Xem mẫu

  1. ẨN DỤ Ý NIỆM “CON NGƯỜI LÀ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG” TRONG TIẾNG VIỆT TRẦN THỊ HUYỀN GẤM Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế Tóm tắt: Trên cơ sở lí thuyết ẩn dụ ý niệm của ngôn ngữ học tri nhận, bài viết phân tích ẩn dụ ý niệm con người là công trình xây dựng trong tiếng Việt. Ẩn dụ này gồm có sáu ẩn dụ dưới bậc, trong đó ẩn dụ cảm xúc là công trình xây dựng có sự thể hiện phong phú và đa dạng nhất. Ẩn dụ ý niệm con người là công trình xây dựng phản ánh nhận thức về phạm trù công trình xây dựng và quá trình tri nhận về con người trong mối liên hệ với công trình xây dựng của người Việt. Từ khóa: ẩn dụ ý niệm, công trình xây dựng, con người là công trình xây dựng. 1. MỞ ĐẦU Ăng-ghen đã khẳng định: “Con người trước hết cần phải ăn, uống, chỗ ở và mặc đã rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo… được”. Đối với con người, sau nhu cầu về đồ ăn chính là nhu cầu về chốn ở. Từ giai đoạn ban sơ của nền văn minh nhân loại, con người đã dần tạo nhà dựng cửa, từ đó xây nên các công trình xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của mình. Nhà cửa, đường sá và các công trình xây dựng gắn bó cố hữu, tác động nhiều mặt trong đời sống cũng như nhận thức của con người. Trong quá trình con người tri nhận về thế giới và chính mình, tri thức về công trình xây dựng cũng được sử dụng như phương tiện để hiểu những đối tượng trừu tượng, khó nắm bắt, hình thành nên các ẩn dụ ý niệm liên quan đến công trình xây dựng. Với vai trò là chìa khóa mở ra sự hiểu biết, ẩn dụ ý niệm được xem là cơ sở của tư duy, công cụ để con người tương tác và tri nhận về thế giới khách quan lẫn chủ quan. Liên quan đến công trình xây dựng, ta có các ẩn dụ ý niệm chỉ về nhiều phạm trù khác nhau. Trong đó, con người là miền tri nhận đích rất phong phú mà miền công trình xây dựng phóng chiếu đến. Những cách nói như: trụ cột gia đình, mở cửa trái tim, kép lòng mình, xây dựng nhân cách, nền tảng học vấn, tình yêu đổ vỡ,… hiện diện một cách thường xuyên trong đời sống. Từ thực tế này, chúng tôi sẽ miêu tả, làm rõ ẩn dụ ý niệm con người là công trình xây dựng trong tiếng Việt để từ đó khám phá đặc điểm tri nhận về miền ý niệm công trình xây dựng của người Việt và quá trình nhận thức chính mình trong mối liên hệ với công trình xây dựng. 1. NỘI DUNG 1.1. Ẩn dụ ý niệm và phạm trù công trình xây dựng trong tiếng Việt 1.1.1 Khái lược về ẩn dụ ý niệm Theo Trần Văn Cơ, “Ẩn dụ tri nhận (hay còn gọi là ẩn dụ ý niệm - cognitive/conceptual metaphor) - đó là một trong những hình thức ý niệm hóa, một quá trình tri nhận có chức năng biểu hiện và hình thành những ý niệm mới mà không có nó thì không thể nhận được tri thức mới. Về nguồn gốc, ẩn dụ tri nhận đáp ứng năng lực của con người nắm bắt và tạo ra sự giống nhau giữa những cá thể và những lớp đối tượng khác nhau” [1, tr. 292]. Ẩn dụ ý niệm là cách hiểu một miền ý niệm này thông qua một miền ý niệm khác, và với ý nghĩa đó, ẩn dụ là một trong những phương thức biểu tượng tri thức dưới dạng ngôn ngữ. Lý Toàn Thắng chỉ rõ bản chất của ẩn dụ ý niệm là: “một sự “chuyển di” (transfer) hay một sự “ánh 52
