Xem mẫu

Những ‘căn bệnh’ của nhiếp ảnh Việt Nam Nhiếp ảnh Việt Nam giờ đã có tên trên bản đồ nhiếp ảnh thế giới, nhưng vẫn mang trong mình nhiều “căn bệnh”, như thiếu cái tôi – bản sắc, chưa tôn trọng bản quyền tác phẩm… Chạy theo giải thưởng Sự lặp lại trong nhiếp ảnh Việt Nam xảy ra khá nhiều, gây nhàm chán. Cái tôi – tiềm năng của sự sáng tạo trong nghệ thuật chưa được chú trọng. Ông Nguyễn Thành, Báo ảnh Việt Nam dẫn ra ví dụ: Một nhà phê bình Mỹ khi xem triển lãm về chân dung các bà mẹ Việt Nam, đã nhận định: Ảnh các bạn đẹp về hình thức, nhưng xem xong có cảm giác các bạn có một bà mẹ chung chia đều cho tất cả các bà mẹ. Ngược lại, chúng tôi có rất nhiều bà mẹ khác nhau làm nên chân dung một bà mẹ! Một thời gian dài nhiếp ảnh lấy tiêu chí là cái đẹp. Cái đẹp được đánh giá cao nhất, còn cá tính, phong cách riêng hay những tố chất thuộc về cá nhân của tác giả thì không được coi trọng. Vì thế mà nhiều bức ảnh ra đời na ná nhau, theo một khuôn mẫu. Hầu hết các nhà nhiếp ảnh làm theo, gắn chặt với những gì được thừa nhận hơn là tìm cách diễn tả và khám phá. Họ say sưa đi tìm hình mẫu, lo lắng sắp xếp, tạo hình trong những bố cục được các nhà thẩm định ưa chuộng. Nhiều bức ảnh chụp thật mà xem ra như không thật. Một trào lưu như vậy tạo ra hàng loạt những bức ảnh vô hồn và trùng lặp, thiếu cá tính. Cũng vì thế mà trong nhiều cuộc thi ảnh, các nhiếp ảnh gia nghiên cứu ban giám khảo hơn là nghiên cứu đề tài và chủ đề thể hiện. Những cuộc săn lùng giải thưởng cũng xuất hiện từ đây. Phát huy sáng tạo cá nhân trong nhiếp ảnh là một nhu cầu thực sự. Nếu không có những cá tính trong nhiếp ảnh thì không thể phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh một cách thực sự. Ảnh báo chí vẫn bị xem nhẹ Làm báo trong cơ chế thị trường quả là thách thức lớn đối với sinh viên chuyên ngành nhiếp ảnh. Ở các cơ quan thông tấn báo chí, người ta rất ít quan tâm đến phóng viên ảnh. Ông Nguyễn Tiến Mão, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, đa phần các tòa soạn vẫn quan niệm ảnh chỉ để minh họa, là thành phần phụ trong mỗi tờ báo, trang báo, nên nhiều báo thấy không cần thiết phải có phóng viên ảnh. Hiểu như vậy là hoàn toàn không đúng, nếu không nói đó là một cách nhìn phiến diện. Nhưng có lẽ cũng từ những suy nghĩ thiển cận đó mà hiện nay chất lượng ảnh đăng trên các báo rất tùy tiện, hạn chế cả về nội dung cũng như hình thức thể hiện. Dễ gây tranh cãi về bản quyền nhất Cùng một cảnh vật, một thời điểm, một góc độ, có biết bao nhà nhiếp ảnh cùng bấm máy. Vì vậy xác định ai chụp trước ai chụp sau hay ai đạo ảnh của ai là vấn đề rất khó. Giờ đây đã có tác phẩm ảnh của các nhiếp ảnh gia Việt Nam bán được giá cao, hàng triệu đồng Việt Nam, hàng trăm USD, thậm chí đến 1 triệu USD, thì vấn đề bản quyền tác giả trở thành vấn đề lớn, và việc bảo hộ quyền tác giả vô cùng cần thiết. Cũng có thể các nghệ sỹ không cố ý vi phạm bản quyền, mà do họ chưa hiểu rõ luật. Hẳn chúng ta còn nhớ bức tranh cổ động Đảng là cuộc sống của tôi sao nguyên si bức ảnh Nụ hôn của gió của tác giả Trần Thế Long, thổi bùng tranh cãi giữa bên nguyên bên bị, làm mất mối giao hòa tốt đẹp. Hay khi bức ảnh Mặt trời trong lăng tỏa sáng của NSNA Trần Lam bán được 1 triệu USD đã bị cho rằng là “đạo” ý tưởng của bức Đêm trăng lăng Bác, buộc Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam và Cục Bản quyền tác giả phải vào cuộc, làm sáng tỏ vấn đề để bảo vệ quyền tác giả cho nhà nhiếp ảnh Trần Lam… Để hạn chế tình trạng này, Th.s Trần Thị Quỳnh Như, Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đề xuất một số giải pháp: Luật Bản quyền tác giả, Quy chế về bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực nhiếp ảnh phải được phổ biến rộng rãi; Cơ quan bảo vệ quyền tác giả trong đó có lĩnh vực nhiếp ảnh cần được biết đến để các tác giả đăng ký bản quyền; Cần có quy chế sử dụng ảnh trên báo chí. Hiện nay Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam đã thành lập Ngân hàng ảnh và Trung tâm lưu trữ ảnh quốc gia, nhằm giúp cho việc bảo vệ bản quyền tác giả trong lĩnh vực nhiếp ảnh được nâng lên. ... - tailieumienphi.vn
nguon tai.lieu . vn