Xem mẫu

  1. HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1075.2022-0011 Educational Sciences, 2022, Volume 67, Issue 1, pp. 110-119 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn BỒI DƯỠNG KĨ NĂNG THIẾT KẾ KẾ HOẠCH BÀI DẠY CHO SINH VIÊN SƯ PHẠM NGÀNH GIÁO DỤC CÔNG DÂN NHẰM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA CHƯƠNG TRÌNH PHỔ THÔNG 2018 Lưu Thị Thu Hà Khoa Lí luận chính trị - Giáo dục công dân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Bài báo trình bày về sự cần thiết của việc bồi dưỡng kĩ năng thiết kế kế hoạch bài dạy cho sinh viên sư phạm ngành Giáo dục công dân nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, tập trung làm rõ quy trình bồi dưỡng kĩ năng thiết kế kế hoạch bài dạy trong đó phân tích cụ thể cách thức thực hiện các kĩ năng bộ phận trong nhóm kĩ năng thiết kế kế hoạch bài dạy cần rèn luyện cho sinh viên sư phạm, từ đó đưa ra kế hoạch bài dạy minh họa được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Từ khóa: kĩ năng dạy học, kế hoạch bài dạy, mục tiêu bài học, Giáo dục công dân, phương pháp. 1. Mở đầu Dạy học là quá trình điều khiển hoạt động học tập của học sinh nhằm thực hiện các mục tiêu dạy học đã đề ra. Xuất phát từ mục tiêu kết hợp với nội dung của chủ đề/bài học, giáo viên cần biết cách thiết kế và tổ chức các hoạt động dạy học bằng các phương pháp và kĩ thuật dạy học hiệu quả, đồng thời dự kiến được phương pháp và công cụ kiểm tra đánh giá tương ứng. Các hoạt động này đều cần thể hiện cụ thể ở kế hoạch bài dạy hay còn gọi là giáo án lên lớp của giáo viên. Trong báo cáo Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách đào tạo ở các trường sư phạm hiện nay [1] đã chỉ ra: thiếu hụt kĩ năng sư phạm thể hiện rõ nét ở kĩ năng soạn giáo án, phân bổ thời gian dạy học, giao tiếp sư phạm, xử lí tình huống, xây dựng mối quan hệ với học sinh, lập kế hoạch dạy học, giao tiếp sư phạm… từ đó cho thấy tầm quan trọng của việc hình thành trang bị cho sinh viên sư phạm kĩ năng thiết kế kế hoạch bài dạy. Đề cập đến việc thiết kế kế hoạch bài dạy, ThS. Phạm Thị Minh Lương trong bài viết Dạy học vi mô góp phần nâng cao kĩ năng soạn giảng cho sinh viên [3] đăng trên Tạp chí Giáo dục, đưa ra hai giai đoạn rèn kĩ năng soạn giảng cơ bản cho sinh viên đó là: thiết kế kế hoạch bài dạy và tập giảng, tuy nhiên, trong bài viết này, tác giả không đi sâu vào việc làm rõ cách thức thiết kế cụ thể mà xem xét việc thiết kế kế hoạch bài dạy là một khâu, một bộ phận trong quy trình rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên. ThS. Đỗ Hoàng Mai trong bài viết Hướng dẫn sinh viên sư phạm tiểu học chuẩn bị bài dạy môn Toán ở tiểu học [4] đăng trên Tạp chí Giáo dục đã đưa ra khái niệm, xác định quy trình và những việc làm cụ thể để xây dựng kế hoạch bài dạy, đồng thời đưa ra một ví dụ cụ thể về chuẩn bị bài dạy trong dạy học môn Toán học ở tiểu học. Trong bài viết này, tác giả chưa tiếp cận việc thiết kế kế hoạch bài dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Ngày nhận bài: 21/11/2021. Ngày sửa bài: 29/12/2021. Ngày nhận đăng: 10/1/2022. Tác giả liên hệ: Lưu Thị Thu Hà. Địa chỉ e-mail: thuha_gdct@hnue.edu.vn/ hahuongthao90@gmail.com 110
  2. Bồi dưỡng kĩ năng thiết kế kế hoạch bài dạy cho sinh viên sư phạm… Việc thiết kế kế hoạch bài dạy theo định hướng phát triển năng lực người học được nhóm tác giả Kiều Phương Hảo, Đặng Thị Oanh đề cập đến trong bài báo với tựa đề Hình thành kĩ năng thiết kế kế hoạch bài học cho sinh viên sư phạm Hóa học ở trường Đại học Sư phạm [2] đăng trên Tạp chí Khoa học trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong đó, nhóm tác giả đề cập đến một số các kĩ năng bộ phận trong kĩ năng thiết kế kế hoạch bài dạy như kĩ năng xác định mục tiêu bài học, kĩ năng xác định cấu trúc nội dung dạy học, kĩ năng lựa chọn và phối hợp các phương pháp dạy học, kĩ năng xác định phương tiện dạy học. Ngoài ra, nhóm tác giả cũng đưa ra quy trình thiết kế và cấu trúc kế hoạch bài học trong môn Khoa học tự nhiên - môn Hóa học. Tuy nhiên, trong kế hoạch bài dạy mà nhóm tác giả xây dựng, mục tiêu được mô tả về kiến thức, kĩ năng, thái độ và chưa làm rõ được những biểu hiện của năng lực đặc thù trong môn học. Đề cập trực tiếp đến việc thiết kế kế hoạch bài dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học môn Giáo dục công dân, trong Tài liệu hướng dẫn bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán mô đun 4 Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh trung học cơ sở môn Giáo dục công dân [8], nhóm tác giả đã phân tích cách thức thiết kế kế hoạch bài dạy môn Giáo dục công dân dựa trên kế hoạch dạy học môn học. Tuy nhiên, đối tượng mà tài liệu hướng tới là giáo viên cốt cán, vốn là những người đã có nhiều kinh nghiệm trong việc dạy học môn học ở trường phổ thông. Nhìn chung, các nghiên cứu trên đã đề cập đến tính cần thiết của việc thiết kế kế hoạch bài dạy, các kĩ năng bộ phận cấu thành kĩ năng thiết kế kế hoạch bài dạy. Tuy nhiên, các công trình trên chưa đề cập đến việc xem xét kĩ năng thiết kế kế hoạch bài dạy với tư cách là một yêu cầu cấp thiết với đối tượng là sinh viên sư phạm nhằm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và cụ thể hóa quy trình bồi kĩ năng thiết kế kế hoạch bài dạy với một môn học cụ thể theo chương trình phổ thông 2018 hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực người học. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Quan niệm và vai trò của việc bồi dưỡng kĩ năng thiết kế kế hoạch bài dạy với sinh viên sư phạm ngành Giáo dục công dân Kế hoạch bài dạy (hay còn gọi là giáo án) là kịch bản lên lớp của giáo viên với đối tượng học sinh và nội dung cụ thể trong một không gian và thời gian nhất định; là một bản mô tả chi tiết mục tiêu, thiết bị và học liệu, tiến trình tổ chức hoạt động dạy học của một bài học nhằm giúp người học đáp ứng yêu cầu cần đạt về năng lực, phẩm chất tương ứng trong chương trình môn học [8, tr59]. Kế hoạch bài dạy được giáo viên xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị lên lớp và quyết định rất lớn đến sự thành công của bài học. Nói một cách khác, kế hoạch bài dạy là bản thiết kế cho tiến trình dạy học một bài học cụ thể, là bản kế hoạch mà người giáo viên dự định sẽ thực hiện giảng dạy trên lớp đối với nhóm đối tượng học sinh nào đó. Với một chủ đề/bài học cụ thể, với những đối tượng học sinh khác nhau, và với những giáo viên khác nhau thì sẽ có những bản kế hoạch dạy học khác nhau. Vì thế, kế hoạch bài dạy là sản phẩm cá nhân, điều này không chỉ thể hiện trong ý tưởng dạy học, mà còn cả trong cách trình bày kế hoạch của họ. Vì thế, không có một kế hoạch bài dạy duy nhất, cũng như không có một khuôn mẫu duy nhất trong cách trình bày. Kĩ năng thiết kế kế hoạch bài dạy là khả năng vận dụng những kiến thức, hiểu biết về vai trò, quy trình thiết kế kế hoạch bài dạy để tạo ra bản thiết kế tiến trình dạy học các chủ đề bài học cụ thể trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Kĩ năng thiết kế kế hoạch bài dạy gồm nhiều kĩ năng bộ phận, có mối quan hệ mật thiết với nhau, gồm các kĩ năng sau: kĩ năng xác định mục tiêu bài dạy; kĩ năng xác định cấu trúc nội dung dạy học, kĩ năng lựa chọn và sử dụng phối hợp các phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học; kĩ 111
  3. Lưu Thị Thu Hà năng xác định phương tiện dạy học và hình thức tổ chức dạy học (cá nhân, nhóm...) [2, tr 60]. Bồi dưỡng kĩ năng thiết kế kế hoạch bài dạy cho sinh viên sư phạm chính là việc cập nhật, bổ sung nhằm nâng cao khả năng thiết kế kế hoạch bài dạy theo một quy trình hoàn chỉnh cho sinh viên sư phạm. Thực tế cho thấy, sinh viên sư phạm đã được hình thành, phát triển các kiến thức nền tảng, cơ sở liên quan đến kế hoạch bài dạy thông qua các học phần như Lí luận dạy học; Lí luận và phương pháp dạy học môn học cụ thể; Kiểm tra, đánh giá trong giáo dục và dạy học; Nghiệp vụ sư phạm hoặc thông qua các buổi tập huấn, quá trình tự tìm hiểu, nghiên cứu các kế hoạch bài dạy. Tuy nhiên, để có được kĩ năng thiết kế kế hoạch bài dạy theo một hệ thống quy trình hoàn chỉnh có định hướng rõ ràng về mặt hình thức, nội dung thì cần được bồi dưỡng, nâng cao thêm. Quá trình bồi dưỡng này khác với việc hình thành và phát triển bởi việc bồi dưỡng cần dựa trên những hiểu biết, tri thức đã có của sinh viên sư phạm về đặc điểm môn học, các hoạt động học, phương pháp dạy học, hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá. Bồi dưỡng kĩ năng thiết kế kế hoạch bài dạy có vai trò rất quan trọng và cần thiết với sinh viên sư phạm ngành Giáo dục công dân Việc chuẩn bị kế hoạch bài dạy tốt giúp sinh viên thiết lập được môi trường dạy học phù hợp. Trong một kế hoạch bài dạy, mục tiêu dạy học là cố định và các phương pháp, kĩ thuật dạy