Xem mẫu

  1. TÍNH PHỒN THỰC TRONG TÁC PHẨM MỸ THUẬT-DẤU ẤN CỦA MỘT BÌNH DIỆN VĂN HÓA VIỆT NAM Trai gái nô đùa, đình Hưng Lộc, Nam Hà
  2. Có thể nói hầu như ở đâu ta cũng thấy vết tích của tín ngưỡng phồn thực như ở những hình chạm khắc trong các hang động, tượng nam, nữ với sự nhấn mạnh bộ phận sinh dục và hành vi giao hoan, những biểu tượng vật thể hay tự nhiên như chày cối, dùi gỗ, cọc, cột giếng nước, ống bầu đựng nước, hình chóp của núi, hang đá, nước suối từ khe đá... Ngay cả “Chiêng hình bầu có núm nhỏ ở giữa là sự mô phỏng bộ ngực phụ nữ mạnh khỏe, chắc, sung mãn cho nên nó cũng trở thành biểu tượng của người phụ nữ, nói chung” [6.328]. Tín ngưỡng phồn thực, một biểu hiện của khát vọng về cuộc sống con người và thiên nhiên nẩy nở, sinh sôi, viên mãn, trường tồn đã làm cho đời sống văn hóa nói chung và nghệ thuật tạo hình của nhân loại nói riêng ngay từ buổi hồng hoang đã chứa đựng những chất sống sung mãn và đạt được sức mạnh biểu hiện sâu sắc. Phồn thực luôn được hiểu theo nghĩa rộng không chỉ là giao hòa đực cái, sự sinh sôi nòi giống hay biểu đạt tính tượng trưng của giao hòa nam nữ mà còn là sự mong muốn, khát khao cuộc sống no đủ, đông đúc, cuộc sống được sinh sôi, nẩy nở, mùa màng tươi tốt, cây cỏ xanh tươi, hoa quả nặng trĩu cành. Đối với cư dân văn minh lúa nước Đông Nam á, tín ngưỡng phồn thực là mạch sống bền bỉ thấm sâu trong cuộc sống. Trong đó có nước ta nơi tín ngưỡng phồn thực trở thành những phẩm chất, thuộc tính văn hóa sâu đậm và cũng là những dấu ấn đặc sắc của nghệ thuật tạo hình dân tộc trong tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa Việt Nam. Đó là những tác phẩm mỹ thuật thẩm thấu sâu sắc cội nguồn lịch sử dân tộc
  3. và những giá trị tinh thần nhân văn lớn lao, khát vọng tâm linh sinh tồn thuần khiết của người xưa. 1. Khái niệm phồn thực Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh: “Phồn: cỏ tốt, nhiều - Thực: đầy đủ - phồn thực : nẩy nở ra nhiều “, “Sinh thực khí: Sinh: đẻ ra - Sinh thực khí : cơ quan của động, thực vật dùng để sinh thực”[1].[119], [129], [458], [194], [197]. Trong Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, tác giả Trần Ngọc Thêm giải nghĩa: Việc thờ cúng cơ quan sinh dục nam nữ được gọi là sinh thực khí (sinh: đẻ, thực: nẩy nở, khí: công cụ). Đây là hình thái đơn giản của tính ngưỡng phồn thực, nó phổ biến ở các nền văn hóa nông nghiệp trên thế giới “ [6.263]. Cũng trong tài liệu trên, tác giả chú giải một số thuật ngữ chỉ về sinh thực khí trong đời sống dân gian như tục thờ cúng Nõ Nường. Từ này được giải nghĩa là : Nõ: cái nêm, tượng trưng cho sinh thực khí nam. Nường: nang, mo nang, tượng trưng cho sinh thực khí nữ”.[6.264]. Ngày nay trong đời sống dân gian của nhân dân nhiều vùng ở Bắc bộ, quan niệm phồn thực về tự nhiên vẫn còn lưu giữ qua nhiều hiện tượng văn hóa, như ta vẫn thấy người dân buộc mo cau vào thân cây để mong sai quả, vẫn còn treo hình tượng nõ nường lên giàn bầu để mong quả đậu nhiều, to trái. Một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nêu thêm tiếng địa phương Nam Trung Bộ về chữ Hòn như một ngôn ngữ liên tưởng gốc về việc chỉ sinh thực khí nam và chữ Vẹm biểu thị sinh thực khí nữ. Người dân biển miền Trung gọi các đảo nhỏ là Hòn Khoai, Hòn Mũi, Hòn Né...
