Xem mẫu

  1. YẾU TỐ GIAO VĂN HÓA TRONG GIẢNG DẠY NGOẠI NGỮ CHO SINH VIÊN NGÀNH DU LỊCH Phạm Thị Huyền Trang(*) CROSS-CULTURAL FACTORS IN FOREIGN LANGUAGES TEACHING FOR STUDENTS OF TOURISM MAJOR Abstract In this article, we are going to discuss issues in the field of foreign language teaching for students as future tourist guides, how to develop their listening and speaking skills. The main contents of the speech include: 1. An overview of the culture, cross-culture; 2. Role of Cross / Inter- Culture in foreign language teaching; 3. The method of teaching foreign languages integrated with cross-cultural factors; 4. Experiences taken from foreign language teaching combined with the elements of cross/inter culturalfactors in Sao Đỏ University. * Đặt vấn đề Trong xã hội toàn cầu hóa, con người đến từ mọi miền đất nước, với các nền văn hóa khác nhau luôn có nhu cầu giao tiếp theo một cách chung để cùng tiến tới sự phát triển. Vấn đề ngôn ngữ đã được giải quyết khi tiếng Anh được công nhận là ngôn ngữ toàn cầu. Tuy nhiên, sự hiểu biết về văn hóa lại đóng một vai trò quan trọng, quyết định đến việc truyền đạt ý nghĩa trong giao tiếp. Chính vì vậy, văn hóa được coi là một lĩnh vực cần thiết trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục ngôn ngữ. Nhà ngôn ngữ học Winston Breambeck đã nói rằng: “biết một ngôn ngữ nào đó mà không hiểu văn hóa của họ thì chính là cách tốt nhất để biến mình thành một kẻ ngốc nói ngoại ngữ trôi chảy.” Ngược lại, ngôn ngữ cũng trợ giúp cho văn hóa được chuyển tải dễ dàng và phát triển đa dạng, phong phú hơn. Do đó, có lẽ nào chúng ta chỉ học cách sử dụng ngôn ngữ mà bỏ qua văn hóa? Mỗi con người sinh ra đều thừa hưởng tiếng mẹ đẻ và nền văn hóa của dân tộc mình. Để sống đầy đủ ý nghĩa với tài sản đó, con người có khi phải mất cả cuộc đời. Vậy mà khi làn sóng hội nhập kéo đến, con người đứng trước lựa chọn: bảo thủ, bế quan hay hòa nhập; làm sao để hòa nhập mà không hòa tan? Văn hóa và ngôn ngữ không đứng ngoài đại cục đó. Có lẽ câu trả lời thông minh chính là hãy hiểu biết sâu sắc bản sắc văn hóa – ngôn ngữ, tỉnh táo nhìn nhận các điểm riêng biệt, các điểm giao thoa, vừa kiên quyết gìn giữ nét riêng, vừa khéo léo chọn lựa, lĩnh hội và tiếp thu nét mới để hòa nhập và phát triển. Trong phạm vi báo cáo, vấn đề này sẽ được thảo luận sâu rộng hơn ở lĩnh vực giáo dục ngoại ngữ cho sinh viên chuyên ngành hướng dẫn du lịch nhằm phát triển kỹ năng nghe, nói. Nội dung chính của báo cáo bao gồm: 1. Khái quát về văn hóa, giao văn hóa; 2. Vài trò của giao văn hóa trong giảng dạy ngoại ngữ; 3. Phương pháp giảng dạy ngoại ngữ có lồng ghép các yếu tố giao văn hóa; 4. Thực tế dạy học ngoại ngữ kết hợp các yếu tố giao văn hóa cho sinh viên chuyên ngành Việt Nam học, đại học Sao Đỏ. 1. Khái quát về văn hóa, giao văn hóa Văn hóa được xem như niềm tin chung và cách ứng xử chung được quy ước trong xã hội. Tuy vậy, không phải tất cả công dân trong một nền văn hóa sẽ suy nghĩ và hành xử hoàn toàn giống nhau. Mỗi người có cách định nghĩa văn hóa cho riêng mình. (*) Khoa Du lịch & Ngoại ngữ - Đại học Sao Đỏ.
