Xem mẫu

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HTKH 2019 BIẾN ĐỔI VĂN HÓA CỦA NGƯỜI H’MÔNG DI CƯ TỰ DO TẠI XÃ RÔMEN, HUYỆN ĐAM RÔNG, TỈNH LÂM ĐỒNG DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠO TIN LÀNH PHẠM HỒNG HẢI Trường Đại học Đà Lạt Email: haiph@dlu.edu.vn Tóm tắt: Dựa vào kết quả nghiên cứu xã hội học, bài viết này trình bày những biến đổi văn hóa của người H’Mông di cư tự do dưới sự tác động của đạo Tin Lành tại xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng trên bốn khía cạnh: sự biến đổi trong không gian kiến trúc nhà ở; sự biến đổi trong văn hóa ẩm thực; sự biến đổi trong hôn nhân (xu hướng lựa kết hôn, quyền quyết định trong hôn nhân và sự biến đổi một số nghi lễ trong hôn nhân); sự biến đổi trong các nghi lễ tang ma của người H’Mông theo đạo Tin Lành. Từ khóa: biến đổi văn hóa, Di cư tự do, đạo Tin Lành, H’Mông, Rô Men. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ H’Mông là một trong 54 dân tộc thiểu số ở Việt Nam, là một trong 3 dân tộc nói nhóm ngôn ngữ Mèo - Dao thuộc ngữ hệ Nam Á [4]. Cùng với 53 dân tộc anh em khác, dân tộc H’Mông cũng mang trong mình nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc sắc và riêng biệt. Nó thể hiện trên nhiều khía cạnh nhất là trong tập quán cư trú, hoạt động kinh tế, phong tục tập quán, nếp sống sinh hoạt hàng ngày, trong trang phục, nhà ở, ẩm thực, tín ngưỡng tôn giáo truyền thống. Tuy nhiên, trong dòng chảy của quá trình hội nhập và toàn cầu hóa đặc biệt là sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của đạo Tin Lành văn hóa của người H’Mông đã, đang chịu sự tác động và có những biến đổi nhất định. RôMen là một trong 8 xã nghèo vùng núi cao của huyện Đam Rông với diện tích tự nhiên là 12.839.31ha. Phía Bắc giáp xã Đạ M’Rông, phía Tây giáp xã Đạ Rsal huyện Đam Rông, phía Đông và phía Nam giáp xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà. Dân số toàn xã tính đến ngày 10/10/2017 là 1.800 hộ/7.156 nhân khẩu phân bố rải rác tại 5 thôn của xã. Xã RôMen có 7 dân tộc bao gồm: Kinh, K’Ho, H’Mông, Tày, Dao, Thái, Nùng; có 4 tôn giáo chính bao gồm: Tin Lành, Cơ Đốc Phục Lâm, Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo [6]. Là một trong những xã khó khăn nhất của huyện nhưng RôMen lại là một trong nhưng điểm nóng về vấn đề di dân tự do của người H’Mông. Từ khi thành lập (năm 2005) đến tháng 12/2017 trên địa bàn xã có 209 hộ đồng bào H’Mông với 1.139 nhân khẩu sinh sống, trong đó trên 90% số hộ theo đạo Tin Lành. Đạo Tin Lành đã tác động mạnh mẽ đến văn hóa truyền thống của người H’Mông ở RôMen làm cho văn hóa truyền thống có sự biến đổi quan trọng sang văn hóa, lối sống Tin Lành. Sự biến đổi này thể hiện trên các mặt như mối quan hệ gia đình, dòng họ, quan hệ xã hội, niềm tin tôn giáo, lễ thức trong hôn nhân, tang ma… Với việc trả lời cho câu hỏi nghiên cứu chính “Những nét văn hóa truyền thống nào của đồng bào H’Mông đã biến đổi dưới tác động của đạo Tin Lành và biến đổi như thế nào”? Bài viết này góp phần làm sáng tỏ những biến đổi văn hóa của người H’Mông di cư tự do theo đạo Tin Lành tại xã RôMen, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Từ đó cung cấp những tư liệu khoa học giúp các cấp chính quyền địa phương có những chính sách phù hợp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc H’Mông trong điều kiện theo đạo Tin Lành. 106
