Xem mẫu

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Science Sci., 2011, Vol. 56, No. 8, pp. 94-102 BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU MỘT SỐ LOẠI CÂY TRỒNG Ở TỈNH NAM ĐỊNH TỪ 1884 ĐẾN 1918 Dương Văn Khoa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội E-mail: kdduongvankhoa@gmail.com Tóm tắt. Từ năm 1884 đến năm 1918, chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp đã tác động mạnh mẽ tới tình hình sản xuất nông nghiệp của Nam Định. Cơ cấu cây trồng, biện pháp kĩ thuật, sản lượng, năng suất có sự chuyển biến; tính độc canh cây lúa dần bị phá vỡ, xuất hiện khuynh hướng chuyên canh cây công nghiệp. . . Tuy xuất hiện một số yếu tố mới, tích cực trong sản xuất nông nghiệp, nhưng xét cho cùng, những việc làm của chính quyền thực dân đều vì lợi ích của chúng. Đời sống của người nông dân Nam Định không được cải thiện, thêm vào đó thuế má nặng nề, bất công, vô lý làm cho người nông dân phá sản, nghèo đói, lầm than hơn trước. 1. Mở đầu Việt Nam là một quốc gia nằm trong vùng khi hậu nhiệt đới gió mùa có hệ thống sông ngòi dày đặc, độ ẩm cao, nên hệ thực vật rất đa dạng, phong phú. Lúa luôn là cây trồng chính, bên cạnh đó là ngô, khoai, sắn. Một số loại cây công nghiệp đã được trồng ở Việt Nam từ lâu đời như: dâu tằm, bông, thuốc lá. . . Công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp ở Việt Nam những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX đã du nhập một số cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, giá trị kinh tế cao vào nông nghiệp nước ta làm cho cơ cấu cây trồng trong cả nước nói chung, Nam Định nói riêng có sự thay đổi. Tìm hiểu về các loại cây trồng nhất là cây lúa ở Nam Định những năm 1884 – 1945 giúp chúng ta hiểu về sự chuyển biến, nguyên nhân, thực chất của sự chuyển biến trong nông nghiệp của Nam Định, đồng bằng Bắc Bộ và cả nước. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Chính sách khai thác nông nghiệp của thực dân Pháp Sau khi bình định xong Việt Nam về mặt quân sự, thực dân Pháp bắt tay vào khai thác thuộc địa, lĩnh vực được chú trọng là khai mỏ và nông nghiệp. Mục tiêu của thực dân Pháp là cướp đoạt, vơ vét hàng nông sản giá rẻ, nhất là lúa gạo xuất 94
  2. Bước đầu tìm hiểu một số loại cây trồng ở tỉnh Nam Định từ 1884 đến 1918 khẩu để kiếm lời. Để đạt được mục tiêu trên, tư bản thực dân Pháp đã phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải tạo, củng cố hệ thống thuỷ nông, kĩ thuật, giống cây trồng. Từ 1899 đến 1923, vốn đầu tư của thực dân Pháp được phân bổ như sau: Bảng 1. Vốn đầu tư của thực dân Pháp từ 1899 – 1923 [3] Công trình Giá trị danh nghĩa Tỷ lệ (%) (triệu đồng Đông Dương) Đường sắt 90 36,3 Thuỷ lợi nông nghiệp 38 15,3 Đường bộ 62 25 Nạo vét 13 5,2 Cảng 17 6,8 Các loại khác 28 11,4 Tổng cộng 248 100 Nhìn vào bảng phân bổ vốn, chúng ta thấy rõ lĩnh vực được đầu tư lớn là đường sắt, đường bộ, sau là thuỷ lợi nông nghiệp. . . để tạo tiền đề, điều kiện