Xem mẫu

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0077 Social Sci., 2017, Vol. 62, Iss. 7, pp. 164-172 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÙNG TÂY BẮC Đỗ Thúy Mùi Khoa Sử - Địa, Trường Đại học Tây Bắc Tóm tắt. Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội khá thuận lợi. Địa hình có nhiều cao nguyên rộng lớn, nhiều lòng chảo, thung lũng rộng, thuận lợi để hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp và lương thực, thực phẩm đặc sản. Đất đai màu mỡ, thích hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi đặc sản. Khí hậu, nguồn nước rất thuận lợi để tưới tiêu, thâm canh, tăng vụ. Nguồn lao động không đông, nhưng chất lượng lao động ngày càng được nâng lên. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật đang được đầu tư hoàn thiện. Các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ giúp cho nông nghiệp của vùng phát triển mạnh mẽ hơn, các nông sản sẽ mang tính chất hàng hóa và có thể cạnh tranh trên thị trường. Từ khóa: Chuyên canh, nông sản, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thâm canh, tăng vụ. 1. Mở đầu Tây Bắc là khu vực tập trung chủ yếu đồng bào các dân tộc ít người. Đời sống kinh tế còn khó khăn. Nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chủ yếu, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt [6]. Trong những năm qua, Tây Bắc đã có nhiều nhà máy thuỷ điện xây dựng trên sông Đà, đã làm thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngoài ra, còn có các dự án trồng cây cao su, cây mắc ca. . . Các dự án đó đã có tác động lớn đến nguồn tài nguyên thiên nhiên của vùng, đến đời sống của nhân dân các dân tộc. Tài nguyên đất, rừng bị thu hẹp do việc xây dựng các nhà máy thuỷ điện, diện tích đất ngập nước mở rộng hơn. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thay đổi tập tục, phương thức sản xuất, canh tác. Về đề tài này, đã có một số tác giả nghiên cứu về nông nghiệp của các địa phương trong vùng như Phạm Anh Tuân [4], Nguyễn Thị Hồng Nhung [2], Trần Thị Hằng [1]. . . Tuy nhiên, đối với vùng Tây Bắc, chưa có các công trình nghiên cứu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bài báo này sẽ nghiên cứu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho vùng. 2. Nội dung nghiên cứu Bài báo nghiên cứu, đánh giá tiềm năng phát triển nông nghiệp vùng Tây Bắc. Phạm vi nghiên cứu là lãnh thổ vùng Tây Bắc, bao gồm 4 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Nội dung nghiên cứu tập trung chủ yếu vào việc đánh giá thuận lợi và khó khăn trong phát triển nông nghiệp và đề xuất các giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Tây Bắc. Các dữ liệu, Ngày nhận bài: 15/1/2016. Ngày nhận đăng: 20/7/2017 Liên hệ: Đỗ Thúy Mùi, e-mail: maithuydotb@gmail.com 164
  2. Các giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Tây Bắc số liệu được cung cấp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của bốn tỉnh và các kết quả nghiên cứu trong các chuyến đi thực địa. 2.1. Các phương pháp nghiên cứu chính Bài viết sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu và đặc thù trong môn Địa lí như: phương pháp phân tích số liệu thống kê, phương pháp tổng hợp, phương pháp thực địa, phương pháp lấy ý kiến chuyên gia. Dựa trên cơ sở các số liệu thống kê của các Sở, các văn bản báo cáo tổng hợp và kết quả của các chuyến khảo sát thực địa, tác giả đã phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn của ngành nông nghiệp, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho vùng. 2.2. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và sự cần thiết phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở vùng Tây Bắc Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là quá trình tiếp tục phát triển nông nghiệp gắn với bố trí, sắp xếp lại các chuyên ngành sản xuất theo nguyên tắc sử dụng tối đa lợi thế so sánh và sử dụng tối ưu các nguồn lực đầu vào để tạo ra hiệu quả kinh tế, năng lực cạnh tranh cao hơn, bền vững hơn cho toàn ngành, là quá trình phát triển gắn với thay đổi quy mô sản xuất của các chuyên ngành nhằm tạo ra các nông sản phẩm có chất lượng và giá trị cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước, nâng cao thu nhập cho nông dân và đảm bảo tính bền vững. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp có ý nghĩa rất lớn đối với vùng Tây Bắc, đưa sản phẩm nông nghiệp của vùng mang tính hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra những sản phẩm đặc trưng riêng của vùng để phát huy lợi thế cạnh tranh trong sản phẩm nông nghiệp. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp để khai thác thế mạnh về tự nhiên, sử dụng các nguồn lực tự nhiên một cách bền vững và hiệu quả. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đóng vai trò thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế quốc dân, góp phần phân bổ nguồn lực hiệu quả và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lí hơn, phù hợp với xu hướng chung của thế giới và Việt Nam. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho phép ngành hoạt động ổn định và hiệu quả hơn, từ đó cũng góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô, thị trường nông sản, thị trường đất đai và lao động bằng cách cơ cấu, phân bổ hợp lí lại các nguồn lực trong ngành, góp phần gia tăng thu nhập quốc dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định các vấn đề xã hội và môi trường, từ đó hướng tới phát triển bền vững. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm của ngành, thông qua đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và kĩ thuật, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững hơn bằng cách cân đối hài hòa giữa các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường.Thông qua đẩy mạnh khoa học công nghệ, kĩ thuật vào quản lí và sản xuất, tái cơ cấu ngành góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp theo hướng quản lí và sản xuất tiên tiến. Tăng cường năng lực quản lí của ngành phù hợp với yêu cầu thời đại, thu hút vốn đầu tư vào ngành nông nghiệp, phân bổ lại nguồn lực lao động, sắp xếp, tổ chức lại việc làm đối với người lao động trong ngành một cách hợp lí và hiệu quả hơn, góp phần nâng cao thu nhập của người dân trong ngành, qua đó giải quyết được các vấn đề xã hội như thất nghiệp, đói nghèo. 165
  3. Đỗ Thúy Mùi 2.3. Những thuận lợi, khó khăn để phát triển nông nghiệp và tài cơ cấu nông nghiệp ở vùng Tây Bắc 2.3.1. Thuận lợi Tây Bắc bao gồm 4 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình. Diện tích tự nhiên của vùng là 3.741,6 km2 , chiếm 11,3% diện tích cả nước. Dân số năm 2015 là 2.629,3 nghìn người, chiếm 2,8% dân số cả nước. Tây Bắc có địa hình chủ yếu là núi và cao nguyên, có nhiều cao nguyên rộng, bằng phẳng, thuận lợi để hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc với quy mô lớn. Ngoài dạng địa hình cao nguyên, Tây Bắc có địa hình thung lũng, địa hình lòng chảo, thuận lợi để phát triển cây lương thực, thực phẩm. Nhiều nơi đã hình thành các vùng chuyên canh các cây trồng đặc sản như gạo tám thơm (Điện Biên), Séng Cù (Than Uyên – Lai Châu), nếp tan (Mai Sơn – Sơn La), nếp cái hoa vàng (Mường La – Sơn La), đào mận (Mộc Châu – Sơn La), cam (Cao Phong – Hòa Bình). . . Đất nông nghiệp ở vùng có diện tích không lớn. Tuy nhiên, đất tốt, màu mỡ, có nhiều loại đất khác nhau, mỗi loại đất thích hợp với các loại cây trồng khác nhau nên vùng có nhiều loại cây đặc sản như khoai sọ (Cụ Cang – Thuận Châu – Sơn La), khoai môn (Mộc Châu – Sơn La), mía tím (Hòa Bình), cam Cao Phong (Hòa Bình),. . . gạo tám thơm (Điện Biên), xoài (Yên Châu – Sơn La), thanh long ruột đỏ (Mai Sơn – Sơn La). . . Khí hậu trong vùng mang tính chất nhiệt đới ẩm, có mùa đông lạnh, thuận lợi để phát triển các cây công nghiệp, cây ăn quả có nguồn gốc nhiệt đới, cận nhiệt đới. Khí hậu có sự phân hóa theo đai cao. Những vùng núi cao có thể trồng cây ăn quả: đào, lê, mận, táo, các loại hoa lan, ly, hồng. . . Đó là những sản phẩm đặc sản, có thể trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng riêng của vùng. Vùng có mạng lưới sông ngòi dày đặc, đặc biệt vùng có nhiều hồ thủy điện, thủy lợi, đủ nước tưới tiêu cho vùng nông nghiệp, đồng thời là cơ sở để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Ở vùng lòng hồ có thể nuôi cá lồng, đặc biệt nuôi cá tầm có giá trị kinh tế cao. . . Ngoài các điều kiện tự