Xem mẫu

  1. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng PHÁT HUY THẾ MẠNH VỀ NÔNG NGHIỆP XANH VÀ DU LỊCH SINH THÁI TRONG BỐI CẢNH TỰ DO HÓA THƯƠNG MẠI HIỆN NAY Ở VIỆT NAM TS. Nguyễn Thị Giang Khoa Lý luận chính trị, Học viện Ngân hàng TÓM TẮT Việt Nam là quốc gia có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, từng được kỳ vọng sẽ sớm trở thành một “con rồng” mới ở châu Á, sánh ngang với nhóm 4 con rồng châu Á gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore. Tuy nhiên, qua rất nhiều nỗ lực, mục tiêu chúng ta đặt ra tưởng chừng như đạt được trong tầm tay như thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn còn khá xa vời. Vì vậy, chúng ta cần có những điều chỉnh kịp thời trong mô hình phát triển và nâng cao hiệu năng của nhà nước để đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng trì trệ, kém phát triển, có thể cất cánh trong tương lai gần. Để làm được điều đó, cần xác định đúng những ngành kinh tế mà chúng ta có lợi thế hiện nay là Nông nghiệp xanh và du lịch sinh thái để từ đó có biện pháp đầu tư kịp thời, biến chúng thành bệ đỡ cho sự phát triển bền vững của nước ta trong thời gian tới. Từ khóa: nông nghiệp xanh; du lịch sinh thái; lợi thế; Việt Nam; phát triển bền vững Năm 2006 Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO, điều này thực sự tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt nam. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, gia nhập WTO chính là “mở cánh cửa lớn” để Việt Nam bước vào sân chơi toàn cầu. Lẽ tất nhiên, khi tham gia vào “sân chơi” này chúng ta cần phải tuân thủ luật chơi, và một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của WTO là các quốc gia thành viên cần đảm bảo cho “mở cửa thị trường”. Theo đó, chúng ta phải thực hiện mở cửa thị trường quốc gia cho hàng hóa, dịch vụ nước ngoài bằng cách tháo bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, chất lượng hàng hóa, dịch vụ ngày càng tăng cùng với năng suất lao động cũng như giảm thiểu tối đa sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động thương mại bằng các hình thức như trợ giá, bù lỗ. Khi những cơ chế giúp nhà nước có thể che chắn, bảo vệ cho các doanh nghiệp, hàng hóa trong nước sẽ không còn nữa, buộc nhà nước và các doanh nghiệp phải lựa chọn thận trọng các ngành, các lĩnh vực để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển trong điều kiện các nguồn lực khan hiếm. Chiến lược phát triển theo kiểu “gai mít”, tức ngành nào cũng là ngành mũi nhọn, lĩnh vực nào cũng là lĩnh vực trọng điểm sẽ là lựa chọn không hiệu quả. Bởi vậy, việc xác định đúng và trúng lợi thế của quốc gia, để từ đó có sự đầu tư đúng hướng là rất cần thiết, bởi “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Cơ sở lý thuyết của việc xác định lợi thế của một quốc gia trong thương mại quốc tế là Lý thuyết lợi thế tuyệt đối của Adam Smith; Lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo và Lý thuyết Heckscher-Ohlin, của hai nhà kinh tế học người Thụy Điển là Eli Heckscher và Bertil Ohlin trong thế kỷ XX. Theo Smith, các nước nên chuyên môn hóa vào sản xuất những sản phẩm mà nước đó có chi phí sản xuất thấp hơn và sau đó trao đổi những hàng hóa đó lấy những hàng hóa sản xuất bởi những nước khác. Lập luận cơ bản của Adam Smith là một quốc gia không bao giờ nên tự sản xuất những hàng hóa mà thực tế có thể mua được từ các nước khác với chi phí thấp hơn. Theo lý thuyết của Ricardo về lợi thế so sánh, sản lượng tiềm năng của thế giới sẽ lớn hơn nhiều trong điều kiện thương mại tự do không bị hạn chế (so với trong điều kiện hạn chế về thương mại). Lý thuyết của Ricardo gợi ý rằng người tiêu dùng ở tất cả các quốc gia sẽ được tiêu dùng nhiều hơn nếu như không có hạn chế trong thương mại giữa các nước. Lý thuyết Heckscher-Ohlin dự báo rằng các nước sẽ xuất khẩu những hàng hóa mà sử dụng nhiều hàm lượng những nhân tố dồi dào tại nước đó và nhập 29