cho công cuộc khai thác thuộc địa nói chung và khai thác nông nghiệp nói riêng. Chủ trương, chính sách của thực dân Pháp tập trung cướp đoạt ruộng đất của nhân dân ta để lập đồn điền, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhằm kiếm lợi nhuận cao. Cùng với việc thực hiện mục đích kinh tế, đồn điền còn giúp chính quyền thực dân thực hiện ý đồ chính trị “đảm bảo sự yên ổn ở những vùng rối loạn”; “đưa các loại cây mới vào trồng để thu hút bớt dân cư ra khỏi đồng bằng đông đúc” [4;13]. Chính quyền thực dân ban hành các văn bản pháp lý để hợp pháp hoá cho sự cướp đoạt ruộng đất. Các cơ quan chuyên môn, cơ quan nghiên cứu nông nghiệp cũng được thành lập. Các vườn Bách thảo được xây dựng: năm 1864, vườn Bách Thảo Sài Gòn; năm 1898, vườn Bách Thảo Hà Nội. Một số các cơ quan chuyên trách, nghiên cứu nông nghiệp và cây lúa ra đời: Năm 1898, Sở Canh nông ở cả 3 kỳ (Bắc, Trung, Nam) có nhiệm vụ phổ biến kỹ thuật nông nghiệp, lựa chọn giống, lập trại thí nghiệm. Cũng năm này, Ban chỉ đạo canh nông và thương mại Đông Dương thành lập, cho xuất bản “Tập san Kinh tế Đông Dương”; cơ quan nghiên cứu địa chất Đông Dương (1898); Sở Thú y và chăn nuôi Đông Dương (1901), Trại cây trồng và thí nghiệm ở Nam Định (đầu thế kỉ XX). . . 2.2. Một số loại cây trồng chủ yếu ở tỉnh Nam Định từ 1884 đến 1918 2.2.1. Cây lúa Đối với người phương Đông, nhất là Việt Nam, lúa là cây trồng quan trọng tạo ra lương thực nuôi sống con người. Đồng thời, nó còn là cơ sở, động lực của mọi nguồn cảm hứng, sự sáng tạo trong đời tinh thần của cộng đồng cư dân Việt trong suốt chiều dài lịch sử. Chính vì thế, nền văn minh Văn Lang – Âu Lạc thường được gọi là Văn minh nông nghiệp lúa nước. Thời phong kiến, giống lúa trong cả nước 95
  3. Dương Văn Khoa rất phong phú, đa dạng. Chúng ta tìm thấy các giống lúa này ở Nam Định trong Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn, cụ thể như sau: Vụ chiêm (vụ tháng Năm) có các giống như Ré nước, Ré trụi, Chiêm dong, nếp Tre, nếp Ốc, nếp Cái, Cánh sẻ. . . Vụ mùa (vụ tháng Mười) phong phú hơn, có các giống như Him, Hon, Lốc, Dé, Hom vịt, Dé trắng, Dé tía, Dé đá, nếp Ấp bẹ, Tám cổ ngỗng, nếp Cái, nếp Giấy, nếp Qua, nếp Sầu đầu. . . [5;452]. Đó là những giống lúa truyền thống, ít có sự thay đổi tính tới thời điểm trước khi thực dân Pháp khai thác thuộc địa ở Việt Nam. Biết đây là vùng đất có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, khi bắt tay vào khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở nước ta, một mặt chính quyền thực dân vẫn duy trì các giống lúa cũ cho năng suất cao, mặt khác đưa vào trồng thử nghiệm một số giống mới. Tính tới thời gian trước khi Thế chiến I nổ ra, các giống lúa được cấy trong tỉnh là: Nếp trắng, Ông lão, Cánh sẻ, Sài đường, lúa Tép, Nếp diềng, Nếp hương, Nếp đầu râu, Nếp cái, lúa Hin, lúa Gi, lúa Xé, lúa Tám, lúa Rự [9;6]. Trong số đó, giống được trồng nhiều nhất là Sài đường, lúa Tép, lúa Hin, lúa Gi, lúa Xé. Loại ít