nhiên thuận lợi, các điều kiện kinh tế - xã hội của vùng cũng khá thuận lợi. Dân cư trong vùng không đông, mật độ dân số không cao, nhưng đang được bổ sung lực lượng lao động từ các vùng khác đến. Nguồn lao động chất lượng không cao, nhưng có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và chinh phục tự nhiên. Cơ sở vật chất kĩ thuật của vùng đã được đầu tư nâng cấp, một số hồ thủy điện, thủy lợi có ý nghĩa rất lớn trong phát triển nông nghiệp của vùng. Các cơ sở chế biến nông sản, chế biến thức ăn chăn nuôi đã được đầu tư xây dựng, thúc đẩy nông nghiệp của vùng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt hệ thống giao thông vận tải đã được đầu tư nâng cấp. Tuyến đường quốc lộ 6, tuyến đường huyết mạch trong vùng đã nối liền vùng nguyên liệu với thị trường tiêu thụ, nhất là với Thủ đô Hà Nội. Vùng có những chính sách phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, chú trọng sản xuất nông sản sạch, nông sản an toàn. Sản xuất nông sản bước đầu đã chú trọng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm và thị hiếu của người tiêu dùng. Đảng, Nhà nước đã có sự ưu tiên đầu tư cần thiết cho vùng, là động lực lớn thúc đấy nông nghiệp vùng Tây Bắc. 2.3.2. Khó khăn Vùng Tây Bắc có địa hình chủ yếu là núi và cao nguyên, giao thông đi lại khó khăn, nhiều vùng sản xuất nông sản xa giao thông, xa nơi tiêu thụ, khó khăn trong vận chuyển và trao đổi hàng hóa nông sản. 166
  4. Các giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Tây Bắc Khí hậu trong vùng phân hóa rõ nét thành hai mùa. Mùa khô thiếu nước trong sản xuất. Vùng còn có nhiều hiện tượng thời tiết đặc biệt, nhiều tai biến thiên nhiên, rét đậm, rét hại, sương muối, hạn hán, lũ quét, lũ ống, trượt lở đất đá. . . ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Dân cư trong vùng không đông, nguồn lao động không đủ về số lượng và chất lượng nên sản xuất nông nghiệp phần lớn phụ thuộc vào tự nhiên, năng suất và hiệu quả sản xuất không cao. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật vẫn trong tình trạng kém phát triển, nên sản phẩm nông nghiệp chưa mang tính hàng hóa cao. Vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp còn ít, hiệu quả sản xuất thấp. Sản phẩm nông sản chưa chiếm lĩnh được thị trường trong nước và thế giới, vì thế chưa định rõ được hướng phát triển. Các ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông sản chưa phát triển, chưa tạo ra động lực để hình thành vùng sản xuất chuyên môn hóa. 2.4. Đề xuất giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Tây Bắc Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: giải pháp về nguồn nhân lực, về cơ sở hạ tầng, về vốn, về ứng dụng khoa học công nghệ, về chính sách phát triển, về thị trường. . . 2.4.1. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực Lao động là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Qua thực trạng cho thấy lao động trong nông nghiệp, nông thôn mới chỉ là lao động trực tiếp thuần túy, đơn ngành chưa đáp ứng được so với yêu cầu phát triển sản xuất đi lên trong xu hướng chung của xã hội. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn cần phải có kế hoạch đào tạo nhất là đào tạo nghề để tạo ra những con người có tay nghề kĩ thuật cao áp dụng trong sản xuất. Bên cạnh việc đào tạo các hệ chính quy cần đa dạng hóa thêm các hình thức đào tạo, mở thêm các lớp đào tạo ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng kĩ năng, kĩ thuật cho các cán bộ thôn bản, phổ biến kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Khuyết khích các doanh nghiệp tổ chức đào tạo lực lượng lao động trong doanh nghiệp để nâng cao trình độ, tay nghề nhất là những lao động địa phương chưa qua đào tạo.Thực hiện tốt các quy hoạch, luân chuyển, tiêu chuẩn hóa đối với đội ngũ cán bộ công chức từ cấp xã trở lên phù hợp với yêu cầu mới. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ đội ngũ cán bộ trong hệ thống quản lí. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, nhất là đào tạo lao động là đồng bào các dân tộc thiểu số. Các ngành đào tạo tập trung chủ yếu vào các ngành nông nghiệp, chăn nuôi, quản lí bảo vệ tài nguyên môi trường. 