Xem mẫu

  1. 227 VAI TRÕ CỦA SINH VIÊN TRONG VIỆC GIỮ GÌN BẢN SẮC TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG VÁY MƢỜNG Giảng viên: Nguyễn Thị Mai Hương Đơn vị: Phòng Quản lý Đào tạo & Công tác HSSV Địa chỉ: diephuonganh@gmail.com Tóm tắt: Mục tiêu của bài viết này là để nhằm đánh giá rõ nhận thức của sinh viên dân tộc Mường đối với trang phục truyền thống của dân tộc mình, qua đó nêu rõ vai trò của sinh viên, của nhà trường trong việc gìn giữ bản sắc trang phục truyền thống dân tộc. Để làm rõ được vấn đề trên chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu như: nghiên cứu và tổng hợp tài liệu, phỏng vấn sâu và quan sát. Bằng phương pháp nghiên cứu và tổng hợp tài liệu làm rõ được những giá trị văn hóa đặc sắc ẩn chứa trong trang phục váy Mường, đánh giá được vai trò của váy Mường trong đời sống thường ngày, đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Mường. Bằng phương pháp phỏng vấn sâu và quan sát, tôi tìm hiểu rõ được nhận thức, quan điểm của sinh viên về vấn đề trang phục váy Mường. Nhìn chung đối với các sinh viên vẫn yêu thích váy Mường, nhưng không còn sử dụng váy Mường làm thường phục, chủ yếu chỉ thi thoảng sử dụng váy Mường như một lễ phục trong những dịp đặc biệt. Từ những thực trạng trên tôi đã tìm ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Từ đó đưa ra kiến nghị giải pháp để nâng cao vai trò của sinh viên trong việc gìn giữ bản sắc trang phục dân tộc váy Mường như: tổ chức các buổi tọa đàm, ngoại khóa nâng cao nhận thức của sinh viên về tầm quan trọng của váy Mường, khuyến khích sinh viên sử dụng váy Mường và hướng dẫn cho mỗi sinh viên trở thành một tuyên truyền viên giúp cho cộng đồng bảo tồn trang phục dân tộc váy Mường. I. Đặt vấn đề Trong quá trình giảng dạy học phần Cơ sở Văn hóa Việt Nam cho đối tượng là sinh viên lớp Cao đẳng Giáo dục Mầm non lớp K27B, tôi nhận thấy một thực trạng rằng ở Hòa Bình hơn 60% là dân tộc Mường và đa số sinh viên trong lớp là dân tộc Mường, chính vì vậy nhu cầu tìm hiểu về văn hóa dân tộc Mường là rất lớn, trong thời lượng 45 tiết khó có thể đủ thời gian để giúp sinh viên tìm hiểu sâu hơn về văn hóa bản địa. Kiến thức về văn hóa một dân tộc là rất rộng nên trong khuôn khổ một bài nội san tôi lựa chọn bài viết “vai trò của sinh viên trong việc giữ gìn bản sắc trang phục truyền thống váy Mường” để tiến
  2. 228 hành nghiên cứu, qua đó giúp sinh viên có cái nhìn sâu rộng hơn về văn hóa dân tộc mình và đưa ra những kiến nghị, giải pháp giúp nâng cao vai trò của sinh viên trong việc giữ gìn bản sắc trang phục váy Mường nói riêng và bản sắc văn hóa nói chung. II. Phƣơng pháp nghiên cứu 1. Phƣơng pháp tổng hợp tài liệu Để nghiên cứu vấn đề, tôi đã chọn phương pháp nghiên cứu đầu tiên là tổng hợp tài liệu. Qua các nguồn sách, báo, internet chúng tôi tìm kiếm có chọn lọc những tài liệu liên quan tới văn hóa dân tộc Mường, nền văn hóa Hòa Bình, các trang phục truyền thống, trang phục truyền thống của người Mường…. Thông qua những