Xem mẫu

  1. Báo chí văn chương đầu thế kỷ XX tại Việt Nam
  2. Nam, nhìn nhận từ cấp độ mô hình Đã có một số tác phẩm quan trọng về lịch sử báo chí Việt Nam được in cho tới nay: sau cuốn sách mở đường của Huỳnh Văn Tòng, Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1930[1], trong khoảng mười năm trở lại đây đã xuất hiện những công trình đồ sộ như Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam của Nguyễn Thành[2], Lịch sử báo chí Việt Nam 1865-1945[3], hoặc có thể kể tới những cuốn sách của Hồng Chương nhưBáo chí Việt Nam (1985) hay Tìm hiểu lịch sử báo chí Việt Nam (1987), một cuốn khác nữa của Nguyễn Thành, Báo chí cách mạng Việt Nam (1925-1945) (1984). Có một điều dễ nhận thấy là báo chí văn chương chưa có được các nghiên cứu lớn, bao quát, cặn kẽ. Để tìm hiểu về mảng này có thể dựa vào một số điểm tựa sau: thứ nhất, những trang mà các bộ văn học sử dành để viết về báo chí. Những bộ văn học sử nghiêm túc đều không thể bỏ qua mảng báo chí vô cùng quan trọng, nhưng cũng thường xuyên chỉ coi đây là một khía cạnh nhỏ, nói lên đời sống văn học nhiều hơn là có giá trị với tư cách là tác phẩm văn chương. Trong số các tác giả chuyên viết lịch sử văn học, người để tâm nhiều nhất tới báo chí hẳn là linh mục Thanh Lãng: ngoài bộ sách lớn Bảng lược đồ văn học Việt Nam[4], ông còn có một số bộ sách đặc biệt tập trung vào báo chí, nhất là Phê bình văn học thế hệ 1932[5] và bộ sách in sau khi mất, 13 năm tranh luận văn học[6]. Thứ hai, các sưu tập mà thực chất là
  3. in lại nội dung báo chí thời trước, chẳng hạn như 13 năm tranh luận văn học vừa nói ở trên in lại các bài báo quan trọng trên Phụ nữ tân văn, Hà Nội báo, Ích hữu… với một dung lượng lớn xoay quanh cuộc cãi vã xung quanh Phong hóa; ở mảng này còn có thể kể tên các bộ sưu tập Tao đàn, Tri tân được thực hiện gần đây, hoặc mới và hết sức quan trọng đối với bài viết này, bộ sách Phan Khôi tác phẩm đăng báo[7]. Thứ ba, các công trình mang tính chức năng, công cụ mà nổi tiếng hơn cả là Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong (1917-1934)[8]. Thứ tư, các hồi ký của những người trong cuộc, chẳng hạn nhưBốn mươi năm nói láo (1969) của Vũ Bằng hay gần đây hơn là Hồi ký Thanh Nghị[9]. Cũng ở mảng hồi ký này còn phải tính đến rất nhiều hồi ức, kỷ niệm viết trên báo, rất hiếm khi được in thành sách; chẳng hạn như muốn tìm hiểu về Phong hóa thì cần phải đọc trên chính Phong hóa các số kỷ niệm, muốn tìm hiểu về tạp chí Văn cũng phải đọc trên chính Văn ở những kỳ đặc biệt như “Đệ tứ chu niên” hoặc “Đệ bát chu niên”, hoặc có những bài viết không dễ tìm như loạt bài “Từ 1927 đến 1937 – Mười năm làng báo Sài Gòn” của Ngọa Long đăng trên nhật báo Đuốc Nhà Nam, Sài Gòn, từ tháng Chín 1969, bài “Thử nhìn qua 100 năm báo chí. Báo chí hôm qua (1865-1965)” của Nguiễn Ngu Í, tạp chí Bách khoa, 217, 15/1/1966. Như vậy, có thể thấy rằng mặc dù có một lịch sử vô cùng phong phú, báo chí Việt Nam vẫn rơi vào tình trạng không được biết tới đầy đủ, có ít nghiên cứu, và nghiên cứu cũng thường xuyên đi theo hướng lập thư tịch, sưu tầm in lại, cũng không mấy
  4. khi phân chia lĩnh vực để nghiên cứu sâu, như báo chí văn chương chẳng hạn; lĩnh vực hẹp duy nhất đã được khảo sát tương đối kỹ là báo chí cách mạng. Các hồi ký có rất nhiều và cũng là một nguồn thông tin hết sức hữu ích, nhưng nhiều khi mức độ khả tín của chúng cũng không hoàn toàn được đảm bảo. Việc nhầm lẫn, bỏ sót trong nghiên cứu báo chí cũng thường xuyên được nêu lên[10]. Nhưng thiếu sót lớn hơn cả có lẽ nằm ở chỗ báo chí, trong mối tương quan với văn học, chưa được nhìn nhận rộng hơn bản thân chúng, điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng chưa được nhìn nhận đúng với giá trị tự thân. Sự nối kết giữa bài đăng báo và sách in cũng bị coi nhẹ, chỗ đứng của các tác giả ở thế lưỡng đôi tác giả báo chí và tác giả sách in ít khi được đề cập. Trong bài viết này, nỗ lực của chúng tôi là tìm cách nhìn báo chí văn chương ở mức độ tổng quát, hệ thống, như một mô hình hoạt động với nhiều đặc tính hết sức quan trọng cho việc hiểu cặn kẽ lịch sử văn học Việt Nam. Liên quan tới đó là một “mô hình mẫu” dùng để so sánh của báo chí văn chương bên Pháp, và tiếp theo là các hệ quả của việc vận hành một mô hình báo chí như đã thấy, nhất là trong sự hình thành một mẫu tác giả chưa từng có trong lịch sử văn học Việt Nam. Điều này cũng là dễ hiểu, bởi trong quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, sự xuất hiện của báo chí ở tầm mức như ta đã thấy hồi đầu thế kỷ XX là một đặc điểm rất mới, và không thể không có những tác động, những kết quả đặc biệt.
