Xem mẫu

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU Y HỌC

THỰC TRẠNG, NHU CẦU VÀ CÁC ĐIỀU KIỆN CẦN THIẾT
ĐỂ PHÁT TRIỂN ĐÀO TẠO BÁC SĨ GIA ĐÌNH Ở VIỆT NAM
Trần Khánh Toàn1, Nguyễn Hoàng Long2, Phạm Lê Tuấn2
1

Trường Đại học Y Hà Nội; 2Bộ Y tế

Nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng, nhu cầu và các điều kiện cần thiết cho đào tạo bác sĩ gia đình
(BSGĐ) thông qua phỏng vấn sâu, phỏng vấn bằng bảng hỏi mở với cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ
chuyên môn và cán bộ đào tạo y tế ở trung ương và 7 tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy đào tạo bác sĩ gia
đình là một nhu cầu tất yếu để nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Trên 500 bác sĩ gia đình đã được đào tạo,
song đội ngũ giảng viên của các trường còn thiếu và yếu, chưa có định hướng kế hoạch dài hạn cho đào tạo
bác sĩ gia đình. 92% bác sĩ tuyến y tế cơ sở có nhu cầu đào tạo nâng cao, trong đó chỉ 29% có nguyện vọng
đào tạo chuyên ngành bác sĩ gia đình. Cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về bác sĩ gia đình;
có quy định về vai trò, chức năng và cơ chế hoạt động của bác sĩ gia đình; có chiến lược đào tạo dài hạn và
chính sách hỗ trợ cho cán bộ y tế cơ sở.
Từ khoá: thực trạng, nhu cầu, điều kiện cần thiết, đào tạo, bác sĩ gia đình

I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Mô hình bác sĩ gia đình ra đời từ những
năm 1960 nhằm đáp ứng với sự thay đổi trong
mô hình bệnh tật và nhu cầu sử dụng dịch vụ
y tế của người dân ở các nước phát triển. Bác
sĩ gia đình là những thầy thuốc chịu trách
nhiệm chăm sóc sức khỏe toàn diện và liên
tục cho tất cả các cá nhân trong bối cảnh gia
đình, cho các gia đình trong bối cảnh cộng
đồng, không phân biệt tuổi, giới, chủng tộc,
bệnh tật cũng như điều kiện văn hoá và tầng
lớp xã hội” [1]. Với những thế mạnh của mình,
mô hình này đã cho thấy hiệu quả trong việc
tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao
chất lượng chăm sóc sức khỏe ở nhiều nước
trên thế giới [2].
Đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành y
học gia đình chính là chìa khoá để phát triển
và nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình. Mặc dù
Địa chỉ liên hệ: Trần Khánh Toàn, bộ môn Y học Gia đình,
trường Đại học Y Hà Nội
Email: tktoan@yahoo.com
Ngày nhận:
Ngày được chấp thuận:

TCNCYH 82 (2) - 2013

chia sẻ mục tiêu chung chăm sóc sức khoẻ
liên tục và toàn diện cho người dân song vẫn
có sự khác biệt trong các dịch vụ được cung
cấp bởi bác sĩ gia đình trong các hệ thống
chăm sóc sức khỏe của các nước. Đào tạo
bác sĩ gia đình cũng phản ánh sự đa dạng của
hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cộng
đồng của các nước. Đại hội đồng Y tế thế giới
đã thông qua nghị quyết kêu gọi các nước
thành viên "đào tạo và đảm bảo đầy đủ số
lượng nhân viên y tế, bao gồm cả bác sĩ gia
đình” [3].
Chăm sóc sức khoẻ ban đầu chú trọng
công tác dự phòng tại tuyến y tế cơ sở là một
trong những định hướng chiến lược quan
trong trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân
dân ở nước ta. Phát triển mô hình bác sĩ gia
đình được kỳ vọng là một giải pháp quan
trọng để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở
tuyến cơ sở và giảm tải cho các bệnh viện
tuyến trên [4]. Tuy nhiên vẫn chưa có nhiều
nghiên cứu về đào tạo và hoạt động của bác
sĩ gia đình ở Việt Nam [5]. Nghiên cứu này
nhằm đánh giá nhu cầu và thực trạng đào tạo
175