tài liệu này tôi sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề mình cần nghiên cứu, hơn nữa có thể nắm rõ hơn các phương pháp luận của các nghiên cứu trước đó để áp dụng vào trong nghiên cứu của mình. 2. Phƣơng pháp phỏng vấn sâu Tiến hành phỏng vấn sâu 10 sinh viên nữ lớp Cao đẳng Giáo dục Mầm non lớp K27B với một số những câu hỏi đã chuẩn bị như: - Bạn có thích váy Mường không? - Bạn thấy váy Mường có đẹp không? Và váy Mường đẹp nhất ở phần nào? - Ở quê bạn có thường xuyên mặc váy Mường không? - Bạn hay mặc váy Mường nhiều nhất vào dịp nào? - Bạn nghĩ sao khi trong đám cưới cô dâu sẽ mặc váy Mường chứ không phải là váy cưới du nhập từ châu Âu? Tôi đưa ra những câu hỏi chi tiết và cụ thể để nắm được rõ nhất quan điểm cá nhân của sinh viên đối với vấn đề trang phục truyền thống váy Mường. 3. Phƣơng pháp quan sát Tiến hành quan sát các nữ sinh viên dân tộc Mường trong khoảng thời gian 1 tháng để nắm rõ hơn việc sử dụng trang phục váy Mường của các sinh viên này trong thời gian học tập tại trường. III. Kết quả và bàn luận 1. Váy Mƣờng – trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mƣờng. Trang phục truyền thống của người phụ nữ dân tộc Mường đó chính là váy Mường. Váy Mường là một văn hóa vật thể góp phần tạo nên Văn hóa tộc người Mường, nó cũng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người Mường. 1.1 Đặc điểm của Trang phục váy Mƣờng
  3. 229 Có thể thấy, có một công thức chung cho rất nhiều trang phục của các dân tộc ở Việt Nam như áo tứ thân, áo dài của người Việt; áo dài của người Tày; quần áo của phụ nữ Dao, Hơ Mông đều có 3 phần: mũ (hoặc mấn, khăn) đội đầu; áo và quần (hoặc váy). Đối với trang phục váy Mường cũng có 3 phần tương tự: khăn đội đầu, áo ngắn (áo pắn) và phần váy.  Phần khăn đội đầu Trong trang phục váy Mường, khăn đội đầu có một màu sắc duy nhất đó là màu trắng. Trước đây khăn có thiết kế đơn giản là một dải vải trắng không viền, rộng chừng một gang tay, khoảng 15cm, dài khoảng 50 – 60 cm quá vòng đầu để thắt sau gáy theo kiểu thắt vặn, không luồn dưới tóc. Chiếc khăn này dùng để giữ cho nếp tóc được gọn gàng, che cơ thể trước nhiệt độ, thời tiết ở núi rừng.. Ngày nay, chiếc khăn đội đầu của phụ nữ Mường được thiết kế lại tinh tế hơn, có thể đính thêm đá, trang trí thêm họa tiết trên nền trắng, kiểu dáng cách điệu. Chiếc khăn trắng đội đầu của phụ nữ Mường được găn liền với câu chuyện tình yêu lãng mạn giữa một chàng trai nghèo tên là Khỏe ở Mường Dậm với cô gái nhà lang xinh đẹp là Út Dô. Do khác biệt về thân thế, bị gia đình ngăn cản, đôi trai tài, gái sắc không lấy được nhau đã dẫn đến một mối tình tuyệt vọng. Chàng Khỏe để bảo vệ bản làng đã tạm biệt người yêu và đã một mình chiến đấu với hai con hổ, sau nhiều ngày giao tranh, chàng Khỏe đã ôm cả hai vợ chồng hổ dữ lao xuống vực sâu ở núi Zang. Từ đó, người dân Mường tránh được tai họa thú dữ. Nhưng nỗi đau mất người yêu của nàng Út Dô chẳng ngày nào vơi cạn. Ngày ngày, nàng Út Dô vẫn ra bờ suối nơi chia