Xem mẫu

  1. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ QUANG PHỔ CỦA NHỮNG HÌNH THỨC DU LỊCH VĂN HỌC (Từ kinh nghiệm thực tiễn của các nước Âu Mỹ và Hàn Quốc) Phan Thị Thu Hiền(*) HISTORY AND DEVELOPMENT AND OPTICAL SPECTRUM OF THE FORM OF LITERATURE TRAVEL (from the practical experience of the US and European countries and South Korea) Abstract This paper focuses on the process of formation and development as well as the spectrum of Literary Tourism in the world with case studies of Europe, United States of America and South Korea. Some ideas for developing Literary Tourism in Vietnam can be suggested. * Dẫn nhập Trong khảo sát điền dã tháng 6/2013, lần đầu tiên chúng tôi biết đến và có ấn tượng mạnh với du lịch văn học như một loại hình du lịch khá phổ biến ở Hàn Quốc. Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi nhận ra rằng du lịch văn học có vai trò quan trọng và đang ngày càng phát triển, ngày càng thu hút sự quan tâm của các học giả trên thế giới. Báo cáo này xin giới thiệu khái lược về du lịch văn học, nhận diện những hình thức đa dạng trong quá trình hình thành và phát triển của du lịch văn học trên thế giới. Chúng tôi xin lấy thí dụ minh họa từ hai trường hợp nghiên cứu: (1) thứ nhất là Hàn Quốc, nơi chúng tôi có kinh nghiệm thực tế về các tour du lịch văn học; (2) thứ hai là các nước Âu Mỹ, nơi mà qua tìm hiểu chúng tôi thấy du lịch văn học hình thành sớm và phát triển mạnh mẽ, thành công; Qua khái quát kinh nghiệm thế giới, chúng tôi mong muốn khơi gợi đôi điều suy nghĩ về xây dựng và phát triển du lịch văn học ở Việt Nam. 1. Khái niệm Du lịch văn học Thuật ngữ tiếng Anh cho “Du lịch văn học” là “Literary Tourism” được dùng khá phổ biến trên thế giới. Kết quả tra cứu trên google ngày 9 tháng 12 năm 2014 với thuật ngữ này cho khoảng 86.900 kết quả trong 0,25 giây. Thuật ngữ gần như cùng nghĩa là “Literature Tourism” có 50.900 kết quả trong 0,28 giây. Chưa kể các từ thuộc phạm vi (trường) của “Du lịch văn học” như “Literary Tour” (129.000 kết quả trong 0,23 giây), “Literature Journey” (9.440 kết quả trong 0,26 giây)… Bách khoa thư về du lịch định nghĩa: “Du lịch văn học là một hình thức du lịch trong đó động cơ chính để đi thăm những vùng đặc biệt có gắn với một quan tâm về văn học. Điều này có (*) PGS.TS., Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  2. thể bao gồm việc đi thăm các ngôi nhà xưa và nay của những tác giả (đang sống hay đã mất), những địa điểm thực hay huyền thoại được miêu tả trong văn học, thăm những khu vực mà danh tiếng của chúng có gắn với các nhân vật và sự kiện văn học. Các khu vực gắn bó mật thiết với tác giả có thể được tiếp thị theo mạch này, ví dụ như “vùng quê của Shakespeare” [Dẫn lại theo Trần Nho Thìn 2014(1)]. Định nghĩa về Du lịch văn học này, theo chúng tôi, mang tính miêu tả, chủ yếu gắn với không gian, chưa bao quát được tất cả nội hàm của khái niệm. Vận dụng tư tưởng của G. Richards(2) trong bài nghiên cứu “Du lịch văn hóa” là gì?” (“What is Cultural Tourism?”), chúng tôi cho rằng có thể đi đến một định nghĩa toàn diện về du lịch văn học từ bốn hướng tiếp cận / bốn chiều kích. Hướng tiếp cận thứ nhất, căn cứ trên nguồn Cung (Supply), có thể xác định một hình thức du lịch nhất định với tư cách một bộ phận đặc thù của hệ thống du lịch và công nghiệp du lịch, sử dụng hạ tầng của công nghiệp du lịch,tạo nên một phân khúc thị trường riêng biệt. Đây có thể gọi là định nghĩa với xuất phát điểm du lịch (Tourism Derived Definition). Theo đó, du lịch văn học là một hình thức Du lịch Văn hóa, dựa trên nguồn tài nguyên du lịch liên quan đến văn học (bao gồm không chỉ các tác phẩm văn chương và tác giả của chúng mà cả các hoạt động văn học). Hướng tiếp cận thứ hai, căn cứ trên nguồn Cầu (Demand), có thể xác định một hình thức du lịch nhất định từ đối tượng du khách đặc thù với động cơ du lịch đặc thù của họ. Đây có thể gọi là định nghĩa về động cơ (Motivational Definition). Theo đó, du lịch văn học là hình thức du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của những du khách, ở những mức độ nhất định, có hiểu biết, quan tâm đến văn học. Qua phương tiện văn học, người ta có thể hiểu biết, giao tiếp với những con người, xứ sở, những thời đại khác nhau, thêm hiểu biết chính bản thân mình. Hướng tiếp cận thứ ba, căn cứ bản chất (Concept), có thể xác định một hình thức du lịch nhất định dựa trên những ý nghĩa (Meaning) đặc thù mà hình thức du lịch này mang đến. Đây có thể gọi là định nghĩa về cảm hứng và trải nghiệm (Experiential / Aspirational Definition). Theo đó, du lịch văn học là hình thức du lịch cấp cho du khách những thông tin, trải nghiệm, cảm hứng liên quan những giá trị văn học. Hướng tiếp cận thứ tư, căn cứ cách thức tổ chức, có thể xác định một hình thức du lịch nhất định dựa trên khuôn khổ, phạm vi (Scale and Scope) những chương trình, hoạt động của nó. Đây có thể gọi là định nghĩa về sự vận hành (Operational Difinition). Theo đó, du lịch văn học liên quan đến những hình thức đa dạng của hành trình tham quan, tham dự những địa điểm và sự kiện văn học. Bốn hướng tiếp cận / bốn chiều kích không độc lập mà phụ thuộc, tương tác này có thể vẽ sơ đồ theo quan hệ trục tung giữa (1) Cung và (2) Cầu; quan hệ trục hoành giữa (4) Vận hành và (3) Nghĩa. Trong đó, các hướng tiếp cận (1) và (4) đặt tiêu cự trên công nghiệp du lịch, nhà tổ chức du lịch; còn các hướng tiếp cận (2) và (3) đặt tiêu cự trên du khách.