  2. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ | 11/2019 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Nghiên cứu kết hợp các phương pháp định lượng và định tính. Đối với phương pháp định lượng, nghiên cứu sử dụng số liệu điều tra bằng bảng hỏi với dung lượng mẫu gồm 150 hộ gia đình người H’Mông được lựa chọn phỏng vấn ngẫu nhiên trong tổng số 209 hộ. Dữ liệu thu thập được xử lý và phân tích bằng phầm mềm SPSS phiên bản 20.0. Về phương pháp định tính, nghiên cứu sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu (PVS) nhằm thu thập và phân tích các thông tin hồi cố. Mẫu PVS được lựa chọn có chủ đích với số lượng là 8 mẫu nghiên cứu. Thông tin thu thập được từ PVS sẽ được gỡ băng, ghi biên bản và xử lý bằng phần mềm Nvivo nhằm bổ sung thông tin cho phương pháp định lượng, làm rõ hơn vấn đề nghiên cứu. Ngoài ra, bài viết còn tham khảo các tư liệu có sẵn, các tài liệu là các nghiên cứu, ấn phẩm liên quan đến chủ đề từ sách, báo, Internet,… thuộc các lĩnh vực dân tộc học, văn hóa, văn học, sử học… 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU Biến đổi văn hóa là một lĩnh vực rất rộng. Do đó, trong khuôn khổ của bài viết này tác giả chỉ tập trung làm rõ sự biến đổi văn hóa của người H’Mông di cư trên các mặt: Nhà ở, ẩm thực, hôn nhân, tang ma dưới tác động của đạo Tin Lành. 3.1. Biến đổi nhà ở của người H’Mông di cư tự do dưới tác động của đạo Tin Lành Ngôi nhà truyền thống của người H’Mông được hình thành và thống nhất theo một khuôn mẫu. Đó là ngôi nhà 3 gian vách gỗ, nền đất, mái gỗ pơ mu hoặc mái gianh. Gian chính giữa là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, gian này còn là nơi dành cho ăn uống hàng ngày. Nhà của người H’Mông bao giờ cũng có sàn gác ở bếp để cất giữ đồ đạc, lương thực, thực phẩm [3]. Khi di cư vào xã Rô Men với sự thay đổi về điều kiện tự nhiên, xã hội nhà ở của người H’Mông cũng đã có những thay đổi rõ rệt. Trước khi di cư Hiện nay 100.0 80.0 88.7 60.0 40.0 48.7 20.0 30.0 1.4 10.0 20.7 .0 0.7 0.0 Nhà tạm, đơn sơ Nhà cấp 4, mái ngói Nhà bán kiên cố Nhà tầng, kiên cố Biểu đồ 1. Nhà ở của người H’Mông trước khi di cư và hiện nay. Đơn vị (%) [Nguồn: Kết quả xử lý SPSS, 2018] Dữ liệu từ biểu đồ 1 chỉ ra rằng, đã có sự thay đổi trong cách xây dựng nhà ở của người H’Mông tại địa bàn nghiên cứu. Trước đây, do tập quán du canh du cư nên người H’Mông thường làm nhà khá đơn giản và tính kiên cố không cao 88,7% là nhà tạm, đơn sơ chỉ có 10% số người được hỏi trả lời đã xây dựng nhà bán kiên cố. Tuy nhiên, hiện nay ngôi nhà của người H’Mông tại xã Rô Men đã được xây dựng chắc chắn hơn, chất liệu bền hơn để ở lâu dài, 48,7% số hộ gia đình đã xây dựng nhà cấp 4, 20,7% xây dựng nhà kiên cố với chất liệu tường gạch xây xi măng, lợp mái tôn, nền nhà được quét một lớp xi măng. Đặc biệt có 1 hộ gia đình trong mẫu phỏng vấn đã xây được nhà tầng kiên cố. Số hộ gia đình trong mẫu phỏng vấn xây nhà tạm, đơn sơ chiếm tỷ lệ 30%. 107
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HTKH 2019 Về kiến trúc, cách bố trí trong ngôi nhà cũng có sự thay đổi so với trước đây. Nhà ở đã không còn kết cấu ba gian như trước nữa, nhà chính và nhà bếp dường như tách riêng ra. Căn gác lửng cũng không còn xuất hiện trong các hộ gia đình được phỏng vấn. Đặc biệt, gian giữa nhà của người H’Mông theo đạo Tin Lành không có bàn thờ cúng tổ tiên thay vào đó là bàn thờ Chúa. Kết quả phỏng vấn sâu cũng làm rõ thêm luận điểm này. “Trước khi di cư, phần lớn những hộ gia đình tại đây sinh sống ở những vùng xa xôi, khó khăn, không đủ ăn, nghèo đói nên việc xây nhà cũng khó khăn lắm. Chủ yếu là vào rừng chặt gỗ để làm nhà thôi. Nhà là nhà trệt, mái thấp, vách gỗ và mái gỗ, làm tạm bợ tránh mưa gió vậy thôi chứ không chắc chắn. Bây