Xem mẫu

Suy nghĩ sau cuộc thi và triển lãm ảnh Chân dung con người Việt Nam hôm nay năm 2010 Thầm lặng – Tác giả: Diệp Đức Minh Cuộc thi Chân dung con người Việt Nam hôm nay năm 2010 được triển lãm ở Hà Nội và TPHCM, đã qua đi giữa tháng 3/2011. Các giải thưởng đã được trao. Đã có một cuộc mạn đàm ngắn về chuyên môn giữa các nhà nhiếp ảnh. Nhưng vì tầm vóc lớn của cuộc thi và triển lãm nghệ thuật mang tính toàn quốc do Hội Nghệ sĩ Việt Nam tiến hành, thường thực hiện 2 năm/lần với các chủ đề khác nhau, khiến chúng tôi phải lên tiếng. 1. Tên cuộc thi là thật hay. Từ ngày thành lập Hội, tháng 12/1965, đây là lần đầu tiên Hội thực hiện một cuộc về chân dung. Chủ đề cuộc thi và triển lãm gồm hai vế, “Chân dung người Việt Nam” và “Hôm nay”. Thật hợp với ngôn ngữ nhiếp ảnh là chụp cái hiện hữu: không thể chụp cái hôm qua, cũng như không thể chụp cái ngày mai. Và, chắc chắn phải là ảnh thật, không thể hư cấu. Phát động ba tháng, 767 tác giả từ 61 tỉnh thành cả nước gửi tới 4.112 tác phẩm; được chọn bày 119 tác phẩm, lọt vào vòng giải thưởng 12 bức. Vì vậy, hay dở gì về giá trị nghệ thuật của tác phẩm là thuộc về phía người dự thi. Ban tổ chức và Hội đồng nghệ thuật thẩm định, chọn treo, trao giải là trên số ảnh đã có. Mở đầu cuộc mạn đàm chuyên môn, ông Chủ tịch Hội đưa ra nhận xét: Chân dung là thể loại khó thực hiện và là thử thách đối với bất cứ người cầm máy nào. Giới nhiếp ảnh quan tâm đã đành. Đại chúng thưởng lãm quan tâm trước hết đến giá trị nghệ thuật, rồi đến cảm nhận “diện mạo, thần sắc, hình dáng” con người đồng bào mình trong … xã hội hôm nay. 2. “Con người Việt Nam hôm nay”, nhìn vào triển lãm chúng ta gặp được số rất đông khuôn mặt trẻ, nữ tới 2/3. Lĩnh vực học tập, ca hát, vui chơi; một ít người lao động nông ngiệp/thủ công và ít hơn là người công nhân. Con người Việt Nam hôm nay ở triển lãm, rõ ràng vắng bóng những nhà khoa học, trí thức trẻ, lao động công nghiệp nặng hoặc chiến sĩ ngoài đảo xa, … , người xem ảnh muốn biết nhưng những người cầm máy chẳng mấy quan tâm. Chắc phải hẹn lần sau,!?. Nói “chân dung là thể loại ảnh khó thực hiện” bởi vì, từ khi nhiếp ảnh ra đời cách nay hơn 170 năm đã chú trọng chụp Người, tiếp nhận thành công mà hội hoạ đã dầy công tạo hình từ nghìn năm trước. Qua khuôn mặt, thấy được cá tính, chiều sâu tâm hồn và … qua chân dung “người ta” mà thấy tài năng tạo hình dáng, lối chiếu sáng và vốn tri thức của người vẽ nên. Làm cho tác phẩm chân dung nổi hình khối trên mặt phẳng hai chiều. Nhưng người vẽ một chân dung phải mất nhiều thời gian, còn phương thức chụp chân dung có thể đáp ứng hàng triệu người cần có. Ảnh chân dung không phải là thứ “ảnh thẻ” để nhận dạng. Nhưng để thành tác phẩm nghệ thuật ảnh chân dung thì đòi hỏi khắt khe, và để trưng ra, giật giải càng khó hơn nữa. Phần đông tác phẩm ảnh trưng bày lần này là chân dung “con người trong công việc”. Cho phép chân dung mở rộng đến nửa người, động tác tay, nhưng đã là chân dung thì khuôn mặt phải được chăm sóc cho tốt hơn, về chiếu sáng, về tình cảm và ý chí của nhân vật. Ở triển lãm lần này, chưa thấy cái khó phải tìm tòi, khám phá Tinh thần Con Người Việt Nam Mới và cái khó của tạo hình ảnh chân dung. Các tác giả chỉ cần … “em ơi, cười lên” là bấm máy. Cười là vui, dân ta chẳng đã được một tổ chức xã hội học điều tra, công nhận là dân tộc lạc quan bậc nhất hành tinh! Nhưng tác phẩm chân dung không chỉ có cười là trên hết. 3. Triển lãm lần này vắng tên tuổi các nhà nhiếp ảnh thế hệ trước. Ngay thế hệ trước cũng không phải ai cũng giỏi về chụp chân dung. Nhưng họ cẩn trọng chọn nhân vật điển hình (chưa nói đến “xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình”), lao công khổ tứ thâm nhập cuộc sống, học hỏi, cảm nhận tâm hồn qua công việc của con người hiện đại. Và, họ quan tâm đến ngôn từ cho tác phẩm mà chúng ta quen nói là Tên tác phẩm. Trong vựng tập, nhiều tấm ảnh có tên không ăn nhập gì với nội dung trong ảnh. Lỗi của tác giả ảnh ngày nay không chịu trau chuốt ngôn từ. Ngay tên tác phẩm đoạt Huy chương Vàng cũng “yếu”: Thầm lặng giữa cơn nước sôi lửa bỏng! Nếu một tác phẩm không hoàn thiện thì không nhất thiết phải xếp giải cao. Trách nhiệm gánh vác trên vai dàn nghệ sĩ trẻ làm các chức năng “Chấp hành Hội” hiện nay rất lớn, để có thể bồi dưỡng tri thức nhiếp ảnh cho thế hệ người ảnh hiện tại. Chúng tôi hy vọng như vậy. ... - tailieumienphi.vn
nguon tai.lieu . vn