trồng là lúa Ông lão, Nếp hương, Nếp đầu rầu, Nếp cái, lúa Tám, lúa Rự; các giống lúa trồng mới nhất là Sài đường, Him, Tép trắng, Dâu [7;5]. Diện tích đất ruộng trồng lúa bao giờ cũng chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác như: ngô, khoai, sắn, cây ăn quả, rau màu. . . Bảng 2. Diện tích gieo trồng một số loại cây trồng ở tỉnh Nam Định năm 1893 [13] STT Tên các loại cây trồng Diện tích trồng (ha) 1 Lúa 124000 2 Ngô 4000 3 Cây dâu 3200 4 Khoai, đậu, lạc. 11000 5 Mía 1800 6 Bông 1800 7 Cau 1500 8 Vải, cam 650 9 Cây trẩu 380 10 Chuối, dứa 450 11 Rau xanh 600 Tổng 149.380 Các số liệu ở bảng trên cho ta thấy, diện tích lúa chiếm tới 83% tổng diện tích gieo trồng, ngô chiếm 0,3%, kế tiếp là khoai, đậu, lạc... Chính quyền thực dân bước đầu cho áp dụng một số kĩ thuật sản xuất mới trong nông nghiệp, nhất là kĩ thuật sản xuất lúa. Một số cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm nông nghiệp được thành lập, hoạt động đời như: Trại cây trồng và thí nghiệm ở Nam Định (thành lập trên cơ sở ra đời của Sở Canh nông vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX). 96
  4. Bước đầu tìm hiểu một số loại cây trồng ở tỉnh Nam Định từ 1884 đến 1918 Về kỹ thuật canh tác, người nông dân trong tỉnh vẫn quen sử dụng kĩ thuật canh tác truyền thống với các công cụ thô sơ. Báo cáo của Công sứ Nam Định nêu rõ: “Trước hết cầy vỡ, rồi bừa nhỏ, lại cầy bừa lại cho kỹ, cứ mồng năm tết Annam thì dồng 4 gốc 4 cây mạ”, thậm chí người dân còn dùng phương pháp thủ công đục lỗ tra hạt “trồng lúa Lốc hay dồng bãi sông cứ mồng 4 tết An nam lấy que cắm 4 lỗ mỗi lỗ bỏ 3 hạt thóc”. Họ vẫn quen dùng nông lịch gồm 24 tiết trong năm của phương Bắc vào điều kiện Việt Nam, lấy bèo hoa dâu để bón ruộng [9;25]. Sự cải tiến kĩ thuật ít nhiều đã tạo ra năng suất cao hơn trước đây. Năm 1893, năng suất cả năm của nước ta chỉ đạt khoảng trên 8 tạ/ha [13]. Năm 1912, năng suất mỗi sào ở Nam Định đạt 55 kg [7;74], tức là năng suất mỗi vụ khoảng trên 14 tạ/ha (cả nước trung bình 12 tạ/ha). Tuy vậy, so với một số nước, năng suất lúa của Việt Nam thấp hơn khá nhiều “ở Thái Lan (ruộng đất tương tự giống ta) 18 tạ, Nhật Bản (ruộng đất xấu hơn) là 34 tạ, Tây Ban Nha là 58 tạ” [15;166]. Năng suất lúa tăng, diện tích gieo trồng được mở rộng do quá trình khai hoang lấn biển (Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, nhà Nguyễn tổ chức khai hoang tại Nam Định lập ra các đơn vị : tổng Ninh Nhất (này thuộc huyện Hải Hậu) và Hoành Thu (Giao Thủy), do Nguyễn Công Trứ tổ chức; tổng Quế Hải (Hải Hậu) do Doanh điền sứ Nguyễn Chính và Phó sứ Đỗ Tông Phát tổ chức; tổng Sĩ Lâm (Nghĩa Hưng) do Phạm Văn Nghị tổ chức...) dẫn đến tổng sản lượng gạo của tỉnh liên tục tăng. Năm 1893, tổng sản lượng đạt 55000 tấn gạo [13]. Năm 1918 đạt khoảng 179.310 tấn gạo [8]. Mặc dù tổng sản lượng lúa tăng, nhưng do thực dân Pháp ra sức vơ vét để xuất khẩu nhằm thu được lợi nhuận cao nhất, vì vậy người nông dân luôn luôn