Xem mẫu

  1. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG MÔ HÌNH ĐÁNH GIÁ SỰ HÀI LÒNG CỦA KHÁCH DU LỊCH ĐỐI VỚI THÀNH PHỐ VŨNG TÀU Hoàng Văn Hào1* 1 Phân hiệu tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Giao thông vận tải, Số 450-451 Lê Văn Việt, Phường Tăng Nhơn Phú A, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh * Tác giả liên hệ: Email: haohv_ph@utc.edu.vn. Tóm tắt: Thành phố Vũng Tàu là trung tâm du lịch quốc gia, là thành phố nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế khu vực phía Nam, là cửa ngõ thông thương ra biển của các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Có thể nhận thấy, mặc dù có rất nhiều điều kiện thuận lợi nhưng ngành du lịch Vũng Tàu chưa phát triển tương xứng. Mục tiêu là làm sao để Vũng Tàu phát huy hết tiềm năng du lịch của mình. Bài viết tập trung vào nội dung ứng dụng mô hình HOLSAT để đánh giá sự hài lòng của khách du lịch đối với điểm đến thành phố Vũng Tàu. Từ khóa: Thành phố Vũng Tàu, du lịch, sự hài lòng, mô hình HOLSAT. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ 1.1. Thành phố Vũng Tàu - điểm hấp dẫn du khách Vũng Tàu là thành phố ven biển, trực thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thuộc vùng Đông Nam Bộ của Việt Nam. Không chỉ là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh, mà Vũng Tàu còn là một trong những điểm du lịch thú vị được du khách gần xa yêu thích. Trong đó, đối với du khách Sài Gòn thì Vũng Tàu là điểm hẹn lý tưởng vào những dịp cuối tuần. Vũng Tàu sở hữu 42 km bờ biển bao quanh được ưu ái bởi vẻ đẹp hoang sơ nhưng quyến rũ vô cùng. Vũng Tàu còn có núi Lớn kì vĩ, cao 245 m và núi Nhỏ, cao 170 m. Đặc biệt, trên ngọn núi Nhỏ có ngọn hải đăng cao 18 m, có tuổi đời trên 100 năm, được biết đến là ngọn hải đăng lâu đời nhất Việt Nam, chiếu xa tới 30 hải lý. Trong khi đó, núi Lớn cũng không kém phần hấp dẫn với một hồ nước đẹp mơ màng - Hồ Mây và rừng nguyên sinh kì bí. Đó cũng chính là điều kiện khiến du khách yêu thích thành phố này đến vậy. Chưa kể khí hậu Vũng Tàu còn rất dễ chịu, quanh năm mát mẻ, ôn hòa, thích hợp cho các chuyến nghỉ dưỡng thú vị. Vũng Tàu có nhiều bãi biển đẹp. Bãi Sau duyên dáng nằm về phía Nam Vũng Tàu, dài gần 10 km. Bãi Sau được biết đến là một trong những bãi biển đẹp nhất của Việt Nam với bãi cát dài phẳng, nước trong xanh, mát lành. Tiếp đó, là bãi Trước, hay còn được gọi là bãi Tầm Dương, một địa danh lý tưởng để du khách ngắm cảnh bình minh và hoàng hôn tuyệt đẹp. Ngoài ra, bãi Dâu dài 3km cũng có cảnh vô cùng thơ mộng và yên tĩnh. Như vậy, du lịch Vũng Tàu thì trải nghiệm du lịch biển khá lý tưởng -603-
  2. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải khi du khách muốn tránh xa những cái nắng nóng, và không khí ngột ngạt của chốn thành thị. Các di tích lịch sử, văn hóa: Chùa Thích Ca Phật Đài nằm trên đường Trần Phú, là một trong những ngôi chùa lớn nhất của Vũng Tàu. Ngôi chùa ấn tượng ngay bởi chiếc cổng được xây dựng công phu bằng xi măng cốt thép, lát đá hoa, khắc 4 chữ "Thích ca Phật đài". Trong Chùa còn có Bảo Tháp, ngọc Xá Lợi của đức phật và tượng Phật tổ ngồi trên toà sen. Hơn nữa, khuôn viên của chùa cũng khiến du khách có được cảm giác thanh tịnh của chốn thiền môn. Tượng Chúa Kitô: nằm trên đỉnh của hòn núi Nhỏ, một trung tâm tôn giáo của Vũng Tàu. Tượng chúa Kitô Vua