực hiện tốt giờ học lý thuyết của mình, sinh viên phải: “Lập kế hoạch chi tiết để thực hiện tất cả các nhiệm vụ đối với từng giờ học mà giảng viên giao: tìm, đọc, ghi 128
  4. NGUYỄN THANH TUẤN chép những tài liệu liên quan, hoàn thành bài tập, chuẩn bị bài trình bày tại các buổi thảo luận, chuẩn bị các nội dung làm việc theo nhóm, các vấn đề cần hỏi để trao đổi với giảng viên, ôn bài, học bài mới. Trước khi đến lớp, sinh viên phải xem xét lại việc hoàn thành kế hoạch học tập của mình để chắc chắn đã hoàn thành khối lượng kiến thức mà giảng viên đã yêu cầu hoặc các vấn đề cần trao đổi nhằm giải đáp những khúc mắc, những điểm chưa rõ; chủ động tham gia vào hoạt động học tập một cách tích cực và ghi nhớ, ghi chép nội dung bài học theo cách của riêng mình”[3, tr 204]. 2.2.2. Giờ thảo luận Là hình thức tổ chức dạy học bằng cách tổ chức, hướng dẫn và đánh giá hoạt động thảo luận của sinh viên. Để tổ chức giờ thảo luận, giảng viên phải lựa chọn và giao các nội dung, đặt ra các yêu cầu, nhiệm vụ tìm kiếm và nghiên cứu tài liệu tham khảo cho từng nhóm hoặc từng sinh viên chuẩn bị và trình bày tại các giờ thảo luận. Giảng viên chuẩn bị kịch bản và tham dự, hướng dẫn, điều tiết, nhận xét và tổng kết giờ thảo luận của sinh viên; đánh giá, cho điểm phần chuẩn bị, thảo luận của từng nhóm hoặc từng sinh viên. Kết quả này phải được cộng vào điểm tích lũy môn học cho sinh viên. Sau khi nhận nội dung, vấn đề nghiên cứu, nhiệm vụ từ sự phân công và hướng dẫn của giảng viên, sinh viên phải nghiên cứu làm rõ các nội dung đã nhận và trình bày báo cáo theo phân công, theo dõi, bổ sung, góp ý cho nội dung thảo luận đã được trình bày của các bạn trong lớp, góp phần hoàn thiện bài trình bày của các bạn. Trong giờ thảo luận, sinh viên được hỏi, đối thoại, tranh luận những vấn đề đã trình bày. Đồng thời phải theo dõi nhận xét, tổng kết của giảng viên để hoàn chỉnh bài của mình. Sắp xếp, lưu trữ tài liệu có được sau từng buổi thảo luận theo kế hoạch học tập và nghiên của của mình để dễ sử dụng cho các mục đích khác như làm bài tập nhóm, tiểu luận, làm bài kiểm tra và ôn thi kết thúc học phần. 2.2.3. Giờ làm việc nhóm Giờ làm việc nhóm là hình thức tổ chức dạy học bằng cách phân chia sinh viên thành các nhóm khác nhau, trong đó bao gồm các thành viên thực hiện các nhiệm vụ khác nhau để cùng thực hiện một mục tiêu chung. Để thực hiện mục tiêu chung, bắt buộc các thành viên phải cùng làm việc với nhau, thường xuyên tương tác và phối hợp chặt chẽ với nhau dựa trên những nguyên tắc ràng buộc cụ thể. Để tổ chức giờ làm việc nhóm, giảng viên phải lựa chọn và giao các nội dung, các vấn đề, công việc và các yêu cầu cụ thể cho các nhóm sinh viên. “Phải xây dựng và giao mẫu báo cáo tiến độ thực hiện bài tập nhóm theo các mốc thời gian nhất định và các yêu cầu đối với các nội dung làm việc. Thông báo thời gian nộp kết quả làm việc và thời gian nhận kết quả đánh giá của giảng viên một cách rõ ràng, cụ thể. Sau khi nhận nhiệm vụ, thời hạn hoàn thành, mẫu báo cáo kết quả làm việc nhóm, các nhóm trưởng phải: “Lên kế hoạch phân công (bằng văn bản) cho từng thành viên với nhiệm vụ, thời gian hoàn thành, nguồn tài liệu tham khảo, lịch họp nhóm theo kế hoạch. Chủ động thực hiện các nhiệm vụ đặt ra của buổi thảo luận nhóm hay bài thực hành, triển 129
  5. CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC VÀ QUY TRÌNH... khai kế hoạch mà bản thân đã dự kiến, chuẩn bị trước, xem xét kết quả đạt được so với mục tiêu đặt ra. Nhóm trưởng lập báo cáo, thông qua toàn nhóm trước khi nộp cho giảng viên. Xem xét lại những gì đã thu nhận được và tóm tắt lại kết quả chính các buổi hoạt động theo nhóm cho bản thân và lưu giữ phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ học tập theo yêu cầu của phương thức đào tạo theo tín chỉ”[3, tr 206]. Ngoài ba hình thức tổ chức dạy học trong đào tạo theo học chế tín chỉ đã trình bày ở trên, giảng viên còn tổ chức dạy học theo các hình thức: giờ thực hành, thực tập, thí nghiệm và giờ tự học, tự nghiên cứu. 2.3. Quy trình áp dụng phương pháp