trong tình trạng túng thiếu. Theo J.Aumiphin, sản lượng lúa cả nước năm 1913 đạt 3.818.000 tấn, trong đó 1.286.804 tấn (chiếm gần 1/3 tổng sản lượng) được đem đi xuất khẩu [16;137]. Tại Nam Định, số lượng gạo thực dân Pháp xuất khẩu ra nước ngoài qua một số năm thể hiện cụ thể như sau: Bảng 3: Số lượng gạo xuất đi các nước từ Nam Định qua một số năm [13], [8], [6] Năm Sản lượng gạo xuất khẩu (tấn) 1890 155,084 1891 25.500 1892 42.239 1918 21.449 Qua bảng thống kê trên ta thấy, số lượng gạo xuất từ Nam Định qua các năm về cơ bản đều tăng (trừ năm 1918). Năm 1892 tăng gần gấp 2 lần so với năm trước. Năm 1918, Nam Định cũng như Việt Nam bị ảnh hưởng bởi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đồng thời thiên tai liên tiếp xảy ra trước đó (nạn vỡ đê, lụt lội hoành hành tại miền Bắc từ năm 1902, 1903, 1904, 1905, 1909, 1911, 1913, 1915, 1917. . . đặc biệt nghiêm trọng vào năm 1915). Các vụ vỡ đê, lụt lội đã đụng chạm tới 365.000 97
  5. Dương Văn Khoa ha, tức là một phần tư châu thổ, nó gây ra những thiệt hại nhẹ ở các vùng Việt Trì, Sơn Tây, Phúc Yên, Bắc Ninh, Hưng Yên, phía Nam sông Nam Định và các vùng đất trũng của Chương Mỹ và Mỹ Đức (Hà Đông) [9;79]). Tuy gặp nhiều thiên tai, lũ lụt, mất mùa, nhưng thực dân Pháp vẫn tiếp tục vơ vét lúa gạo của nông dân Nam Định để xuất khẩu. Qua các bản tấu trình của các tri huyện gửi Công sứ tỉnh chúng tôi thấy, nhiều huyện không có gạo dư thừa để cho chính quyền thu mua như huyện Trực Ninh và Mỹ Lộc, huyện Phong Doanh dự kiến dư được khoảng 30 tạ sau thu hoạch [8]. Việc vơ vét lúa gạo xuất khẩu của chính quyền thực dân đã phơi bày rõ bản chất tham lam, độc ác của chúng, đồng thời chúng ta thấy được sự thiếu thốn, khó khăn thường xuyên về lương thực của người nông dân Nam Định. 2.2.2. Cây ngô Đây là loại cây lương thực quan trọng đứng sau lúa. Thời kỳ này, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có trồng. Diện tích trồng ngô không đồng đều giữa các huyện. Tổng hợp trong các báo cáo của các tri huyện, ta thấy sự phân bổ diện tích trồng trong tỉnh như sau : Bảng 4. Diện tích trồng ngô ở tỉnh Nam Định qua một số năm [10], [11], [12] Diện tích trồng (mẫu) TT Tên huyện Năm 1906 1908 1909 1910 1 Nam Trực 553 500 358 358 2 Đại An 750 800 650 450 3 Mỹ Lộc 184 110 110 4 Vụ Bản 100 98 89 89 5 Giao Thủy 88 86 40 6 Ý Yên 65 65 69 69 7 Trực Ninh 61 60 70 80 8 Phong Doanh 4 - 30 30 9 Hải Hậu - - - - Qua bảng thống kê chúng ta thấy, huyện Hải Hậu không có diện tích nào trồng ngô, khi gửi báo cáo lên tỉnh, tri huyện đã nói rõ tình hình: “hạt tôi ở mé bể, người ta cấy lúa cả không trồng ngô” [10;23]. Các huyện ven biển khác như: Đại An và Giao Thủy lại có diện tích trồng ngô khá lớn, có huyện ở xa biển diện tích trồng ngô lại rất ít, như Phong Doanh chỉ có 4 mẫu. Điều này chứng tỏ, việc trồng ngô ít hay nhiều không phải do đặc điểm địa hình chi phối, mà do không có kế hoạch thống nhất trong cả tỉnh. Ngô trồng mỗi năm một vụ, thường