2.4.2. Giải pháp củng cố, xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp Các cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi là yếu tố vật chất tạo điều kiện trực tiếp cho sự phát triển nông nghiệp, cần phải chú trọng phát triển, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, giao thông vận tải. . . Về thủy lợi: Tập trung đầu tư sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới từng bước hoàn thiện công trình thủy lợi trên địa bàn để chủ động nguồn nước tưới, nhất là những vùng nông nghiệp thiếu nước. Chú trọng xây dựng các công trình thủy lợi trọng điểm trong vùng như cụm công trình thủy lợi Huổi Vanh - Yên Châu; kè chống sạt lở suối Muội - Thuận Châu, kè suối Tấc giai đoạn hai; Thủy lợi - thủy điện Nậm Sọi; Thủy lợi suối Sập; công trình thủy lợi - thủy điện Nậm Công; thủy lợi Lái Bay - Phỏng Lái - Thuận Châu; hồ Ba Khoang (Điện Biên). . . Về giao thông: Đầu tư nâng cấp, cải tạo mở rộng mạng lưới giao thông thủy, bộ tại các đầu 167
  5. Đỗ Thúy Mùi mối giao thông chính của vùng là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp. Giao thông đường thủy cần được quan tâm, nhất là sau khi công trình thủy điện Sơn La được hoàn thành, đảm bảo an toàn cho các trục đường thủy tạo thuận lợi cho việc thu mua và tiêu thụ nông sản trong vùng. Về hệ thống điện và thông tin liên lạc: Cải thiện hệ thống điện để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân trong chiến lược CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn. Hoàn thiện và hiện đại hóa ngành thông tin liên lạc, phát triển mạng lưới thông tin kinh tế kĩ thuật, thị trường trên mạng internet tạo điều kiện thuận lợi cho nhà sản xuất nông nghiệp nhanh chóng tiếp cận với tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản xuất và mở rộng thị trường, tiêu thụ nông sản bằng cách quảng bá sản phẩm. Về cơ sở vật chất kĩ thuật: Đẩy mạnh cơ giới hóa, tăng cường đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động nông nghiệp và giá trị nông sản. Đẩy mạnh tiến trình áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất hoa màu và cây công nghiệp hàng năm. Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, tạo thị trường tiêu thụ ổn định, góp phần nâng cao giá trị nông sản, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng và thực hiện các dự án thuộc các chương trình kinh tế sản xuất nông - lâm - thủy sản hàng năm, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với các cơ sở bảo quản, chế biến tiêu thụ... 2.4.3. Giải pháp huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn cần tập trung một lượng vốn lớn, nguồn vốn được tổng hợp, huy động từ nhiều nguồn khác nhau từ các chương trình dự án. Vốn từ các dự án chương trình mục tiêu quốc gia: chương trình 135, chương trình 134, chương trình trồng 5 triệu ha rừng, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo theo nghị quyết 30A/2008/NQ-CP của Chính phủ; vốn trái phiếu Chính phủ. . . Vốn tài trợ của các Chính phủ, tổ chức nước ngoài thông qua các chương trình, dự án đầu tư từ các nguồn: WB, ODA, ADB, KFW7. . . Khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân, liên doanh. . . tham gia đầu tư phát triển ngày càng nhiều trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia đóng góp (nhà nước và nhân dân cùng làm) để xây dựng các hạng mục công trình, đặc biệt là hệ thống giao thông vận tải. 2.4.4. Giải pháp phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất trọng tâm là công tác giống cây trồng, vật nuôi có quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là các giống có chất lượng cao, có khả năng thích nghi với điều kiện của khu vực. - Trong trồng trọt: Áp dụng quy trình công nghệ cao trong thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng từ khi trồng cho tới khi thu hái sản phẩm, phân loại, bảo quản, chế biến, đóng gói. . . đảm bảo thực hiện đúng quy trình kĩ thuật. Ứng dụng công nghệ và thiết bị sơ chế và chế biến tiên tiến trong bảo quản, chế biến sản phẩm, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, đáp ứng yêu cầu thị trường, đồng thời tăng giá trị sản phẩm. - Trong chăn nuôi: Đối với chăn nuôi gia súc lớn - phát triển mạng lưới thụ tinh nhân tạo, tại các vùng sâu, vùng xa sử dụng đực giống để cho phối trực tiếp. Lai kinh tế bò thịt, bò thịt cao sản ôn đới với bò lai sind, bò thịt cao sản nhiệt đới với bò lai sind; chọn lai và nhân giống bò nội; chọn lọc và sử dụng trâu đực nội ngoại hình to để cải tạo đàn trâu nội nhỏ. 168