học và các phương tiện hỗ trợ…được dự kiến trước. Điều này cũng có nghĩa là giáo viên đang tạo dựng một môi trường dạy học giả định trên cơ sở đã nắm bắt tình hình thực tiễn của lớp học (đặc điểm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đặc điểm học sinh). Điều này góp phần đảm bảo nhiệm vụ giảng dạy sau đó sẽ diễn ra theo cách đã được lên kế hoạch trước từ đó cũng đảm bảo cho các mục tiêu dạy học và giáo dục đã đề ra được thực hiện có hiệu quả. Với sinh viên thì điều này là cần thiết bởi sinh viên vốn là những người chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc giảng dạy như các giáo viên đã dạy học thực tế ở trường phổ thông nhiều năm. Điều này dẫn tới việc chưa thể làm chủ và điều tiết linh hoạt các hoạt động trong tiết học nếu không có quá trình chuẩn bị trước. Việc thiết kế kế hoạch bài dạy giúp định hướng tâm lí giảng dạy của giáo viên trong giờ học. Bên cạnh việc sử dụng các phương pháp, kĩ thuật và phương tiện giảng dạy phù hợp, các yếu tố liên quan đến học sinh như sở thích, năng khiếu, nhu cầu, năng lực của học sinh… khi dạy học cũng được giáo viên xem xét và cân nhắc. Chính điều này cũng khiến việc dạy học trên thực tế trở nên sinh động và tâm lí hơn. Với một kế hoạch được chuẩn bị trước, giáo viên cũng sẽ hình dung rõ ràng về sự liên hệ giữa nội dung bài học và đối tượng học sinh của mình, từ đó tạo cho họ sự tự tin. Khi một giáo viên cảm thấy tự tin thì họ sẽ tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh với sự nhiệt tình, chủ động và niềm vui thực sự. Với sinh viên sư phạm, ấn tượng về những giờ lên lớp đầu tiên trong kì thực tập với sự tự tin và hứng khởi cũng sẽ truyền cảm hứng nghề nghiệp rất tốt cho các em trong quá trình thực tế giảng dạy sau này. Việc thiết kế kế hoạch bài dạy góp phần sử dụng hiệu quả kiến thức đã có. Trong việc chuẩn bị kế hoạch bài dạy, giáo viên phát triển các kiến thức mới trên cơ sở kiến thức trước đây của học sinh. Điều này cho phép học sinh thuận lợi trong việc đạt được kiến thức, kĩ năng mới, từ đó phát triển được năng lực. Kế hoạch bài dạy cũng giúp giáo viên tạo lập sự kết nối hợp lí giữa kế hoạch bài dạy này với các kế hoạch bài dạy khác về nội dung, phương pháp và hình thức đánh giá nhằm tạo sự kết nối để đạt mục đích khóa học, năm học. Việc thiết kế kế hoạch bài dạy giúp giáo viên sử dụng, kiểm soát hiệu quả thời gian lên lớp. Kế hoạch bài dạy được chuẩn bị sẽ giúp giáo viên cân đối thời gian cho các hoạt động, hướng đến nâng cao hiệu quả giảng dạy. Bằng cách chuẩn bị kế hoạch bài dạy, giáo viên sẽ nhận thức được điều gì, khi nào và mức độ sẽ được thực hiện trong lớp học. Nhờ đó, các hoạt động dạy học tiến triển một cách liên tục, hạn chế thời gian lãng phí, đưa tất cả các học sinh vào các nhiệm vụ học tập một cách phù hợp. 112
  4. Bồi dưỡng kĩ năng thiết kế kế hoạch bài dạy cho sinh viên sư phạm… Việc thiết kế kế hoạch bài dạy giúp phát triển kĩ năng dạy học của giáo viên, sinh viên sư phạm nói chung, trong đó có sinh viên ngành Giáo dục công dân. Kế hoạch bài dạy đóng vai trò là phương tiện quan trọng để phát triển kĩ năng dạy học của giáo viên. Trong kế hoạch của mình, giáo viên cần các kĩ năng cơ bản như xác định mục tiêu, thiết kế các hoạt động học tập, sử dụng phương tiện dạy học… từ đó xác định cách thức hoạt động, tương tác trên lớp học một cách hiệu quả. Thông qua việc chuẩn bị cho cách thức tương tác và hoạt động một cách kĩ lưỡng, qua nhiều bài học khác nhau, giáo viên sẽ ngày càng phát triển và thành thạo các kĩ năng dạy học của họ. Với sinh viên sư phạm, đó chính là cách thức để tích lũy kinh nghiệm, kĩ năng rèn nghề cho tương lai. Không những thế, việc thiết kế kế hoạch bài dạy thể hiện tính chủ động, năng động, sáng tạo của giáo viên, đồng thời cũng thể hiện tính mở trong quan điểm xây dựng chương trình. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ quy định về mục tiêu, các chủ đề bài học, yêu cầu cần đạt, tổng thời lượng của môn học và hoạt động giáo dục chứ không quy định cụ thể về số tiết của các bài học, nội dung, cách thức sắp xếp các mạch nội dung. Chính bởi vậy, điều này tạo không gian cho những người làm sách giáo khoa, các nhà trường, tổ chuyên môn và giáo viên trong việc lên kế hoạch dạy học và thực hiện kế hoạch dạy học đó. Từ đó, giáo viên cũng có không gian và tâm thế thoải mái hơn để thể hiện tính chủ động và sáng tạo khi thiết kế kế hoạch bài dạy thay vì bị bó hẹp bởi một phân phối chương trình hoặc một bộ sách giáo khoa cố định. Giáo viên có thể sử dụng nhiều ngữ liệu đa dạng (từ các bộ sách giáo khoa khác nhau, từ thực tế đời sống) phù hợp với mục tiêu, nội dung dạy học để tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh. Đối với môn Giáo dục công dân, môn học đóng vai trò trực tiếp trong việc hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu cho người công dân bao gồm: Yêu nước, Nhân ái, Chăm chỉ, Trung thực và Trách nhiệm, việc dạy học không đơn thuần là giảng dạy các nội dung kiến thức, kĩ năng mà còn phải tác động trực tiếp được vào thái độ, tình cảm, hành vi đạo đức của học sinh. Không những thế, với đặc điểm nội dung kiến thức khái quát, đa dạng bao gồm bốn mạch chính: Giáo dục đạo đức, Giáo dục kĩ năng sống, Giáo dục kinh tế, Giáo dục pháp luật, cũng đòi hỏi giáo viên có kiến thức chuyên môn vững chắc và các kinh nghiệm, kiến thức xã hội, các môn khoa học liên ngành rộng rãi. Chính bởi vậy, việc chuẩn bị kế hoạch bài dạy giúp sinh viên sư phạm ngành Giáo dục công dân có thể chủ động trong việc lựa chọn các ngữ liệu chất lượng và có phương án linh hoạt, hiệu quả khi tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh. 2.2. Quy trình bồi dưỡng kĩ năng thiết kế kế hoạch bài dạy cho sinh viên sư phạm ngành Giáo dục công dân 2.2.1. Bồi dưỡng kĩ năng xác định mục tiêu của chủ đề/bài học Các căn cứ xác định mục tiêu của chủ đề/ bài học: Căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chủ đề bài học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - môn Giáo dục công dân, ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo [7]. Căn cứ vào phẩm chất và năng lực hiện tại của học sinh trong lớp học mà giáo viên phụ trách: tùy vào mức độ năng lực của học sinh mà giáo viên có thể nâng bậc nhận thức của mục tiêu lên những mức độ cao hơn. Căn cứ vào đặc điểm xây dựng nội dung kiến thức, vào phương tiện, thiết bị và hình thức, phương pháp, kĩ thuật dạy học: tùy vào việc lựa chọn hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động dạy học, dựa trên tình hình thực tế về cơ sở vật chất, điều kiện dạy học của nhà trường và đặc điểm nội dung kiến thức, giáo viên có thể xác định các mục tiêu phẩm chất, năng lực chung và năng lực đặc thù tương ứng. Yêu cầu khi viết mục tiêu 113
  5. Lưu Thị Thu Hà Mục tiêu đó là đích đặt ra cho học sinh cần đạt được sau khi học xong một bài, một chương hoặc một môn học [2; tr 60]. Mục tiêu dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến việc hình thành các phẩm chất (Yêu nước, Nhân ái, Chăm chỉ, Trung thực, Trách nhiệm), năng lực chung và năng lực đặc thù cho người học. Khi thiết kế kế hoạch bài dạy, mục tiêu về phẩm chất và năng lực cần được biểu đạt bằng động từ cụ thể, lượng hoá được và phải bao trùm được yêu cầu cần đạt của bài học. Một mục tiêu học tập phù hợp thường mô tả hoạt động học tập của học sinh thay vì mô tả hoạt động diễn ra trong lớp học hoặc mô tả hành vi của giáo viên. Cách thức trình bày mục tiêu theo biểu hiện của phẩm chất và năng lực: Đối với năng lực đặc thù cần cụ thể đến thành tố và biểu hiện của năng lực. Trong môn Giáo dục công dân, có ba nhóm năng lực đặc thù: năng lực điều chỉnh hành vi, năng lực phát triển bản thân, năng lực tìm hiểu và tham gia các hoạt động kinh tế và xã hội. Dựa vào yêu cầu cần đạt và nội dung từng bài học, giáo viên cần xác định được năng lực đặc thù, mô tả các thành tố và biểu hiện của năng lực đó. Đối với năng lực chung và phẩm chất: chỉ nêu tên và biểu hiện nổi bật của năng lực chung và phẩm chất mà môn Giáo dục công dân có lợi thế phát triển; liên quan mật thiết đến nội dung bài học. Việc xác định mục tiêu phẩm chất, năng lực chung cần được liên hệ với cách thức tổ chức hoạt động của giáo viên, liên quan trực tiếp đến phương pháp, kĩ thuật, phương tiện dạy học, kể cả cách thức đánh giá mà giáo viên sử dụng trong mỗi hoạt động của bài học. 2.2.2. Bồi dưỡng kĩ năng lựa chọn nội dung và xác định chuỗi các hoạt động học Trên cơ sở mục tiêu và nội dung kiến thức đã xác định, giáo viên xây dựng chuỗi các hoạt động học tập của học sinh. Nhờ đó, giáo viên có thể hình dung tổng thể phương án dạy học để đảm bảo giải quyết trọn vẹn các mục tiêu của bài dạy và đảm bảo chúng được triển khai theo trình tự phù hợp. Đây là bước trung gian để làm cơ sở cho việc thiết kế các