dạy học trong đào tạo theo học chế tín chỉ 2.3.1. Lựa chọn hình thức tổ chức dạy học Việc lựa chọn và áp dụng phương pháp dạy học hoàn toàn phụ thuộc, thậm chí là bị quyết định bởi hình thức tổ chức dạy học. Trong thực tế dạy và học không có bất kỳ một hình thức nào tối ưu cho một hình thức tổ chức dạy học nào mà nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: nội dung dạy học, mục tiêu dạy học, đặc điểm của đối tượng giảng dạy, điều kiện giảng dạy thực tế... Điều này, đòi hỏi giảng viên phải lựa chọn, kết hợp nhiều phương pháp với nhau mới có thể đạt hiệu quả cao nhất có thể. Để lựa chọn hình thức tổ chức dạy học, giảng viên phải căn cứ vào mục tiêu, nội dung dạy học của từng bài học để quyết định hình thức tổ chức dạy học sao cho phù hợp với bản chất của phương thức tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ. 2.3.2. Lập kế hoạch giảng dạy và soạn giáo án chi tiết Trên cơ sở hình thức tổ chức dạy học giờ tín chỉ đã được xác định và đề cương môn học, thời gian, nội dung dạy học, giáo viên lập kế hoạch giảng dạy và giáo án chi tiết cho nội dung giảng dạy theo hình thức tổ chức giảng dạy đã lựa chọn. Kế hoạch giảng dạy và giáo án chi tiết được soạn để dạy và học bằng hình thức tổ chức giờ lý thuyết hoàn toàn khác với hình thức tổ chức giờ thảo luận và hình thức tổ chức làm việc nhóm nên giảng viên bắt buộc phải lựa chọn và kết hợp các phương pháp dạy học khác nhau sau cho phù hợp với đặc điểm của từng hình thức tổ chức dạy học cụ thể. 2.3.3. Lựa chọn và kết hợp các phương pháp phù hợp Việc lựa chọn và kết hợp các phương pháp dạy học phải được thực hiện và hoàn thành ngay trong khi lập kế hoạch giảng dạy và soạn giáo án. Tuy nhiên, các phương pháp dạy học đã chọn có thể, hoặc bắt buộc phải điều chỉnh trong quá trình dạy học thực tế trên giảng đường. Trong quá trình dạy học, giảng viên phải: “Kết hợp nhiều phương pháp trong một giờ học nhằm lấy ưu điểm của phương pháp này khắc phục những nhược điểm của phương pháp kia và tạo sự linh hoạt, đa dạng trong một giờ học. Trong quá trình lựa chọn các phương pháp phù hợp, giảng viên cần kết hợp yếu tố kiểm tra - đánh giá thường xuyên trong suốt quá trình dạy - học. Kiểm tra - đánh giá thường xuyên là một phương pháp bổ trợ rất hiệu quả cho các phương pháp dạy học, được áp dụng như một sự thư giãn sau 20 - 25 phút thuyết giảng hay thảo luận sẽ làm cho giờ học sinh động hơn, đồng thời cung cấp các thông tin phản hồi kịp thời cho giảng viên điều chỉnh cách 130
  6. NGUYỄN THANH TUẤN dạy của mình”[3, tr 202]. 2.3.4. Xây dựng kịch bản giảng dạy, thiết kế các bài tập, bài kiểm tra, tiêu chí đánh giá Mặc dù đã có kế hoạch, giáo án chi tiết nhưng mỗi giảng viên vẫn phải xây dựng cho mình một kịch bản giảng dạy cụ thể trước khi lên giảng đường. Người giảng viên giảng dạy trên giảng đường cũng giống như người nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu. Muốn biểu diễn hay, thu hút được sự chú ý của người nghe, người xem cần phải có một kịch bản tốt. Chỉ khi có một kịch bản tốt và sự chuẩn bị mọi thứ chu đáo, người nghệ sĩ mới có hứng thú và thăng hoa trong công việc của mình. Các bài tập, bài kiểm tra và các tiêu chí đánh có thể dùng trong quá trình giảng dạy cũng phải được thiết kế một cách cẩn thận, nghiêm túc, khoa học thì hoạt động giảng dạy và học tập mới đạt được kết quả như mong muốn. 2.3.5. Thực hiện bài giảng với các dụng cụ, phương tiện trợ giảng Trên cơ sở hình thức dạy học, kế hoạch, giáo án, phương pháp và kịch bản, bài tập, bài kiểm tra, các tiêu chí đánh giá; giảng viên và sinh viên thực hiện hoạt động dạy học với thời gian, địa điểm theo thời khóa biểu của bộ phận Đào tạo. Trong quá trình dạy học, giảng viên phải chuẩn bị cho mình một trạng thái tâm lý tốt, theo đó: ngữ điệu, ngôn ngữ cơ thể được sử dụng một cách khéo léo, linh hoạt và hiệu quả, kết hợp với quan sát thái độ tham gia học tập và mức độ hứng thú và hiểu bài của sinh viên để kịp thời điều chỉnh. Người giảng viên phải trở thành người nghệ sĩ trên bục giảng chứ nhất định không thể là một cỗ máy