  2. Năm 1871, E.B. Tylor đưa ra định nghĩa “Văn hóa hay văn minh, theo nghĩa rộng về tộc người học, nói chung gồm có tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, tập quán và một số năng lực và thói quen khác được con người chiếm lĩnh với tư cách một thành viên của xã hội” Theo định nghĩa này thì văn hóa và văn minh là một; nó bao gồm tất cả những lĩnh vực liên quan đến đời sống con người, từ tri thức, tín ngưỡng đến nghệ thuật, đạo đức, pháp luật… Có người ví, định nghĩa này mang tính “bách khoa toàn thư” vì đã liệt kê hết mọi lĩnh vực sáng tạo của con người. Hồ Chí Minh cho rằng “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặt ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa” Với cách hiểu này, văn hóa sẽ bao gồm toàn bộ những gì do con người sáng tạo và phát minh ra. Cũng giống như định nghĩa của Tylor, văn hóa theo cách nói của Hồ Chí Minh sẽ là một “bách khoa toàn thư” về những lĩnh vực liên quan đến đời sống con người. Phạm Văn Đồng cho rằng “Nói tới văn hóa là nói tới một lĩnh vực vô cùng phong phú và rộng lớn, bao gồm tất cả những gì không phải là thiên nhiên mà có liên quan đến con người trong suốt quá trình tồn tại, phát triển, quá trình con người làm nên lịch sử… (văn hóa) bao gồm cả hệ thống giá trị: tư tưởng và tình cảm, đạo đức với phẩm chất, trí tuệ và tài năng, sự nhạy cảm và sự tiếp thu cái mới từ bên ngoài, ý thức bảo vệ tài sản và bản lĩnh của cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu bảo vệ mình và không ngừng lớn mạnh”. Theo định nghĩa này thì văn hóa là những cái gì đối lập với thiên nhiên và do con người sáng tạo nên từ tư tưởng tình cảm đến ý thức tình cảm và sức đề kháng của mỗi người, mỗi dân tộc. Trong những năm gần đây, một số nhà nghiên cứu ở Việt Nam và kể cả ở nước ngoài khi đề cập đến văn hóa, họ thường vận dụng định nghĩa văn hóa do UNESCO đưa ra vào năm 1994. Theo UNESCO, văn hóa được hiểu theo hai nghĩa: nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng thì “Văn hóa là một phức hệ - tổng hợp các đặc trưng diện mạo về tinh thần, vật chất, tri thức và tình cảm… khắc họa nên bản sắc của một cộng đồng gia đình, xóm làng, vùng, miền, quốc gia, xã hội… Văn hóa không chỉ bao gồm nghệ thuật, văn chương mà còn cả lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống giá trị, những truyền thống, tín ngưỡng…”; còn hiểu theo nghĩa hẹp thì “Văn hóa là tổng thể những hệ thống biểu trưng (ký hiệu) chi phối cách ứng xử và giao tiếp trong cộng đồng, khiến cộng đồng đó có đặc thù riêng” … Nhìn chung, các định nghĩa về văn hóa hiện nay rất đa dạng. Mỗi định nghĩa đề cập đến những dạng thức hoặc những lĩnh vực khác nhau trong văn hóa. Như định nghĩa của Tylor và của Hồ Chí Minh thì xem văn hóa là tập hợp những thành tựu mà con người đạt được trong quá trình tồn tại và phát triển, từ tri thức, tôn giáo, đạo đức, ngôn ngữ,… đến âm nhạc, pháp luật… Còn định nghĩa của tổ chức UNESCO… thì xem tất cả những lĩnh vực đạt được của