Xem mẫu

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKHT 2018 TIỀM NĂNG, HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI Ở CÁC HUYỆN MIỀN NÚI TỈNH QUẢNG NGÃI ĐOÀN SỸ SƠN1,*, NGUYỄN TƯỞNG2 Trường THPT Số 1 Nghĩa Hành, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi * Email: sondianh1@gmail.com 2 Khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế Tóm tắt: Các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái tương đối toàn diện: Các giá trị sinh thái đa dạng của rừng, thác Cà Đú, thác Trắng, núi Cà Đam, đèo Violét, suối khoáng nóng Thạch Bích, suối Trà Bói, hố Dội, hồ Nước Trong, hồ Đồng Cần… Văn hóa các dân tộc miền núi: Hrê, Cor, Ca Dong, đã nhào nặn vùng đất này nhiều sắc thái văn hóa rất độc đáo là nguồn tài nguyền vô cùng quý giá cho phát triển du lịch sinh thái. Năm 2017, doanh thu từ du lịch sinh thái ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi đạt 4.250 tỷ đồng, tuy nhiên lượng khách chủ yếu vẫn là khách nội địa. Trong quá trình phát triển du lịch sinh thái tại đây đã xuất hiện không ít những tồn tại, nổi bật là cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, cơ chế chính sách thu hút đầu tư du lịch chưa được chú trọng. Do đó, để phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững cần thực hiện đồng bộ các giải pháp và cần sự phối hợp thực hiện của các ban, ngành, chính quyền, ban quản lý và người dân. Từ khóa: Du lịch, sinh thái, miền núi, Quảng Ngãi. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Quảng Ngãi có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch gắn với môi trường tự nhiên, các giá trị văn hóa bản địa, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái tương đối toàn diện: Các giá trị sinh thái đa dạng của rừng, thác Cà Đú, thác Trắng, núi Cà Đam, đèo Violét, suối khoáng nóng Thạch Bích, suối Trà Bói, hố Dội, hồ Nước Trong, hồ Đồng Cần… Văn hóa các dân tộc miền núi: Hrê, Cor, Ca Dong, đã nhào nặn vùng đất này nhiều sắc thái văn hóa rất độc đáo. Các tuyến đường giao thông quan trọng như: Đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 1A, quốc lộ 24, tỉnh lộ 622, 627,… tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch sinh thái phát triển. Du lịch sinh thái các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng và đặc trưng riêng, tuy nhiên vấn đề khai thác tài nguyên du lịch sinh thái còn nhiều hạn chế. Hiện nay, đa số các địa điểm có tiềm năng du lịch sinh thái có quy hoạch nhưng chưa hiệu quả hoặc hiện chưa được quy hoạch và một số nơi đang bị khai thác bất hợp lý như tích nước làm thủy điện, khai thác đá,… làm mất đi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ của núi rừng. Quá trình khai thác, sử dụng và bảo vệ chưa thực sự hợp lý, các sản phẩm về du lịch sinh thái chưa đa đạng và còn kém chất lượng, số lượng khách du lịch đến còn hạn chế, số ngày khách lưu trú tại điểm du lịch sinh thái còn thấp, số khách du lịch quay trở lại lần sau còn hạn chế, việc thu hút đầu tư phát triển du lịch chưa được quan tâm đúng mức. Việc phát triển du lịch sinh thái bền vững ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi là vấn đề cấp thiết nhưng hiện nay chưa ai nghiên cứu. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU - Phương pháp phân tích, tổng hợp lý thuyết: Đây là phương pháp được sử dụng nhiều nhằm thu thập các thông tin từ sách, báo, tạp chí, các công trình nghiên cứu,… liên quan đến du lịch sinh thái, từ đó tiến hành xử lý, chọn lọc, phân tích và tổng hợp thành hệ thống những nội dung đáp ứng yêu cầu nghiên cứu để đạt được mục tiêu đề ra. 106
  2. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2018 | 11/2018 - Phương pháp bản đồ: Là phương pháp đặc trưng của khoa học Địa lý. Sử dụng bản đồ địa hình, bản đồ hành chính và một số bản đồ kinh tế - xã hội có liên quan đến vấn đề nghiên cứu như hiện trạng tài nguyên du lịch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi,… làm nền tảng cho việc khai thác thông tin, phân tích các yếu tố không gian lãnh thổ phục vụ nghiên cứu về du lịch sinh thái. - Phương pháp khảo sát thực địa: Phương pháp này nhằm cập nhật thông tin về đối tượng nghiên cứu bằng cách đi thực địa, khảo sát các địa điểm để thu thập các dữ liệu và hình ảnh thực tế các địa điểm du lịch sinh thái trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh; làm tăng độ chính xác, cập nhật và thuyết phục của các kết quả nghiên cứu cũng như các tài liệu thu thập được. Qua đó, tăng cường cơ sở thực tiễn để nghiên cứu tiềm năng, hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển du lịch sinh thái ở các huyện miền núi của tỉnh, làm cho nội dung nghiên cứu phong phú và mang ý nghĩa thực tiễn cao hơn. - Phương pháp chuyên gia: Được thực hiện thông qua việc lắng nghe các ý kiến đóng góp của các cán bộ chuyên trách trong bộ máy chính quyền, cán bộ ngành du lịch, cán bộ nguyên cứu trong lĩnh vực du lịch có nhiều kinh nghiệm và am hiểu trong nghiên cứu du lịch sinh thái để vận dụng vào nghiên cứu, rút ngắn được quá trình điều tra phức tạp, đồng thời bổ sung có hiệu quả cho phương pháp điều tra cộng đồng. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN 3.1. Tiềm năng du lịch sinh thái ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi 3.1.1. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên a. Vị trí địa lý Các huyện miền núi Quảng Quảng Ngãi trải dài từ 14°32′ đến 15°25′ Bắc, từ 108°06′ đến 108°44′ Đông, tựa vào dãy núi Trường Sơn, phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam với chiều dài đường địa giới 98 km, phía Nam giáp tỉnh Bình Định với chiều dài đường địa giới 83 km, phía tây giáp tỉnh Kon Tum với chiều dài đường địa giới 79 km, phía đông giáp các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Ngãi. Nằm ở vị trí trung độ của cả nước, nơi đây cách thủ đô Hà Nội 890 km về phía bắc và cách thành phố Hồ Chí Minh 824 km về phía nam theo đường Quốc lộ 1A. b. Địa hình Về tổng thể địa hình có sự phân hóa theo không gian rõ rệt, nghiêng từ Tây sang Đông, phần lớn cấu tạo bởi đá trầm tích ở phía Tây chuyển đột ngột xuống đồng bằng cho nên tạo cảnh quan hùng vĩ, hấp dẫn. Các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi chiếm 2/3 diện tích toàn tỉnh, chủ yếu tập trung ở phía Tây, điển hình với các núi cao như núi Cà Đam tục gọi “Hòn Ông, Hòn Bà” cao độ 1.600 m ngăn cách Sơn Hà và Trà Bồng, về phía Tây Bắc có núi Đá Vách (Thạch Bích) cao độ 1.500 m ngăn cách Sơn Hà và Minh Long, núi U Bò cao độ 1.200 m. Núi cao trung bình 700 m như núi Cao Môn ở ngoài Trường Lũy phía tây huyện Đức Phổ. Các núi ở Quảng Ngãi có một số liệt vào hạng danh sơn, được vịnh làm thắng cảnh như: Thiên Ấn, Thiên Bút, Thạch Bích, Vân Phong... c. Khí hậu Các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi có khí hậu nhiệt đới và gió mùa. Do vị trí địa lý, đặc điểm địa hình kết hợp với chế độ bức xạ và hoàn lưu chung của khu vực đã chia khí hậu tại đây làm hai mùa: mưa, nắng rõ rệt. - Chế độ nhiệt: nhiệt độ trung bình 25 đến 26,90C, thượng tuần tháng 7 và tháng 8 nóng không quá 340C, thượng tuần tháng giêng lạnh nhất không dưới 180C. Nhiệt độ không khí trung bình tăng dần từ Bắc vào Nam và giảm dần từ Đông sang Tây theo độ cao địa hình. 107
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKHT 2018 - Chế độ gió: khí hậu Quảng Ngãi thịnh hành hai hướng gió chủ yếu vào mùa đông và mùa hè là gió Đông Bắc và Đông Nam. Ở đây, gió Đông Nam thịnh hành hơn gió Đông Bắc. Gió từ Đông Nam - Tây Bắc khá mát mẻ, dễ chịu, người dân địa phương gọi là gió Nồm. - Chế độ mưa: Các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi có lượng mưa trung bình năm 2.198 mm nhưng chỉ quy tụ vào 4 tháng cuối năm còn các tháng khác thì khô hạn. Trung bình hằng năm mưa 129 ngày, nhiều nhất vào các tháng 9 đến tháng 12. Sự phân phối vũ lượng không đều cũng như sự kéo dài mùa khô hạn rất có hại cho cây cối, đất đai và gây khó khăn cho việc dẫn thoát thủy. Đặc biệt ở Quảng Ngãi các trận bão chỉ thể xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 dương lịch nhất là hai tháng 10 và 11. d. Thủy văn Các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi là thượng lưu của 4 con sông chính, lớn nhất là sông Trà Khúc dài 120 km, phát nguồn từ núi Đắc Tơ Rôn với đỉnh cao 2.350 m do hợp nước của 4 con sông lớn là Sông Rhe, sông Xà Lò, sông Rinh, sông Tang, chảy xuống hướng Đông qua ranh giới các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi và đổ ra cửa Đại. Sông Vệ dài 80 km phát nguồn từ vùng rừng núi phía bắc huyện Ba Tơ, thượng nguồn gọi là sông Liên chạy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, xuyên qua các huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa và đổ ra cửa Lở và cửa Cổ Lũy. Sông Trà Bồng dài 55 km phát nguồn từ vùng Thanh Bồng (Trà Bồng), chảy xuyên qua Huyện Trà Bồng và Huyện Bình Sơn và đổ ra cửa Sa Cần. Sông Trà Câu dài 40 km phát nguồn từ vùng Hồng Thuyền, Vực Liêm (phía nam đèo Đá Chát) chảy xuyên qua huyện Đức Phổ để ra cửa biển Mỹ Á. Ngoài 4 con sông nói trên, Quảng Ngãi còn có các con sông nhỏ như Trà Ích (Trà Bồng), sông Cái (Tư Nghĩa), sông Phước Giang (Nghĩa Hành), sông La Vân (Đức Phổ). Phong cảnh hai bên bờ sông thuận lợi cho phát triển du lịch nhất là sông Trà Khúc, Trà Bồng, Sông Vệ. 3.