cao 32 m, và được xem là bức tượng chúa cao bậc nhất Việt Nam. Bạch Dinh: là một công trình kiến trúc độc đáo. Được xây dựng theo phong cách Roman lãng mạn, ba tầng, cao 19 m, nằm tựa mình vào núi Lớn. Bạch Dinh thu hút du khách, khi là nơi lưu giữ 19 khẩu thần công và rất nhiều các cổ vật gồm sứ, từng được trục vớt ngoài khơi biển Vũng Tàu. Ngoài ra, du lịch Vũng Tàu còn đưa du khách ghé thăm nhiều địa danh du lịch nổi tiếng khác như: Đảo Long Sơn, Suối nước nóng Bình Châu, Hồ Tràm, cáp treo Hồ Mây… Mỗi điểm dừng chân đều mang những vẻ đẹp khác nhau, khiến du khách ngây ngất. Bên cạnh đó, du khách còn có cơ hội tham gia chương trình “du lịch Teambuilding” với vô số các trò chơi sôi động trên bãi biển. Đêm Gala biển diễn với nhiều Game Show hấp dẫn cũng dành cho hành trình của du khách. 1.2. Sự hài lòng của khách du lịch Sự hài lòng của du khách (Kozak và Rimmington, 2000) là một khía cạnh rất cần thiết ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của marketing điểm đến du lịch vì nó tác động trực tiếp đến sự lựa chọn điểm đến, sự tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ và quyết định quay trở lại. Pine và More (1999) đã đo lường sự hài lòng của khách hàng dựa trên sự tương quan giữa kỳ vọng và cảm nhận. Kỳ vọng (E1) nghĩa là những gì mà khách hàng mong đợi và Cảm nhận (E2) nghĩa là cảm nhận của khách hàng về những gì mà họ nhận được. Hình 1. Mô hình đo lường sự hài lòng của Pine and More (1999). Tương tự như vậy, dựa trên khái niệm về sự hài lòng, nghiên cứu của Tribe và Snaith (1998) cho thấy sự hài lòng của du khách đối với một điểm đến du lịch dựa trên mức độ đánh giá các thuộc tính của điểm đến vượt quá mức độ kỳ vọng của họ về các thuộc tính đó. -604-
  3. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải Cũng giống như người tiêu dùng, khách du lịch (Zhu, 2010) có sự kỳ vọng của riêng họ trước khi tới điểm du lịch đã chọn. Nó có thể là hình ảnh về điểm đến, giá cả hoặc chất lượng của dịch vụ hay sản phẩm... Du khách cảm nhận được chất lượng của điểm đến trong chuyến đi du lịch của họ. Sự cảm nhận về chuyến đi cho phép du khách đánh giá kỳ vọng trước đó của họ để thấy được chuyến đi có làm họ hài lòng hay không. Khi du khách đạt được cảm nhận nhiều hơn những gì họ mong đợi, họ hoàn toàn hài lòng với chuyến đi. Ngược lại, nếu trải nghiệm ở điểm đến làm du khách không thoải mái, họ sẽ không hài lòng. Reinger và Turner (2003) nhận thấy rằng sự hài lòng tích cực vẫn có thể xảy ra khi sự trải nghiệm không giống như mong đợi. Các tác giả phân loại ra ba mức độ của sự hài lòng tích cực từ “rất hài lòng”, “hoàn toàn hài lòng” đến “hài lòng”. Mức độ hài lòng thấp hay cao tùy thuộc vào kỳ vọng ban đầu. 2. MÔ HÌNH HOLSAT 3.14. Mô hình nghiên cứu Tribe và Snaith (1998) phát triển mô hình HOLSAT và sử dụng nó để đánh giá sự hài lòng của kỳ nghỉ tại khu nghỉ mát nổi tiếng của Varadero, Cuba. Mô hình HOLSAT đo lường sự hài lòng của một du khách với trải nghiệm về kỳ nghỉ của họ tại một điểm đến hơn là một dịch vụ cụ thể. Hơn nữa, nó không sử dụng một danh sách cố định các thuộc tính chung cho tất cả các điểm đến du lịch có nét độc đáo riêng. Một đặc điểm quan trọng của công cụ HOLSAT là xem xét đến các thuộc tính tích cực, cũng như các thuộc tính tiêu cực khi diễn tả các đặc điểm tính chủ chốt của một điểm đến. Như vậy, có thể xác định một