con người trong cuộc sống là văn hóa. Người viết dựa trên các định nghĩa đã nêu để xác định cho mình một khái niệm văn hóa phù hợp với nội dung nghiên cứu có liên quan đến ngôn ngữ và giao tiếp. Văn hóa được hiểu là những giá trị biểu hiện như trang phục, ngôn ngữ, ẩm thực… và những giá trị ẩn như niềm tin, chuẩn mực đạo đức, tư duy, và thái độ của một cộng đồng trong xã hội mà ở đó, các yếu tố giao thoa văn hóa chủ yếu nằm trong những khía cạnh ẩn, trừu tượng, tạo ra rào cản trong giao tiếp. Vậy, giao văn hóa là gì và các yếu tố giao văn hóa nào có tác động đến việc học ngoại ngữ nói chung? Theo Kramsch, 1998, “giao văn hóa được hiểu là sự “gặp gỡ” của hai nền văn hóa hoặc ngôn ngữ đến từ hai quốc gia có biên giới lãnh thổ.” Richards, 1985 cho rằng: “giao tiếp giao văn hóa là sự trao đổi ý kiến, thông tin… giữa những người đến từ các nền văn hóa khác nhau… Khi đó, mỗi người sẽ diễn giải thông tin theo cách họ mong muốn dựa
  3. trên vốn văn hóa sẵn có của mình. Nếu có sự hiểu nhầm về văn hóa, sự giao tiếp đó có thể thất bại hoàn toàn, đặc biệt trong các lĩnh vực như y tế, luật pháp, chính trị…” 2. Sự cần thiết phải dạy giao văn hóa trong lớp học ngoại ngữ Có thể nói rằng việc học ngoại ngữ bao gồm nhiều yếu tố như hiểu biết ngữ pháp, năng lực giao tiếp, cũng như thái độ và nhận thức đối với văn hóa bản ngữ và văn hóa nước ngoài. Do đó, trong những năm gần đây, nhiều giáo viên ngoại ngữ đã nhận thức về tầm quan trọng của các yếu tố văn hóa, giao văn hóa trong giảng dạy ngôn ngữ. Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Seelye (1993) đã khẳng định: “Khi bạn có sinh viên để dạy, hãy dạy họ về văn hóa”. Hơn nữa, theo thời gian, ngày càng nhiều giáo viên nhận thấy rằng khi bài học có sự lồng ghép các yếu tố văn hóa, giao văn hóa thì sinh viên sẽ tiếp thu và cải thiện tốt hơn về khả năng giao tiếp. Kramsch (1993) đã nhấn mạnh trong nghiên cứu của mình rằng: “Văn hóa không phải là một kỹ năng thứ 5 trong giảng dạy ngôn ngữ, gắn liền với nghe, nói, đọc, viết. Đó là nền tảng để chỉ ra sự giới hạn trong năng lực giao tiếp, thách thức khả năng của người học và chỉ ra cho họ thấy ý nghĩa của thế giới”. Bên cạnh đó, thực tế đã chỉ ra rằng kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ không chỉ đòi hỏi khả năng sử dụng ngôn ngữ thành thạo, đặc biệt trong nghe – nói, mà còn yêu cầu vốn sống, sự hiểu biết nhất định về đặc thù văn hóa Quá trình giao tiếp bao gồm hai yếu tố: truyền thông tin và phân tích thông tin. Để truyền thông tin, con người sử dụng ngôn ngữ với nhiều ký hiệu khác nhau. Tuy nhiên, để phân tích thông tin, ta cần giải mã các ký hiệu đó để đạt mục đích cuối cùng là hiểu thông tin theo đúng nghĩa nó được truyền đi. Cả hai quá trình này đều liên quan đến văn hóa. Khi người nghe không hiểu văn hóa của người nói thì người nghe sẽ giải mà thông tin theo văn hóa của chính anh ta. Nếu nội dung thông tin ở hai nền khác văn hóa được hiểu khác nhau, quá trình giao tiếp coi