  2. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2016 11/2016 xạ” (mapping) cấu trúc và các quan hệ nội tại của một lĩnh vực hay mô hình tri nhận nguồn sang một lĩnh vực hay mô hình tri nhận đích” [2, tr. 25]. Ẩn dụ ý niệm chính là sự ý niệm hóa một miền tinh thần qua một miền tinh thần khác, tức là sự ánh xạ có hệ thống từ một miền nguồn sang một miền đích nhằm tạo nên một mô hình tri nhận (mô hình ẩn dụ) giúp lĩnh hội miền đích cụ thể, hiệu quả hơn. Đó là quá trình chuyển di ý niệm giữa hai miền ý niệm khác biệt: miền nguồn và miền đích. Những đặc điểm, thuộc tính được chọn lọc ở miền nguồn được xác lập lại trong một bối cảnh tri nhận mới là miền đích. Cấu trúc của ẩn dụ ý niệm gồm miền ý niệm nguồn (source domain), miền ý niệm đích (tagret domain) và các ánh xạ tương ứng (mapping). Miền nguồn cụ thể, mang tính vật chất, có chức năng cung cấp tri thức mới và gán những tri thức mới đó cho miền đích. Trái lại, miền đích mang tính trừu tượng, được cấu trúc hóa, ý niệm hóa theo miền nguồn. Các ánh xạ tương ứng là tập hợp những tương thích có tính hệ thống giữa miền nguồn và đích, trong đó các thành tố ý niệm cấu tạo của miền đích tương thích với những thành tố ý niệm cấu tạo của miền nguồn. Ánh xạ là sự phóng chiếu của cấu trúc miền nguồn lên trên miền đích. Kết quả của sự ánh xạ này là sự tổ chức cách nhìn của chúng ta về những phạm trù thích đáng trong miền đích dưới dạng miền nguồn. Con đường của sự ánh xạ trong ẩn dụ tri nhận đi từ phạm trù cụ thể, đơn giản, dễ hình dung đến phạm trù trừu tượng hơn. Nghĩa là người ta dựa vào những kinh nghiệm của mình về con người, những sự vật và những hiện tượng cụ thể, thường nhật để ý niệm hóa các phạm trù trừu tượng. Kinh nghiệm con người về thế giới là cơ sở cho những ẩn dụ tri nhận. ĐÍCH NGUỒN ÁNH XẠ Sơ đồ minh họa cấu trúc ẩn dụ ý niệm 1.1.2. Phạm trù công trình xây dựng trong tiếng Việt Công trình xây dựng được hiểu là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế. Phạm trù công trình xây dựng bao gồm hệ thống tất cả các ý niệm có liên quan đến công trình xây dựng: các ý niệm chỉ công trình xây dựng, bộ phận của công trình xây dựng, vật liệu, công cụ tạo nên công trình xây dựng, tính chất, thuộc tính của công trình xây dựng, hoạt động của con người đối với công trình xây dựng. Chúng tôi thực hiện khảo sát hệ thống từ ngữ liên quan đến phạm trù công trình xây dựng trong nguồn Từ điển tiếng Việt [3], áp dụng phương pháp phân tích thành tố nghĩa [4] để phân giải định nghĩa từ điển của các từ liên quan đến công trình xây dựng thành các nét nghĩa khu biệt. Căn cứ vào lõi nghĩa vị tạo nên tập hợp từ ngữ, phạm trù công trình kiến thiết được phân chia thành các tiểu phạm trù bộ phận như sau: - Tiểu phạm trù định danh công trình xây dựng: Nhà, cầu, đường, lâu đài, đình, chùa, thành, lều, quán, tháp, bến, lăng, mộ, đê, kênh, đập, mương, cống, cột mốc, ao, giếng. - Tiểu phạm trù định danh các bộ phận của công trình xây dựng: Móng, nền, sàn, tường, vách, nóc, trần, mái, trụ cột, rường, kèo, rui mè, bậc thang, tay vịn, cửa, ngưỡng cửa, cửa sổ, tầng, lầu, gác, sân, sảnh, sân thượng, ban công, hành lang, phòng, bếp, cổng, thềm, bậc thềm, hiên, vườn, hàng rào, ngõ, lề, vỉa hè, khúc cua, ngã rẽ, bia,… 53