  2. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng khẩu những hàng hóa mà sử dụng nhiều hàm lượng những nhân tố khan hiếm tại nước đó. Như vậy, lý thuyết H-O cố gắng giải thích mô hình của thương mại quốc tế mà ta chứng kiến trên thị trường thế giới. Giống như lý thuyết của Ricardo, lý thuyết H-O cho rằng thương mại tự do sẽ mang lại lợi ích. Vậy, lợi thế kinh tế của Việt Nam hiện nay là gì? Kể từ Đại hội VI của Đảng (năm 1986), kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Đổi mới được ghi nhận như là một sự đột phá tư duy ngoạn mục khi đưa nền kinh tế chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, các năng lực sản xuất được giải phóng, khu vực tư nhân phát triển, vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng… đưa nước ta từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, bước vào quá trình CNH và trở thành nước có thu nhập trung bình. Thậm chí, trong giai đoạn giữa thập kỷ 90, báo chí nước ngoài đã ca ngợi những thành tựu đó và có nhiều dự báo Việt Nam sẽ cất cánh trước khi bước vào thiên niên kỷ mới. Thế nhưng, sau đó đà phát triển này đã bị chững lại, và từ năm 2007 đến nay, nền kinh tế bị rơi vào suy trầm, đứng trước khó khăn, thách thức nghiêm trọng chưa từng có kể từ khi đổi mới. Nguyên nhân của thực trạng này được xác định là do mô hình tăng trưởng hiện thời dựa vào những nhân tố giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời qua như: khai thác tài nguyên thiên nhiên, tăng vốn đầu tư, nhân lực giá rẻ,… đã tới hạn khi hiệu quả đầu tư ngày càng thấp, nguồn tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt, yếu tố nhân lực giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay. Bởi vậy, cần tìm ra động lực để duy trì và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nếu không, Việt Nam sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, không thể phát triển trong môi trường cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt. Chúng ta xác định được đúng và chính xác lợi thế mà chúng ta có, phát huy lợi thế đó để biến thành động lực, thành chỗ dựa vững chắc cho nền kinh tế. Trước hết, chúng ta cần đánh giá đúng các lợi thế của mình, như: - Về điều kiện tự nhiên, Việt Nam nằm khu vực Đông Nam Á, là một trong những khu vực có nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới. Vị trí địa lý của Việt Nam thuận lợi cho phát triển kinh tế: nằm ở ranh giới trung gian tiếp giáp với các lục địa (châu Á & châu Đại Dương) và đại dương (Thái Bình Dương và Đại Tây Dương), án ngữ trên các tuyến hàng hải huyết mạch thông thương như Ấn Độ và Thái Bình Dương, Châu Âu, Trung cận đông và Trung Quốc. Điều đó giúp chúng ta dễ dàng thực hiện sự trao đổi, tiếp cận, giao thoa và cùng phát triển với nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam là một quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cả về số lượng và chủng loại, cho phép chúng ta có khả năng phát triển các ngành sản xuất vật chất. - Về điều kiện dân số, Việt Nam là quốc gia đông dân (hơn 90 triệu dân, đứng thứ 2 về dân số trong khu vực Đông nam á và thứ 13 thế giới), có nhiều dân tộc, đa sắc thái về văn hóa. Việt Nam có dân số trẻ, do đó, rất dễ tiếp cận với xu thế hiện đại của kỹ thuật, công nghệ. Đồng thời cũng cần phải khẳng định khả năng chúng ta có thể tự kiến tạo được công nghệ có sức cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh hiện nay là không khả thi, do năng lực công nghệ nội sinh của chúng ta còn yếu. Bởi vậy, chúng ta cần tránh những mặt trận mà biết chắc khi tham gia sẽ thất bại như: công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (SMA), cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học... và tập trung nguồn lực mà hiện chúng ta có kinh nghiệm và lợi thế: nông nghiệp xanh, du lịch sinh thái. 1. Nông nghiệp xanh Tên thế giới, nông nghiệp 4.0 - cách thức sản xuất nông nghiệp hiện đại nhưng thân thiện môi trường đã giúp nền nông nghiệp của nhiều