Xem mẫu

  1. CÁC BIỆN PHÁP SỬ DỤNG KIẾN THỨC ĐỊA LÝ ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ DẠY HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1945 – 1954 Ở TRƯỜNG THPT (CHƯƠNG TRÌNH CHUẨN) NGUYỄN THỊ HỒNG LUYẾN NGUYỄN THỊ HỒNG THU - VÕ THỊ THẮM Khoa Lịch sử 1. MỞ ĐẦU Trong nghiên cứu lịch sử, nguồn tài liệu đóng vai trò rất quan trọng bởi “tất cả những sự kiện và hiện tượng lịch sử được chúng ta nhắc đến đều là những chuyện đã xảy ra, nó mang tính quá khứ” [5, tr. 139]. Đây là điều khác biệt giữa hiện tượng lịch sử và hiện tượng tự nhiên. Người ta không thể trực tiếp quan sát được lịch sử quá khứ và chỉ nhận thức được chúng thông qua các nguồn sử liệu hay những mô hình chung về các địa điểm hiện thực. Để có thể tái hiện một cách tương đối đầy đủ sự kiện lịch sử trong chương trình THPT, cần có sự kết hợp với các ngành khoa học khác. Trong số những môn học có liên quan mật thiết với bộ môn lịch sử, địa lý được xem là môn học rất có ưu thế. Khoa học địa lý là ngành học đã có sự phát triển từ lâu đời, ngay từ thời cổ đại. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp tìm hiểu thế giới quan qua nhiều thời kỳ, giúp chúng ta hiểu biết hơn về không gian, khí hậu, thổ nhưỡng hay điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của mọi vùng miền… Do đó, việc sử dụng kiến thức Địa lý sẽ góp phần nâng cao hiệu quả dạy học Lịch sử. Để sử dụng kiến thức địa lý trong dạy học Lịch sử Việt Nam có hiệu quả, giáo viên có thể thực hiện một số biện pháp như sau. 2. SỬ DỤNG KIẾN THỨC ĐỊA LÝ ĐỂ NÊU NHIỆM VỤ NHẬN THỨC CHO HỌC SINH Chất lượng của một tiết học phụ thuộc vào việc học sinh nhận thức bài học như thế nào? Học sinh nắm được gì sau mỗi bài học. Do đó, nêu nhiệm vụ nhận thức là phải giúp học sinh nắm được những vấn đề cốt lõi của bài học. Việc giúp học sinh hình dung được những kiến thức cơ bản cần nắm sẽ giúp các em chủ động hơn trong quá trình học, nâng cao chất lượng dạy và học. Việc sử dụng kiến thức điạ lý để nêu nhiệm vụ nhận thức cho học sinh là một trong những biên pháp hiệu quả. Kiến thức địa lý sẽ góp phần giải đáp những thắc mắc của các em với những câu hỏi nhận thức được nêu ra trước khi vào bài mới. Điều đó sẽ góp phần gợi mở hướng tư duy của học sinh, giúp các em tìm tòi suy nghĩ, làm phong phú vốn kiến thức khoa học xã hội và nhân văn. Ví dụ: Khi dạy bài 18: “Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp 1946 – 1950” ở mục IV.2: “Chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950”, giáo viên đặt Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sinh viên năm học 2013-2014 Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, tháng 12/2013, tr: 173-179
  2. 174 NGUYỄN THỊ HỒNG LUYẾN và cs. ra câu hỏi: “Tại sao ta lại chọn Đông Khê làm nơi mở màn chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950? Vị trí của đường số 4 trong chiến dịch này như thế nào?” Với câu hỏi này, giáo viên sử dụng kiến thức sách giáo khoa, hiểu biết của mình cùng với đoạn tư liệu lịch sử - địa lý về vị trí Đông Khê và đường số 4 để giải quyết vấn đề trên. Đông Khê nằm giữa Đường số 4, cách Cao Bằng 45 km, cách Thất Khê 24 km, xung quanh có 7 vị trí kiên cố, đóng trên đồi cao như một bức tường vững chắc bao bọc. Đồn Đông Khê có hàng chục lô cốt thấp sát mặt trời, nắp dày trên 1 mét, có hầm ngầm, tường cao, dây thép gai bảo vệ xung . Đồng