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 - Tiểu phạm trù định danh vật liệu của công trình xây dựng: Đất, cát, gạch, đá, sạn, gỗ, tre nứa, tranh, cỏ, lá, sắt thép, bê tông, xi măng, vôi, vữa, sơn, ngói,… - Tiểu phạm trù định danh công cụ xây dựng công trình xây dựng: bay, búa, cuốc, xẻng,… - Tiểu phạm trù đặc điểm tính chất của công trình xây dựng: Cao, rộng, chật, hẹp, thấp, nhỏ, to, dài, ngắn, đẹp, xấu, nguy nga, tráng lệ, sang trọng, vững chắc, chắn chắn, nát, dột, rách, tồi tàn, tan hoang, xiêu, đổ, sập, trống, kiên cố, lung lay, hoang, vắng vẻ, yên ắng,… - Tiểu phạm trù hoạt động của con người tác động đến công trình xây dựng: Xây, dựng, xây dựng, thi công, gia cố, tu bổ, trùng tu, sửa chữa, đào, chôn, lấp, đổ, lợp, san, sơn, trát, tô, lát, ốp tường, dát, đóng, khép,… Hệ thống từ ngữ thuộc phạm trù công trình xây dựng là cơ sở để thu thập ngữ liệu chứa ẩn dụ liên quan đến công trình xây dựng, xác lập các ý niệm và thuộc tính điển dạng từ miền nguồn công trình xây dựng chuyển di đến miền đích con người. 2. ẨN DỤ Ý NIỆM “CON NGƯỜI LÀ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG” TRONG TIẾNG VIỆT 2.1. Cơ thể người là công trình xây dựng Trong tiếng Việt, có nhiều từ ngữ dùng để chỉ bộ phận cơ thể người là từ vốn chỉ thành phần của công trình xây dựng. Người Việt nhận ra sự tương ứng trong đặc điểm về hình dáng, chức năng của các thành phần khác nhau trong công trình xây dựng với các bộ phận cơ thể người. Cơ thể người được hình dung như một ngôi nhà với các bộ phận có sự tương ứng với bộ phận của ngôi nhà. Khung xương nâng đỡ cơ thể với hệ thống gồm cột sống, xương trụ, xương đòn giống như bộ khung, trụ cột của ngôi nhà. Các bộ phận trong căn nhà như vách, thềm, thành, buồng, cửa có sự tương ứng với những chi tiết hay bộ phận trên cơ thể người, từ đó có những cách định danh như: vách ngăn mũi, vách ngăn tim, buồng tim, buồng phổi, thềm mũi, thềm ngực. Đặc biệt, cơ thể con người được hình dung như một công trình nhà cửa hoàn chỉnh, khép kín và những bộ phận tạo ra sự lưu thông giữa bên trong cơ thể với bên ngoài ứng với bộ phận cửa hay cửa sổ của căn nhà. Vì thế người Việt hình dung miệng là cửa ra vào của cơ thể - cửa miệng, còn mắt là cửa sổ của tâm hồn. Tóc là bộ phận ở vị trí cao nhất trong cơ thể người, trên đầu, có chức năng che chắn, bảo vệ cho đầu nói riêng và cơ thể nói chung có từ chỉ loại là mái - mái tóc, đây là ánh xạ từ ý niệm ngôi nhà với mái là phần cao nhất, che chắn cho nhà từ phía trên. Sự tương ứng trong hình dạng của một số thành phần trong ngôi nhà với đặc điểm hình thức của một bộ phận nào đó trên cơ thể người là cơ sở để định danh các bộ phận đó. Người ta nhận ra sự tương ứng giữa hình dáng to, thô của đôi chân với cột đình nên có cách miêu tả chân cột đình. Hay chỉ vầng trán cao, rộng được gọi là trán sân bay. Và tổng thể cơ thể người được nhìn nhận trong sự tương ứng với một tòa nhà. Rõ ràng trong ngọc trắng ngà Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên (Nguyễn Du - Truyện Kiều) Vẻ đẹp của cơ thể người phụ nữ đầy đặn, toàn mỹ và tự nhiên được Nguyễn Du mô tả bằng hình ảnh “tòa thiên nhiên”. Ngoài ra, việc đập đi và xây mới lại một công trình xây dựng còn khơi gợi cho người Việt hiện đại liên tưởng đến hiện tượng phẫu thuật thẫm mỹ ngày càng phổ biến hiện nay, khi nhiều người phẫu thuật gần như toàn bộ gương mặt của mình, tạo ra diện mạo hoàn toàn mới: Một 54