điểm đến với một kết hợp của cả hai thuộc tính. Nét đặc biệt của mô hình là một bảng câu hỏi trong đó người trả lời được yêu cầu đánh giá mức kỳ vọng của một thuộc tính kỳ nghỉ (tức là ấn tượng của du khách trước khi đi du lịch) và đánh giá cảm nhận hoặc sự trải nghiệm trên cùng một bộ thuộc tính tiếp sau những kinh nghiệm về kỳ nghỉ (tức là sau khi đi du lịch). Một thang đo Likert (5 lựa chọn) được sử dụng để cho điểm từng thuộc tính ở cả “kỳ vọng” và “cảm nhận”. Sự khác biệt về điểm số trung bình giữa “Kỳ vọng” và “Cảm nhận” đối với từng thuộc tính mang lại sự đo lường định hướng về mức độ hài lòng của du khách. Các kết quả trên được trình bày trên một ma trận, theo đó điểm của cả thuộc tính tích cực và tiêu cực sẽ được biểu diễn trên các ma trận riêng biệt với cảm nhận (trục X) và kỳ vọng (trục Y). Các vùng “Được” và “Mất” được phân định bởi “đường vẽ” là đường chéo 45 độ. “Được” đại diện cho những thuộc tính mà kỳ vọng của người tiêu dùng được đáp ứng hoặc vượt quá, “Mất” miêu tả những mong đợi của người tiêu dùng không được đáp ứng và “Đường vẽ” đưa ra một kết hợp chặt chẽ giữa những mong đợi và cảm nhận. Tùy theo tính chất tích cực hay tiêu cực của các thuộc tính mà các vùng “Được” và “Mất” nằm ở trên bên trái hoặc ở dưới bên phải của “Đường vẽ” càng xa thì mức độ hài lòng hoặc không hài lòng theo cảm nhận của du khách càng lớn. Trong trường hợp điểm nằm trực tiếp trên “Đường vẽ”, cảm nhận của khách du lịch trùng với mong đợi của họ và do đó đã đạt được sự hài lòng. -605-
  4. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải So với những mô hình trước mô hình HOLSAT được hình thành dựa trên tổng hợp lý thuyết từ nhiều mô hình khác nhau. HOLSAT không sử dụng một danh mục cố định các thuộc tính chung cho tất cả các điểm đến mà các thuộc tính được xây dựng, bổ sung cho phù hợp với từng điểm đến cụ thể vì mỗi điểm đến đều có nét riêng biệt. Điều này giúp đảm bảo các thuộc tính đang được sử dụng là phù hợp nhất với điểm đến đang được nghiên cứu. Điều này trái ngược lại với mô hình SERVQUAL sử dụng 22 thuộc tính cố định, không phân biệt cho các điểm đến khác nhau hoặc loại hình kinh doanh khác nhau. Việc sử dụng cả hai loại thuộc tính, tích cực và tiêu cực cho thấy đây là lợi thế của HOLSAT so với các mô hình khác. Theo Tribe và Snaith (1998), mặc dù điểm đến du lịch có một số thuộc tính tiêu cực nhưng du khách vẫn có thể biểu hiện sự hài lòng nếu tính tiêu cực thực tế thấp hơn so với lo ngại ban đầu. Cách tiếp cận này mang tính mới và cho chúng ta cái nhìn sâu hơn trong nghiên cứu đo lường sự hài lòng của du khách. Từ những ưu điểm trên so với các mô hình khác trong nghiên cứu về sự hài lòng của du khách, tác giả quyết định lựa chọn mô hình HOLSAT làm mô hình sử dụng trong nghiên cứu này. Hình 2. Mô hình HOLSAT. Theo Tribe và Snaithe (1998) có ba công cụ nghiên cứu chính đã được phát triển để phân tích các khái niệm về chất lượng và sự hài lòng của người tiêu dùng. Đây là tầm quan trọng hiệu suất, SERVQUAL (chất lượng dịch vụ) và SERVPERF (thực hiện dịch vụ). Sau khi điều tra thí điểm về du lịch tại Varadero, Cuba vào năm 1998. Tribe và Snaith phát triển công cụ thứ tư gọi là HOLSAT (sự hài lòng của kỳ nghỉ). Có thể nhận thấy mô hình HOLSAT của Tribe và Snaith nhấn mạnh vào yếu tố đáp ứng sự hài lòng của khách du lịch đối với chất lượng dịch vụ thụ hưởng. Bên cạnh việc định lượng các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ (dựa trên các nghiên cứu và thang đo của Parasuraman – SERVQUAL), mô hình nhấn mạnh vào đánh giá của khách du lịch về việc thực hiện dịch vụ đó như thế nào, có đáp ứng kỳ vọng của khách du lịch hay người thụ hưởng hay không. Mô hình HOLSAT đã nhấn mạnh nhân tố sự hài lòng của khách du lịch, đối tượng phục vụ chính của ngành du lịch để -606-
