Xem mẫu

  1. ÁP DỤNG 3 GIẢM 3 TĂNG VÀ KỸ THUẬT TRỒNG LÚA THEO SRI TRONG SẢN XUẤT LÚA CHẤT LƯỢNG Chu Văn Hách, Trương Thị Kiều Liên, Đinh Thị Hải Minh, Võ Thị Thảo Nguyên, Nguyễn Thị Thanh Tuyền và Nguyễn Thị Hồng Nam Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long Tóm tắt: Dự án được thực hiện trong 3 năm từ 2011-2013 tại 5 tỉnh phía Bắc (quy mô 20 ha/mô hình/tỉnh/năm) và 12 tỉnh phía Nam (quy mô 40 ha/mô hình/tỉnh/năm). Các mô hình (MH) được áp dụng theo kỹ thuật SRI trên lúa cấy đối với các tỉnh phía Bắc và quy trình “3G3T” trên lúa sạ đối với các tỉnh phía Nam. Quy trình “3G3T” và kỹ thuật SRI đều được bổ sung hoàn thiện thêm cho phù hợp với hiện tại của từng vùng sinh thái khác nhau dựa trên nền canh tác lúa theo tiêu chí 4 tốt. Mục tiêu của “3G3T và “SRI” đều hướng tới giảm chi phí đầu vào (giảm giống, giảm phân bón, giảm thuốc BVTV và giảm nước tưới) tăng năng suất, hạ giá thành và tăng lợi nhuận cho người dân. Kết quả đạt được từ các MH trong 3 năm cho thấy: Việc áp dụng kỹ thuật “SRI” ở phía Bắc đã giảm được chi phí đầu vào so với tập quán canh tác của ND tương ứng là: phân bón 36%; thuốc BVTV 33%; giống 16%; nước tưới 15%. Năng suất lúa tăng trung bình là 600 kg/ha (10%) so với ruộng ND. Giá thành giảm 865 đ/kg lúa (21,1%) so với ruộng của ND. Lợi nhuận tăng thêm trung bình là 6.727.067 đ/ha/vụ (57,5%). Trong đó tăng năng suất đóng góp 54% còn giảm chi phí đầu vào đóng góp 46%. Áp dụng kỹ thuật “3G3T” trên lúa sạ với kiểu canh tác truyền thống của ND ở Nam Bộ cho thấy, mô hình đã giảm trung bình trên 1 ha là: 75,2 kg giống (24%); 49,7 kg urea + 34,2 kg DAP +34,8 kg KCL (41%); giảm 1,5 lần bơm nước (12%); giảm 2,3 lần phun thuốc BVTV/vụ (23%). Năng suất lúa tăng trung bình so với ruộng ND là 540 kg/ha (10%). Giá thành giảm 896 đ/ha (23,5%). Lợi nhuận tăng thêm ở MH so với ruộng ND là 7.279.242 đ/ha/vụ (49,5%). Trong đó, đóng góp từ tăng năng suất là 53,7% giảm chi phí đầu vào đóng góp 46,3%. Tất cả các mô hình đều được các công ty xuất khẩu gạo đăng ký thu mua ngay từ đầu vụ với giá cao hơn lúa ngoài mô hình từ 200 tới 600 đồng/kg lúa tươi. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Thực trạng sản xuất lúa của nông dân ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực nhờ các phương tiện thông tin đại chúng, đã có nhiều mô hình đạt được trình độ thâm canh cao với lợi nhuận vượt trội so với sản xuất đại trà nhờ áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật mới. Tuy nhiên, những mô hình mang lại hiệu quả cao chỉ đạt được với những nông dân và tập thể tiên tiến. Bên cạnh đó, phần 51
  2. lớn nông dân ít có điều kiện tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật mới thì họ vẫn canh tác lúa theo kiểu kinh nghiệm truyền thống, nên hiệu quả sản xuất vẫn còn ở mức thấp. Thường nông dân vẫn còn canh tác theo tập quán cổ truyền như cấy dày, cấy nhiều tép/bụi (các tỉnh phía Bắc), sử dụng lúa ăn làm lúa giống, sạ với mật độ cao >200kg/ha (các tỉnh phía Nam). Duy trì ngập nước suốt vụ, bón phân không cân đối, thường bón dư đạm làm cho cây lúa xanh mướt, yếu ớt dễ bị đổ ngã và áp lực sâu bệnh tăng. Để bảo vệ mùa màng, người dân phải đầu tư nhiều lần phun thuốc BVTV kết hợp với bón thêm kali, dẫn đến chi phí sản xuất cao mà còn gây ô nhiễm môi trường. Để giúp người dân hạ giá thành sản phẩm và tăng lợi nhuận trong