Xem mẫu

  1. Bài 5: Chương trình bảo hiểm trong doanh nghiệp BÀI 5 CHƯƠNG TRÌNH BẢO HIỂM TRONG DOANH NGHIỆP Hướng dẫn học Để học tốt bài này, sinh viên cần tham khảo các phương pháp học sau:  Học đúng lịch trình của môn học theo tuần, làm các bài luyện tập đầy đủ và tham gia thảo luận trên diễn đàn.  Đọc tài liệu: 1. Nguyễn Văn Định (chủ biên), 2012, Giáo trình Bảo hiểm, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. 2. Nguyễn Văn Định (chủ biên), 2009, Giáo trình Quản trị Kinh doanh Bảo hiểm, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. 3. C. Arthur Williams, JR. Richard. M. Heins, 1989, Risk Management and Insurance, McGrawn-Hill International Editions, Singapore.  Sinh viên làm việc theo nhóm và trao đổi với giảng viên trực tiếp tại lớp học hoặc qua email.  Tham khảo các thông tin từ trang Web môn học. Nội dung Bài 5 trình bày các vấn đề liên quan đến việc xác định nhu cầu bảo hiểm, thu xếp và quản lý chương trình bảo hiểm trong một trong doanh. Đây là bài cuối cùng trong môn học, nội dung sẽ làm rõ các vấn đề khởi đầu của rủi ro trong doanh nghiệp liên quan đến việc nhận dạng rủi ro và tổn thất tiềm năng mà một doanh nghiệp phải đương đầu; lựa chọn các sản phẩm bảo hiểm phù hợp trên cơ sở xem xét các qui định bắt buộc của Nhà nước, năng lực và nhu cầu của doanh nghiệp. Việc thu xếp bảo hiểm, quản lý các hợp đồng bảo hiểm trong suốt quá trình bảo hiểm cũng như khiếu nại đào bồi thường khi có tổn thất cũng được đề cập trong bài này. Về cơ bản, nội dung bài 5 tập trung vào các vấn đề sau:  Rủi ro và tổn thất tiềm năng trong một doanh nghiệp có thể được bảo hiểm;  Phương thức lựa chọn phạm vi bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm phù hợp cho một doanh nghiệp;  Thu xếp hợp đồng bảo hiểm: lựa chọn phương thức tham gia bảo hiểm, lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm;  Quản lý chương trình bảo hiểm trong doanh nghiệp. Mục tiêu Sau khi học xong bài này, sinh viên nắm chắc các vấn đề sau:  Hiểu được sự cần thiết phải xây dựng và quản lý chương trình bảo hiểm trong doanh nghiệp.  Xác định được các loại hình bảo hiểm một doanh nghiệp cần phải tham gia (mua) căn cứ vào qui định của Nhà nước, nhu cầu và khả năng của doanh nghiệp.  Hiểu rõ ý nghĩa cũng như nắm vững việc thu xếp bảo hiểm cho doanh nghiệp.  Nắm được các công việc cần thiết trong quản lý chương trình bảo hiểm của doanh nghiệp. 158 TXBHKT01_Bai5_v1.0015101230
  2. Bài 5: Chương trình bảo hiểm trong doanh nghiệp Tình huống dẫn nhập Hỏa hoạn tại công ty Cổ phần giấy Thành Đạt Hồi 19 giờ ngày 4/5, tại cụm công nghiệp Phong Khê - thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh) đã xảy ra vụ hỏa hoạn tại công ty Cổ phần giấy Thành Đạt. Đám cháy bùng phát dữ dội gây thiệt hại về nhà xưởng, kho chứa hàng và nhiều máy móc thiết bị để sản xuất. http://baotintuc.vn/xa-hoi/chay-lon-tai-nha-may-giay-cum-cn- phong-khe-bac-ninh-20140504223907305.htm Thiệt hại của doanh nghiệp có được bảo hiểm không? TXBHKT01_Bai5_v1.0015101230 159
  3. Bài 5: Chương trình bảo hiểm trong doanh nghiệp 5.1. Xác định nhu cầu bảo hiểm của doanh nghiệp 5.1.1. Rủi ro trong doanh nghiệp Như đã đề cập trong các chương trước, bảo hiểm là một phần không thể thiếu đối với hoạt động của doanh nghiệp. Bảo hiểm đảm bảo sự bù đắp về tài chính cho doanh nghiệp khi có rủi ro được bảo hiểm xảy ra gây tổn thất, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng trở lại vị trí tài chính ban đầu như trước khi rủi ro xảy ra. Các rủi ro được bảo đảm thông qua các hợp đồng bảo hiểm là các rủi ro thuần túy, xảy ra mang tính ngẫu nhiên và có thể gây thiệt hại về tài sản, làm phát sinh trách nhiệm pháp lý, gây thiệt hại về người. Dựa trên cơ sở các bản báo cáo tài chính, hoạt động của doanh nghiệp và các thông tin liên quan, doanh nghiệp tiến hành liệt kê tổn thất tiềm năng doanh nghiệp có thể phải gánh chịu trên cơ sở xem xét các giá trị liên quan đến tổn thất có thể xảy ra và tổn thất tối đa có thể phát sinh. Nhận dạng các nguyên nhân có thể của tổn thất hoặc các hiểm họa và xác suất của từng loại tổn thất. Các tổn thất có thể phát sinh được liệt kê có thể là tổn thất về tài sản, tổn thất về trách nhiệm, tổn thất về con người. Ví dụ: bộ phận quản trị rủi ro phân tích rủi ro hỏa hoạn nếu phát sinh, nó có thể là nguyên nhân dẫn đến tổn thất của các nhà xưởng và các tài sản bên trong nhà xưởng, làm gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp trong một thời gian nhất định từ vài tháng đến vài năm thậm chí là nguyên nhân dẫn đến sự phát sản của doanh nghiệp, làm phát sinh các khoản bồi thường cho người lao động. Việc lập một bảng thống kê các rủi ro/hiểm họa liên quan đến các loại tổn thất giữ vai trò vô cùng quan trọng. Các rủi ro thuần túy mà doanh nghiệp thường phải đương đầu có thể liệt kê được bao gồm:  Rủi ro hỏa hoạn;  Rủi ro tai nạn lao động;  Rủi ro trộm cắp;  Rủi ro thiên tai, bao gồm bão, lũ, lụt, động đất, núi lửa…;  Rủi ro về trách nhiệm pháp lý phát sinh do các hành động bất cẩn, lỗi sản phẩm, ô nhiễm…;  Các rủi ro về con người như các trường hợp ốm đau, bệnh tật, tai nạn thương tật, tử vong của người lao động, các nhà quản lý trung và cao cấp…;  Các rủi ro xuất phát từ yếu tố chính trị xã hội: bạo động, đình công, bạo loạn…;  Các rủi ro khác. Sau khi nhận dạng thông qua việc liệt kê rủi ro, doanh nghiệp tiến hành phân tích rủi ro và nguy cơ tổn thất dựa vào tập hợp các thông tin:  Danh sách rủi ro được nhận dạng;  Tần suất xảy ra của từng rủi ro của bản thân doanh nghiệp (dựa vào các báo cáo tổn thất của doanh nghiệp trong quá khứ nếu có) hoặc tần suất của từng loại rủi ro của ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động hoặc theo khu vực địa lý (báo cáo tổn thất của ngành, địa phương); 160 TXBHKT01_Bai5_v1.0015101230
  4. Bài 5: Chương trình bảo hiểm trong doanh nghiệp  Mức độ nghiêm trọng của tổn thất hay tổn thất tối đa có thể nếu rủi ro xảy ra (dựa vào số liệu trên các bản báo cáo tài chính kế toán, bao gồm: báo cáo tài chính, bảng kê tài sản, bảng cân đối kế toán… doanh nghiệp có thể xác định giá trị tài sản, nguyên nhiên vật liệu của doanh nghiệp, thu nhập của người lao động…);  Các nhân tố ngoại cảnh như vị trí địa lý, an ninh khu vực, khu vực nguy cơ động đất, bão lụt… Phân tích rủi ro sẽ giúp doanh nghiệp trả lời câu hỏi: những rủi ro nào là nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm đối với doanh nghiệp? Rủi ro nào có thể là nguyên nhân làm cho doanh nghiệp tổn nặng nề về tài chính? Rủi ro nào có thể làm doanh nghiệp phá sản? Mức độ tổn thất mà mỗi rủi ro có thể gây ra tối đa hay mức độ nghiêm trọng của rủi ro là thế nào? Phân tích rủi ro cần có một cơ sở dữ liệu đủ lớn và chính xác, trên thực tế công việc này thường do các nhà quản lý rủi ro chuyên nghiệp thực hiện. Phân tích rủi ro và tổn thất cũng cho phép doanh nghiệp xây dựng một chương trình quản lý rủi ro hiệu quả nhất có thể thông qua việc xác định biện pháp đối phó với từng rủi ro, mức độ ưu tiên trong việc đối phó với rủi ro sao cho hiệu quả nhất nhằm đảm bảo cân đối về chi phí cho quản lý rủi ro, đảm bảo sự bảo vệ hợp lý nhất và tuân thủ chiến lược kinh doanh đề ra. Trên thực tế, mỗi rủi ro hoặc một nhóm rủi ro có thể được đối phó kết hợp bởi đồng thời nhiều phương pháp hoặc một phương pháp mà doanh nghiệp cho là hợp lý nhất. Các biện pháp đối phó với rủi ro đã được để cập trong bài 1 bao gồm:  Nhóm biện pháp kiểm soát rủi ro: nhằm ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ xảy ra của rủi ro và/hoặc mức độ tổn thất. Các biện pháp thuộc nhóm này tập trung vào: o Né tránh rủi ro; o Đề phòng và giảm thiểu rủi ro: PCCC, tăng cường an ninh, tăng cường đào tạo kĩ năng cho người lao động, thiết lập qui trình an toàn lao động…; o Ngăn chặn tổn thất: các biện pháp cứu hộ; o Phân chia rủi ro: lập các đường phân cách, tường lửa để phân chia hàng, tài sản theo mức độ bắt cháy khác nhau.  Nhóm biện pháp tài trợ rủi ro: nhằm mục đích tài trợ về tài chính cho các tổn thất mà rủi ro gây ra. Nhóm biện pháp này thường phát huy hiệu quả sau khi có tổn thất. Nhóm này gồm các biện pháp: o Lưu giữ tổn thất: trên thực tế là việc lập các quĩ dự phòng tổn thất và sử dụng khi rủi ro xảy ra. Tuy nhiên, các quĩ dự phòng tổn thất thường chỉ đối phó được đối với các tổn thất nhỏ. o Chuyển giao rủi ro thông qua bảo hiểm. Hiện nay biện pháp này là biện pháp thông dụng nhất. Sự phát triển về doanh thu và sản phẩm của thị trường bảo hiểm tại các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng là một minh chứng hữu hiệu nhất về tính thông dụng của bảo hiểm trong cuộc sống kinh tế xã hội. TXBHKT01_Bai5_v1.0015101230 161
