Xem mẫu

  1. 124
  2. BÀN VỀ THỰC TRẠNG TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN TẠI VIỆT NAM ThS. Lại Thị Thanh Loan Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam ThS. Vũ Thị Thúy Vân Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt Bài viết đánh giá về chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn từ năm 2010 đến nay. Kết quả phân tích cho thấy các biện pháp đưa ra đã mang lại hiệu quả tích cực đối với dòng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, thể hiện thông qua lãi suất và chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, một số giải pháp được đề xuất nhằm thúc đẩy dòng vốn tín dụng trong nông nghiệp nông thôn thời gian tới. Từ khóa: Chính sách tín dụng, nông nghiệp nông thôn, ngân hàng. Đặt vấn đề Ngành nông nghiệp là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế với 50% lực lượng lao động cả nước, 70% dân số sống ở nông thôn, có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu (2014 ước đạt 30,8 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 21%). Tuy nhiên, lượng vốn đầu tư vào nông nghiệp trước đây luôn ở mức thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra. Mặc dù Nhà nước đã chú trọng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhưng trên thực tế mới chỉ đáp ứng được 55% - 60% yêu cầu, vì vậy chưa phát huy hết tiềm năng trong lĩnh vực này. Để giải quyết tình trạng trên, từ năm 2010, Đảng và Nhà nước đã ban hành hệ thống các chính sách khá đầy đủ và tạo được điều kiện thuận lợi cho nguồn vốn tín dụng ngân hàng đến được với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (NNNT). 1. Đánh giá thực trạng triển khai các chính sách tín dụng hỗ trợ nông nghiệp nông thôn  Kết quả đạt được - Hệ thống văn bản pháp lý về chính sách tín dụng NNNT được hoàn thiện Văn bản pháp lý quan trọng và bao trùm nhất của chính sách tín dụng 125
  3. NNNT là Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT và Thông tư 14/2010/TT-NHNN ngày 14/6/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây là những văn bản nền tảng quy định các lĩnh vực được vay vốn, nguyên tắc cho vay, thời hạn vay vốn, lãi suất vay vốn… Tuy nhiên, trước những thay đổi của điều kiện sản xuất nông nghiệp khiến Nghị định 41 không còn phù hợp với thực tế, vào ngày 09/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/NĐ-CP (Nghị định 55) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhìn chung, Nghị định 55 đã khắc phục được nhiều hạn chế trong Nghị định 41, đánh dấu những nỗ lực của NHNN và các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách tín dụng đối các doanh nghiệp và cá nhân tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nông nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 10/2015/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 55. Thông tư này quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho vay, cơ cấu lại thời hạn nợ, cho vay mới, hồ sơ, trình tự thủ tục khoanh nợ, xóa nợ; tỷ lệ khấu trừ tối đa đối với tài sản bảo đảm của khoản cho vay NNNT theo Nghị định 55. Năm 2012, NHNN chọn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) làm trụ cột và giao nhiệm vụ cho ngân hàng này phải đạt dư nợ tín dụng ở khu vực NNNT chiếm từ 75 - 80% tổng dư nợ trong năm; khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) dành 20% tổng dư nợ để phục vụ cho lĩnh vực NNNT. Những đơn vị nào không có điều kiện giải ngân thì có thể chuyển số vốn tương ứng về cho Agribank thực hiện. Chính sách này đã