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội a. Dân cư và lao động Năm 2017, các xã miền núi tỉnh Quảng Ngãi có số dân 210.015 người chiếm 16,8% dân số toàn tỉnh, mật độ dân số trung bình là 65 người/km2. Bảng 1. Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2017 phân theo khu vực tỉnh Quảng Ngãi Diện tích Dân số Mật độ dân số (km2) (Người) (Người/km2) TỔNG SỐ 5.152,49 1.247.644 242 Khu vực miền núi 3.248,35 210.015 65 - Huyện Trà Bồng 421,50 31.494 75 - Huyện Tây Trà 338,46 18.818 56 - Huyện Sơn Hà 752,11 70.933 94 - Huyện Sơn Tây 381,49 18.621 49 - Huyện Minh Long 217,23 16.779 77 - Huyện Ba Tơ 1.137,56 53.370 47 Nguồn: [2] Năm 2017, trên địa bàn các xã miền núi tỉnh Quảng Ngãi có có 137.349 người trong độ tuổi lao động (từ 15 - 65 tuổi), chiếm khoảng 65,4% dân số. Từ năm 1999 đến nay, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh được nâng lên đáng kể. Nếu như năm 2005, có trên 26% lao động trong các ngành kinh tế quốc dân qua đào tạo, thì đến năm 2009, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm trên 35% và đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 47% [5]. 108
  4. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2018 | 11/2018 b. Giá trị kinh tế Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2017 ước đạt 45.386,0 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 1,27% so với năm 2016 và đạt 101,6% kế hoạch năm. Trong mức tăng chung 1,27% của toàn nền kinh tế năm 2017, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 8.150,18 tỷ đồng, tăng 4,9%, đóng góp 0,85 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 24.037,83 tỷ đồng, giảm 3,4%, đóng góp -1,89 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ ước đạt 13.197,99 tỷ đồng, tăng 8,5%, đóng góp 2,31 điểm phần trăm. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2017 không tính sản phẩm lọc hóa dầu ước đạt 30.342,1 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 9,1% so với năm 2016 và đạt 101,3% kế hoạch năm [2]. 3.2. Hiện trạng phát triển du lịch sinh thái ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi 3.2.1. Các điểm du lịch sinh thái tiêu biểu Thác Cà Đú: Thuộc địa phận thôn 5, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng, cách thành phố Quảng Ngãi chừng 60 km về phía Tây Bắc. Từ trung tâm huyện lỵ Trà Bồng có thể nhìn thấy rõ núi Cà Đú cao vút sánh vai cùng Hòn Bà, Hòn Tròn. Từ độ cao gần 1.000m, một dòng suối từ cổng trời chảy phăm phăm xuống thung lũng, ở đây dòng khe bỗng tụt xuống tạo thành một thác nước dựng đứng, mà dòng chảy của suối là những khối đá được xếp muôn hình vạn trạng. Giữa màu xanh của rừng hiện ra dòng nước chảy xiết, lấp lánh như bạc, tràn qua các khối đá khổng lồ tạo nên thác Cà Đú hùng vĩ. Thác Cà Đú quanh năm tung bọt trắng xóa, trông như một dải lụa mỏng. Hai bên bờ thác nước rực rỡ những hoa rừng, bóng cây tỏa xuống mặt thác tạo nên những nét chấm phá đậm nhạt như một bản màu, đầy huyền ảo, quyến rũ. Khi hoàng hôn xuống, dưới những rặng núi xanh um, thác Cà Đú giống như một chảo mật sóng sánh khổng lồ lấp lánh. Không chỉ đẹp, thác Cà Đú còn tiềm ẩn nguồn năng lượng mới. Quần thể suối khoáng nóng Thạch Bích: Cách Tỉnh lộ 622 chừng 1 km, suối nước nóng Thạch Bích ẩn mình bên rừng keo bạt ngàn cùng những cánh đồng lúa xanh tốt. Nguồn suối nước nóng nơi đây đã được phát hiện từ nhiều thế kỷ trước, với nguồn nước suối thiên nhiên ban tặng, con người đã khai thác để làm nước suối đóng chai. Lợi thế của nguồn nước khoáng nơi đây tuy đã được khai thác, tuy nhiên so với giá trị to lớn vốn có, thì cần sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để mang lại nhiều hơn lợi ích cho nhân dân. Thác Suối Trà Bói: Từ Quốc lộ 1 tại ngã ba Trà Bồng, theo Tỉnh lộ 622 hơn 30 km, đến ngã 3 xã Trà Phú, rẽ phải đi chừng 4 km là du khách đã đến được thác nước Trà Bói. Du khách nào muốn khám phá thác nước ngay tận đầu nguồn thì có thể chạy xe máy thêm 1 km nữa. Thác nước được hình thành từ hai dòng trên núi cao chảy xuống hòa quyện thành một, tạo nên những bọt