  5. Bài 5: Chương trình bảo hiểm trong doanh nghiệp 5.1.2. Xác định phạm vi bảo hiểm Trên cơ sở phân tích rủi ro vừa đề cập, doanh nghiệp có thể lên danh sách sơ lược (danh sách ban đầu) các phạm vi bảo hiểm cần thiết đối với doanh nghiệp. Danh sách này bao gồm các phạm vi bảo hiểm hoặc là bắt buộc bởi Nhà nước, đối tác… hoặc để bảo vệ doanh nghiệp khỏi các tổn thất về tài chính đe dọa đối với sự tồn tại, hoạt động của doanh nghiệp. Từ kinh nghiệm của các nhà quản trị rủi ro chuyên nghiệp, danh sách sơ lược các phạm vi bảo hiểm cần thiết của doanh nghiệp thường bao gồm:  Bảo hiểm xã hội: BHXH, BHYT, BHTN là ba hình thức doanh nghiệp và người lao động bắt buộc phải tham gia bảo hiểm theo luật định nhằm bảo vệ sự an toàn về kinh tế cho người lao động khi có các biến cố xảy ra trong quá trình lao động như đã đề cập trong bài 2. Việc tham gia các hình thức bảo hiểm này vừa đảm bảo yêu cầu bắt buộc của pháp luật, vừa giúp doanh nghiệp duy trì mối quan hệ giữa doanh nghiệp với người lao động, hình ảnh của doanh nghiệp.  Bảo hiểm thương mại: o Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc: đây là hình thức bảo hiểm bắt buộc tại Việt Nam đối với một số đối tượng thuộc nhóm các doanh nghiệp, tổ chức có nguy cơ cháy nổ cao hoặc nguy cơ xảy ra tổn thất mang tính thảm họa (có thể tham khảo Nghị định 130/NĐ-CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc). o Bảo hiểm mọi rủi ro tài sản: bảo hiểm mọi rủi ro tài sản có phạm vi bảo hiểm rộng, bảo hiểm cho tài sản, hoạt động của doanh nghiệp đối phó với hầu hết các rủi ro (trừ các trường hợp loại trừ - chính vì vậy loại hình bảo hiểm này có tên gọi là bảo hiểm “mọi rủi ro” tài sản). o Trên thực tế, bảo hiểm cháy nổ chỉ bảo hiểm cho rủi ro cháy nổ trong khi bảo hiểm mọi rủi ro tài sản bảo hiểm cho tất cả các rủi ro mang tính bất ngờ (trừ trường hợp loại trừ). o Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh: là hình thức bảo hiểm cho các chi phí, tổn thất phát sinh do gián đoạn kinh doanh sau khi có tổn thất trực tiếp xảy ra do rủi ro. Trên thực tế thiệt hại do gián đoạn kinh doanh có thể phát sinh trong nhiều tình huống: sau cháy, sau khi sụp đổ công trình, sau các tổn thất của bảo hiểm xây dựng, lắp đặt… Phạm vi bảo hiểm này thường đi kèm với các đơn bảo hiểm về tài sản. o Phạm vi bảo hiểm thiệt hại tài sản do đổ vỡ máy móc, nồi hơi. Phạm vi bảo hiểm này phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. o Phạm vi bảo hiểm kĩ thuật: bảo hiểm cho các thiệt hại về tài sản trong các lĩnh vực xây dựng, lắp đặt, bảo hiểm kho lạnh, bảo hiểm thiết bị điện tử, bảo hiểm năng lượng. Tùy thuộc vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có phạm vi bảo hiểm tương ứng bảo vệ cho tài sản của doanh nghiệp. 162 TXBHKT01_Bai5_v1.0015101230
  6. Bài 5: Chương trình bảo hiểm trong doanh nghiệp o Bảo hiểm trách nhiệm pháp lý: trách nhiệm đối với người thứ ba gắn với hoạt động kinh doanh hoặc tài sản của doanh nghiệp; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm chủ sản phẩm, bảo hiểm trách nhiệm chung… Nhìn chung hoạt động của bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều có nguy cơ phát sinh trách nhiệm pháp lý do các tình huống rủi ro bất ngờ. o Bảo hiểm bồi thường cho người lao động: bảo vệ cho các khoản bồi thường cho người lao động liên quan đến thu nhập, chi phí phát sinh do tai nạn xảy ra trong quá trình lao động. Phạm vi bảo hiểm này rất phổ biến và thường là hình thức bảo hiểm bắt buộc tại các nước phát triển, tuy nhiên ở Việt Nam, phạm vi bảo hiểm này chưa phổ biến do nhiều yếu tố khác quan tác động. o Bảo hiểm chi phí y tế, bảo hiểm kết hợp con người. o Bảo hiểm tai nạn nhóm. o Các phạm vi bảo hiểm khác. Tùy thuộc vào lĩnh vực và phạm vi hoạt động mà mỗi doanh nghiệp, năng lực tài chính, chiến lược kinh doanh, mỗi doanh nghiệp sẽ có những lựa chọn khác nhau từ các phạm vi bảo hiểm được liệt kê ban đầu. 5.2. Lập kế hoạch bảo hiểm 5.2.1. Khái niệm kế hoạch bảo hiểm Kế hoạch bảo hiểm đề cập ở đây là một chương trình bảo hiểm toàn diện cho doanh nghiệp liên quan đến việc xác định các loại hình bảo hiểm cần tham gia, tiến hành thu xếp hợp đồng bảo hiểm, quản lý các hợp đồng bảo hiểm và các loại hình bảo hiểm thuộc BHXH. Kế hoạch bảo hiểm thường được lập hàng năm, được theo dõi và rà soát thường xuyên liên tục nhằm đem lại sự bảo vệ hợp lý nhất cho doanh nghiệp và người lao động. Việc lập kế hoạch bảo hiểm cần xác định rõ các cơ sở lập kế hoạch, các rủi ro và tổn thất mà doanh nghiệp có thể phải đương đầu, phương thức thu xếp/tham gia bảo hiểm, lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm (đối với bảo hiểm thương mại), thu xếp bảo hiểm. Về cơ bản, lập kế