tạo đà khuyến khích cho các NHTM tập trung cho vay đối với khu vực NNNT. Đáng chú ý, theo Thông tư số 20/TT-NHNN ngày 29/9/2010 của NHNN về hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ TCTD cho vay phát triển NNNT, các NHTM cho vay nông nghiệp nông thôn được giảm chi phí dự trữ bắt buộc trên 40% tổng dư nợ bình quân cuối các quý trong năm tài chính liền kề. Đồng thời, trong năm 2014, thực hiện Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ, chính sách về cho vay thí điểm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp theo các mô hình liên kết, mô hình áp dụng công nghệ cao 126
  4. trong sản xuất nông nghiệp, mô hình liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đã được triển khai. Về phía các TCTD, căn cứ quy định hiện hành và khả năng tài chính của mình, TCTD xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác (bao gồm cả miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau) nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, thông tư quy định tỷ lệ khấu trừ đối với tài sản bảo đảm của các khoản cho vay lĩnh vực NNNT tối đa bằng 100% so với tỷ lệ khấu trừ tối đa đối với từng loại tài sản bảo đảm tương ứng của khoản cho vay lĩnh vực khác. Đồng thời, quy định về các thủ tục, hồ sơ đề nghị xóa nợ đối với trường hợp khách hàng là tổ chức đầu mối thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị và doanh nghiệp NN ứng dụng công nghệ cao đã được áp dụng các biện pháp hỗ trợ, được khoanh nợ mà vẫn gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ, cần xử lý xóa nợ theo quy định tại Nghị định 55. - Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực NNNT tăng trưởng nhanh. Tốc độ tăng bình quân tín dụng NNNT trong 5 năm từ 2010 đến 2014 đạt mức 26,73% cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung trong cả thời kỳ (15%). Biểu đồ 1: Dư nợ tín dụng NNNT 2010-2014 Nguồn: NHNN Quan trọng hơn, nguồn vốn ngân hàng đang chuyển dần vào cả các dự án đầu tư trung dài hạn, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo đó, tỷ trọng dư nợ trung dài hạn đang có dấu hiệu gia tăng, từ mức 24,8% năm 2012 lên 32,2% trong năm 2014, bình quân giai đoạn 2012-2014 tỷ lệ nợ ngắn hạn là 67,8%. Đồng thời cơ cấu theo vùng cũng cho thấy tín dụng NNNT đã hướng tới các vùng địa lý có nông nghiệp là kinh tế trọng điểm như Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khu vực miền núi phía Bắc. 127
  5. Bảng 1. Cơ cấu dư nợ NNNT theo kỳ hạn Đơn vị: % Tỷ trọng DN Tỷ trọng DN Thời điểm ngắn hạn trung dài hạn 31/12/2012 75,2 24,8 31/12/2013 60,4 39,6 31/12/2014 67,8 32,2 Nguồn: NHNN - Các chính sách tín dụng đối với NNNT đều đạt kết quả tích cực, cụ thể: Cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo: việc đáp ứng kịp thời về vốn cho lĩnh vực này có tác động tích cực đến nhiều chiều, đặc biệt là đảm bảo giá thu mua lúa gạo cho hộ nông dân, cũng như chiến lược phát triển ngành này của quốc gia. Theo đó, chỉ tính riêng năm 2014, các NHTM đã đạt doanh số cho vay thu mua lúa gạo lên tới khoảng 94.250 - 94.350 tỷ đồng, trong đó riêng doanh số cho vay tại các địa phương vùng ĐBSCL đạt trên 73.000 tỷ đồng, chiếm tới 77% doanh số toàn quốc. Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong NNNT cũng đang có kết quả tích cực. Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay các đối tượng khách hàng khác nhau theo chương trình này lên tới khoảng gần 1.700 tỷ đồng, tăng trên 15% so với cuối năm 2013; trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt trên 1.300 tỷ đồng, dư nợ cho vay theo lãi suất tín dụng đầu tư ước tính đạt khoảng hơn 350 tỷ đồng. Thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về phát triển thủy sản: tính đến ngày 24/4/2015, các NHTM đã nhận được 157 bộ hồ sơ của chủ tàu tại 17/23 tỉnh, thành phố, ký hợp đồng tín dụng đóng mới nâng cấp 31 tàu với tổng số tiền là hơn 270 tỷ đồng và đã ký hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp cho 28 tàu với tổng số tiền là 243,31 tỷ đồng với thời hạn vay 11 năm. Bên cạnh đó, có 21/28 tỉnh phát sinh doanh thu phí bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên với tổng số phí bảo hiểm khoảng 2.700 tỷ đồng. Chính sách tín dụng để xử lý đối với các khoản nợ quá hạn và nợ đã được cơ cấu của khách hàng là hộ dân, chủ trang trại, hợp tác xã nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh: NHNN đã có chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra (cơ cấu lại thời hạn trả nợ tối đa 36 tháng đối với 128
  6. hộ dân, chủ trang trại, HTX gặp khó khăn tạm thời về tài chính; khoanh nợ 3 năm đối với khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất và trả nợ ngân hàng do nguyên nhân bất khả kháng). Đến tháng 4/2015, các ngân hàng đã thực hiện khoanh nợ cho 11.668 khách hàng với tổng số tiền khoanh nợ là trên 777,52 tỷ đồng; NHNN đã thực hiện tái cấp vốn đối với 2 ngân hàng (SCB, Agribank) với số tiền 458,25 tỷ đồng và đang tiếp tục xem xét tái cấp vốn cho các NHTM khác thực hiện khoanh nợ. Bên cạnh đó, các TCTD tiếp tục đẩy mạnh cho vay mới, cho vay các dự án có hiệu quả, do đó, tính đến hết năm 2014, dư nợ cho vay của các NHTM với các đối tượng này đã lên tới gần 59.000 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cuối năm 2013. - Lãi suất cho vay (LSCV) NNNT luôn thấp hơn các lĩnh vực khác với cùng kỳ hạn Ngay từ năm 2011, mặc dù mặt bằng lãi suất thị trường còn ở mức cao thì LSCV NNNT đã giảm 0,5-1%/năm so với cuối 2010 và dao động ở mức 14,5- 17%/năm, thậm chí chỉ còn 13,5%/năm trong khi mặt bằng LSCV thông thường là từ mức 17-18%/năm. Từ 4/5/2012, NHNN đã quy định trần LSCV ngắn hạn VND đối với lĩnh vực ưu tiên là NNNT, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 15%/năm. Mức lãi suất này liên tục được điều chỉnh giảm 7 lần (xuống 13%-12%-11%-10%- 9%-8%), đến nay chỉ còn 6-7%/năm. Từ tháng 10/2014, 4 NHTM lớn (Vietinbank, BIDV, Agribank, VCB) đã đồng nhất hạ LSCV trung, dài hạn với 5 lĩnh vực ưu tiên. - Chất lượng tín dụng NNNT vẫn được đảm bảo ở mức tốt: Tỷ lệ nợ xấu NNNT đến 31/12/2014 khoảng 2,28%, có xu hướng giảm so với năm 2012 và luôn thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu nền kinh tế. Bảng 2. Tỷ lệ nợ xấu giai đoạn 2012 - 2014 Đơn vị: % 31/12/12 31/12/13 31/03/14 30/06/14 30/09/14 31/12/14 Tỷ lệ nợ xấu NNNT 3,02 2,48 2,85 3,82 3,53 2,28 Tỷ lệ nợ xấu NHTM 4,08 3,63 3,92 4,17 3,8 3,7 Nguồn: NHNN 129
  7.  Những khó khăn, vướng mắc Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực thi các cơ chế chính sách còn gặp nhiều hạn chế do những vướng mắc trong quá trình triển khai: - Cơ chế đảm bảo tiền vay chưa có hướng dẫn cụ thể: theo quy định khách hàng được vay không có tài sản bảo đảm phải nộp cho TCTD cho vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do UBND xã xác nhận. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp khách hàng có nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất ở, đất vườn, đất ruộng…), cũng như quy định về lưu giữ, bảo quản các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khách hàng. Các biện pháp xử lý, thu hồi nợ khi phát sinh nợ xấu, nợ đã chuyển hạch toán ngoại bảng đối với các khoản vay vốn này cũng gặp vướng mắc tương tự khi thiếu các quy định hướng dẫn thực hiện chi tiết. - Cơ chế hỗ trợ nguồn vốn cho vay trong lĩnh vực NNNT chưa hoàn thiện: Yêu cầu trần lãi suất của NHNN cho vay trong lĩnh vực NNNT là 7%, trong khi đó các NHTM chưa được hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ. Các NHTM chưa có điều kiện để giảm trừ chi phí nguồn vốn cho các chi nhánh để thực hiện cho vay trong lĩnh vực này. Do đó, lợi nhuận từ cho vay các đối tượng này ở mức thấp hơn so với các nhóm khách hàng khác trên cùng địa bàn. Mặt khác, rủi ro trong NNNT phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát của NHTM như điều kiện thời tiết, bảo hiểm nông nghiệp chưa được áp dụng rộng rãi và đối tượng bảo hiểm còn hạn chế… - Việc tuyên truyền thực hiện các chính sách tín dụng còn gặp nhiều khó khăn: Việc tuyên truyền các chương trình, chính sách tín dụng mới của Chính phủ, NHNN đến được với người dân, đặc biệt là các hộ sản xuất kinh doanh ở vùng sâu, vùng xa còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, người nông dân thường không nắm được đầy đủ thông tin về các gói sản phẩm NNNT từ phía các NHTM. - Rủi ro trong quá trình cấp tín dụng còn cao: Các NHTM đang gặp vướng mắc về cơ chế để hạn chế rủi ro, dẫn đến thực tế rủi ro của các món vay này cao hơn các lĩnh vực khác dù chất lượng tín dụng hiện vẫn đang được kiểm soát tốt, nguyên do là: (i) bảo hiểm trong nông nghiệp mới chỉ được triển khai thí điểm trong phạm vi hẹp và chưa có tổng kết để áp dụng rộng rãi trên toàn quốc dẫn đến không thể mua bảo hiểm đối với mọi món vay; (ii) chương trình Bảo lãnh tín 130
  8. dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) nói chung và trong lĩnh vực NNNT nói riêng còn tồn tại nhiều khó khăn vướng mắc như Ngân hàng phát triển yêu cầu doanh nghiệp phải được chấp thuận vay vốn từ NHTM thì mới bảo lãnh, áp dụng duy nhất 1 mức phí bảo lãnh… dẫn đến việc triển khai trên thực tế diễn ra rất chậm. - Định hướng chiến lược về sản phẩm nông nghiệp cho từng vùng, miền trên toàn quốc vẫn chưa rõ ràng hoặc chưa được triển khai. Sự thiếu quy hoạch này dẫn đến những hệ lụy về hiệu quả sản xuất nông nghiệp vẫn thấp, sản xuất vẫn nhỏ lẻ manh mún. Tình trạng “được mùa mất giá” vẫn thường xuyên xảy ra do tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm yếu, dẫn đến bị thương lái nước ngoài thao túng. 2. Một số khuyến nghị Trên cơ sở kế thừa chính sách đang phát huy hiệu quả về cho vay lĩnh vực NNNT mới và bám sát đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013, việc đầu tư cho vay cần hướng tới sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tăng khả năng liên kết trong chuỗi giá trị toàn cầu; gia tăng giá trị của sản phẩm, nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân và xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện mục tiêu này, một số vấn đề cần được nghiên cứu, giải quyết:  Khuyến nghị đối với NHNN và các Bộ, ngành có liên quan - NHNN phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện và sửa đổi cơ chế Bảo lãnh tín dụng cho DNVVN để hạn chế rủi ro cho ngân hàng khi thực hiện cho vay: khuyến khích thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng nông nghiệp, cho phép ra đời Quỹ bảo lãnh tín dụng do các tổ chức, hiệp hội thành lập và các tổ chức, doanh nghiệp chuyên doanh hoạt động với mục đích lợi nhuận