  5. Về từ ngữ được sử dụng: đặc biệt cần lưu ý là thuật ngữ “báo chí văn chương” cần được hiểu rộng hơn là một tờ tạp chí hoặc một tờ báo chỉ chuyên viết về văn chương đơn thuần. Trước 1945, gần như không có một tờ báo nào chuyên chú tuyệt đối về văn chương, hiện tượng sau này mới xuất hiện như Tạp chí Văn học ở miền Bắc hay các tạp chí Văn học vàVăn ở miền Nam (cả ba đều xuất hiện vào đầu những năm 1960, tờ đầu tiên vẫn còn tồn tại, hai tờ sau đã ngừng từ 1975). Vấn đề này đều được các nhà văn học sử xưa nay bàn tới, chẳng hạn như Nguyễn Sỹ Tế trong Việt Nam văn học nghị luận[11] viết: “không những ta phải cứu xét lịch trình tiến hóa của văn chương, của ngôn ngữ mà còn phải cứu xét lịch trình tiến hóa của học thuật, của tư tưởng Việt Nam[12]”. Khái niệm “văn học” hay “văn chương” ở Việt Nam luôn lớn hơn bản thân “văn học thuần túy”. Cũng Nguyễn Sỹ Tế đã gọi Đông Dương tạp chí là “cơ quan văn học đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ[13]”, dù Đông Dương tạp chí hay Nam phong đều không thể coi là thuần túy văn chương được, mà lớn hơn vậy: “[v]iết bài khảo cứu và bình luận về văn học, phiên âm và dịch nghĩa các sách cũ, sưu tập các thơ văn cổ, in các sách quan trọng…[14]” Mặt khác, các tạp chí Pháp dùng để so sánh, đối chiếu về mặt mô hình như trình bày dưới đây phần nhiều cũng không có tính chất chuyên biệt về văn học (tức chỉ đăng sáng tác và bình luận văn học), mà thường bao gồm cả chính trị, xã hội… Điều quan trọng là có sự tương đồng nổi bật giữa cách thức tổ chức và vận hành của các tạp chí ở Pháp và ở Việt Nam tương đối đồng thời với nhau.
  6. Báo chí: một vấn đề của lịch sử văn học Ở Việt Nam thời chiến tranh, nghiên cứu văn học ở hai miền Bắc, Nam có những khác biệt đáng kể. Trong lĩnh vực lịch sử văn học, miền Bắc có nhiều công trình tập thể, còn miền Nam lại chủ yếu thiên về các công trình cá nhân. Cách phân kỳ lịch sử cũng rất khác nhau[15]. Bằng Giang viết Mảnh vụn văn học sử vào năm 1974 nên có cái nhìn đủ bao quát về các công trình lịch sử văn học miền Nam thời kỳ đó; ông cho biết mới chỉ có hai bộ văn học sử đáng kể đã hoàn thành, là bộBảng lược đồ văn học Việt Nam của Thanh Lãng và bộ Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (3 tập, 1961-1965) của Phạm Thế Ngũ, ngoài ra còn có một số bộ chưa hoàn thành như Lịch sử văn học Việt Nam của Lê Văn Siêu, Việt Nam văn học toàn thư của Hoàng Trọng Miên, Văn học Việt Nam của Phạm Văn Diêu. Những người khác cũng đóng góp vào việc viết lịch sử văn học có thể kể đến là các tác giả Nguyễn Tường Phượng, Phan Văn Sách, Bùi Hữu Sủng của Việt văn diễn giảng, Nguyễn Tường Phượng và Bùi Hữu Sủng của Văn học sử Việt Nam (tiền bán và hậu bán thế kỷ XIX), Thái Bạch củaThi văn quốc cấm thời Pháp thuộc, Thanh Ngôn của Đường lối văn nghệ dân tộc, Hán Chương Vũ Đình Trác của Văn học sử cận đại và hiện đại… Cũng như các nhà văn học sử miền Bắc, các nhà văn học sử miền Nam phần nhiều đều có đề cập tới báo chí, nhưng cũng đều không thực sự tập trung nghiên cứu.