hoạch bảo hiểm có thể phân thành hai bước cơ bản: lựa chọn sản phẩm bảo hiểm và thu xếp bảo hiểm (thu xếp bảo hiểm bao gồm cả lựa chọn phương thức thu xếp bảo hiểm, lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm và thu xếp đàm phán lí kết hợp đồng bảo hiểm). Các cơ sở lập kế hoạch bảo hiểm bao gồm:  Các qui định của cơ quan Nhà nước: Trên thực tế một số loại hình bảo hiểm là bắt buộc theo qui định của pháp luật. Những loại hình bảo hiểm này thường là BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm cháy nổ… Việc bắt buộc doanh nghiệp tham gia những hình thức bảo hiểm này trước tiên đảm bảo sự ổn định và an toàn về an sinh xã hội, thứ đó bảo vệ quyền lợi về tài chính cho những bên có quyền lợi liên quan, ví dụ như người lao động, những người thứ ba trong rủi ro, những người có quyền lợi liên quan đến doanh nghiệp. TXBHKT01_Bai5_v1.0015101230 163
  7. Bài 5: Chương trình bảo hiểm trong doanh nghiệp Tại Việt Nam, BHXH, BHYT, BHTN là các loại hình bảo hiểm bắt buộc theo qui định và được đề cập cụ thể trong Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật Bảo hiểm Y tế. Một số loại hình bảo hiểm thương mại cũng được qui định bắt buộc phải tham gia đối với doanh nghiệp, bao gồm: o Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (có qui định đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm trong Nghị định 130/NĐ-CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc). o Bảo hiểm trách nhiệm chủ thầu: bắt buộc đối với các chủ thầu trong xây dựng, lắp đặt các công trình dân dụng, công nghiệp. o Bảo hiểm trách nhiệm chủ phương tiện (gồm ô tô, xe máy, máy bay, tàu thủy…), loại hình này có thể bao gồm nhiều phạm vi bảo hiểm khác nhau, như bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với người thứ ba, bảo hiểm trách nhiệm của chủ xe đối với hành khách áp dụng cho phương tiện kinh doanh vận chuyển hành khách, bảo hiểm trách nhiệm của chủ xe đối với hàng hóa vận chuyển áp dụng đối với phương tiện kinh doanh vận chuyển hàng hóa. o Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hiện tại là loại hình bảo hiểm bắt buộc đối với doanh nghiệp kinh doanh môi giới bảo hiểm. o … Xác định rõ các loại hình bảo hiểm bắt buộc phải tham gia là yếu tố vô cùng quan trọng khi xây dựng chương trình bảo hiểm. Nó giúp doanh nghiệp tránh được các rắc rối không cần thiết về mặt pháp lý cũng như giúp gây dựng hình ảnh của doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp kết nối chặt chẽ hơn với người lao động, các đối tác có liên quan.  Chiến lược và mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp: Chiến lược và mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp là yếu tố quyết định sự qui mô, thậm chí là hiệu quả của chương trình bảo hiểm. Hầu hết doanh nghiệp có chiến lược phát triển dài hơi sẽ chú trọng đến vấn đề bảo hiểm, còn các doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu có thể sẽ cắt giảm ngân sách cho bảo hiểm. Một doanh nghiệp tập trung phát triển nguồn nhân lực và thực sự quan tâm đến yếu tố này thì họ sẽ có các chương trình bảo hiểm tối ưu nhất có thể bảo vệ người lao động; ngược lại, khi doanh nghiệp không có chiến lược chú trọng vào nhân lực, họ có thể lơ là các chương trình bảo hiểm cho người lao động. Tương tự như vậy, các doanh nghiệp không có chiến lược dài hạn, chỉ chăm chú vào mục tiêu lợi nhuận thường có xu hướng cắt giảm tối đa nhất các loại hình bảo hiểm nhằm giảm chi phí. Nhưng nếu doanh nghiệp đặt mục tiêu an toàn, ổn định và phát triển dài hạn họ sẽ chú tâm đến các loại hình bảo hiểm có thể bảo vệ họ.  Năng lực tài chính và ngân sách dành cho bảo hiểm: “Nhu cầu là vô hạn, năng lực là giới hạn”, nhu cầu bảo vệ luôn cao, sự lo sợ trước các nguy cơ rủi ro luôn hiện hữu, tuy nhiên liệu doanh nghiệp có đủ nguồn lực tài chính để mua tất cả các loại hình bảo hiểm mà họ mong muốn? Trên thực tế các doanh nghiệp kể cả có nguồn lực tài chính dồi dào đến đâu cũng chỉ dành một phần rất hạn chế ngân sách cho 164 TXBHKT01_Bai5_v1.0015101230