thời, khi ta tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê thì quân địch ở Thất Khê bị uy hiếp, Cao Bằng bị cô lập. Do dó ta sẽ hoàn toàn giành quyền chủ động trên chiến trường. “Đường số 4, con đường huyết mạch của Liên khu Biên giới Đông Bắc, được khởi công xây dựng từ năm 1911, dài 340 km, mặt đường rộng 4m, chạy từ Mũi Ngọc (Móng Cái) đi qua một số thị xã, thị trấn: Tiên Yên, Đình Lập, Lạng Sơn, Na Sầm, Thất Khê, Đông Khê, Cao Bằng. Sau khi chạy dọc ven biển tới Tiên Yên, đường đi vào rừng núi, đèo cao, vực thẳm, có nhiều sông suối cắt ngang. Dọc đường Pháp đóng hơn 80 vị trí, nhưng chỉ kiểm soát được những điểm chính”. [6, tr. 157-158] Việc cung cấp những nguồn kiến thức lịch sử có sử dụng kiến thức địa lý sẽ giúp học sinh hình dung và trả lời tốt những câu hỏi nhận thức của giáo viên đưa ra. 3. SỬ DỤNG KIẾN THỨC ĐỊA LÝ ĐỂ MIÊU TẢ “Miêu tả là trình bày cụ thể những đặc trưng của một sự vật, một sự kiện lịch sử để nêu lên những nét đặc trưng, bản chất chủ yếu, cấu tạo bên cũng như hình dáng bên ngoài của chúng” [3, tr. 33]. Việc sử dụng các kiến thức địa lý – lịch sử để miêu tả về một địa điểm hay một sự kiện lịch sử sẽ góp phần làm cho bài học trở nên hấp dẫn, gây hứng thú đối với học sinh. Tuy nhiên, khi miêu tả trong dạy học lịch sử, giáo viên phải đảm bảo tính khách quan, khoa học, đồng thời phải trình bày rõ ràng, có thái độ đúng với đối tượng được miêu tả. Chẳng hạn khi dạy bài 18: “Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp 1946 – 1950” ở mục IV.2: “Chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950”, để làm rõ hơn hình ảnh của chiến trường Đông Bắc, giáo viên miêu tả bằng đoạn tư liệu sau: Ven đường số 4 núi rừng trùng điệp, núi đất xen núi đá tai mèo, rừng cây xen lẫn đồi tranh, nhiều đoạn đường địa thế rất hiểm trở, đường núi lượn chữ chí qua những ngọn đèo cao, một bên là vách đứng, một phía là vực sâu, chính những nơi ấy như Bông Lau, Lũng Phầy, Bố Củng, Lũng Vài… Bộ đội ta đã từng lập nên những chiến công lừng lẫy trong mấy năm đầu kháng chiến” [1, tr. 533]. 4. SỬ DỤNG KIẾN THỨC ĐỊA LÝ KẾT HỢP VỚI LƯỢC ĐỒ, TRANH ẢNH Trong dạy học lịch sử, do đặc trưng môn học là học sinh không thể trực tiếp quan sát về các sự kiện lịch sử xảy ra trong quá khứ. Do đó, việc sử dụng những đồ dùng trực quan như lược đồ, tranh ảnh lịch sử là phương tiện hữu hiệu giúp học sinh có những hình dung rõ ràng về các kiến thức cần nắm. Bởi khi sử dụng lược đồ lịch sử để dạy học
  3. CÁC BIỆN PHÁP SỬ DỤNG KIẾN THỨC ĐỊA LÝ ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ DẠY HỌC… 175 không những giúp học sinh xác định địa điểm của sự kiện trong thời gian và không gian nhất định, mà còn giúp học sinh suy nghĩ và giải thích các hiện tượng lịch sử, về mối quan hệ nhân quả, về tính quy luật và trình tự phát triển của lịch sử, giúp các em củng cố, ghi nhớ các kiến thức đã học. Hay việc sử dụng những tranh ảnh lịch sử cũng có tác dụng khắc sâu kiến thức, tạo biểu tượng về những địa điểm, nhân vật lịch sử. Tuy nhiên, để sử dụng các công cụ dạy học này có hiệu quả thì việc bổ trợ những kiến thức địa lý sẽ tạo được hiệu quả nhất định. Những kiến thức đó không chỉ minh họa kiến thức chưa có trong sách giáo khoa mà còn là nguồn tư liệu rất quý giá giúp học sinh có những hình dung cụ thể hơn để nhanh chóng nắm bắt bài học có hiệu quả. Ví dụ: Khi dạy bài 