  7. Cho đến khi Huỳnh Văn Tòng viết Lịch sử báo chí Việt Nam, gần như đây vẫn còn là một mảng trắng trong lịch sử văn học vốn vẫn đặt mối quan tâm hàng đầu vào sách in chứ không phải báo chí. Huỳnh Văn Tòng viết trong “Lời tựa” của cuốn sách: “Riêng ở Việt Nam những sách xuất bản về loại này cho đến nay gần như vắng bóng, không có một tác phẩm nào hoặc thậm chí không có ai nói đến lịch sử báo chí vì hình như môn này quả còn mới mẻ đối với các tác gia Việt Nam. Người ta chỉ thấy rải rác đây đó một vài bài báo hoặc một hai tác phẩm nói đến một vài câu chuyện có liên quan đến báo chí, nhưng hoàn toàn có tính cách hồi ký không có tính cách khoa học, hệ thống nên không có lợi về phương diện khảo cứu[16]”. Nguyễn Văn Trung, trong “Đôi lời giới thiệu” cho cuốn sách, sau khi khẳng định tầm quan trọng của báo chí: “Riêng về văn học, báo chí thời kỳ đầu ở Việt Nam đã là nơi phát xuất và nuôi dưỡng những thể văn, khuynh hướng văn mới, nhất là những thể văn, khuynh hướng văn chương chịu ảnh hưởng Tây phương[17]”, rồi: “Một nhà biên soạn văn học sử thời cận đại và hiện đại không thể không dành một đôi chương nói về vai trò và công dụng của báo chí trong việc phát huy và phổ biến văn học[18]”, nhưng ngay sau đó cũng nêu nhận xét: “[H]ình như chưa có một công trình biên soạn quy mô một cách khoa học, có hệ thống, dựa vào những tài liệu xác thực[19]”. Điều khó khăn lớn nhất của nghiên cứu báo chí là khối lượng tài liệu đồ sộ. Ở trường hợp đặc thù Việt Nam, vấn đề này còn lớn hơn nhiều. Đánh giá cuốn Lịch
  8. sử báo chí Việt Nam của Huỳnh Văn Tòng, Bằng Giang trong Mảnh vụn văn học sửcho rằng “[m]ột luận án như vậy tại Việt Nam rất khó mà thành hình[20]”, bởi vì “vấn đề lưu trữ và thư viện không được chú trọng đúng mức […] Thêm vào đó, sự ăn cắp và sự cướp đoạt công khai vô tội vạ làm cho cái vốn đã nghèo nàn của mình lại càng nghèo nàn thêm[21]”. Ở miền Bắc tình hình cũng tương tự: trong hồi ký của mình, Nguyễn Công Hoan viết: “Trong kháng chiến, Thư viện [tức Thư viện Trung ương] bị mất cắp gần hết[22]”. Các nhà nghiên cứu Pháp tuy không gặp nhiều khó khăn về việc mất mát tài liệu, nhưng sự đồ sộ của những gì còn lại cũng khiến cho công việc trở nên hết sức khó khăn; có thể nói rằng lịch sử báo chí ở Pháp cũng mới chỉ là một ngành nghiên cứu hết sức mới mẻ. Ngoài các công trình in lại[23], một trong những tác phẩm quan trọng nhất cho tới nay là bộ sách mang tên André Gide et le premier groupe de “La Nouvelle Revue française”[André Gide và nhóm đầu tiên của “Tạp chí Pháp mới”] của Auguste Anglès[24] phần nào cho thấy tầm vóc của vấn đề: mục đích của Auguste Anglès là viết lại lịch sử của tờ tạp chí NRF huyền thoại, nhưng ông phải cần tới hàng nghìn trang sách để viết xong được quãng thời gian đầu tiên tồn tại của tờ tạp chí, và thậm chí còn qua đời trước khi làm xong phần công việc này. Nếu biết rằng NRF ra đời vào năm 1909 (đúng ra là năm 1908 nhưng bước khởi đầu không thành công) và ngày nay vẫn còn tồn tại, thì có thể nói rằng viết lịch sử riêng một tờ tạp chí thành công đã là một công việc gần như bất tận. Auguste
  9. Anglès mới chỉ đề cập được tới giai đoạn khởi đầu, phân tích tỉ mỉ từng sự kiện dù là nhỏ nhất mà ông cho là quan hệ trong đời sống của tờ tạp chí, còn bỏ ngỏ những giai đoạn cũng hết sức nổi tiếng sau này, như giai đoạn tờ tạp chí nằm dưới quyền điều hành của Jacques Rivière, rồi Jean Paulhan, và cả giai đoạn “tế nhị” khi tờ báo dưới quyền Drieu La Rochelle bị xem là cộng tác với chính quyền Đức thời Chiếm đóng. Đưa ra ví dụ về công trình liên quan tới NRF ở đây còn có ý nghĩa không nhỏ về mặt so sánh: các nhà văn Việt Nam thời Pháp thuộc, nhất là giai đoạn từ sau 1920, hết sức thân thuộc với vô số tác giả