quốc gia phát triển và đạt những thành tựu quan trọng. Tại Mỹ, Brazil, Argentina, nông nghiệp xanh đã giúp nước này giảm tới 50% giá thành sản xuất ngô và đỗ tương. Hiện Việt Nam có 13,8 triệu hộ nông dân, 78 triệu mảnh ruông nhỏ lẻ, ngành này đóng góp 20% GDP, nếu chúng ta thực cơ cấu lại nền nông nghiệp, đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao thì ngành này sẽ thực sự cất cánh, đưa nền kinh tế nước ta đi lên. Trên thực tế, việc triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã được một số doanh nghiệp quan tâm và thực hiện. Điển hình như TH True Milk (công nghệ nuôi bò sữa), 30
  3. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Hoàng Anh Gia Lai (công nghệ tưới nhỏ giọt) hay mới đây là Vingroup (trồng rau với công nghệ tưới nhỏ giọt/làm nhà kính). Đặc biệt, mô hình này đang được triển khai rải rác bởi những cá nhân có kiến thức và trải nghiệm học tập, nghiên cứu ở Israel, như mô hình của anh Giàng A Dạy thực hiện ở Mai Sơn, Sơn La, một thanh niên trẻ người H’mông - anh chia sẻ: “Trong quá trình tu nghiệp tại Trung tâm nông nghiệp sa mạc Israel (Ramat Negev International Training Center for Advanced Agriculture), tôi có cơ hội làm việc tại trong một trang trại ươm cây giống của Mie Hashtil - tập đoàn cây giống lớn thứ 3 Israel. Trong mô hình nhà lưới giữa sa mạc nơi nhiệt độ rất nóng, thường xuyên ở mức 42 độ C, độ ẩm thấp, rất khô, tôi đã được tiếp cận một trong những công nghệ nông nghiệp phát triển nhất của Israel: công nghệ tưới nhỏ giọt. Sau khi trở về, tôi bắt tay ngay vào triển khai dự án ươm mầm cây giống và trồng rau hữu cơ tại địa phương Mai Sơn - Sơn La. Tôi đã ứng dụng chính những công nghệ cao tôi học tại Israel để phát triển nông nghiệp sạch”. Kết quả là, những giống cây anh mang về từ Israel đã nhanh chóng thích nghi với thổ nhưỡng Việt Nam, cho năng suất cao mà không cần dùng các chất kích thích tăng trưởng. Do đó, vấn đề xây dựng mô hình nông nghiệp xanh không hề xa vời, vấn đề chỉ là, cần có những nỗ lực đồng bộ hơn nữa để mô hình này được nhân rộng mạnh mẽ. Cụ thể: + Cần quyết tâm xây dựng nền nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao: Phát triển nông nghiệp xanh - công nghệ cao là xu hướng tất yếu của thời đại khi con người hiện đang đối mặt với biến đổi khí hậu và các nguy cơ về sinh thái, vào thế kỷ 21. Với những ưu điểm như: Nền nông nghiệp xanh - công nghệ cao vận dụng sinh thái học và kinh tế học sinh thái, nhằm tiết kiệm tài nguyên, giảm tiêu hao năng lượng đầu vào, hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc hóa chất, sử dụng chất hữu cơ nhiều tầng nấc, tài nguyên hóa chất thải, tái tạo điều hòa vật chất, giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm loài người được sử dụng nông sản sạch, an toàn có lợi cho sức khỏe; Đồng thời nó sẽ tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, làm cho ngành nông nghiệp có thể trở thành một ngành sản xuất bền vững, chuỗi sản xuất nông nghiệp được kéo dài, giúp cho sản phẩm sơ cấp được tinh chế ngày càng sâu, tạo ra sản phẩm cao cấp trên cơ sở công nghiệp hóa, tăng nhanh năng suất lao động và hiệu quả kinh tế; Xây dựng nền nông nghiệp xanh còn tạo điều kiện để phát triển nền văn minh sinh thái, xây dựng nếp sống văn hóa kết hợp hài hòa giữa con người với tự nhiên, người với người, người với xã hội theo một chu trình văn minh, giàu tính nhân văn. Nông nghiệp xanh cũng sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, cùng với phát triển nền kinh tế xanh góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, đang làm trái đất nóng lên; Với nền nông nghiệp xanh, sản xuất sản phẩm xanh, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng xanh của thị trường sẽ tăng gấp bội sức cạnh tranh nông sản thực phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Qua đó cho thấy, nông nghiệp xanh - công nghệ cao có rất nhiều ưu điểm, vì vậy, cần có sự quyết tâm mạnh mẽ hướng tới việc