hoạt động học cụ thể trong tiến trình dạy học. Chuỗi hoạt động dạy học cần thể hiện được tiến trình tổ chức dạy học gồm: Mở đầu/xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập; Hình thành kiến thức mới/ giải quyết vấn đề/ thực thi nhiệm vụ đặt ra; Luyện tập; Vận dụng [8; tr69]. Tùy thuộc vào từng kiểu bài dạy, giáo viên có thể linh hoạt trong việc xác định chuỗi các hoạt động dạy học. Cách tiến hành: Giáo viên cần xác định nội dung kiến thức trọng tâm của bài học bằng cách rà soát lại mục tiêu của kế hoạch bài dạy, lựa chọn ra đơn vị kiến thức/kĩ năng thực sự mới đối với học sinh; có vai trò chi phối, liên quan mật thiết đến việc hình thành các kiến thức khác trong cùng một bài học hoặc trong các bài học tiếp theo. Quá trình tổ chức hoạt động hình thành kiến thức trọng tâm sẽ được thiết kế trong hoạt động Hình thành kiến thức mới. Những nội dung kiến thức, kĩ năng liên quan, có thể được hình thành từ kiến thức trọng tâm sẽ tiếp tục được tổ chức học tập ở phần Luyện tập và Vận dụng thông qua hệ thống các câu hỏi, bài tập, nhiệm vụ khác nhau. Tiếp đó, giáo viên cần xác định mục tiêu của các hoạt động: từ mục tiêu chung của kế hoạch bài dạy, giáo viên xác định mục tiêu cụ thể của các hoạt động tương ứng, lựa chọn hình thức, phương pháp, kĩ thuật dạy học phù hợp. Xác định thời lượng: tùy thuộc vào thời lượng được phân bố cho cả bài học, kinh nghiệm giảng dạy, dung lượng kiến thức, độ khó của nhiệm vụ, trình độ của học sinh, điều kiện cơ sở vật chất… giáo viên có thể dự kiến được thời lượng tương ứng của từng hoạt động. Việc xác định chuỗi hoạt động học tập trong kế hoạch bài dạy và dự kiến phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá chính là phần mô tả ý tưởng sư phạm của giáo viên để hiện thực hóa các mục tiêu dạy học đã được xác định ở trên. Giữa mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và các phương pháp, công cụ kiểm tra, đánh giá có mối liên hệ mật thiết, chặt chẽ với nhau. Để đạt 114
  6. Bồi dưỡng kĩ năng thiết kế kế hoạch bài dạy cho sinh viên sư phạm… được những mục tiêu của bài dạy, giáo viên cần thiết kế và tổ chức những hoạt động học cho học sinh, trong đó giáo viên cần xác định được các phương pháp, kĩ thuật dạy học để triển khai các hoạt động và những công cụ đo lường, kiểm tra đánh giá nhằm đo lường mức độ đạt được của học sinh so với mục tiêu dạy học trong từng hoạt động. 2.2.3. Bồi dưỡng kĩ năng thiết kế các hoạt động dạy học cụ thể Trên cơ sở chuỗi hoạt động, mục tiêu, thời lượng và định hướng phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá của từng hoạt động, giáo viên tiến hành thiết kế các hoạt động dạy học cụ thể. Cách thực hiện: + Thu thập và thiết kế dữ liệu dạy học nhằm đáp ứng mục tiêu của từng hoạt động và phù hợp phương pháp, kĩ thuật dạy học; phương pháp đánh giá như các phương tiện trực quan, câu hỏi, phiếu học tập, bài tập…Giáo viên có thể tham khảo các ngữ liệu học tập từ các bộ sách giáo khoa hoặc lựa chọn các nguồn ngữ liệu khác cho phù hợp. + Xác định nội dung: “Nội dung” là nội dung của nhiệm vụ mà giáo viên giao cho học sinh trong bước “Chuyển giao nhiệm vụ” hay nội dung hoạt động học của học sinh chứ không phải nội dung kiến thức, kĩ năng. “Nội dung” trả lời cho câu hỏi Học sinh đọc/nghe/nhìn/thực hiện/thí nghiệm…. gì?; có tác dụng kích thích học sinh huy động kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm đã có để thực hiện các thao tác tư duy và các hành động học tập cụ thể, từ đó tạo ra “kết quả” thực hiện nhiệm vụ. + Xác định sản phẩm cần đạt được: “Sản phẩm” là câu trả lời tương ứng với “nội dung” do giáo viên biên soạn, sản phẩm cần tương thích và đáp ứng mục tiêu dạy học. Chẳng hạn, giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh “đọc thông tin để trả lời câu hỏi” thì sản phẩm chính là “các câu trả lời của học sinh”. “Sản phẩm” là căn cứ để giáo viên định hướng cho học sinh thực hiện nhiệm vụ, định hướng thảo luận và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của học sinh. Đồng thời, “sản phẩm” cũng chính là vấn đề giáo viên cần kết luận cho học sinh ghi vào vở sau mỗi hoạt động học tập. + Tiến trình tổ chức hoạt động dạy học cụ thể bao gồm: Chuyển giao nhiệm vụ; Thực hiện nhiệm vụ; Báo cáo, thảo luận; Kết luận, nhận định. Trong phần Thực hiện nhiệm vụ, giáo viên cần dự kiến những công việc mình cần làm để hỗ trợ, định hướng cho học sinh thực