giờ vào đây, thu nhập các hộ cũng ổn định hơn do làm cà phê nên nhà ở cũng tốt hơn trong thôn này còn một số hộ xây bằng gỗ còn phần lớn là xây tường gạch, đá, xi măng, mái tôn… …Ở ngoài kia cũng muốn theo Tin Lành lắm nhưng bị cấm đó, nên chuyển vào đây để theo đạo Tin Lành, ở trong này được tự do theo không bị ai cầm cả. Giờ không, hoàn toàn không có thờ ông bà nữa đâu. Bởi vì cơ bản theo niềm tin tôn giáo thì mình thương ông bà lúc họ còn sống thôi rồi mình giúp đỡ họ, chăm lo cho họ, khi họ qua đời mình mai táng thôi. Giờ cũng không thờ vị thần nào nữa, chỉ thờ Chúa thôi.” [PVS, nam, 42 tuổi, Trưởng thôn] Như vậy, có thể nói kiến trúc nhà ở là một trong những giá trị truyền thống độc đáo của cộng đồng dân tộc H’Mông. Tuy nhiên, sự thay đổi về điều kiện tự nhiên, không gian sinh tồn, mô hình sản xuất đặc biệt là sự xuất hiện của đạo Tin Lành đã tác động không nhỏ, làm thay đổi không gian kiến trúc truyền thống này. 3.2. Biến đổi về ẩm thực của người H’Mông di cư tự do dưới tác động của đạo Tin Lành Ẩm thực là một nội dung quan trọng của văn hóa. Khi ẩm thực có tính văn hóa, đạt đến phạm trù văn hóa thì nó thể hiện cốt cách, phẩm hạnh của một dân tộc, một con người. Văn hóa ẩm thực là cách ăn, kiểu ăn, món ăn đặc trưng của từng dân tộc, từng địa phương. Món ăn đặc trưng của người H’Mông truyền thống là thắng cố, mèn mén, tiết canh, đặc biệt là tiết canh gà; lương thực chính là ngô, lúa nương, khoai sắn, các loại rau. Về thức uống thì người H’Mông rất thích uống rượu ngô do mình tự nấu. Đây là nét văn hóa của tộc người. Khi di cư vào RôMen, tập quán sản xuất thay đổi, cơ cấu cây trồng thay đổi từ việc chuyên trồng cây lương thực ngắn ngày như ngô, khoai, sắn người H’Mông đã chuyển sang trồng cây công nghiệp lâu năm là cà phê. Do đó, nguyên liệu cung cấp đầu vào cho bữa ăn của người H’Mông tại đây cũng thay đổi. Kết quả khảo sát cho thấy đã có sự thay đổi trong nguyên liệu đầu vào của bữa ăn trong gia đình người H’Mông. Nếu như trước khi di cư nguyên liệu chính cho bữa ăn là ngô chiếm 54% số lượt trả lời và các loại rau, củ, quả chiếm 25,3% thì hiện nay tỷ lệ này đã có sự thay đổi với nguyên liệu chính là gạo chiếm 63,3% đứng thứ hai là thịt, cá chiếm 17,3%. Điều này cũng phản ánh mức sống của người H’Mông so với trước khi di cư đã được cải thiện một cách rõ rệt. Sự thay đổi tiếp theo dễ nhận thấy trong nét văn hóa ẩm thực của người H’Mông theo đạo Tin Lành đó chính là nghi thức cầu nguyện trước khi bắt đầu bữa ăn. 100% số người được hỏi đều cho rằng đây là nghi thức bắt buộc phải thực hiện. “Mình theo đạo Tin Lành thì tới bữa ăn cần phải cầu nguyện cảm ơn Chúa vì đã cho mình thức ăn no đủ nếu không làm như vậy là có tội với Chúa, là không thực hiện đúng những lời Chúa răn dạy”. [PVS, nữ, 34 tuổi, Nông dân] 108
  4. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ | 11/2019 Một phát hiện thứ ba đó là người H’Mông theo đạo Tin Lành tại địa bàn nghiên cứu sử dụng rất ít rượu trong bữa ăn hàng ngày, cũng như vào các dịp lễ, tết, hay cưới xin, tang ma. Điều này phát xuất từ giáo lý của đạo Tin Lành, một trong 10 điều răn của Thiên Chúa, đó là không được uống rượu, không ăn thịt chó, không ăn tiết canh. Bảng 1. Bảng chéo Tôn giáo và Sử dụng rượu Sử dụng rượu Tôn giáo Trước khi di cư Hiện nay Có Không Có Không Tần số 0 0 0 3 Thiên Chúa giáo Tỷ lệ (%) 0.0 0.0 0.0 100.0 Tần số 0 11 5 142 Tin Lành Tỷ lệ (%) 0.0 100.0 3.4 96.6 Tần số 120 19 0 0 Không theo tôn giáo Tỷ lệ (%) 86.3 13.7 0.0 0.0 Kiểm định Chi bình phương Sig.(2-sided) = 0.038< 0.05 Sig.(2-sided) = 0.047