tay với Khỏe để ngóng đợi người tình. Út Dô lấy mảnh vải trắng chưa kịp nhuộm màu mà chàng Khỏe xé ra từ vạt áo tặng lại để lau nước mắt. Mỗi lần khỏa mảnh vải xuống suối Út Dô lại thấy hình ảnh của Khỏe hiện về. Mảnh vải ướt Út Dô lại vắt lên đầu. Vào một đêm trăng sáng, nàng Út Dô đã đi theo tiếng gọi của tình yêu và nàng đã chết, thân thể nàng hóa cây clăng nở hoa trắng dọc hai bên suối. Từ đó, tất cả phụ nữ Mường đều đội một cái khăn trắng trên đầu để tưởng nhớ Út Dô và chàng Khỏe. Chính bởi vậy mà chiếc khăn trắng không chỉ đơn giản là vật trang trí, không đơn giản chỉ để giữ tóc hay che chắn cho cơ thể mà nó còn thể hiện cho tấm lòng chung thủy, trong trắng của người phụ nữa Mường qua nhiều thế hệ.  Phần áo Mường
  4. 230 Phần áo trong trang phục váy Mường được gọi là áo ngắn (Áo Pắn). Áo có độ dài ngang eo, tay dài, cổ tròn ôm sát chân cổ. Áo Mường xưa thường không cắt may ở cầu vai mà may nối ở giữa ống tay áo. Áo Mường không thiết kế khuy cài để khi mặc có thể phô ra phần cạp váy được dệt nhiều màu sắc, hoa văn; khoe được cả phần ngực căng tròn của người phụ nữ Mường. Khi lao động người phụ nữ có thể lấy kim băng để cài áo lại cho gọn gàng mà không cần dùng đến khuy áo. Ngày nay, cùng với sự phát triển của nghề may, cùng sự giao lưu văn hóa toàn cầu Áo Mường ngày càng được cách tân để hoàn thiện hơn, đẹp hơn áo Mường xưa. Hiện tại Áo Mường thường được cắt may cầu vai để khắc phục được nhược điểm vai xuôi của người phụ nữ, giúp áo không bị nhăn nhúm khi mặc. Áo Mường hiện tại cũng được thiết kế các loại khuy cài một nửa áo phần bên dưới, nửa phía trên không cài khuy và được cắt khoét hình chữ V để mở rộng phần ngực hơn. Thiết kế này vừa giúp áo bó sát vào cơ thể, tôn lên được vẻ đẹp đường cong của người phụ nữ mà vẫn có thể khéo léo khoe được phần ngực đầy đặn cùng cạp váy rực rỡ bên trong.  Phần váy Mường: Váy Mường được coi là phần chính của bộ trang phục. Váy được chia làm hai phần chính: phần cạp váy và phần thân váy Cạp váy Phần cạp váy được coi là linh hồn của bộ trang phục váy Mường. Đây là phần tinh xảo nhất, kỳ công nhất và chứa đựng trong đó cả một thế giới nhân sinh quan, thế giới tinh thần phong phú của người Mường. Nhà nghiêm cứu Nguyễn Đức Từ Chi khi tìm hiểu về cạp váy của người Mường, ông đã phải thốt lên: “Cạp váy - nó chính là nơi duy nhất người Mường chọn để làm nghệ thuật tạo hình. Họ không khắc lên gỗ, lên đá, lên đồ gốm, lên kim loại, không tạc tượng gỗ, tượng đá, không nặn tượng đất, không đúc tượng đồng mà họ dệt cái quan niệm thẩm mỹ của mình lên cạp váy phụ nữ”. Cạp váy ở đây, như tượng, như tranh, thân thiết, gắn bó hàng ngày với người phụ nữ. Nó được thêu dệt tỉ mỉ và cẩn thận, là hiện thân của sự khéo léo con gái Mường. Cạp váy được chia làm ba phần: Rang trên, rang dưới và cao váy. Rang trên (Rang tlênh): là phần trên cùng của cạp váy có hoa văn trang trí là hoa văn hình học (hình thoi hoặc hình vuông, hình tam giác…). Rang trên có màu sắc chủ yếu là màu đen và trắng.
