Xem mẫu

  1. BÀI HỌC THÀNH CÔNG VÀ THẤT BẠI CỦA ẤN ĐỘ KHI CHUYỂN ĐỔI SANG NỀN KINH TẾ PHI TIỀN MẶT TS. Nguyễn Thị Thùy Trang Học viện Tài chính Tóm tắt Nền kinh tế phi tiền mặt là xu hướng hiện đại tất yếu của bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới. Ấn Độ là nước thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế phi tiền mặt trong khuôn khổ chương trình Số hóa Ấn Độ với rất nhiều các chính sách hỗ trợ, các giải pháp đi kèm đã được triển khai. Bài viết này đề cập đến những điểm đã nêu trên đồng thời đánh giá thành quả đạt được cũng như những thất bại của chương trình tại Ấn Độ và rút ra bài học cần thiết cho Việt Nam. Từ khóa: Phi tiền mặt, số hóa, giao dịch điện tử, thanh toán điện tử Giới thiệu Ấn Độ là một quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào tiền mặt. Sự phụ thuộc này lớn tới mức các tập đoàn đa quốc gia như Amazon đã phải thỏa hiệp và đưa ra tiêu thức “thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng” để có thể bước vào thị trường Ấn Độ. Lượng tiền giấy trong lưu thông của Ấn Độ cao hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác. Năm 2012-2013, Ấn Độ có 76,47 triệu tờ tiền giấy trong lưu thông so với 34,5 triệu ở Mỹ. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng tiền mặt thậm chí còn thống trị các trung tâm mua sắm, nơi mà khách hàng thường là những người có thẻ tín dụng. Điều đó có nghĩa là, tại các chợ bình dân và các nơi mua sắm khác tiền mặt đương nhiên là phương tiện thanh toán chính và thậm chí là duy nhất. Sự phụ thuộc này còn thể hiện ở tỷ trọng của tiền mặt trong GDP của Ấn Độ rất cao. Năm 2014 Ấn Độ có tỷ trọng này cao nhất thế giới đạt tới 12,42%, trong khi Trung Quốc là 9,47% và Braxin chỉ có 4%. Về thanh toán tiêu dùng, 78% tổng thanh toán tiêu dùng ở Ấn Độ là tiền mặt trong khi ở Mỹ là 20% và ở Anh là 25%. Những con số trong năm 2015 cũng thể hiện rõ điều này: Ấn Độ là quốc gia có lượng người sử dụng tiền mặt đứng thứ tư thế giới. Đặc biệt trong kỷ nguyên công nghệ, điều này không chỉ là điểm hạn chế làm chậm sự phát triển mà còn phi khoa học và phi kinh tế. Chính vì vậy, ngày 08 tháng 11 năm 2016 thủ tướng thứ 14 của Ấn Độ, ông Narendra Damodardas Modi đã tuyên bố một chương trình đầy tham vọng nhằm chuyển đổi Ấn Độ thành quốc gia phi tiền mặt - Chương trình có tên gọi “Không gặp mặt, không giấy in, không tiền mặt” nằm trong chương trình tổng thể Số hóa Ấn Độ của Chính phủ. I. Nền kinh tế phi tiền mặt và những lợi ích mà nó đem lại Có rất nhiều cách định nghĩa một nền kinh tế phi tiền mặt. Ông Ajit Kumar Roy, tác giả cuốn “Nền kinh tế phi tiền mặt ở Ấn Độ - hiện tại, triển vọng phát triển và thách thức” (2017) đã định nghĩa như sau: Một hệ thống kinh tế trong đó không tồn tại đồng tiền vật chất trong lưu thông được gọi là một hệ thống phi tiền mặt; các giao dịch thanh toán được thực hiện thông qua thẻ tín dụng, thẻ nợ, phương tiện thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc ví điện tử; tiền mặt trong lưu thông là rất nhỏ. Một nền kinh tế phi tiền mặt được cho là sẽ có những lợi ích như: (1) làm giảm chi phí vì giảm được chi phí in ấn, lưu kho và vận chuyển tiền mặt; (2) giảm rủi ro dự trữ tiền mặt như mất trộm hay thất thoát; (3) đem lại sự thuận tiện trong giao dịch khi khách hàng không phải xếp hàng chờ đợi mà có thể giao dịch 24/7 đồng thời bên cung cấp dịch vụ không cần phải trực tiếp gặp mặt khách hàng; (4) dễ dàng kiểm soát các khoản chi khi các giao dịch được thực hiện trên điện thoại hay máy tính và chỉ cần một cái ấn chuột là có thể kiểm tra giao dịch phát sinh, quản lý tài khoản; (5) tăng các khoản chịu thuế khi cả khách hàng lẫn bên cung cấp dịch vụ đều không thể né 466
