Xem mẫu

  1. BÀN VỀ TÍNH MỚI TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TS.Lương Công Nguyên Khoa Quản trị, Trường Đại học Luật TP.HCM TÓM TẮT Theo nhà xuất bản Elsevier, không đủ tính mới thuộc nhóm nguyên nhân hàng đầu mà các công trình nghiên cứu khoa học bị các tạp chí quốc tế từ chối công bố mà không cần xem xét. Có thể nói rằng ban biên tập của hầu hết các tạp chí đều yêu cầu tính mới trong một công bố khoa học. Do đó, những công trình nghiên cứu không có tính mới, không lôi cuốn người đọc, thì khó có cơ hội công bố trên các tạp chí quốc tế. Về nguyên tắc, mỗi công trình nghiên cứu khoa học được xuất bản phải có một hoặc nhiều khía cạnh mới lạ. Tuy nhiên, không phải tất cả các công trình được công bố đều mới lạ hoàn toàn. Một số công trình công bố những ý tưởng mới, chưa từng được công bố trước đây, trong khi những công trình khác củng cố hoặc xác nhận những ý tưởng đã được công bố trong một bối cảnh mới hoặc môi trường mới. Vậy tính mới là gì? Cách thức nào để tìm được tính mới trong nghiên cứu và trình bày tính mới trong công bố công trình nghiên cứu như thế nào? 1. Tính mới trong nghiên cứu khoa học Tính mới, tính độc đáo và tính tiên phong là ba khái niệm quan trọng liên quan đến xuất bản khoa học (Morgan 1985, 2), trong đó tính mới là một khía cạnh quan trọng của bất kỳ nghiên cứu nào, đặc biệt là trong thời hiện đại. Tính mới của một nghiên cứu có nhiều khái niệm khác nhau. Một số học giả đã thảo luận về tính mới của nghiên cứu liên quan đến những kết quả mới nhất, trong khi những người khác cho rằng tính mới liên quan đến sự thú vị của nghiên cứu. Kuhn (2012) cho rằng khoa học phát triển thông qua sự đổi mới và nghiên cứu trên những khái niệm mới lạ. Theo Cohen (2017) thì tính mới có thể bao gồm việc chứng minh một vấn đề đã được công bố trước đó trong một hệ thống mới để kiểm tra một giả thuyết chưa được đề cập trong công bố đó. Trong khi đó, Raymond (2014) cho rằng tính mới của một nghiên cứu dựa trên nguyên tắc cơ bản rằng giá trị của một nghiên cứu không nằm ở mức độ nỗ lực của nhà nghiên cứu dành cho nó; đúng hơn, giá trị của nghiên cứu nằm ở tính mới của kết quả. Mishra và Torvik (2016) định nghĩa tính mới là sự kết hợp của một trong ba nội dung: Giả thuyết, Phương pháp và Kết quả. Nhìn chung, tính mới có thể là phương pháp mới, cách tiếp cận mới, kết quả mới, cách diễn giải mới, v.v… Tính mới là giá trị chính của hầu hết các nghiên cứu khoa học. Một nghiên cứu không có tính mới thì gần như không có giá trị để thực hiện. Với những tiến bộ công nghệ trong mọi lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, việc tìm kiếm một chủ đề có tính mới thường là một thách thức. Tuy nhiên, cũng không nhất thiết mọi nghiên cứu khoa học đều phải hoàn toàn mới nguyên 93
  2. bản, thông thường các nghiên cứu khoa học sẽ luôn có một số trùng lặp nhất định với các nghiên cứu đã thực hiện trước đó. Ví dụ, một phương pháp mới có thể được sử dụng để tạo ra kết quả cho một vấn đề cần nghiên cứu mà đã có sẵn một phương pháp luận được công bố trước đó, ở đây, tính mới nằm ở phương pháp luận, là hệ thống cơ sở lý luận cho phương pháp nghiên cứu mới được sử dụng. Đôi khi, tính mới cũng có thể là kết quả nghiên cứu trái ngược với kết quả đã được công bố trước đó. Những thay đổi trong các phương pháp luận được công bố trước đây dẫn đến một kết quả khác nhau cũng có thể được coi là mới lạ. Công trình nghiên cứu khoa học bắt đầu từ việc (i) phát sinh ý tưởng (ideas), (ii) đưa ra giả thuyết (hypothesis), (iii) tìm phương pháp (methods), (iv) đưa ra kết quả