sản xuất lúa cần phải giảm bớt các chi phí không cần thiết và tăng năng suất. Thực hiện được các mục tiêu trên cần xây dựng các mô hình ứng dụng “3 giảm, 3 tăng” và “SRI” nhưng có bổ sung các tiến bộ kỹ thuật mới và hoàn thiện cho phù hợp với từng địa phương và từng tiểu vùng sinh thái khác nhau, kết hợp với việc tập huấn kỹ thuật và hội thảo đầu bờ giúp nông dân tiếp cận và nắm bắt được các quy trình công nghệ mới để ứng dụng ngay trên đồng ruộng của họ. 2. MỤC TIÊU Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, giảm chi phí đầu vào như (giống, vật tư sản xuất, thuốc BVTV, công lao động...); đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện môi trường, hướng tới sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. 3. NỘI DUNG VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP TRIỂN KHAI 3.1. Chọn địa điểm và quy mô thực hiện mô hình trình diễn Tại các tỉnh phía Bắc: Số mô hình là 5 mô hình/năm (tương ứng với mỗi tỉnh 01 mô hình), quy mô 20 ha/mô hình/năm. Bao gồm 5 tỉnh: Hải Dương; Nam Định; Hải Phòng; Thái Bình; Thanh Hóa. Đây là các tỉnh trọng điểm sản xuất lúa của Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, với tập quán canh tác lúa cấy từ lâu đời, nên được chọn để xây dựng mô hình sản xuất lúa theo kỹ thuật “SRI”. Tại các tỉnh phía Nam (tất cả các điểm mô hình đều sử dụng giống lúa thuần): Dự án được thực hiện được tổng số 44 mô hình ở các tỉnh phía Nam; tương ứng với diện tích là 1760 ha trên 12 tỉnh/thành của ĐBSCL. 3.1.1. Đào tạo huấn luyện gắn với mô hình từ đầu đến cuối: Đào tạo trong mô hình 59 cuộc (phía Bắc 15 cuộc, phía Nam 44 cuộc) với 5.920 lượt người tham dự (phía Bắc 2.400 lượt người, phía Nam 3.520 người). Đào tạo bên ngoài gắn với mô hình gồm: 59 lớp (phía Bắc 15 lớp, phía Nam 44 lớp) với 30 học viên/lớp, thời gian đào tạo 4 ngày/lớp. Tổng cộng có 1.770 học viên tham dự (phía Bắc 450 học viên, phía Nam 1.320 học viên). 52
  3. 3.1.2. Hoạt động thông tin tuyên truyền Tổ chức các cuộc Hội thảo đầu bờ để tham quan, đánh giá và tuyên truyền kết quả của dự án thông qua các mô hình trình diễn. Ở các tỉnh phía Bắc có 15 cuộc tham quan, hội thảo về mô hình và tuyên truyền về nội dung dự án, với 1200 đại biểu tham dự. Ở các tỉnh phía Nam: 44 cuộc tham quan, hội thảo về mô hình và tuyên truyền về nội dung dự án, với 5.280 đại biểu tham dự 3.2. Phương pháp triển khai Ký hợp đồng trực tiếp với các Trung tâm khuyến nông-khuyến ngư đối với các tỉnh phía Nam và các Chi cục BVTV đối với các tỉnh phía Bắc để thực hiện dự án. Các đơn vị phối hợp có trách nhiệm chọn điểm, chọn hộ nông dân, tổ chức tập huấn, theo dõi mô hình và tổng kết, báo cáo… thường xuyên liên hệ với chủ nhiệm dự án. Phương pháp chung cho các mô hình: Mỗi mô hình có diện tích thấp nhất là 20 ha (ở các tỉnh phía Bắc) và cao nhất là 40 ha (tại các tỉnh phía Nam) nhưng phải nằm trên cùng một cánh đồng, được thực hiện theo quy trình “Cánh đồng lúa 4 tốt”. Chọn thêm 10% diện tích của nông dân ở phía ngoài mô hình, canh tác theo kiểu truyền thống với từng địa phương để làm đối chứng so sánh. 4. KẾT QUẢ THỰC HIỆN 4.1. Kết quả thực hiện mô hình 4.1.1. Áp dụng SRI tại các tỉnh phía Bắc (số liệu trung bình của 05 chi cục BVTV) Đối với ruộng đối chứng của nông dân canh tác theo kiểu truyền thống ở các tỉnh phía Bắc: Đa số nông dân canh tác lúa theo phương pháp