  3. Sơ đồ Bốn chiều kích nhận diện một hình thức du lịch (dựa theo G. Richards(3)) Tới đây, có thể tạm đưa ra định nghĩa: Du lịch văn học là một hình thức Du lịch văn hóa, dựa trên hành trình tham quan, tham dự những địa điểm và sự kiện liên quan đến nguồn tài nguyên văn học (bao gồm các tác phẩm văn chương và tác giả của chúng), cấp những thông tin, trải nghiệm, xúc cảm văn học, đáp ứng nhu cầu của đối tượng du khách có hiểu biết và quan tâm đến văn học ở những mức độ nhất định. Bài nghiên cứu này của chúng tôi chủ yếu tập trung vào hướng tiếp cận / chiều kích (4) Vận hành, tất nhiên, không thể tách khỏi quan hệ với ba hướng tiếp cận còn lại. 2. Quá trình hình thành, phát triển của du lịch văn học Những hình thức đơn giản, tự phát, cá nhân của du lịch văn học, như việc một vài độc giả nào đó thăm nơi liên quan cuộc đời tác giả hoặc liên quan tác phẩm, thì có lẽ đã xuất hiện từ lâu, có lẽ cũng cổ xưa như chính văn học. Một trong những ghi chép sớm nhất về du lịch văn học là của Petrarch ở Nam Âu, tk 15. Những thế kỷ tiếp theo, du lịch do động cơ văn học vẫn tiếp tục là một thực hành khá phổ biến trong giới tinh hoa châu Âu (Anh, Pháp, Ý..) [Nicky van Es.(4)]. Từ thế kỷ 19, du lịch văn học mở rộng cho đông đảo du khách, không chỉ giới hạn trong giới tinh hoa, bắt đầu hình thành. Theo những ghi chép lịch sử, du khách bắt đầu hứng thú tham quan những địa điểm, không gian liên quan cuộc đời nhà văn, những địa điểm, không gian được miêu tả trong tác phẩm văn học. Chẳng hạn ở Anh từ thời kỳ này, những điểm đến nổi tiếng là Stratford gắn với Shakespeare, Abbotsford gắn với Sir Walter Scott, Haworth gắn với chị em văn sĩ nhà Bronte(5) … Sang thế kỷ 20 và đặc biệt từ thế kỷ 21, du lịch văn học ngày càng phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển du lịch văn học đi cùng xu thế chung của sự phát triển mạnh mẽ du lịch nói chung, du lịch văn hóa nói riêng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Du lịch văn hóa là thị phần tăng nhanh nhất trong hệ thống công nghiệp du lịch. Theo thống kê năm 2009 của Quỹ Bảo tồn Lịch sử Quốc gia, có 78% du khách Mỹchọn các điểm đến, hoạt động văn hóa nghệ thuật trong tour du lịch của họ(6). Nghiên cứu của Hội đồng Nghệ thuật Ontario (Ontario Arts Council), Canada năm 2012 cho thấy 89% du khách Bắc Mỹ đến Ontario chọn mua các tour có điểm đến, hoạt động văn hóa nghệ thuật; 44% xác định mục đích chính của họ là du lịch văn hóa; du khách
  4. của du lịch văn hóa ở lâu hơn (trung bình lưu trú 4,4 đêm, tức là 42% lâu hơn so với du khách khác lưu trú trung bình 3,1 đêm)và chi phí nhiều hơn (trung bình một tour chi $ 667, tức là cao gấp đôi so với du khách khác chi trung bình $ 374). Theo PMB, trong thị trường du lịch văn hóa thì du lịch văn học lại là hình thức có tỷ lệ ngày càng tăng. Sáng lập trang webDu khách văn chương www.literarytourist.com (từ năm 2010), Nigel Baele đã liên kết với các nhà quản lý thị trường du lịch khắp thế giới để phát triển du lịch văn học. Năm 2012, website này đã tham gia tổ chức hơn 800.000 chuyến du lịch văn học độc đáo. Theo nghiên cứu của Nigel Baele, những người yêu sách (Book Lovers) tham gia website này, có đến 27% thích du lịch nước ngoài, họ cũng là những người thường đi du lịch với hơn 7 chuyến / năm(7). Trong chuyên khảo năm 2011, Du lịch Hậu hiện đại: Văn học, Văn hóa và Môi trường (Postcolonial Tourism: Literature, Culture, and Environment), Anthony Carrigan đã khẳng định văn học, văn hóa như một trong những nguồn tài nguyên quan trọng nhất mà phát triển du lịch bền vững thế kỷ 21 hướng tới(8). Trên website của Tổ chức Du lịch Thế giới (World Tourism Organization) năm 2014, đăng tải bài nghiên cứu với nhan đề đầy khơi gợi: “Một chương mới: Du lịch văn học sẽ là tương lai?”(9). 3. Những hình thức đa dạng của du lịch văn học Qua quá trình hình thành và phát triển, đặc biệt là từ cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, du lịch văn học đã ngày càng đa dạng, chuyên nghiệp và hiện đại. 3.1. Từ kiểu thức du lịch xoay quanh cuộc đời Tác giả (Authorial) đếnkiểu thức du lịch gắn với thế giới nghệ thuật của Tác phẩm (Fictive) Du khách văn chương: Độc giả và những điểm đến ở Anh thời Roman và Victoria (The Literary Tourist: Readers and Places in Romantic & Victorian Britain) là chuyên khảo của Nicola Watson tìm hiểu du lịch văn học từ những thời kỳ đầu. Watson đã nhận diện hai kiểu thức (modes) cơ bản của du lịch văn học mà bà nghiên cứu trong hai phần của cuốn sách: (1) “Placing the Author” và (2) “Locating the Fictive”. Du khách lúc đầu quan tâm đến những địa điểm xoay quanh tác giả, sau mở rộng hứng thú tới những khung cảnh thực hoặc tưởng tượng được miêu tả trong tác phẩm. Hai kiểu thức cơ bản này đã dẫn dắt những chiến lược, chiến thuật khác nhau trong tổ chức du lịch văn học. Kiểu thức tác giả (the Authorial) nhấn mạnh trên tiểu sử, cuộc đời nhà văn. Du khách tìm theo dấu chân tác giả khi đi thăm nơi sinh, nơi sống, làm việc, nơi mất, ngôi mộ…của ông / bà ta; nhất là những nơi tác giả hay lui tới, để lại dấu ấn, tạo nên cảm hứng sáng tác… Cindy Lovell, giám đốc điều hành Nhà và Bảo