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU Y HỌC
bác sĩ gia đình và đưa ra các khuyến cáo đề
tăng cường đào tạo phát triển mô hình bác sĩ
gia đình ở Việt Nam.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP
1. Đối tượng
Nghiên cứu được thực hiện tại 7 tỉnh,
thành phố được lựa chọn có chủ đích ở cả 3
miền và có tính đại diện tương đối cho các
vùng sinh thái trong cả nước là Thái Nguyên,
Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Đắc
Lắc, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Các
tỉnh này hoặc có dự án về bác sĩ gia đình
đang được triển khai và đã có ít nhiều kinh
nghiệm trong tổ chức, quản lý và sử dụng dịch
vụ bác sĩ gia đình.

tính dựa trên phần mềm EpiData và xử lý
bằng phần mềm STATA phiên bản 12.0. Số
liệu định tính được ghi âm hoặc ghi tốc ký sau
đó gỡ băng hoặc đánh máy lại và thực hiện
việc phân tích theo phương pháp phân tích
nội dung.
3. Đạo đức nghiên cứu
Tất cả các đối tượng tham gia trả lời phỏng
vấn đều được giải thích rõ về nội dung và mục
tiêu của nghiên cứu và tự nguyện tham gia.
Các cuộc phỏng vấn sâu được ghi âm khi
được phép hoặc được ghi tốc ký. Thông tin
định lượng được nhập vào máy tính dưới
dạng mã hoá và chỉ những thành viên có trách
nhiệm trong nhóm nghiên cứu mới được tiếp
cận. Kết quả nghiên cứu đều được trình bày
dưới hình thức vô danh.

2. Phương pháp
- Phỏng vấn sâu lãnh đạo sở y tế 7 tỉnh và
lãnh đạo Trung tâm y tế của 2 huyện trong
mỗi tỉnh về nhu cầu đạo tạo bác sĩ gia đình ở
địa phương.
- Phỏng vấn bằng bảng hỏi cấu trúc với 53
bác sĩ làm công tác khám và điều trị tại 4 trạm
y tế và 2 phòng khám bệnh viện đa khoa
huyện/tỉnh và 02 phòng khám bác sĩ gia đình
công và tư/tỉnh, nếu có.
- Phỏng vấn sâu và phỏng vấn bằng bảng
hỏi mở với lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo
bộ môn y học gia đình của các trường đại học
y trên địa bàn về mô hình tổ chức, kế hoạch,
chiến lược, nội dung chương trình và các vấn
đề tồn tại vướng mắc trong đào tạo chuyên
ngành y học gia đình.
Nghiên cứu tổng hợp các văn bản chính
sách, tài liệu sẵn có liên quan đến định hướng
công tác chăm sóc sức khoẻ, hoạt động đào
tạo chuyên ngành bác sĩ gia đình tại Việt Nam
và ở một số nước trên thế giới.
Số liệu định lượng được nhập vào máy
176

III. KẾT QUẢ
1. Thực trạng công tác đào tạo y học
gia đình
Trong 5 trường đại học Y dược được khảo
sát, chỉ có 4 trường (Hà Nội, Huế, Cần Thơ,
Hải Phòng) thành lập bộ môn Y học gia đình
với 23 cán bộ cơ hữu, phần lớn từ các chuyên
ngành khác. Riêng trường Đại học Y Thái
Nguyên vẫn giữ mô hình trung tâm với toàn
bộ cán bộ giảng viên kiêm nhiệm.
Việc đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I y
học gia đình được bắt đầu từ năm 2002 tại
trường Đại học Y Hà Nội, sau đó được phát
triển ra tất cả các trường trong cả nước và
đến nay đã có 546 bác sĩ tốt nghiệp.
Mã số đào tạo thạc sĩ y học gia đình đã
được chấp thuận từ năm học 2010 - 2012
song chưa thực hiện được do thiếu học viên.
Hai đơn vị học trình y học gia đình được đưa
vào chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa
nhưng phần lớn các trường chỉ có thể bắt đầu
TCNCYH 82 (2) - 2013