nước trắng xóa, lung linh, huyền ảo. Núi Cà Đam: Còn có tên gọi khác là Vân Phong Túc Vũ, một ngọn núi cao nhất trong những ngọn núi ở tỉnh Quảng Ngãi với độ cao 1.431 m. Núi Cà Đam phía Đông giáp xã Trà Tân, phía Tây và Nam giáp xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, phía Bắc giáp xã Trà Nham, huyện Tây Trà. Từ trung tâm thành phố Quảng Ngãi phải vượt qua 50 km lên huyện miền núi Trà Bồng. Từ đó, theo đường liên huyện Trà Bồng - Tây Trà qua dốc Eo Chim cao trên 1.000 m rồi vượt thêm một cung đường dài khoảng 20 km để đến chân con đường mới mở lên Cà Đam. Chừng 10 năm trước, khi công trình hồ chứa nước Nước Trong được xây dựng, con đường liên huyện Di Lăng - Trà Trung được hình thành, người đi trên con đường này mới “mục kích” được Cà Đam từ xa. Bởi từ đường liên huyện lên đến chân núi thuộc thôn Quế xã Trà Bùi còn phải ngược lối mòn thêm 5 km quanh co, dốc dựng. Hồ chứa nước Nước Trong: Nằm trên địa bàn 6 xã là Di Lăng, Sơn Bao (Sơn Hà) và Trà Phong, Trà Xinh, Trà Trung, Trà Thọ (Tây Trà). Hồ có tổng diện tích lưu vực 460 km2; diện 109
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKHT 2018 tích mặt hồ 11,66 km2, với dung tích chứa khoảng 290 triệu m3, nước ứng với mực nước dâng bình thường có cao trình gần 130 m. Suối Thác Ong xã Sơn Linh: Một trong những cảnh đẹp nổi tiếng với người địa phương ở đây đây là thác Taong (hay còn gọi là Cời Ong) thuộc xã Sơn Linh. Giữa một vùng đồi núi phủ đầy cây rừng, dòng nước từ trên cao tầm 40 m đổ nhè nhẹ xuống các tầng đá rồi tung bọt trắng xóa, hùng vĩ ở các cung bậc cuối cùng tạo ra âm thanh rì rầm cách vài trăm mét vẫn có thể nghe thấy rõ mồn một. Nước mát lạnh, trong vắt được thiên nhiên gom lại trong một hồ đá rộng rồi theo dòng tạo thành con suối quanh co đổ xuống miền xuôi. Nơi đây, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho việc xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lý tưởng. Suối Huy Măng: Nằm về phía Đông Bắc xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, bắt nguồn từ ngọn núi Vang Kẽ cao hơn 800 m, hợp với hai dòng suối nhỏ là suối Nước Xim và suối Nước Lã tạo thành. Trong lòng suối Huy Măng chứa vô vàng khối đá sa thạch, đá muôn hình muôn vẻ, nước chảy len lỏi qua các phiến đá khi êm ả, khi tuôn trào dữ dội. Trải qua thời gian dài, dòng nước đã mài nhẵn những khối đá xanh biếc, nhiều hình thù kì dị phủ đầy rêu phong, tạo thêm cho phong cảnh ở đây thêm u tịch và nguyên sơ. Suối Ka Xim: Cách trung tâm huyện lỵ Sơn Tây khoảng 3 km, suối Ka Xim ở thôn Gò Lã, xã Sơn Dung được xem là điểm đến hấp dẫn cho nhiều người yêu thích vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của núi rừng. Nhờ sự độc đáo của 2 tầng thác nước, mà ở mặt hồ thứ nhất nước luôn xô đá, tung bọt trắng xóa, còn mặt hồ thứ hai lại phẳng lặng như chiếc gương soi khổng lồ. Theo lời của người dân địa phương, phụ nữ thường tắm ở hồ thứ hai, vì mặt nước yên ả, độ sâu chỉ tầm 3 m, còn hồ nước thứ nhất ở trên cao thường dành cho đấng nam nhi, ưa mạo hiểm. Thác Trắng: Nằm ở phía Tây xã Thanh An, huyện Minh Long. Thác Trắng được hình thành từ núi Mun cao hơn 100 m, chảy về hướng Đông qua dãy núi Hoang Đố, gặp vách núi dựng đứng cao hơn 70 m, dòng chảy bỗng tụt xuống, nước đổ tràn xuống các ghềnh đá tung bọt trắng xóa tạo nên một dòng thác kỳ vĩ mà nhân dân ta quen gọi là Thác Trắng. Thác Trắng có độ cao 70 m, nước bạc tuôn trào từ trên đỉnh xuống trông giống như suối tóc của nàng tiên buôn xõa theo ghềnh đá. Điều thú vị nữa là nước từ trong hồ chảy tràn ra ngoài tạo thành một dòng suối dưới chân thác gọi là suối Tiên. Suối Tiên chảy quanh co khúc khuỷu đưa nước về làng Đố, làng Huya, sau đó đổ về sông Phước Giang chảy xuống huyện Nghĩa Hành. Thảo nguyên Bùi Hui: Nằm tại xã Ba Trang, huyện Ba Tơ. Từ trung tâm TP. Quảng Ngãi phải vượt quãng đường khoảng 60 km để đến huyện Ba Tơ, từ đó đi thêm tầm 10 km đường đèo núi quanh co để đến thảo nguyên Bùi Hui. Bên cạnh những đồi cỏ xanh mướt, thảo nguyên Bùi Hui còn có đồi sim hàng ngàn cây chi chít trái. Đây là điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ ở Quảng Ngãi trong những ngày hè. Vào thời điểm này, hàng ngàn cây sim trên thảo nguyên Bùi Hui đã bắt đầu cho trái. Xen lẫn trong những chùm trái chi chít là màu tím của hoa sim nở muộn. Thác Suối Lệ Trinh: Thuộc thôn Nước Trinh, xã Ba Chùa (Ba Tơ) nằm ở phía Tây, cách huyện lỵ từ cầu Ba Chùa xuống suối khoảng 2 - 3 km. Suối Lệ Trinh bắt nguồn từ ngọn núi Cao Muôn đổ về sông Liêng, cuối dòng tiếp giáp với 2 con sông: Sông Liêng, sông Tô. Từ chân suối đến thắng cảnh thác đầu tiên của suối Lệ Trinh có chiều dài khoảng 3 km. Với những ghềnh đá, có nhiều thác rất đẹp, dưới chân thác có hồ nước trong xanh, xung quanh bờ suối được cây cổ thụ che phủ, không khí trong lành và mát mẻ cả về mùa hè nắng gắt. 110
