Xem mẫu

  1. ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁO DỤC ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG YÊU NƯỚC HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 1809-1911 PHAN MINH CHIẾN Khoa Giáo dục Chính trị Tóm tắt: Tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh là đối tượng được nhiều học giả nghiên cứu. Nghiên cứu cơ sở hình thành tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh giai đoạn 1890 - 1911 không thể không làm rõ nhân tố quan trọng nhất, đó là những ảnh hưởng sâu sắc của nền giáo dục tác động tới suy nghĩ và hành động ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên ưu tú Nguyễn Tất Thành sau này. Từ khóa: Giáo dục, tư tưởng yêu nước, Hồ Chí Minh 1. MỞ ĐẦU Nền giáo dục Việt Nam trong giai đoạn Pháp thuộc nhất là giáo dục nhà trường có nhiều ảnh hưởng sâu sắc tác động tới sự hình thành tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh. Với trí tuệ mẫn thiệp Người đã tiếp thu và chọn lọc những gì đã học được từ các ngôi trường trong giai đoạn 1890 - 1911 để rồi có quyết định thay đổi vận mệnh của đất nước đó lên tàu xuất dương đi tìm con đường giải phóng cảnh áp bức bóc lột cho dân tộc mình. Với ý nghĩa đó, việc nghiên cứu “Ảnh hưởng của giáo dục đến sự hình thành tư tưởng yêu nước Hồ Chí Minh giai đoạn 1809-1911” là một vấn đề cần thiết để làm sáng tỏ hơn những tác động của giáo dục nhà trường tới sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Đề tài còn góp phần quan trọng trong việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách và nhân cách Hồ Chí Minh”; đồng thời hình thành tư tưởng yêu nước, lối sống cao đẹp cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm Huế. 2. BỐI CẢNH VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1890-1911 Vào giữa thế kỷ thứ XIX, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã thống trị ở Anh, Pháp, Đức và một số nước khác ở Tây Âu. Đến cuối thế kỷ thứ XIX, chủ nghĩa tư bản thế giới chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, tăng cường áp bức, bóc lột giai cấp công nhân và các dân tộc thuộc địa. Các nước đế quốc tranh giành nhau xâm chiếm thuộc địa và đã căn bản hoàn thành việc phân chia thế giới. Và cũng tại đây, phong trào công nhân phát triển từ “tự phát” đến “tự giác”, mâu thuẫn cơ bản giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản trở nên gay gắt. Cùng thời gian này, đế quốc Pháp nổ súng đánh chiếm nước ta, giữa lúc chế độ phong kiến Việt Nam đang trên đà suy tàn, mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến trở nên gay gắt. Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này có viết: “Cuối thế kỷ XIX chủ nghĩa đế quốc Pháp xâm lược Việt Nam. Bọn vua quan và phong kiến đê tiện và hèn nhát đầu hàng và câu kết với bọn đế quốc để tiếp tục nô dịch nhân dân Việt Nam nhiều hơn, khiến nhân dân Việt Nam khổ cực Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sinh viên năm học 2016-2017 Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, tháng 12/2016: tr. 209-214
  2. 210 PHAN MINH CHIẾN không kể xiết. Nhưng đại bác của bọn đế quốc không thể át tiếng nói yêu nước của nhân dân Việt Nam… Phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam không ngừng phát triển, kẻ trước ngã, người sau đứng dậy. Nhưng tất cả những cuộc khởi nghĩa yêu nước ấy đã bị dìm trong máu. Những đám mây đen lại bao phủ đất nước Việt Nam” [1, tr. 313-314]. Trong bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,Hồ Chí Minh đã tóm lượt tất cả những gì mà thực dân Pháp dưới danh nghĩa “khai sáng văn minh” đã gây ra cho nhân dân Việt Nam: Về chính trị - Chúng tuyệt đối không cho dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những pháp luật dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân ta đoàn kết. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu, cồn, để làm cho nòi giống ta suy nhược. Về kinh tế - Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tuỷ, khiến cho dân nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, rừng mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta được giầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn [4, tr. 1]. Dưới ách cai trị của mình, thực dân Pháp ban hành các chính sách vô cùng hà khắc, ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống người dân nước ta. Giáo dục Việt Nam trong giai đoạn thực dân Pháp xâm lược có những thay đổi vô cùng to lớn. Các trường học dạy tiếng Pháp được lập ra và truyền bá những văn hóa Pháp (chủ yếu truyền bá văn hóa nô dịch, phản động, khuyến khích đồi phong, bài tục, tâm lý tự ti, vong bản, chúng tước quyền sống của con người). Giáo dục chỉ để đào tạo đội ngũ tùy phán và thông ngôn phục vụ cho bộ máy chính quyền cai trị, những tri thức giáo dục khoa học kỹ thuật không được đưa vào chương trình học. Thực dân Pháp tìm mọi cách ngăn chặn ảnh hưởng của các trào lưu văn hóa tiến bộ trên thế giới vào Việt Nam, đặc biệt là sự lan tỏa của Tân thư và Tân văn từ Trung Quốc, Nhật Bản, cũng như các trào lưu tư tưởng tiến bộ của văn mình phương Tây. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tiêu cực của văn hóa Pháp vào nước ta thì cũng có những luồng văn hoa tích cực của Pháp cũng được truyền bá trong các trường học tuy nhiên bị hạn chế. Bên cạnh đó các trường học cũng dạy thêm chữ Quốc ngữ,
  3. ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁO DỤC ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG YÊU NƯỚC... 211 chữ Hán và dạy thêm một số môn khoa học mới. Cũng vì thế mà các luồng văn hóa mới tiến bộ cũng nhanh chống được truyền bá vào các trường học. 3. NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁO DỤC ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 1890-1911 Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã được trang bị và hấp thụ nền Quốc học và Hán học khá vững chắc. Trên hành trình cứu nước, Người đã tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, vốn sống, vốn kinh nghiệm để làm giàu tri thức của mình và phục vụ cho cách mạng Việt Nam. Thời thơ ấu Người tên là Nguyễn Sinh Cung, sinh ngày 19-5-1890, trong một gia đình nhà nho, nguồn gốc nông dân, tại quê ngoại là làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Nguyễn Sinh Cung theo học các thầy đồ ở quê, trong đó chủ yếu là học chữ hán. Người thầy đầu tiên của cậu bé Nguyễn Sinh Cung là ông ngoại thầy đồ Hoàng Xuân Đường, người cha Nguyễn Sinh Sắc, thầy Hoàng Phan Quỳnh, thầy Vương Thúc Quý, thầy Trần Thân... Khi theo học với các thầy đồ ở quê, Người luôn là học sinh xuất sắc vượt bậc so với bạn bè cùng trang lứa và Người cũng có dịp tiếp xúc với những sĩ phu yêu nước thường sang nhà đàm đạo với cha, trong đó có nhà yêu nước Phan Bội Châu. Người dần được khai trí và khai tâm về con đường yêu nước và cứu nước. Người càng tích cực hơn trong việc tiếp thu và lĩnh hội những gì mà các thầy cũng như các sĩ phu yêu nước truyền dạy. Không những được học với các thầy đồ làng, Người còn được cha cho theo học các trường có tiếng và với trí tuệ của mình Người luôn chứng minh được khả năng thiên bẩm, chăm chỉ học hỏi, quan sát và lắng nghe, tích lũy nhiều kiến thức quý báu. Người luôn là tâm điểm với các câu trả lời thông minh thể hiện cái nhìn xa khi trả lời hoặc đối đáp với thầy giáo hay với các sĩ phu yêu nước. Khoảng tháng 9-1905, Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt được ông Nguyễn Sinh Huy xin cho theo học lớp dự bị (préparatoire) Trường tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh. Tại trường này, lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành được tiếp xúc với khẩu hiệu TỰ DO - BÌNH ĐẲNG - BÁC ÁI mà các thầy giáo Pháp giảng dạy. Sau này (năm 1923), Người kể lại với nhà văn Liên Xô Ôxíp Manđenxtam rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cùng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy” [4, tr. 461]. Từ đó càng thôi thúc Người hơn trong việc tìm kiếm một con đường đi mới trong việc giải phóng áp bức, bóc lột cho dân tộc mình. Với một trí tuệ mẫn tiệp, Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện ra mâu thuẫn giữa chế độ đàn áp bóc lột dã man của bọn thực dân ở Việt Nam với cái lý tưởng cao đẹp của nước Pháp - nơi đề ra lý tưởng cao đẹp và hấp dẫn mọi con người “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”, muốn biết được cái gì ẩn náu ở nước Pháp xa xôi. Người càng tích cực hơn trong việc học và tìm hiểu hơn về con người và nền văn hóa của Pháp.