như thất bại. Ví dụ khi một người đàn ông Mỹ muốn khen một cô gái đẹp, anh ta có thể nói: “You are so sexy!” Tuy nhiên, trong văn hóa Việt Nam, nếu ai đó nói với một cô gái rằng: “Em rất gợi cảm!” thì anh ta bị cho là khiếm nhã vì văn hóa truyền thống Á Đông luôn coi trọng sự kín đáo, thanh cao của người phụ nữ. Vì những lý do trên, tác giả có đồng quan điểm với các nhà nghiên cứu ngôn ngữ khi khẳng định rằng người học ngoại ngữ nhất thiết phải được học về văn hóa và giao văn hóa. Theo đó, giáo viên cần lồng ghép các yếu tố văn hóa vào giờ học ngôn ngữ dựa trên các điểm cơ bản sau: 1. Thái độ đối với các nền văn hóa, xã hội khác; 2. Sự tương tác của ngôn ngữ và các hình thái xã hội; 3. Ý nghĩa biểu trưng của các khái niệm trong văn hóa; 4. Hành vi phổ biến trong các tình huống thông thường; 5. Ý nghĩa hoặc chức năng của hành vi có điều kiện văn hóa; 6. Đánh giá các quan điểm của một xã hội nào đó và nghiên cứu về các nền văn hóa khác. Gaston, 1984 cho rằng khi người học nhận thức được những yếu tố giao văn hóa và có khả năng để hiểu, sử dụng chúng trong giao tiếp thì khi đó, người học không chỉ mở rộng kiến thức về các nền văn hóa khác mà còn có cơ hội khắc sâu hơn về văn hóa của dân tộc mình. 3. Các phương pháp dạy học kết hợp giao văn hóa Trong thực tế, việc dạy học kết hợp các yếu tố giao văn hóa không phải là một vấn đề đơn giản. Nhiều nhà giáo dục học, ngôn ngữ học đã dày công nghiên cứu để tìm ra các cách tiếp cận văn hóa, giao văn hóa phù hợp nhất trong việc giảng dạy ngoại ngữ. Theo Risager (1998), có bốn cách tiếp cận văn hóa: tiếp cận liên văn hóa, đa văn hóa, xuyên văn hóa và văn hóa nước ngoài. Trong đó, cách tiếp cận liên văn hóa và đa văn hóa bao gồm các yếu tố so sánh, đối chiếu; cách tiếp cận xuyên văn hóa thì coi văn hóa nước ngoài như là một văn hóa quốc tế; cách tiếp cận cuối cùng chỉ tập trung vào văn hóa của đất nước có ngôn ngữ được giảng dạy.
  4. Năm 2004, nhà nghiên cứu Saluveer đã chỉ ra cách tiếp cận văn hóa khác tập trung hơn vào phát triển cách kỹ năng của người học. Đó là cách tiếp cận dựa trên các chủ đề cơ bản của văn hóa như biểu tượng, giá trị, trí tuệ, tôn giáo, nghệ thuật, gia đình, xã hội… Các chủ đề này sẽ được thiết kế nhằm bộc lộ các nét đặc trưng của văn hóa bản địa, giúp người học hiểu được nội dung một cách sâu sắc hơn. Cùng năm này, Wisniewska-Brogowska đã miêu tả cách tiếp cận theo định hướng vấn đề bằng cách buộc người học tự thực hiện các nghiên cứu về những vấn đề họ quan tâm liên quan đến văn hóa bản địa. Trong trường hợp này, vai trò của người giáo viên là định hướng và chỉ dẫn cho sinh viên chủ động các nhiệm vụ nghiên cứu. Bên cạnh đó, các cách tiếp cận khác cũng đáng quan tâm như cách tiếp cận định hướng nhiệm vụ (các nhiệm vụ hợp tác), tiếp cận lấy kỹ năng làm trung tâm… Từ các phương pháp gợi ý trên, giáo viên có thể căn cứ trên tình hình thực tế của người học (năng lực, mục đích học tập…) để lựa chọn cách thức phù hợp nhất. Nếu