  8. Bài 5: Chương trình bảo hiểm trong doanh nghiệp bảo hiểm. Ngân sách này trước hết phải đảm bảo chi trả các loại hình bảo hiểm bắt buộc, còn lại mới phục vụ cho các nhu cầu bảo hiểm cần thiết được lựa chọn. Khi ngân sách cho bảo hiểm bị giới hạn, lẽ đương nhiên các loại hình bảo hiểm mà doanh nghiệp sẽ lựa chọn sẽ giảm xuống. Để đảm bảo được hiệu quả chương trình bảo hiểm, doanh nghiệp cần lựa chọn được phạm vi bảo hiểm, sản phẩm và nhà cung cấp phù hợp nhất.  Ngành nghề, lĩnh vực và phạm vi hoạt động của doanh nghiệp: Ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh là những yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ rủi ro của doanh nghiệp. Ví dụ, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu bao gồm kinh doanh kho chứa, vận chuyển, phân phối sẽ phải đương đầu với nguy cơ cháy nổ tại tất cả các khâu của quá trình kinh doanh. Một doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu sẽ phải đương đầu với các rủi ro trên phạm vi địa lý rộng do hàng hóa lưu thông từ quốc gia này sang quốc gia khác. Mặt khác, nếu xem xét trên khía cạnh địa lý, mỗi khu vực sẽ có những nguy cơ rủi ro thiên tai khác nhau, vì dụ vùng động đất, rủi ro bão lũ lụt, rủi ro hạn hán, rủi ro sóng thần, rủi ro núi lửa… Ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh và phạm vi địa lý có thể làm tăng giảm yêu cầu bảo vệ của doanh nghiệp. 5.2.2. Lựa chọn sản phẩm bảo hiểm cho doanh nghiệp Trên cơ sở đánh giá rủi ro của doanh nghiệp, xem xét danh sách phạm vi bảo hiểm ban đầu và các cơ sở ảnh hưởng đến chương trình bảo hiểm, doanh nghiệp cần lựa chọn các sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhằm bảo vệ cho các phạm vi bảo hiểm mà họ lựa chọn. Các loại hình bảo BHXH, BHYT, BHTN là bắt buộc theo luật định nên việc tham gia các loại hình bảo hiểm này là vấn đề không cần bàn cãi đối với doanh nghiệp.  Đối với bảo hiểm thương mại, việc lựa chọn sản phẩm bảo hiểm cần đảm bảo một số nguyên tắc nhất định: o Đảm bảo các qui định bắt buộc của cơ quan quản lý; o Đem lại sự bảo vệ cho những tổn thất nghiêm trọng, những rủi ro có nguy cơ cao; o Ngân sách cho bảo hiểm phù hợp với năng lực tài chính của doanh nghiệp; o Sản phẩm được lựa chọn cung cấp sự bảo vệ hợp lý và thuận lợi nhất.  Để lựa chọn sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp cần hiểu một số yếu tố liên quan đến sản phẩm bảo hiểm: o Như đã đề cập tại các bài trước, sản phẩm bảo hiểm có nhiều loại: các sản phẩm bảo hiểm tài sản, sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm, sản phẩm bảo hiểm tai nạn, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. o Sản phẩm bảo hiểm có thể là sản phẩm riêng biệt chỉ bảo hiểm cho một rủi ro hoặc một nhóm rủi ro riêng biệt (ví dụ bảo hiểm cháy), hoặc là sản phẩm bảo hiểm toàn diện bảo hiểm cho rất nhiều rủi ro chỉ trừ các rủi ro loại trừ (ví dụ như bảo hiểm mọi rủi ro tài sản). Ngoài ra còn có các đơn bảo hiểm trọn gói, TXBHKT01_Bai5_v1.0015101230 165
  9. Bài 5: Chương trình bảo hiểm trong doanh nghiệp bảo hiểm cho nhiều phạm vi bảo hiểm đồng thời (các đơn bảo hiểm trọn gói - parkage policy: bảo hiểm cho cả tài sản, trách nhiệm và con người trong cùng 1 đơn). o Khi doanh nghiệp bảo hiểm lựa chọn một sản phảm bảo hiểm nào đó, họ sẽ tiến hành đàm phán và nếu công ty bảo hiểm đồng ý bảo hiểm sẽ cấp Đơn bảo hiểm cho doanh nghiệp. Đơn bảo hiểm chính là bằng chứng cho việc chấp nhận bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm. Một số trường hợp doanh nghiệp có thể đặt ra câu hỏi vậy đơn bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm khác nhau thế nào? Trên thực tế câu hỏi này đã được trả lời trong phần hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên để đảm bảo doanh nghiệp hiểu rõ chương trình bảo hiểm của mình, phần này sẽ làm rõ lại một lần nữa câu hỏi này: đơn bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm cấp, là bằng chứng cho cam kết bảo hiểm của công ty bảo hiểm đối với khách hàng; hợp đồng bảo hiểm là bằng chứng cho giao kết bảo hiểm giữa hai bên là công ty bảo hiểm và khách hàng tham gia bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm gồm giấy yếu cầu bảo hiểm và đơn bảo hiểm cùng với các điều khoản, phụ lục bổ sung (nếu có). Giấy yêu cầu bảo hiểm do khách hàng tham gia bảo hiểm kê khai và kí tên, nó đại diện cho yếu tố đồng ý, cam kết với công ty bảo hiểm của phía người tham gia bảo hiểm trong giao dịch bảo hiểm mà hai bên thỏa thuận xác lập.  Sản phẩm bảo hiểm có thời hạn xác định, thường tối đa là 1 năm đối với các sản phẩm bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm tai nạn con người và bảo hiểm chăm sóc sức khỏe. Đối với bảo hiểm nhân thọ thường thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 5 năm. Yếu tố này phải được lưu tâm nhằm đảm bảo việc tái tục bảo hiểm kịp thời để duy trì sự bảo vệ liên tục không gián đoạn đối với doanh nghiệp.  