  6. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2018 | 11/2018 3.2.2. Hiện trạng phát triển du lịch sinh thái ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi a. Hiện trạng cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch Các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi có tiềm năng lớn về du lịch, song thời gian qua trong điều kiện của một huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nên nguồn kinh phí dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch còn nhiều hạn chế. Vì vậy, chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch của địa phương, chưa có doanh nghiệp đầu tư về lĩnh vực du lịch, một số doanh nghiệp có khả năng tài chính nhưng chưa quan tâm đầu tư cho du lịch, mặt khác các huyện này cũng chưa có chính sách quảng bá, kêu gọi đầu tư, đã có xây dựng đề án cụ thể nhằm thu hút các nhà đầu tư và thấy rõ tiềm năng, lợi thế mà du lịch mang lại. Hệ thống nhà hàng, khách sạn của các huyện chưa được đầu tư ngang tầm để thu hút khách du lịch. Trên địa bàn đã hòa mạng lưới điện quốc gia, khả năng cung cấp điện khá đáp ứng được nhu cầu; mạng lưới Bưu chính - Viễn thông đáp ứng được nhu cầu khai thác thông tin trên địa bàn. Hệ thống ngân hàng, dịch vụ ngân hàng đảm bảo phục vụ thuận lợi cho du khách trong quá trình giao dịch. b. Lao động trong ngành du lịch Trong những năm qua, ngành du lịch tỉnh đã phối hợp với Tổng cục Du lịch, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ sở đào tạo nghề tổ chức 25 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho hơn 1.100 lao động là cán bộ quản lý và nhân viên các doanh nghiệp du lịch. Qua các lớp tập huấn, đào tạo và bồi dưỡng, đội ngũ lao động của ngành phát huy tốt hơn chuyên môn và kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Nhiều lượt cán bộ tham gia Hội nghị tập huấn nghiệp vụ pháp chế và quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực du lịch đến với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch và người dân trên địa bàn tỉnh; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ, nhân viên đang công tác tại các Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Tính đến 08 tháng đầu năm 2017, ngành du lịch đã giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động (trong đó lao động trực tiếp khoảng hơn 3.300 người). Hiện nay, lao động trong ngành du lịch trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi còn rất ít, tổng số lao động trong ngành du lịch ước khoảng 500 người trong đó lao động trực tiếp có trình độ chuyên môn làm việc trong các phòng văn hóa thông tin các huyện, bảo tàng huyện, các điểm du lịch 300, còn 200 lao động gián tiếp chưa có trình độ chuyên môn đảm bảo công tác phục vụ khách du lịch. c. Hoạt động du lịch Hàng năm, các huyện miền núi tỉnh Quảng ngãi đã đón tiếp số lượng khách ngày càng tăng năm 2016 là 65.000 khách, năm 2017 là 79.000 khách. Du khách đến thường vào những ngày cuối tuần và ngày lễ. Trong mùa khô lượng khách đến đông và thường xuyên hơn mùa mưa. Doanh thu từ du lịch các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi năm 2017: Hầu hết doanh thu từ du lịch của các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi từ khách du lịch nội địa và doanh thu năm sau tăng nhanh so với năm trước. Năm 2017 doanh thu từ du lịch đạt 4,250 tỷ đồng, tăng 1,3 tỷ đồng so với năm 2016. [2] 111
  7. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKHT 2018 3.2.3. Những tồn tại trong phát triển du lịch sinh thái ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi a. Những tồn tại: - Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông tại các điểm quy hoạch các tuyến đường chưa hoàn thiện, hệ thống nhà hàng, khách sạn tại địa phương chưa phát triển. - Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, danh thắng chưa hiệu quả, thiếu các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương; chưa có các dịch vụ về vui chơi, mua sắm,… tại các điểm đến. - Công tác đầu tư của nhà nước chưa tương xứng. Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu; doanh nghiệp chưa chú trọng công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. - Nguồn kinh phí phục vụ cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa được chú trọng đúng mức. - Lượng khách du lịch đến với các huyện miền núi trong tỉnh còn thấp so với các điểm du lịch khác trong tỉnh. Việc chỉ đạo và thực hiện phát triển du lịch sinh thái ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi còn gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng tác động của nhiều yếu tố như: vốn đầu tư, sự quản lý, các tuyến đường giao thông của huyện chưa đáp ứng nhu cầu cho việc phát triển du lịch, nguồn lao động phục vụ cho du lịch chưa đảm bảo, nên sự phát triển du lịch của huyện còn chậm và yếu. Công tác quản lý Nhà nước về du lịch, về hạ tầng kỹ thuật du lịch, dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực du lịch, số lượng khách du lịch, việc phát huy bản sắc văn hóa địa phương chưa được chú trọng đúng mức để phát huy tiềm năng du lịch của địa phương. b. Nguyên nhân tồn tại: - Các cấp chính quyền địa phương chưa kịp thời cụ thể hóa việc triển khai thực hiện các nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch về phát triển du lịch đã ban hành nên việc thực hiện chưa mang lại hiệu quả cao. - Nhận thức của cán bộ và nhân dân trong xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện chưa cao. - Chính sách của tỉnh chưa thật sự thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng các khu du lịch trên địa bàn các huyện miền núi trong đó có: Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Thạch Bích; khu du lịch sinh thái Cà Đam - Hồ Nước Trong... Nguồn ngân sách thực hiện quy hoạch chưa có, nên ảnh hưởng đến việc quy hoạch không hiệu quả. - Các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi hầu hết là các huyện nghèo nên kinh phí đầu tư phát triển du lịch như tôn tạo các di tích, xúc tiến quảng bá, liên doanh, liên kết trong kinh doanh du lịch,... còn nhiều hạn chế. Chưa huy động được nhiều nguồn lực để phát triển du lịch nên phát triển du lịch trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi. 3.3. Đề xuất các giải pháp phát triền du lịch sinh thái ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi 3.3.1. Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách và quản lý Trong những năm tới, cần xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, là động lực phát triển kinh tế của các huyện miền núi trong tỉnh; Ban hành quy hoạch du lịch, thu hút đầu tư, quỹ đất, lao động, bảo tồn, phối hợp giữa các ngành có liên quan,… tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái, trong đó chú trọng các biện pháp: 112
  8. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2018 | 11/2018 - Về chính sách đầu tư phát triển du lịch: Áp dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư; Các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính và cơ chế “một cửa” trong việc xét duyệt các dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; hỗ trợ kinh phí tuyển dụng, đào tạo lao động cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong ngành du lịch. - Về thị trường: Tăng cường hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của của các huyện miền núi trong tỉnh như: tham gia hội chợ, hội thảo, hội nghị liên kết phát triển, chương trình khảo sát du lịch. 3.3.2. Nhóm giải pháp về cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch nói chung và du lịch sinh thái các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi còn yếu và thiếu, điều này làm hạn chế rất lớn khả năng thu hút khách du lịch. Để du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi phát triển nhanh chóng, ổn định, đạt được các mục tiêu đã đề ra, giai đoạn đến năm 2020 cần phải nỗ lực đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật ngành và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách du lịch. a. Đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú và cơ sở dịch vụ du lịch - Đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú: Hiện nay hệ thống cơ sở lưu trú của các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu vẫn là loại hình nhà nghỉ, nhà trọ và nhà khách ủy ban, chưa đáp ứng yêu cầu lưu trú của khách du lịch cần tập trung đầu tư nâng cấp nhà nghỉ thành các khách sạn đủ tiêu chuẩn, để phục vụ các đối tượng khách du lịch có khả năng thanh toán cao, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. - Đầu tư phát triển cơ sở dịch vụ du lịch: Trong giai đoạn đến năm 2020, ngành du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi cần ưu tiên đầu tư phát triển các công trình dịch vụ du lịch: công viên văn hóa - lịch sử, bảo tàng, điểm biểu diễn nghệ thuật dân tộc, điểm tổ chức các sự kiện (văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo), cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí (spa, massage, karaoke), cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe tại các trung tâm du lịch, cụm du lịch để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của du khách. b. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng liên quan đến du lịch - Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống các đường nhánh dẫn đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn các huyện miền núi trong tỉnh. Trong đó, ưu tiên đầu tư nâng cấp tuyến đường nối Quốc lộ 24, tỉnh lộ 622, 623, 627, các tuyến đường liên huyện, đường bê tông đến các điểm du lịch. - Xây dựng các biển chỉ dẫn đến các khu, điểm du lịch trên các tuyến đường giao thông. - Đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp điện, nước sạch, thông tin liên lạc đến các khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. 3.3.3. Nhóm giải pháp về tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch - Xây dựng trạm dừng chân trên các tuyến đường đến các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi kết hợp cung cấp thông tin cho du khách thông qua: Phát tờ rơi giới thiệu các khu, điểm du lịch sinh thái, khách sạn, nhà hàng, cửa hàng lưu niệm... - Thực hiện phim du lịch, bản đồ, tập gấp, tờ rơi,... nhằm góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi. 113
  9. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKHT 2018 - Tuyên truyền về thực trạng các vấn đề môi trường thông qua hoạt động du lịch cũng như vai trò của du lịch sinh thái đối với việc bảo vệ môi trường, duy trì cân bằng sinh thái. - Xây dựng trang thông tin điện tử về du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, cung cấp những thông tin cần thiết về tuyến điểm du lịch, lưu trú, lữ hành, vận chuyển, ăn uống, mua sắm, bản đồ du lịch, địa chỉ các cơ quan liên hệ khi cần thiết. Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, việc quảng bá du lịch qua mạng internet đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt đối với việc thu hút khách du lịch ngoài tỉnh và quốc tế. - Phối hợp chặt chẽ và tranh thủ sự hỗ trợ của cơ quan trung ương để quảng bá, xúc tiến du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi tại các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trong tỉnh cũng như trong nước. 3.3.4. Nhóm giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực - Tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch nhằm nâng cao trình độ, kiến thức của người lao động đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. - Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ cho cán bộ công chức, viên chức làm công tác quản lý Nhà nước và sự nghiệp trong ngành du lịch (đặc biệt chú trọng các đối tượng cán bộ trẻ có năng lực để làm nòng cốt lâu dài). - Đối với các địa điểm du lịch sinh thái ở các vùng sâu, gần các làng, bản của đồng bào dân tộc ít người cần tổ chức đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại chỗ gồm chính những người dân bản địa nhằm giúp du khách khám phá đầy đủ vẻ đẹp, sức hấp dẫn của điểm tham quan, đồng thời đảm bảo an toàn cho khách du lịch. 3.3.5. Nhóm giải pháp về hợp tác, liên kết giữa các huyện miền núi trong địa bàn tỉnh Quảng Ngãi Liên kết với các huyện miền núi trong tỉnh đối với công tác quy hoạch phát triển du lịch sinh thái nhằm tránh đầu tư trùng lặp các sản phẩm du lịch gây cạnh tranh không lành mạnh và lãng phí tài nguyên, vốn đầu tư. Liên kết với các huyện miền núi trong tỉnh nhằm xúc tiến công tác quảng bá và xây dựng các tour, các sản phẩm du lịch chuyên đề của vùng. Tăng cường hợp tác với các ngành trong tỉnh đối với công tác bảo tồn, các thắng cảnh, vườn quốc gia và đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng,... để phục vụ dân sinh và phát triển du lịch. Thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương khác trong việc xây dựng và kết nối các tour tuyến du lịch, đặc biệt là các tỉnh lân cận. 3.3.6. Nhóm giải pháp về bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch tự nhiên và môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành liên quan xây dựng hệ thống các tiêu chí đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch và xây dựng tiêu chuẩn môi trường du lịch. Bảo vệ nghiêm ngặt nguồn tài nguyên động - thực vật của hệ sinh thái rừng ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Xây dựng các công trình vệ sinh công cộng, nước sạch, xử lý rác và nước thải (tại các điểm du lịch và các khách sạn, nhà hàng); lắp đặt các thiết bị vệ sinh kèm theo hệ thống bảng chỉ dẫn cụ thể tại các điểm du lịch. Nghiêm khắc xử lý các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. 