tàng Mark Twain cho rằng: “Thăm nơi nhà văn sáng tác cấp cho du kháchcái nhìn mang tính cá nhân vào cuộc sống của nhà văn và mang ngôn từ tác phẩm tới cuộc sống. Đối với một số người, đó là cuộc hành hương thể hiện sự tôn kính đối với nhà văn họ yêu quý. Đối với những người khác, chỉ đơn giản như thăm một người bạn cũ. Trong mọi trường hợp, đó là một trải nghiệm sâu sắc.”Năm 2013, hơn 50.000 du khách đã đến thăm Nhà và Bảo tàng Mark Twain, hơn 20.000 người đã tham dự những sự kiện đa dạng tổ chức ở đây. Kiểu thức tác phẩm (the Fictive) nhấn mạnh trên những chiến thuật đa dạng về tác quyền hiện thực (authentication) của những tác phẩm hư cấu, tưởng tượng. Du khách mong muốn tìm “nguyên mẫu” của những nơi chốn tưởng tượng cũng như “nguyên mẫu” của những nhân vật trong tác phẩm. Nhà văn giải Nobel, Cao Hành Kiện từng nói rằng: “Chính là trong văn học, cuộc sống thực sự được tìm thấy. Chính là dưới cái vỏ (mặt nạ) hư cấu mà bạn có thể nói lên chân lý (sự thật)”. Chính là trong sách, chúng ta có thể tới những hành tinh mới, đi vào tâm trí của những cá nhân và tìm thấy ý nghĩa, chân lý cuộc đời chính mình. Chính vì vậy không ngạc
  5. nhiên rằng du khách hứng thú tìm kiếm cái hư cấu được hiện thực hóa trong đời thực. Chính từ động cơ này mà hình thành du lịch văn học”(10). Trong thực tế về sau, thường là không dễ tách biệt hai kiểu thức. Một điểm du lịch văn học nhất định có thể và thường bao gồm cả kiểu tiểu sử tác giả lẫn kiểu tác phẩm hư cấu. Chẳng hạn như Bảo tàng Honbul(Lửa hồn) liên quan đến trường thiên tiểu thuyết cùng tên mà nữ nhà văn Myeong-hui Choi sáng tác suốt 17 năm, kiệt tác đánh dấu bước chuyển lịch sử của văn học Hàn Quốc cuối thế kỷ XX. Điểm du lịch này có nhà tác giả đồng thời có bảo tàng tác phẩm, thậm chí, cả ngôi làng trở thành một bảo tàng mở rộng, với những ngôi nhà của các nhân vật chính, những không gian “thực tế” nơi diễn ra cuộc gặp của các nhân vật trong tác phẩm. Hai kiểu thức (the Authorial and the Fictive modes) tương đối khác biệt này, mặt khác, lại chia sẻ điểm tương đồng quan trọng là lấy văn bản tác phẩm (Text) làm trung tâm, nhấn mạnh quan hệ giữa tác phẩm, tác giả và bối cảnh (Context). Hệ quả là cả hai đều quan tâm xây dựng các cảnh quan (Landscape) như là sản phẩm du lịch quan trọng dựa vào các không gian gắn với sự kiện trong cuộc đời tác giả cũng như các không gian gắn với sự kiện, nhân vật của tác phẩm. Nghĩa là khai thác quan hệ giữa ngôn từ và xứ sở (Language and the Land). Hệ quả là một trong những hướng quan trọng trong khai thác tài nguyên, xây dựng và phát triển du lịch văn học là lập Bản đồ văn học (Literature Map). [Xin xem thêm Trần Nho Thìn: “Không gian văn hóa Nguyễn Du và du lịch văn hóa”]. 3.2. Từ kiểu thức du lịch Không gian (Location) đếnkiểu thức du lịch Trải nghiệm (Experience) Thời kỳ đầu, chú trọng Không gian (Location), tuy nhiên, sau đó, du lịch văn học mở rộng quan tâm tới Hoạt động (Activity), Sự kiện (Event), mà nhất là nhấn mạnh Trải nghiệm (Experience) của du khách. Nếu đến chiêm ngưỡng nhà của thám tử Sherlock Holmes (nhân vật lừng danh trong bộ truyện trinh thám lẫy lừng của Conan Doyles) trên phố Baker cũng như ngắm nhìn nhiều biểu tượng của Holmes rải rác khắp thủ đô London hoặc nếu đến St. Petersburg từng là thủ đô của nước Nga, tìm theo “con đường sát nhân” của Raskolnikov (nhân vật trong tiểu thuyết Tội lỗi và trừng phạt của Dostoyevsky) từ nhà hắn đến tiệm cầm đồ có bà chủ bất hạnh bị hắn sát hại thì đây là kiểu thức du lịch không gian. Trong khi đó,kiểu thức du lịch trải nghiệm cho du khách nhập thân nhân vật qua những phiêu lưu thực sựsao cho càng giống với tình huống của nhân vật càng tốt. Chẳng hạn fan hâm mộ truyện khoa học viễn tưởng Trò chơi sinh tử (The Hunger Games) của nhà văn best-seller Suzan Collins, sẽ có cơ hội trực tiếp khám phá “trò chơi” này khi được đem tới những khu rừng ở Bắc Carolina (bối cảnh tác phẩm), cùng với 27 người lạ, tham gia các lớp tập huấn kỹ năng sinh tồn, rồi phải chạy bán sống bán chết qua rừng đêm(11). Dù tất nhiên là không có chém giết thực sự xảy ranhưng cuộc phiêu lưu với các hoạt động mạo hiểm mô phỏng thử thách của các nhân vật trong tác phẩm tạo nên những trải nghiệm“trong cuộc” (Insider), đặc biệt mật thiết, những ấn tượng khác thường, kỳ dị cho du khách. Kiểu du lịch trải nghiệm mang tính động, so với kiểu du lịch không gian mang tính tĩnh. Kiểu “Trải nghiệm” muốn đạt tới “Hiểu biết viên mãn” qua rút ngắn đến không còn cách biệt giữa chủ thể hiểu biết và đối tượng hiểu biết;trong khi kiểu “Không gian”, chừng mực nào đó, vẫn dừng ở “Hiểu biết tri thức” của người bên ngoài (Outsider), vẫn còn cách biệt giữa chủ thể hiểu biết và đối tượng hiểu biết. Trong thực tế, thường cũng khó tách biệt kiểu thức không gian và kiểu thức trải nghiệm hoạt động. Chẳng hạn như ở công viên chủ đề cho Xuân Hương truyện, tác phẩm “quốc bảo” của văn học Hàn Quốc. Một mặt, theo lối “cảnh quan hóa”, câu chuyện được kể 3-D qua năm quần
  6. thể cảnh trí kế tiếp nhau với hình tượng các nhân vật bằng sáp hết sức sinh động: (1) “Cảnh buổi đầu gặp gỡ”, (2) “Cảnh hứa hẹn, thề nguyền”, (3) “Cảnh yêu đương và chia biệt”, (4) “Cảnh thử thách khổ ải”, (5) “Cảnh hạnh phúc đoàn viên”. Mặt khác, trong cuộc thi Trải nghiệm Phòng Tử (Experiencing Bangja) thuộc khuôn khổ Lễ hội Xuân Hương diễn ra tại công viên, các du khách - thí sinh sẽ vào vai Bangja là người tớ trai đồng thời là người bạn tâm phúc luôn đồng hành cùng Mộng Long, trải qua hơn 30 tình huống, cả những cảnh lãng mạn cũng như những thử thách gay cấn liên quan đến chuyện tình Xuân Hương - Mộng Long. Chiến thắng thuộc về người thể hiện chân thực nhất diện mạo, tư chất Bangja thông minh, trong sáng, với nhân sinh quan khỏe khoắn, thiết thực, yêu đời, hài hước của người bình dân qua những tình huống cụ thể, sinh động… Hai kiểu thức (Location and Experience) tương đối khác biệt này, cũng vẫn chia sẻ điểm tương đồng quan trọng là lấy văn bản tác phẩm (Text) làm trung tâm, nhấn mạnh sự thẩm nhập “tinh thần” của độc giả vào thế giới của tác phẩm và tác giả văn chương. 3.3. Từ kiểu thức du lịch “Truyền thống” (Traditional) xoay quanh Văn bản tác phẩm (Text) đến kiểu thức du lịch “Sống” (Living)gắn với hoạt động(Activities) Thưởng thức, Sáng tác văn chương Thời kỳ đầu, du lịch văn học chú trọng văn bản tác phẩm (Text), nghĩa là sản phẩm văn học (Product). Về sau, du lịch văn học mở rộng quan tâm tới hoạt động văn học (Activity), bao gồm cả tiếp nhận / thưởng thức (Tasting) lẫn sáng tạo (Creating / Writing) văn chương. Nhiều nhà nghiên cứu đề nghị phân biệt hai kiểu thức du lịch văn học này bằng các thuật ngữ “Truyền thống”(Traditional) và “Sống” (Living). Theo Hilde Marie Dunker, tác giả của chuyên khảo Tour Văn học ở Berlin (Literatour in Berlin), kiểu thức du lịch văn học “Truyền thống” cấp cho du khách những tour đi bộ (qua những ngôi nhà, bảo tàng, hiệu sách, nhà sách, thư viện..) theo dấu các tác giả, tác phẩm nổi tiếng; trong khi đó, kiểu thức du lịch văn học “Sống” phần lớn được trình diễn trên sân khấu, diễn ra qua các hoạt động ở câu lạc bộ, nhà sách…(12). Nói đúng hơn, kiểu thức du lịch văn học “Living” mở ra những cơ hội cho du khách trực tiếp tham gia thưởng thức và sáng tác văn chương. Thí dụ điển hình có thể kể là Edinburgh của Scotland đã trở thành trung tâm lớn, nổi tiếng hàng đầu thế giới về du lịch văn học, một phần quan trọng nhờ vận hành thành công những sự kiện thưởng thức và sáng tác văn chương cho đông đảo du khách, xem đó là những sản phẩm du lịch cuốn hút đầy sức mạnh. Liên quan đến hoạt động thưởng thức / tiếp nhận văn học, Edinburgh triển khai nhiều hình thức đa dạng của Đọc (Reading). Đó có thể là những Quán truyện (Story Shop)(13) nơi du khách có thể ghé qua nghe các nhà văn đọc trích đoạn tác phẩm của họ. Có thể là Vườn Thơ (Poetry Garden) ở Quảng trường St. Andrew, nơi thi sĩ cũng như độc giả nghe, đọc, trình diễn, “thể hiện vật lý” những tác phẩm thơ ca. Đó cũng có thể là những mùa đọc sách cộng đồng khuôn khổ lớn, như Đọc sách mùa hè (Summer Read)(14), Cả thành phố một cuốn sách (One Book – One Edinburgh)(15) … Cũng có thể là những sự kiện hoành tráng cho tương tác giữa con người với sách, giữa con người với con người, như Lễ hội Mang theo một bài thơ (Carry a Poem)(16), nơi mỗi người đem đến bài thơ mình tâm đắc nhất, tiết lộ nơi mình để bài thơ đó (trên nón, áo thun, ba lô, trên điện thoại, ipod, dán trên tủ lạnh, viết lên trán, trên hình xăm, “trong trái tim”…), kể câu chuyện của mình về bài thơ đó (hoàn cảnh tiếp xúc với bài thơ, ý nghĩa đặc biệt của bài thơ đối với bản thân). Hay như sự kiện Đổi sách (Book Soap), nơi mỗi người cầm theo cuốn sách “tâm huyết nhất” của mình, thuyết phục người khác đọc cuốn sách ấy để cũng có được cảm nhận sâu sắc, có ý nghĩa như mình đã có; đồng thời được một người khác thuyết phục để
  7. mang về đọc cuốn sách “tri kỷ” của người ấy. Ngoài ra, còn là nhiều chương trình Sách miễn phí (Free Books)… Liên quan đến hoạt động sáng tác, Edinburgh triển khai nhiều hình thức đa dạng gắn với Viết (Writing). Đó có thể là chương trình Cư trú quốc tế (International Residency)(17) dành cơ hội cho các nhà văn tài năng / triển vọng từ các nước đến Edinburgh ở trong ngôi nhà giữa môi trường thiên nhiên thơ mộng, giữa bối cảnh văn chương và hoàn thành bản thảo tác phẩm của mình. Có thể là những buổi tốiSalon Văn học (Literary Salon Evening)(18) vào Thứ Ba cuối cùng hàng tháng, nơi các nhà văn lão thành, nổi tiếng cùng các nhà văn trẻ, thậm chí cả những người mới chỉ mong muốn bước chân vào con đường sáng tạo, có thể ngồi cùng nhau, cùng đại diện các nhà xuất bản, uống trà, cà phê, trao đổi, bàn luận các đề tài văn chương trong không khí thoải mái, vui vẻ, tràn đầy cảm hứng… Đó cũng có thể là những Lễ trao thưởng(Literary Prizes)(!9) không chỉ tôn vinh nhà văn đạt giải thưởng danh giá mà còn có câu chuyện về những bình luận của hội đồng giám khảo, đáng tham khảo, học hỏi cho các nhà văn trẻ. Cũng có thể là Trường học Thơ ca (Poetry School)(2) vun bồi tình yêu sáng tạo cho học sinh phổ thông, với những Đêm Thơ (Poetry Extravaganze Night) tổ chức cho sự tham gia của đông đảo học sinh, thầy cô, phụ huynh, khách mời đặc biệt…(21) . Đặc trưng quan trọng nhất của kiểu