nói lưu loát. Các dụng cụ và phương tiện trợ giảng, tài liệu dạy học, tài liệu tham khảo phải được sử dụng như là đạo cụ để biểu diễn kịch bản giảng dạy bằng những phương pháp dạy học đã lựa chọn. 2.3.6. Lấy ý kiến phản hồi của sinh viên làm cơ sở điều chỉnh phương pháp dạy học Bước cuối cuối cùng trong quy trình áp dụng phương pháp dạy học trong đào tạo theo học chế tín chỉ là lấy ý kiến phản hồi của sinh viên. Mục đích của hoạt động này là thu thập thông tin làm cơ sở điều chỉnh, đổi mới phương pháp dạy học. “Giảng viên thiết kế phiếu hỏi ý kiến đánh giá của sinh viên: về nội dung chuyên môn; độ cập nhật thông tin; về hoạt động dạy - học trên lớp, trong phòng thí nghiệm; về cách thức giao nhiệm vụ và cách đánh giá kết quả tự học, tự nghiên cứu của sinh viên; về kiến thức, thái độ, kỹ năng mà sinh viên có được sau khi học xong môn học. Giảng viên phải nghiêm túc xem xét kết quả các phiếu hỏi ý kiến của sinh viên để tự điều chỉnh mục tiêu, nội dung môn học, phương pháp giảng dạy, kiểm tra - đánh giá”[3, tr 205]. 3. Kết luận Mặc dù đã trở thành một phương thức phổ biến ở Việt Nam hiện nay, tuy nhiên đào tạo theo học chế tín chỉ vẫn còn nhiều nội dung cần nghiên cứu, làm rõ để việc áp dụng nó vào công tác dạy học thực tế tại các trường cao đẳng, đại học đạt hiệu quả cao nhất. Trong đó, theo tác giả: bản chất của phương thức đào tạo và quy trình áp dụng phương pháp dạy học trong đào tạo theo học chế tín chỉ là hai nội dung quan trọng quyết định 131
  7. CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC VÀ QUY TRÌNH... trực tiếp đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Trên đây là những kết quả nghiên cứu của cá nhân tác giả, rất mong nhận được ý kiến góp ý và những kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu để tác giả làm cơ sở cho việc đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy thực tế của mình. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2007), Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo thệ thống TC. (Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo). [2] Trần Văn Dũng (2010), “Một số khó khăn trong chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ tại trường đại học Tây Nguyên”, Kỉ yếu hội thảo khoa học toàn quốc “Đổi mới phương pháp giảng dạy đại học theo TC”, Chuyên san của Tạp chí Đại học Sài Gòn. [3] Lê Văn Hảo (2011), “Những khác biệt căn bản giữa đào tạo theo niên chế và đào tạo theo tín chỉ”, Kỷ yếu hội nghị đổi mới công tác giảng dạy theo hệ thống tín chỉ, Đại học Nha Trang. [4] Trịnh Duy Oánh (2010), “Đào tạo theo hệ thống TC và một số vấn đề trong đổi mới phương pháp dạy học”, Kỷ yếu hội thảo khoa học toàn quốc “Đổi mới phương pháp giảng dạy đại học theo tín chỉ”, Chuyên san của Tạp chí Đại học Sài Gòn. [5] Lâm Quang Thiệp (2006), “Việc áp dụng học chế tín chỉ trên thế giới và ở Việt Nam”, Kỷ yếu hội thảo xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ có sử dụng internet, Viện nghiên cứu Giáo dục. Title: ORGANIZATION FORMS AND PROCEDURES FOR APPLICATION OF TEACHING METHODS IN TRAINING BY CREDIT INSTITUTION NGUYEN THANH TUAN Hanoi University of Home Affairs - Quang Nam Campus Abstract: In the teaching and learning process, teachers and students can use a method or combine many methods together. This depends on the lesson contents, the actual conditions of teaching and learning activities, lecturers’ quali cations, pedagogical competence and skills, especially the form of teaching organization. Regardless of the teaching methods or forms of organization used by lecturers, it is only for the purpose of developing students’ ability to think independently and creatively, self-study, and experience the reality. In the framework of this article, the author focuses on researching the following contents: the nature of training by credit system, forms of teaching by credit institution and the process of applying teaching methods in credit training. Keywords: Training, Methods, Organizational forms, Credit, Application process. 132
nguon tai.lieu . vn