xây dựng và tạo đà cho sự phát triển của mô hình này. + Cần có những chính sách tạo vốn để phát triển nông nghiệp xanh - công nghệ cao: Vốn là nguồn lực quan trọng để xây dựng được một nền nông nghiệp xanh hoàn thiện và bền vững. Trong khi đó, hình thành và phát triển các mô hình sản xuất theo hướng “xanh” đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn hơn so với mô hình sản xuất thông thường, do đó cần có sự hỗ trợ nguồn vốn cho việc phát triển. Như chia sẻ của anh Giàng A Dạy đã đề cập đến ở trên, anh có kiến thức, có kinh nghiệm, nhưng trong quá trình triển khai do nguồn vốn hạn hẹp nên quy mô của mô hình anh đang thực hiện vẫn nhỏ lẻ, cầm chừng. Để phát triển nông nghiệp theo hướng này, đòi hỏi nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn hiệu quả, như đầu tư cho các dự án nông nghiệp xanh, hoặc có những chính sách cho vay ưu đãi với thủ tục đơn giản, thuận tiện, cơ chế cho vay và thu nợ theo thời vụ của cây trồng, vật nuôi giúp nông dân yên tâm sản xuất. + Cần có chính sách hỗ trợ đầu ra ban đầu và xây dựng bộ chứng nhận cho các sản phẩm nông nghiệp xanh: Thực tế hiện nay, trừ sản phẩm được sản xuất bởi các doanh nghiệp lớn như TH TrueMilk hay Vin Group đã có kênh phân phối rộng lớn đủ uy tín để bảo chứng cho sản phẩm trên thị trường, việc tiêu thụ nông sản sạch những nhà sản xuất nhỏ, lẻ, cũng như các doanh nghiệp tư nhân mới ra nhập thị trường gặp rất 31
  4. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng nhiều khó khăn do chưa tạo dựng được thương hiệu, bị tư thương ép giá, chưa có một đầu mối thu mua sản phẩm... Vì vậy, để hỗ trợ cho nông nghiệp xanh phát triển, để sản xuất xanh, sạch thực sự là động lực, là hướng đi cho nông dân và các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp thì nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đầu ra ban đầu và xây dựng bộ chứng nhận cho các sản phẩm này đến khi thông tin của sản phẩm được thị trường tiếp nhận và tiếp cận được người tiêu dùng. + Cần có chính sách bảo hiểm cho các hộ gia đình, doanh nghiệp vận dụng mô hình nông nghiệp xanh trong sản xuất: Sản xuất nông nghiệp có tính rủi ro cao do những tác động của các yếu tố thời tiết, khí hậu, vì vậy để giảm thiểu rủi ro cần có chính sách về bảo hiểm cho nông nghiệp. Đây là một lĩnh vực mới đối với cả nông dân và các tổ chức bảo hiểm nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các tổ chức thực hiện bảo hiểm nông nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, thông tin, tuyên truyền về phát triển nông nghiệp xanh, nâng cao nhận thức, ý thức về kinh tế xanh cho hộ nông dân, các chủ trang trại, các nhà sản xuất và kinh doanh trong nông nghiệp. 2. Du lịch sinh thái Với lợi thế có bờ biển dài, độ dốc thấp, bãi cát đẹp, sóng biển êm ả an toàn, rừng núi hoang sơ với nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia và nhiều rừng cấm như Vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng; cao nguyên đá Đồng Văn… chứa đựng tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái. Các nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, khách du lịch đến Việt Nam đang có xu hướng chọn các khách sạn, khu du lịch và các dịch vụ, hàng hóa bền vững, có nhãn sinh thái, thân thiện với môi trường. Đó là xu hướng của khách du lịch quốc tế, nhất là khách đến từ các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Như vậy, phát triển du lịch sinh thái là lựa chọn vừa phù hợp với những gì chúng ta có lợi thế, vừa phù hợp với xu hướng của khu vực được đề cập trong Chiến lược phát triển du lịch ASEAN giai đoạn 2016-2025, trong đó ưu tiên phát triển du lịch xanh, bền vững, hài hòa, thống nhất và hiệu quả. Có thể nói, cảnh quan tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng cho nước ta rất độc đáo và quý giá, là nét riêng có không trộn lẫn với bất kỳ nơi nào trên thế giới, đó là lợi thế mà chúng ta cần trân trọng và có giải pháp khai thác hiệu quả. Minh chứng