mục đích của người học là đến sống trong môi trường bản địa thì giáo viên nên lựa chọn phương pháp tiếp cận giao văn hóa lấy kỹ năng làm trung tâm. Mặt khác, nếu mục đích của người học là nâng cao hiểu biết về giao văn hóa để giao tiếp tốt hơn thì phương pháp dựa trên chủ đề là lựa chọn phù hợp nhất. Để đạt được mục đích thụ đắc các kiến thức văn hóa, giao văn hóa tốt hơn, giáo viên ngoại ngữ có thể sử dụng các kỹ thuật giảng dạy khác nhau, kết hợp với các tài liệu liên quan. Người viết giới thiệu một số kỹ thuật lồng ghép giao văn hóa trong giảng dạy ngoại ngữ như sau: a. Thảo luận Hiện nay, nhiều giáo trình đã có hướng đan xen các hoạt động thảo luận, trao đổi ý kiến dựa trên các mục tiêu cụ thể sao cho phù hợp với nhiều đối tượng sinh viên khác nhau. Trên thực tế, giáo viên không thể kỳ vọng rằng tất cả sinh viên đều có khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến giao văn hóa. Mục đích của thảo luận là để các em có cơ hội luyện tập nghe, nói, chia sẻ, làm rõ các thắc mắc. Cuối cùng, giáo viên là người nhận xét, khái quát các nội dung cơ bản. b. Câu đố Đây là cách để trắc nghiệm khả năng ghi nhớ, tiếp nhận thông tin của sinh viên về các vấn đề mới trong bài học. Sinh có thể chỉ phỏng đoán đáp án, dựa trên hiểu biết của bản thân. Câu trả lời đúng có thể được giáo viên cung cấp thông qua đoạn băng, hình ảnh… Có thể thấy rằng đây là phương pháp mang tính trực quan cao, có khả năng kích thích người học, tạo hiệu quả tốt. c. Đóng vai Nhiệm vụ này tạo cho sinh viên cơ hội được nhập vai để diễn xuất dựa trên những kiến thức văn hóa mà họ đã học. Sinh viên sẽ được thử thách khi phải suy nghĩ, cư xử, giao tiếp theo văn hóa của người dân tại nước bản địa. 4. Thực tế dạy học ngoại ngữ kết hợp các yếu tố giao văn hóa cho sinh viên chuyên ngành Việt Nam học, đại học Sao Đỏ a. Về sinh viên Trước hết, cần biết rằng đối tượng sinh viên được nói đến thuộc chuyên ngành Việt Nam học. Họ được đào tạo để trở thành những hướng dẫn viên du lịch trong tương lai. Qua đó, ta có thể khẳng định rằng họ được trang bị tương đối đầy đủ về văn hóa Việt Nam. Đây là lợi thế, nhưng đồng thời cũng là trở ngại khi sinh viên tiếp cận văn hóa nước ngoài. Theo hướng tích cực, họ sẽ vận dụng văn hóa Việt Nam để đối chiếu, so sánh với nét mới trong văn
  5. hóa nước ngoài để có cái nhìn bao quát, trọn vẹn. Tuy nhiên, không ít sinh viên lại sử dụng kiến thức văn hóa Việt Nam để giải quyết các vấn đề trong tình huống giao tiếp bằng ngoại ngữ. Điều này dễ dẫn đến hiểu lầm, thậm chí nghiêm trọng hơn, nó gây ra xung đột văn hóa, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam nói riêng, đất nước, con người Việt Nam nói chung. Về ngoại ngữ, mặc dù hầu hết đối tượng sinh viên đều học tiếng Anh từ trung học cơ sở, nhưng kỹ năng giao tiếp của họ còn yếu, đặc biệt, họ thực sự chưa quan tâm đến các yếu tố giao văn hóa trong quá trình học. Hơn nữa, trở ngại khác cho sinh viên chuyên ngành Việt Nam học là trong chương