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU Y HỌC
triển khai từ năm học 2017 - 2018.
Chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa
cấp I hiện vẫn còn nhiều bất cập:
“… chương trình còn nặng nề, dàn trải
nhiều nội dung nhưng không sâu, một số vấn

đề không nắm vững, một số chuyên khoa chỉ
đào tạo trong thời gian ngắn 2 - 3 tuần nên
học viên cảm thấy chưa tự tin …” (Lãnh đạo
bộ môn Y học gia đình).

Biểu đồ 1. Số lượng học viên bác sĩ chuyên khoa cấp I y học gia đình qua các năm
Cơ sở thực tập cho học viên bác sĩ gia
đình hiện nay chủ yếu là tại các bệnh viện
tuyến tỉnh và tuyến trung ương đóng trên địa
bàn và chưa có các cơ sở thực hành chuẩn
theo mô hình y học gia đình:
“…Bộ môn còn thiếu giáo viên giảng dạy
thực hành và chưa có phòng khám y học gia
đình hoạt động đúng theo nguyên lý y học gia
đình đã được dạy về lý thuyết…” (Lãnh đạo bộ
môn Y học gia đình).
2. Nhu cầu đào tạo bác sĩ gia đình
Mặc dù chưa khảo sát đầy đủ về nhu cầu
của cộng đồng, tuy nhiên lãnh đạo của các
trường đại học đều thừa nhận nhu cầu đào
tạo bác sĩ gia đình. Cơ sở cho nhận định này
là điều kiện kinh tế được cải thiện và mô hình
bệnh tật thay đổi dẫn đến nhu cầu lớn hơn
cho việc chăm sóc toàn diện, liên tục; mô hình
bác sĩ gia đình đã cho thấy hiệu quả trong khi
bác sĩ tuyến y tế cơ sở hiện nay không có
nhiều cơ hội để học lên cao, ngoài việc đi theo
con đường bác sĩ gia đình.

TCNCYH 82 (2) - 2013

Khảo sát 53 bác sĩ đang công tác tại các
phòng khám, trạm y tế cho thấy, có 49 người
có nhu cầu học lên (92%), trong số đó chỉ có
14 người mong muốn học về y học gia đình
(29%). Bậc học được lựa chọn nhiều nhất là
bác sĩ chuyên khoa cấp I, II đều là 16 người
chiếm 33%. Ngoài ra có 9 bác sĩ mong muốn
được đào tạo lại để cập nhật kiến thức. Có 18
bác sĩ (37%) mong muốn được học tại chức
và 17 bác sĩ mong muốn được học ngay tại
địa phương (35%).
Nhận thức của cộng đồng về bác sĩ gia
đình vẫn còn hạn chế, ngay cả với cán bộ y
tế. Kết quả khảo sát cho thấy mặc dù có
29/53 bác sĩ tại các cơ sở y tế đã từng nghe
nói về y học gia đình, tuy nhiên chỉ có chưa
đầy 1/3 trong số này hiểu đúng cơ bản về
chuyên ngành.
Trong khi lãnh đạo các trường Đại học Y
dược đều cho rằng nhu cầu đào tạo về y học
gia đình ở mức rất cao thì lãnh đạo của các
cơ quan quản lý y tế địa phương lại bày tỏ thái
độ dè dặt hơn.

177

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU Y HỌC
“chuyên ngành y học gia đình chưa thu hút
được người học, không có nguồn đào tạo do
thiếu nhân lực cộng với sự thiếu quan tâm và

8%

hiểu biết của dân và lãnh đạo cộng đồng”.
(Lãnh đạo một Trung tâm y tế huyện).