20: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kết thúc (1953 – 1954), mục II.2: Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954), để cụ thể hóa cho vấn đề: “Tại sao quân ta lại mở màn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ bằng việc tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam và toàn bộ phân khu Bắc? Giáo viên sử dụng lược đồ diễn biến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết hợp với phân tích, miêu tả về các vị trí này để học sinh được khám phá một cách cụ thể các kiến thức lịch. “Ở phía Bắc, có phân khu Bắc gồm các trung tâm đề kháng đồi Độc Lập và Bản Kéo. Vị trí đồi Độc Lập nằm trên một quả đồi dài 700m, rộng 150m ở cách Mường Thanh 4km, có nhiệm vụ ám ngự con đường và ngăn chặn cuộc tiến công của ta từ phía Bắc đánh xuống. Trung tâm đề kháng Bản Kéo nằm trên một quả đồi ở Tây Bắc sân bay, cách phân khu trung tâm 2km” [8, tr. 206].“Cụm cứ điểm Him Lam, địch gọi là trung tâm đề kháng Béatrice”, nằm về phía Đông Bắc đường số 41 (cách trung tâm Mường Thanh khoảng 2,5 km), gần 5 điểm cao ở bình độ 500m, có độ dốc từ 30-60 ^, địa hình trống trải, khống chế quan sát từ xa. Phía Bắc có sông Nậm Rốm ngăn cách, rất thuận lợi cho việc tỏ chức phòng ngự” [4, tr. 12]. Như vậy, kết hợp giữa lược đồ chiến dịch Điện Biên Phủ và các đoạn tư liệu có sử dụng kiến thức địa lý – lịch sử học sinh sẽ nhanh chóng hiểu rõ vấn đề và và giải thích được các hiện tượng lịch sử. Hay khi giảng về bài 20: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kết thúc (1953 – 1954), mục 2. III.2. Hiệp định Giơnevơ. Để minh chứng cho sự chia cắt đất nước bị chia làm hai miền lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Giáo viên có thể sử dụng hình ảnh cây cầu Hiền Lương – sông Bến Hải kèm theo một đoạn tư liệu có sử dụng kiến thức địa lý – lịch sử để minh học kiến thức. “Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải tại ki-lô-mét 735 trên đường thiên lý Bắc-Nam, là dấu mốc chia cắt đất nước. Bến Hải do người Pháp gọi từ một địa danh ở thượng nguồn, có tên Bến Hải. Sông Bến Hải xưa tên là Minh Lương. Thời Minh Mạng, do kị
  4. 176 NGUYỄN THỊ HỒNG LUYẾN và cs. húy chữ “Minh” nên đổi thành Hiền Lương. Cầu Hiền Lương do Pháp xây dựng lại năm 1953, dài 178m, 7 nhịp, trụ bằng bê tông cốt thép, mặt cầu lát gỗ thông, rộng 4m... Từ khi sông Bến Hải trở thành giới tuyến, cầu Hiền Lương cũng bị chia đôi. Giữa cầu được vạch một chỉ ngang sơn trắng, làm ranh giới hai miền”. [7, tr. 271-272] 5. SỬ DỤNG KIẾN THỨC ĐỊA LÝ ĐỂ GIẢI THÍCH CÁC SỰ KIỆN, HIỆN TƯỢNG LỊCH SỬ Trong học tập lịch sử, không chỉ dừng lại ở việc giúp học sinh biết sử, mà trên cơ sở biết, học sinh cần lý giải được những sự kiện, hiện tượng lịch sử để hiểu được bản chất, ý nghĩa của chúng, đồng thời giúp học sinh nắm vững những khái niệm, quy luật để hình thành các quan điểm khoa học về sự phát triển của xã hội loài người, về những mối liên hệ của các hiện tượng. Do đó, việc sử dụng những kiến thức địa lý trong dạy học lịch sử giai đoạn 1945 – 1954 để giúp học sinh giải thích những sự kiện, hiện tượng lịch sử trong tính đầy đủ và toàn diện của nó. Ví dụ: Khi dạy bài 20: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kết thúc (1953 – 1954), mục II.2: Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954), để giải thích cho học sinh hiểu “Vì sao Pháp và Mỹ đều coi Điện Biên Phủ làm