của NRF, trong đó quan trọng hơn cả là André Gide nhà sáng lập, nhưng không chỉ có vậy, mà còn có hàng loạt nhà văn, nhà phê bình thuộc nhóm này, hoặc là cộng tác viên chặt chẽ, hoặc nữa là từng xuất hiện ở đây, như Alain-Fournier, Valery Larbaud, Jacques Rivière… Một phân tích sâu hơn chắc hẳn có thể tìm ra không ít mối liên quan mang tính “học tập” giữa NRF và nhiều tạp chí Việt Nam vốn ra đời không lâu sau mốc 1909 (Đông Dương tạp chí ra đời chỉ sau đó 4 năm, Nam phong 8 năm, rồi đến những năm 1920 xuất hiện các tờ như Hữu thanh, Thực nghiệp dân báo, và đặc biệt bùng nổ vào những năm 1932-1934). Thậm chí bìa sách của một số nhà xuất bản thời ấy, như nhà xuất bản Tân Việt, có thể xem là mô phỏng bìa sách của nhà xuất bản Gallimard vốn được thành lập ban đầu trực thuộc NRF và cho tới giờ vẫn để tên “NRF” trên bìa sách của mình.
  10. Quay trở lại với Auguste Anglès và công trình của ông về NRF: Trong bài phỏng vấn với phụ trương Le Monde des livres của tờ Le Monde ngày 15 tháng Ba năm 1973, Anglès đã giải thích về cách làm việc của mình như sau: “Tôi đến đọc tại đó [thư viện Doucet - nơi lưu giữ tài liệu liên quan tới NRF] và thấy khiếp sợ. Thế mà đó mới chỉ là một phần trong thư từ trao đổi giữa Gide và những người sống cùng thời với ông […] Tôi đối diện với một cơn thủy triều, một đợt hồng thủy […] Những người ấy lúc nào cũng viết thư cho nhau, viết nhật ký đều đặn hoặc ghi chép vào sổ tay. Họ giữ lại tất cả […] Tôi không có phương pháp nào cả, tôi chỉ tìm cách lần theo những đường nét rõ ràng của những gì có được và tái hiện bầu không khí của những gì đã qua […] Thật điên rồ khi nghĩ rằng có thể tái hiện được hoàn toàn những gì đã qua. Cần phải tìm ra một số đầu mối chính, một số thời điểm mang tính quyết định[25]”. Một sử gia làm việc với báo chí gần giống như một người phải lần mò trong một mê cung, hy vọng tìm được một sợi dây dẫn đường. Về tình hình nghiên cứu báo chí nói chung, có thể đọc lời tổng kết của Olivier Corpet trong “Lời nói đầu” cuốn sách nhiều tác giả La Belle Époque des Revues, 1880-1914 [Thời kỳ rực rỡ của các tạp chí, 1880-1914]: “Rốt cuộc các tạp chí cũng bắt đầu thu hút giới sử gia. Và lịch sử các tạp chí bắt đầu được viết ra. Chắc chắn là đã từng tồn tại một số công trình nổi danh về nhiều tạp chí tiếng tăm, như công
  11. trình của Auguste Anglès về những năm đầu tiên của NRF hay công trình của Michel Décaudin về các tạp chí thơ cuối thế kỷ XIX. Trong vòng mười lăm, hai mươi năm gần đây bên cạnh những bộ sách quan trọng đó đã có thêm các nghiên cứu tổng thể (chẳng hạn về Các tạp chí nghệ thuật ở Paris, 1905-1940), các chuyên khảo (về La Revue Blanche, Les Temps modernes, Critique, Théâtre Populaire, Esprit hay Revue des Deux Mondes) và một số tác phẩm có giá trị nhưng rất không may là vẫn ở dưới dạng luận án, không dễ tham khảo[26]”. Trước đây, khi báo chí còn chưa thực sự trở thành một đối tượng nghiên cứu tại Pháp, các công trình có liên quan chủ yếu ở dưới dạng “điều tra”, chẳng hạn cuộc điều tra năm 1924 do Maurice Caillard và Charles Forot tiến hành, về “Các tạp chí tiền phong (1870-1914[27]”, hay cuộc điều tra của Eugène Montfort mang tên “Hai mươi lăm năm văn học, Bức tranh cuộc sống văn học từ 1895 đến 1920[28]”. “Điều tra” có thể coi là một nét khá riêng biệt trong nghiên cứu văn học truyền thống ở Pháp, với một cuộc điều tra hết sức nổi tiếng, cho đến nay vẫn thường xuyên được trích dẫn, cuộc điều tra của Jules Huret in năm 1891 mang tên Enquête sur l’évolution littéraire [Điều tra về cuộc tiến hóa văn chương]. Rất có thể một số tác phẩm khảo cứu văn học tại Việt Nam đã lấy cảm hứng từ cách làm này, mà ví dụ điển hình là cuốn sách của Lê Thanh, Cuộc phỏng vấn các nhà văn[29].