  4. 212 PHAN MINH CHIẾN Trong lần thứ 2 vào Huế, giữa cái xã hội suy tàn của phong kiến và bành trướng của thực dân, Hồ Chí Minh hiểu rõ hơn những gì mà thực dân Pháp bóc lột nước ta dưới sứ mạng “khai sáng dân An Nam”. Trong thời gian này, Người vẫn tập trung học chữ hán và bắt đầu tiếp cạnh chữ quốc ngữ và tiếng Pháp tại trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba. Học tại trường dành cho con em quý tộc và chủ yếu giảng dạy truyền bá những kiến thức mà thực dân đưa vào Người vẫn luôn chứng minh mình là người học trò xuất sắc. Năm 1908, Nguyễn Sinh Cung là 1 trong 10 học sinh xuất sắc nhất trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba đã thi vượt cấp vào lớp đệ nhị niên trung học tại trường Quốc Học khóa 1908 - 1909. Quốc Học Huế cũng là 1 xã hội thu nhỏ với đủ các thành phần. Ngôi trường này dù mục đích chính là đào tạo đội ngũ tay sai nhưng với chương trình giảng dạy bằng tiếng Pháp, ít nhất cũng giúp học sinh Việt Nam được tiếp cận với phương pháp giảng dạy mới, những tư tưởng mới, bước đầu được tiếp xúc tuy rất hạn chế nền văn minh Pháp. Trái ngược với mục đích thực dân, ngôi trường chính là nơi đào tạo một đội ngũ tri thức có tinh thần tham gia sôi nổi vào phong trào yêu nước, góp phần truyền bá những tư tưởng mới tiến bộ và đào tạo ra được nhiều nhà lãnh đạo yêu nước sau này. Trong trường Quốc Học Huế, bên cạnh những thầy giáo Pháp có tư tưởng của chủ nghĩa thực dân thì cũng có nhiều thầy giáo người Việt yêu nước, có tinh thần dân tộc. Những kiến thức và hiểu biết của các thầy giáo người Việt đã tác động đến tư tưởng yêu nước của Người. Thầy Hoàng Thông, dạy Hán văn, thầy thường nói với những người học trò của mình rằng: “Nước mất vì bất hạnh mà mất không phải mất của một họ riêng mà thôi...cùng mât nước, dân tộc bị diệt chủng”. Sau giờ học, Nguyễn Tất Thành hay ở lại nhà thầy trong trường, xin thầy đọc những Tân thơ, Tân sách do thầy biên soạn hoặc đã sao chép được. Người càng tích cực hơn trong việc học tập và trau dồi thêm những kiến thức cho bản thân mình. Cũng tại ngôi trường này, Hồ Chí Minh đón nhận tư tưởng yêu nước của thầy giáo Lê Văn Miến, thầy từng có thời gian dài sinh sống và học tập tại Pháp về mỹ thuật. Thầy thường dành thời gian nói chuyện với học trò về nền dân chủ và văn minh phương Tây mà thầy được tiếp xúc và học hỏi trong những người học trò đó có Nguyễn Tất Thành. Thầy đã nhiều lần kể chuyện về nước Pháp cho học sinh của mình, nói chuyện về những thành tựu dân chủ văn minh của phương Tây “người Pháp ở nước Pháp khác với người Pháp ở thuộc địa. Ở bên Pháp cũng có người ăn mày. Đặc biệt người Pháp từ những người lao động đến những vị hàn lâm đều rất trọng những người Việt Nam học giỏi và có tư cách. Trên đất Pháp có rất nhiều thư viện đủ loại sách vở nói về các cuộc cách mạng của các nước trên thế giới”. Nghe những câu chuyện của thầy về nước Pháp xa xôi với nhiều điều mới lạ làm cho Người bị thu hút nhiều hơn, Người muốn tìm tới nước Pháp xem thử tất cả những điều thầy nói. Những câu chuyện của thầy Lê Văn Miến kích thích lòng ham hiểu biết, khám phá và tìm hiều đất nước Pháp của Người. Thầy Miến là người thầy có nhiều tư tưởng tiến bộ đã tác động tích cực đến quyết định ra đi tìm đường cứu nước của chàng thanh niên ưu tú Nguyễn Tất Thành sau này. Chính thầy cũng là người bảo vệ cho Người khi bị thực dân Pháp điều tra về việc biểu tình chống thuế ở Huế.
