Xem mẫu

  1. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 26 – Tháng 01/2021 BIẾN ĐỔI VĂN HÓA TRONG PHONG TỤC NGÀY TẾT NGUYÊN ĐÁN CỦA NGƯỜI VIỆT Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG Culture change in the Tet holiday customs of Vietnamese in Mekong delta 1 ThS. NCS Nguyễn Minh Ca 1 Giảng viên Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tây Đô, Cần Thơ, Việt Nam nguyenminhca@gmail.com Tóm tắt — Văn hóa Tết của người Việt từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc trưng tộc người ở Đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam Bộ). Trong vài thập niên trở lại đây văn hóa ngày Tết của người Việt có nhiều biến đổi dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường và do sự chuyển dịch cơ cấu xã hội của vùng. Bằng các phương pháp điền dã, nghiên cứu tài liệu; phương pháp tham dự, quan sát,… bài viết cung cấp những nội dung về biến đổi văn hóa trong phong tục ngày Tết của người Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, các phân tích về nội dung biến đổi và nguyên nhân biến đổi sẽ được sẽ được trình bày ở bài viết này. Trên cơ sở nhận diện những biến đổi văn hóa về phong tục ngày Tết, chúng tôi đưa ra những nhận định, đánh giá về mặt tích cực và hạn chế về thực trạng biến đổi văn hóa ngày Tết của người Việt Tây Nam Bộ trong thời đại ngày nay. Abstract — Tet culture of Vietnamese people has long been a typical cultural feature of the people in the Mekong Delta (South West). In recent decades, the Tet culture of Vietnamese has many changes under the influence of the market economy and the social structure of the region. By field methods, document research; methods of participation, observation,... the article provides contents about cultural change in Vietnamese Tet customs in the Mekong Delta. Specifically, the analysis of the variation content and the cause of the change will be presented in this article. On the basis of identifying cultural changes on Tet's customs, we give positive and limited assessments on the cultural change of the Vietnamese Tet cuture in modern day. Từ khóa — Văn hoá tết, biến đổi văn hoá, Tet culture, cultural change, Mekong Delta. 1. Đặt vấn đề Tết Nguyên Đán của người Việt ở Tây Nam bộ là một trong những phong tục lâu đời của dân tộc, mang đậm tính giao mùa của tự nhiên. Từ lâu Tết là dịp nghỉ ngơi vui lễ hội của người Việt trên cả nước; dịp sum họp gia đình và cũng là dịp trở về với nguồn cội. Trong vài thập niên trở lại đây, không khí ngày tết trên cả nước nói chung và vùng Tây Nam Bộ nói riêng có nhiều biến đổi trong cách thức chuẩn bị cũng như tham gia của chủ thể văn hóa (người Việt) trong ngày Tết. Biến đổi văn hóa trong Tết Nguyên Đán của người Việt trong ngày Tết là một quy luật tất yếu của sự vận động xã hội. Vấn đề đặt ra là cần ủng hộ những biến đổi phù hợp với xã hội hiện đại, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc trong văn hóa Tết đồng thời hạn chế những biến đổi đi ngược lại truyền thống văn hóa tốt đẹp vốn có của dân tộc. 2. Nội dung 2.1. Phong tục ngày Tết và biến đổi văn hóa Tết theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt ( do Hoàng Phê chủ biên [2]) được hiểu là những “ngày lễ lớn hàng năm, thường có cúng lễ, vui chới, hội hè, theo truyền thống dân tộc”. Cũng theo nhóm tác giả này: “Tết Nguyên đán là Tết vào đầu năm âm lịch, theo truyền thống của một số dân tộc như Việt Nam, Trung Quốc,... Tết là dịp nghỉ nghỉ ngơi, vui chơi, sum họp một năm”. Phạm Đức Dương [4] cho rằng: “Quy luật vận động và biến đổi là chung cho muôn loài, là thuộc tính quan trọng nhất, là phương thức tồn tại của vật chất, điều đó có nghĩa là cái bất biến của sự sống là vận động và biến đổi”. Như vậy, biến đổi ở đây không phải là thay đổi 31
