Xem mẫu

  1. Vì sao đầu tư vào quỹ mở? Mức phí quản lý tương đương quỹ đóng, cơ chế thuế như cũ, chiến lược đầu tư trước mắt không ưu việt hơn quỹ đóng, đặc tính hấp dẫn cơ bản nhất của quỹ mở là thanh khoản cao cho NĐT. Thanh khoản trở thành đòi hỏi cấp thiết NĐT quỹ đóng chỉ có thể chốt lãi hoặc cắt lỗ bằng cách bán chứng chỉ quỹ (CCQ) qua sàn theo thị giá cho dù thị giá thấp hơn giá trị tài sản ròng (NAV) rất nhiều và chỉ khi CCQ được niêm yết. NĐT quỹ mở thì luôn có thể thoái vốn với giá bằng đúng NAV của quỹ. “Ưu điểm lớn nhất của quỹ mở là khi NĐT cần thoái vốn thì có thể thoái được ngay chứ không đợi phải họp đại hội NĐT như quỹ đóng”, giám đốc một quỹ đầu tư trong nước nhận xét sau khi nghiên cứu bản cáo bạch của Quỹ đầu tư trái phiếu VFF (thuộc VinaWealth) vừa được công bố mới đây. Vị giám đốc này cho biết, quy mô quỹ của công ty ông nhỏ nên thời gian tới vẫn tiếp tục duy trì mô hình quỹ đóng, vì áp lực đảm bảo dòng tiền đối với quỹ mở quá lớn. Tuy nhiên, ông thừa nhận, nếu nhìn từ góc độ NĐT, việc có thể bán lại chứng chỉ quỹ định kỳ bằng đúng NAV là ưu thế vượt trội trong bối cảnh TTCK còn rất nhiều rủi ro như hiện tại. Thực tế, nếu so sánh quỹ đóng với quỹ mở, những yếu tố như phí quản lý, cơ chế thuế, chiến lược đầu tư… không có gì khác biệt. Với quỹ VFF, tổng mức phí rơi vào khoảng 2,5 - 2,8% NAV; với quỹ MBBF (thuộc MB Capital), mức phí rơi vào khoảng 1,5%, trong khi phí quản lý quỹ đóng hiện đang ở khoảng 1 - 2%. Nhưng đối với các NĐT, phí quản lý hay thuế không phải là vấn đề đáng kể. Vấn đề của họ là giá CCQ tăng và họ có thể hiện thực hóa được lợi nhuận đó ngay khi giá tăng.
  2. Thanh khoản kém đã trở thành yếu tố chính khiến bức tranh chung của ngành quản lý quỹ với 100% quỹ đầu tư dạng đóng ảm đạm suốt nhiều năm gần đây. Báo cáo tổng kết năm 2012 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, khối tài sản của 47 công ty quản lý quỹ đã giảm 1,5% so với cuối năm 2011 xuống khoảng 98.000 tỷ đồng, mặc dù chỉ số VN-Index tăng hơn 17% trong năm qua. Tính đến cuối năm 2012, có 6 quỹ trên tổng số 22 quỹ tiến hành giải thể do hết thời gian hoạt động, 4 quỹ tiến hành giảm vốn điều lệ. Báo cáo giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư đang niêm yết cho thấy, NAV của các quỹ tăng cao trong trong thời gian vừa qua, nhưng mức chiết khấu giá trên giá trị tài sản ròng rất lớn: MAFPF1 (35,48%), PRUBF1 (20,85%), VFMVF1 (25,07%), VFMVF4 (32,57%), trong khi mức chiết khấu thông thường trên thế giới chỉ khoảng 10 - 15% đã là rất cao. Tỷ lệ chiết khấu của hai quỹ VEIL và VGF của Dragon Capital hiện gần 20%. Các quỹ mở hình thành và hoạt động sẽ trở thành “xu thế mới” cho ngành quản lý quỹ trong năm 2013, báo cáo của CLB Quản lý quỹ nhận xét. Báo cáo này cũng ghi rõ: “Tuy quy mô nhỏ và mục tiêu đầu tư chưa đa dạng, nhưng các quỹ này sẽ tạo tiền đề và xây dựng hạ tầng cần thiết cho một chu kỳ phát triển mới của ngành. Trong giai đoạn 2012 - 2015, sự phát triển của ngành quản lý quỹ sẽ phụ thuộc rất