trình học tại trường đại học, họ không được học môn Giao tiếp giao văn hóa. Qua nghiên cứu, người viết thấy rằng mặc dù sinh viên chuyên ngành Việt Nam học chưa hiểu biết nhiều về các yếu tố giao văn hóa trong giao tiếp nhưng hầu hết đều ý thức được tầm quan trọng của nội dung này trong việc học. Tuy nhiên, khó khăn chính khiến cho sinh viên không giải quyết được các tình huống giao tiếp là do sự thiếu hiểu biết về các kiến thức giao văn hóa, sự ngại ngùng, rụt rè… Đồng thời, liên quan đến nghề nghiệp của mình trong tương lai, với đối tượng giao tiếp chính là khách du lịch, sinh viên có nhu cầu được tìm hiểu các yếu tố giao văn hóa xoay quanh quy tắc ứng xử lịch sự, các tiêu chuẩn xã hội, con người, các giá trị, ẩm thực… Các hoạt động mà sinh viên đánh giá là có hiệu quả giúp họ học tốt nhất là các hoạt động nhóm, cặp, thảo luận, câu đố, đóng vai, bài tập tình huống… b. Về đội ngũ giáo viên Đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy ngoại ngữ cho sinh viên chuyên ngành Việt Nam học đều là các thầy cô được đào tạo sư phạm ngoại ngữ chính quy, đã được cấp chứng chỉ ngoại ngữ du lịch và có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên trường đại học Sao Đỏ đã không ngừng bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để bắt kịp với xu thế mới trong việc giảng dạy ngoại ngữ. Hàng năm, nhiều giáo viên được cử đi học tiến sỹ, thạc sỹ. Ngoài ra, các giáo viên cũng được cử tham gia các lớp tập huấn về phương pháp giảng dạy, kỹ năng mềm, áp dụng CNTT trong giảng dạy ngoại ngữ. Sau các khóa tập huấn, tổ, nhóm cũng tổ chức các buổi họp chuyên môn để các thầy cô tham gia khóa tập huấn có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp của mình. Hiện tại, qua thực tế giảng dạy, đội ngũ giáo viên đã dần đổi mới, chủ động lồng ghép các yếu tố giao văn hóa vào giảng dạy ngoại ngữ. Các thầy cô đã nhận thức rất rõ tầm quan trọng và hiệu quả của phương pháp này. Từ việc chỉnh sửa, biên soạn giáo trình đến thực tế lên lớp, giáo viên ngoại ngữ trường đại học Sao Đỏ đã áp dụng phù hợp các phương pháp tiếp cận giao văn hóa cũng như các kỹ thuật lồng ghép các yêu tố này trong giảng dạy, đánh giá, và củng cố kiến thức cho sinh viên. c. Đề xuất phương lồng ghép các yếu tố giao văn hóa trong giảng dạy ngoại ngữ Qua ghi nhận từ thực tế và kết quả từ nghiên cứu, người viết đề xuất một số phương pháp lồng ghép các yếu tố giao văn hóa trong giảng dạy ngoại ngữ cho sinh viên chuyên ngành Việt Nam học như sau. Trước hết, các yếu tố giao văn hóa cần được nhận thức để đan xen trong bài học càng sớm càng tốt. Ví dụ, trong bài học đầu tiên, thông thường sinh viên sẽ học cách chào hỏi. Giáo viên nên giải thích, minh họa cho sinh viên thấy những nét khác nhau trong văn hóa chào hỏi của người Việt Nam và người nước ngoài. Người Việt Nam có thời quen hỏi về công việc để chào hỏi (“Bác đang làm gì đấy?/ Cô đi chợ à?/ Chị ăn cơm chưa?...) trong khi người nước ngoài thường chỉ nói “Xin chào”.