  12. Đến năm 1986 thì ngành nghiên cứu báo chí tại Pháp có một bước ngoặt quan trọng: sự ra đời của một tờ tạp chí mang tên Revue des revues [Tạp chí về các tạp chí] (số đầu tiên ra vào tháng Ba năm 1986), thuộc hiệp hội Ent’revues. Đến đây thì những lời Olivier Corpet từng viết đã gần như trở thành sự thật: “tạp chí dần dần trở thành một đối tượng nghiên cứu tự thân, cốt yếu, ở đúng vào vị trí trung tâm, có tính chất ma trận, có tính chất sản sinh, mà nó nắm giữ trong lịch sử văn học, tư tưởng và hình thức[30]”. Tờ tạp chí mới đã cho đăng nhiều nghiên cứu quan trọng, ví dụ như bài viết “Rachilde và Alfred Vallette và sự hình thành Le Mercure de France” của Edith Silve,Revue des revues số 2, bài viết về Georges Sorel, nhân vật quan trọng trong quá trình du nhập chủ nghĩa Marx vào Pháp, mang tên “Sorel và các tờ tạp chí của ông” của Christophe Prochasson, Revue des revues số 2, hay bài viết về cuộc đời làm báo của nhà phê bình văn học nổi tiếng Denis de Rougemont trên Revue des revuessố 3. Để kết luận cho phần này, có thể nêu một số nhận xét: nghiên cứu báo chí và lịch sử báo chí là một lĩnh vực cho đến nay vẫn còn ở trạng thái phôi thai, lúng túng không chỉ ở Việt Nam, tuy nhiên đây hoàn toàn không phải là một “công việc bất khả”; một khi báo chí đã thực sự trở thành một đối tượng nghiên cứu tự thân, tự thu hút các nhà nghiên cứu nghiêm túc quan tâm đến, thì kết quả thu được sẽ là không nhỏ. Để làm được công việc nghiên cứu báo chí và lịch sử báo chí, nhà nghiên cứu nhất thiết phải đương đầu với một khối lượng tài liệu đặc biệt lớn, một
  13. tính chất “sôi sục” trong cách hành văn, cách đặt vấn đề, phải xử lý vô số điều nảy sinh, với rất nhiều chi tiết cần kiểm chứng, đối chiếu chéo nhằm tìm ra những sự kiện chính xác, cách diễn giải đúng đắn, tôn trọng lịch sử và sự thật. Có một điều không khó để nhận ra là báo chí chính là nơi tuyệt đại đa số nhà văn mới vào nghề đã thử sức, và người ta thường xuyên tìm lại trong kho báo chí để tìm những gì một nhà văn thành danh từng viết thuở ban đầu, và kết quả rất nhiều khi cho thấy rằng ngay ở buổi ban đầu một nhà văn sau này nổi tiếng đã có những bài viết hết sức quan trọng, diễn tả rất đầy đủ nhân sinh quan, cách nhìn, lối viết, cũng như đã bộc lộ rất nhiều tài năng. Lịch sử văn học thế giới đã ghi lại nhiều trường hợp các nhà văn đặc biệt gắn bó với báo chí. Marcel Proust không chỉ có bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất, mà ngay từ khi còn rất trẻ ông đã tham gia rất nhiều tờ tạp chí, viết rất nhiều bài, và sau này cũng đã miêu tả hết sức tinh tế cảm giác của một thanh niên trẻ lần đầu tiên thấy có bài được đăng trên báo. Jean Starobinski, nhà phê bình văn học người Thụy Sỹ nổi tiếng, cũng kể lại niềm hứng khởi thời trẻ của mình như sau: “Tham vọng đầu tiên của tôi không phải cuốn sách, mà là những trang viết được nhận vào một tờ tạp chí[31]”. Nhà văn Nhật Tiến dành rất nhiều trang cuốn hồi ký Thuở mơ làm văn sĩ để kể lại kinh nghiệm lần đầu tiên được đăng báo của mình: “Ước mơ nhỏ bé của tôi chỉ vừa vặn bằng một phần tư trang nhật báo hằng ngày[32]” – ước mơ của Nhật Tiến hồi đó là được báo Giang sơn (một tờ nhật báo tại Hà Nội, số đầu 4/4/1950, số cuối 11/8/1954)