  2. tránh việc thanh toán hóa đơn bao gồm thuế và các giao dịch minh bạch này cũng làm giảm tham nhũng trong xã hội; (6) kiểm soát được tiền bẩn khi dễ dàng kiểm tra và kiểm soát các giao dịch khả nghi trong hệ thống ngân hàng; (7) thúc đẩy tài chính toàn diện khi buộc các hộ gia đình có thu nhập thấp từ bỏ thói quen vay qua các kênh không chính thức như người nhà và những tổ chức tín dụng tự phát mà tham gia vào các hoạt động chính thống; và (8) chiết khấu nhiều hơn cho khách hàng thực hiện thanh toán điện tử khi mua sắm trực tuyến. II. Công tác chuẩn bị của Ấn Độ để chuyển đổi sang nền kinh tế phi tiền mặt Các nhà phân tích theo trường phái lạc quan ủng hộ chương trình này của Chính phủ cho rằng Ấn Độ đã sẵn sàng để chuyển đổi sang nền kinh tế phi tiền mặt. Một trong những lý do cho niềm tin này là tính đến 30/9/2016, cứ 100 người dân Ấn Độ thì có 82 người sở hữu một điện thoại di động. Cuộc cách mạng viễn thông xanh cùng với việc giảm đáng kể cước phí cuộc gọi và lưu lượng cũng như giảm giá điện thoại di động sẽ thúc đẩy việc chuyển đổi sang nền kinh tế phi tiền mặt. Tuy nhiên, tác giả bài viết này cho rằng thống kê này chưa tính đến thực tế là một người dân có thể sở hữu nhiều hơn một chiếc điện thoại di động. Điều đó có nghĩa là mức độ phổ biến của điện thoại di động tính trên đầu người có thể thấp hơn nhiều so với con số được đưa ra. Chỉ một căn cứ khá lạc quan về tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động chắc chắn là chưa đủ. Tuy nhiên Chính phủ Ấn độ đã có những hành động rất cụ thể, thiết thực và mạnh mẽ dành cho cả Chính phủ và nhân dân để hướng dẫn cả cơ quan nhà nước, Chính phủ và nhân dân trong công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế phi tiền mặt. Chính phủ Ấn Độ đã lập riêng một trang thông tin có tên Cashless India- Một Ấn Độ không tiền mặt và trang tin Transforming India - Một Ấn Độ chuyển mình (lập ngày 26/5/2014) để đăng tải các thông tin hướng dẫn việc thực hiện chương trình chuyển đổi sang nền kinh tế phi tiền mặt mà Chính phủ của Thủ tướng Narendra Damodardas Modi đã tuyên bố thực hiện. 2.1. Đối với Chính phủ và các cơ quan nhà nước Bộ Công nghệ Thông tin và Điện tử dự kiến triển khai các dịch vụ không gặp mặt, không giấy in, không tiền mặt trên khắp cả nước, đặc biệt là các vùng nông thôn xa xôi của Ấn Độ đồng thời dự kiến thực hiện quản lý điện tử đối với các giao dịch của công dân, doanh nghiệp cũng như các đơn vị chức năng của Chính phủ. Điều này có nghĩa là đăng ký các dịch vụ và thanh toán hóa đơn sẽ được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử. Ủy ban Apex về điện tử của Ấn Độ đã đệ trình kế hoạch và thời gian áp dụng các phương thức thanh toán điện tử cho công dân khi tham gia dịch vụ điện tử của các Bộ, ban ngành Trung ương. Bộ Công nghệ Thông tin và Điện tử đã xuất bản Cẩm nang Thanh toán điện tử - ERR cho khu vực hành chính công, Chính phủ, các cơ quan độc lập của Chính phủ và các đô thị. Với mục đích thúc đẩy thanh toán điện tử và chuyển đổi Ấn Độ sang nền kinh tế ít tiền mặt hơn, rất nhiều chính sách và sáng kiến đã và đang được Chính phủ Ấn Độ thực hiện trong việc ký kết dịch vụ cũng như cung cấp dịch vụ và giải ngân. 2.2. Đối với người dân Ngày 30/12/2016 Thủ tướng Ấn Độ đã khai trương ứng dụng BHIM - Bharat Interface for Money. Ứng dụng này là phương tiện thanh toán nhanh, an toàn, tin cậy khi thực hiện thanh toán điện tử trên điện thoại