  2. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 26 – Tháng 01/2021 hoàn toàn, thay đổi bản chất mà là sự thích ứng từ từ hay nhanh chóng của các nền văn hóa mới, biến đổi để phù hợp hoàn cảnh (trường hợp dễ thấy của văn hóa Nam Bộ). Và như vậy, biến đổi ở đây chứa đựng hai yếu tố là giữ lại cái cũ và đồng thời tiếp thu cái mới, trong khoảng thời gian và không gian nhất định của lịch sử. Nội hàm của biến đổi văn hóa khá rộng, đặc biệt là trong xu thế công nghệ số hiện nay, vấn đề biến đổi văn hóa diễn ra khá phức tạp trên nhiều phương diện xã hội, từ cá nhân cho đến cộng đồng: “sự biến đổi của mỗi cá nhân gắn liền với sự biến đổi của gia đình; sự biến đổi về cơ cấu lứa tuổi trong chu trình đời người; sự thay đổi trong quan hệ hàng xóm, láng giềng; sự biến đổi trong văn hóa tiêu dùng; xu hướng thay đổi giá trị, triết lý sống của cá nhân và các nhóm xã hội. Nguyên nhân của những biến đổi đó gồm: tác động của kinh tế thị trường, văn minh công nghiệp, sự thay đổi của môi trường nhất thể hóa cá nhân, chuyển đổi từ cơ cấu xã hội truyền thống sang cơ cấu xã hội hiện đại đa dạng hơn” (Nguyễn Thị Hồng Tâm [3]). Tuy nhiên trong bài viết này, tác giả chú trọng đến những biến đổi trong ngày Tết của người Việt ở Tây Nam Bộ. Sự biến đổi này minh chứng cho vấn đề biến đổi văn hóa là một quy luật tất yếu cho dù chúng ta có muốn điều đó xảy ra hay không. 2.2. Những biến đổi trong văn hóa ngày Tết của người dân Tây Nam Bộ 2.2.1. Biểu hiện của những biến đổi: Tết là do chữ “Tiết” mà ra, “Nguyên” là sự khởi đầu, bắt đầu, “Đán” là buổi sáng sớm. Như vậy Tết Nguyên đán là sự bắt đầu cho một năm mới. Tết Nguyên đán được gọi là Tết Cả để phân biệt với các Tết còn lại của năm. Từ đó, chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của ngày Tết là rất quan trọng trong tâm thức của người Việt. Qua nghiên cứu, tác giả xin đưa ra một số nội dung về biến đổi văn hóa trong ngày Tết Nguyên đán của người Việt như; biến đổi về việc chuẩn bị cho ngày Tết; biến đổi về sum họp gia đình; về thời ăn ăn Tết,… “Nhìn chung từ xưa đến nay, người Việt thường có hai nhu cầu dành cho ngày Tết, đó là sinh hoạt tín ngưỡng và vui chơi nghỉ ngơi. Sinh hoạt tín ngưỡng là thờ cúng, sum họp, mừng tuổi, chơi câu đối, bói toán,... vì ta coi ngày tết là sự giao hòa của càn khôn, vũ trụ; là sự bắt đầu của vận hội mới; là sự thể hiện lòng tri ân công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha; là ước muốn, quyết tâm dành cho tương lai; là ôn lại ký ức của cá nhân, gia đình hay cộng đồng...” (dẫn theo Hồ Ngọc Thủy, tạp chí Văn hóa Sài Gòn, tr5). Việc chuẩn bị cho ngày Tết: Theo quan niệm lâu đời của người Việt, Tết Nguyên đán là Tết quan trong nhất trong năm (Tết cả) nên việc chuẩn bị là rất quan trọng. Việc ăn Tết lớn thể hiện sự đủ đầy, vui tươi hạnh phúc với ý nghĩa là đủ đầy vui vẻ hạnh phúc cả năm. Suy đời sống xã hội ở Tây Nam Bộ và cả nước có nhiều biến đổi nhưng ý nghĩa của việc chuẩn bị cho ngày Tết vẫn không thay đổi. Trước kia các gia đình để chuẩn bị cho ngày Tết thường phải chuẩn bị từ rất sớm. Chẳng hạn như nuôi gà, nuôi cá, trồng rẫy,… phải chuẩn bị từ 2 đến 3 tháng trước Tết. Ngày nay sản phẩm làm ra cho xã hội khá nhiều nên không