  5. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải từ đó có những thay đổi, đưa ra những kiến nghị, chính sách thích hợp cho việc phát triển du lịch. Qua phân tích ở trên cho thấy những ưu điểm của mô hình HOLSAT so với các mô hình khác trong nghiên cứu sự hài lòng của du khách đối với điểm đến du lịch. Do đó, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu đề xuất dựa trên mô hình nghiên cứu HOLSAT của Tribe và Snaith (1998). Tác giả đã tham khảo các nghiên cứu ứng dụng mô hình HOLSAT trong nước trong và tham khảo ý kiến chuyên gia làm để điều chỉnh bổ sung nhằm làm cho mô hình phù hợp với địa điểm du lịch thành phố Vũng Tàu. Mô hình nghiên cứu tác giả đề xuất dựa trên 6 thuộc tính của điểm đến có tác động đến sự hài lòng của du khách đến thành phố Vũng Tàu được trình bày khái quát trong sơ đồ sau: Hình 3. Sáu thuộc tính điểm đến thành phố Vũng Tàu tác động đến sự hài lòng. 3.15. Kết quả nghiên cứu Trong nghiên cứu của mình, tác giả sử dụng mô hình HOLSAT được xây dựng dựa trên 6 thuộc tính của điểm đến có tác động đến sự hài lòng của khách du lịch khi đến với Thành phố Vũng Tàu: Môi trường, Di sản văn hóa, Điều kiện tự nhiên, Giá cả, Dịch vụ Lưu trú - Ăn uống - Tham quan, giải trí - Mua sắm - Ngân hàng - Viễn thông và Giao thông. Tác giả đã sử dụng phương pháp lấy mẫu thuận tiện, cỡ mẫu 300, sử dụng bảng khảo sát định lượng làm công cụ thu thập dữ liệu trong nghiên cứu của mình. Bảng câu hỏi khảo sát được phát đi 300 bản, thu về được 270 bản đạt yêu cầu phân tích, xử lý làm sạch dữ liệu. Toàn bộ dữ liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS 20. -607-
  6. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải Môi trường Điều kiện tự nhiên 4.82%15.19% 4.07% 19.26% 7.78% 13.70% 66.30% 68.89% Rấ t hà i lòng Hài lòng Rấ t hà i lòng Hài lòng Không hài lòng Rấ t không hài lòng Không hài lòng Rấ t không hài lòng Di sản văn hoá Giá cả 10.37% 14.07% 4.45% 17.78% 15.93% 12.96% 62.59% 61.85% Rấ t hà i lòng Hài lòng Rấ t hà i lòng Hài lòng Không hài lòng Rấ t không hài lòng Không hài lòng Rấ t không hài lòng Lưu trú, ăn uống, tham Giao thông quan 8.15% 9.26% 9.63% 12.97% 11.48% 12.59% 71.11% 64.81% Rấ t hà i lòng Hài lòng Rấ t hà i lòng Hài lòng Không hài lòng Rấ t không hài lòng Không hài lòng Rấ t không hài lòng Hình 4. Kết quả khảo sát sự hài lòng của khách du lịch đối với thành phố Vũng Tàu. -608-
  7. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải Sau quá trình triển khai nghiên cứu, ứng dụng mô hình HOLSAT đánh giá sự hài lòng của khách du lịch tại điểm đến Thành phố Vũng Tàu, tác giả chỉ ra được những đặc điểm sau: Về môi trường Kết quả khảo sát có 41 khách (15,19%) rất hài lòng và 179 khách (66,3%) hài lòng cho thấy khách du lịch rất hài lòng với môi trường và khí hậu tại thành phố Vũng Tàu. Khí hậu tại Vũng Tàu rất ôn hòa và dễ chịu. Số giờ nắng nhiều và hầu như không có bão. Tuy nhiên, có 37 