  4. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2016 11/2016 trường hợp cũng gây xôn xao mạng xã hội Thái Lan là trường hợp một cô gái “đập mặt đi xây lại” sau khi tỏ tình không thành (http://danviet.vn/dep/4-nguoi-quyet-lot-xac-xinh-dep-bat-ngo- vi-bi-phu-tinh-676005.html). 2.2. Cảm xúc của con người là công trình xây dựng Cảm xúc, tình cảm là sự trải nghiệm của con người về thái độ của chính mình đối với sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan và đối với bản thân. Với những trải nghiệm thực tế, người Việt áp dụng những đặc điểm, tính chất của công trình xây dựng vào đời sống tình cảm vốn rất đa dạng, phức tạp của mình: niềm vui, nỗi buồn, yêu ghét, giận hờn, hạnh phúc, khổ đau, thù hận… Người Việt đã tri nhận các trạng thái khác nhau của tình cảm con người với đặc điểm, tính chất hay các hoạt động gắn liền với công trình xây dựng. Biểu thị trạng thái cảm xúc buồn phiền, cô đơn, đau đớn trong nội tâm con người hay khi trí tuệ bị tổn thương, suy kiệt, người Việt có những từ ngữ như: quạnh hiu, trống trải, trống rỗng, cô quạnh, nát tan, mục ruỗng, sụp đổ, tối tăm,… Đây chính là sự ánh xạ từ tính chất không có gì ở trong hay hư hỏng, không còn nguyên vẹn như ban đầu, thiếu ánh sáng của công trình xây dựng đến miền đích tinh thần của con người. - Nhưng với cõi lòng trống vắng của tôi lúc này, nỗi nhớ thương đứa con càng trỗi dậy, tôi không thể không oán y. - Gió mang nỗi buồn quạnh hiu gửi chút thương yêu về nơi tôi nhớ. - Chồng tan nát cõi lòng khi đọc nhật ký của vợ. - Hạnh phúc và niềm tin về một người chồng chung thủy đã sụp đổ dưới chân tôi. Công trình xây dựng khi bị bên ngoài tác động vào thì diễn ra nhiều biến đổi, trong đó có tình trạng không còn ở vị trí thẳng đứng mà bị nghiêng về một bên, không đứng vững được gọi là “đổ”, “xiêu”. Người Việt nhận thấy sự tương đồng giữa trạng thái đó của công trình xây dựng với trạng thái tâm lý yêu thích hay đã được thuyết phục của con người trước một đối tượng khác. Vì vậy người Việt có cách diễn đạt sau: - Diện váy denim khiến chàng “đổ rầm” như dàn sao Việt. - Điểm nhấn khiến người hâm mộ “đổ gục” của hot girl Diệp Bảo Ngọc, Anna Trương. - Nguyễn Du - Truyện Kiều: “Sóng tình dường đã xiêu xiêu Nghe trong âu yếm có chiều lả lơi”. Những thuộc tính, đặc điểm của công trình xây dựng tạo ra những khơi gợi nhất định đến đặc điểm của tình cảm, ý chí, nội tâm con người. Một công trình xây dựng kiên cố, vững chãi, chắc chắn thường gợi liên tưởng đến ý chí, sức mạnh tinh thần hay sự đảm bảo trong tình cảm của con người. Chẳng hạn biểu thức ngôn ngữ “Vững chãi trước thị phi” ở đây ẩn dụ tinh thần mạnh mẽ, kiên cường trước những lời dèm pha của người ngoài. Câu “Người phụ nữ thành công là khi, họ xây được một bức tường vững chắc từ chính những viên gạch người đời đã ném vào mình” cũng là một ẩn dụ như vậy. 55