  4. Còn vẹm là tên chỉ một loài nhuyễn thể họ ốc sống ở nước mặn và điều lý thú của hình ảnh liên tưởng sinh thực khí này là vẹm được cào đánh bắt chủ yếu là ở các bãi cát quanh các Hòn. Ngoài ra trong đời sống ta còn thấy khá nhiều từ chỉ sinh thực khí nam nữ được dùng rộng rãi trong lời nói, ca dao, trong những câu thơ bóng bẩy của Hồ Xuân Hương mà dưới cách nhìn của hàn lâm, các nhà nghiên cứu cho rằng đó là các từ thanh tục. 2. Các hiện tượng, biểu hiện phồn thực trong đời sống văn hóa Việt Nam Tín ngưỡng phồn thực là một hiện tượng ở khắp mọi vùng miền ở Việt Nam, tín ngưỡng phồn thực là những biểu hiện tự nhiên, bình dị, sâu lắng trong tâm thức của các dân tộc. Bình diện của tín ngưỡng phồn thực cũng rất rộng mà trước hết là sự cầu mong cuộc sống đủ đầy và đối với cư dân lúa nước thì ngũ cốc (đạo: nếp hương, lương: gạo, thúc: đậu, mạch: lúa mì, tắc:kê) là lương thực chủ đạo. Có thể nói hầu như ở đâu ta cũng thấy vết tích của tín ngưỡng phồn thực như ở những hình chạm khắc trong các hang động, tượng nam, nữ với sự nhấn mạnh bộ phận sinh dục và hành vi giao hoan, những biểu tượng vật thể hay tự nhiên như chày cối, dùi gỗ, cọc, cột giếng nước, ống bầu đựng nước, hình chóp của núi, hang đá, nước suối từ khe đá... Ngay cả “Chiêng hình bầu có núm nhỏ ở giữa là sự mô phỏng bộ ngực phụ nữ mạnh khỏe, chắc, sung mãn cho nên nó cũng trở thành biểu tượng của người phụ nữ, nói chung” [6.328]. Như vậy một phần tư duy phồn thực là sự
  5. thiêng liêng hóa sinh thực khí với ước vọng phồn sinh mạnh mẽ, bạo liệt. Tín ngưỡng phồn thực được biểu hiện tập trung nhất ở tục thờ sinh thực khí, với những biểu tượng sống động, đầy tính gợi tưởng tính dục. Mỗi biểu tượng phồn thực đều hàm chứa những ý nghĩa sinh tồn và chúng được truyền lại từ đời này sang đời khác. Có khá nhiều biểu tượng của sinh thực khí nam giao hòa với đất để sinh ra hoa trái, quả cành tươi tốt, trĩu nặng. Từ xa xưa người dân vùng văn minh lúa nước đã xem hành động giao hoan của con người sẽ ứng sang mọi vật, vì vậy nhiều vùng khi bắt đầu mùa gieo hạt, cấy trồng đã đưa nhau ra bờ bãi để giao hoan hay tổ chức các lễ hội xuống đồng mô phỏng động thái ân ái nam nữ. Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, có những giai đoạn khi nhà nước phong kiến suy yếu, tôn giáo được cởi mở hơn, ví dụ vào thời Mạc khi Nho giáo không còn quá khắt khe thì tín ngưỡng phồn thực có cơ hội phát triển mạnh. Dưới thời Mạc thế kỷ XVI, thời Lê mạt cuối thế kỷ XVIII và ngay cả triều Nguyễn vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cũng phải chấp nhận các câu chuyện trào lộng, dí dỏm đôi phần tục vượt ra khỏi thuần phong mỹ tục, gia phong xứ Huế như chuyện các cung nữ thỏa mãn tính dục với quả chuối lùn (Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa Huế, còn gọi là chuối bà lùn vì thế mà người Huế kiêng đặt cúng bằng loại chuối này), chuyện các công tử chọc gái, ngủ thuyền, chuyện “mắm tôm” của một công tử chơi bời... Nhìn vào hiện thực cuộc sống của các làng quê ở Bắc Bộ ta thấy khá phổ biến trong các lễ hội là những hình thức phỏng sinh tồn đầy tính nhục cảm. Một số Hội làng có tục rước nõ nường, sau khi tế lễ xong
  6. trai gái tự do chen, sờ soạng nhau trong bóng tối. Trong một số lễ hội các hành vi giao hoan nhiều khi lại được làm thực để cầu mong mang lại sự phồn thực, no đủ cho cả làng. Khi nói về Hội làng Quan Lang - Thái Bình tác giả Nguyễn Tri Nguyên viết: “Tục thờ cúng ông Đùng bà Đà gắn liền với tín ngưỡng phồn thực đã có mặt trong một số lễ hội ở vùng đồng bằng Bắc bộ...”. “Đình cô, Đình cậu thỉnh thoảng mô phỏng động tác tính giao (mang ý nghĩa phồn thực) “ [3]. [318],[319]. Trong Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam có giới thiệu về trò chơi Bắt chạch trong chum. Đây là một tục thi vui mang tính phồn thực giữa trai gái trong hội làng Văn Trưng (Vĩnh Phú) vào ngày mồng 6 tháng giêng. Cái thú của trò chơi này là mỗi chum có một cặp nam nữ, cả hai đều thò tay bắt chạch trong chum, nhưng thực tế thì anh con trai phải vừa một tay khoắng vào chum đựng nước tới 2/3 tìm bắt chạch, tay kia choàng lưng túm lấy ngực cô gái. “Anh con trai nào thẹn không bóp vú cô gái thì ban giám khảo nhắc nhở phải làm động tác ấy [4. 72]. Lúc này ta thấy ngay cả đình làng thâm nghiêm cũng có những hình chạm về nam nữ mang tính nhục cảm. Trong văn học cổ Việt Nam có những truyền thuyết hàm chứa sức mạnh mãnh liệt của đời sống tâm linh phồn thực. Các truyền thuyết cũng phản ánh khá nhiều về tính phồn thực ký vĩ, câu chuyện về bà Âu Cơ với bọc trăm trứng nhìn ở khía cạnh khác cũng có dấu ấn phồn thực, chuyện Man nương có thai ở chùa, rồi sự biến thể của vật thể thành Phật Thạch Quang cũng là sự biểu cảm tín ngưỡng phồn thực đa thần
  7. 3. Dấu ấn phồn thực trong chạm khắc trang trí. Khoảng 4.000 năm trước đồ đá đạt đến trình độ cực thịnh với kỹ thuật chế tác đa dạng. Người Việt cổ ứng dụng nghệ thuật chế tác đá vào trong đời sống hàng ngày mà trước hết là làm đẹp cho chính bản thân con người, trong tiến trình đó người ta thấy luôn xuất hiện những hình ảnh khắc vạch mang ngữ nghĩa phồn thực. W Goloubew là người phát hiện ra bãi đá cổ Sapa-Lào Cai năm 1925 tại thung lũng Mường Hoa kéo dài hơn 4km, rộng 2km với gần 200 hòn đá lớn nhỏ khắc hình mặt trời nắng, mưa, suối, ruộng bậc thang, hình người, cảnh giao phối... Trống đồng là hiện vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn và cũng là loại hiện vật có ở nhiều nước Đông Nam á. Trống đồng Đông Sơn dù to nhỏ khác nhau, trang trí nhiều ít khác nhau và thời gian đúc sớm muộn khác nhau, nhưng đều cho thấy có khá nhiều hình ảnh