Không có nhu cầu

26%

Có nhu cầu học YHGĐ

66%
Có nhu cầu học
chuyên ngành khác
Biểu đồ 2. Nhu cầu học thêm của cán bộ tại các phòng khám
Một lý do quan trọng là chức năng nhiệm
vụ của bác sĩ gia đình chưa được quy định rõ
ràng nên, như lời của một lãnh đạo sở y tế,
“đến cả bản thân bác sĩ gia đình cũng chưa rõ
chức năng nhiệm vụ của mình”. Bởi vậy khi so
với các chuyên ngành lâm sàng khác thì
chuyên ngành y học gia đình vẫn còn thiếu
sức hấp dẫn.
“…đa số học viên thì thích chọn bác sĩ đa
khoa hoặc bác sĩ các chuyên khoa như Nội,
Ngoại, Sản, Nhi,… mà ít chọn y học gia đình
vì không thấy hấp dẫn…”. (lãnh đạo một sở
y tế).
Một lý do khác khiến cho chuyên ngành y
học gia đình thiếu sức hấp dẫn là “…sau học
xong vẫn làm việc tại tuyến xã phường không
cải thiện được lương, thu nhập, chuyên
môn...” (lãnh đạo một trường đại học y).
3. Các điều kiện cần thiết để phát triển
đào tạo bác sĩ gia đình
Một khi nhận thức được nâng cao, thái độ
của người dân đối với việc sử dụng dịch vụ
bác sĩ gia đình sẽ được cải thiện, nhu cầu đào
tạo cũng sẽ tăng lên.
“chỉ khi nào người dân hiểu rõ về bác sĩ gia
đình, tìm đến với bác sĩ gia đình thì tự khắc
178

nhu cầu đào tạo về Y học gia đình cũng sẽ
tăng lên” (lãnh đạo một trường đại học y).
Để thúc đẩy công tác đào tạo, Bộ Y tế cần
có quy định rõ vai trò, vị trí của bác sĩ gia đình
để tăng khả năng thu hút cán bộ y tế theo học
và làm cơ sở cho lập kế hoạch, chiến lược
đào tạo chuyên ngành y học gia đình.
“…Bộ cũng cần xác định rõ vị trí công tác,
chức năng nhiệm vụ của bác sĩ gia đình trong
hệ thống y tế, nhất là vai trò chăm sóc sức
khoẻ ban đầu ở tuyến y tế cơ sở…” (lãnh đạo
một trường đại học y).
Để đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào
tạo cần xây dựng các phòng khám bác sĩ gia
đình chuẩn làm cơ sở thực hành cho học viên
và rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình. Các cơ
chế hỗ trợ cho hoạt động của bác sĩ gia đình
như quy định về chuyển tuyến, phản hồi thông
tin, chi trả bảo hiểm y tế,... là hành lang pháp
lý bắt buộc cho các phòng khám y học gia
đình hoạt động.

IV. BÀN LUẬN
Với đội ngũ cán bộ, giảng viên mỏng, hầu
hết các bộ môn y học gia đình ở các trường
mới chỉ dừng lại ở việc giảng daỵ phần đại
TCNCYH 82 (2) - 2013