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HTKH 2019 Bảng 2. Xu hướng kết hôn của người H’Mông trước khi di cư và hiện nay Trước khi di cư Hiện nay Xu hướng kết hôn của người H’Mông Tần số Tỷ lệ (%) Tần số Tỷ lệ (%) 1. Cùng tôn giáo 26 17.8 79 54.1 2. Cùng làng, huyện, tỉnh 53 22.7 58 37.0 3. Khác làng, huyện, tỉnh 20 13.7 28 19.3 4. Người nước ngoài 0 0.0 2 1.4 5. Cùng dân tộc 111 76.0 19 12.8 6. Khác dân tộc 0 0.0 2 1.4 [Nguồn: Kết quả xử lý SPSS, 2018] Số liệu ở bảng 2 cho thấy, trước khi di cư có tới 76% số người được phỏng vấn trả lời kết hôn với người cùng dân tộc. “Người H’Mông trước khi di cư vào đây sinh sống, khi trưởng thành chỉ lấy những người trong cùng dân tộc với mình thôi. Bời vì đó là truyền thống đã có từ xa xưa do tổ tiên để lại không thể làm khác được đâu. Với việc lấy những người cùng dân tộc với mình họ mới hiểu mình, dễ nói chuyện hơn”. [PVS, nam, 42 tuổi, Trưởng thôn] Bên cạnh đó, với tập quán cư trú sống tách biệt với các dân tộc khác, dẫn đến những khác biệt về tập quán sản xuất, lối sống, ngôn ngữ và ít có điều kiện tiếp xúc với người bên ngoài nên có 22,7% các cuộc hôn nhân của người H’Mông trước khi di cư là lấy những người trong cùng làng. Điều này phản ánh tính cố kết cộng đồng người H’Mông là khá vững chắc. Ngoài ra, cũng có 17,8% số người được hỏi trả lời kết hôn với người cùng tôn giáo. Hiện nay, xu hướng kết hôn của người H’Mông tại địa bàn nghiên cứu đã có sự thay đổi tuy diễn ra chậm nhưng cũng đã có những dấu hiệu mới. Thể hiện ở việc gia tăng xu hướng kết hôn với người có cùng tôn giáo chiếm tỷ lệ cao nhất 54,1%, xếp thứ hai chiếm 37% lựa chọn xu hướng cùng làng, huyện, tỉnh, chỉ có 12,8% lựa chọn kết hôn cùng dân tộc. Kết quả phỏng vấn sâu chỉ ra lý do việc gia tăng xu hướng kết hôn cùng tôn giáo là bởi kết hôn cùng tôn giáo sẽ có cùng tiếng nói, cùng suy nghĩ và có tư tưởng giống nhau. Như vậy đời sống sinh hoạt sẽ dễ dàng hơn. Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, sự giao lưu và tiếp xúc văn hóa giữa đồng bào H’Mông xã Rô Men với các dân tộc khác như K’Ho, Tày, Nùng, Kinh mạng lưới quan hệ xã hội được mở rộng, thế hệ thanh niên hiện nay có cơ hội gặp gỡ, quen biết và tìm hiểu với các dân tộc khác, từ đó tỷ lệ kết hôn với người khác làng, huyện, tỉnh tăng lên 19,3% so với 13,7% trước khi di cư, đã xuất hiện xu hướng kết hôn khác dân tộc chiếm tỷ lệ 1,4%. Điều đặc biệt là sự xuất hiện xu hướng kết hôn với người nước ngoài chiếm tỷ lệ 1,4%. Mặc dù, tỷ lệ này chiếm rất ít trong các câu trả lời của người được phỏng vấn nhưng nó đã thể hiện được tính mở trong mối quan hệ giữa người H’Mông với các dân tộc khác trong quá trình phát triển. Đây chính là nét mới dẫn đến sự biến đổi trong hôn nhân của người H’Mông ở xã Rô Men và có xu hướng ngày càng phát triển hơn. 3.3.2. Quyền quyết định hôn nhân của người H’Mông theo đạo Tin Lành Quyền quyết định hôn nhân là chỉ báo quan trọng để đánh giá mức độ tự chủ hay phụ thuộc trong hôn nhân của cá nhân. Vậy, ai là người quyết định chính trong mô hình quyết định kết hôn của người H’Mông theo đạo Tin Lành ở RôMen hiện nay? 110