3.3.7. Nhóm giải pháp về khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tăng cường công tác gìn giữ vốn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của dân tộc Kinh, Kor, H’re và Ca Dong đang sinh sống ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Thông qua các hoạt động du lịch để phát triển kinh tế địa phương nhằm thu hút được người dân 114
  10. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2018 | 11/2018 địa phương tham gia vào công tác bảo vệ môi trường, người dân địa phương đóng một vai trò quan trọng đối với du lịch sinh thái. 4. KẾT LUẬN Các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái với hệ thống sông, hồ, suối, thác nước, thảo nguyên,... du lịch sinh thái các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi có vị thế rất quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ngãi cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi. Mặc dù có tài nguyên, thế mạnh để phát triển nhưng du lịch sinh thái các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn nhiều hạn chế. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, kém hấp dẫn đối với du khách. Sự đóng góp của du lịch trong cơ cấu kinh tế của địa phương còn rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Năm 2017, doanh thu từ du lịch sinh thái ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi đạt 4,250 tỷ đồng tuy nhiên lượng khách chủ yếu vẫn là khách nội địa. Trong quá trình phát triển du lịch sinh thái, tại đây đã xuất hiện không ít những tồn tại, nổi bật là cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, cơ chế chính sách thu hút đầu tư du lịch chưa được chú trọng. Do đó, để phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững, vừa đem lại hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội, vừa giữ gìn bảo vệ tài nguyên và môi trường thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp và cần sự phối hợp thực hiện của các ban, ngành, chính quyền, ban quản lý và người dân. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lê Huy Bá và nnk (2009). Du lịch sinh thái, NXB Khoa học và Kỹ thuật, thành phố Hồ Chí Minh. [2] Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi (2018). Niêm giám thống kê tỉnh Quảng Ngãi năm 2017, Quảng Ngãi. [3] Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi (2013), Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, Quảng Ngãi. [4] Nguyễn Minh Tuệ và nnk (2011). Địa lý du lịch Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội. [5] Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi (2016). Báo cáo tổng kết hoạt động du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020, Quảng Ngãi. Title: POTENTIALITY, ACTUALITY AND SOLUTIONS TO ECOTOURISM DEVELOPMENT IN SOME MOUNTAINOUS DISTRICTS IN QUANG NGAI PROVINCE Abstract: Mountainous districts in Quang Ngai province have relatively comprehensive ecotourism resources: various ecological values of forests, Ca Du fall, Trang fall, Ca Dam mountain, Violet pass, Thach Bich hot spring, Tra Boi stream, Doi hole, Pure Water lake, Dong Can lake... and mountainous ethnic religion cultures, such as Hre, Cor, Ca Dong have brought unique cultural shades, which are extremely precious for ecotourism development. In 2017, the income of the ecotourism in these districts reached 4250 billion; however, the primary visitors are interior. During the ecotourism development process, there were a couple of shortcomings, remarkably material facilities and infrastructure did not meet tourists’ needs, policy structure attracting investment was not attached. Therefore, it is necessary to carry out solutions comprehensively and cooperation among committees, branches, local authorities, management department and residents. Keywords: Tourism, ecological, mountainous area, Quang Ngai. 115
nguon tai.lieu . vn