  5. 231 Rang dưới: đây là bộ phận quan trọng nhất của cạp váy, được dệt với màu đỏ và vàng nổi trên nền đen với hoa văn hình động vật như: rồng, hươu, nhện, bướm, ếch, rùa, công, con phượng…đó là những con vật gắn bó, gần gũi với cuộc sống và các sự tích của người Mường, nó được những “nghệ nhân ” phác hoạ ngay trên trang phục của họ. Ngoài ra, phần rang dưới này được trang trí bằng nhiều màu sắc và chúng có các dải ngăn cách bằng hoa văn hình chong chóng. Rang dưới khác hẳn hai bộ phận khác của cạp váy, về kích thước và tính chất trang trí. Hoa văn trang trí chủ yếu của rang dưới là động vật. Trước đây nhìn vào phần rang dưới này người ta có thể phân biệt được gia thế, địa vị và tầng lớp của người phụ nữ. Đối với những người phụ nữa quý tộc, những mệ, những nàng thì phần rang dưới được dệt những hình con rồng, con công, con phượng tượng trưng cho sự cao quý, sang trọng. còn đối với những phụ nữ thuộc tầng lớp dưới họ chỉ được mặc những chiếc váy có phần rang dưới dệt họa tiết hươu, rùa, bướm, ếch… những loài động vật mang tính chất dân dã, bình dân. Cao váy : rộng 10 - 15cm, dệt các sọc màu to nhỏ khác nhau và có hoa văn hình học hoặc hình cây cách điệu. Ngoài các phần trên thì cạp váy truyền thống của phụ nữ Mường còn được trang trí nhiều hoa văn theo mô típ của trống đồng Đông Sơn. Có thể thấy rằng phần cạp váy chỉ chiếm khoảng 1/3 chiếc váy, nhưng lại là phần quan trọng và tinh xảo nhất của chiếc váy, là phần mà người phụ nữ Mường dành nhiều tâm huyết nhất khi làm ra một bộ trang phục váy Mường. Thân váy Thân váy là phần đơn giản nhất của bộ trang phục váy Mường. Thân váy được khâu nối với phần cạp váy rồi khâu thành hình ống to gấp đôi thân người. Thân váy chủ yếu được dùng màu đen hoặc xanh đen. Gấu váy thường nẹp vải đỏ phía trong, tạo nên điểm nhấn cho phần gấu váy. Sắc vải đỏ thấp thoáng sau mỗi bước chân tạo nên nét duyên dáng, uyển chuyển của người phụ nữ. Ngoài 3 phần chính thì trang phục váy Mường còn kèm theo một số phụ kiện không thể thiếu đó chính là: Thắt lưng (tênh), xà tích và kiềng bạc. Thắt lưng (tênh) được làm bằng vải đũi màu xanh hay màu vàng dài hơn sải tay, khâu nối 2 đầu, thắt đúng giữa eo trên nền cao váy làm nổi eo người mặc. Bộ xà tích bằng bạc được móc vào tênh từ bên hông đeo vòng về phía trước còn chiếc kiềng bạc được đeo ở cổ là những bộ trang sức điểm tô thêm cho chiếc váy Mường thêm sang trọng hơn. Bởi vậy mà kiềng bạc và xà tích người phụ nữ chỉ đeo vào những dịp đặc biệt như lễ tết, cưới hỏi hoặc trình diễn mà thôi.