gieo mạ cấy, mật độ cấy dao động từ 38 tới 50 khóm/m2, số tép cấy dao động từ 3-4 tép/bụi và cấy mạ già từ 4-5 lá trở lên. Bón phân không cân đối thường là bón dư đạm và bón nhiều vào giai đoạn cuối. Duy trì nước liên tục trong suốt vụ. Do cấy dầy, bón dư phân đạm và bón chưa theo nhu cầu của cây kết hợp giữ nước liên tục suốt vụ đã làm cho đất bị yếm khí, cây lúa xanh mướt nên yếu ớt khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi kém, áp lực sâu bệnh tăng nên chi phí tăng mà năng suất không tăng, thậm chí còn giảm, cuối cùng là giá thành sản xuất tăng dẫn tới lợi nhuận thấp. Đối với các mô hình áp dụng kỹ thuật “SRI” trên lúa cấy tại các tỉnh ở phía Bắc đã giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lúa, hạ giá thành sản phẩm và tăng lợi nhuận, cụ thể như sau: (i) Giảm mật độ cấy, giảm số dảnh cấy/bụi nên giảm được lượng giống gieo mạ trung bình là 13,4 kg giống/ha, đồng thời giảm được công cấy so với kiểu canh tác truyền thống của nông dân Bắc Bộ. (ii) Giảm được 53 kg urea + 88,7 kg supe 53
  4. lân +15,5 kg KCL trên 01 ha. (iii) Giảm được 1,7 lần bơm nước/vụ. (iv) Giảm được 2,1 lần phun thuốc BVTV/vụ. (v) Giảm chi phí đầu vào như: phân bón với 36%; thuốc BVTV với 33%; giống là 16%; nước tưới 15%; (vi) Áp dụng kỹ thuật SRI trong canh tác lúa cấy ở các tỉnh phía Bắc đã tăng năng suất lúa trung bình là 600 kg/ha (10%) so với ruộng ND. (vii) Giá thành giảm 865 đ/kg lúa (21,1%). (viii) Lợi nhuận tăng thêm là 6.727.067 đ/ha/vụ (57,5%). (ix) Trong đó, tăng năng suất lúa đóng góp tới 54% còn các hợp phần giảm chi phí đầu vào đóng góp 46%. 4.1.2. Áp dụng “ba giảm ba tăng” tại các tỉnh phía Nam Đối với nông dân ở các tỉnh ở phía Nam thường sử dụng lúa ăn làm giống, sạ với mật độ cao, bón nhiều phân đạm và DAP, sau đó lại dùng kali để hạn chế đổ ngã, một số hộ nông dân bón thêm một lần phân đạm và kali vào lúc lúa cong trái me… thường duy trì ngập nước suốt vụ nên cây lúa không khỏe, áp lực sâu bệnh tăng dẫn tới chi phí cao, giá thành tăng, năng suất giảm và lợi nhuận không cao. So sánh kết quả của các MH ứng dụng kỹ thuật “3G3T” trên lúa sạ với kiểu canh tác truyền thống của ND cho thấy, mô hình đã giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lúa, hạ giá thành sản phẩm và tăng lợi nhuận. Cụ thể đã giảm trung bình trên 1 ha là: 75,2 kg giống (24%); 49,7 kg urea + 34,2 kg DAP +34,8 kg KCL (41%); giảm 1,5 lần bơm nước do áp dụng chế độ khô-ngập xen kẽ (12%); giảm 2,3 lần phun thuốc BVTV/vụ (23%). Năng suất lúa tăng trung bình là 540 kg/ha (10%). Giá thành giảm 896 đ/ha (23,5%). Lợi nhuận tăng thêm từ giảm chi phí và tăng năng suất lúa ở MH so với ruộng ND (trung bình 3 năm từ 2011-2013) là 7.279.242 đ/ha/vụ (49,5%). Trong đó, tăng năng suất lúa đóng góp tới 53,7% còn các hợp phần giảm chi phí đầu vào đóng góp 46,3%. Lúa thương phẩm ở các MH đều đạt phẩm cấp tốt và hầu hết đã được các công ty xuất khẩu gạo đăng ký thu mua ngay từ đầu vụ với giá cao hơn lúa ngoài mô hình từ 200 tới 600 đồng/kg lúa tươi. 4.2. Tổng hợp đánh giá các sản phẩm đạt được của dự án Các chỉ tiêu đều ở mức đạt tới vượt so với kế hoạch ban đầu, cụ thể là: Số mô hình thực hiện được là 59, với quy mô 2.060 ha, đạt 100% so với kế hoạch. Năng suất lúa bình quân đạt 6,26 t/ha, tăng vượt chỉ tiêu 14% so với kế hoạch là >5,5t/ha. Tỷ lệ lợi nhuận ở ruộng MH cao hơn so với ruộng ND trung bình là 53,5% so với kế hoạch (10- 15%) thì vượt từ 167,5-257%. 5. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ VÀ TÁC ĐỘNG CỦA DỰ ÁN Hiệu quả kinh tế: Các MH ứng dụng “3G3T” và “SRI” đều giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, hạ giá thành và tăng lợi nhuận so với kiểu canh tác truyền thống của ND. 54