cần phải chuẩn bị vất vả như trước nữa. Nếu như những sản phẩm dâng lên tổ tiên trước kia do người dân tự làm ra thì bây giờ gần như có rất nhiều, đa dạng ở các siêu thị, các tiệm tạp hóa lớn ở chợ thị trấn, thị xã, thành phố,… (ngày nay các siêu thị mini đã xuất hiện ở một số xã ở vùng quê như Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang,…). Qua khảo sát và tìm hiểu của tác giả, không khí Tết ngày nay có phần ít nhộn nhịp hơn trước kia. Phần là do gia đình hiện đại ngày nay đa số có hai thế hệ và nhiều người đang ở tuổi lao động nên họ đi làm ăn xa, khó trở về trong dịp chuẩn bị Tết. Ngày 23 tháng Chạp âm lịch đưa ông Táo và sửa sang mộ phần cho người đã khuất (tùy vùng khác nhau mà có ngày ấn định khác) thông thường chỉ có những 32
  3. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 26 – Tháng 01/2021 người thân tộc ở quê làm; con cháu ở xa, ở các thành phố lớn đa phần chỉ về sum họp sau ngày 30 Tết. Bên cạnh đó, không khí thu hoạch cá mà người dân Tây Nam Bộ thường gọi là “tát đìa” hoăc thu hoạch hoa màu trước Tết hiện nay rất ít thấy ở Tây Nam Bộ. Nguyên nhân đến từ việc nguồn cá đồng tự nhiên giảm dần theo thời gian, phần do ý thức bảo vệ và khai thác không đi kèm với bảo vệ nuôi mới của người dân. Về mặt tâm linh, việc chuẩn bị cho ngày Tết hiện nay cũng có ít nhiều sự khác biệt theo xu hướng giảm bớt các tín ngưỡng dân gian. Nếu như việc trang hoàng nhà cửa, bàn thờ gia tiên, tiễn đưa Ông Táo, mâm ngũ quả còn được giữ lại thì cắt giấy vàng, giấy đỏ thành những miếng hình vuông hoặc quả trám đen dán lên mọi thứ như cửa nhà, cột nhà, đến các cây trong vườn, chuồng trâu, bò,… (thể hiện lòng biết ơn vạn vật đã giúp đỡ con người vừa cầu mong cho mọi vật năm mới tiếp tục thịnh vượng) ngày nay không còn tồn tại. Hình ảnh thường thấy trong ngày Tết ở Tây Nam Bộ nói riêng và Nam Bộ nói chung như mai vàng, mâm ngũ quả, chợ hoa xuân, bánh tét, canh khổ qua dồn thịt, thịt kho hột vịt,... vẫn còn được duy trì và là nét văn hóa đặc trưng ngày Tết ở Nam Bộ. Sum họp gia đình: Việc sum hợp gia đình trong ngày Tết ở Nam Bộ trong hơn thập niên trở lại đây có nhiều khác biệt. Trước kia, thành viên các gia đình và dòng họ thường ở địa phương, ngày nay đa phần lực lượng trẻ tập trung nhiều ở các thành phố lớn để học tập và làm việc. Một số gia đình còn có người thân kết hôn với người nước ngoài, du học, lao động nước ngoài. Quá trình toàn cầu hóa và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã dẫn đến sự biến đổi về truyền thống sum họp gia đình trong ngày Tết của người Việt ở Tây Nam Bộ. Ngày nay, với sự phát triển của ngành du lịch và nhu cầu được tham quan, giảm stress của nhiều người trong thời đại công nghệ số, một số gia đình (đa phần là các gia đình có điều kiện, kinh tế tốt) còn đi du lịch trong dịp Tết cho nên việc trở về quê sum họp cũng có phần khác trước nhiều. Nếu trước kia những ngày nghỉ Tết thường được dành cho việc trở về thăm bà con họ hàng toàn bộ thời gian thì ngày nay họ chỉ trở về với thời gian ngắn (thông thường từ 3 đến 6 ngày). Hàng năm theo lịch nghỉ Tết quy định của Chính phủ, sau mùng 6 Tết âm lịch các cơ quan trong và ngoài nhà nước đã phải trở lại làm việc (lịch hàng năm). Như vậy, gia đình nào có người thân là cán bộ Nhà nước, công nhân viên chức, lực lượng học học viên, sinh viên, học sinh, công nhân lao động,… đều phải trở lại làm việc và học tập sau mùng sáu Tết hàng năm. Thời gian ăn Tết: Trước kia người dân sử dụng từ “ăn Tết” để chỉ cho