Xem mẫu

  1. XEM TRIỂN LÃM TRANH-TƯỢNG HIỆN ĐẠI CỦA VÂN THUYỂT
  2. Chiều ngày 09/4/2007 tại nhà triển lãm của Hội mỹ thuật Việt Nam-16 Ngô Quyền, Hà Nội. Đã khai mạc trưng bày 30 tác phẩm điêu khắc bằng đồng (có kích thước khá lớn) và hơn 60 bức tranh sơn dầu, sơn mài của nhà điêu khắc - họa sĩ Vân Thuyết. (Ông sinh năm 1954, quê Hà Nội). Đây là cuộc trình diễn Solo lần thứ 6 của tác giả. Triển lãm có quy mô khá đồ sộ và hoành tráng - hầu hết là những tác phẩm mới được sáng tác trong 4 năm gần đây. Với sự phối hợp của điêu khắc cùng với hội họa (trừu tượng siêu thực) theo một tư tưởng chủ đạo của tác giả nên cuộc trưng bày lần này khá ấn tượng, nó như một cuộc trình diễn “ Nghệ thuật Sắp đặt”. Nó cũng cho ta thấy rằng bằng thủ pháp bày đặt, cùng với tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm, các chất liệu sử dụng, sự phối hợp của những hình thái nghệ thuật và của các xu hướng nghệ thuật khác nhau vẫn có thể tạo nên, như một Nghệ thuật Sắp đặt mang tinh thần thời đại. (thứ nghệ thuật được coi là đương đại hiện nay) . Theo lời tuyên ngôn của tác giả “Nghệ thuật của tôi buông theo đời sống tâm linh - chất chứa nhu cầu của nhục cảm, của lý trí, của sự khai sáng - những âm điệu thì thầm riêng tư - những khoảnh khắc bí ẩn, dò sâu vào tâm hồn con người... đâu đó
  3. có sự ám ảnh của mê muội, của lo âu, của hồi hộp và cả sự hoang mang bất định xen lẫn hoài nghi... Cái tôi theo đuổi là những xúc cảm đột biến, bất ngờ trong sâu thẳm vô thức, trong sự trải nghiệm cuộc đời, được soi rọi bởi lý trí để tạo nên những biến cố dị biệt cho hình thể. “ Sự sáng tạo nghệ thuật luôn là thách thức đối với thực tế đời sống của mỗi nghệ sĩ - Nhu cầu được bộc lộ được khám phá, được khai sáng, sự khao khát hướng tới tính siêu việt, tinh thần bất tử như một cứu cánh trong tâm hồn người nghệ sĩ. Điêu khắc hay hội họa - trong từng tác phẩm của ông luôn tràn đầy tính nhân văn - những ưu tư lặng lẽ - những xung động đối nghịch - câm lặng - thầm kín của xúc cảm sâu lắng và mãnh liệt - nó cũng cho ta thấy, trong sâu thẳm tiềm thức của tâm hồn và tư tưởng, ông luôn hướng nghệ thuật của ông đến tinh thần duy mỹ tuyệt đối. Khả năng tư duy xác lập các ý tưởng của nhà điêu khắc sâu sắc và uyên bác. Sự hòa nhập giữa tính siêu thực, tính trừu tượng và tính tượng trưng uyển chuyển, tự nhiên, đã làm cho các tác phẩm điêu khắc của ông trở nên dị biệt, độc đáo - nó huyền diệu hơn và quyến rũ hơn. Biên độ dao động biến đổi các cung bậc của tình cảm, của tư duy về hình khối rất phong phú, đa dạng - khá rộng lớn. Mỗi tác phẩm điêu khắc đều có những chuyển
  4. điệu tinh tế, đầy gợi cảm, mơ màng, huyền bí và giàu nhạc tính. Sự bất ngờ về ý tưởng, về bố cục, cách sử lý tiết tấu nhịp điệu cảm xúc bề mặt, toàn bộ cấu trúc tác phẩm được khái quát hóa cao, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp lãng mạn; thuần khiết của bản chất hình khối như các tác phẩm Bài Thánh ca, Hình khối thì thầm hay các tác phẩm có tính cấu trúc như: Nữ hoàng âm nhạc, Nữ thần âm nhạc, Tiên nữ mùa xuân, Adam và Eva. ở tác phẩm Người tráng sỹ (có sự tối giản hình khối gần đến cực điểm) - Chỉ một cái dây thừng quấn quanh một khối hình tháp trụ cũng gợi lên khí chất hiên ngang và số phận bi tráng của người anh hùng. Thông thường mỗi tác phẩm điêu khắc đều cần có một khoảng không gian tối thiểu (mang tính kiến trúc) ở ngoài trời cũng như trong nhà để nó có thể tồn tại theo đúng nghĩa cho một tác phẩm điêu khắc. Nhưng với những tác phẩm điêu khắc của Vân Thuyết, một điều đặc biệt, là chúng không bị phụ thuộc vào không gian - nếu có không gian, chúng trở nên sinh động và hấp dẫn hơn - còn không, nó vẫn có thể tồn tại độc lập như một sinh thể có linh hồn - cho dù ở những khoảng không gian chật hẹp nhất - tự nó toả sáng, gây ấn tượng cho người thưởng ngoạn, tạo cho không gian quanh nó một sắc thái riêng, một trường hấp dẫn riêng... Chính những điều căn bản trên đã xác lập cho tác giả Một hệ thống riêng như lời đánh giá của nhà điêu khắc nổi tiếng Lê Công Thành về nghệ thuật điêu khắc của Vân Thuyết.
