Xem mẫu

Tọa đàm ‘tìm phong cách riêng trong nhiếp ảnh’: Gai góc cũng là nét riêng Nương tựa- Ảnh: Phạm Dực “Tìm phong cách riêng trong nhiếp ảnh nghệ thuật” là buổi tọa đàm, nhưng cũng có thể xem là cuộc trao đổi nghề nghiệp cởi mở, cần thiết do Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 25/10/2007. Trong các bộ môn nghệ thuật, nhiếp ảnh là môn có nhiều cuộc thi nhất, mỗi năm có hàng chục cuộc thi từ cấp địa phương đến cấp Trung ương. Số lượng các tác phẩm gởi về dự thi cũng rất nhiều. Tuy nhiên, muốn tìm ra một tác giả có phong cách riêng thật sự độc đáo thì vẫn như mò kim đáy biển. Nếu không báo động tình trạng này ngay từ bây giờ, e rằng sẽ muộn”- ông Đồng Đức Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, đã mở đầu buổi tọa đàm bằng cách nêu lên thực trạng đáng lo ngại như vậy Bắt chước ý tưởng, chạy theo giải thưởng Nhiếp ảnh gia Lê Minh Trường cũng đồng tình với ý kiến trên bằng cách nêu lên dẫn chứng cụ thể. Theo ông, hơn 20 năm qua, phong cách nhiếp ảnh của ta đã đi vào lối mòn, hiện tượng bắt chước trở nên phổ biến. Hễ cứ thấy một tác phẩm vừa đoạt giải thưởng lớn trong nước hay giải quốc tế là lập tức sau đó thấy xuất hiện nhan nhản các tác phẩm na ná như vậy. Cách đây hơn chục năm, bức ảnh Hai bà cháu của tác giả Đỗ Ngọc - chụp cảnh hai bà cháu người dân tộc - đoạt được giải thưởng lớn, lập tức đi đâu cũng thấy tràn ngập những hình ảnh các cụ bà mặt nhăn nheo, ánh nhìn xa xăm bên cạnh các em bé hồn nhiên, trong sáng... Bên cạnh đó, các tác giả còn đổ xô đi sáng tác ở một vài địa phương đến nỗi xem ảnh nào cũng thấy cảnh đua bò ở An Giang, cảnh đồi cát ở Mũi Né, cảnh rừng cao su... Ngoài nguyên nhân chủ quan là thiếu sự sáng tạo trong tư duy đề tài, còn có một nguyên nhân nữa khá quan trọng. Đã đam mê chụp ảnh thì hầu như ai cũng muốn khả năng của mình được thừa nhận bằng các giải thưởng ở các cuộc thi. Nhưng có một điều mà những tay máy dày dạn kinh nghiệm trong việc “săn” giải thưởng thuộc nằm lòng là mỗi khi đưa tác phẩm đi tham gia cuộc thi nào, thì trước tiên phải nhìn vào ban giám khảo của cuộc thi đó. Ban giám khảo gồm có những ai, những người đó có “gu” là gì thì phải gởi ảnh theo “gu” của họ mới mong đoạt giải. Và có một thực tế là, trong hầu hết các cuộc thi ảnh được tổ chức hiện nay, có một số tên tuổi nằm “bất di bất dịch” trong thành phần giám khảo. Chính điều này làm cho các tác phẩm thường quanh quẩn trong một vài đề tài “tủ”, phong cách cũng chạy theo ý thích của những người chấm giải cố định kia. Những người không hợp “gu” với ban giám khảo thì nắm chắc phần rớt nên thà không gởi tác phẩm còn hơn là gởi rồi bị rớt thì ê mặt. Và như một lẽ hiển nhiên, sự hạn hẹp trong đề tài và luẩn quẩn trong cách sáng tạo là không thể tránh khỏi. Thêm vào đó, sự đề cao quá mức các tác phẩm đoạt giải mà không chú trọng đến cá tính của từng tác giả, đã tạo điều kiện cho danh và lợi dần thủ tiêu phong cách riêng của những người cầm máy dám đột phá nhưng không được khuyến khích kịp thời. Hội hỗ trợ, cá nhân cũng phải tự bứt phá Trước khi bàn đến chuyện tìm ra giải pháp, có người còn cẩn thận tra lại định nghĩa của từ “phong cách” trong từ điển, có người còn phân tích phong cách có phải theo đuổi một đề tài nhất định hay phong cách là cách nhìn riêng của mỗi người đối với cùng một loại đề tài... Nhiều ý kiến đồng tình với nhiếp ảnh gia Nguyễn Trung Thu cho rằng phong cách là dấu ấn cá nhân để lại trong từng tác phẩm, khiến cho người khác nhìn vào là nhận ra ngay bức ảnh đó do ai chụp, giống như Võ An Ninh độc đáo với những bức ảnh sơn thủy hữu tình, Phạm Văn Mùi với những tác phẩm sắc độ nhẹ, sắc độ nặng không lẫn vào đâu được... Vậy làm thế nào để tạo được phong cách riêng? Nhiều ý kiến cho rằng sự hỗ trợ của hội nhiếp ảnh đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hội phải khuyến khích, động viên các tác giả bằng cách hỗ trợ tổ chức các cuộc triển lãm cá nhân mang tính thử nghiệm, tổ chức nhiều cuộc thi ảnh bộ để các tác giả tìm ra phong cách riêng. Nhiếp ảnh gia Trịnh Đình Thu cho rằng, cần thiết phải phát triển một nền lý luận phê bình song hành cùng quá trình sáng tác của các tác giả, cần có những cây bút phê bình dẫn đường cho những người chưa định hình được phong cách riêng. Trên tạp chí Nhiếp ảnh (của Hội Nhiếp ảnh VN) và Ánh sáng đẹp (của Hội Nhiếp ảnh TPHCM) hiện cũng có đăng những bài phê bình nhưng còn quá ít. Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia Bùi Minh Sơn phản bác lại ý kiến trên, cho rằng đã là phong cách riêng thì không cần định hướng. Phong cách đôi khi phải là sự gai góc, ngang tàng thì mới đem lại hơi thở mới lạ trên bình diện chung na ná nhau. Ngoài việc chờ đợi sự hỗ trợ từ hội, không ít các ý kiến cho rằng, việc định hình phong cách riêng là ở chủ quan mỗi cá nhân. Phong cách riêng chỉ xuất hiện khi có cảm xúc trong sáng tác, khi bản thân chịu tìm tòi, đào sâu nghiên cứu, khai thác đến tận cùng đề tài sở trường để tìm ra cho mình một nét đặc biệt. Mỗi người đều phải trau dồi kiến thức trong suốt một quá trình để có một nền tảng vững chắc, từ đó phát huy sự sáng tạo của cá nhân. Đồng tình với điều đó, nhiếp ảnh gia Lê Xuân Thăng lên tiếng thúc giục: “Đã đến lúc các nghệ sĩ cần vươn đến hai khát vọng: Thứ nhất là lao động để phục vụ xã hội theo các liên hoan, các cuộc thi ảnh định kỳ. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân phải chịu tìm tòi nghiên cứu thử nghiệm từ những dòng chảy ngầm sôi sục trong bản thân mỗi người để tạo nên sự bứt phá ngoạn mục”. ... - tailieumienphi.vn
nguon tai.lieu . vn