nghiên cứu (results), và (v) diễn giải kết quả nghiên cứu (interpretation), vậy nên khi đề cập đến tính mới trong nghiên cứu cũng có thể đề cập đến những yếu tố mới có liên quan đến ít nhất một trong 5 nội dung trên, tuy nhiên, vì kết quả nghiên cứu và diễn giải kết quả phụ thuộc vào dữ liệu thu thập được và phương pháp phân tích. Do đó, có thể xem tính mới trong nghiên cứu khoa học là một sự liên kết giữa ý tưởng, phương pháp và dữ liệu nghiên cứu. Sau khi kết hợp các yếu tố chính, nhà nghiên cứu có 8 trường hợp về tính mới trong nghiên cứu khoa học, bao gồm: 1) Ý tưởng mới + Dữ liệu mới + Phương pháp mới 2) Ý tưởng mới + Dữ liệu mới + Phương pháp cũ 3) Ý tưởng mới + Dữ liệu cũ + Phương pháp mới 4) Ý tưởng mới + Dữ liệu cũ + Phương pháp cũ 5) Ý tưởng cũ + Dữ liệu mới + Phương pháp mới 6) Ý tưởng cũ + Dữ liệu mới + Phương pháp cũ 7) Ý tưởng cũ + Dữ liệu cũ + Phương pháp mới 8) Ý tưởng cũ + Dữ liệu cũ + Phương pháp cũ Trong 8 trường hợp trên, chỉ có trường hợp cuối cùng là không mới; 7 trường hợp còn lại đều có thể xem là có đóng góp mới cho khoa học. Do đó, khi nói đến tính mới trong nghiên cứu khoa học, có thể xem rằng ý tưởng hay vấn đề có thể cũ, nhưng nếu các nhà nghiên cứu có một cách tiếp cận bằng một phương pháp mới hay dữ liệu mới thì vẫn được xem là đóng góp nội dung có tính mới vào tri thức khoa học. Thậm chí, có khi ý tưởng và phương pháp không mới, nhưng được thực hiện trên một cơ sở dữ liệu mới để có được kết quả và cách diễn giải mới thì vẫn được xem là một đóng góp mới vào tri thức khoa học. Từ cách tiếp cận trên, để nghiên cứu có tính mới có thể xem xét thực hiện các nội dung liên quan đến: 1) Phát triển một lí thuyết mới, mô hình mới. 94
  3. 2) Thực hiện những giả thuyết mới về một vấn đề mà chưa công bố trước đây. 3) Phát triển một công cụ nghiên cứu mới hay một kĩ thuật phân tích mới. 4) Thực hiện nghiên cứu về một vấn đề mới trong bối cảnh hiện tại. 5) Phát triển một mô hình mới để tiếp cận và giải quyết một vấn đề đã công bố. 6) Cung cấp dữ liệu mới hay kết luận mới cho vấn đề đã công bố trước đây. 7) Đánh giá lại tác động của một lí thuyết hoặc mô hình trong bối cảnh mới. 2. Cách thức tìm tính mới trong nghiên cứu khoa học Để thực hiện tìm kiếm tính mới cho công trình nghiên cứu, nhà nghiên cứu sẽ cần tìm kiếm nhiều bài báo, công trình nghiên cứu đã được công bố, tài liệu, tạp chí, sách để xem những gì đã được viết liên quan đến ý tưởng chủ đề mà nhà nghiên cứu dự kiến tiến hành thực hiện nghiên cứu. Bằng cách thực hiện tìm kiếm tính mới, nhà nghiên cứu sẽ hoàn thành một phần quan trọng trong nghiên cứu của mình. Đánh giá tổng quan vấn đề nghiên cứu là một bước cần thiết trong quá trình viết và khi thực hiện tìm kiếm tính mới, về cơ bản, nhà nghiên cứu sẽ hoàn thành đánh giá tổng quan về chủ đề nghiên cứu của mình. 2.1. Đọc và đánh giá nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố Khi thực hiện công trình nghiên cứu, nhà nghiên cứu phải chấp nhận rằng cần đọc và đánh giá rất nhiều nghiên cứu đã được công bố trước khi thực sự tiến hành dự án nghiên cứu của riêng mình. Điều này giúp nhà nghiên cứu hiểu công việc đã được thực hiện và công bố bởi các nhà nghiên cứu khác. Ngoài ra, nó còn cho nhà nghiên cứu biết đâu là những lĩnh vực cần nghiên cứu mới, nghiên cứu mở rộng, bổ sung hay khẳng định/phản bác. Vì vậy, nó cung cấp các ý tưởng hay về một chủ đề có tính mới. Việc đọc và đánh giá tài liệu nên được thực hiện trong giai đoạn hình thành ý tưởng, để xác định xem một lĩnh vực cụ thể có đáng để tiến hành nghiên cứu hay không. Nhà nghiên