Đối với trường hợp bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, doanh nghiệp có thể lựa chọn các sản phẩm bảo hiểm nhóm để nhận được những ưu đãi nhất định về phí, thuận lợi trong việc yêu cầu trả tiền bảo hiểm thông qua ưu thế qui mô nhóm. Trên thực tế một danh sách các loại hình bảo hiểm của một doanh nghiệp thường bao gồm:  Các hình thức bảo hiểm bắt buộc: o BHXH, BHYT, BHTN, đây là những hình thức bảo hiểm bắt buộc của Nhà nước mà doanh nghiệp phải tham gia theo luật định. o Các hình thức bảo hiểm thương mại bắt buộc theo qui định của Nhà nước tùy thuộc vào ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ như: bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nguy hiểm hoặc có nguy cơ cháy nổ cao; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; bảo hiểm trách nhiệm của chủ phương tiện đối với người thứ ba, hành khách, hàng hóa đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải…  Các loại hình bảo hiểm thương mại tự nguyện: Các loại hình bảo hiểm gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. 166 TXBHKT01_Bai5_v1.0015101230
  10. Bài 5: Chương trình bảo hiểm trong doanh nghiệp o Bảo hiểm hàng hóa trong quá trình vận chuyển đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại; o Bảo hiểm xây dựng lắp đặt đối với các công ty đang trong quá trình xây dựng lắp đặt máy móc, nhà xưởng, văn phòng; o Bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt đối với các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, siêu thị, thương mại…; o Bảo hiểm kho lạnh đối với các đơn vị sản xuất chế biến thực phẩm, thủy hải sản…; o Bảo hiểm mọi rủi ro tài sản đối với doanh nghiệp; o Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số nghề nghiệp có tính nhạy cảm cao như bác sĩ, kĩ sư tư vấn, giám sát…; o Bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm đối với những ngành sản xuất sản phẩm nhạy cảm như dược phẩm, thực phẩm; o Bảo hiểm tai nạn con người đối những doanh nghiệp mà lao động có nguy cơ rủi ro tai nạn cao như khai thác mỏ, xây dựng…; o Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho các cán bộ, lao động chủ chốt hoặc lao động chính thức tùy thuộc chính sách và nguồn lực tài chính của doanh nghiêp; o Các loại hình bảo hiểm khác tùy thuộc vào đặc trưng ngành nghề lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp. Các sản phẩm bảo hiểm được lựa chọn có thể là đơn lẻ cũng có thể chọn sản phẩm trọn gói: trong một đơn bảo hiểm đồng thời bảo hiểm cho cả tài sản, trách nhiệm pháp lý, tai nạn con người. 5.2.3. Thu xếp bảo hiểm Thu xếp bảo hiểm là việc đàm phán kí kết hợp đồng bảo hiểm. Sau khi xác định được nhu cầu bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm phù hợp trên cơ sở cân đối giữa các nguy cơ rủi ro và tổn thất, mức độ nguy hiểm của các rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp với khả năng tài chính và ngân sách cho bảo hiểm, các qui định của Nhà nước, doanh nghiệp tiến hành thu xếp bảo hiểm trực tiếp với cơ quan, công ty/các công ty bảo hiểm hoặc có thể lựa chọn thu xếp thông qua trung gian bảo hiểm là môi giới hoặc đại lý. Để doanh nghiệp có được một chương trình bảo hiểm của doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu về phạm vi bảo vệ mang tính bao phủ cân đối với ngân sách dành cho bảo hiểm, có sự đảm bảo đối với việc bồi thường khi có tổn thất nhanh và kịp thời, doanh nghiệp cần phải đảm bảo ba yếu tố: thứ nhất, xác định việc thu xếp bảo hiểm trực tiếp hay qua trung gian bảo hiểm. Thứ hai, lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm hợp lý. Thứ ba, đàm phán thu xếp hợp đồng bảo hiểm thuận lợi theo yêu cầu.  Lựa chọn phương thức tham gia bảo hiểm Đối với BHXH, BHYT và BHTN, để thu xếp việc tham gia bảo hiểm cho người lao động, doanh nghiệp cần liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH tại địa phương, chốt danh sách lao động thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm và lương làm căn TXBHKT01_Bai5_v1.0015101230 167