  6. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ | 11/2019 Kết quả khảo sát bảng 3 cho thấy trước khi di cư việc hôn nhân của người H’Mông do cha mẹ quyết định hoàn toàn chiếm tỷ lệ cao nhất 42,6%, con cái quyết định nhưng có sự đồng ý của cha mẹ chiếm tỷ lệ 26,7%, tiếp đến là cha mẹ quyết định nhưng có sự đồng ý của con cái (15,3%), thấp nhất là con cái quyết định hoàn toàn chiếm tỷ lệ 14,7%. Như vậy, quyền quyết định hôn nhân của người H’Mông xã RôMen trước khi di cư chủ yếu là bố mẹ quyết định. Bảng 3. Quyền quyết định hôn nhân của người H’Mông trước khi di cư và hiện nay Trước khi di cư Hiện nay Quyền quyết định hôn nhân (n=150) Tần số Tỷ lệ (%) Tần số Tỷ lệ (%) Cha mẹ quyết định hoàn toàn 64 42.6 10 6.7 Cha mẹ nhưng có sự đồng ý của con cái 23 15.3 14 9.3 Con cái quyết định hoàn toàn 22 14.7 73 48.7 Con cái quyết định, có sự đồng ý của cha mẹ 40 26.7 52 34.7 Khác 1 0.7 1 .7 [Nguồn: Kết quả xử lý SPSS, 2018] Nhưng hiện nay mô hình này đã thay đổi, quyền quyết định hôn nhân do con cái quyết định hoàn toàn chiếm tỷ lệ cao nhất 48,7%, tiếp đến là con cái quyết định nhưng có sự đồng ý của cha mẹ chiếm tỷ lệ 34,7%, sự quyết định hoàn toàn của cha mẹ đến hôn nhân của con cái chỉ còn 6,7%. “Ngày xưa chủ yếu là do hai người già (bố mẹ) thích thì sẽ gả con gái, con trai. Muốn con lấy ai thì nói nó bắt về làm vợ, cái này là bắt buộc. Nó không thích lấy đứa này nhưng cha mẹ có quyền ép nó lấy nó vẫn nghe lời lấy làm vợ, làm chồng. Có những đứa mới 7, 8 tuổi đã được hỏi cưới rồi, có trường hợp chưa sinh ra mà hai gia đình đã đặt lễ cưới rồi ấy chứ. Nhưng bây giờ ở thôn 5 này con cái tự liên hệ với nhau, hôn nhân tự do”. [PVS, nữ, 27 tuổi, Chi hội trưởng Hội phụ nữ] Do đó, có thể nói rằng quyền quyết định hôn nhân ở người H’Mông theo đạo Tin Lành ở xã RôMen đã trở nên cởi mở hơn, đề cao vai trò của cá nhân: con cái tự do lựa chọn và đến với nhau bằng tình yêu. Điều này phù hợp với giáo lý của đạo Tin Lành. Đạo Tin Lành khuyến khích trai gái lấy nhau trên tình thần tự nguyện, được tự do quyết định cuộc hôn nhân của bản thân mà không khuyến khích việc trai gái lấy nhau do sự sắp đặt của cha mẹ hay mang tính chất mua bán. 3.3.3. Biến đổi trong nghi lễ cưới xin của người H’Mông theo đạo Tin Lành Người H’Mông theo đạo Tin Lành tại địa bàn nghiên cứu hiện nay đối với các nghi lễ trong hôn nhân đã có những thay đổi trong suy nghĩ thể hiện ở việc tổ chức đơn giản và ít tốn kém hơn. Kết quả xử lý dữ liệu từ điều tra thực địa chỉ ra rằng 61,8% người được hỏi cho biết so với trước khi di cư vào Rô Men thì việc tổ chức hôn nhân hiện nay ít tốn kém hơn, 37,5% cho biết các thủ tục đã đơn giản hơn trước, 11,1% tán thành với việc các hủ tục trong hôn nhân đã được xóa bỏ. Đặc biệt, với người H’Mông theo đạo Tin Lành tại địa bàn nghiên cứu hiện tượng tảo hôn đã giảm rõ rệt. Số liệu điều tra cũng đã phản ánh điều này khi có tới 96,7% số người được hỏi cho biết tại địa bàn đã không còn nạn tảo hôn, chỉ có 3,3% số người được hỏi trả lời nạn tảo hôn còn tồn tại. Điều này chứng tỏ nhận thức của người H’Mông về độ tuổi kết hôn đã có sự thay đổi rất mạnh mẽ. 111
  7. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HTKH 2019 Tục thách cưới hiện nay cũng không còn nhiều như trước nữa. Kết quả khảo sát cho thấy có 78,6% số người được hỏi trả lời tục thách cưới hiện nay đã không còn tồn tại, chỉ có 21,4% ý kiến đồng ý rằng vẫn còn tục thách cưới tại địa bàn khảo sát. Tuy nhiên, vật thách cưới và tiền thách cưới cũng được giảm nhiều so với trước đây. “Tục thách cưới ngày xưa thì có đấy, ngày xưa mình mà nghèo là không lấy được vợ, phải có bạc trắng rồi bắt một hai con trâu kéo sang nhà bố vợ. Còn bây giờ thì chỉ cần hai ba triệu với một tạ heo là được rồi”. [PVS, nam, 30 tuổi, Bí thư Chi đoàn Thanh niên] “Trước đây, khi còn ở miền núi phía bắc tục thách cưới vẫn còn tồn tại. Nhà gái nhiều khi thách cưới rất cao 40-50 triệu, heo 1 tạ, trâu kéo 1-2 con. Gia đình nhà trai phải đi vay mượn để cưới vợ. Cưới xong 2 vợ chồng chỉ có làm trả nợ đến suốt đời. Nhưng bây giờ tục lệ này đã được xóa bỏ tất cả là nhờ bà con theo đạo Tin Lành, học hỏi lối sống mới. Khi vào đây rồi mỗi lần có đám cưới nhà trai cũng chỉ phải đưa nhà gái số tiền 2-3 triệu đồng, với 1 tạ thịt heo. Số tiền đó coi như tiền đền ơn công nuôi dưỡng. Con cái thì cả hai gia đình phải có trách nhiệm lo, giúp đỡ cho đôi trẻ”. [PVS, nam, 63 tuổi, Già làng thôn 5] Hơn thế nữa với những gia đình đã theo đạo Tin Lành, khi tổ chức đám cưới ngoài việc thực hiện theo một số nghi lễ truyền thống họ còn có thêm nghi lễ tôn giáo. Kết quả phỏng vấn sâu trưởng điểm sinh hoạt Hội thánh Tin Lành miền Nam Việt Nam ở thôn 5 càng làm rõ hơn sự biến đổi này. “Hiện nay đám cưới của người H’Mông theo đạo Tin Lành phần lớn là do hai người tự tìm hiểu, yêu nhau, viết thư cho nhau. Khi quyết định lấy nhau, người con trai sẽ đến gặp mục sư nhờ mục sư đến nhà gái để hỏi. Khi đi hỏi thì lễ vật là 2 con gà, bánh kẹo, nước ngọt. Nếu nhà gái đồng ý mới đặt lễ cưới, xác định thời gian, địa điểm. Gia đình nhà gái cũng không thách cưới tiền nhiều quá vì Chúa đã dạy rằng hôn nhân là rất thiêng liêng là tự nguyện chứ không phải giống như bán con. Mức thách cưới ở đây dao động từ 2- 8 triệu tùy thuộc vào kinh tế nhà trai… Lễ cưới thì không có cúng lễ ở nhà. Ở xã này các hộ H’Mông sẽ tổ chức tại điểm sinh hoạt Hội thánh Tin Lành tại thôn 5. Mục sư (thường là trưởng điểm sinh hoạt) làm chủ lễ. Trong lễ cưới sẽ có nghi thức cầu nguyện, hát thánh ca, đeo nhẫn, chúc phước từ người chủ lễ. Nghi lễ đơn giản hơn rất nhiều, không gây nên tình trạng kiệt quệ về kinh tế cho gia đình nghèo”. [PVS, nam, 48 tuổi, Dân tộc Kinh, Mục sư] Như vậy, đám cưới của người H’Mông theo đạo Tin Lành hiện nay yếu tố quyết định chính là được sự ủng hộ và công nhận của mục sư, hội thánh và giáo dân còn sự quyết định của thiết chế dòng họ trong hôn nhân theo quan niệm truyền thống đã không còn quan trọng. Đây là một điểm khác biệt nữa khi người H’Mông cải đạo sang Tin Lành so với truyền thống. Điều quan trọng của sự khác biệt đó là liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo. 3.4. Biến đổi trong tang ma của người H’Mông theo đạo Tin Lành Theo tín ngưỡng truyền thống khi gia đình người H’Mông có người chết, họ sẽ bắn ba phát súng để báo tin cho dân bản biết. Trong đám ma của người H’Mông theo tín ngưỡng truyền thống có Chủ ma, Quan làng, Ban quản lý đời sống, Ban khèn trống [5]. Tuy nhiên, khi theo đạo Tin Lành những nghi lễ này đã ít nhiều có sự thay đổi. Đầu tiên, khi gia đình có người chết 112
  8. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ | 11/2019 sẽ báo cho Trưởng điểm sinh hoạt Tin Lành và Ban nhân dân thôn, sau đó sẽ thông báo cho toàn thể anh em, họ hàng và toàn thể bà con trong và ngoài thôn biết. Trước khi di cư đám tang thường tổ chức trong nhiều ngày, số liệu ở bảng 4 cho thấy 88% số người được hỏi cho biết trước khi di cư đám tang thường được tổ chức từ 3 ngày trở lên, 12% tổ chức trong 2 ngày. Nhưng hiện nay, việc tổ chức thực hiện tang lễ cho người mất đã có những chuyển biến tích cực, biểu hiện ở tỷ lệ tổ chức trong vòng 2 ngày chiếm 72,7% và có 26% trường hợp tổ chức trong vòng 1 ngày. Những trường hợp tổ chức từ 3 ngày trở lên chỉ chiếm 1,4%. Bảng 4. Số ngày diễn ra tang lễ trước khi di cư và hiện nay Trước khi di cư Hiện nay Số ngày diễn ra tang lễ (n=150) Tần số Tỷ lệ (%) Tần số Tỷ lệ (%) 1 ngày 0 0.0 39 26.0 2 ngày 18 12.0 109 72.7 3 ngày trở lên 132 88.0 2 1.4 [Nguồn: Kết quả xử lý SPSS, 2018] Đặc biệt, trong nghi thức lễ tang truyền