tính giao của động vật và con người được khắc trên mặt trống, thân trống và cả phần đế. Bố cục mặt trống là những vòng tròn đồng tâm bao lấy ngôi sao nhiều cánh (12 hoặc 14 cánh) mà giữa hai cánh lại có hình như đôi cá úp bụng vào nhau biểu hiện sự giao phối âm dương. Giữa hai dải hồi văn là các hoa văn diễn tả các hoạt động của người, chim và thú. Trên mặt hoặc thân trống, thạp đồng có những yếu tố tín ngưỡng phồn thực sâu đậm như hươu đực cái đang chạy, bò đực cái, nam nữ giã gạo, nhảy múa, thuồng luồng giao nhau, chơi chồng nụ chồng hoa... ở thân thạp Đào Thịnh khắc chìm hình những con thuyền, chiếc sau nối đuôi chiếc trước, khiến cho hai con cá sấu - rồng được gắn ở mũi và lái của hai chiến
  8. thuyền chạm vào nhau trong tư thế giao hoan. Trên nắp trống đồng Hoàng Hạ (Hà Sơn Bình) khắc những cặp chim ngồi trên lưng nhau trong tư thế đạp mái, tượng cóc giao phối, điệu múa nam nữ úp mặt và tay đưa hai vật thể chạm nhau như kiểu múa “tùng - dí” trong lễ hội làng ở Phú Thọ sau này. Hình cá sấu trong chạm khắc có ở nhiều trống đồng Đông Sơn và các vật dụng khác như các tấm chắn của chiến binh, bùa hộ mệnh, và chúng thường song đôi... Hình ảnh nam nữ nô đùa, chọc ghẹo nhau, ân ái được thể hiện hầu hết các ngôi đình ở Bắc Bộ. Nhiều nhà nghiên cứu đã thống kê được hàng loạt cảnh tượng mang tính phồn thực như vậy được chạm khắc ở đình Lỗ Hạnh, đình Phú Lưu, đình Diềm, đình Trà Cổ, đình Chu Quyến, đình Phú Lão, đình Hồi Quan... với những hình ảnh sống động như trên một tấm ván có đôi trai gái âu yếm nhau, bá vai nhau đùa nghịch. Hình ảnh Trai làng chọc ghẹo các cô gái tắm dưới đầm sen. (Đình Đông Viên-Hà Tây), Quan binh ghẹo gái (Đình Đệ tam- Nam Hà) Trai gái vui đùa (Đình Hưng Lộc- Nam Hà)... là những hình chạm sinh động, dí dỏm và thấm đượm tính phồn thực dân gian. 4. Tính phồn thực trong tượng tròn Như trên đã trình bày, ở Việt Nam thời Nguyên thủy tính phồn thực trong nghệ thuật tạo hình đã hình thành và phát triển khá mạnh mẽ. Tượng Người đàn ông ở Văn Điển (Hà Nội), tìm thấy năm 1966 bằng chất liệu đá ngọc được coi là một trong những tượng phồn thực thể hiện
  9. nghệ thuật tạo hình bằng đá tinh xảo. Tượng thể hiện kích thước cực nhỏ, chỉ cao 3,6 cm. Tính thẩm mỹ trong phương pháp tạo hình được thể hiện thông qua cách tả thân hình và đầu tượng. Thân tượng được kéo thon dài, mặt tạo khối trái xoan thanh tú. Tính thẩm mỹ của pho tượng không được nhấn mạnh, nhưng vẫn phản ánh năng lực sáng tạo thẩm mỹ cao của người đương thời. Tượng được xếp vào loại tượng thờ cúng sinh thực khí, đề cao nhu cầu sinh tồn của người nguyên thủy. Hình thể tượng với một chân bị gãy ,trên đầu có sừng bị gãy, đầu chỉ có hai hốc mắt, không tay, diễn tả một người đàn ông với sự nhấn mạnh cao độ sinh thực khí biểu tượng sinh tồn thiêng liêng. Dẫu tượng