cho điều này, tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về việc tại sao lại chọn Việt Nam để thực hiện các cảnh quay cho bộ phim bom tấn Kông - Đảo đầu lâu, đạo diễn Jordan Vogt Robert cho biết: “Khi chúng tôi làm một phim mới, chúng tôi cố gắng tìm những bối cảnh mới, khung cảnh mới cho phim. Đến Việt Nam, ngay sau khi bước ra khỏi xe chúng tôi đã thấy Việt Nam rất đẹp, đặc biệt, đẹp đến ngỡ ngàng, siêu thực khác với những gì chúng tôi đã có ở những bộ phim trước. Nó đẹp kể cả hình dáng, màu sắc núi non, nhiều khung cảnh đẹp người Mỹ tưởng như không có trên thế giới này”. Hiện nay, du lịch sinh thái đã tương đối phổ biến ở Việt Nam, với rất nhiều tour du lịch được thiết kế để đưa du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng, nghỉ dưỡng ở những địa danh đẹp trên khắp đất nước. Thêm vào đó, nước ta hiện vẫn tồn tại các làng quê yên bình, trong lành, cảnh sắc độc đáo, với những nét văn hóa đa dạng của các dân tộc anh em, dễ dàng quyến rũ du khách, đặc biệt là du khách đến từ các quốc gia tiên tiến. Du lịch làng nghề cũng là một điểm sáng để phát triển kinh tế nông nghiệp nước ta.Thêm vào đó, nước ta hiện vẫn tồn tại các làng quê yên bình, trong lành, cảnh sắc độc đáo, với những nét văn hóa đa dạng của các dân tộc anh em, dễ dàng quyến rũ du khách, đặc biệt là du khách đến từ các quốc gia tiên tiến. Du lịch làng nghề cũng là một điểm sáng để phát triển kinh tế nông nghiệp nước ta. Tuy có nhiều lợi thế nhưng cách làm du lịch manh mún, tự phát, vì lợi ích trước mắt mà hi sinh môi trường, xâm phạm thô bạo đến cảnh quan môi trường cũng là điều không hiếm gặp. Rất nhiều dự án cáp treo, các khu nghỉ dưỡng, các công trình xây dựng phục vụ du khách được triển khai…đã phá vỡ hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên tươi đẹp nguyên sơ, mang lại sự tiếc nuối sâu sắc cho những người yêu thiên nhiên và là sự mất mát không thể sửa chữa trong tương lai. Bởi vậy, để du lịch sinh thái phát triển bền vững, rất cần những nghiên cứu đồng bộ, đưa ra quy hoạch dài hạn như: sử dụng vật liệu thân thiện môi trường cho các công trình phục vụ du lịch, phạt nặng hành vi xả rác, xâm hại đến cảnh quan môi trường đối với các nhà cung cấp dịch vụ du lịch và du khách. 32
  5. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Hiện nay, khi nền kinh tế thế giới đang có những biến đổi nhanh chóng do tác động của quá trình hình thành và tiến triển của cách mạng công nghiệp 4.0. Là một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu và mới đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, vai trò của nhà nước Việt Nam hiện nay là phải làm sao để tạo lập được những điều kiện để nước ta sớm bắt kịp được với xu thế của thời đại. Điều đó đặt ra yêu cầu chúng ta phải ưu tiên phát triển du lịch xanh, nông nghiệp xanh, biến chúng thành lợi thế mang lại khả năng cạnh tranh cao trong bối cảnh tự do hóa thương mại ngày càng được thúc đẩy như hiện nay. Để làm được điều đó, trước hết đòi hỏi sự tích cực, chủ động của nhà nước trong việc xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp xanh và du lịch xanh. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Phan Anh (2016), Mô hình nền kinh tế chia sẻ và gợi ý cho Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ II, số tháng 7/2016. [2] Lê Vân Anh (2011), “Tác động của toàn cầu hóa đến vai trò kinh tế của nhà nước và gợi ý đối với các quốc gia đang phát triển”, Tạp chí Khoa học ĐHQG Hà Nội, số 2. [3] Lê Ngọc Hồ (2012), “Israel với mô hình nông nghiệp xanh lý tưởng”, Website: Vnexpress.net, truy cập ngày 4/3/2016. [4] Trần Hồng Minh (2005), “Những thách thức đối với nhà nước trước làn sóng toàn cầu hóa”, Tạp chí Thương mại, số 2/2005. [5] Harvard University (2008), Lựa chọn Thành công: Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam, Báo cáo, Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam tài trợ. [6] vi.wikipedia.org. 33
nguon tai.lieu . vn