khách du lịch (13,7%) cảm thấy không hài lòng, đặc biệt có 13 khách (4,82%) rất không hài lòng khi thấy môi trường dần bị ô nhiễm do ý thức của người dân khi đi du lịch. Việc xả rác bừa bãi đang dần làm ô nhiễm các khu du lịch tại thành phố Vũng Tàu cũng như các bãi biển và khu sinh thái khác hiện nay. Thành phố Vũng Tàu có lợi thế trong việc phát triển thành thành phố du lịch biển. Việc bảo tồn thiên nhiên góp phần phát triển du lịch, mang lại giá trị lâu dài không chỉ về mặt sinh thái mà còn cả về mặt kinh tế và xã hội. Về điều kiện tự nhiên Vũng Tàu là một trong hai thành phố trực thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Khí hậu tại Vũng Tàu khá ôn hoà, quanh năm mát mẻ nên đây là nơi lý tưởng để du khách xa gần ghé đến tham quan và nghỉ dưỡng. Được thiên nhiên ban tặng, Vũng Tàu có nhiều khu du lịch đẹp như: Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dâu, tượng Chúa Giesu Kitô Vua, ngọn Hải Đăng, khu Đồi Con Heo, Mũi Nghinh Phong, Hòn Bà…. Kết quả khảo sát có 52 khách (19,26%) rất hài lòng và 186 khách (68,89%) hài lòng chứng tỏ du khách ghé thăm Vũng tàu đều muốn dừng chân lại lâu hơn để tận hưởng thiên nhiên kỳ vĩ nơi đây. Về di sản văn hóa Kết quả khảo sát cho thấy 169 khách du lịch (62,59%) hài lòng với thuộc tính di sản văn hóa. Đặc biệt có 38 du khách (14,07%) rất hào hứng khi được tham dự lễ hội Nhà Lớn – Đền Ông Trần ở đảo Long Sơn, trải nghiệm những trận đánh lịch sử khi tham quan Trận Địa Pháo Cổ lớn nhất Đông Dương. Bên cạnh đó, khách du lịch còn cảm thấy vô cùng tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất khi thăm Trại Phú Hải, nhà tù Côn Đảo hay thắp nén tâm nhang cho người nữ anh hùng trẻ tuổi Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương. Ngoài ra, khách du lịch cũng rất hài lòng khi ghé thăm Biệt thự Trắng, Linh Sơn Cổ Tự hay đơn giản là hoà mình vào các lễ hội đường phố, lễ hội thả diều… Tuy nhiên có 28 khách (10,37%) rất không hài lòng và 35 khách (12,96%) không hài lòng cho thấy ngành du lịch Vũng Tàu cần cải thiện công tác quản lý và khai thác các giá trị di sản văn hoá. Về giá cả Giá cả và chi phí là một yếu tố quan trọng tác động không nhỏ đến sự hài lòng -609-
  8. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải của khách du lịch. Kết quả khảo sát có 167 khách (61,85%) hài lòng và 48 khách (17,78%) rất hài lòng cho thấy khách du lịch hài lòng với dịch vụ và giá cả của các cơ sở lưu trú. Việc cạnh tranh giúp các cơ sở lưu trú nâng cao chất lượng với những mức giá phù hợp. Bên cạnh đó, 43 khách du lịch (15,93%) chưa hài lòng và 12 khách (4,45%) rất không hài lòng với mức giả cả dịch vụ ăn uống và thuê phương tiện tại một số điểm du lịch. Do đó Vũng Tàu cần quản lý chặt chẽ hơn về giá cả các dịch vụ ăn uống và thuê phương tiện. Về Cơ sở Lưu trú - Ăn uống - Tham quan, giải trí - Ngân hàng - Viễn thông Kết quả khảo sát cho thấy các loại hình dịch vụ tại thành phố Vũng Tàu có nhiều mặt tích cực lẫn hạn chế còn tồn tại. 35 khách du lịch (12,97%) rất hài lòng và 175 khách (64,81%) hài lòng với nhân viên phục vụ cùng phòng ốc với những trang thiết bị tiên tiến trong phòng như ti vi, máy điều hòa, hệ thống nước nóng lạnh, truy cập internet,... Việc truy cập internet dễ dàng mang lại hài lòng cho khách du lịch, nhất là việc chia sẻ chuyến đi cùng bạn bè trên các trang xã hội. Ẩm thực