thật nhỏ bé nhưng tính khái quát rất cao và có một sự tập trung tinh thần tâm linh phồn thực mãnh liệt trong diễn tả vì vậy tượng sống động, có ấn tượng thị giác mạnh. Tượng này rất được các nhà nghiên cứu chú ý bởi tính độc đáo và bí ẩn trong đó. Nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ đánh giá: “Tượng người ở Văn Điển... là một tác phẩm điêu khắc đáng chú ý về kỹ thuật và tạo hình, chứng tỏ nghệ thuật không những có bàn tay thuần thục để sử dụng thật thành thạo và chính xác các phương pháp gia công, sai khiến chất liệu cứng rắn phải theo ý mình, mà còn có con mắt quan sát tinh tường về chính bản thân con người. “ [5.258] Trong thời kỳ đồ đồng, độc đáo là bốn cặp tượng Nam nữ giao hoan dài 9cm trên thạp đồng được tìm thấy ở Đào Thịnh -Yên Bái năm 1966, có niên đại vào khoảng thế kỷ III Tr.CN. Thạp Đào Thịnh cao 97 cm (tính cả nắp), đường kính miệng rộng 61cm, đường kính đáy 60cm, nắp cao 1,5cm. Thạp là hiện vật có kết cấu khối và tạo dáng không thua kém
  10. trống đồng, tất nhiên chức năng và ý nghĩa thực dụng và tâm linh của thạp là khác với trống. Trung tâm nắp thạp là một hình ngôi sao 12 cánh biểu tượng cho mặt trời. Hình tượng đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp. Mặt trời chia làm bốn phần, mỗi phần ba cánh. Xen kẽ giữa bốn phần là bốn cặp nam nữ giao hoan. Đầu hướng tâm mặt trời với ý nghĩa nhận năng lượng và sự chứng giám chở che của Thần Mặt trời. Hình thức trang trí đăng đối, bố cục nắp thạp tạo cho người xem cảm giác xoay tròn và có sức lan tỏa mạnh của năng lực vũ trụ, của sự phồn thực. Hình tượng giao hoan trên nắp thạp mang ý nghĩa phồn thực rất rõ nét. Có lẽ với chức năng đựng ngũ cốc người Đông Sơn trang trí cảnh giao hoan để cầu mong ngũ cốc cũng luôn sinh sôi, cuộc sống viên mãn. Trên mỗi cặp cho thấy rõ cả hai mình trần, chàng trai tóc xỏa trên vai, có dây thắt lưng đeo kiếm ngắn. Cô gái ngực nở căng được thể hiện bằng hình khối chóp gợi sự sung mãn đầy sức sống. Hành vi tính dục được diễn tả khá rõ với những cánh tay ôm ấp, với bộ phận sinh dục nam được cường điệu, tạo ra cảnh tượng ân ái mãnh liệt, táo bạo, cuồng nhiệt và tràn trề sức sống. Triều Lý cũng chú ý xây dựng một trật tự xã hội vững chắc với sự giao lưu văn hóa rộng rãi. Trên tinh thần đó yếu tố phồn thực đã được hình thành dưới sắc màu Phật giáo kết hợp với truyền thống mỹ cảm phồn thực dân gian. Hình ảnh tiêu biểu của tính phồn thực trong mỹ thuật thời Lý là cột đá tại chùa Dạm. Chùa Dạm (Bắc Ninh) xây dụng năm 1084 với 4 lớp nền nay còn dấu tường móng và một trụ đá chạm rồng quấn, rộng 70m dài 120m, chiều cao giữa các lớp nền là 8m, mỗi cấp