hiện nhiệm vụ như gợi ý, hướng dẫn cách thức thực hiện nhiệm vụ; giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh; lưu ý những cá nhân hoặc nhóm có kết quả đúng/chưa đúng, kết quả hay/chưa hay, kết quả khác biệt…Điều này góp phần hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ của học sinh và tổ chức thảo luận; đồng thời là cơ sở để giáo viên thực hiện việc đánh giá quá trình. Ở phần Báo cáo, thảo luận: giáo viên cần dự kiến tiến trình thảo luận, bao gồm những câu hỏi phân tích, làm rõ, phát triển kết quả thực hiện nhiệm vụ. Những vấn đề, câu hỏi thảo luận giúp giáo viên có được thông tin phản hồi về việc học sinh hiểu hay không hiểu rõ vấn đề học tập, là con đường đưa đến sản phẩm và cũng là cách thức để mở rộng, nâng cao kiến thức, kĩ năng (nếu có). Ở phần này, giáo viên cũng cần dự kiến về phương án báo cáo sản phẩm học tập của học sinh (đối tượng báo cáo là cá nhân/ cặp đôi/ nhóm; hình thức báo cáo là thuyết trình/đóng vai/trưng bày sản phẩm…). Đối với phần Kết luận, nhận định: giáo viên cần đưa ra kết luận về kết quả đạt được của học sinh, bao gồm cả kết quả cụ thể của hoạt động (câu trả lời, cách thức xử lí tình huống, bài tập được giải, kết quả thí nghiệm…) và cả kết quả về thái độ, kĩ năng, thao tác tư duy, bài học kinh nghiệm… mà học sinh có được trong quá trình thực hiện và báo cáo kết quả. 2.2.4. Hoàn thiện kế hoạch bài dạy Sau khi đã hoàn thiện việc biên soạn kế hoạch bài dạy, giáo viên cần tiến hành rà soát lại mục tiêu, việc phân phối thời lượng cho từng hoạt động. Giáo viên cần trả lời các câu hỏi: mục 115
  7. Lưu Thị Thu Hà tiêu đã đáp ứng được đầy đủ yêu cầu cần đạt chưa?, việc phân phối thời lượng cho từng hoạt động và tổng thời lượng đã hợp lí và hiệu quả chưa?. Ngoài ra, giáo viên cũng cần xem xét lại sự phù hợp giữa các mục tiêu và chuỗi các hoạt động dạy học, sự phù hợp giữa các phương pháp dạy học, phương tiện dạy học trong từng hoạt động, sự phù hợp của các phương án đánh giá, sự liên kết giữa các hoạt động trong kế hoạch dạy học, sự đa dạng của các hoạt động và phương án dự phòng trong những trường hợp cần thiết… Đồng thời, sau khi triển khai, tổ chức kế hoạch bài dạy ở một lớp học cụ thể, giáo viên cũng cần rút kinh nghiệm, chỉnh sửa cho hoàn thiện và phù hợp với điều kiện thực tế của đối tượng học sinh lớp khác. 2.3. Kế hoạch bài dạy minh họa Bài 1: TỰ HÀO VỀ TRUYỀN THỐNG GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ (Môn Giáo dục công dân lớp 6) I. Mục tiêu 1. Về kiến thức: - Nêu được một số truyền thống của gia đình, dòng họ. - Giải thích được một cách đơn giản ý nghĩa của truyền thống của gia đình, dòng họ. 2. Về năng lực: Học sinh được phát triển các năng lực: - Năng lực tự chủ và tự học: tự giác học tập, lao động để giữ gìn và phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ. - Năng lực điều chỉnh hành vi: thực hiện được những việc làm cụ thể, phù hợp để giữ gìn và phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ. - Năng lực tìm hiểu và tham gia các hoạt động kinh tế xã hội: tìm hiểu về những truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ. 3. Về phẩm chất: - Yêu nước: thể hiện niềm tự hào về truyền thống của gia đình, dòng họ. - Trách nhiệm: có hành động, việc làm thể hiện trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn truyền thống của gia đình, dòng họ. II. Thiết bị dạy học và học liệu 1. Thiết bị dạy học: Máy tính, máy chiếu, bảng, phấn, bút dạ, giấy A0. 2. Học liệu: + Sách giáo khoa, sách giáo viên, sách bài tập Giáo dục công dân 6 (Bộ sách Chân trời sáng tạo, Nxb Giáo dục Việt Nam). + Các tranh thể hiện truyền thống gia đình, dòng họ như: hình ảnh tứ đại đồng đường; hình ảnh sum vầy, đoàn tụ gia đình trong dịp Tết cổ truyền; hình ảnh bữa ăn gia đình truyền thống Việt Nam. III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC: 1. Hoạt động 1: Khởi động (Mở đầu) a. Mục tiêu: - Tạo cảm hứng học tập cho HS - Huy động những kiến thức, kĩ năng cần thiết của học sinh liên quan đến chủ đề Tự hào về truyền thống gia đình, dòng họ. b. Nội dung: Học sinh quan sát tranh và trả lời câu hỏi do giáo viên nêu ra c. Sản phẩm: Câu trả lời của học sinh. d. Tổ chức thực hiện: 116