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 Sự đảm bảo chắc chắn về tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc cũng được ẩn dụ từ đặc trưng kiên cố của công trình xây dựng. - Nếu bạn nghiên cứu về lịch sử thì chắc hẳn bạn sẽ nhận ra rằng nơi nào hôn nhân vững chắc thì nơi đó đất nước vững bền. - Đối thoại chiến lược quốc phòng đem lại niềm tin vững chắc hơn trong hợp tác quân sự Nga - Việt. Cũng như một căn nhà, hôn nhân, tình yêu cần được xây dựng từ những yếu tố cơ bản chắc chắn thì mới tồn tại bền vững theo thời gian được. - Niềm tin là cái móng vững chắc nhất cho căn nhà tình yêu. - Cuộc hôn nhân không bắt đầu bằng một tình yêu lớn, bản thân nó đã không có nền tảng vững chắc. Tương tự con đường, trạng thái của công trình xây dựng khi xuống cấp, hư hỏng, hay bị phá hủy tạo cho người Việt sự liên tưởng đến tình trạng khó khăn, bất ổn trong chuyện tình yêu, hạnh phúc. - Hôn nhân tan vỡ, nguyên nhân nào gây nên? - Diễm Hương lên tiếng về nghi vấn hôn nhân rạn nứt. Tình cảm, thế giới nội tâm về bản chất là mơ hồ, không nắm bắt, cảm nhận bằng giác quan. Tình cảm, cảm xúc là yếu tố thuộc con người. Con người có thể cảm nhận được nó nhưng để cấu trúc hóa nó thì không phải dễ dàng. Do đó con người nhận thức, hình dung về đối tượng phi vật chất như: tình cảm, cảm xúc thông qua sự tương ứng với đối tượng vật chất cụ thể. Cấu trúc một ngôi nhà được che chắn bằng tường bao quanh bốn phía, trên có mái, bên trong và bên ngoài thông với nhau qua cửa. Từ hình ảnh về ngôi nhà, con người tư duy về tâm hồn, thế giới nội tâm cũng giống như vậy, là một đối tượng được bao kín, tương giao với bên ngoài qua cánh cửa lòng, cánh cửa trái tim. Vì vậy, khi diễn tả việc khơi gợi, muốn trao nhận tình cảm của một ai đó, người Việt có cách nói gõ cửa trái tim. Câu “Vũ trụ bao la quá, lòng chàng giá lạnh quá, chàng muốn quên mình, quên hết thảy trong tình yêu của một người, vô luận người nào. Chàng gõ cửa hết nơi nọ chốn này song bao nhiêu tâm tư đều đóng kín” là một biểu hiện của ẩn dụ này. Hành động mở cửa để mở không gian, phá vỡ sợ ngăn cách giữa phần bên trong và bên ngoài của ngôi nhà được vận dụng để nói về tình cảm, cảm xúc của con người. Mở cửa lòng, mở cửa trái tim, mở rộng tâm hồn là sự ẩn dụ chỉ trạng thái tâm lý cởi mở, sẵn sàng trao nhận những tình cảm, cảm xúc với người khác. “Anh ngân nga để mở rộng cửa lòng Cho trăng xuân tràn về say chới với”. (Hàn Mặc Tử - Trường tương tư) - Có lẽ Thế Lữ là một người khát yêu, lòng mở sẵn để đón một tình duyên không thấy tới. (Hoài Thanh - Thi nhân Việt Nam). Xây dựng, vun đắp, đánh đổ, phá vỡ vốn là những hoạt động của con người tác động vào công trình xây dựng đã được dùng để tri nhận về các tác động đối với tình cảm. Bởi thế người Việt có những cách nói như xây dựng tình yêu, hạnh phúc, vun đắp tình cảm, phá vỡ hạnh phúc,… 56
  6. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2016 11/2016 - Chung tay góp sức, xây đắp tình yêu thương - Vun đắp cho tình yêu hạnh phúc Những ẩn dụ đó đã cho thấy tình cảm được nhìn nhận như một công trình mà con người tạo dựng nên, vun vén bằng công sức, tâm trí của mình. 2.3. Nhận thức của con người là công trình xây dựng Nhận thức là hoạt động diễn ra trong trí óc của con người và là kết quả của quá trình phản ánh, tái hiện hiện thực vào tư duy, kết quả là con người hiểu biết thế giới khách quan. Nhận thức không tự có sẵn mà phải trải qua một quá trình con người tích lũy dần, học tập, trải