Xem mẫu

  1. TRẦN TỪ THÀNH GIỮA HAI CHIỀU THỜI GIAN Nghệ thuật như một suối nguồn dung chứa biết bao thăng trầm và suy cảm của những trải nghiệm trong con người nghệ sĩ. Nó cũng là thứ phương tiện tuyệt vời để mỗi con người chúng ta dần hướng đến cái đẹp, sự toàn mỹ và từng bước về với “chân ngã” tròn đầy, viên mãn. Sinh ra trên miền quê Hà Tĩnh, học tập và thành đạt trên đất Hà thành. Với cương vị một giảng viên giảng dạy về khoa học mầu sắc và cơ sở tạo hình trong trường Đại Học Mỹ Thuật Công Nghiệp, ông đã có cơ hội sẻ chia những kinh nghiệm cũng như tình yêu nghệ thuật với nhiều lớp học trò qua chiều dài thời gian đáng kể. Cũng là một nhân duyên
  2. mà ngày khai mạc triển lãm của ông tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền- Trung tâm triển lãm của Hội Mỹ Thuật Việt Nam lại đúng vào ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11. 39 tác phẩm gồm cả hai chất liệu Acrylic và sơn dầu như một lẵng hoa rực rỡ của hình hài và màu sắc để dâng lên và tôn vinh cái đẹp cũng như nghề nhà giáo. Với đa số những người làm nghệ thuật, họ thường chọn cho mình một trào lưu, trường phái nghệ thuật nào đó để tiếp bước trên con đường sáng tạo. Nhưng với hội họa Trần Từ Thành, điều đó không hẳn hoàn toàn đúng nữa, nghệ thuật của ông là một tập hợp những xúc cảm khác nhau trên nhiều cung bậc đa sắc của tâm hồn nên có lẽ vì thế, một phong cách nhất định không đủ sức chuyển tải cái “đa đoan” của con người nghệ sĩ sáng tạo. Trong tranh, khi thì là vẻ đẹp thuần khiết của một dáng hình thiếu nữ, lúc ta lại bắt gặp cái ào ạt của thiên nhiên, hay cũng đôi khi trong một không gian siêu thực của Gió chiều người xem lại lặng lẽ nhận ra một Trần Từ Thành của đối diện, hư vô mà vẫn phảng phất đâu đây chút gì xa xăm, hoài cổ về một miền nào xa lắm...! Trong tranh ông, phong cảnh, dấu tích thiên nhiên và con người trên khắp mọi miền của Tổ quốc được ghi nhận và tái hiện. Có lẽ những chuyến đi đã khiến cho bút pháp và phong cách của họa sĩ ngày một thêm phong phú và điêu luyện. Từ Sài Sơn, Biển Xuân Thành đến Bản Na Hon là những biến chuyển xúc cảm thật tinh tế nhưng cũng nhiều
  3. cung bậc. Bút pháp luôn luôn thay đổi cho dù chỉ riêng ở đề tài phong cảnh, sang đến Mưa Xuân thì đó lại là một chút dịu nhẹ trong êm đềm, trầm lắng... Tuy vẽ nhiều đề tài với nhiều phong cách khác nhau, họa sĩ vẫn luôn luôn gợi ra trên bề mặt tranh cái hơi hướng của “Hình, danh, sắc, tướng” nơi chủ đề hay nhân vật. Kể cả khi ông vẽ trừu tượng thì những diễn biến của nội giới vẫn luôn luôn được gắn kết, dung hòa với hình hài màu sắc trên bề mặt tác phẩm. Có người nói, ông vẽ trừu tượng mà vẫn không đánh mất đi cái đẹp của hình thể. Trong nghệ thuật, sáng tạo luôn là yếu tố then chốt quyết định, là một trong những tiêu chí cao nhất để đánh giá, thẩm định giá trị tác phẩm nghệ thuật. Hội họa của Trần Từ Thành đã luôn gợi ra những hơi hướng chuyển động mới. ông luôn cố gắng để không khi nào bị rơi vào tình trạng quen tay, hay lặp lại chính mình trong sáng tạo. Với 39 bức tranh trong một không gian vừa đủ để tạo nên sự ấm áp Nghệ thuật của Trần Từ Thành đã thêm vào bộ mặt của mỹ thuật hiện đại nước nhà một chân dung nghệ sỹ với những tiếng tơ lòng được cất lên trên một bản đàn của sắc màu, hình khối và ánh sáng bằng tên gọi: “Giữa hai chiều thời gian” Nguyễn Hoàng Tùng