  8. Bồi dưỡng kĩ năng thiết kế kế hoạch bài dạy cho sinh viên sư phạm… - Giao nhiệm vụ: GV yêu cầu HS quan sát các tranh trong SGK trang 5 và trả lời các câu hỏi sau: + Dựa vào gợi ý trong tranh, em hãy kể tên một số truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ. + Theo em, tại sao chúng ta nên tự hào về truyền thống của gia đình, dòng họ? - Thực hiện nhiệm vụ: HS quan sát tranh và trả lời câu hỏi do GV nêu ra. - Báo cáo, thảo luận: một vài HS nêu câu trả lời, các bạn khác nhận xét, bổ sung. - Kết luận, nhận định GV nhận xét, đánh giá và xác định các nhiệm vụ học tập của chủ đề bài học. => Tự hào về truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ chính là giữ gìn nguồn gốc bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Vậy có những truyền thống gia đình, dòng họ nào? Biểu hiện của lòng tự hào về truyền thống của gia đình, dòng họ là gì, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài học ngày hôm nay. 2. Hoạt động 2: Khám phá (Hình thành kiến thức mới) Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu về một số truyền thống của gia đình, dòng họ a. Mục tiêu: - Nêu được một số truyền thống của gia đình, dòng họ. b. Nội dung: - Học sinh đọc thông tin trong SGK trang 6 và thảo luận cặp đôi để trả lời các câu hỏi c. Sản phẩm: Câu trả lời của học sinh d. Tổ chức thực hiện: - Giao nhiệm vụ: GV yêu cầu HS đọc thông tin về gia đình của ba bạn Nam, Hà, Khuê và thảo luận cặp đôi để trả lời các câu hỏi: + Gia đình các bạn Nam, Hà, Khuê có truyền thống gì? Nam, Hà, Khuê tự hào về truyền thống nào của gia đình, dòng họ mình? + Truyền thống gia đình, dòng họ có ý nghĩa như thế nào với Nam, Hà, Khuê? + Các em đã làm gì để phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ mình? - Thực hiện nhiệm vụ: HS đọc thông tin trong SGK và thảo luận cặp đôi để trả lời câu hỏi. - Báo cáo, thảo luận: một số cặp đôi chia sẻ câu trả lời trước lớp; các bạn khác theo dõi và đưa ra nhận xét - Kết luận, nhận định: GV tổ chức để HS rút ra nội dung kiến thức cần chiếm lĩnh: + Mỗi gia đình, dòng họ Việt Nam đều có truyền thống về văn hóa, đạo đức, lao động, nghề nghiệp, học tập + Tự hào về truyền thống của gia đình, dòng họ chính là thể hiện sự hài lòng, hãnh diện về những giá trị tốt đẹp mà gia đình, dòng họ đã tạo ra. Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu về ý nghĩa của truyền thống gia đình, dòng họ a. Mục tiêu: - Giải thích được một cách đơn giản ý nghĩa của truyền thống gia đình, dòng họ b. Nội dung: - Học sinh thảo luận nhóm để trình bày suy nghĩ về câu nói trong SGK trang 6 c. Sản phẩm: sản phẩm thảo luận của các nhóm. d. Tổ chức thực hiện: - Giao nhiệm vụ: GV chia HS thành 4 nhóm để thảo luận về ý nghĩa của câu nói trong SGK trang 6 bằng hình thức khăn trải bàn: “Những giá trị, truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ sẽ là hành trang vững chắc cho mỗi người khi bước vào đời” (thời gian thảo luận: 3 phút). - Thực hiện nhiệm vụ: các nhóm HS đọc thông tin trong SGK và thảo luận để trả lời câu hỏi. 117
  9. Lưu Thị Thu Hà - Báo cáo, thảo luận: đại diện một số nhóm chia sẻ câu trả lời trước lớp; các nhóm khác theo dõi, bổ sung - Kết luận, nhận định: GV tổ chức để HS rút ra nội dung kiến thức cần chiếm lĩnh: + Truyền thống của gia đình, dòng họ giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm, động lực vượt qua khó khăn, thử thách và vươn lên để thành công. + Chúng ta cần tự hào, trân trọng, nối tiếp và gìn giữ truyền thống của gia đình, dòng họ bằng hành động và thái độ phù hợp 3. Hoạt động 3: Luyện tập a. Mục tiêu: - HS vận dụng được các kiến thức, kĩ năng đã chiếm lĩnh được trong phần Khám phá để đưa ra cách ứng xử phù hợp trong một số tình huống cụ thể liên quan đến truyền thống của gia đình, dòng họ. b. Nội dung: - Học sinh xây dựng kịch bản và sắm vai xử lí tình huống trong SGK trang 7 c. Sản phẩm: HS xây dựng được kịch bản và sắm vai giải quyết tình huống trong SGK trang 7 d. Tổ chức thực hiện: - Giao nhiệm vụ: GV yêu cầu HS đọc tình huống về bạn Giang trong SGK trang 7 và thảo luận theo nhóm để xây dựng kịch bản và sắm vai xử lí tình huống đó. - Thực hiện nhiệm vụ: HS đọc tình huống và thảo luận theo nhóm để xây dựng kịch bản và sắm vai để xử lí tình huống. - Báo cáo, thảo luận: một vài nhóm sắm vai xử lí tình huống, các nhóm khác nhận xét, bổ sung. - Kết luận, nhận định: GV hỗ trợ HS để tìm ra cách xử lí tốt nhất trong tình huống của bạn Giang. 