di động sử dụng nền tảng UPI thông qua ứng dụng điện tử trên điện thoại và nền tảng USSD thông qua dịch vụ gọi *99#. Chỉ trong vòng 10 ngày, ứng dụng BHIM đã được cập nhật vào kho ứng dụng Android và hơn hai triệu giao dịch được thực hiện qua hai nền tảng UPI và USSD. BHIM được phát triển bởi công ty NPCI - Công ty Thanh toán Quốc gia Ấn Độ, một công ty phi lợi nhuận chuyên cung cấp các hệ thống thanh toán bán lẻ ở Ấn Độ trực thuộc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ. Các chương trình tặng thưởng tiền mặt đã được thực hiện ngay trước và sau khi ra mắt ứng dụng BHIM. Ngày 25/12/2016, chương trình Lucky Grahak Yojana (tặng thưởng tiền mặt cho các khách hàng và người mua sử dụng các công cụ thanh toán điện tử cho mục đích tiêu dùng cá 467
  3. nhân) đã chính thức hoạt động lần đầu tiên như một món quà Giáng sinh dành cho người dân. Ngày 14/4/2017, chương trình tiếp tục với các mức giải thưởng cao hơn. Mục đích của các chương trình này là nhằm thúc đẩy toàn bộ xã hội giao dịch điện tử, đặc biệt là người nghèo và tầng lớp trung bình trong xã hội. Liên tục như vậy các hình thức chiết khấu, giảm giá, tặng tiền mặt,… luôn được áp dụng cho các khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức sử dụng thanh toán điện tử nhằm kích thích người tiêu dùng tham gia vào thanh toán điện tử, góp phần giảm bớt giao dịch tiền mặt trong nền kinh tế. Trong đó các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế cho các khoản doanh thu thực hiện qua giao dịch điện tử, người sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán được hưởng chiết khấu ứng với từng món tiền thanh toán, ngân hàng không thu phí giao dịch, … 2.3. Đối với công tác giáo dục tuyên truyền Chương trình giáo dục Digishala về thanh toán điện tử được phát sóng trên Truyền hình quốc gia đã đến được với khoảng 2 - 2,5 triệu gia đình hầu hết là ở vùng nông thôn và những người nghèo. Đây là một chương trình giáo dục phi thương mại với mục đích: (1) phổ biến thông tin về hệ thống thanh toán điện tử, các công cụ thực hiện, lợi ích và quy trình thực hiện; (2) thông báo và giáo dục nhận thức cho người dân về chương trình Số hóa Ấn Độ - không tiền mặt, không gặp mặt và không giấy in khi giao dịch; (3) khuyến khích người dân đặc biệt là người dân vùng nông thôn và cận đô thị sử dụng thanh toán điện tử cũng như các sản phẩm và dịch vụ khác trong chương trình Số hóa Ấn Độ. Chương trình Tài chính số cho vùng nông thôn Ấn Độ đã được Bộ công nghệ Thông tin và Điện tử tung ra. Chương trình này nhằm giáo dục nhận thức trong cộng đồng và hướng dẫn cách tiếp cận các trung tâm dịch vụ tập trung để đảm bảo rằng các trung tâm dịch vụ tập trung này sẽ trở thành các trung tâm tài chính số. Bộ Phát triển Nguồn nhân lực đã yêu cầu các cơ sở giáo dục sau đại học trở thành hạt nhân đi đầu trong xã hội trong việc thực hiện các giao dịch phi tiền mặt trong phạm vi của mình. Rất nhiều các giao dịch điện tử khác nhau đã được giới thiệu tới các cơ sở giáo dục sau đại học. Trước tiên là giảng viên, cán bộ và sinh viên - những người được coi là tầng lớp tinh hoa trong xã hội, hạt nhân đi đầu của sự thay đổi, cần tuyên truyền mạnh mẽ để loại bỏ niềm tin rằng giao dịch điện tử rất phức tạp và cần phải có điện thoại thông minh và internet mới có thể thực hiện được. Những hạt nhân này cần giáo dục nhận thức cho các thành viên gia đình mình và những người trong khu vực mình sinh sống và khuyến khích họ tham gia thực hiện giao dịch điện tử. Đường sắt Ấn Độ đã lắp đặt 10.000 điểm bán vé tự động có thể thực hiện thanh toán qua thẻ tín dụng, thẻ nợ. Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ cũng được yêu cầu lắp đặt 10.000 máy thanh toán tự động tại rất nhiều nơi. 2.4. Đối với vấn đề an ninh trong thanh toán điện tử Gần như ngay lập tức sau khi phát động chương trình Một Ấn Độ không tiền mặt, ngày 05/12/2016 đến ngày 09/12/2016, Ấn Độ liên tiếp đưa ra các hướng dẫn cho người dân về an toàn trong thanh toán điện tử: Cẩm nang bảo vệ điện thoại thông minh khỏi nguy cơ bị tấn công, cẩm nang hướng dẫn bảo mật ngân hàng di động, 2 bước để thực hiện thanh toán các món tiền nhỏ hơn Rs. 2.000. III. Những kết quả đạt được trong quá trình chuyển đổi của Ấn Độ 3.1. Tình hình nền kinh tế nói chung sau ngày 08/11/2016 Nhìn toàn cảnh nền kinh tế, báo cáo Khảo sát kinh tế của Bộ Tài chính Ấn Độ đã cho thấy những con số thống kê tích cực sau:  Tính đến tháng 6/2018, tỷ trọng tiền mặt/GDP đã ổn định và sắp trở lại trạng thái cân bằng;  GDP năm 2018-2019 được kỳ vọng là 7 - 7,5% cao hơn so với 6,75% của năm trước đó; lạm phát giảm do giá cả hàng tiêu dùng như hoa quả, rau củ giảm; 468
  4.  Số liệu xuất nhập khẩu không còn được hưởng tác động tích cực của việc cắt giảm tiền mặt trong lưu thông. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục tăng 13,6% trong quý 3 năm tài chính 2018 trong khi tốc độ tăng trưởng nhập khẩu giảm xuống 13,1% cùng với xu hướng giảm toàn cầu;  Toàn bộ nền kinh tế giảm 2,8 nghìn tỉ Rs tiền mặt (tương ứng 1,8% GDP), giảm đi 3,8 nghìn tỉ Rs tiền mệnh giá cao (tương đương 2,5% GDP);  Thuế thu nhập từ khoảng 2% GDP năm 2013-2014 và 2015-2016 đã tăng lên 2,3% GDP năm 2017-2018, một mức tăng kỷ lục;  Thị trường chứng khoán tăng chóng mặt. Chỉ số BSE - sàn giao dịch Boombay ngày 7/11/2016 là 27.459 tăng lên 33.680,92 vào ngày 6/11/2017 và chỉ số NSE -sàn giao dịch New Delhităng từ 8.497 lên 10.443 (số liệu do Bloomberg thống kê);  Tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ tính đến 29/9/2017 tăng lên 1,65% so với chỉ số âm trong năm trước (-7,71% và -816% trong ngày 25/11/2016 và 23/12/2016);  Doanh số ô tô tăng lên, ví điện tử được sử dụng nhiều hơn tiền mặt. 3.2. Phương tiện thanh toán phi tiền mặt hiện có trong nền kinh tế Ấn Độ rất đa dạng Các phương tiện thanh toán hiện nay đang được thực hiện tại Ấn Độ gồm: thẻ ngân hàng, USSD, AEPs, UPI, ví điện tử, thẻ ngân hàng trả trước, PoS - các điểm mua bán, ngân hàng trực tuyến, ngân hàng di động, ATM siêu nhỏ. 3.2.1. Thẻ ngân hàng Thẻ ngân hàng gồm thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ tiền mặt, thẻ du lịch và các thẻ khác do 751 ngân hàng phát hành và được thanh toán liên ngân hàng. 3.2.2. SSD USSD (dữ liệu dịch vụ bổ sung không giới hạn) cho phép người dùng sử dụng điện thoại thông thường gọi mã *99# để thực hiện giao dịch. Dịch vụ này đến được với mọi người dân trong xã hội mà không đòi hỏi người dùng phải sở hữu điện thoại thông minh và kết nối internet. Giao dịch qua dịch vụ này được thực hiện trong thời gian 1 - 2 phút và người dùng không cần phải đăng ký sử dụng; đã có 51 ngân hàng cung cấp dịch vụ này và các giao dịch được thực hiện liên ngân hàng. 3.2.3. AEPs AEPs (hệ thống thanh toán cơ sở) là hình thức thanh toán theo mô hình ngân hàng, cho phép thực hiện các giao dịch tài chính trực tuyến tại các điểm mua bán hoặc các ATM siêu nhỏ thông qua các đại lý của các ngân hàng tham gia hệ thống AEPs. Hình thức giao dịch này cũng không yêu cầu người dùng phải đăng ký sử dụng dịch vụ, thời gian thực hiện giao dịch là 1 - 2 phút sau khi hệ thống nhận được thông tin; đã