  6. Các giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Tây Bắc Phát triển cây thức ăn thích hợp để chăn nuôi (trồng cỏ thâm canh). Chế biến dự trữ thức ăn xanh nhằm nâng cao giá trị dinh dưỡng và đảm bảo thức ăn đủ đều quanh năm. Chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn gia súc lớn. - Trong lâm nghiệp: Đưa một số loại cây kinh tế chủ lực đã được tuyển chọn để trồng rừng kinh tế chủ yếu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng chống sâu bệnh, khô hạn. Sử dụng hóa chất và các biện pháp sinh học để bảo quản lâm sản kéo dài thời gian sử dụng. Áp dụng công nghệ và thiết bị hiện đại trong chế biến gỗ để đa dạng hóa sản phẩm, sản xuất các mặt hàng gia dụng cao cấp. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư đối với cơ sở, xây dựng các mô hình trình diễn kĩ thuật, mở các lớp tập huấn để chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kĩ thuật vào sản xuất nhằm đạt hiệu quả cao đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Đối với ngành thủy sản của vùng là ngành khá mới mẻ, nhất là việc nuôi cá tầm, cá hồi, cần chú trọng tới các giống cá, kĩ thuật nuôi cá lồng, cá bè. . . Tổ chức tập huấn cho nông dân các tỉnh để phổ biến kĩ thuật nuôi, chăm sóc, phòng bệnh dịch và bảo vệ môi trường ở các lòng hồ. . . 2.4.5. Giải pháp về chính sách phát triển nông nghiệp Tạo điều kiện thuận lợi để nông dân thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật các quyền về sử dụng đất đai; khuyến khích nông dân thực hiện “dồn điền, đổi thửa”, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch. Miễn tiền thuế đất cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, liên hiệp hợp tác xã thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, các hộ gia đình và cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa như xây dựng chuồng trại chăn nuôi, cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, nhà làm việc, nhà ở công nhân trong thời gian thực hiện dự án. Củng cố và phát triển năng lực của hệ thống khuyến nông, khuyến ngư. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, người dân tiếp thu kiến thức về kinh tế về nông nghiệp và làm chủ khoa học - công nghệ mới. Thực hiện tuyên truyền, vận động nông dân về việc xoá bỏ tập quán canh tác lạc hậu. 2.4.6. Giải pháp về mở rộng thị trường, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm Trong nền sản xuất nông nghiệp nông thôn, hàng hóa sản xuất ra phải đáp ứng đúng yêu cầu thị trường. Để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trước hết: - Xác định thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất ra và những sản phẩm dự định phát triển. Trong từng loại sản phẩm cần xác định cơ cấu sản phẩm chất lượng cao, chất lượng trung bình. Chú trọng sản xuất một số loại đặc sản trong vùng như: cam, gạo tám thơm, séng cù, khoai môn, khoai sọ, đào, mơ, mận, bò sữa, gà đen, lợn bản, dê, các loại rau quả thực phẩm sạch. . . - Không sản xuất ra những mặt hàng chưa đủ sức cạnh tranh hoặc không có thị trường tiêu thụ. - Cần đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất, sản xuất ra hàng hóa đạt tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của vùng và đảm bảo phát triển bền vững. - Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm. Nắm bắt thông tin hàng ngày và thường kì, nghiên cứu thị trường tiêu thụ thông qua các hệ thống thông tin. - Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thiết lập mạng lưới phân phối, tìm kiếm đối tác, liên kết sản xuất kinh doanh thúc đẩy lưu thông hàng hóa. - Xây dựng tên gọi, xuất xứ hàng hóa hay xây dựng chỉ dẫn địa lí cho một số sản phẩm, tiến 169