  5. ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁO DỤC ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG YÊU NƯỚC... 213 Nhờ ảnh hưởng của những thầy giáo tân học và sự tiếp xúc với báo chí tiến bộ, “ý muốn đi sang phương Tây để tìm hiểu tình hình các nước và học hỏi thành tựu văn minh nhân loại đã từng bước lớn dần lên trong tâm trí của Nguyễn Tất Thành” [3, tr. 46]. Trong lúc Nguyễn Tất Thành vào học Trường Quốc học Huế, cũng là lúc Tân thư của Trung Quốc được lưu hành ở nhiều nơi. Những tư tưởng cải cách của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu thức tỉnh những sĩ phu yêu nước. Người đọc và tìm hiểu nó một cách nghiêm túc và tự rút ra những bài học, những kinh nghiệm, tích lũy thêm kiến thức của bản thân. Nguyễn Tất Thành bắt đầu tiếp xúc với sách báo Pháp, bao gồm cả sách báo mượn của những người lính lê dương trong quân đội Pháp vì họ là những người đọc đủ thứ, là những kẻ chống đối về bản chất. Người đã tìm đọc những tác phẩm của Vonte, Rutxo, Mongtexkio... Đọc những tác phẩm đó, Người thấy toát lên tinh thần phê phán chế độ phong kiến, lòng yêu tha thiết tự do, khát khao cuộc sống bình đẳng, bác ái, càng đặt ra cho Người vô vàn câu hỏi cần được giải đáp. Người tự đặt vấn đề và lại hăm hở tìm tòi để làm sáng tỏ những điều còn thắc mắc. Ý thức chống phong kiến đã hình thành rất sớm trong Nguyễn Tất Thành, nhưng đến thời gian ở Huế có điều kiện hiểu cụ thể, sâu sắc hơn về thực trạng triều đình Huế, liên hệ với những lập luận mà các nhà khai sáng Pháp đã phanh phui về chế độ phong kiến, cùng với thái độ căm giận của cha về những tên vua bán nước và tác động của phong trào Duy Tân, Nguyễn Tất Thành đã đoạn tuyệt với chế độ phong kiến. Người cũng có điều kiện hơn để tìm hiều nhiều hơn về những giá trị văn minh, giá trị nhân quyền, dân quyền từ các cuộc cách mạng tư sản, và nhất là cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789, mà V.I. Lênin gọi là “cuộc cách mạng vĩ đại”. Cũng chính từ Thiên đường Quốc học, Hồ Chí Minh tích cực tham gia các hoạt động yêu nước và tham gia vào cuộc đấu tranh của nhân dân Thừa Thiên, chủ yếu làm thông dịch viên chuyển lời của người dân kháng thuế đến bọn thực dân Pháp. Vì những hoạt động đó Nguyễn Tất Thành bị thực dân Pháp để ý theo dõi. Đầu năm 1910, Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết. Người dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ cho học sinh lớp ba và tư tại trường Dục Thanh của Hội Liên Thành.Trong thời gian này, Nguyễn Tất Thành thường gặp gỡ một số nhà nho yêu nước đương thời, tham gia công tác bí mật, nhận công việc liên lạc. Nguyễn Tất Thành đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Trường có nội quy rất nghiêm cho tất cả học sinh. Buổi sáng hàng ngày từ lúc 6 giờ sáng, chiều lúc 17 giờ, sau khi tập thể dục xong, học sinh xếp hàng thật ngay ngắn đi vào lớp. Vào lớp rồi, tất cả học sinh xếp tay vòng trước ngực hát bài ca ái quốc, dựa theo Bài