pháo đài bất khả xâm phạm”. Giáo viên sử dụng đoạn tư liệu địa lý - lịch sử về vị trí của Điện Biên Phủ kết hợp với việc giảng giải để giải quyết vấn đề trên: “Điện Biên Phủ là một thung lũng, lòng chão rộng lớn ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc. Cánh đồng Điện Biên Phủ chiều dài khoảng 18km, chiều rộng từ 6 đến 8 km. Đây là cánh đồng lớn nhất và đông đúc dân cư nhất trong bấn cánh đồng lớn ở Tây Bắc. Điện Biên Phủ gần biên giới Việt Lào, nằm trên ngã ba nhiều đường lớn và đường nhỏ quan trọng… Do địa hình bằng phẳng, vào mùa khô thung lũng Điện Biên Phủ là một địa bàn thuận lợi cho việc sử dụng xe tăng cơ giới” [8, tr. 164]. Tuy nhiên, để gây hứng thú đối với học sinh thì việc sử dụng kiến thức địa lý để giải thích các sự kiện, hiện tượng lịch sử cần được kết hợp với các loại đồ dùng trực quan. Ngôn ngữ trình bày phải rõ ràng, gây cảm xúc, có ngữ điệu. Việc sử dụng những đoạn tư liệu về kiến thức địa lý để giải thích không có nghĩa là sử dụng máy móc đoạn tư liệu đó mà chủ yếu dựa vào vào nguồn kiến thức địa lý – lịch sử cùng với kiến thức sẵn có của giáo viên để lý giải vấn đề đặt ra một cách đầy đủ nhất.
  5. CÁC BIỆN PHÁP SỬ DỤNG KIẾN THỨC ĐỊA LÝ ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ DẠY HỌC… 177 6. SỬ DỤNG KIẾN THỨC ĐỊA LÝ KẾT HỢP VỚI CÂU HỎI NHẬN THỨC VÀ RA BÀI TẬP VỀ NHÀ Với phương châm dạy học theo hướng phát huy tính tích cực học tập của học sinh, việc dạy học không đơn thuần là “thầy đọc trò chép”, trình bày các sự kiện hiện tượng lịch sử như tiến trình của nó, mà giáo viên cần đặt ra những câu hỏi nhận thức để phát huy khả năng tư duy của học sinh. Do đó, việc đặt các câu hỏi, ra các bài tập không chỉ giúp học sinh tiếp thu bài học trên lớp, mà còn nắm chắc kiến thức cơ bản để vận dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống. Một trong những hình thức phát huy khả năng tự học của học sinh có hiệu quả là hướng dẫn học sinh tự học ở nhà thông qua hệ thống các câu hỏi mang tính tái hiện và câu hỏi mang tính phát hiện. Việc sử dụng kiến thức địa lý nhằm nâng cao khả năng tự học của học sinh thông qua hệ thống câu hỏi và bài tập về nhà được xem là biện pháp hữu hiệu. Ví dụ: Để chuẩn bị cho việc dạy bài 19 “Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp”, mục IV: Những chiến dịch tiến công giữ vững quyền chủ động trên chiến trường, giáo viên ra bài tập yêu cầu học sinh về chuẩn bị những tài liệu lịch sử - địa lý về vị trí Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào. Hay khi dạy về mục IV: “Hoàn cảnh lịch sử mới và chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950”, giáo viên ra câu hỏi cho học sinh: Đường số 4 có vị trí quan trọng như thế nào đối với ta Tại sao ta lại chọn Đông Khê làm vị trí mở màn của chiến dịch Biên Giới? Việc sử dụng câu hỏi tái hiện hay câu hỏi phát hiện cần tùy thuộc vào năng lực của học sinh, câu hỏi đưa ra cần phù hợp với năng lực và trình độ nhận thức của các em. Việc sử dụng kiến thức địa lý phục vụ cho dạy học góp phần làm phong phú nội dung bài giảng, củng cố thêm những kiến thức cơ bản cho học sinh. Cùng với các biện pháp sử dụng đa dạng, phong phú của người giáo viên thông qua những câu hỏi, bài tập nhận thức trên lớp học và các bài tập về nhà sẽ giúp học sinh rèn luyện được khả năng tự học và năng lực độc lập tư duy trong học tập. 7. SỬ DỤNG KIẾN THỨC ĐỊA LÝ ĐỂ TẠO BIỂU TƯỢNG LỊCH SỬ CHO HỌC SINH “Biểu tượng lịch sử là hình ảnh những sự kiện, nhân vật lịch sử, điều kiện địa lý… được phản ánh trong óc học sinh với những nét chung nhất, điển hình nhất” [5, tr. 149]. Biểu tượng lịch sử là một dạng đặc biệt của nhận thức thế giới khách quan. Tính đặc biệt của biểu tượng lịch sử được qui định bởi đặc trưng của nhận thức lịch sử: Sự kiện là hiện thực khách quan, chỉ diễn ra một lần và để lại dấu vết một cách riêng lẻ. Để có được biểu tượng lịch sử, con người không thể trực tiếp tri giác sự kiện hiện thực, mà phải trên cơ sở phương pháp khoa học (sưu tầm tư liệu, xử lý phán đoán, mô phỏng sự kiện…) để tái tạo sự kiện lịch sử, phản ánh lịch sử gần giống với hiện thực khách quan. Chỉ khi hiểu rõ thời gian, không gian, nắm được đặc điểm điều kiện địa lý, học sinh mới hiểu rõ được vấn đề, từ đó hình thành được biểu tượng lịch sử ở học sinh.
  6. 178 NGUYỄN THỊ HỒNG LUYẾN và cs. Ví dụ: Khi dạy bài 20: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kết thúc (1953 – 1954), mục II.1: Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, để tạo biểu tượng cho học sinh về vị trí Tây Nguyên trong kế hoạch của thực dân Pháp, GV sử dụng đoạn tư liệu sau: “Tây Nguyên nằm ở vị trí giáp giới giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, địa thế hiểm trở, núi non trùng điệp tạo cho Tây Nguyên một vị trí địa lý quân sự rất quan trọng, được coi là “mái nhà” của miền Nam Đông Dương. Là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Khí hậu tuy khắc nghiệt nhưng đất đai phì nhiêu, người dân thuần phác quen với núi rừng, thích nghi với khí hậu vùng cao. Tất cả điều đó tạo cho Tây Nguyên một vị trí địa lý quân sự, chính trị, kinh tế quan trọng” [7, tr. 6-9]. 8. SỬ DỤNG KIẾN THỨC ĐỊA LÝ TRONG DẠY HỌC TẠI THỰC ĐỊA Là một dân tộc có nhiều ngàn năm lịch sử, quá khứ dựng nước và giữ nước vô cùng vẻ vang của các thế hệ cha ông chúng ta không chỉ được ghi trong những trang sử, được lưu truyền qua các truyền thuyết, chuyện kể dân gian mà còn để lại vô số dấu tích trên mảnh đất hình chữ S thân yêu. Đó chính là những di tích thực địa, di tích lịch sử cách mạng, nơi lưu giữ những bằng chứng của các sự kiện, hiện tượng lịch sử diễn ra trong quá khứ. Đây chính là những kho tàng quý báu trong việc giáo dục thê hệ trẻ nói chung và phục vụ cho việc dạy học lịch sử nói riêng. Những bài học tại thực địa với các nguồn sử liệu (địa hình, địa vật, hiện vật lịch sử )là chỗ dựa đáng tin cậy để học sinh khôi phục bức tranh quá khứ một cách cụ thể, sinh động và chính xác. Để tăng thêm hiệu quả trong dạy học thực địa thì việc sử dụng kiến thức địa lý bổ trợ là rất cần thiết. Ví dụ: Khi dạy về Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, với kiểu bài dạy học thực địa, giáo viên sẽ đưa học sinh đến tham quan học tập tại Đồi A1, Trung tâm Mường Thanh… Tại mỗi địa điểm kết hợp với bài giảng lịch sử là những kiến thức địa lý về mỗi địa điểm để học sinh có thêm nhận thức sâu sắc hơn về những nơi đã diễn ra các trân đánh, qua đó học sinh khắc sâu kiến thức và giúp học sinh lý giải được những sự kiện, hiện tượng lịch sử. Ví dụ: Khi dạy bài 20: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kết thúc (1953 – 1954), mục II.2: Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954) giáo viên cung cấp cho học sinh đoạn tư liệu sau: Đồi A1 nằm trong hệ thống cứ điểm trên dãy đồi phía Đông Mường Thanh. Đồi A1 cao hơn mặt đất 49m, dài 200m. A1 là điểm cao cuối cùng về phía Nam khu đông gần đường sang trung tâm. Nếu chiếm được A1 thì các cứ điểm C1, C2 BI bị uy hiếp mạnh, đồng thời ngăn chặn được quân Pháp cơ động từ trung tâm ra phản kích, tạo điều kiện triển khai tiếp cận làm bàn đạp phát triển vào trung tâm. Từ A1 theo hướng Đông ra ngoài chừng 2km có nhiều đồi cao thoai thoải liên tiếp xen lẫn rừng rậm thuận lợi cho quân đội Việt Nam tập kết tiến quân và triển khai, một số điểm có thể lợi dụng làm trận địa pháo bắn thẳng và đặt đài quan sát tốt. Có thể nói điểm cao A1 là một trong các điểm cao có tác dụng quan trọng nhất của dãy đồi phía Đông. Nó có tác dụng che sườn cho phân khu đông, đồng thời cùng các điểm cao khác tạo thành bức bình phong bảo vệ khu trung tâm.
  7. CÁC BIỆN PHÁP SỬ DỤNG KIẾN THỨC ĐỊA LÝ ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ DẠY HỌC… 179 Tóm lại, các hình thức sư phạm ở trên đều nhằm mục đích góp đổi mới việc dạy học lịch sử theo hướng phát huy tính tích cực của HS, nâng cao hiệu quả bài giảng lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945-1954. Các biện pháp trên có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, do đó trong quá trình dạy học tùy điều kiện cụ thể mà vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, góp phần hình thành tri thức lịch sử toàn diện cho học sinh. 9. KẾT LUẬN Trước yêu cầu thực tiễn của dạy và học lịch sử hiện nay, việc đổi mới phương pháp dạy học mới góp phần nâng cao hiệu quả trong dạy học là cần thiết, trong đó việc sử dụng kiến thức địa lý như là một biện pháp bổ trợ sẽ làm cho bài học lịch sử trở nên dể hiểu và sinh động hấp dẫn. Nếu sử dụng kiến thức địa lý kết hợp với các phương tiện dạy học khác và biết linh hoạt trong các khâu dạy học sẽ phát huy được tính tích cực, sáng tạo của các em, chất lượng giáo dục cũng sẽ được nâng cao. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (1994). Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, tập I, NXB Quân đội nhân dân, tr. 533. [2] Nhiều tác giả (2007). Chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947, NXB Quân đội nhân dân Hà Nội, tr 20. [3] Đặng Việt Thủy (Chủ biên) (2009). Hỏi đáp về một số di tích lịch sử và văn hóa nổi tiếng ở Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 271-272. [4] Nguyễn Sỹ Động (2007), Him Lam, Trận đánh mở màn chiến dịch Điên Biên Phủ, Tạp chí Lịch sử quân sự, 3, tr. 12. [5] Phan Ngọc Liên, Nguyễn Thị Côi, Trịnh Đình Tùng (2010). Phương pháp dạy học lịch sử - tập 1, NXB Đại học Sư phạm, tr. 149. [6] Phạm Hồng Tung – Nguyễn Thị Ngọc Mai (2006). Sử dụng bản đồ lịch sử trong những bài giảng liên quan đến lịch sử quân sự, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 11, Hà Nội, tr. 157-158. [7] Sác-đa-cốp M.N (1970). Tư duy học sinh, Tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr. 77. [8] Trần Văn Thức (2005). Âm mưu của thực dân Pháp đối với vùng Tây Nguyên trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai (1945-1954), Tạp chí lịch sử quân sự, 7, tr. 6-9. [9] Võ Nguyên Giáp (2010). Điện Biên Phủ, NXB Chính trị Quốc gia, tr. 206. NGUYỄN THỊ HỒNG LUYẾN NGUYỄN THỊ HỒNG THU VÕ THỊ THẮM SV lớp Sử 4A, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế ĐT: 0169 283 7703, Email: hongluyen14992@gmail.com
nguon tai.lieu . vn