từ tháng chạp năm trước đến tháng 4, tháng 5 năm sau thì thu hoạch. Nếu thuận lợi, mỗi sào được 1 tạ hạt, thường hay gặp mưa gió lớn, nắng hạn, sâu bệnh nên mỗi sào thường được 40 đến 50 kg [10;9]. Hiếm khi người dân đợi đến lúc ngô chín già để thu hoạch, vì cứ đến thời kỳ giáp hạt (tháng 3 tháng 4) là người dân hết thóc gạo, lúa ngoài đồng chưa được thu hoạch, vì vậy họ đành phá ngô non để chống đói, đến lúc ngô chín chỉ còn hai phần 98
  6. Bước đầu tìm hiểu một số loại cây trồng ở tỉnh Nam Định từ 1884 đến 1918 ba. Sang năm 1908, 1909, 1910 diện tích ngô lên xuống thất thường, về cơ bản là giảm sút, có huyện giảm rất mạnh như: Nam Trực từ 500 mẫu năm 1908, năm sau giảm xuống 358 mẫu; Đại An, từ 800 mẫu năm 1908, năm sau còn 650 mẫu, năm 1910 tiếp tục giảm còn 450 mẫu (xem thêm Bảng 2). Nguyên nhân của sự giảm sút trên là do nạn vỡ đê, lụt lội, úng hạn liên tiếp xảy ra. Hơn nữa, thời gian thu hoạch tương đối dài, năng suất thấp, sâu bệnh tàn phá, có thể chưa được giá trong thời gian này, không có nhiều lợi ích cho chính quyền thực dân và người nông dân. Bên cạnh cây ngô, khoai sắn, đậu, đỗ và một số cây lương thực khác, cây ăn quả cũng được trồng, nhưng hết sức manh mún, nhỏ lẻ (xem thêm bảng 2). 2.2.3. Một số cây công nghiệp Khi khai thác thuộc địa ở Việt Nam, thực dân Pháp bắt đầu quan tâm đến một số cây công nghiệp nhằm đáp ứng về nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến ở Pháp, Việt Nam và thế giới. Các loại cây công nghiệp được trồng nhiều ở Nam Định vào những năm đầu thế kỉ XX là bông, thầu dầu, dâu. . . Nghề trồng dâu, nuôi tằm, kéo sợi, dệt vải là nghề truyền thống của người dân Nam Định, đặc biệt là xã Quần Anh (Hải Hậu). Đây là mảnh đất có nghề dệt lụa nổi tiếng, người xưa đã nhận xét: “những người phụ nữ Quần Phương (Hải Hậu) chỉ thạo chăn tằm dệt lụa” [5;409]. Bên cạnh cây dâu, cây bông cũng đã được nhân dân ở đây trồng trước khi Pháp xâm nhập. Thư tịch cổ có ghi chép: người Nam Định “trồng nó khắp ngoài đồng ngoài ruộng” [2;371]. Tuy nhiên, quy mô trồng còn nhỏ hẹp, phân tán. Biết đây là vùng đất có thế mạnh về sản xuất tơ tằm, thực dân Pháp bắt tay vào nghiên cứu, khai thác, lập các trại ươm tơ, xây dựng các công ty, nhà máy tơ, dệt (lò nghiên cứu sản xuất tơ năm 1894; nhà máy tơ năm 1898. . . ) Từ năm 1908 đến năm 1923, thực dân Pháp đầu tư 702.000 phrăng để phát triển ngành tơ tằm, nghề trồng dâu và bông của cả nước nói chung, Nam Định nói riêng có sự thay đổi lớn. Từ chỗ tập trung chủ yếu ở Quần Anh (Hải Hậu), nghề trồng dâu đã phát triển ở hầu khắp các xã huyện trong tỉnh. Ngay từ năm 1904, sau một số năm thí điểm trồng cây dâu ở Nam Định, ở huyện Giao Thủy đã có 35 xã thôn trồng dâu với 234 người tham gia, thôn có số người tham gia đông nhất là Thọ Vực (50 người) thuộc xã Trà Lũ. Huyện Trực Ninh có 25 xã thôn và 154 người tham gia. Huyện Hải Hậu có 41 xã thôn và 53 người tham gia [14;2-5]. Không chỉ thí điểm trồng giống dâu mới, người Pháp