thơ “Quốc Hồn Ca” do Phan Chu Trinh viết vào năm 1907, được chọn làm bài học thuộc lòng cho mỗi môn sinh. Hồ Chí Minh tuy khâm phục Đề Thám, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào cả. Theo quan điểm của Người, Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải cách, điều đó chẳng khác nào “xin giặc rủ lòng thương”, còn Phan Bội Châu thì hy vọng Đế quốc Nhật Bản giúp đỡ để chống Pháp, điều đó nguy hiểm chẳng khác nào “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Người rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm hơn trong sự thất bại của các phong trào
  6. 214 PHAN MINH CHIẾN chống Pháp trước đó. Nguyễn Tất Thành thấy rõ là cần quyết định con đường đi của riêng mình. Một con đường mới, đi theo hướng mới, sang chính cái nước đang đặt ách nô dịch thống trị lên đất nước ta. Tháng 2 năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời trường Dục Thanh vào Sài Gòn với giấy thông hành tên Văn Ba do Trần Lệ Chất, Hồ Tá Bang và sự giúp đỡ của Hội Liên Thành. Tại đây, ông theo học trường Bá Nghệ là trường đào tạo công nhân hàng hải và công nhân chuyên nghiệp cho xưởng Ba Son (bây giờ là trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng), vừa đi bán báo ở khu vực thương cảng để kiếm sống và đồng thời tìm hiểu đời sống công nhân. Ở đây, Người học được 3 tháng. Sau đó, Người quyết định sẽ tìm một công việc trên một con tàu viễn dương để được ra nước ngoài học hỏi tinh hoa của phương Tây, để trở về giúp nhân dân Việt Nam. Đây là ngôi trường cuối cùng Người theo học cũng là bước chuẩn bị cuối cùng để Người lên tàu sang Pháp tìm hiểu cái gọi là Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Ngày 5/6/1911, người thanh niên ưu tú Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville lên đường sang Pháp, tìm đường giải phóng cho dân tộc mình. 4. KẾT LUẬN Những ảnh hưởng của giáo dục, đặc biệt là giáo dục nhà trường có tác động vô cùng to lớn đến sự hình thành tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh, đồng thời góp phần quan trọng quyết định ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc mình của người thanh niên ưu tú Nguyễn Tất Thành. Trong quá trình học tập, Người luôn tìm tòi và học hỏi, phát huy khả năng tự học trau dồi kiến thức cho bản thân mình. Nhờ có giáo dục của nhà trường mà Người hội tụ được tinh hoa của cả phương Đông và phương Tây. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Chủ tịch Hồ Chí Minh tiểu sử và sự nghiệp, NXB Sự thật, 1976. [2] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2011). Hội thảo khoa học Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, NXB Chính trị - Hành chính, Hà Nội. [3] Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Song Thành (chủ biên) (2010). Hồ Chí Minh Tiểu sử, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. [4] Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 1, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. [5] Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. PHAN MINH CHIẾN SV lớp GDCT 3, khoa Giáo dục Chính trị, trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế ĐT: 0168 528 8304, Email: pmc100692@gmail.com
nguon tai.lieu . vn