  11. Bài 5: Chương trình bảo hiểm trong doanh nghiệp cứ đóng phí của người lao động, đăng kí tham gia bảo hiểm tại cơ quan BHXH địa phương theo qui định của pháp luật. Đối với bảo hiểm thương mại: dù là loại hình bảo hiểm bắt buộc hay tự nguyện, doanh nghiệp đều có quyền lựa chọn công ty bảo hiểm, xác định phương thức tham gia bảo hiểm. Việc tham gia bảo hiểm có thể được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau, doanh nghiệp có thể tham gia bảo hiểm trực tiếp tại công ty bảo hiểm, tham gia bảo hiểm trực tuyến, tham gia bảo hiểm thông qua trung gian là đại lý hoặc môi giới. Cần lưu ý, về lý thuyết, đại lý đại diện cho doanh nghiệp bảo hiểm phân phối sản phẩm bảo hiểm, môi giới đại diện cho khách hàng thu xếp hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, hầu hết các công ty môi giới tham gia vào việc phân phối sản phẩm bảo hiểm. Đối với các sản phẩm bảo hiểm yêu cầu cao về kĩ thuật, đánh giá rủi ro, giá trị hợp đồng lớn, doanh nghiệp thường lựa chọn tham gia bảo hiểm trực tiếp tại công ty bảo hiểm hoặc qua môi giới. Các hình thức bảo hiểm đơn lẻ, số tiền bảo hiểm không quá lớn, doanh nghiệp có thể tham gia qua kênh trực tuyến, đại lý.  Lựa chọn công ty bảo hiểm Lựa chọn công ty bảo hiểm phù hợp là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của chương trình bảo hiểm. Để lựa chọn công ty bảo hiểm cần căn cứ vào các yếu tố sau: o Xếp hạng của công ty; o Địa bàn hoạt động của công ty; o Các dịch vụ và giá cả dịch vụ mà công ty cung cấp. Xếp hạng của một công ty bảo hiểm được đánh giá và dựa vào nhiều yếu tố, bao gồm: năng lực tài chính, hiệu quả kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực đánh giá và quản lý rủi ro, chất lượng dịch vụ, khả năng thanh toán nhanh, mức độ an toàn… Tất cả các yếu tố này về cơ bản đều tác động đến chất lượng dịch vụ mà công ty bảo hiểm cung cấp cho khách hàng. Một công ty bảo hiểm có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, có năng lực đánh giá rủi ro tốt, chất lượng dịch vụ đảm bảo sẽ chăm sóc khách hàng tốt và ngược lại. Trên khía cạnh khác, nếu công ty bảo hiểm có sự an toàn về tài chính và năng lực tài chính mạnh sẽ đảm bảo khả năng nhận bảo hiểm cũng nhu bồi thường cho khách hàng khi có tổn thất. Địa bàn hoạt động của công ty bảo hiểm đề cập đến vấn đề phủ rộng về mặt địa lý hay nói cách khác là tính bao phủ. Với một công ty bảo hiểm có phảm vi bao phủ rộng thì việc cung cấp dịch vụ thường sẽ đảm bảo nhanh và thuận lợi hơn cho khách hàng tham gia bảo hiểm. Các dịch vụ và giá cả dịch vụ của công ty bảo hiểm là cơ sở để xác định công ty bảo hiểm có đủ sản phẩm cung cấp theo nhu cầu của người tham gia bảo hiểm hay không, có phù hợp với ngân sách dành cho bảo hiểm của khách hàng hay không. Sản phẩm dịch vụ phù hợp với yêu cầu và nhu cầu của khách hàng cũng là một yếu tố cần xem xét khi lựa chọn công ty bảo hiểm. Trên thực tế, nếu doanh nghiệp 168 TXBHKT01_Bai5_v1.0015101230
  12. Bài 5: Chương trình bảo hiểm trong doanh nghiệp tham gia bảo hiểm tại quá nhiều công ty bảo hiểm cũng có những điểm bất lợi nhất định như thủ tục, thời gian. Trên thực doanh nghiệp thường lựa chọn nhiều hơn 1 công ty bảo hiểm để có thể nhận được dịch vụ tốt nhất đem lại từ yếu tố cạnh tranh giữa các công ty bảo hiểm.  Đàm phán thu xếp bảo hiểm Quá trình đàm phán thu xếp hợp đồng bảo hiểm có thể là quá trình khó khăn và đòi hỏi phải đầu tư nhất định. Để đàm phán thành công, doanh nghiệp cần tìm hiểu kĩ về các công ty bảo hiểm mà mình lựa chọn. Việc yêu cầu bảo hiểm gửi tới công ty bảo hiểm mới chỉ là bước ban đầu trong quá trình đảm phán. Sau khi tiếp nhận yêu cầu bảo hiểm, công ty bảo hiểm sẽ tiến hành đánh giá rủi ro và chào phí bảo hiểm nếu họ xét thấy có thể chấp nhận bảo hiểm. Lúc này việc đàm phán về phí, phạm vi bảo hiểm, các điều khoản mở rộng phạm vi bảo hiểm, các phụ lục hợp đồng… sẽ được hai bên thảo luận và đi đến thống nhất. Thành công của việc đàm phán bảo hiểm là doanh nghiệp được bảo hiểm với phạm vi bảo hiểm hợp lý nhất với ngân sách dành cho bảo hiểm và được bảo vệ bởi công ty bảo hiểm có chỉ số xếp hạng an toàn. Tại Việt Nam, hầu hết các công ty bảo hiểm chưa được xếp hạng bởi các tổ chức xếp hạng quốc tế do vậy việc lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm theo đánh giá xếm hạng hầu như chưa thể áp dụng được. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn có thể lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm dựa vào phạm vi hoạt động, dịch vụ của doanh nghiệp, kết quả kinh doanh công bố, chất lượng dịch vụ dựa trên uy tín của doanh nghiệp. 