  5. Hiệu quả xã hội và môi trường: Việc ứng dụng các TBKT mới vào xây dựng các mô hình sản xuất đã nâng cao nhận thức của người dân cả về kinh tế và xã hội, do chi phí giảm, lợi nhuận tăng nên người dân say sưa với công việc của mình, đời sống dần được nâng lên, do vậy an sinh xã hội sẽ được cải thiện ngày một tốt hơn. Do giảm phân, thuốc hóa học, giảm được nước tưới, giảm được ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn, nên góp phần giảm thiểu các khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính như: CH4; N2O; CO2…và làm cho môi trường trở lên thân thiện hơn. 6. KẾT LUẬN Mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trên nền “3G3T” và kỹ thuật “SRI” đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa cho người dân trên cơ sở giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất lúa, sản phẩm làm ra đồng nhất và được các doanh nghiệp thu mua với giá cao. Do giảm phân, thuốc hóa học, giảm thuốc BVTV và giảm nước tưới nên đã góp phần giảm bớt các khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và độc hại cho môi trường. Các mô hình này rất phù hợp để ứng dụng vào các vùng sản xuất nguyên liệu hoặc cánh đồng mẫu lớn phục vụ cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của nước ta trong thời kỳ mới. Vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn về năng suất lúa giữa các hộ nông dân với nhau là do trình độ canh tác, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trên nền “3G3T” và kỹ thuật “SRI” đã góp phần tăng năng suất lúa 0,57T/ha (10%) so với kiểu canh tác truyền thống của ND. Năng suất lúa trung bình ở MH đạt 6,26T/ha cao hơn so với dự kiến (>5,5T/ha) là 14%. Lợi nhuận của MH ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật cao hơn so với ruộng của ND là 53,5% và cao hơn so với kế hoạch (15-20%) là 167,5-257%. Trong đó, phần do năng suất tăng đóng góp 53,8% và phần do giảm chi phí sản xuất đóng góp 46,2%. Thông qua các kết quả của mô hình, các đợt tập huấn, các cuộc Hội thảo thăm quan đã giúp cho người dân nâng cao nhận thức của mình, biết nhìn nhận và đánh giá đúng những nhược điểm của canh tác lúa theo kiểu truyền thống và nắm bắt được những ưu điểm của canh tác lúa tiên tiến có ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Từ đó, tạo cơ sở vững chắc để người nông dân tự nguyện điều chỉnh những kỹ thuật cũ không còn phù hợp và chuyển sang áp dụng những kỹ thuật mới phù hợp với đồng ruộng của mình. Nên duy trì và mở rộng chương trình “ba giảm ba tăng” và kỹ thuật SRI cho các vùng trồng lúa để giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho người dân. Nên khuyến khích áp dụng “ba giảm ba tăng” và kỹ thuật SRI vào các cánh đồng mẫu lớn/vùng nguyên liệu theo quy trình khép kín từ đầu tư tới bao tiêu sản phẩm cuối cùng, có sự tham gia liên kết của các doanh nghiệp đầu vào (giống, phân bón, thuốc BVTV) và doanh nghiệp đầu ra bao tiêu sản phẩm xuất khẩu thì tính khả thi và tính bền vững sẽ cao hơn. 55
nguon tai.lieu . vn