thức du lịch văn học “Living” so với kiểu thức du lịch văn học “Traditional” là ở chỗ nó không xem là có một barrier, một sự phân biệt, một khoảng cách không thể / khó vượt qua giữa độc giả bình thường và nhà phê bình, giữa độc giả và nhà văn. Trong kiểu “Traditional”, du khách giữ khoảng cách của tâm thức, vị thế “ngưỡng vọng” đối với những tác giả, tác phẩm nổi tiếng. Còn kiểu “Living”thì ngược lại, xóa bỏ “khoảng cách quyền lực”, mở ra cho sự tham gia (Participation) của du khách vào hoạt động thưởng thức và sáng tạo văn chương. Điều này phản ánh xu thế Dân chủ hóa (Democratization) văn chương trong thời đại của văn hóa đại chúng (Popular Culture). Hội thảo quốc tế năm 2004 ở Harrogate (Anh) với chủ đề Du lịch và Văn học: Du hành, Tưởng tượng và Huyền thoại (Tourism and Literature: Travel, Imagination and Myth)đã nhấn mạnh nguyên lý cốt lõi này khi xây dựng và phát triển Du lịch văn học cho những Du khách với tư cách Độc giả và cho những Độc giả với tư cách Du khách. Có thế thấy sự xúc tiến du lịch văn học gắn kết chặt chẽ với xúc tiến văn hóa Đọc và xúc tiến văn học. 3.4. Những kiểu thức du lịch “Hội tụ”(Convergence) gắn kết văn học cùng các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác và sử dụng sức mạnh công nghệ truyền thông Hội tụ (Convergence) với tư cách một đặc điểm quan trọng của Văn hóa đại chúng cũngđã trở thành nguyên lý kiến tạo các hình thức du lịch văn học hậu hiện đại thế kỷ 21, qua sự gắn kết năng lực của văn học và các nghệ thuật khác với công truyền thông như phương tiện đầy sức mạnh. Trước hết, có thể thấy không chỉ sự phát triển song hành du lịch văn học cùng các hình thức du lịch nghệ thuật lân cận như du lịch sân khấu, du lịch điện ảnh, du lịch âm nhạc mà còn là sự gắn bó, đan quyện chặt chẽ giữa chúng. Hình thức kết hợp các tác phẩm kịch bản văn học với nghệ thuật sân khấu vốn có từ những tour du lịch xoay quanh Shakespeare, nay càng phát triển. Đặc biệt nở rộ và đạt hiệu quả cao là du lịch kết hợp tác phẩm văn học và điện ảnh. Edinburgh của Scotland, trung tâm lớn, nổi tiếng hàng đầu thế giới về du lịch văn học mà chúng ta đã nhắc đến ở trên, cũng lừng danh với những chương trình xoay quanh các Tác phẩm chuyển thể Điện ảnh (Books into Films), các Phim Văn học (Literature Films). Nhiều tour văn học cho thiếu nhi được thiết kế bắt đầu với tour đi bộ theo dấu tác phẩm, tác giả và kết thúc với xem phim trong rạp để trẻ em được thấy tác phẩm, tác giả qua sự thể hiện trên màn bạc. Những tác
  8. phẩm văn học kinh điển trong di sản truyền thống cũng như những tác phẩm văn học “ăn khách” của dòng popular đương đại, khi được chuyển thể điện ảnh, đã sống một đời sống mới, và chính sức mạnh của nghệ thuật nghe-nhìn (audio-video) đã góp phần gia tăng sự lôi cuốn của tác phẩm nghệ thuật ngôn từ (verbal). Hàn Quốc là một trong những nước hết sức thành công trong lĩnh vực này: phim truyền hình đã mở rộng sức lan tỏa của các tác phẩm văn học cổ điển (Truyền thuyết Jumong, cuộc đời và thơ Sijo của Hwang Chin Yi, Xuân Hương truyện… ), văn học đương đại; và đến lượt mình, phim đóng góp đắc lực cho xúc tiến du lịch văn học. Từ những năm 80, Hàn Quốc đã luôn chọn cảnh đẹp ở những địa phương có thể phát triển du lịch làm bối cảnh quay các bộ phim, các video clip ca nhạc của họ. Sau phim Chuyện tình mùa đông, đảo Nami đã trở thành một trong những điểm du lịch hút khách nhất xứ sở Kimchi. Ở Edinburgh còn có những lễ hội Tôn xưng vẻ đẹp lời thơ trong những bài ca (Celebration of Song Lyrics), những sự kiện quảng bá Nào, hãy đón nhậnnhững ca từ trữ tình (Let’s Get Lyrical)(22), nơi thơ phổ nhạc chép trên thẻ đánh dấu trang sách, trên card bỏ túi được trao tặng ở các thư viện, quán cà phê, các khu trung tâm… cuốn đông đảo người dân vào đọc, thưởng thức, bình luận và sáng tác ca từ. Ở Edinburgh, những trích đoạn tác phẩm văn học cũng được thể hiện trên những phiến đá sa thạch lớn. Có những gallery tranh vẽ chân dung tác giả, minh họa tác phẩm… Kể cả những chương trình Thời trang quảng bá văn học (Dedicated Flowers of Fashion)(23). Năm 2012, với Ánh sáng, Văn chương và Trình diễn (Lights, Literature, Action), Edinburgh đã thực hiện đề ánTỏa SÁNG (enLIGHTen),chiếu những bài thơ và trích đoạn văn chương“hòa trộn ngôn từ và công nghệ làm rực sáng bầu trời thành phố suốt những đêm tháng ba. Kết hợp cùng những hình ảnh hoạt hình và âm nhạc, enLIGHTen đã tạo ra trải nghiệm đa cảm giác, vô cùng ấn tượng”. Ông Ali Bowden, giám đốc đề án phát biểu: “Chúng tôi rất hào hứng khi có được tài trợ của Quỹ Scotland Sáng tạo (Creative Scotland) cho chương trình, để enLIGHTen hòa trộn vẻ đẹp kiến trúc rực rỡ của thành phố giàu tính lịch sử với di sản văn chương nổi tiếng của chúng tôi, cấp một trải nghiệm hấp dẫn, lôi cuốn tất cả những người qua đường, cả cư dân địa phương lẫn du khách và tạo một tiêu điểm cho những ai dự định du lịch tới Edinburgh”(24). Sự hội tụ công nghệ truyền thông và văn học cho phát triển du lịch thể hiện đặc biệt rõ nét qua những Sáng tác du lịch (Tourism Fiction). Khác với trước đây du lịch văn học phát triển một cách tự nhiên từ những tác giả, tác phẩm văn học nổi tiếng vốn có từ trước, Tourism Fiction lại là những sáng tác tưởng tượng hư cấu được viết với chủ đích hoàn toàn rõ ràng để xúc tiến những điểm đến du lịch nhất định(25). Tourism Fiction đồng thời tận dụng triệt để lợi thế của công nghệ truyền thông, với Kindle, iPad, iPhone, Laptop, Smart phone…,đưa ngay vào giữa sáng tác hư cấu phần hướng dẫn du lịch ngắn gọn cùng địa chỉ những đường link để độc giả có thể nhanh chóng trực tiếp kết nối với website của những điểm đến thực tế(26). Tourism Fiction đầu tiên Định mệnh mù quáng của Patrick Brian Miller, xuất bản năm 2010, xây dựng khung cảnh ở Montgomery, Alabama và cấp hướng dẫn du lịch cùng đường link web vào hình thức sách điện tử Kindle. Những Tourism Fiction sau đó có cả bản in lẫn bản điện tử. Phía bên này Thiên đường: Bản Du lịch Tương tác (This Side of Paradise: Interactive Tourism Edition) là tiểu thuyết cổ điển đầu tiên được triển khai theo hướng “hội tụ” với công nghệ, hướng dẫn độc giả du lịch tới khung cảnh của tiểu thuyết là Đại học tổng hợp Princeton, nơi Fitzgerald từng theo học và có mối tình say đắm với cô gái sẽ là vợ ông sau này. Bản du lịch tương tác của tiểu thuyết liên kết độc giả với website của Bảo tàng nhà văn. Sáng kiến Du lịch Văn học Đông Nam (Southeastern Literary Tourism Initiative – SELTI) được khởi động năm 2009 là website đầu tiên hướng dẫn online cho độc giả - du khách tới những điểm đến là khung cảnh của những tác phẩm văn học hiện đại, đương đại(27).
  9. 3.5. Những kiểu thức du lịch “Hội tụ”(Convergence) gắn kết văn học và du lịch với các thiết chế (Institution) văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội Quá trình hình thành và phát triển du lịch văn học đi cùng với quá trình hình thành những thiết chế văn học (Institution). Ban đầu, thường là các thiết chế học thuật (Academic), tuy nhiên, chúng ngày càng giao thoa với, thậm chí trở thành những thiết chế văn hóa đại chúng (Popular Culture) để mang văn học đến với đông đảo độc giả-du khách / du khách-độc giả. Các thiết chế này rất đa dạng, bao gồm Bảo tàng văn học (Literature Museum), Công viên chủ đề văn học (Literary Theme Park), Café Văn học (Literary Café), Tửu quán Văn học (Literary Pub), Quán Truyện (Story Shop), Vườn Thơ (Poetry Garden), các quầy hàng bán đồ lưu niệm theo đề tài tác giả, tác phẩm… Chẳng hạn về Bảo tàng văn học. Bảo tàng văn học đầu tiên ở Pháp là Bảo tàng Victor Hugo, được thành lập đầu thế kỷ 20 (năm 1902)(28), Bảo tàng văn học đầu tiên ở Hàn Quốc là Bảo tàng văn học trinh thám, ra đời muộn hơn đúng 90 năm, vào cuối thế kỷ (năm 1992). Đến nay, Pháp có đến 300 bảo tàng văn học trong khi Hàn Quốc có hơn 70 bảo tàng(29). Trong số những công viên văn học nổi tiếng ở Anh, có Dicken’s World, Harry Potter Theme Park... Nổi tiếng nhất ở Hàn Quốc là Xuan Huong Theme Park. Ở Edinburgh (Scotland), có tour đi bộ qua những tửu quán văn chương nơi Robert Louis Stevenson, Barrie, Burns, Scott… thường lui tới và du khách đến để nâng cốc vì các nhà văn cùng tác phẩm của họ. Ở Edinbrugh còn có cả nhà hàng với thực đơn độc đáo, mang “khẩu vị văn chương” (taste of literature): “Tom Sawyer” salad, “Rosalía de Catro” tosta, “Montecristo” salad, Simone de Beauvoir tosta… Không chỉ những thiết chế văn học chuyên môn hóa, đơn lẻ, dần dà còn hình thành những thiết chế vĩ mô, tổng thể, “hội tụ” văn học với các thiết chế kinh tế-chính trị - xã hội. Rất nhiều Thành phố Văn học (Literary City) đã hình thành trên thế giới. Trong số đó, 11 thành phố được công nhận là Thành phố Văn học UNESCO(UNESCO City of Literature), bao gồm: Edinburgh (Scotland, 2004), Melbourne (Australia, 2008), Iowa (USA, 2008), Dublin (Ireland, 2010), Reykjavik (Iceland, 2011), Norwich (England / UK, 2012), Krakow (Poland, 2013), Dunedin (New Zealand, 2014), Heidelberg (Germany, 2014), Granada (Spain, 2014), Prague (Czech Republic, 2014). “Chương trình Thành phố Văn học của UNESCO là một phần của Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo (Creative City), được sáng lập từ năm 2004 nhằm thúc đẩy sự phát triển xã hội, kinh tế và văn hóa ở các thành phố thuộc các nước phát triển và đang phát triển”(30). Tiêu chí của Thành phố văn học UNESCO bao gồm: “Chất lượng, số lượng và sự đa dạng của ngành xuất bản trong thành phố; Chất lượng và số lượng của các chương trình giáo dục chú trọng đến nền văn học bản địa và nước ngoài tại các trường tiểu học, trung học; Văn học, kịch và thơ đóng vai trò quan trọng trong thành phố; Tổ chức các sự kiện văn học và liên hoan thúc đẩy văn học bản địa và nước ngoài; Số lượng thư viện, cửa hàng sách và các trung tâm văn hóa công cộng hoặc tư nhân, nơi bảo tồn, thúc đẩy và phổ biến văn học bản địa và nước ngoài; Tham gia tích cực vào việc quảng bá văn học và đẩy mạnh thị trường sách văn học”(31). Ở Hàn Quốc, Namwon nổi tiếng là “Thành phố Văn học”, “Thành phố của Tình Yêu” (gắn với mối tình Xuân Hương-Mộng Long trong tác phẩm “quốc bảo”), “Thành phố của truyện cổ tích” (gắn với di sản truyện cổ tích và kịch hát-kể P’ansori). Các thành phố văn học đều trở thành những trung tâm du lịch nổi tiếng. Văn học đi vào đời sống. Slogan của Edinburgh là Mang văn chương đến phố phường(Bringing Literature to the