  14. đang truyện do ông viết. Khi tờ báo đăng truyện, đọc được ở bảng thông tin công cộng, Nhật Tiến thấy mặt “đỏ bừng, hai tai nóng rừng rực, con tim […] thì ôi thôi khỏi nói, nó đập thòm thòm như trống trận. Một niềm sung sướng hãnh diện, tràn ngập trong lòng” và “nó khiến tôi như muốn bay bổng lên trời cao, nó làm mắt của tôi hoa lên, nhìn ra chung quanh, chỗ nào cũng sáng rực. Mặt hồ phẳng lặng, tháp rùa êm ả phơi trong nắng thu đầm ấm, cầu Thê Húc với màu đỏ son như rực rỡ hơn mọi ngày, tất cả những hình ảnh ấy cùng một lúc nhảy múa pha trộn và hò nhịp với những dòng chữ còn tươi màu mực in trên trang báo. Tên tôi ở đó. Những tim óc của tôi sau bao đêm cặm cụi đã phơi bày ở đó[33]”. Những tờ báo, những tờ tạp chí có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của rất nhiều nhà văn: nhà văn François Mauriac danh tiếng cũng kể lại lần cuốn tiểu thuyết của ông được tờ NRF viết bình luận ngắn ông đã sung sướng đến thế nào: “chỉ vì một bài bình luận vô cùng tầm thường, tôi cũng thấy ngây ngất, tôi cũng thấy vô cùng hạnh phúc[34]”. Thế nhưng báo chí lại không có được vai trò đặc biệt quan trọng như vậy trong văn học sử, cho dù rất nhiều thứ một nhà văn viết ra nhiều khi chỉ nằm trên các tờ báo, các tờ tạp chí, chứ không được in dưới dạng sách. Bỏ qua báo chí là bỏ qua một phần “cốt yếu” như Olivier Corpet từng nói.
  15. Nhờ vào những kết quả gần đây của các nghiên cứu lịch sử báo chí, ta có thể chỉ ra một số đặc điểm mang tính mô hình của báo chí, đặc biệt là các tạp chí văn chương, của Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Một số đặc điểm mang tính mô hình của tạp chí Việt Nam đầu thế kỷ XX trong sự so sánh với tạp chí Pháp Mối quan hệ sách-báo Trong hồi ký của mình, Nguyễn Công Hoan thuật lại bầu không khí văn chương thời ông mới bước vào công việc viết văn như sau: “Trước kia, người viết văn ra làm báo, và trong khi làm báo, vẫn viết văn. Báo nào cũng có đăng văn chương, nên văn chương ra đời bằng con đường của báo chí. Chưa có báo chí thuần túy về văn chương, cũng chưa có nhà xuất bản in những sách văn học[35]”, rồi: “thời đó, người ta lẫn lộn nhà báo với nhà văn, cũng như nhà văn với nhà báo[36]”. Từ nhận xét rất quan trọng của Nguyễn Công Hoan về việc “lẫn lộn” nhà văn với nhà báo, ta có thể hình dung được phần nào mức độ khó của việc phân chia rạch ròi giữa báo chí và văn chương. Trong tâm trí những người thời ấy, những người “ở bên trong”, việc phân chia này có lẽ là hoàn toàn không cần thiết, báo chí và văn chương có một cuộc sống chung lý tưởng, không hẳn là một sự tiến triển đi lên từ báo sang sách, mà hai lĩnh vực này đều có chỗ đứng riêng trong sự liên kết chặt
  16. chẽ vô cùng, tầm quan trọng của báo chí trong cái nhìn của nhà văn không hề thua kém tầm quan trọng của sách in. Hơn thế nữa, các nhà xuất bản giai đoạn đầu này cũng là các thiết chế gắn liền với những tờ báo: ta có thể thấy tên các nhà xuất bản như “Đông Dương tạp chí”, Tự lực Văn đoàn có tờ Ngày nay thì đồng thời cũng có các nhà xuất bản Ngày nay và Đời nay… Trường hợp này không khác mấy so với trường hợp nhà xuất bản Gallimard đã được nhắc tới ở phần trên. Nhà văn của thời kỳ này đối diện với trang báo đồng thời với trang giấy viết văn. Vẫn là Nguyễn Công Hoan viết: “Báo ra đời nhiều dần là miếng đất tốt cho việc gieo hạt văn chương[37]”. Điều này cũng là dễ hiểu, vì ở giai đoạn này, hình thức phơi-ơ-tông (feuilleton) hết sức phổ biến. Nguyễn Công Hoan cho biết: “Trước kia, những truyện dài tôi đăng trên các báo hàng tuần, không phải tôi đã viết xong cả truyện, mà chính là tôi đã viết từng hồi để gửi ngay đăng vào từng kỳ[38]”. Nguyễn Công Hoan không phải là người duy nhất gia nhập “làng phơi-ơ-tông”, mà đây là một hiện tượng hết sức phổ biến thời ấy: “Việc viết dần từng hồi là tôi bắt chước lối làm việc phổ biến của anh em viết truyện trên báo hồi bấy giờ. Vũ Trọng Phụng cũng thế. Ngô Tất Tố cũng thế. Chỉ khi nào in thành sách mới sửa chữa lại toàn truyện[39]”. Viết phơi-ơ-tông đăng báo không chỉ là công việc của các nhà văn, mà ở các nhà nghiên cứu cũng rất thịnh hành: bộ sáchĐại Nam dật sử sau này của Ứng Hòe