lễ hội lớn của đất nước, thể hiện sự mong đợi thời khắc giao mùa, chờ đợi tận hưởng thành quả lao động của một năm,… thì nay động từ này được thay bằng “nghỉ Tết”. Điều này cũng phần nào nói lên sự biến đổi trong tâm thế ngày Tết ở Tây Nam Bộ và cả nước nói chung. Tết Nguyên đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam mà phần Lễ cũng như phần Hội đều rất phong phú về cả nội dung lẫn hình thức: phần Lễ các yếu tố linh thiêng bao giờ cũng diễn ra trước phần hội. Lễ kéo dài từ ngày 23 tháng Chạp cho đến hết ngày mồng 7 tháng Giêng Âm lịch. Tức là bắt đầu từ lễ cúng Ông Táo cho đến lễ Khai Hạ (hạ cây Nêu) người nông dân bắt đầu cày ruộng, những người không có việc thì đi chơi xuân. Phần hội diễn ra khá dài và dài nhất trong các lễ hội Việt Nam. Nó kéo dài tới ba tháng. Câu ca dao: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi/Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè” nói về phần hội của Tết người Việt. Ăn Tết xong là người dân bắt đầu đi trẩy hội, du xuân, cầu phúc, cầu cho một năm mới bình an, hạnh phúc. Trong một năm, ở Việt Nam có hơn 8000 lễ hội lớn nhỏ nhưng chủ yếu tập trung ở miền Bắc, ở Nam Bộ nói chung và Tây Nam Bộ nói riêng phần hội diễn ra không rõ nét. Hay nói cách khác, thời gian ăn Tết ở Tây Nam Bộ khá ngắn. Ngày nay, do chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông thôn sang thành thị và một số nguyên nhân khác như đã phân tích, thời gian ăn Tết của người Việt càng ngắn hơn trước kia. Như đã nói, nếu như trước kia 33
  4. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 26 – Tháng 01/2021 hay sử dụng từ ăn Tết (có nội hàm rộng về quy mô và thời gian, thư thái tinh thần, tận hưởng, giao hòa với mùa xuân) thì ngày nay nhiều người dùng từ nghỉ Tết (nội hàm hẹp hơn về quy mô và thời gian, ý nghĩa tận hưởng, giao hòa giảm đi rất nhiều). Bên cạnh đó, việc đốt pháo để trừ tà ma như Tết xưa (Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh) bây giờ chuyển thành bắn pháo hoa ở các trung tâm lớn của quốc gia; du xuân ngày Tết chuyển thành du lịch ngày Tết; mức Tết nhà làm và chợ Tết quê ngày nay phần nhiều có ở các siêu thị; hay chúc Tết ngày xuân bây giờ cũng bằng tin nhắn (SMS); giải trí ngày Tết xưa thường quay quần bên gia đình còn ngày nay có xu hướng theo nhu cầu cá nhân (chủ yếu là sử dụng điện thoại thông minh); chụp ảnh ngày Tết bây giờ cũng không còn thấy ở các vùng quê Tây Nam Bộ mà thay vào đó là trào lưu dùng điện thoại selfie. Tuy thời gian ăn Tết ngày nay không kéo dài và nhộn nhịp như trước nhưng “hồn cốt” của ý nghĩa ngày Tết vẫn còn trong tâm thức của người Việt nói chung và người Việt vùng Tây Nam Bộ nói riêng. Giữ gìn văn hóa Tết cổ truyền cũng là góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc. 2.2.2. Nguyên nhân biến đổi: Việt Nam gia nhập WTO năm 2007 và sau gần 15 năm, chúng đã đạt được những thành tựu đáng được thế giới khích lệ. “Sau 10 năm Việt Nam gia nhập WTO, tổng kinh ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng vượt trội hơn 4 lần, vượt mốc 350 tỷ USD”, [6]. Cùng với quá trình xây dụng công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, hệ quả là chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông thôn ra các thành phố lớn trên phạm vi cả nước. Từ thực tế trên, mỗi độ xuân về, từng dòng người tấp nập đổ về quê tạo nên cảnh tượng kẹt xe cục bộ ở nhiều thành phố lớn. Ngày nay, Tết và kẹt xe là hai cụm từ được các kênh thông tin đại chúng sử dụng rất nhiều và tần suất