để thực hiện cấp bảo lãnh tín dụng … - NHNN chỉ đạo, khuyến khích các NHTM đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng dành cho lĩnh vực NNNT, tạo điều kiện để sớm hình thành và phát triển thị trường phái sinh cho các nông sản xuất khẩu của Việt Nam. - Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành cần phối hợp chặt chẽ trong tổ chức sản xuất nông nghiệp bảo đảm tạo được liên kết vùng trong phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp (vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ…), đồng thời sớm ban hành các văn bản dưới Luật để hướng dẫn và hoàn thiện chính sách về đất 131
  9. đai, như tích tụ đất đai, dồn điền đổi thửa để làm cơ sở mở rộng quy mô trong sản xuất nông nghiệp…  Khuyến nghị đối với các NHTM - Các NHTM nghiên cứu, phát triển các dịch vụ phục vụ các khâu trong chuỗi liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp), không chỉ tập trung vào tín dụng dành cho nhà nông hay nhà doanh nghiệp. Sự liên kết trong chuỗi giúp NHTM gia tăng được nguồn thu từ các dịch vụ trọn gói, cũng như kiểm soát được dòng tiền hiệu quả. - Các NHTM phối hợp với doanh nghiệp/người sản xuất phát hiện, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian thẩm định cho vay, đảm bảo nguồn vốn đến được đối tượng có nhu cầu. - Các NHTM lựa chọn các hình thức bảo hiểm nông nghiệp sẵn có tại địa phương, các quỹ bảo lãnh tín dụng phù hợp với khách hàng để tư vấn, và hỗ trợ khách hàng thực hiện vừa giúp giảm thiểu rủi ro cho NHTM, cũng như khách hàng.  Khuyến nghị đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh - Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nên gia tăng áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, tìm kiếm và ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất. Do đây là lĩnh vực đang được hưởng nhiều ưu đãi trong chính sách tín dụng nói riêng cũng như chính sách phát triển kinh tế nói chung của Nhà nước. - Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần thực hiện sản xuất nông nghiệp theo đúng quy hoạch tại địa phương để tận dụng được lợi thế địa lý sẵn có, gia tăng hiệu quả cũng như giảm thiểu tác động bất lợi đến môi trường do việc khai thác nguồn lực không hợp lý. - Tích cực tham gia các hiệp hội ngành nghề: giúp bảo vệ lợi ích của người sản xuất, cũng như mở ra cơ hội cho những hộ sản xuất nhỏ lẻ có thể trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến, từ đó, có thể liên kết sản xuất để gia tăng hiệu quả nhờ tính quy mô. 132
  10. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. PGS. TS. Lê Thị Tuấn Nghĩa, ThS. Phạm Mạnh Hùng (2015), Tín dụng ngân hàng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn - Thực trạng và một số khuyến nghị, Tạp chí Khoa học và đào tạo ngân hàng, số 154, trang 15- 20, trang 40. 2. TS. Lê Thanh Tâm, ThS. Nguyễn Thị Thanh Hương (2015), Một số giải pháp tăng trưởng nguồn vốn tín dụng cho phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Ngân hàng. 3. TS. Nguyễn Thanh Bình (2014), Một số vấn đề về chính sách tín dụng cho nông nghiệp, Tạp chí Tài chính, http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu- -trao-doi/trao-doi-binh-luan/mot-so-van-de-ve-chinh-sach-tin-dung-cho- nong-nghiep-nong-thon-55929.html. 4. Ngô Việt Hương (2013), Cần tăng cường vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 07/2013. 5. Tín dụng cho vay ngành lúa, gạo tăng tới 22,3%, http://vov.vn/kinh- te/tin-dung-cho-vay-nganh-lua-gao-tang-toi-223-402109.vov. 133
nguon tai.lieu . vn