  11. có 25 bậc đá. Tại đây có cột biểu được coi là một tác phẩm điêu khắc kết hợp với kiến trúc, là một biến thái Linga-Yoni. Đường kính bệ 4m50 cao 1m chạm hoa văn sóng nước, cột giữa cao 5m,đường kính 1m30 chạm đầu rồng vươn cao. Trên bình diện văn hóa ở miền Trung, vùng đất xa xưa của vương quốc Chàm vẫn còn lại những tháp và tượng mang tính phồn thực sâu sắc. Tháp Chàm là một loại hình kiến trúc tôn giáo, được xây dựng thành từng cụm trên những đồi núi cao khoảng 50m -70m, tháp quay về hướng Đông đón ánh mặt trời và như gợi về nguồn xa, biển cả tạo nên những khối hình xây dựng với cảnh quan hoành tráng. Giữa lòng tháp là bệ thờ, trên có cặp tượng linga - yoni mang hình tượng sinh thực khí nam nữ, là sự hòa hợp âm dương theo tư tưởng phồn thực. Mặt tháp còn được gắn một số tượng đá sa thạch với đề tài được tôn giáo mà phổ biến là tượng thần Siva, Visnu, Brahma, các tiên nữ Apsara, đặc biệt là các biểu tượng sinh thực khí thiêng liêng Linga và Yoni tràn đầy chiếm chỗ trong nhiều không gian kiến trúc. Trong điêu khắc có nhiều chủ đề ca múa, những thân hình đầy đặn, ngồn ngộn sức sống phồn thực với những cặp tay múa uyển chuyển. Các sinh hoạt tâm linh phồn thực của người Chàm cho dù ít nhiều bị phủ các lớp lễ nghi, tôn giáo khác nhưng sự ca ngợi vẻ đẹp cơ thể của phụ nữ vẫn được nhấn mạnh. Đối với các dân tộc ở Tây Nguyên thì việc biểu thị phồn thực qua các tác phẩm tượng nhà mồ là sự cầu mong cho con người đã khuất có được cuộc sống ở thế giới âm như cuộc sống ở trên trần. Từ đó nảy nở
  12. các biểu tượng phồn thực dành cho người chết với những tác phẩm điêu khắc thể hiện nam nữ khỏa thân có bộ phận sinh dục phóng đại hoặc là tượng nam nữ giao hoan được đặt ở nhà mồ khi làm lễ bỏ mả và tạo nên những nét riêng độc đáo trong văn hóa và mỹ thuật ở các dân tộc cao nguyên. Pho tượng nam nữ giao hoan với sinh thực khí nam nữ được biểu tả trực diện, phóng đại một cách hồn nhiên, dữ dội và đầy khát vọng sinh tồn hoang dại. Ngoài ra còn có nhiều cột tả cặp vú phụ nữ, thường được làm ở đầu cầu thang lên sàn nhà, tượng trưng cho sự nuôi dưỡng, cảm giác hưng phấn tính dục. Dưới cặp vú thường có khắc họa hoa thị bản lớn hay chặt phác những hình chữ thập sâu với ý nghĩa biểu tả, tượng trưng, cách điệu sinh thực khí nữ. Cá biệt có tượng người đàn bà khóc thế mà vẫn nhấn mạnh âm vật một cách rõ ràng, hơn thế lại còn bôi màu đỏ, màu vàng và đen. Tượng Thiếu nữ cầm trái bầu lại nghiêng về sự ẩn dụ, sự biểu hiện khát khao tính dục và sinh sôi một cách thuần khiết. Đánh giá về điêu khắc nhà mồ Tây Nguyên và tính phồn thực, trong Điêu khắc nhà mồ Tây nguyên các tác giả viết: “Không quan tâm đến tỷ lệ, mà quan tâm đến trạng thái. Những trạng thái giàu tính nhục cảm khiến nhìn bức tượng, mà như đang vuốt ve ai đó. Con mắt của những nhà điêu khắc Tây Nguyên rọi sâu vào bóng tối của cái chết, để cô đúc thành hình tượng về cái không thể hiểu. Cùng với điêu khắc Cham pa, điêu khắc phong kiến Bắc bộ, điêu khắc nhà mồ Tây Nguyên là nền điêu khắc lớn ở Việt Nam.” [7. 34] 5. Các biểu tượng và tranh vẽ