có 118 ngân hàng cung cấp dịch vụ này và các giao dịch được thực hiện liên ngân hàng. 3.2.4. UPI UPI (giao diện thanh toán hợp nhất) cho phép nhiều tài khoản ngân hàng được tích hợp trong một ứng dụng di động. Mỗi ngân hàng sẽ có ứng dụng UPI riêng cho từng hệ điều hành Android, Windows và iOS. Người sử dụng dịch vụ này phải tải ứng dụng, sử dụng thông tin tài khoản ngân hàng để đăng ký trực tuyến, tạo mã đăng nhập và cài đặt mật khẩu. Các hoạt động này mất từ 5-7 phút. Có 30 ngân hàng cung cấp dịch vụ này và các giao dịch được thực hiện liên ngân hàng. 3.2.5. Ví điện tử Ví điện tử là một hình thức mang theo tiền mặt dưới hình thức số hóa. Người dùng kết nối thông tin thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ trong thiết bị di động vào ứng dụng ví điện tử hoặc chuyển tiền trực tuyến tới ví điện tử. Người dùng phải có thiết bị di động có kết nối internet như điện thoại thông minh, máy tính bảng hay đồng hồ thông minh. Hầu hết các ngân hàng đều cung cấp dịch vụ 469
  5. này. Ngoài ra còn 40 công ty cũng tham gia thị trường này. Tuy nhiên các giao dịch không được thực hiện liên ngân hàng và người dùng không được rút tiền mặt từ ví điện tử. 3.2.6. Thẻ ngân hàng trả trước Thẻ ngân hàng trả trước áp dụng cho ví điện tử (5 - 7 phút) và thẻ trả trước (1 - 2 ngày). Người dùng cần có điện thoại thông minh hoặc internet, có thể lựa chọn hình thức tự phục vụ hoặc có hỗ trợ. Tất cả các ngân hàng hàng đầu đều cung cấp dịch vụ này, không thực hiện giao dịch liên ngân hàng và người dùng không được rút tiền mặt trừ khi chủ thẻ Visa và Mastercard có liên kết với ví điện tử và thẻ trả trước, tuy nhiên hạn mức rất thấp. 3.2.7. PoS PoS là địa điểm mua bán. Ở tầm vĩ mô, đó có thể là một khu mua sắm, chợ hay thành phố trong khi ở tầm vi mô, PoS có thể chỉ là một quầy giao dịch. PoS có thể được mở ở một địa điểm cụ thể nào đó hoặc trên các thiết bị di động. Điều kiện để trở thành PoS di động là có điện thoại thông minh, cài ứng dụng của ngân hàng, tích hợp hoặc kết nối với thẻ, máy đọc kết nối Bluetooth, có internet hoặc 2G, 3G, 4G và có máy đọc mã QR và mã vạch. 3.2.8. Ngân hàng trực tuyến Ngân hàng trực tuyến là hệ thống thanh toán điện tử cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch tài chính trên trang web của tổ chức tài chính đó. Các giao dịch tài chính trực tuyến gồm có: NEFT - giao dịch trực tuyến nội bộ ngân hàng trong nước, RTGS - giao dịch trực tuyến các món tiền giá trị lớn theo lệnh chuyển tiền, ECS - hệ thống thanh toán hóa đơn dịch vụ (tiền điện, tiền nước, đóng phí bảo hiểm, phí thẻ, trả lãi khoản vay), IMPS - dịch vụ thanh toán nhanh 24/7 liên ngân hàng. 3.2.9. Ngân hàng di động Ngân hàng di động là dịch vụ cho phép người dùng cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động, máy tính bảng để thực hiện các giao dịch. Mỗi ngân hàng sẽ cung cấp ứng dụng riêng cho từng hệ điều hành Android, Windows và iOS. 3.2.10. ATM siêu nhỏ ATM siêu nhỏ là một thiết bị được hàng triệu đại lý ngân hàng sử dụng để thực hiện giao dịch nhanh. Thiết bị này có chi phí thấp nhưng có khả năng kết nối với tất cả các ngân hàng trên cả nước. Người dùng có thể nộp tiền hoặc rút tiền nhanh kể cả khi tài khoản của họ tại ngân hàng không có liên kết với đại lý đó. 3.3. Những phương tiện thanh toán tăng trưởng về khối lượng và giá trị giao dịch Cuộc cách mạng điện thoại thông minh đã làm cho thương mại điện tử và các dịch vụ điện tử trở nên cấp thiết. Trong đó phải kể đến các nền tảng ứng dụng đã làm cho thanh toán điện tử nhiều loại hình dịch vụ trở nên dễ dàng. Các dịch vụ giá trị gia tăng như tặng lại tiền, thanh toán hóa đơn, cộng điểm thẻ, các khoản thưởng và ngừng sử dụng dịch vụ đều thực hiện trên các hệ điều hành số. Sự phát triển của các công nghệ này làm cho mô hình thanh toán hiện đại ra đời. Lượng người cài đặt và sử dụng ứng dụng tăng 30%, ứng dụng ví điện tử do các ngân hàng hàng đầu cung cấp cũng có lượng tải tăng 50%. Theo số liệu từ Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, việc sử dụng PoS đã tăng từ 236,47 triệu giao dịch vào tháng 11/2016 lên 271,17 triệu tính trong tháng 3/2017, và 318,9 triệu vào tháng 3/2018 và 362,75 triệu giao dịch trong tháng 9/2018. Về mặt giá trị giao dịch, tháng 11/2016 chỉ có 321,74 tỉ Rs, tháng 3/2017 tăng lên 356,99 tỉ Rs, tháng 3/2018 là 418,57 tỉ Rs, và cuối tháng 9/2018 đạt 458,41 tỉ Rs. Hoạt động của hệ thống ngân hàng di động cũng tăng nhanh trong hai năm thực hiện hạn chế tiền mặt. Xét về khối lượng giao dịch, tháng 11/2016 có 87,47 triệu giao dịch. Con số này đã tăng lên 113,65 triệu trong tháng 3/2017 và 239,9 triệu tháng 3/2018 và đạt con số ấn tượng 477,57 triệu giao dịch trong tháng 9/2018. Xét về giá trị giao dịch, tháng 11/2016 chỉ có 1.365,7 470
  6. tỉ Rs, tháng 3/2017 có 1.730,88 tỉ Rs, tháng 2/2018 tăng lên 1.415,03 tỉ Rs và tháng 9/2018 đã tăng mạnh lên 2.074,95 tỉ Rs. Ngoài ra, ứng dụng UPI cũng được sử dụng rộng rãi. Theo số liệu từ Công ty Thanh toán Quốc gia Ấn Độ, giao dịch qua UPI đã tăng 19% lên 482,3 triệu giao dịch trong tháng 10/2018 so với 405,8 triệu giao dịch trong tháng 9 cùng năm. Như vậy có thể thấy rằng giao dịch điện tử đang tiếp tục tăng lên. Theo quan điểm của ông Ramki Gaddipati, đồng sáng lập Công ty Công nghệ Tài chính Zeta, hiểu về thói quen thực hiện giao dịch điện tử của người tiêu dùng và công nghiệp thanh toán điện tử vận hành như thế nào sẽ giúp Ấn Độ có được đánh giá chính xác về xu hướng sử dụng giao dịch điện tử tại quốc gia này. IV. Những hạn chế của quá trình chuyển đổi và nguyên nhân Ngày 8/10/2018, Ấn Độ đã kỷ niệm lần thứ hai ngày tuyên bố chương trình Số hóa Ấn Độ. Sau hai năm thực hiện, các chuyên gia kinh tế vẫn còn đưa ra những tranh luận trái chiều về chiến dịch này. Một số chuyên gia đã thẳng thừng đánh giá Chính phủ Ấn Độ khi ấy đã vội vã khi tuyên bố chiến dịch này. Một trong những mục tiêu được Chính phủ tuyên bố trong chiến dịch này là chuyển đổi Ấn Độ thành một nền kinh tế phi tiền mặt để siết chặt quản lý tiền bẩn. Chính phủ đặt mục tiêu đầy tham vọng là đạt được 25 tỉ giao dịch điện tử trong năm 2018-2018. Tuy nhiên số liệu từ các nguồn khác nhau của Chính phủ cho thấy tổng số lượng giao dịch điện tử qua RTGS, NEFT, IMPS, CTS, ví điện tử, thẻ trả trước, UPI và PoS sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ năm 2017-2018 chỉ là 15,83 tỉ. 95% giao dịch tại Ấn Độ vẫn là dựa trên tiền mặt. Một Ấn Độ không tiền mặt vẫn là một mục tiêu xa vời. Tuy nhiên, có một thực tế là mặc dù các giao dịch điện tử tăng lên cả về khối lượng và giá trị nhưng tính đến 6/4/2018 lượng tiền mặt trong lưu thông đã nhiều hơn trước khi Chính phủ cắt giảm tiền mặt, các giao dịch rút tiền từ ATM tăng lên về số lượng và giá trị. Các chuyên gia cho rằng Chính phủ không cần thiết phải rút 86% toàn bộ tiền mặt khỏi lưu thông. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng rất ít tiền bẩn bị bắt giữ. Ngày 30/8/2017, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã đưa ra báo cáo về cắt giảm tiền mặt trong lưu thông. Trong đó nói rằng 99% các mệnh giá tiền giấy bị cấm lưu thông đã trở lại hệ thống ngân hàng. Điều này phủ nhận tuyên bố của Chính phủ về việc cắt giảm tiền mặt trong lưu thông sẽ loại bỏ được tiền bẩn và tiền giả trong nền kinh tế. Có thể có hai lý do cho tình trạng này: một là chỉ có một lượng nhỏ tiền bẩn bằng tiền mặt, hoặc hai là tất cả tiền bẩn ở dạng tờ 500 Rs và 1000 Rs đã được rửa sạch và trở lại hệ thống ngân hàng. Như vậy, có thể nói, Ấn Độ chưa thực hiện được mục tiêu ngăn chặn và xử lý nạn rửa tiền. Mục tiêu đưa các dịch vụ tài chính chính thống đến với mọi người dân bình thường cũng chưa đạt được. Điều đó có nghĩa là mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện vẫn còn rất xa. Nguyên nhân của những điểm chưa đạt được  Hơn 60% dân số Ấn Độ sống ở vùng nông thôn. Gần ¼ dân số nông thôn không có điện thoại di động và phần lớn họ không biết sử dụng máy tính. Họ không thấy thuận tiện và thoải mái khi thực hiện giao dịch trên máy tính và điện thoại di động vì phải nhờ người khác chỉ dẫn, giúp đỡ. Điều này đôi khi dẫn đến dung sai tài khoản, và tiêu quá số tiền dự định. Vì vậy, phần lớn dân cư nông thôn thích dùng tiền mặt hơn các phương tiện thanh toán điện tử.  Ngoài ra, khoảng 90% thị trường lao động Ấn Độ là không chính thức. Phần lớn làm trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất và nhận lương theo ngày. Trong hoàn cảnh như vậy, họ phụ thuộc rất lớn vào tiền mặt.  Chính vì vậy, việc chuyển đổi một quốc gia có 90% lượng giao dịch là tiền mặt như Ấn Độ sang nền kinh tế phi tiền mặt hẳn là một bài toán không dễ dàng tìm ra lời giải.  Tính an toàn cũng là một vấn đề cần xem xét khi giao dịch điện tử. Báo cáo của CERT-In (Đội phản ứng nhanh về máy tính của Ấn Độ) cho thấy tới tháng 10/2016 có 39,730 sự cố an ninh bao gồm đánh cắp thông tin, xâm nhập trang web, phát tán vi rút và khai thác lỗ hổng. 471
  7.  Giá điện thoại thông minh cũng là một lý do so với thu nhập của đa số người dân. Trừ khi Chính phủ trợ giá hoặc có các lựa chọn thay thế phù hợp khả năng chi trả của người dân, nền kinh tế phi tiền mặt vẫn còn là giấc mơ xa vời.  Trước khi thực hiện tham vọng biến Ấn Độ thành nền kinh tế số, Chính phủ Ấn Độ cần quan tâm tới việc đảm bảo an ninh cho các giao dịch ATM, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, và các giao dịch ngân hàng trực tuyến khác. Các nguyên nhân nêu trên phần nào được thể hiện qua số liệu khảo sát người dân do Techstory thu thập dưới đây về rào cản đối với thanh toán điện tử: o Thói quen sử dụng tiền mặt: 68% o Sự phức tạp khi sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử: 55% o Không có các giá trị đi kèm: 48% o Độ trễ của các phương tiện thanh toán phi tiền mặt: 33% o Sự hấp dẫn của các phương thức thanh toán khác: 29% o Các khoản phí ẩn: 27% o Không tiếp cận được các phương tiện thanh toán điện tử: 16% V. Bài học đối với Việt Nam Câu hỏi nền kinh tế phi tiền mặt sẽ thúc đẩy tài chính toàn diện hay làm lớn thêm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội vẫn còn là đề tài tranh luận của các chuyên gia kinh tế và các nhà nghiên cứu. Chính phủ Ấn Độ tin rằng chuyển đổi sang nền kinh tế phi tiền mặt cũng là giải pháp cho Tài chính toàn diện tại quốc gia này khi đưa các dịch vụ tài chính chính thống đến với mọi người dân. Tuy nhiên, mặc dù với niềm tin như vậy thì đến nay, sau 2 năm 4 tháng thực hiện Chương trình Một Ấn Độ không tiền mặt, mục tiêu số hóa nền kinh tế, qua đó thúc đẩy tài chính toàn diện vẫn chưa đạt được. Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia có những điểm tương đồng như: thói quen sử dụng tiền mặt của người dân khiến cho nền kinh tế phụ thuộc tiền mặt rất lớn đồng thời không kiểm soát được lịch sử giao dịch, không xử lý được vấn đề rửa tiền; đa số dân cư sống ở khu vực nông thôn xa xôi, đa số dân cư làm việc trong lĩnh vực không chính thức như nông nghiệp, sản xuất, xây dựng… Chính vì vậy, Việt Nam có thể rút ra được một số bài học từ thực tiễn quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phi tiền mặt của Ấn Độ.  Thứ nhất, cần nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc số hóa nền kinh tế, coi đây là chiến lược quốc gia, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho quá trình chuyển đổi, huy động tổng thể nguồn lực của toàn xã hội. Cụ thể, cần triển khai một chiến dịch sâu rộng trong cả nước, từ tầng lớp nhân dân cho tới các cơ quan nhà nước, trường học, Chính phủ.  Thứ hai, tăng cường giáo dục nhận thức cho toàn thể xã hội thông qua các chương trình giáo dục nhận thức trên truyền hình quốc gia và triển khai lực lượng hạt nhân tại các cơ sở giáo dục sau đại học. Đây là điều Việt Nam có thể học hỏi và triển khai thực hiện. Các trang web được lập riêng cho chương trình một cách dễ hiểu ngắn gọn và cập nhật thường xuyên, các giải pháp thúc đẩy đánh vào tâm lý của người dân… sự vào cuộc của toàn bộ xã hội là rất đáng học hỏi.  Thứ ba, trở ngại đáng kể trong việc số hóa nền kinh tế là khả năng tiếp cận các dịch vụ số. Ngoài tăng cường giáo dục nhận thức cần có sự trợ giá của Chính phủ khi cung cấp các giải pháp số như điện thoại thông minh giá rẻ hay các giải pháp có thể chi trả so với thu nhập của người dân bình thường. Việt Nam cần lựa chọn các phương tiện thanh toán số phù hợp với tình hình thực tế tại từng khu vực. Sự vào cuộc của ngành ngân hàng trong công cuộc này là rất quan trọng. 472
  8. Kết luận Chuyển đổi sang nền kinh tế phi tiền mặt thông qua các biện pháp số hóa nền kinh tế là một bước đi cần thiết của bất kỳ nền kinh tế nào. Chỉ có như vậy mới có thể minh bạch tài chính, đẩy lùi tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền góp phần đem lại sự công bằng trong xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, mọi người dân đều bình đẳng trước các cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính. Việt Nam nên tăng cường nghiên cứu và học hỏi từ các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới để tìm ra bước đi phù hợp cho quốc gia mình. TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Ajit kumar Roy (2017). Nền kinh tế phi tiền mặt ở Ấn Độ - hiện tại, triển vọng phát triển và thách thức, (53) 2. Báo cáo Khảo sát kinh tế của Bộ Tài chính Ấn Độ, 2018 3. Cổng thông tin điện tử Cashless India - Một Ấn Độ không tiền mặt của Chính phủ Ấn Độ 4. Cổng thông tin điện tử Transforming India- Một Ấn Độ chuyển mình của Chính phủ Ấn Độ 5. Ira Dugal (2018). Giảm bớt tiền mặt trong lưu thông có làm thay đổi thói quen tiêu tiền mặt của người dân Ấn Độ, Bloombergquint, Apr 19 2018 6. Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (2016) Báo cáo tháng 11 về giao dịch điện tử 7. Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (2017) Báo cáo tháng 3 về giao dịch điện tử 8. Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (2018) Báo cáo tháng 3 về giao dịch điện tử 9. Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (2018) Báo cáo tháng 9 về giao dịch điện tử 10. Số liệu của Bloomberg ngày 6/11/2017 về Sàn giao dịch New Delhi 11. Số liệu của Bloomberg ngày 7/11/2017 về Sàn giao dịch Bombay 12. Techstory (2018). Khảo sát Rào cản đối với thanh toán điện tử tại Ấn Độ 473
nguon tai.lieu . vn