thống của người H’Mông trước đây, vai trò của thầy mo (thầy cúng) là vô cùng quan trọng bởi vì thầy mo là người cúng lễ, người có khả năng liên hệ được giữa người sống và người chết, cõi trần với cõi thần linh. Trong tang ma mọi nghi lễ phải được thưc hiện một cách rất nghiêm ngặt theo sự sắp xếp của thầy mo. Bởi vậy trong tín ngưỡng truyền thống thầy mo là người được dân làng nể trọng và có sức ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm linh của đồng bào H’Mông. Tuy nhiên, khi cải đạo theo Tin Lành thì thầy mo đã hoàn toàn mất đi vai trò và vị thế của mình trong đời sống tâm linh của người H’Mông tại địa bàn nghiên cứu đặc biệt là trong nghi lễ tang ma. Bằng chứng là 100% số người được hỏi trả lời “không có thầy mo” cho câu hỏi “Gia đình có người chết có mời thầy mo không?”. Dữ liệu phỏng vấn sâu trưởng điểm sinh hoạt Hội thánh Tin Lành miền Nam Việt Nam ở thôn 5 càng làm rõ hơn sự biến đổi trong tang mà của người H’Mông khi theo đạo Tin Lành. “Khi gia đình người H’Mông nào có người chết họ sẽ lập tức thông báo cho trưởng điểm sinh hoạt tôn giáo, có thể gặp trực tiếp để thông báo hoặc gọi điện thoại cũng được. Việc đầu tiên trong khâu tổ chức tang ma là bầu các ban phụ trách như: Ban lễ tang, Ban hậu cần, Ban giúp đỡ về tinh thần. Trong đám tang không mổ gà, mổ lợn, trâu vì Kinh thánh đã dạy như vậy. Người chết sẽ được đặt trong quan tài, để đảm bảo vệ sinh an toàn cho đám tang không giống như ngày xưa còn tục treo xác, rất mất vệ sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Thời gian tối đa là 48 tiếng sau khi người chết. Khi làm lễ, Mục sự cầu nguyện dâng linh hồn cho Chúa và hát có dàn đồng ca hát Thánh ca đưa linh hồn đó lên với Chúa trời. Đặc biệt người thân không khóc lóc, kêu than. Giáo lý của Tin Lành đã dạy rằng, người chết đã hoàn thành công việc trên thế gian, được lên thiên đàng về với Chúa, được Chúa thu nhận, che chở, được sống sung sướng, vậy nên không có gì phải khóc than cả. Họ vẫn thương người chết nhưng hiện nay không thờ tổ tiên ở giữa nhà nữa mà chỉ thờ Chúa thôi điều này khác với truyền thống khi họ chưa theo đạo Tin Lành. Trong quá trình chôn cất thì có cầu nguyện, hát thánh ca, đọc Kinh Thánh. Sau khi hoàn tất thì mọi người ra về. Việc ăn uống trong đám tang cũng sắp xếp trật tự không uống rượu chỉ uống nước ngọt, giáo dân chủ yếu đến giúp chứ không chú trọng việc ăn uống. Mọi thức ăn uống đều chỉ đủ, không để thừa”. [PVS, nam, 48 tuổi, Dân tộc Kinh, Mục sư] 113
  9. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HTKH 2019 Việc đi phúng điếu trong đám tang cũng có sự thay đổi, nếu như trước đây khi đến dự đám tang người H’Mông mỗi người sẽ mang theo hiện vật như gạo, thịt, củi để góp cho gia chủ chiếm tỷ lệ 52,6% và đến phụ gia chủ bằng công sức chiếm 31,7%, chỉ 22% đi phúng viếng bằng tiền thì hiện nay, việc đi phúng viếng bằng tiền là rất phổ biến chiếm 64,7% và bằng hiện vật chiếm 27,8%. “Số tiền phúng viếng thì tùy thuộc vào điều kiện kinh tế mỗi gia đình nhưng thường giao động từ 50.000 đến 200.000 ngàn đồng. Anh em, họ hàng thân thiết còn phúng viếng đến 1000.000 đồng nữa. Những người hàng xóm, giáo dân còn hỗ trợ 5kg gạo để tổ chức tang lễ nữa. Ngoài ra các điểm sinh hoạt Tin Lành ở nơi khác cũng đóng góp để hỗ trợ và chia buồn với gia đình có người chết. Mọi số tiền phúng viếng và chi ra đều được ghi chép cẩn thận. Sau này nếu có dư sẽ gửi lại cho gia đình người chết”. [PVS, nam, 48 tuổi, Dân tộc Kinh, Mục sư] Như vậy, có thể thấy đạo Tin Lành đã tác động làm biến đổi rất nhiều nghi lễ trong tang ma