  17. Nguyễn Văn Tố là tập hợp các bài ông viết trên Tri tân, và ta còn có thể kể rất nhiều ví dụ khác như Phan Văn Hùm, Đào Trinh Nhất… Ngày nay hình thức phơi-ơ-tông gần như không còn nữa, nhưng thật ra hình thức này không chỉ tồn tại ở Việt Nam trước 1945. Tại Sài Gòn trước 1975, gần như nhà văn nổi tiếng nào cũng viết phơi-ơ-tông. Khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Vănvào năm 1973, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ cho biết: “Vì viết nhiều feuilleton mà không có đặt dàn bài trên mặt giấy nên tôi dễ bị lẫn lộn, nhầm lẫn nhân vật và cốt truyện […] Nếu không viết feuilleton, có thể là mỗi năm tôi hoàn tất một tác phẩm là cùng[40]” Nhà văn Võ Phiến cũng từng phàn nàn về việc ai ai cũng viết phơi-ơ- tông, không chỉ những nhà văn nổi tiếng về lĩnh vực này như Lê Xuyên, Dương Nghiễm Mậu hay Mai Thảo, mà đến cả Thanh Tâm Tuyền, một nhà thơ, nhà văn rất kén người đọc, cũng viết phơi-ơ-tông. Theo Võ Phiến, công việc này vô hình trung đã khiến văn hóa viết quay trở lại gần với văn hóa nói[41]. Quả thực, việc nhà văn đối diện với trang báo cùng lúc đối diện với trang giấy trắng đã không chỉ làm cho bầu không khí văn chương Việt Nam trước 1945 có phong vị của truyền thống nói hơn hẳn so với truyền thống viết, mà còn khiến khoảng cách giữa báo chí và sách in bị thu hẹp, khó phân định hơn bao giờ hết. Mọi sự bỏ qua hoặc đặt nhẹ vai trò của báo chí đều làm giảm bớt khả năng hiểu được chính xác một quá trình, một thời kỳ văn học hết sức đặc thù và cũng vô cùng
  18. lý thú. Đúng như nhận xét của Huỳnh Văn Tòng trong Lịch sử báo chí Việt Nam, “ta thấy rằng văn học Việt Nam hiện đại thoát thai từ báo chí, khác với trường hợp ở các nước Tây phương là văn học đẻ ra báo chí[42]”. Huỳnh Văn Tòng cũng nêu một nhận xét then chốt về vai trò báo chí trong nền văn học thời ấy: “Khi nghiên cứu văn học hiện đại, chúng ta hẳn chú ý rằng đa số các tác phẩm văn học đều đăng trước nhứt trên mặt báo, sau đó mới in thành sách. Bởi vậy, theo thiển ý chúng tôi, muốn nghiên cứu văn học hiện đại, ta nên xem qua lịch sử báo chí. Các nhà văn nổi tiếng lúc bấy giờ thường dùng báo chí để đăng tải lần hồi các tác phẩm văn học do họ sáng tác[43]”. Nhận xét của Huỳnh Văn Tòng rất chính xác đối với nền báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX, nhưng cũng rất dễ làm người ta hiểu nhầm về vai trò của báo chí trong nền văn học Pháp cùng khoảng thời gian. Báo chí Pháp thời ấy cũng có gắn bó mật thiết với văn chương, về mặt nào đó là tương tự như hiện tượng xảy ra ở Việt Nam. Tờ NRFmở ra với tiểu thuyết La Porte étroite [Khung cửa hẹp] của André Gide; tờ báo cũng là nơi đăng tải trước nhất một số tiểu thuyết nổi tiếng của văn học hiện đại Pháp, trong đó có Barnabooth của Valery Larbaud và đặc biệt là cuốn tiểu thuyết lừng danh, cũng là cuốn tiểu thuyết duy nhất trong cuộc đời nhà văn Alain- Fournier, Le Grand Meaulnes [Anh Môn cao kều], được đăng trên nhiều kỳ NRF trong năm 1913. Chắc hẳn nhiều nhà văn Việt Nam đã đọc được một số tác phẩm quan trọng của văn học Pháp thông qua những tờ tạp chí như thế này.