  13. Tranh vẽ mang tính phồn thực được thể hiện chủ yếu trên đồ gốm, trong một số tranh dân gian từ thế kỷ XV trở về sau. Phía Bắc có dòng tranh nổi tiếng Đông Hồ (Bắc Ninh), nơi mà người làm tranh và người chơi tranh đều là nông dân, họ có sự cảm thụ nghệ thuật chân chất, mộc mạc. Tranh dân gian Đông Hồ hướng về những chủ đề gần gũi với đời sống làng xã của họ. Các nghệ nhân biểu hiện khát vọng về một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc, với những tranh mang sắc thái cầu chúc phồn thực như Vinh hoa, Phú quý, Mục đồng thổi sáo... hay ca ngợi cuộc sống ở những khía cạnh bình dị mà sâu lắng như Hứng dừa, Đánh vật, Vật, Gà đàn, Lợn đàn, chữ Đàn cũng là cấu trúc mang ý nghĩa tâm linh phồn thực với số nhiều như tranh gà đàn, lợn đàn, cá đàn, bầy trẻ em hái quả, bịt mắt bắt dê... Đồng thời người nghệ nhân Đông Hồ cũng rất mạnh mẽ trong một số tranh vẽ nhấn mạnh hình khối phồn thực như Đánh ghen, Hứng dừa. Nếu trong Hứng dừa tranh dừng lại ở tính ẩn dụ với hình ảnh chàng trai tung hai trái dừa biểu thị sinh thực khí nam và cô gái tung cao váy xòe hứng như ẩn ý âm tính thì trong tranh Đánh ghen sự bộc lộ vẻ đẹp nhục cảm của cơ thể đã được biểu tả trực diện. Hơn thế có cả hành vi tính dục trong hành động của người chồng đặt tay lên vú người vợ lẽ. Thế mà khi xem tranh ta vẫn thấy thanh nhã, dí dỏm và cả thái độ phê phán chế độ đa thê. Đây là điều khác biệt so với sự biểu thị tính phồn thực của các giai đoạn trước. Vào thế kỷ XVI, mỹ thuật thời Mạc tiếp nhận được nhiều thành tựu của quá khứ, thực sự mở ra giai đoạn mới, mang đậm chất dân gian, giàu phẩm chất hiện thực, vì vậy nó cũng tạo ra những cơ hội cho ý niệm
  14. phồn thực dân gian phát triển. Một nhà nghiên cứu mỹ thuật Nhật Bản là Takumi Hashegawa trong một bài viết có nói đến những tranh trên đồ gốm Việt Nam, ông nhắc đến các hình vẽ nam nữ giao hoan trên loại gốm men lam thế kỷ XVI-XVII. Tuy nhiên suốt một thời gian dài ở Việt Nam trong các sưu tập gốm của nhà nước và các Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử và sưu tập tư nhân đều không tìm thấy hình vẽ như vậy. Mãi đến gần đây vào năm 2002 tại Cù Lao Chàm (Quảng Nam) chúng ta mới tìm thấy một sản phẩm gốm như vậy. Trên website của Bộ GD & ĐT: www.diendan.edu.net, có bài Sex ở Việt Nam thời Hồ -Mạc của Hồ Trung Tú , bài viết nói rõ về chiếc đĩa có hình vẽ nam nữ giao hoan này được tìm thấy trong lòng một con tàu đắm chỉ chở toàn hàng gốm sứ Chu Đậu, có thể xác định bước đầu chiếc đĩa đã được chế tạo vào khoảng thế kỷ XVI-XVII “Nét vẽ vụng về, hình người không cân xứng, trong khi đó bụi tre bên cạnh thì rất đẹp cho thấy vẽ người không phải là sở trường của người thợ này. Tất cả như một lần vẽ nghịch, vẽ đùa của một thợ nào đó. Thế nhưng cái tư thế làm tình không cổ điển của hai người cũng như khuôn mặt thú ba dòm vào gợi cho người xem một cảm giác về một câu chuyện có thật nào đó, đã xảy ra đâu đó trong làng hay trong lò gốm, người ta bàn tán râm ran mà thành ra chuyện. Có thể nói đây là hình tượng làm tình thú hai của người Việt kể từ sau các đôi người nằm chồng lên nhau trên nắp thạp đồng Ngọc Lũ. Khoảng cách thời gian giữa hai hình tượng là xấp xỉ 2000 năm. Thế nhưng, nếu trên nắp thạp đồng Ngọc Lũ dễ tạo nên cảm thông bởi đó là thời của các nền văn
  15. minh cổ đại, thời của các văn hóa, tôn giáo phồn thực, các chuẩn mực đạo đức xã hội cũng chưa nhiều để có thể xem hành động giao cấu là tội lỗi thì chiếc đĩa Chu Đậu này gây cho ta cảm giác về một điều gì đó vượt ra ngoài lễ giáo.” [8. 01] Sự biểu hiện phồn thực trong mỗi tác phẩm mỹ thuật đều thống nhất ở tinh thần biểu hiện, thể hiện sự cầu mong của con người về cuộc sống no đủ, mong muốn sinh tồn, phát triển. Đó cũng là quá trình khám phá những bí ẩn của chính con người và cả những khát khao mãnh liệt muôn đời về năng lực sinh tồn. Hơn thế các tác phẩm mỹ thuật còn góp phần khẳng định “Qua biến thiên lịch sử, dâu bể cuộc đời, tín ngưỡng phồn thực đã trở thành một thứ trầm tích văn hóa Việt Nam “ [9.93]. Đối với những người làm công tác sáng tạo và nghiên cứu mỹ thuật, sự hiểu biết bản chất tín ngưỡng phồn thực qua các tác phẩm mỹ thuật là một trong những phương thức để nắm bắt những giá trị cội nguồn của văn hóa dân tộc và cũng là một trong những cách tự xây dựng cho chính mình năng lực tiếp cận, ứng xử và giải hóa các hiện tượng văn hóa đa dạng trong lịch sử văn hóa Việt Nam, trong đó có tính phồn thực của những tác phẩm mỹ thuật được coi là những dấu ấn và bình diện văn hóa đặc sắc trong dòng chảy văn hóa dân tộc. PHAN THANH BÌNH Tài liệu tham khảo 1. Đà Duy Anh (1957). Hán Việt từ điển. Trường Thi xuất bản. Sài
  16. Gòn. 2. Nguyễn Văn Huyên (2001) Đồ đồng văn hoá Đông Sơn. NXB Giáo dục Hà Nội 3. Nguyễn Tri Nguyên (2006) Văn hóa tiếp cận lý luận và thực tiễn NXB Văn hóa & Thông tin - Hà Nội 4. Hữu Ngọc (Chủ biên-1995) Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam. NXB Thế giới - Hà Nội 5. Chu Quang Trứ (2001) Tượng cổ Việt Nam và truyền thống điêu khắc dân tộc NXB Mỹ thuật. 6. Trần Ngọc Thiêm (1997). Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. NXB Tp Hồ Chí Minh. 7. Phan Cẩm Thượng - Nguyễn Tấn Cứ (1995) Điêu khắc nhà mồ Tây Nguyên – Nhà xuất bản Mỹ thuật 8. Hồ Trung Tú (2006) Sex ở Việt Nam thời Hồ – Mạc www. diendan.edu.net.vn Cập nhật ngày 24/01/2006. Truy cập ngày 20/10/2006 9. Trần Quốc Vượng (chủ biên) Tô Ngọc Thanh - Nguyễn Chí Bên- Lâm Mỹ Dung - Trần Thuý Anh (2006) Cơ sở văn hóa Việt Nam .
  17. NXB Giáo dục
nguon tai.lieu . vn