của người H’Mông tại RôMen, việc cải đạo của người H’Mông về cơ bản là từ bỏ niềm tin vào đa thần để tiếp nhận niềm tin vào một vị thần duy nhất; cuộc sống của họ từ chỗ được hỗ trợ và chi phối bởi ma sang phụ thuộc và chi phối bởi một vị thần tối cao [2]. Đây có thể còn được gọi là sự từ bỏ tín ngưỡng truyền thống. Sự từ bỏ này sẽ tác động đến cách thức thực hành các nghi lễ. 4. KẾT LUẬN Kết quả nghiên cứu và phân tích đã giúp trả lời cho câu hỏi nghiên cứu đã đặt ra trong phần đặt vấn đề. Dưới sự tác động của đạo Tin Lành, văn hóa truyền thống của người H’Mông di cư tại xã RôMen đã có sự biến đổi. Nó được thể hiện thông qua việc biến đổi không gian, kiến trúc nhà ở, ẩm thực, các nghi lễ về hôn nhân, tang ma, chuyển đổi trong niềm tin tôn giáo… Sự biến đổi này đi theo chiều hướng giản lược, đổi mới xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, hao tốn thời gian và tiền bạc, giúp người H’Mông điều chỉnh hành vi và hình thành một lối sống mới văn minh hơn. Tuy nhiên, cũng như các tôn giáo khác khi mới du nhập hệ quả tất yếu của sự biến đổi trên đã và đang gây ra những va chạm, xung đột với tôn giáo tín ngưỡng truyền thống. Đó là việc những giá trị văn hóa truyền thống bị xóa bỏ, làm mất dần đi nét độc đáo của văn hóa dân tộc H’Mông. Điều này đặt ra thách thức rất lớn đối với chính quyền địa phương trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa người H’Mông di cư trong bối cảnh mới hiện nay. Cũng cần phải nói thêm rằng, vấn đề biến đổi văn hóa người H’Mông dưới tác động của đạo Tin Lành tại RôMen hiện nay là một trong những vấn đề phức tạp, nhạy cảm và đầy thách thức. Do đó, vấn đề này cần phải được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa trong thời gian tới. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Phạm Văn Dương, Vũ Thị Hà (2017). Tác động của đạo Tin Lành đối với người Mông di cư ở Đắk Lắk. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 (110), tr.68-77. [2] Vũ Thị Hà, Võ Thị Mai Phương (2016). Biến đổi tôn giáo, tín ngưỡng của người H’mông di cư vào Đắk Lắk. Thông tin khoa học xã hội, tr.19-24. [3] Nguyễn Thị Hằng, Phan Đức Nam, Bùi Ngọc Hà, Đỗ Việt Thắng (2009). Biến đổi văn hóa và phát triển, Khảo cứu ban đầu ở cộng đồng người Mông tại Hòa Bình. Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Hà Nội, tr.15-16. [4] Tổng Cục Thống kê (1979). Quyết định số 121/TCTK/PPCĐ, ngày 2.3.1979, Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam. [5] Nguyễn Quỳnh Trâm (2016). Văn hóa của người H’Mông theo đạo Tin Lành ở tỉnh Lào Cai. Luận án Nhân học. Học viện Khoa học xã hội. [6] UBND xã Rô Men (2018). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, phương hướng và nhiệm vụ phát triển năm 2018. 114
  10. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ | 11/2019 Title: CULTURAL CHANGE OF THE PEOPLE H'MONG MIGRANTY FREEDOM IN RO MEN COMMUNE, DAM RONG DISTRICT, LAM DONG PROVINCE UNDER THE PROTESTANTISM Abstract: Based on the results of sociological research, this paper presents the cultural changes of free migrant H'Mong under the influence of Protestantism in Ro Men commune, Dam Rong district, Lam Dong province four aspects: the change in housing architecture space; The transformation in culinary culture; Changes in marriage (tendency to choose marriage, decision-making in marriage and changes in some marriage ceremonies); The change in funeral rituals of the H'Mong people according to the Protestantism. Keywords: cultural change, Free migration, Protestantism, H'Mong, Ro Men 115
nguon tai.lieu . vn