nghiệm. Học thuyết, lý lẽ là sản phẩm của quá trình tư duy, nhận thức. Trong công trình Metaphors we live by [5], Lakoff và Johnson đã dẫn ra ẩn dụ: Học thuyết (lý lẽ) là tòa nhà với một loạt ví dụ cụ thể: Đó có phải là nền tảng trong học thuyết của anh không? Học thuyết cần nhiều chống đỡ hơn. Lý lẽ bị lung lay. Chúng ta cần thêm vài điều thực tế hơn hoặc là lý lẽ sẽ đổ vỡ. Chúng ta cần xây dựng những lý lẽ mạnh cho điều này. Chúng ta vẫn chưa hình dung ra được cái gì sẽ hình thành nên lập luận. [5, tr. 47] Giữa nhận thức của con người và công trình xây dựng có sự tương đồng nhất định. Điều này tạo cơ sở cho ẩn dụ nhận thức của con người là công trình xây dựng. Hoạt động nhận thức được hình dung giống như quá trình xây dựng một công trình kiến thiết. Muốn xây dựng một căn nhà thì phải bắt đầu từ phần móng, nền móng có kiên cố thì căn nhà mới vững chãi. Quá trình nhận thức của con người cũng phải đi dần từ căn bản mà lên. Những kiến thức cơ sở được coi là nền tảng trong nhận thức của con người. Trong tiếng Việt, ta có các cách nói: kiến thức nền, nền tảng kiến thức, nền tảng học vấn. - Với học sinh cần phải lấy nền tảng kiến thức xã hội làm thước đo chất lượng và trí tuệ của họ. Những nhận thức mà con người có được lượng hóa, vật thể hóa như một công trình xây dựng cụ thể (lâu đài tri thức, tòa nhà tri thức) với đặc điểm vật lý có thể tri nhận được bằng giác quan (đồ sộ, rộng, hẹp,…). - Các bạn sinh viên cần có được phương pháp học tập thích hợp để có thể tiếp thu hết khối kiến thức đồ sộ đó. - Kiến thức hạn hẹp mới chê Táo Quân 2014 một cách liều mạng như thế. - Chính tính bất biến của các sự thật toán học là nền tảng vững chắc cho việc xây dựng tòa lâu đài tri thức của con người về giới tự nhiên. Nếu tính bất biến của các sự thật toán học không còn nữa, thì tòa lâu đài tri thức này không có cách nào đứng vững được. Những tính chất của công trình xây cũng ánh xạ lên miền đích nhận thức. Nhận thức đúng đắn, có cơ sở khoa học là công trình xây dựng kiên cố, chắc chắn, ngược lại là kiến thức lung lay, không đứng vững. Ví dụ: Xây dựng nền tảng vững chắc từ bậc học đầu đời. Với sự đồ chiếu từ miền nguồn công trình xây dựng, phạm trù nhận thức của con người vốn là miền trừu tượng, tồn tại và diễn ra trong đầu óc con người được cấu trúc, ý niệm hóa cụ thể và đầy đủ. 2.4. Phẩm chất của con người là công trình xây dựng Công trình xây dựng nói chung và nhà cửa nói riêng là yếu tố thuộc về cơ sở vật chất. Nhà 57
  7. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 cửa là của cải của con người. Một trong những sự đánh giá về cơ sở vật chất là giá trị kinh tế. Những hình ảnh như nhà ngói đôi ba tòa, tòa ngói xây, nhà ngón, nhà lim gắn với sự giàu có, cảnh sống đầy đủ về vật chất. Sự cơ hàn, nghèo khó gắn với hình ảnh nhà lá, nhà tranh vách nứa, quán, lều, túp lều tranh,… Người Việt quan điểm rằng thái độ, cách ứng xử của con người đối với sự giàu, cái nghèo phản ánh phẩm chất của con người. Với truyền thống trọng tình nghĩa, người Việt đề cao thái độ thà nghèo khó mà giàu tình cảm và chê bai việc nhà cao cửa rộng mà nghèo nàn về tinh thần. Thái độ đối với nhà cửa ẩn dụ cho phẩm chất của con người theo quan điểm đậm tính văn hóa của người