  10. Streets): “Sứ mệnh của chúng tôi là mang những cuốn sách, ngôn từ, ý tưởng đến cho những con phố của Edinburgh. Chúng tôi muốn mọi người trong thành phố - cư dân, người lao động, du khách, thấy văn chương quanh họ bất cứ nơi nào. Hãy mở mắt nhìn và thấy khắp nơi ở Edinburgh bạn có thể thấy những câu chuyện trên đá và khắp nơi”(32). Ở Hàn Quốc, chúng tôi cũng thấy ở nhiều nơi những bài thơ trên cửa kính tàu điện ngầm, trên giá để hành lý của tàu hỏa, tàu du lịch…Trên hè rộng của đường phố Namwon rải rác những cụm đá lớn, mỗi cụm thể hiện, bằng lời và bằng tranh vẽ, một tác phẩm P’ansori nổi tiếng của Hàn Quốc. Lại có những cụm đá khác, mỗi cụm giới thiệu một kịch tác gia, nghệ sĩ nổi tiếng của P’ansori. Bên cạnh thành phố văn học, Hàn Quốc có rất nhiều Làng Văn học (Literary Village). Các tour du lịch đến những làng văn học - văn hóa - sinh thái này thường kết nối các Bảo tàng văn học với “lễ hội văn học” và lễ hội mùa màng của địa phương như: Lễ hội hoa kiều mạch cùng nhà văn Lee Hyo Seok ở Bongpyeong tỉnh Gangwon-do, Lễ hội hoa cúc cùng nhà văn Seo Jeong Ju ở Gochang tỉnh Jeollabuk-do, Lễ hội hoa trà cùng nhà văn Kim You Jeong ở làng Sille thành phố Chuncheon...Tiêu biểu như tour Lễ hội hoa kiều mạchgắn với tác phẩm nổi tiếng Khi hoa kiều mạch nở mà không người Hàn nào là không biết đến.Hàng năm vào tháng 9, hơn hai triệu người tìm đến quê hương của Lee Hyo Seok(1907-1942)để ngắm hoa kiều mạch nở đẹp như trong truyện của tác giả. Lễ hội có nhiều hoạt động phong phú như: trải nghiệm văn học(triển lãm, sáng tác văn học...), trải nghiệm thiên nhiên(con đường hoa kiều mạch,du lịch xe lửa và kiều mạch, làm mì kiều mạch,...), trải nghiệm truyền thống(các trò chơi dân gian, lễ hội dân gian, chợ truyền thống, làng truyền thống...). Du khách sau khi thăm quan Bảo tàng văn học, thăm nhà và mộ tác giả, lại dạo bước ngắm“những cánh đồng ngập tràn hoa kiều mạch trắng xóa li ti tựa như những bông hoa muối trắng mà tạo hóa đã vãi xuống trần gian’, và cùng gia đình, bạn bè thưởng thức tô mì kiều mạch mát lạnh, thơm ngon. Phát triển Làng văn học như một điểm đến của Du lịch làng quê (Farm Tourism)được xem như một phần của đề án chính phủ Hàn Quốc, do Bộ Nông nghiệp và Rừng quản lý nhằm phát triển nông thôn. Quê hương của nhà văn hoa kiều mạch mà chúng ta vừa nhắc đến là huyện Pyeongchang-gun, tỉnh Gangwon-do tương đối xa xôi, hẻo lánh, “bị cách ly” với quá trình công nghiệp hóa, và chính mô hình làng văn học gắn du lịch sinh thái-văn hóa đã xúc tiến kinh tế địa phương. Hiện nay, trong chiến lược phát triển quốc gia, bà Tổng thống Park Geun-Hye nhấn mạnh hơn bao giờ hết đến “sự phục hưng văn hóa”, “sự nở rộ văn hóa”, xúc tiến “nền kinh tế sáng tạo” (Creative Economy)cho Hàn Quốc tiến triển mạnh mẽ (K-move). Chính bà đã định nghĩa“kinh tế sáng tạo”: “Đó là tột đỉnh của sự hội tụ khoa học, thông tin, truyền thông, công nghệ. Đó là sự hội tụ của công nghiệp và văn hóa để tạo ra giá trị mới, và phát triển năng lực.”(33) Sự “hội tụ” văn học và văn hóa đại chúng, công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế địa phương, phát triển quốc gia và toàn cầu hóa chính là xu thế hậu hiện đại khiến cho du lịch văn học ngày càng được quan tâm và phát triển ngoạn mục về quy mô cũng như về chất lượng trên thế giới. Kết luận Có thể thấy rằng du lịch văn học manh nha từ xa xưa nhưng hình thành như một loại hình chuyên nghiệp thì mới từ thế kỷ 19, bắt đầu ở châu Âu, sau lan đến Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới. Tác giả, tác phẩm và hoạt động văn học như nguồn tài nguyên du lịch quý báu càng lúc càng được khai thác một cách chủ động, toàn diện, sâu sắc hơn, đáp ứng những nhu cầu văn học, văn hóa đa dạng không chỉ của giới tinh hoa mà còn của đông đảo quần chúng. Du lịch văn học phát triển đặc biệt mạnh mẽ từ thế kỷ 21, “hội tụ” văn học cùng các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật khác, với sự hỗ trợ của sức mạnh công nghệ truyền thông, ngày càng giao thoa với, thậm chí trở thành hòa nhập trong những thiết chế tổng thể của văn hóa đại chúng, những thiết chế văn hóa -
  11. kinh tế - chính trị - xã hội quan trọng. Du lịch văn học không chỉ góp phần phát triển du lịch và văn học, góp phần vun bồi những giá trị tinh thần của con người mà còn phát triển kinh tế-văn hóa của địa phương và quốc gia, xúc tiến giao lưu văn hóa và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Việt Nam là một dân tộc yêu văn học và có di sản văn học giàu có, nhiều ý nghĩa. Một số nhà nghiên cứu đã những suy nghĩ bước đầu về hướng khai thác nguồn tài nguyên này cho du lịch (xin xem Trần Nho Thìn, Nguyễn Trần Ban Mai, Nguyễn Khắc Nhượng), tuy nhiên, chưa có những nghiên cứu chuyên sâu và có hệ thống. Báo cáo của chúng tôi muốn đóng góp nhỏ bé cho hướng này. Theo chúng tôi, việc tham khảo cả lý luận lẫn kinh nghiệm thực tiễn của thế giới có thể gợi ý rất nhiều cho xây dựng và phát triển du lịch văn học nói riêng, công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo nói chung ở Việt Nam. Chú thích: (1) Trần Nho Thìn: “Không gian văn hóa Nguyễn Du và du lịch văn hóa”. http://vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/nh%E1%BB%AFng-g%C3%B3c- nh%C3%ACn-v%C4%83n-h%C3%B3a/khong-gian-van-hoa-nguyen-du-va-du-lich-van-hoa (2) Greg Richards: “What is Cultural Tourism?”