còn đưa cả giống tằm mới vào nuôi tại Nam Định. Cục công ty ươm tơ Bắc Kỳ cấp không lấy tiền 50 lạng trứng cho người Pháp và người An Nam trong một huyện ở Nam Định nuôi [14;136]. Mặc dù được khuyến khích, nhưng người dân lại không thiết tha với giống mới này. Tổng hợp các báo cáo của các tri huyện gửi lên tổng đốc Nam Định, hầu hết các huyện không có ai làm đơn xin nuôi, chỉ có Xuân Trang xin nuôi 24 nong; Lý trưởng Nguyễn Văn Nghị ở Hải Hậu xin nuôi 3 nong; Mỹ Lộc 6 nong [14;153,159]. Việc người dân chưa mặn mà với giống tằm mới này là do họ đã quen với việc nuôi giống cũ. Đồng thời, họ lại không am hiểu kĩ thuật nuôi giống tằm mới, tính rủi ro lại cao 99
  7. Dương Văn Khoa “Từ khi lĩnh trứng tằm về nuôi, thì bị gió lạnh, khó có thể mà chăn nuôi được” – Báo cáo của tri huyện Mỹ Lộc [14;tr.169]. Về cây bông, chính quyền thực dân đã để ý tới, nhưng thời kỳ này, công ty dệt xuất khẩu chưa xây dựng, việc trồng bông mới ở bước thí điểm, khuyến khích, chưa bắt buộc. Báo cáo của tri huyện Hải Hậu với quan trên cho ta thấy rõ tình hình này “tôi xét trong hạt tôi gần bể nước mặn không trồng được bông” [10;13]. Xét thấy, cũng như cây ngô, Hải Hậu không phải là huyện duy nhất gần biển, Nghĩa Hưng và Giao Thủy đều gần biển, nhưng Nghĩa Hưng lại trồng nhiều bông. Vụ Bản cũng là huyện trồng nhiều bông, năm 1901 có 19 xã trồng, tổng sản lượng đạt 250 tạ; Nghĩa Hưng hầu hết các xã đều trồng, tổng sản lượng đạt 300 tạ. Thấy được nhu cầu từ thị trường địa phương và nước ngoài và lợi thế của Nam Định đối với một số loại công nghiệp, rau màu, người Pháp đã nhanh chóng hình thành các vùng chuyên canh như: đồn điền của Gobert (trên diện tích 20 ha) tập trung trồng cau và rau xanh. Kết quả bước đầu khá tốt, năm 1893 trồng được 30.000 cây cau, thu hoạch 9000 kg khoai tây, 800 kg hành; cau và café cũng được dự kiến trồng tại điền điền của ông Daurelle (diện tích 13 ha); đồn điền của Bourgouin Meiffre đầu tư trồng dâu để cung cấp cho các xưởng kéo tơ mà ông lập ra ở Nam Định [13;51]. Mô hình của Bourgouin Meiffre lần đầu xuất hiện ở Nam Định và hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam lúc bấy giờ. Sự khép kín từ khâu nguyên liệu đến sản phẩm đầu ra, tránh cho chủ các công ty, xí nghiệp nhiều chi phí trung gian. Đồng thời đảm bảo cho sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ ổn định trong thời gian dài hạn. Nam Định có nhiều đất đai thuận lợi cho nghề trồng lúa, nhưng trong những đồn điền đầu tiên lập ở Nam Định, không thấy chủ đồn điền đầu tư trồng lúa. Trong khi đó, rất nhiều đồn điền của các tỉnh khác tại miền Bắc (Hưng Yên, Hà Nội, Hưng Hoá, Bắc Ninh, Phúc Yên, Bắc Giang, Thái Nguyên. . . ) lại tập trung trồng lúa. Cụ thể, ở Bắc Giang các đồn điền trồng lúa chiếm diện tích khá lớn như: đồn điền của Thomé, tổng cộng 3.500 ha; đồn điền của Schneider hơn 14.000 ha; của Chesnay và De Boisadam 17.000 ha. Ở Phúc Yên, gần như tất cả đồn điền đều trồng lúa [4;311,312]. Nguyên