  6. 232 Như vậy ta có thể thấy, trang phục váy Mường không quá cầu kỳ, nhưng vẫn đủ tinh tế để tôn lên được những vẻ đẹp hình thể và vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Mường. 1.2 Ý nghĩa của váy Mƣờng đối với đời sống ngƣời Mƣờng Với người Mường váy Mường không chỉ là vật che thân, bảo vệ cơ thể trước thời tiết khắc nghiệt mà váy Mường còn là sản phẩm của tinh hoa văn hóa dân tộc Mường, là sản phẩm của nền văn minh Hòa Bình nổi tiếng. Người Mường gửi gắm vào chiếc váy Mường rất nhiều quan niệm về nhân sinh quan, về vũ trụ thông qua những rồng, những phượng, những con vật những hoa văn hình học được dệt trên cạp váy… Ngoài ra, váy Mường còn thể hiện tính cách, tâm hồn người phụ nữ Mường: chân thành, mộc mạc, không ồn ào nhưng tươi vui, đằm thắm, thân thiện. Chính điều đó tạo cho người phụ nữ Mường nét duyên dáng, sự tự tin và niềm tự hào mỗi khi mang trang phục của dân tộc mình. Bởi những lẽ trên nên việc gìn giữ và phát triển trang phục váy Mường trong đời sống hiện đại trở nên quan trọng và bức thiết hơn bao giờ hết. Nếu như để váy Mường bị mai một e rằng văn hóa Mường cũng sẽ bị hòa tan. 2. Thực trạng sử dụng trang phục truyền thống váy Mƣờng của Sinh viên trƣờng CĐSP trong nhà trƣờng và tại quê hƣơng. Hiện nay, trong trường CĐSP Hòa Bình có 471 là Sinh viên dân tộc Mường, trong đó có 233 là nữ chiếm gần 49,5%. Thông qua việc quan sát, theo dõi chúng tôi nhận thấy Sinh viên không thường xuyên sử dụng trang phục váy Mường trong cuộc sống sinh hoạt tại nhà trường. Váy Mường chỉ được sử dụng trong các đợt phát động của nhà trường, các hội diễn nghệ thuật, các tiết mục văn nghệ hoặc các cuộc thi Nữ sinh thanh lịch, các cuộc thi mang tính trình diễn thời trang. Để khảo sát được tình hình sử dụng váy Mường của các sinh viên tại quê hương, tôi đã tiến hành phỏng vấn sâu 10 sinh viên nữ tại khoa Mầm non một số câu hỏi như: - Bạn có thích váy Mường không? Với câu hỏi này chúng tôi nhận được 9/10 câu trả lời là “có thích” - Bạn thấy váy Mường có đẹp không? Và váy Mường đẹp nhất ở phần nào? Với câu hỏi này 9/10 câu trả lời tôi nhận được là có thấy váy Mường đẹp. Tuy nhiên khi được hỏi váy Mường đẹp ở phần nào nhiều bạn tỏ ra khá lúng túng để tìm ra câu trả lời của riêng mình; 3/10 câu trả lời cho rằng áo váy là đẹp nhất; 3/10 câu trả lời cho rằng cạp váy là đẹp nhất; 4/10 câu trả lời cho rằng tất cả đều đẹp. Thông qua những câu trả lời trên
  7. 233 chúng ta có thể thấy các sinh viên chưa hiểu rõ hết được giá trị thật sự của váy Mường. Tuy là dân tộc Mường nhưng kiến thức về váy Mường của các bạn còn khá chung chung, hời hợt chưa hiểu sâu về trang phục truyền thống của dân tộc mình. - Ở quê bạn có thường xuyên mặc váy Mường không? Ở câu hỏi này 10/10 sinh viên được hỏi đều trả lời không thường xuyên mặc váy Mường. Điều này cho thấy rõ thực trạng giới trẻ hiện tại không có thói quen sử dụng váy Mường như một trang phục đời thường nữa. - Bạn hay mặc váy Mường nhiều nhất vào dịp nào? Ở câu hỏi này chúng tôi nhận được những câu trả lời với nhiều đáp án, nhưng xét kỹ lại chúng tôi nhận thấy có 6/10 có câu trả lời mặc váy Mường vào dịp biểu diễn văn nghệ, trình diễn thời trang; 3/10 có câu trả lời mặc váy Mường vào dịp cưới hỏi; 5/10 câu trả lời có đáp án mặc váy Mường vào các dịp đặc biệt do địa phương phát động. Như vậy thông qua câu hỏi này chúng ta có thể nhận thấy tần suất sử dụng váy Mường của các sinh viên tại địa phương không nhiều, chủ yếu váy Mường mang tính chất trình diễn, lễ phục chứ không còn là thường phục như ngày xưa nữa. - Bạn nghĩ sao khi trong đám cưới cô dâu sẽ mặc váy Mường chứ không phải là váy cưới du nhập từ châu Âu? Với câu hỏi này 7/10 câu trả lời tôi nhận được là “không”, 3 câu trả lời còn lại là “chưa biết” hoặc “không biết”. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa nói chung và của trang phục phương tây nói riêng khiến cho bản thân lớp trẻ dân tộc Mường không còn mặn mà, hứng thú với trang phục dân tộc nữa. 3. Vì sao váy Mƣờng không còn đƣợc sử dụng thƣờng xuyên? 3.1 Nguyên nhân khách quan  Do sự hội nhập văn hóa Cùng với sự phát triển của nền văn minh nhân loại, các nền văn hóa trên toàn cầu có xu hướng hội nhập mạnh mẽ. Ngày nay trang phục ngày càng đa dạng và phong phú. Những trang phục đời sống thường ngày của Châu Âu với thiết kế đơn giản mang tính ứng dụng, tiện lợi như: Quần Jean, quần Âu, áo Sơ mi, áo Phông, chân váy… đã được đông đảo công chúng trên thế giới trong đó có cả Việt Nam đón nhận. Người Mường nói chung và phụ nữ Mường, đặc biệt là nữ giới trẻ tuổi nói riêng cũng không hề nằm ngoài trào lưu chung ấy. Càng ngày số người mặc váy Mường càng trở nên thưa thớt, ít ỏi hơn trừ một số
  8. 234 cụ già trong các bản làng đã có thói quen mặc váy Mường từ thế kỷ trước họ vẫn giữ được cái nếp mặc váy của dân tộc mình.  Do sự biến đổi của khí hậu Sự biến đổi khí hậu toàn cầu khiến khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Rừng bị tàn phá, hiệu ứng nhà kính tăng cao khiến cho khí hậu trái đất mùa đông thì rét buốt, mùa hè thì ngày càng nóng nực, nhiệt độ ngày càng tăng cao khiến cho trang phục váy Mường trở nên bất tiện. Mùa đông thì không đủ ấm, mùa hè thì lại quá nóng vì vậy mà ngày càng ít người mặc váy Mường hơn.  Do sự bất tiện của váy Mường trong sinh hoạt, học tập và làm việc. Váy Mường với khá nhiều chi tiết và váy khá dài, rộng nên trong sinh hoạt thường ngày hoặc trong lao động trang phục này tỏ ra khá bất tiện và có phần hơi vướng víu so với trang phục quần, áo đời thường. Đây cũng là lý do mà những người trong độ tuổi lao động và giới trẻ không còn sử dụng trang phục váy Mường thường xuyên nữa. 3.2 Nguyên nhân chủ quan  Do sự tự ti của nhiều bạn sinh viên cho rằng mặc váy Mường là lạc hậu và không thời thượng. Váy Mường là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, là tinh hoa văn hóa dân tộc từ đời xưa chính vì thế nhiều bạn trẻ cho rằng váy Mường thể hiện cho sự cũ kỹ, lạc hậu, lỗi thời. Hơn nữa tâm lý e ngại, xấu hổ, tự ti khi nghĩ mình đến từ vùng quê nghèo lạc hậu khiến nhiều bạn trẻ không còn dám mặc váy Mường thường xuyên thay vào đó ưu tiên mặc những bộ trang phục hợp thời và thời thượng hơn.  Chưa hiểu rõ giá trị của trang phục váy Mường đối với đời sống văn hóa dân tộc mình Nhiều bạn trẻ chỉ nhìn thấy cái bất tiện và lỗi mốt của váy Mường mà không nhìn ra được giá trị văn hóa, giá trị tinh thần được truyền từ đời này sang đời khác có ý nghĩa kết nối cộng đồng từ đó họ không ý thức được nghĩa vụ phải bảo vệ văn hóa dân tộc của bản thân mình, giúp văn hóa dân tộc được lưu truyền mãi về sau. 4. Giải pháp giúp sinh viên trân trọng và gìn giữ trang phục truyền thống váy Mƣờng trong học đƣờng và trong đời sống thƣờng ngày tại quê hƣơng Sinh viên là tầng lớp trí thức cao trong cộng đồng, chính vì vậy cần phải xác định rõ sinh viên dân tộc Mường đóng vai trò nòng cốt trong việc bảo tồn gìn giữa văn hóa dân tộc nói chung và trang phục truyền thồng váy Mường nói riêng. Để giúp cho sinh viên trường