  3. lớn vào việc triển khai thành công quỹ mở và các quỹ hưu trí”. Kênh trái phiếu lên ngôi Có một điểm trùng hợp của cả hai quỹ mở đầu tiên của Việt Nam do VinaWealth và MB Capital quản lý là cả hai quỹ đều đầu tư vào kênh trái phiếu. Lợi nhuận vượt bậc của kênh trái phiếu đã trở thành nét nổi bật của TTCK năm 2012. Theo tính toán của VinaWealth, tỷ suất lợi nhuận đầu tư của kênh trái phiếu kỳ hạn 5 năm đang đạt 20,77%/năm, cao hơn hẳn so với mức tăng 17,6%/năm của VN-Index và 10,73%/năm của tiền gửi kỳ hạn. Trong khi đó, các NĐT USD đã lỗ 0,96%/năm, còn các NĐT vàng chỉ lãi rất ít là 0,4%/năm. Kênh đầu tư trái phiếu thường “lên ngôi” khi khủng hoảng kinh tế diễn ra. Đã có nhiều tín hiệu tích cực về tăng trưởng của TTCK trong một tháng trở lại đây, nhưng các phân tích gần đây về tình hình thị trường và lòng tin kinh doanh của các DN cho thấy, năm 2013 tiếp tục là năm khó khăn cho nền kinh tế nói chung. “Lạm phát được kiểm soát, tiền tệ ổn định, nhưng tăng trưởng GDP đã chậm lại. Kết quả là lãi suất tiếp tục xu hướng giảm. TTCK vẫn biến động mạnh và chưa hồi phục đà tăng trưởng như kỳ vọng, đầu tư vàng rủi ro cao và không còn cơ hội đầu cơ chênh lệch giá, triển vọng thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, lợi suất trái phiếu dự báo sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2013. Vì vậy, trái phiếu hoặc chứng chỉ quỹ trái phiếu có thể là một lựa chọn đầu tư hợp lý hiện nay,” báo cáo của VinaWealth phân tích. Việc thành lập quỹ đầu tư trái phiếu của cả VFF và MBBF dựa trên ý tưởng tạo ra một công cụ đầu tư kết nối NĐT cá nhân với kênh đầu tư trái phiếu – một kênh đầu tư luôn đòi hỏi một lượng vốn rất lớn để giao dịch và thường vượt quá khả năng của một NĐT cá nhân riêng lẻ. “Thông thường, một NĐT sẽ cần có ít nhất 10 tỷ đồng để thực hiện một giao dịch trái phiếu, nhưng với quỹ đầu tư trái phiếu họ có thể chỉ cần 50 triệu để đầu tư vào kênh này,” đại diện quỹ MBBF nói. Theo tài liệu giới thiệu tới NĐT, VinaWealth dự kiến đầu tư 80% NAV của quỹ vào trái phiếu DN và 20% vào trái phiếu chính phủ, với cơ cấu danh mục đầu tư của quỹ có thể thay đổi tùy tình hình thị trường. Lợi nhuận mục tiêu là 150% lãi suất bình quân tiền gửi VND kỳ hạn 12 tháng của HSBC công bố hàng tháng. Theo dự báo của các chuyên gia VinaWealth, các yếu tố như thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện, tăng trưởng tín dụng thấp… sẽ khiến nhu cầu đầu
  4. tư trái phiếu và lựa chọn đầu tư khác từ phía các ngân hàng có thể tăng lên, các NĐT khác cũng tăng tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu, khi xu hướng lãi suất giảm... “Chúng tôi sẽ duy trì tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3 đến 5 năm. Nếu thị trường trái phiếu tiếp tục duy trì thanh khoản tốt, chúng tôi sẽ tăng tỷ trọng đầu tư trái phiếu kỳ hạn 5 năm nhằm mang lại tỷ suất lợi nhuận tối ưu. Mặt khác, chúng tôi cũng sẽ xem xét đầu tư vào trái phiếu DN,” đại diện VinaWealth chia sẻ.
  5. Theo Hải Linh - ĐTCK
nguon tai.lieu . vn