nhân nào dẫn tới sự khác biệt nêu trên? Rất có thể, thời gian này hệ thống đê ở miền Bắc liên tục vỡ (trong đó có Nam Định), nếu thiết lập đồn điền tại các vùng trũng để trồng lúa dễ mất trắng. Vì vậy, người Pháp xây dựng đồn điền ở các huyện có đất cao, gần thành phố để trồng rau màu và cây công nghiệp. Tại các địa phương như Bắc Giang, Phúc Yên, hệ thống thuỷ lợi sớm được xây dựng như: hệ thống Kép (1902), hệ thống Sông Cầu (1906). Tại Nam Định, năm 1939, các dự án thuỷ nông Nam Định Bắc, Nam Định Đông, Ngô Đồng mới được Toàn quyền Đông Dương phê duyệt thiết kế sơ bộ. Những khu thuỷ nông này tính đến 1945 vẫn còn dở dang, chưa hoàn thành. Ngoài dâu, bông ra, ở Nam Định còn trồng các thứ cây công nghiêp khác, như thầu dầu, chè, thuốc lá. . . Tuy nhiên, ngoài lúa, ngô ra, cây bông, dâu cũng là những cây trồng quan trọng của tỉnh Nam Định, các cây trồng còn lại chỉ đóng vai trò thứ yếu. 100
  8. Bước đầu tìm hiểu một số loại cây trồng ở tỉnh Nam Định từ 1884 đến 1918 Như vậy, chính quyền thực dân cũng có quan tâm đến việc nghiên cứu, áp dụng kĩ thuật mới trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Nhưng, những biện pháp kĩ thuật ấy hướng tới phục vụ ai? Theo một số nhà nghiên cứu, hoạt động nghiên cứu khoa học và kỹ thuật của chính quyền thực dân không phải để phục vụ cho người nông dân Việt Nam. Nguyễn Kiến Giang trong tác phẩm Phác qua tình hình ruộng đất và đời sống nông dân trước Cách mạng tháng Tám cho là “phục vụ cho những cơ sở sản xuất của thực dân và địa chủ lớn” [1;32]. Nhận định trên không sai, nhưng chưa hoàn toàn khách quan. Nhìn từ những việc làm của chính quyền thực dân ở Nam Định, đơn cử như việc đưa giống tằm mới về nuôi ở tỉnh, chính quyền ở Nam Định đã cấp không lấy tiền cho người dân nuôi, ít nhiều cũng hướng tới và khuyến khích đối tượng nông dân sản xuất. Nhưng việc làm đó chủ yếu chỉ vì lợi ích lâu dài của thực dân Pháp nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ cho công nghiệp tơ, dệt tại Nam Định cũng như công cuộc khai thác thuộc địa tại Việt Nam. 3. Kết luận Từ năm 1884 đến năm 1918, cũng giống như các tỉnh khác ở đồng bằng Bắc Bộ, nhìn thực trạng nông nghiệp Nam Định, việc trồng cây lúa, cây lương thực và cây công nghiệp có những chuyển biến mới. Các loại cây trồng đa dạng, phong phú hơn trước, có khuynh hướng chuyên canh, các đồn điền xuất hiện; sản xuất hàng hóa bước đầu ra đời ở nông thôn; kĩ thuật canh tác có được cải tiến, các cơ quan nghiên cứu, chỉ đạo nông nghiệp được thành lập, dẫn đến năng suất cây trồng, nhất là lúa tăng lên rõ rệt. Nhưng xét cho cùng, chính quyền thực dân phát triển cây lúa, lương thực thực phẩm, cây công nghiệp để xuất khẩu làm giàu cho chúng. Điều đó càng làm cho nông nghiệp Nam Định nghèo nàn, lạc hậu, kiệt quệ, phục vụ cho kinh tế Pháp. Đời sống của nhân dân, nhất là nông dân Nam Định không được cải thiện, thêm vào đó thuế má nặng nề, bất công, vô lý làm cho người nông dân phá sản, nghèo đói, lầm than hơn trước. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Kiến Giang, 1959. Phác qua tình hình ruộng đất và đời sống nông dân trước cách mạng Tháng Tám. Nxb Sự thật, Hà Nội. [2] Trần Nguyệt Phường, 1994. Nam bang thảo mộc trong Nghề nông cổ truyền Việt Nam qua thư tịch Hán Nôm. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [3] Trần Vũ Tài, 2007. Những chuyển biến kinh tế nông nghiệp Bắc Trung Kỳ từ 1884 đến 1945. Luận án tiến sĩ Lịch sử, Hà Nội. [4] Tạ Thị Thuý, 1996. Đồn điền người Pháp ở Bắc Kỳ (1884 – 1914). Nxb Thế giới, Hà Nội. [5] Tỉnh ủy, HĐND, NBND tỉnh Nam Định, 2003. Địa chí Nam Định. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [6] Residence de Nam Dinh, 3137. Exportation des produits de province de Nam Dinh du 1er Janvier au 31 Mai 1890. 101
  9. Dương Văn Khoa [7] Residence de Nam Dinh, 3379-01. Organisation et exploitation de la concession au Ap de Xuan Thuy, huyen de Hai Hau (Nam Dinh). par Vu Ngoc Hoanh, professeur de l’Ecole des madarins de Hanoi. [8] Residence de Nam Dinh, 3418. A.s exportation des produits céréables de la province de Nam Dinh en France. [9] Residence de Nam Dinh, 3434. Rapports sur les variétés de riz cultivées dans la province de Nam Dinh. [10] Residence de Nam Dinh, 3479. Rapports sur la culture du mais de la province de Nam Dinh de 1906. [11] Residence de Nam Dinh, 3481. Renseignements sur la culture du mais dans les phu et huyen de Nam Truc, Nghia Hung, Phong Doanh, Truc Ninh, Vu Ban, Xuan Truong, Y Yen de la province de Nam Dinh en 1908. [12] Residence de Nam Dinh, 3482. Renseignements sur la culture du mais dans le phu de Nghia Hung de la province de Nam Dinh en 1909. [13] RST, 72869. Statisitques agricoles des provinces du Tonkin sur les productions agricoles et les ressources du Tonkin. [14] Residence de Nam Dinh, 3494. Développement de la culture du murier et de l’industrie séricicole dans la province de Nam Dinh. [15] Jean Chesneaux, 1956. Contribution à l’histoire de la nation Vietnamiene. Edi- tions sociales, Paris. [16] J.Aumiphin, 1994. Sự hiện diện tài chính và kinh tế của Pháp ở Đông Dương (1859-1939). Nxb Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hà Nội. ABSTRACT Initial Study of various crops in Nam Dinh province from 1884 to 1918 From 1884 to 1918, the programme of colonization of the first French colonists had a strong impact on the agricultural situation of Nam Dinh. Plant structure and measures of technical, production, and productivity changed; the rice monoculture gradually broke down with the tendency of intensive industrial plants. . . The appearance of new factors, active in agricultural production, but after all, the work of the colonial government was for the benefit of us all. The life of Nam Dinh farmers has not improved, in addition to heavy taxation, unjust, and unreasonable demands bankrupted farmers. There was more poverty and misery than before. 102
nguon tai.lieu . vn