  6. Bên cạnh đó, vì các nền văn hóa có thể gặp nhau ở một số điểm nên giáo viên có thể lựa chọn các nội dung thể hiện điểm giống và khác nhau nhằm giúp sinh viên so sánh, rút ra kiến thức cho mình. Ví dụ như các tư thế chào từ các nền văn hóa khác nhau (người Nhật, người Việt Nam cúi đầu khi chào; người Thái chắp tay chào, người Pháp thì thường hôn má, hôn tay, hoặc bắt tay khi chào…). Ngoài ra, giáo viên có thể quan tâm lựa chọn các khía cạnh giúp cho sinh viên có cơ hội khám phá văn hóa nước ngoài trong sự quán chiếu các khía cạnh văn hóa Việt Nam. Ví dụ như khi tìm hiểu về cách khen ngợi của người Việt Nam và người Mỹ. Theo cách tích cực, người Mỹ sẽ nói rằng: “Bạn thật là một con chó may mắn!” (You’re such a lucky dog!) Trong khi đó, người Việt Nam có câu: “Chó ngáp phải ruồi!” để ám chỉ, mỉa mai những người tình cờ gặp may và không xứng đáng với điều đó. Sở dĩ có sự khác nhau này là do cách nhìn nhận và mối quan hệ giữa người với con vật, đặc biệt là với con chó ở hai nước Mỹ và Việt Nam khác nhau rõ rệt. Người Mỹ yêu thương chó như người bạn thân, thậm chí như thành viên trong gia đình. Người Việt Nam lại phân biệt rõ khoảng cách giữa chủ và vật, thậm chí đôi khi hình ảnh con chó được cho là xấu, là không sạch sẽ… Ví dụ khác liên quan đến nghề nghiệp của sinh viên như các tình huống giao tiếp trong nhà hàng, khách sạn, hay tại các điểm du lịch. Sinh viên cần đảm bảo hiểu và tôn trọng các yếu tố giao văn hóa cơ bản để không những đạt được mục đích giao tiếp mà còn khéo léo quảng bá hình ảnh đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc đến bạn bè quốc tế. Kết luận Kỹ năng giao tiếp hiệu quả không chỉ đòi hỏi kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ điêu luyện mà còn yêu cầu hiểu biết sâu sắc về nền tảng văn hóa-xã hội của cả hai nước nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ, việc dạy học ngoại ngữ lồng ghép các yếu tố giao văn hóa đang ngày càng được chú trọng. Nhiều phương pháp, kỹ thuật được giới thiệu nhằm phục vụ giảng dạy, khuyến khích, định hướng cho sinh viên tiếp cận với hướng giao tiếp hiện đại, hội nhập sâu rộng. Điểm hấp dẫn người học chính là qua việc học ngoại ngữ, sinh viên có cơ hội hiểu biết không chỉ văn hóa dân tộc mà còn là văn hóa các nước trên thế giới. Hiệu quả của phương pháp này đã được kiểm chứng khi sinh viên ra trường có cơ hội làm việc trong môi trường giao tiếp với khách nước ngoài. Họ được đánh giá cao về sự nhạy bén, bắt kịp xu thế và sự khéo léo trong công việc. Vì những lý do đó, trong thời gian tới, phương pháp này nên được áp dụng rộng rãi không chỉ cho sinh viên chuyên ngành Việt Nam học mà có thể sử dụng cho các lớp Quản trị, ngôn ngữ Anh, hay các lớp không chuyên của trường nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục. TÓM TẮT Trong bài viết này, chúng tôi đi vào thảo luận một số vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục ngoại ngữ cho sinh viên chuyên ngành hướng dẫn du lịch nhằm phát triển kỹ năng nghe, nói. Nội dung chính của báo cáo bao gồm: 1. Khái quát về văn hóa, giao văn hóa; 2. Vài trò của giao văn hóa trong giảng dạy ngoại ngữ; 3. Phương pháp giảng dạy ngoại ngữ có lồng ghép các yếu tố giao văn hóa; 4. Thực tế dạy học ngoại ngữ kết hợp các yếu tố giao văn hóa cho sinh viên chuyên ngành Việt Nam học, đại học Sao Đỏ.
nguon tai.lieu . vn