tại Vũng Tàu khá phong phú và tươi ngon với nhiều món ngon đặc trưng, hợp khẩu vị nhưng vấn đề về giá cả chưa làm hài lòng khách du lịch. Khách du lịch có thể mua sắm hoặc thưởng thức các món đặc sản biển tại các quán ăn hay nhà hàng ven biển tuyệt đẹp. Bên cạnh đó, việc bố trí nhà vệ sinh chưa đủ khiến 34 khách (12,59%) không hài lòng và 26 khách (9,63%) rất không hài lòng cũng như các địa điểm thu hồi rác thải chưa nhiều có thể gây ảnh hưởng tới môi trường sinh thái xung quanh. Ngoài ra, việc thanh toán qua thẻ còn khá hạn chế và chưa được áp dụng phổ biến tại khu du lịch phần nào ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch. Tóm lại, bên cạnh những điểm tích cực thì vẫn có một số điểm hạn chế nhưng nhìn chung thì chuyến du lịch đến Thành phố Vũng Tàu theo nhìn nhận của khách du lịch là đáng giá đồng tiền. Về giao thông Tình hình giao thông tại thành phố Vũng Tàu là rất tốt thể hiện qua 192 khách (71,11%) hài lòng và 25 khách (9,26%) rất hài lòng. Hệ thống giao thông đường bộ khá hoàn chỉnh. Thành phố đang chuẩn bị triển khai dự án đường cao tốc Vũng Tàu – Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp cho hành trình của khách du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu sẽ được rút ngắn đáng kể. Về hàng không: sân bay Vũng Tàu chủ yếu phục vụ cho máy bay trực thăng thăm dò khai thác dầu khí. Về đường sông: với hệ thống cảng biển phát triển, khách du lịch khá hài lòng khi di chuyển bằng tàu cánh ngầm giữa Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thông tin về Vũng Tàu tại các bến xe, nhà chờ, sân bay... còn thiếu, chưa được quảng bá rộng rãi cũng làm cho 31 khách (11,48%) không hài lòng và 22 -610-
  9. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải khách (8,15%) rất không hài lòng. Điều này cần được cải thiện sớm để du khách có thể xây dựng cho mình những lịch trình phù hợp. 3. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ Để thúc đẩy và định hướng cho thành phố Vũng Tàu phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, tác giả xin đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ, các thuộc tính mà du khách hài lòng cũng như khắc phục những thuộc tính du khách chưa hài lòng, góp phần nâng cao chất lượng điểm đến du lịch tại thành phố Vũng Tàu. Môi trường Nhằm nâng cao và duy trì ý thức bảo vệ môi trường, khai thác hiệu quả và bảo vệ vẻ đẹp cho thành phố Vũng Tàu, các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định, các nhà quản lý cần sớm có những chủ trương, biện pháp mạnh tay nhằm ngăn ngừa, hạn chế tối đa mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và các sự cố môi trường do hoạt động của con người trong quá trình thực hiện quy hoạch... Khuyến khích áp dụng công nghệ cao, nhất là công nghệ sạch, công nghệ ít gây ô nhiễm trong tổ chức và hoạt động của từng cơ sở theo tiêu chuẩn quốc gia về bảo vệ môi trường. Thực hiện công tác ngăn chặn và phòng ngừa ô nhiễm tại nguồn đối với các dự án có liên quan đến xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như cơ sở lưu trú, các công trình vui chơi giải trí… trong việc phát triển khu du lịch sinh thái bền vững. Điều kiện tự nhiên Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy du khách rất hài lòng với thuộc tính “Thành phố biển”, “Có nhiều bãi biển đẹp”. Điều này chứng tỏ Vũng Tàu