  4. TRANH MINH HỌA CỦA HỌA SĨ BÙI XUÂN PHÁI Nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc trước đây thường sưu tầm đồ gốm cổ. Sau này vì quá yêu mỹ thuật nên ông chuyển sang sưu tầm tranh tượng. Nhiều bức tranh rất quí giá của các họa sĩ thuộc thế hệ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Dung, Đỗ Đình Hiệp, Hoàng Lập Ngôn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm... đã nằm trong sưu tập của ông. Bên cạnh đó, ông đặc biệt chú ý đến các tranh vẽ của họa sĩ Bùi Xuân Phái và bước đầu sưu tập được một số tranh khổ nhỏ của ông Phái vẽ trên giấy, trên bìa, hoặc trên vải... ....Chúng đều là những tác phẩm được chọn lựa kỹ càng. Gần đây, ông còn sưu tập được nhiều bức phác thảo của ông Phái vẽ minh họa cho các bài viết trên tuần báo Văn nghệ hoặc một vài tờ báo khác. Đặc biệt là, để có được một bức minh họa đẹp, Bùi Xuân Phái thường vẽ từ một đến hai ba cái khác nhau để tòa soạn lựa chọn. Mỗi cái đều đạt đến một vẻ đẹp riêng làm cho người phụ trách chọn minh họa của báo phải băn khoăn tiếc rẻ, chọn cái này nhưng lại vẫn muốn cái khác. Chính sự làm việc rất lương tâm nghề nghiệp và cẩn thận này nên ngoài một Phái vẽ sơn dầu còn có một Phái vẽ minh họa cũng hết sức hiển hách.
  5. Có một thời nghèo khổ, các cây đại thụ của giới mỹ thuật chúng ta như Văn Cao, Dương Bích Liên, Sỹ Ngọc, Mai Văn Hiến, Bùi Xuân Phái... đã từng vẽ minh họa trên các báo để có chút nhuận bút ít ỏi chi cho tiền chè thuốc vốn là những nhu cầu nhỏ nhoi thường ngày của các họa sĩ tài năng này. Những bức minh họa đó có thể đã có hàng trăm, hàng ngàn nhưng còn lại bản chính đến ngày nay thì chỉ những người đã phục tài Bùi Xuân Phái, đã hết sức thích thú những nét vẽ của ông mới có thể trân trọng gìn giữ đến ngày nay. Đầu năm 2008, nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc dự định sẽ trưng bày khoảng 50 bức được chọn lọc trong gần 200 hình minh họa kèm theo một số bản đã in trên mặt báo để người đọc so sánh hiệu quả giữa bản vẽ và bản in. Đặc biệt, một số tranh biếm họa của Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân được in ở trang bìa của báo Ngày nay của nhóm Tự lực văn đoàn những năm 1937-1938-1939 cũng được giới thiệu trong dịp này. Ông Nguyễn Mạnh Phúc đã có nhiều nỗ lực qua việc giới thiệu tranh của các họa sĩ Việt Nam - đặc biệt là các họa sĩ trẻ tại Nauy, Australia và đặc biệt tại Hàn Quốc, nay lại tự mình làm một cuộc triển lãm các tác phẩm minh họa của Phái thì thật đáng trân trọng. Chúng ta hãy chờ đón và mong cuộc triển lãm thành công. Trần Tuy
nguon tai.lieu . vn