  9. 235 CĐSP Hòa Bình biết trân trọng trang phục truyền thống váy Mường, nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của sinh viên trong việc bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Mường, chúng tôi mạnh dạn đưa ra những giải pháp sau:  Tổ chức các buổi ngoại khóa, tọa đàm về chủ đề “gìn giữ, bảo tồn nét đẹp trang phục dân tộc váy Mường” từ đó giảng giải cho sinh viên hiểu được sâu sắc hơn về những tầng ý nghĩa văn hóa ẩn chứa trong váy Mường, truyền tình yêu, lòng tự hào với bộ trang phục dân tộc quý giá này. Qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi sinh viên trong việc gìn giữ văn hóa dân tộc ngay tại giảng đường và chính tại địa phương mình sinh sống.  Khuyến khích sinh viên mặc váy Mường như một lễ phục trong những dịp trọng đại, những ngày lễ, hội thi, chào cờ hàng tuần giúp sinh có sự trân trọng và tự hào đối với trang phục truyền thống của dân tộc mình.  Nhà trường cần hướng dẫn cho sinh viên hiểu rõ sứ mệnh bảo tồn văn hóa của mình, biến mỗi một sinh viên sẽ trở thành tuyên truyền viên tích cực, tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của trang phục váy Mường đối với cộng đồng mình, chung tay cùng cộng đồng bảo tồn trang phục dân tộc trước cơn bão xâm lấn văn hóa, để văn hóa chỉ hòa nhập chứ không hòa tan.  Mỗi sinh viên trường CĐSP Hòa Bình đều sẽ là những giáo viên trong tương lai, chính bởi thế mỗi sinh viên trường CĐSP Hòa Bình hôm nay cần phải hình thành trong mình ngọn lửa tự hào, tự tôn dân tộc, tâm huyết với trang phục truyền thống, với văn hóa dân tộc bản địa để sau này còn truyền tiếp ngọn lửa ấy cho lớp lớp thế hệ học sinh trên mọi vùng quê Hòa Bình. Có như vậy sinh viên mới trở thành vai trò nòng cốt trên mặt trận bảo tồn văn hóa dân tộc, có như vậy nền văn hóa dân tộc Mường và trang phục váy Mường mới trường tồn theo thời gian. Thiết nghĩ để có được hiệu quả rõ rệt thì cần tiến hành đồng bộ tất cả các giải pháp trên. Có như vậy trang phục váy Mường mới được bảo tồn bền vững. IV. KẾT LUẬN Trang phục váy Mường như một biểu tượng văn hóa của đồng bào dân tộc Mường. Ngày nay trang phục này không còn được sử dụng như một loại thường phục trong đời sống, nó đã đang dần không còn được giới trẻ, trong đó có sinh viên trường CĐSP Hòa Bình đón nhận và trân trọng. Chính bởi vậy nhà trường cần thực hiện những giải pháp đồng bộ, giúp sinh viên hiểu hơn về giá trị của váy váy, giúp cho mỗi sinh viên trở thành
  10. 236 đại sứ lan tỏa vẻ đẹp và ý nghĩa của trang phục dân tộc tới tất cả cộng đồng người dân tộc Mường góp phần bảo tồn bền vững văn hóa tộc người. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Pierre Grossin (1997), Tỉnh Mường Hòa Bình, Nxb. Lao động, Hà Nội 2. Từ Chi (1978), Hoa văn Mường, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 3. Từ Chi (1995), Người Mường ở Hòa Bình, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 4. Jeanne Cuisnier (1995), Người Mường – Địa lý nhân văn và xã hội, Nxb. Lao động , Hà Nội 5. http.baohoabinh.com.vn 6. http.tintuc.vn
nguon tai.lieu . vn