cứu cần phải xem xét tài liệu kỹ lưỡng để tạo ra một ý tưởng tốt cho công trình nghiên cứu của mình. Đọc nhiều tài liệu nghiên cứu, sách, tạp chí và các tài liệu khác có liên quan. Và hãy tự hỏi đâu là chủ đề tốt nhất có thể giúp nhà nghiên cứu tiến hành một nghiên cứu có giá trị. Nói chung, quá trình tìm kiếm tính mới khi đánh giá các nghiên cứu đã công bố bao gồm ba bước chính: tiền xử lý, phân loại và khai thác tính mới (Zhang và Tsai 2009a). Giai đoạn tiền xử lý các tài liệu là công việc tìm kiếm các tài liệu có liên quan trong lĩnh vực nghiên cứu, sau đó tiến hành giai đoạn phân loại đưa các tài liệu vào các thư mục chủ đề, và sắp xếp các tài liệu trong chủ đề theo trình tự thời gian để đánh giá khai thác tính mới. Khai thác tính mới 95
  4. được thực hiện ở ba cấp độ khác nhau: cấp độ sự kiện, câu và tài liệu (Li và Croft 2005). 2.2. Đánh giá ý nghĩa của công trình nghiên cứu Đánh giá ý nghĩa của công trình nghiên cứu đối với cộng đồng hoặc khu vực. Không có lý do gì để thực hiện một nghiên cứu không có ý nghĩa. Tính có ý nghĩa của công trình nghiên cứu làm cho nó trở nên mới lạ và độc đáo. Đôi khi, nhà nghiên cứu viết một công bố công trình nghiên cứu không hoàn toàn độc đáo nhưng cách tiếp cận để tiến hành nghiên cứu là độc đáo. Rất ít nghiên cứu hoàn toàn mới lạ, hầu hết đều có một số tính mới và điều đó có thể chấp nhận được. Điều này cũng làm nổi bật một điểm quan trọng khác là nếu nhà nghiên cứu không tìm thấy tính mới mẻ, độc đáo và có ý nghĩa trong nghiên cứu của mình thì nên thay đổi chủ đề nghiên cứu, hoặc có thể nghĩ về một cách thức khác để tiến hành nghiên cứu. Có rất nhiều nghiên cứu đang diễn ra và được công bố, nhà nghiên cứu có thể kiểm tra các cơ sở dữ liệu khác nhau để đảm bảo rằng chủ đề và cách tiếp cận thực hiện nghiên cứu là có tính mới. 2.3. Tìm ra tính mới của nghiên cứu Tính mới của nghiên cứu đề cập đến một hoặc các yếu tố mới trong nghiên cứu, bao gồm phương pháp luận mới hoặc quan sát mới dẫn đến khám phá kiến thức mới. Một điều mới lạ có thể góp phần vào tiến bộ khoa học. Tính mới của nghiên cứu và tác động của nghiên cứu có thể là một cách chiến lược để thu hút sự chú ý của độc giả vào một bài báo nghiên cứu. Bản chất tính mới trong các kết quả thu được của công trình nghiên cứu cần được kết nối với ý nghĩa của chúng đối với khoa học cũng như ý nghĩa về mặt thực tiễn. Để tìm ra tính mới trong lĩnh vực nghiên cứu, các nhà nghiên cứu cần phải tiến hành tổng quan tài liệu kỹ lưỡng để tìm ra những gì được nghiên cứu và đâu là những khoảng trống cần được làm rõ. Bài đánh giá tài liệu này phụ thuộc vào kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu nên so sánh và liên kết công việc của họ với các nghiên cứu khác trước đó. Nhiều tạp chí có chỉ số tác động lớn sẽ có xu hướng ưu tiên chọn đăng các bài báo công bố có tính mới lạ. Với một số lượng lớn các nghiên cứu và sự phát triển khoa học nhanh chóng, tính mới trở thành một thách thức và áp lực đối với một số nhà nghiên cứu để đưa ra các nghiên cứu sáng tạo và phù hợp. 3. Cách thức trình bày tính mới trong công trình nghiên cứu khoa học Nhà nghiên cứu có trách nhiệm nêu bật tính mới trong công trình nghiên cứu của mình. Nhà nghiên cứu cần viết ra sự khác biệt trong công trình nghiên cứu của mình so với các nghiên cứu trước đây như thế nào và nó thể hiện nội dung mới lạ nào. Nhà nghiên cứu đã đạt được gì trong quá trình tiến hành thực hiện nghiên cứu? Điều này cũng sẽ giúp làm nổi bật tính độc đáo, hợp lý và sáng tạo trong công trình nghiên cứu đối với độc giả. 96