  7. Đỗ Thúy Mùi tới xây dựng thương hiệu sản phẩm, duy nhất, duy trì và bảo vệ thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. 2.4.7. Giải pháp khai thác, sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường Tây Bắc là vùng có địa hình chủ yếu là núi và cao nguyên. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp tác động trưc tiếp, thường xuyên và liên tục vào môi trường tự nhiên nên rất dễ bị tổn thương. Do vậy, phát triển nông nghiệp cần phải gắn với các mục tiêu bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững. Bởi thế, cần thực hiện các giải pháp cụ thể là: - Trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên vào phát triển nông - lâm - ngư nghiệp cần xem xét việc đảm bảo cân bằng sinh thái, lấy sinh thái làm nền tảng vững chắc nhất cho sự phát triển, nhất là các mô hình nông - lâm kết hợp, nuôi thủy sản - rừng, mô hình VAC,. . . - Xây dựng mô hình canh tác tổng hợp thích nghi với từng vùng sinh thái, các mô hình luân canh, xen canh một cách hợp lí nhằm ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi tự nhiên, đảm bảo cho sự phát triển một nền nông nghệp bền vững. - Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu và nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên đối với sự phát triên kinh tế và đời sống. 2.4.8. Các giải pháp cụ thể cho từng ngành Đối với ngành nông nghiệp - Quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất ngô, chè, hoa quả, cây thực phẩm, cây công nghiệp khác. . . Gắn phát triển du lịchsinh thái, nghỉ dưỡng với các đặc sản đặc trưng có thế mạnh của vùng. Trên cơ sở quy hoạch các vùng chuyên canh này, từng tỉnh tiến hành quy hoạch, lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi để đảm bảo nước tưới tiêu trong mùa khô. - Hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân được áp dụng công nghệ sản xuất mới, sử dụng các giống cây trồng có năng suất và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng các cơ sở chế biến nông phẩm tại chỗ, tạo việc làm cho người lao động. - Quy hoạch và chuyển đổi phương thức chăn nuôi, khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi trang trại với quy mô lớn trên cơ sở đảm bảo vệ sinh và môi trường. - Đảm bảo nguồn thức ăn cho chăn nuôi bằng việc phát triển các tập đoàn cây thức ăn, tăng diện tích trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm của ngành trồng trọt; đồng thời chủ động thức ăn vào mùa đông như chế biến cỏ khô, ủ thân ngô làm thức ăn cho trâu, bò. Sử dụng các thức ăn hỗn hợp với công thức phù hợp theo các giai đoạn sinh trưởng của vật nuôi. Đồng thời khuyến khích việc xây dựng các nhà máy sản xuất thức ăn tại các vùng chuyên canh gia súc. - Tăng cường công tác kiểm dịch, mua bán gia súc, gia cầm, đẩy mạnh tiêm phòng văcxin các bệnh nguy hiểm (như lợn tai xanh, cúm gia cầm, lở mồm long móng. . . ) Đối với ngành lâm nghiệp - Xây dựng các dự án trồng và bảo vệ rừng, tăng cường công tác phủ xanh đất trống đồi trọc, khoanh nuôi, bảo vệ, trồng mới, giao đất, giao rừng đến tay người dân, đảm bảo diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng tự nhiên, các khu bảo tồn thiên nhiên. Vận động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia đầu tư nâng cao chất lượng rừng, chuyển diện tích rừng sản xuất kém chất lượng sang trồng rừng mới theo phương thức thâm canh, chất lượng cao. - Xác định đúng cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng. Trồng rừng theo hướng thâm canh, khép kín diện tích; đảm bảo giống cây con đạt tiêu chuẩn. Vùng có thể phát triển 170
  8. Các giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Tây Bắc các cây ăn quả như cam, nhãn, xoài,. . . để vừa mở rộng diện tích rừng vừa tăng thêm thu nhập. . . - Đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở chế biến gỗ và lâm sản tại chỗ. Khai thác rừng hợp lí. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lí dể hạn chế tình trạng khai thác bừa bãi và mua bán lâm sản trái phép. Đối với ngành thủy sản - Chú trọng trước hết đến khâu sản xuất và cung ứng giống. Tăng cường đầu tư vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao cho các trung tâm, trại giống trên địa bàn tỉnh. Thực hiện phương châm xã hội hóa sản suất giống, tiếp tục hợp tác với các viện, trường để nghiên cứu sản xuất các giống thủy sản mới có năng suất, chất lượng cao nhằm chủ động cung cấp giống cho nhu cầu của tỉnh. - Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới trong nuôi trồng, chế