.In van Maaren, A. (ed.). Erfgoed Voor Toerisme. National Contact Monumenten, 2003. http://www.academia.edu/1869136/What_is_Cultural_Tourism (3) Greg Richards: “What is Cultural Tourism?”.In van Maaren, A. (ed.). Erfgoed Voor Toerisme. National Contact Monumenten, 2003. http://www.academia.edu/1869136/What_is_Cultural_Tourism (4) Nicky van Es.: “Literary Tourism”. http://www.locatingimagination.com/literary-tourism/ (5) http://www.wisegeek.com/what-is-literary-tourism.htm (6) Bảo Nguyên (tổng hợp): “Du ngoạn tới “thánh địa văn học” Mỹ”. http://vanvietbooks.vn/du- ngoan-toi-thanh-dia-van-hoc-my/ (7) Nigel Baele: “Target Literary and Cultural Tourists”. http://literarytourist.com/browse.php?page=116 (8) Anthony Carrigan: Postcolonial Tourism: Literature, Culture, and Environment. Routledge, 2011. (9) World Travel Tourism Council: “A new chapter – is literary tourism the future? http://www.wttc.org/global-news/articles/2014/oct/a-new-chapter-is-literary-tourism-the-future/ (10) World Travel Tourism Council: “A new chapter – is literary tourism the future? http://www.wttc.org/global-news/articles/2014/oct/a-new-chapter-is-literary-tourism-the-future/ (11) World Travel Tourism Council: “A new chapter – is literary tourism the future? http://www.wttc.org/global-news/articles/2014/oct/a-new-chapter-is-literary-tourism-the-future/ (12) Hilder Marie Dunker: Literatour in Berlin. United States of America, 2011. (13) Từ 2007 (14), (20): Từ 2010 đến 2010 (15): Từ 2007
  12. (16), (20): Từ 2010 (17), (18), (19): Từ 2006. (21) Thông tin về các project của Edinburgh trong 3.3, 3.4, 3.5 của bài này tham khảo từ Website Edinburgh City of Literaturehttp://www.cityofliterature.com/about-us/projects/projects-across- years/ (22): 2011 (23) Chương trình đầu tiên năm 2006 (24) http://www.cityofliterature.com/about-us/projects/projects-across-years/ (25) Jump up^ "County writer uses Wetumpka as inspiration for 'Last Confession" ; The Wetumpka Herald ; November 6, 2009 (26) Jump up^ "The next chapter: Book authors, publishers adapt to the world of e-readers" ; Mary Sell ; Montgomery Advertiser : April 16, 2011 (27) Jump up^ "Southern Stories" ; Teri Greene ; Montgomery Advertiser ; August 22, 2010 (28) Kim Hak Ro & Kim Jeom Seok, “Bối cảnh thành lập và quá trình phát triển của Bảo tàng văn học Pháp”, Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Pháp, Vol.14, Hội nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật Pháp, 2005, tr.166. (29) Jeong Kap Yeong, Nghiên cứu chính sách phát triển Bảo tàng văn học khu vực, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch Hàn Quốc, 2009, tr.vii. (30) http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/5-thanh-pho-van-hoc-cua-the-gioi- n20110809085943497.htm (31) http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/5-thanh-pho-van-hoc-cua-the-gioi- n20110809085943497.htm (32) http://www.cityofliterature.com/about-us/projects/projects-across-years/ (33) Noh Jae-hyun 2013: “Cultural Flourishing Eventually Hinges on People and Money” www.koreafocus.or.kr/design2/layout/content_print.asp?group_id... Tài liệu tham khảo 1. Anthony Carrigan: Postcolonial Tourism: Literature, Culture, and Environment. Routledge, 2011. 2. G. Richards: “What is Cultural Tourism?”. In A. van Maaren (ed.). ErfgoedVoor Toerisme. National Contact Monumenten, 2003. http://www.academia.edu/1869136/What_is_Cultural_Tourism 3. Hilder Marie Dunker: Literatour in Berlin. United States of America, 2011. 4. Nguyễn Khắc Nhượng: “Nơi công chúa Huyền Trân ngồi khóc” http://www.dutule.com/D_1-2_2-139_4-4438/nguyen-khac-nhuong-noi-cong-chua- huyen-tran-ngoi-khoc.html 5. Nguyễn Trần Ban Mai: “Du lịch cần kết duyên với văn học nghệ thuật”. http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=0&cn_id=16816
  13. 6. Paul A. Westover: “The Literary Tourist: Readers and Places in Romantic & Victorian Britain (review)”. Victorian Studies, Volume 50, Number 1, Autumn 2007. 7. Phan Thị Thu Hiền – Nguyễn Thị Hiền: “Phát triển những thiết chế văn học trong thời đại của văn hóa đại chúng: Kinh nghiệm Hàn Quốc gợi ý cho Việt Nam (Trường hợp Bảo tàng văn học). Hội thảo khoa học Đổi mới văn học, Viện Văn học Việt Nam, 5/2014. 8. Trần Nho Thìn: “Không gian văn hóa Nguyễn Du và du lịch văn hóa”. http://vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/nh%E1%BB%AFng-g%C3%B3c- nh%C3%ACn-v%C4%83n-h%C3%B3a/khong-gian-van-hoa-nguyen-du-va-du-lich- van-hoa TÓM TẮT Bài viết này khái quát quá trình hình thành, phát triển và sự đa dạng của những hình thức du lịch văn học trên thế giới, với kinh nghiệm thực tiễn từ các nước Âu Mỹ và Hàn Quốc. Qua đó, có thể gợi ý cho phát triển du lịch văn học nói riêng, công nghiệp du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo nói chung ở Việt Nam.
nguon tai.lieu . vn