5.3. Quản lý chương trình bảo hiểm 5.3.1. Quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong doanh nghiệp Đây là các loại hình bảo hiểm bắt buộc theo Luật, các doanh nghiệp dù muốn hay không đều phải tuân thủ. Công việc quản lý các loại hình bảo hiểm này trong doanh nghiệp liên quan đến quản lý đối tượng tham gia theo qui định, quản lý vấn đề nộp phí cho cơ quan bảo hiểm, quản lý vấn đề chi các chế độ bảo hiểm ngắn hạn, quyết toán với với cơ quan bảo hiểm. Hoạt động quản lý BHXH, BHYT, BHTN thường do bộ phận nhân sự đảm nhận do liên quan đến người lao động trong doanh nghiệp. Quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm: chính là quản lý các lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo qui định của pháp luật. Các đối tượng này được xác định trên cơ sở hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp và người lao động, thời gian của hợp đồng. Việc theo dõi các đối tượng tham gia bảo hiểm phải đảm bảo yếu tố cập nhập về sự thay đổi lao động theo thời gian. Quản lý vấn đề nộp phí cho cơ quan bảo hiểm: doanh nghiệp phải theo dõi và cập nhật với cơ quan BHXH về thu nhập của từng lao động, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN. Phí bảo hiểm được chuyển khoản hàng tháng cho cơ quan BHXH theo qui định sau khi đã trừ đi phần được phép giữ lại để tạm ứng thanh toán các chế độ TXBHKT01_Bai5_v1.0015101230 169
  13. Bài 5: Chương trình bảo hiểm trong doanh nghiệp ngắn hạn cho người lao động. Theo thời gian qui định, doanh nghiệp phải quyết toán với cơ quan BHXH các khoản chi tạm ứng cho các chế độ BHXH ngắn hạn của người lao động. Trường hợp người lao động chuyển đơn vị công tác, phải nghỉ việc do hết việc làm… doanh nghiệp cần chốt sổ BHXH cho người lao động để họ có thể nộp sổ BHXH tại nơi công tác mới hoặc làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. 5.3.2. Quản lý các hợp đồng bảo hiểm thương mại Tùy vào hoạt động và qui mô hoạt động của doanh nghiệp, khối lượng hợp đồng bảo hiểm thương mại có thể nhiều hay ít, gồm nhiều chủng loại hay đơn giản. Việc quản lý các hợp đồng bảo hiểm thương mại có thể do nhiều bộ phận đảm trách. Các hợp đồng bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe nhóm thường do bộ phận nhân sự quản lý. Các hợp đồng bảo hiểm tài sản, trách nhiệm thường do bộ phận kinh doanh hoặc kế hoạch quản lý. Quản lý các hợp đồng bảo hiểm mại sẽ tùy thuộc vào loại hợp đồng. Với các hợp đồng bảo hiểm cho tài sản cố định như nhà xưởng, máy móc thiết bị thưởng theo dõi theo năm, chú ý thu xếp tái tục khi hết hạn hợp đồng; theo dõi việc đóng phí bảo hiểm, theo dõi việc đảm bảo các qui định của hợp đồng về khai báo rủi ro, báo cáo khi thay đổi yếu tố rủi ro. Công việc quan trọng nhất của theo dõi quản lý hợp đồng bảo hiểm là thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường khi có tổn thất. Doanh nghiệp cần thực hiện đúng qui định về việc thông báo rủi ro và tổn thất ngay khi có rủi ro và thông báo bằng văn bản ngay sau đó. Việc yêu cầu khiếu nại yêu cầu bồi thường chính thức được thực hiện trên cơ sở thu thập các giấy tờ liên quan đảm bảo hồ sơ yêu cầu bồi thường đầy đủ, chính xác, chứng minh được hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực khi rủi ro xảy ra. 170 TXBHKT01_Bai5_v1.0015101230
  14. Bài 5: Chương trình bảo hiểm trong doanh nghiệp Tóm lược cuối bài  Doanh nghiệp xác định các rủi ro thuần túy có thể gặp phải trong quá trình hoạt động. Nhận dạng các rủi ro và tổn thất tiềm năng là bước đầu tiên trong việc xây dựng và quản lý một chương trình bảo hiểm hiệu quả.  Doanh nghiệp cần xác định tham gia các loại hình bảo hiểm nào trên cơ sở cân nhắc đến sự hạn chế về nguồn lực của bản thân doanh nghiệp và các qui định của Nhà nước.  Vấn đề thu xếp bảo hiểm cần tìm hiểu rõ điểm mạnh, yếu của các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp dịch vụ trên thị trường để có thể lựa chọn được nhà bảo hiểm phù hợp nhất với doanh nghiệp.  Các hợp đồng cần được quản lý theo dõi nhằm đảm bảo tính hiệu lực của hợp đồng và phát huy tác dụng khi có tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm phát sinh. TXBHKT01_Bai5_v1.0015101230 171
  15. Bài 5: Chương trình bảo hiểm trong doanh nghiệp Câu hỏi ôn tập 1. Một doanh nghiệp thường phải đối mặt với những rủi ro gì trong quá trình hoạt động? 2. Doanh nghiệp cần lựa chọn các phạm vi bảo hiểm nào để đảm bảo sự an toàn về tài chính trước các nguy cơ rủi ro? 3. Cơ sở để lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp và cần thiết cho một doanh nghiệp là gì? 4. Việc lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm dựa trên các tiêu chí nào? 5. Việc thu xếp bảo hiểm được thực hiện thế nào? 172 TXBHKT01_Bai5_v1.0015101230
nguon tai.lieu . vn