biến, và dịch vụ hậu cần thủy sản. - Gắn cơ sở chế biến gắn với vùng nuôi trồng thủy sản nhằm cung cấp kịp thời nguồn thức ăn cho nuôi trồng, đồng thời tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho các loại hàng hóa thủy sản. - Bố trí hệ thống cấp thoát nước riêng biệt cho các ao nuôi, phải có ao xử lí nước thải và áp dụng xử lí bằng phương pháp vi sinh với chế phẩm sinh học. - Phát triển ngành khai thác gắn với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tăng cường kiểm tra, hạn chế các phương tiện mang tính hủy diệt, gây ô nhiễm môi trường nước. - Mở rộng quy mô nuôi cá lồng, chú trọng nuôi các loại đặc sản có giá trị kinh tế cao. Hình thành vùng nuôi cá tầm hàng hóa trên các lòng hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu. Có chiến lược về thị trường cho các loại thủy sản, đặc biệt là cá tầm và trứng cá tầm. - Quy hoạch vùng được và không được khai thác, quy định thời gian khai thác, tránh đánh bắt vào đầu mùa sinh sản nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang có nguy cơ cạn kiệt vì sự phát triển lâu dài của ngành. 3. Kết luận Tây Bắc có tiềm năng để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Cần phải có những phân tích, đánh giá một cách đầy đủ về tiềm năng để đề xuất giải pháp. Các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp của vùng là: giải pháp đào tạo nguồn nhân lực; củng cố, xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp; huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn; phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ; cải cách chính sách phát triển nông nghiệp; mở rộng thị trường, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm; giải pháp khai thác, sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; các giải pháp cụ thể ở từng ngành sản xuất nông nghiệp. Thực hiện một cách linh hoạt các giải pháp đó thì nông nghiệp của vùng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trần Thị Hằng, 2013. Hiện trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên. Kỉ yếu Hội nghị khoa học Địa lí toàn quốc lần thứ 7, trang 350 – 357. [2] Nguyễn Thị Hồng Nhung, 2014. Các nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động nuôi trồng cá tầm trên địa bàn tỉnh Sơn La. Kỉ yếu hội nghị Khoa học Địa lí toàn quốc lần thứ 8, TP Hồ Chí Minh, 1-2/11/2014, trang 1083 – 1088. [3] Quyết định số 339/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020, Hà Nội ngày 19/02/2013. 171
  9. Đỗ Thúy Mùi [4] Phạm Anh Tuân, 2013. Bài học rút ra từ nghiên cứu sử dụng tài nguyên đất canh tác ở lưu vực Thủy điện Sơn La. Kỉ yếu Hội nghị khoa học Địa lí toàn quốc lần thứ 7, trang 747 – 752. [5] Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2006. Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ tổ chức lãnh thổ và đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc dưới tác động của thủy điện Sơn La. Hà Nội. [6] Viện Điều tra quy hoạch rừng Tây Bắc Bộ, 2009. Báo cáo Kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng và cơ hội Đầu tư phát triển lâm nghiệp khu vực Tây Bắc. Hà Nội. ABSTRACT Restructuring agricultural industry in the North West Do Thuy Mui Faculty of History and Geography, Tay Bac University The North West, Viet Nam is an area with great potential for developing commodity agriculture. The natural and socio-economic conditions are quite favorable. The terrain has many large plateaus, many basins and wide valleys, which are favorable for forming specialized areas for industrial and feeding crops and special food. The soil is fertile, suitable for many kinds of plants and special pets. Climate and water source are very convenient for irrigating, intensive farming, and increasing crop. The labor force is not crowded, but the quality of labor is increasing. Infrastructure and technical facilities are being finalized. Solutions to restructuring the agricultural sector will help the region’s agriculture grow more significantly, and the agricultural products will be commoditized and can compete in the market. Keywords: Specialized farming, agricultural products, agricultural restructuring, intensive farming, increasing crops. 172
nguon tai.lieu . vn