  19. Trên thực tế, NRF là tờ tạp chí thành công nhất trong lịch sử văn học Pháp về phương diện tiểu thuyết. Điều này cũng là dễ hiểu, vì người sáng lập ra tờ tạp chí chính là một trong những tiểu thuyết gia lớn nhất của Pháp, André Gide. Sau này nhìn lại, nhà phê bình Albert Thibaudet, cũng là một nhân vật quan trọng của NRF, từng giữ mục cho tờ tạp chí trong nhiều năm, đã viết: “NRF giai đoạn trước chiến tranh đã có một bước đi mang tính quyết định, tạo ra một ảnh hưởng sâu sắc, dù cho chỉ ở một điểm duy nhất là tiểu thuyết. Hẳn là tôi cũng không quá lời khi nói rằng mọi chuyện đã diễn ra như thể nó thực sự đã từng là một viện hàn lâm tiểu thuyết. […] Từ những năm ba mươi của thế kỷ XIX, rất ít thời kỳ và nơi chốn có được nhiều sáng tạo tiểu thuyết như ở NRF vào năm 1913[44]”. Điều này càng khẳng định thêm vai trò của báo chí trong sự phát triển của văn xuôi ở không chỉ Việt Nam, đặc biệt là tiểu thuyết, một thể loại không tĩnh lặng như ngày nay chúng ta thấy, mà ở giai đoạn đột phá về phát triển thể loại đã hết sức sôi động, thậm chí là náo nhiệt trên các trang tạp chí. Và đây cũng không hẳn là một hiện tượng hoàn toàn mới mẻ trong lịch sử phát triển sóng đôi của tạp chí văn chương và tiểu thuyết ở Pháp: ngay ở thế kỷ XIX, không ít cuốn tiểu thuyết, kể cả những bộ trường giang tiểu thuyết, đã được đăng dài kỳ trên các tờ báo và tạp chí. Ngay Gustave Flaubert, người luôn công khai chê trách, chỉ trích tính chất phù phiếm, tạm bợ của báo chí, cũng đã cho đăng tác phẩm quan trọng của mình, Madame Bovary, trên tờ Revue de Paris trong vòng ba tháng, từ tháng Mười đến tháng Chạp năm 1856.
  20. Sẽ không có gì là lạ khi với các nhà văn trẻ bắt đầu cầm bút, các tờ tạp chí danh tiếng có một vòng hào quang và một sức hút mãnh liệt. Trong kiểu môi trường ấy, những tờ tạp chí uy tín đồng nghĩa với văn chương cao cấp. Từ hào quang lại sinh ra hào quang. François Mauriac kể lại cảm tình nồng nhiệt của mình với tờ NRF, tờ tạp chí có vai trò vô cùng quan trọng với thế hệ nhà văn trẻ hồi ấy: “tôi thuộc về cái thế hệ coi tờ NRF là kim chỉ nam. Tôi đã ngay lập tức, và hết sức hứng khởi, toàn tâm toàn ý với NRF. Thật không may cho tôi, tình yêu này không hề được đáp lại[45]”. Các tờ báo và tạp chí trở thành một giai đoạn, một bước đi không thể bỏ qua, thậm chí là bắt buộc, đối với các nhà văn trẻ. Cũng có thể nói rằng rất nhiều hứng khởi, nhiệt tình của tuổi trẻ và tài năng văn chương đã được các nhà văn dành cho những tờ tạp chí. Ở phương diện lý thuyết, lý thuyết gia của giai đoạn 1970-1980, Gérard Genette từng có một nhận xét lý thú: trong Figures IV, ông phân biệt “tính lý tưởng” của văn bản và “tính vật chất” của cuốn sách[46]. Hình dung từ điểm nhìn này, vấn đề quan hệ giữa tờ báo hay tờ tạp chí và cuốn sách sẽ rõ ràng hơn: sự khác biệt nằm ở mức độ sâu kín hơn nhiều so với vẻ bề ngoài đơn thuần; khi chuyển từ bài báo sang cuốn sách, có thể nói rằng đã có một chuyển hóa được thực hiện: chuyển hóa từ cấp độ ý tưởng sang cấp độ thực tế (khi ấy vẫn còn lại một điều cần quan tâm là những sửa chữa, thêm bớt trong thao tác này), thậm chí có thể nói rằng “văn hóa báo chí” và “văn hóa sách”, tùy theo tương quan mức độ quan trọng mà
nguon tai.lieu . vn