Việt. “Tình thương quán cũng như nhà Lều tranh có nghĩa hơn tòa ngói xây”. “Chẳng tham nhà ngói ba tòa Tham vì một nỗi mẹ cha hiền lành”. Đặc điểm cụ thể của những bộ phận thuộc công trình xây dựng cũng được ánh xạ để tri nhận về phẩm chất của con người. Tục ngữ có câu “Khôn làm cột cái, dại làm cột con” chỉ phẩm chất khôn ngoan hay vụng dại của con người, hay câu “Chểnh mảng như kèo vênh đục” để phê phán tính lơ là, chểnh mảng. Ngoài ra, còn có những cách diễn đạt tính cách bằng hoạt động của con người trong xây dựng công trình. Chẳng hạn “đào” vốn là hoạt động trong xây dựng (đào đất xây móng) kết hợp với hình ảnh “mỏ” để chỉ tính xấu bòn rút vật chất, tiền bạc của người khác. - Chị tôi ôm hận vì yêu phải kẻ đào mỏ. - Vỡ mộng vì vợ giở chứng đào mỏ nhà chồng. Có thể thấy, trong tâm thức người Việt, phẩm chất con người mang những đặc điểm được phóng chiếu từ tri thức, cảm nhận của con người về công trình xây dựng, trong đó nhà cửa chiếm đa phần. 2.5. Vai trò của con người là công trình xây dựng Mỗi công trình xây dựng cũng như bộ phận của công trình đều có chức năng, giá trị sử dụng nhất định. Vai trò của các bộ phận đối với công trình có sự tương đồng với vai trò của con người trong tập thể và xã hội. Từ cơ sở đó, người Việt có ẩn dụ ý niệm vai trò của con người là công trình xây dựng. Trong một ngôi nhà, nóc là bộ phận ở vị trí cao nhất, thuộc tính này chuyển di sang miền con người, nóc ẩn dụ chỉ người đàn ông, người chồng, người cha trong gia đình - người có vị trí quan trọng, quyền lực cao nhất, che chắn cho cả gia đình. - Con có cha như nhà có nóc. - Con không cha như nhà không nóc. Trụ cột (cột trụ, rường cột) là cột lớn, vững chắc, để chống đỡ vật nặng được chuyển di sang phạm trù con người để ẩn dụ chỉ vai trò làm chỗ dựa chủ yếu và vững chắc. - Trụ cột gia đình phải vững thì gia đình mới vững vàng. - Để thanh niên mãi là chỗ dựa, rường cột của nước nhà Với thuộc tính che chắn, ngăn cách, vách, tường trong miền nguồn công trình xây dựng ánh xạ lên miền con người để chỉ những người có vai trò che chắn, bảo vệ cho xã hội. - Nhân dân là “tường đồng, vách sắt” của quân đội. 58
  8. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2016 11/2016 Cầu với thuộc tính gắn kết, giao nối đã chuyển di từ phạm trù công trình xây dựng đến miền đích con người để miêu tả những đối tượng có vai trò kết nối giữa đối tượng này với đối tượng khác: Cộng đồng người Việt tại Slovakia là cầu nối hữu nghị giữa 2 nước. 2.6. Đời người là công trình xây dựng Cuộc đời người là một khái niệm trừu tượng, khó có thể định nghĩa cụ thể. Cuộc đời con người có thể hiểu là bộ quá trình sống, khoảng thời gian con người sống trên đời, một quá trình trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Trong số các công trình xây dựng, đường là ý niệm được ẩn dụ để chỉ cuộc đời con người. Theo Từ điển tiếng Việt, đường là lối đi nhất định được tạo ra để nối liền hai địa điểm, hai nơi. Đường chỉ cuộc đời và những phương diện trong đời sống của con người: - Đường đời đôi ta hai hướng đi buồn thật buồn. - Biết nói gì khi đường tình chia hai lối. (Chia đôi con đường). - Bí ẩn về con đường học vấn của Tổng thống Barack Obama. - Ngã đời năm bảy lối. (Cho ngày nắng