có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, như: Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dâu, Hòn Bà…... Vì vậy, cần tăng cường khai thác theo chiều sâu loại hình du lịch này kết hợp bảo vệ môi trường, tránh tác động quá mức làm mất vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, tăng cường quảng bá và đào tạo đội ngũ lao động chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền thành phố Vũng Tàu cần quan tâm đến phát triển du lịch sinh thái bền vững nhằm duy trì và phát triển thế mạnh sinh thái của Vũng Tàu. Di sản văn hóa Đến với Thành phố biển Vũng Tàu, , khách du lịch không chỉ được tham quan nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn có được trải nghiệm văn hóa đặc sắc như lễ hội Nghinh Ông, Festival diều, Festival biển… Vũng Tàu còn là điểm đến lý tưởng cho các khách du lịch tâm linh với nhiều địa điểm nổi tiếng như: Nghĩa trang Hàng Dương, nhà tù Côn Đảo, Linh Sơn Cổ Tự… các tổ chức, cá nhân cần phối hợp tốt với chính quyền địa phương, các ban ngành có liên quan tiếp tục duy trì và khai thác tốt hơn nữa các nét đẹp đặc sắc của văn hóa địa phương. Đặc biệt là quảng bá và giới thiệu đến khách du lịch các lễ hội về du lịch -611-
  10. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải nhằm thu hút thêm khách du lịch đến Vũng Tàu. Giá cả Kết quả khảo sát cho thấy khách du lịch hài lòng với dịch vụ và giá cả của các cơ sở lưu trú. Việc phát triển và cạnh tranh giúp các cơ sở lưu trú nâng cao chất lượng với những mức giá phù hợp. Sự ra đời của các Resort cho thuê nguyên căn giúp khách du lịch có thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ. Bên cạnh đó, khách du lịch chưa hài lòng với mức giá cả dịch vụ ăn uống và thuê phương tiện tại các khu du lịch. Điều này cần các cấp chính quyền quan tâm và có chính sách ưu đãi và quản lý phù hợp để góp phần tạo sự hài lòng cho du khách. 4. KẾT LUẬN Vũng Tàu là thành phố có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, tuy nhiên chưa được khai thác đúng với tiềm năng. Qua phân tích trên ta thấy du khách hài lòng ở mức độ trung bình đối với ngành du lịch Vũng Tàu. Vẫn còn khá nhiều vấn đề bất cập trong việc phát triên du lịch Vũng Tàu như giá cả dịch vụ ăn uống và thuê phương tiện còn bất cập, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn hạn chế. Để phát triển du lịch thì Vũng Tàu cần phải cải thiện nhiều mặt, nhiều lĩnh vực đồng thời không ngừng đầu tư, sáng tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm nâng cao mức độ hài lòng của du khách khi đi du lịch tại Vũng Tàu. Các cấp quản lý, đầu tư và hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh cần nâng cao chất lượng phục vụ hơn nữa, đồng thời tạo điều kiện nâng cao trình độ và tay nghề của lực lượng lao động phục vụ du lịch. Ngoài ra cần phải chú trọng việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển du lịch. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Bộ môn Kinh tế vận tải và Du lịch, Bài giảng Quản lý chất lượng dịch vụ du lịch, 2019. [2]. Bộ môn Kinh tế vận tải và Du lịch, Bài giảng Điều tra kinh tế, 2018. [3]. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, TPHCM, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2008 [4]. Trang web Tổng cục Du lịch Việt Nam, http://www. dulichvn.org.vn. [5]. Trang web Vũng tàu, http://www.vungtau.gov.vn. -612-
nguon tai.lieu . vn