4. Hoạt động 4: Vận dụng a. Mục tiêu: - HS thực hiện được những việc làm cụ thể, phù hợp để giữ gìn và phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ. b. Nội dung: Học sinh thiết kế poster để giới thiệu về truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ mình hoặc gia đình, dòng họ khác mà HS biết. c. Sản phẩm: Poster giới thiệu về truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ mình hoặc gia đình, dòng họ mà HS biết. d. Tổ chức thực hiện: - Giao nhiệm vụ: GV yêu cầu HS thiết kế poster để giới thiệu về truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ mình hoặc gia đình, dòng họ mà HS biết (GV có thể gợi ý cho HS về hình thức, kích cỡ, khung nội dung của poster). - Thực hiện nhiệm vụ: HS lên ý tưởng thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ do GV nêu ra. - Báo cáo, thảo luận: HS trưng bày sản phẩm trên lớp, các bạn khác quan sát để đưa ra nhận xét, đánh giá. - Kết luận, nhận định: GV nhận xét, đánh giá, khen ngợi những poster đẹp, khoa học, sáng tạo, từ đó giúp HS thêm tự hào về truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ và có động lực để giữ gìn, phát huy những truyền thống tốt đẹp ấy. 3. Kết luận Thiết kế kế hoạch bài dạy là một trong những khâu quan trọng trong quá trình chuẩn bị dạy học đối với sinh viên sư phạm – những giáo viên tương lại. Ngoài ra, việc bồi dưỡng kĩ năng thiết 118
  10. Bồi dưỡng kĩ năng thiết kế kế hoạch bài dạy cho sinh viên sư phạm… kế kế hoạch bài dạy cho sinh viên sư phạm ngành Giáo dục công dân là điều rất cần thiết để đáp ứng được những yêu cầu của việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông môn Giáo dục công dân 2018. Điều này không chỉ giúp trau dồi kĩ năng nghề nghiệp mà còn giúp các em tiếp cận sát với thực tiễn dạy học ở trường phổ thông và tự tin hơn trong quá trình giảng dạy sau này. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Thị Bình, 2013. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo giáo viên phổ thông. Đề tài cấp nhà nước, mã số: 01 – 2010. [2] Kiều Phương Hảo, Đặng Thị Oanh, 2015. Hình thành kĩ năng thiết kế kế hoạch bài học cho sinh viên sư phạm Hóa học ở trường Đại học Sư phạm. Tạp chí Khoa học trường Đại học Sư phạm Hà Nội, số 8, tr. 59-66. [3] Đỗ Hoàng Mai, 2011. Hướng dẫn sinh viên sư phạm tiểu học chuẩn bị bài dạy môn Toán ở Tiểu học. Tạp chí Giáo dục, số 256, tr. 42-44. [4] Phạm Thị Minh Lương, 2012. Dạy học vi mô góp phần nâng cao kĩ năng soạn giảng cho sinh viên. Tạp chí Giáo dục số 284, tr. 29-31. [5] Công văn 5555/ BGDĐT-GDTrH ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng BGDĐT về việc hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn của trường trung học/trung tâm giáo dục thường xuyên qua mạng [6] Phùng Như Thụy, Kĩ năng lập kế hoạch bài học theo hướng dạy học tích cực. Nguồn: https://tailieumienphi.vn/doc/module-th-13-ky-nang-lap-ke-hoach-bai-hoc-theo-huong- day-hoc-tich-cuc-phung-nhu--l2h8tq.html [7] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018. Chương trình môn phổ thông tổng thể môn Giáo dục công dân 2018 ban hành kèm theo Thông tư số 32 (ngày 26/12/2018). [8] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2021. Tài liệu hướng dẫn bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán mô đun 4 Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh trung học cơ sở môn Giáo dục công dân”. [9] Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18 tháng 12 năm 2020 về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. [10] Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành ngày 23 tháng 6 năm 2021 về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022. ABSTRACT Training skills for designing lesson plan for pedagogical students of Citizen Education major to meet the requirements of the General Program 2018 Luu Thi Thu Ha Faculty of Political Theory - Civic Education, Hanoi National University of Education The article presents the necessity of fostering lesson plan design skills for pedagogical students of the Citizenship Education major to meet the requirements of the 2018 General Education Program, focusing on clarifying the process of fostering lesson plan design skills, in which specifically analyzing how to implement partial skills in the group of lesson plan design skills, thereby making a illustrated lesson plan is built in the direction of developing learners' qualities and competencies. Keywords: teaching skills, lesson plan, lesson objectives, Civic Education, methods. 119
nguon tai.lieu . vn