hạ). Trên con đường có những ngã rẽ, khúc quanh là nơi thay đổi hướng đi được con người nhận thức như những biến cố, sự thay đổi trong cuộc đời. - Ngã rẽ cuộc đời. - Cuộc sống, nhìn theo một cách phiến diện nhất, đôi lúc tôi thấy nó chẳng khác gì cái ngã tư đường với nhiều lối rẽ. - Phi Nhung và những khúc quanh cuộc đời. Cuộc đời người trải qua những thăng trầm, có những nỗi buồn, nỗi đau mà con người ta muốn giấu kín. Điều này có sự tương đồng với góc khuất của một ngôi nhà - nơi rất khó nhìn thấy: “Góc khuất” trong cuộc đời người phụ nữ lẫy lừng xây hơn trăm ngôi chùa. 3. KẾT LUẬN Trong quá trình tri nhận, con người dùng điểm nhìn của mình chuyển di cho vạn vật, rồi lại đưa những hiểu biết về vạn vật, thế giới quay ngược trở lại để nhận thức về thế giới người. Những tri thức, hiểu biết về công trình xây dựng đã được phóng chiếu sang tri nhận phạm trù con người bằng ẩn dụ ý niệm con người là công trình xây dựng. Công trình xây dựng đóng vai là miền nguồn, cung cấp cơ sở tri nhận cho miền đích con người. Bài viết đã xác lập và miêu tả cụ thể sáu ẩn dụ dưới bậc gồm: cơ thể người là công trình xây dựng, cảm xúc của con người là công trình xây dựng, nhận thức của con người là công trình xây dựng, phẩm chất của con người là công trình xây dựng, vai trò của con người là công trình xây dựng, đời người là công trình xây dựng. Phạm trù công trình xây dựng có sự phóng chiếu đến miền đích con người, ẩn dụ cho nhiều phương diện khác nhau trong đời sống con người. Dựa vào việc miêu tả các ẩn dụ, có thể thấy rằng ẩn dụ cảm xúc của con người là công trình xây dựng là phong phú và đa dạng hơn cả. Qua ẩn dụ ý niệm con người là công trình xây dựng trong tiếng Việt, đặc trưng văn hóa dân tộc của người Việt đã thể hiện một cách thật sự rõ nét và nổi bật. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trần Văn Cơ (2007), Ngôn ngữ học tri nhận (Ghi chép và suy nghĩ), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. 59
  9. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 [2] Lý Toàn Thắng (2005), Ngôn ngữ học tri nhận - từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. [3] Hoàng Phê (chủ biên) (2014), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng. [4] Nguyễn Đức Tồn (2008), Đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, Nxb Khoa học Xã hội. [5] Lakoff, G & Johnson, M (1980), Metaphors we live by, The University of Chicago Press. THE CONCEPTUAL METAPHOR “PEOPLE ARE CONSTRUCTIONS” IN VIETNAMESE Abstract: Based on the conceptual metaphor theory of cognitive linguistics, this article analyzes the conceptual metaphor “PEOPLE ARE CONSTRUCTIONS” in Vietnamese. This metaphor consists of six submetaphors, in which the metaphor “EMOTION IS A CONSTRUCTION” has the most abundant and diverse expression. The metaphor “PEOPLE ARE CONSTRUCTIONS” reflects the perception of the category of construction and the cognitive process of human in relationship with the construction of Vietnamese people. Keywords: the conceptual metaphor, construction, people are constructions. TRẦN THỊ HUYỀN GẤM Đơn vị công tác: Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế Số điện thoại: 01649 825 074. Email: huyengamsp@gmail.com 60
nguon tai.lieu . vn