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU Y HỌC
cương về y học gia đình chứ chưa tham gia giảng
dạy lâm sàng như ở các nước phát triển [6].
Nhìn chung, các trường vẫn chưa có định
hướng chiến lược dài hơi cho đào tạo y học
gia đình nên vẫn còn lúng túng, bị động trong
xác định đối tượng và loại hình đào tạo ưu
tiên. Nguồn tuyển sinh đào tạo hiện chủ yếu
vẫn dựa vào nhu cầu tự phát của cán bộ y tế
cơ sở chứ chưa có đánh giá nhu cầu thực tế
và kế hoạch thu hút học viên. Ngoại trừ các
trường liên kết đào tạo với những địa phương
có dự án hỗ trợ, số lượng học viên đang có xu
hướng giảm, nhiều trường không duy trì được
việc tuyển sinh hàng năm. Việc đánh giá đầy
đủ hơn về nhu cầu đào tạo là hết sức cần thiết
để có chiến lược tổng thể dài hạn cho đào tạo
y học gia đình.
Chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa
cấp I y học gia đình được phát triển kết hợp
một phần chương trình bác sĩ đa khoa với
chương trình y tế dự phòng, chăm sóc sức
khỏe ban đầu chứ chưa căn cứ vào nhu cầu
thực tế của cộng đồng, chức năng, nhiệm vụ,
vị trí công tác của người học, mô hình bệnh
tật, điều kiện nhân lực cũng như trang thiết bị
sẵn có tại tuyến y tế cơ sở [6]. Hơn nữa, mô
hình bệnh tật và trang thiết bị kỹ thuật tại các
bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương khác hẳn với
ở tuyến y tế cơ sở. Bởi vậy việc đào tạo thực
hành lâm sàng cần có sự sàng lọc, lựa chọn
những khoa phòng phù hợp.
Hiện nay đã có hàng trăm bác sĩ tốt nghiệp
chuyên khoa cấp I Y học gia đình và trở về
làm việc ở tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên chúng
ta vẫn chưa có những nghiên cứu đầy đủ về ý
kiến phản hồi của các cán bộ sau đào tạo về
sự phù hợp của mô hình đào tạo, nội dung
chương trình giảng dạy cũng như khả năng áp
dụng các kiến thức đã học vào tình hình thực
tế của địa phương [5].
Mặc dù có hơn 8000 bác sĩ đang công tác
TCNCYH 82 (2) - 2013

tại các trạm y tế song trên thực tế, hiện nay
các trường đều gặp khó khăn trong việc kêu
gọi và thu hút học viên sau đại học. Điều đó
chứng tỏ rằng chỉ đơn thuần dựa vào sự phát
triển nhu cầu tự phát của cán bộ y tế cơ sở
như hiện nay là chưa đủ để phát triển công
tác đào tạo chuyên ngành y học gia đình.
Việc đào tạo đồng loạt cho toàn bộ các bác
sĩ đang công tác tại tuyến y tế cơ sở là không
khả thi. Thay vào đó đòi hỏi các trường phải
đa dạng hoá các loại hình đào tạo, tăng
cường đào tạo liên tục tại địa phương, đào tạo
bổ sung cập nhật kiến thức và thay đổi thái độ
thực hành theo hướng y học gia đình. Mô hình
đào tạo tại chỗ theo tín chỉ và từng bước
chuẩn hoá kiến thức, kỹ năng như ở một số
nước phát triển có thể được tham khảo và áp
dụng đối với các cán bộ y tế đang công tác tại
các trạm y tế [6].
Nhu cầu đào tạo về y học gia đình chưa
cao bởi đây là một chuyên ngành mới, độ bao
phủ còn thấp, khái niệm bác sĩ gia đình vẫn
còn khá xa lạ với cả cộng đồng lẫn cán bộ y
tế. Để mở rộng đào tạo, trước hết cần có biện
pháp để nâng cao nhận thức của người dân
về chuyên ngành này. Ngoài việc tăng cường
công tác tuyên truyền, cần phải có quy định rõ
rằng về chức năng nhiệm vụ của bác sĩ gia
đình. Điều này không chỉ giúp người dân hiểu
rõ hơn về bác sĩ gia đình mà còn góp phần
làm tăng tỷ lệ sinh viên đăng ký theo học
chuyên ngành y học gia đình [7].
Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho
thấy, mô hình bác sĩ gia đình đều được vận
hành thành công trong cơ chế công - tư kết
hợp. Đào tạo bác sĩ gia đình cần phải được
đặt ra đối với hệ thống y tế tư nhân, trước mắt
tập trung đào tạo định hướng, cập nhật bổ
sung kiến thức và khuyến khích hành nghề
theo định hướng y học gia đình, sau đó từng
bước đào tạo chuyên khoa sau đại học.
179

nguon tai.lieu . vn