  5. Có nhiều cách nhà nghiên cứu có thể làm nổi bật tính mới của mình trong nghiên cứu. Tính mới phải được đề cập một cách chiến lược, trong phần tóm tắt, phần mở đầu và phần kết luận, cũng như trong phần nội dung chính của công trình nghiên cứu nếu thích hợp. Tất nhiên, quan trọng nhất là vấn đề mà nhà nghiên cứu giải quyết thông qua công trình nghiên cứu này. Đôi khi, nhà nghiên cứu sử dụng một phương pháp luận mới để giải quyết một vấn đề, vì vậy, hãy đề cập đến nó trong phần phương pháp nghiên cứu và dữ liệu, tuy nhiên, nhà nghiên cứu cần tránh tập trung phần lớn công sức vào việc mô tả phương pháp và diễn giải kết quả thực nghiệm, trong khi lại ít chú trọng vào việc viết phần mở đầu phù hợp. Quy tắc chung thường sử dụng trong việc làm nổi bật tính mới của công trình nghiên cứu, đó là phần mở đầu phải (a) mô tả bối cảnh tổng thể và sự cần thiết thực hiện nghiên cứu; (b) đánh giá ngắn gọn nhưng toàn diện về các nghiên cứu trước đó có liên quan, nhằm mục đích (c) có thể chỉ rõ các đóng góp của nghiên cứu phù hợp với bức tranh tổng thể của vấn đề nghiên cứu. Phần kết luận trong công trình nghiên cứu, nhà nghiên cứu cần cho người đọc biết nghiên cứu này giải quyết vấn đề như thế nào. Và, nó đã bổ sung gì vào khoảng trống kiến thức hiện tại. Thêm một số điểm trong phần thảo luận về những phát hiện mới của công trình nghiên cứu và những phát hiện đó có thể giúp ích như thế nào cho các nghiên cứu tiếp theo. Nói tóm lại, một công trình nghiên cứu phải thể hiện một đóng góp mới cho chuyên ngành, hay sáng tạo ra tri thức mới cho khoa học. Nhưng tính mới ở đây cần phải được hiểu trong khuôn khổ của một mô thức khoa học và được cộng đồng khoa học công nhận. Nội dung một công trình nghiên cứu không nhất thiết phải có tính mới hoàn toàn từ ý tưởng, phương pháp, dữ liệu, kết quả đến diễn giải, hay là những khám phá mang tính cách mạng trong một lĩnh vực, nhưng phải thể hiện một sự đóng góp có ý nghĩa vào tri thức của chuyên ngành và bổ sung vào khoảng trống tri thức khoa học hiện tại. TÀI LIỆU THAM KHẢO Cohen, Barak A. (2017). How should novelty be valued in science?. eLife, 6, e28699. doi: 10.7554/eLife.28699. Li, X. and Croft, W.B. (2005). Novelty detection based on sentence level patterns. in Herzog, O., Schek, H.-J., Fuhr, N., Chowdhury, A. and Teiken, W. (Eds), Proceedings of the 14th ACM International Conference on Information and Knowledge Management in Bremen, Germany, ACM, New York, NY. pp. 744-751. Kuhn, TS. (2012). The structure of scientific revolutions: 50th anniversary edition. University of Chicago Press. Mishra S, and Torvik VI. (2016). Quantifying conceptual novelty in the biomedical literature. Dlib Mag 22:9–10. doi: 10.1045/september2016-mishra. Morgan PP. (1985). Originality, novelty and priority: Three words to reckon with in scientific 97
  6. publishing. Canadian Medical Association Journal 132(1):8–9. Zhang, Y., and Tsai, F.S. (2009a). Chinese novelty mining. in Koehn, P. and Mihalcea, R. (Eds), Proceedings of the 2009 Conference on Empirical Methods in Natural Language Processing in Suntec, Singapore, Association for Computational Linguistics, Stroudsburg, PA. pp. 1561-1570. https://www.philstar.com/business/science-and-environment/2014/04/24/1315251/declaration- novelty-scientific-journal-articles https://www.journals.elsevier.com/biological-control/policies-and-guidelines/six-criteria-for- rejection-without-review https://www.philstar.com/business/science-and-environment/2014/04/24/1315251/declaration- novelty-scientific-journal-articles 98
nguon tai.lieu . vn