diễn ra ngày càng dày đặc. Kinh tế phát triển đồng nghĩa với việc tạo ra lượng hàng hóa lớn cho xã hội nên ngày nay việc mua sắm cũng khác trước nhiều. Các sản phẩm nước ngoài cũng hiện diện ở nước ta nhiều hơn trước do quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng. Lực lượng lao động chủ yếu tập trung ở các trung tâm thành phố lớn nên việc chuẩn bị Tết chủ yếu là người lớn tuổi ở địa phương. Hình ảnh tập trung chuẩn bị bánh mứt, nấu rượu, ngồi canh nồi bánh tét cũng xa dần theo thời gian. Bên cạnh đó, việc chủ động hội nhập, đầu tư cho giáo dục từ gia đình cũng là một nguyên nhân. Sự chuyển biến trong tư tưởng của không ít các gia đình cho rằng cho con em đi học, đi làm để có được tương lai tốt cũng góp phần chuyển dịch lực lượng lao động từ nông thôn – thành phố. Cũng cần phải nói thêm, biến đổi là một quy luật tất yếu, vấn đề ở đây là những biến đổi đó có phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt hay không. Nguyên nhân từ kinh tế: lực lượng lao động nhàn và thu nhập thấp ở nông thôn tìm đến các thành phố lớn làm công nhân cũng là một quy luật trong chuyển dịch cơ cấu lao động trên cả nước và vùng Tây Nam Bộ. 3. Kết luận Như đã trình bày, về mặt nhận thức luận, biến đổi văn hóa là một quy luật tất yếu của đời sống xã hội, phản ánh các bước phát triển và xu thế hội nhập của xã hội ở từng thời kỳ. Tết của người Việt ở Tây Nam Bộ và người Việt trên cả nước nói chung cũng không nằm ngoài quy luật biến đổi đó. Nhận diện về những biến đổi trong văn hóa ngày Tết ở Tây Nam Bộ, chúng ta có thể nhận định: Những biến đổi này xuất phát từ thực tế khách quan của xã hội, là hệ quả của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước và hội nhập quốc tế. Việc nhận diện những biến đổi đó giúp chúng ta thấy được có những biến đổi phù hợp với tình hình của khu vực, đất nước, phù hợp với xu hướng quốc tế hóa. Tuy nhiên, cũng có những hiện tượng, ứng xử trong văn hóa ngày Tết chưa thật sự phù hợp với thuần phong văn hóa của người Việt, của dân tộc. Tình hình kinh tế được cải thiện đồng thời tâm lý hưởng thụ xuất hiện cũng là quy luật thường thấy. Hiện nay, áp lực công việc đối với người lao động khá lớn nên việc sử dụng các dịch vụ sẵn có cũng là một xu thế phù hợp. Tuy nhiên, việc lãng 34
  5. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 26 – Tháng 01/2021 phí thức thức ăn trong ngày Tết, uống bia rượu nhiều, hát karaoke thời gian dài, “vấn nạn quà Tết”,… cần được nhìn nhận lại. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] H. N. Trảng, Khảo luận về Tết, NXB Văn hoá - Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 2018. [2] H. Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, Tp. Đà Nẵng, 2009. [3] N. T. H. Tâm, Biến đổi văn hóa – một vấn đề nghiên cứu được quan tâm triển khai, 2016. [Nguồn]: http://vanhien.vn/news/bien-doi-van-hoa--mot-van-de-nghien-cuu-duoc-quan-tam-trien- khai-49579, ngày truy cập 20/2/2018. [4] P. Đ. Dương, Văn hóa học dẫn luận, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 349 trang, 2013. [5] T. Huệ và K. Xuyến, Phong tục ngày tết, nghi lễ đi chùa đầu năm và những điều bạn nên biết để đón lộc, gặp nhiều may mắn, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2015. [6] Việt nam gia nhập WTO năm nào? Vì sao, quá trình và lợi ích gia nhập như thế nào? [Nguồn]: https://thoatvidiadem.net/viet-nam-gia-nhap-wto.html, truy cập ngày 26/11/2020. Ngày nhận: 05/01/2021 Ngày duyệt đăng: 12/01/2021 35
nguon tai.lieu . vn