  5. Với nghệ thuật hội hoạ, ý tưởng gắn gương trên bề mặt tranh, Vân Thuyết đã tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn mới lạ trong nghệ thuật hội hoạ. Trên bề mặt tranh xuất hiện những sắc thái rất ấn tượng - do có sự phản quang của những chiếc gương mà các chất liệu truyền thống sử dụng cho hội hoạ không thể có được. ở các góc nhìn khác nhau, ánh sáng của những chiếc gương tự nó thay đổi sắc độ, màu sắc, tạo nên những điểm nhấn khá đặc biệt, huyền hoặc trên bề mặt tranh. Khi người thưởng ngoạn đứng trước bức tranh, ngẫu nhiên họ cùng tham dự vào việc sáng tạo cho bức tranh có thêm màu sắc hay một chút thay đổi về hình thể của tác phẩm. Chúng ta đều biết rằng - giữa nghệ thuật và người thưởng ngoạn có một mối liên hệ tương tác về cảm xúc và tư duy. Từ quan điểm trên ông đã mở rộng thêm một khái niệm mới cho hội hoạ của ông. Trong tranh của ông, ông đã để cho hình thể, màu sắc, đường nét có thêm sự tự do biến đổi một cách ngẫu nhiên, nằm ngoài sự kiểm soát của người nghệ sĩ. Về bản chất tác phẩm - nội dung và đề tài của tác phẩm vẫn không hề bị biến dạng. Qua tác phẩm “Hành tinh cô đơn “ (sáng tác năm 1995), tâm trí của chúng ta lập tức bị thu hút bởi toàn bộ nền đen bóng sâu thẳm của chất liệu sơn mài phủ gần kín toàn bộ bức tranh có khổ lớn nó tương phản cực mạnh với chiếc gương tròn to đặt lơ lửng như đang rơi trong không gian... ở một góc khác của bức tranh, có chữ F
  6. nhỏ, màu đỏ hình như để tạo nên một chút cân bằng thị giác. Khi tiến lại gần, chúng ta bị ngợp trong một ám ảnh huyền bí của một đời sống ở đâu đó trên những hành tinh xa xôi - văn minh hơn chúng ta. Một loạt seri các tác phẩm có tên chung Bản XôNat dành cho tình yêu sự kết hợp những mảng màu mạnh, lớn theo hướng thẳng đứng, âm hưởng nhịp nhàng, bồng bềnh, run rẩy như một vũ điệu cổ điển cùng với ánh sáng lấp lánh của những chiếc gương đã tạo cho tranh của ông thêm quyến rũ, tràn ngập sắc màu lộng lẫy và tính thánh thiện. Điều quan trọng là nó thay đổi thói quen về thị giác, thay đổi thói quen nhận thức về một tác phẩm hội hoạ như một bức tranh bất biến, là không được thay đổi những gì mà người nghệ sĩ đã sáng tạo, mặc định trên bề mặt tác phẩm. ở những bức hoạ khoả thân Giai điệu bị lãng quên - luật phối cảnh, không gian chiều sâu được ước lệ, tối giản. Những mảng màu mạnh đơn giản, được đập lên mặt tranh rất tự nhiên như vô tình, nó tương phản với không gian siêu thực,tương phản với hình thể người phụ nữ khoả thân, có cách thể hiện gần với phong cách của hội hoạ kinh điển (tôn trọng tỷ lệ thực của người mẫu) nhưng được kéo dài, cường điệu và ước lệ một cách chừng mực ở những đường cong thân thể hay những chỗ ngoặt, lồi, lõm, chuyển tiếp của các bộ phận trên thân thể của người đàn bà. Cùng với sự xuất hiện đột ngột của những chiếc gương tròn, nhỏ, bay lơ lửng trên nền tranh hay ở vị trí thoát âm của cây đàn - bức tranh trở nên lạ hơn, ấn tượng
  7. hơn và rất khơi gợi nhục cảm nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp thanh cao của hình thể, của phái đẹp. Niềm khao khát tìm kiếm cái đẹp là mãi mãi. Hy vọng những tác phẩm của nhà điêu khắc - họa sĩ Vân Thuyết sẽ nằm trong dòng chảy của lịch sử nghệ thuật đương đại Việt Nam đầu thế kỷ 21.
nguon tai.lieu . vn