Xem mẫu

  1. MÚA QUA CON MẮT HỌA SĨ THỦ ĐÔ Triển lãm trưng bầy các tác phẩm mỹ thuật nhằm tôn vinh giá trị nghệ thuật múa. Nghệ thuật múa là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, đó là sự kết hợp hài hòa của nhịp điệu, sự chuyển động, trang phục, âm nhạc và vẻ đẹp thân hình cháy bỏng của các vũ nữ. Múa luôn tạo cảm hứng sáng tạo cho các họa sĩ, nhà điêu khắc, những người luôn yêu cái đẹp. Ở triển lãm này các họa sĩ, nhà điêu khắc đã miêu tả nhiều thể loại múa: múa cổ, múa dân gian, múa chèo, múa Bồng, múa xòe Thái, múa Chăm, múa Ba lê, múa đương đại... Hơn một trăm họa sĩ cùng vẽ về một đề tài là một việc khó khăn. Nhưng nghệ thuật múa có muôn sắc màu, nên mỗi họa sĩ, nhà điêu khắc đã có cách cảm nhận riêng, và bút pháp riêng tạo nên sự phong phú cho phòng triển lãm. Có thể nói đây là triển lãm thành công nhất trong ba cuộc triển lãm về múa ở thủ đô Hà Nội trong vài năm gần đây. Những tác phẩm trong triển lãm này là kết quả của việc tổ chức các trại sáng tác, các cuộc đi thực tế tại trường Múa Hà Nội, của Hội Mỹ thuật Hà Nội. Và những cuộc liên hoan ca múa nhạc, những cuộc thi Múa của thủ đô và toàn quốc đã giúp cho các họa sĩ sáng tác những tác phẩm múa có tính nghệ thuật cao. Đề tài múa được nhiều họa sĩ tâm huyết và họ đã vẽ với tất cả tấm lòng tôn vinh cái đẹp. Các họa sĩ không chỉ vẽ các vũ nữ đang múa, mà còn vẽ các em trong giờ nghỉ, các em đang tập múa, và phút tĩnh lặng sau sàn diễn.
  2. LÊ ĐỨC BIẾT - Cánh diều 1
  3. Triển lãm có sự hiện diện của 108 tác phẩm của gần 100 họa sĩ và nhà điêu khắc đã cống hiến cho người yêu tranh một bữa tiệc màu sắc tưng bừng, rộn ràng nhịp điệu, và sự chuyển động không ngừng của các điệu dân vũ trong các mùa lễ hội của đồng bằng Bắc Bộ, và miền Nam Trung Bộ... Đã có rất nhiều những bức chạm khắc cảnh nhảy múa ở các mảng chạm của điêu khắc đình làng Bắc Bộ, của khu di tích Mỹ Sơn, Trà Kiệu (Quảng Nam), Cố đô Huế... Triển lãm thể hiện sự phong phú của chất liệu: 19 tranh sơn dầu, 20 Acrylic, 8 tranh sơn mài, 5 phấn màu, 3 lụa, và 3 chất liệu tổng hợp. Và các tác phẩm đồ họa: khắc gỗ, khắc thạch cao, giấy dó, in lưới... 6 tác phẩm điêu khắc: gỗ, gốm, compôzít, gò kim loại... Các tác phẩm điêu khắc ở triển lãm này có kích thước hơi nhỏ, hơi ít, đối nghịch với nhiều tác phẩm sơn dầu, sơn mài có kích thước lớn. Phải chăng các nhà điêu khắc đang để dành tác phẩm cho triển lãm điêu khắc 10 năm sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Tuy sự góp mặt của các tác phẩm điêu khắc khá khiêm tốn: chỉ có 6 tác phẩm nhưng người xem ấn tượng với bức phù điêu Vũ điệu Chăm - gò kim loại của Vũ Bạch Hoa. Nữ họa sĩ đã cho người xem được nghỉ mắt trên hình khối căng tròn của các vũ nữ Chăm, giữa bộn bề sắc màu của múa. Với trang phục “sexy”, vẻ đẹp sung mãn, phồn thực của 2 cô vũ nữ, đưa người xem đến với
  4. khu tháp Chăm - Mỹ Sơn, Quảng Nam đầy nắng và gió. Tượng của Vũ Bạch Hoa thường là tượng tròn, theo phong cách tả thực, khối chau chuốt. BÍCH HUỆ - Múa Bồng. Sơn dầu
  5. Điều đáng ghi nhận là phòng tranh có sự tham gia nhiệt tình của các thế hệ họa sĩ, từ cao tuổi đến trẻ tuổi, là hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội như: Phạm Đức Phong, Nguyễn Nghĩa Duyện, Trần Từ Thành, Triệu Khắc Lễ, Nguyễn Chính, Hoàng Đình Tài, Nguyễn Văn Nghị, Trần Lãng, Đoàn Văn Thân, Đỗ Bá Quang, Ngô Thành Nhân, Nguyễn Văn Chuốt, Phan Tuấn Tài, Nguyễn Văn Bảng, Đỗ Đức Khải, Lê Đức Biết... và các họa sĩ trẻ: Lê Ngọc Nhất, Lê Đức Tuấn Anh... Bước vào phòng tranh chúng ta bắt gặp tác phẩm Múa quạt - khắc gỗ của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện, ông vốn nổi tiếng trong lĩnh vực đồ họa, và luôn trung thành với lối vẽ hiện thực, các cô gái mặc áo tứ thân, múa quạt, dâng hoa, nền nã, và duyên dáng. Xem tranh ông, ta như được dự các lễ hội đình làng mùa xuân ở các làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Hình như đề tài múa hợp với nhiều cây bút nữ. Phòng tranh có sự tham gia của nhiều nữ họa sĩ: Mai San, Tạ Thị Thanh Tâm, Phạm Kim Bình, Đặng Thị Bích Ngân, Vũ Bạch Hoa, Nguyễn Thị Minh Hồng, Trần Ngọc Anh, Phạm Thị Nghĩa, Hoàng Kim Tiến, Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Mai Hương, Vũ Tuyết Mai, Phạm Thị Ngọc Lan, Nguyễn Thị Bích Huệ... Mặc dù rất bận rộn với công tác quản lý Hội Mỹ thuật Hà Nội, nhưng nữ họa sĩ Phạm Kim Bình cũng có hai tác phẩm Múa, và Giữa giờ giải lao. Chị vẽ một nữ sinh trường múa Hà Nội ngồi nghỉ giữa giờ luyện tập, cô có một vẻ đẹp thánh
  6. thiện, trong suốt, màu sắc của Kim Bình nền nã, và đằm thắm. Họa sĩ Đặng Thị Bích Ngân chuyên sáng tác mảng đồ họa với nhiều tranh khắc, tranh in độc đáo. Chị thường vẽ theo phong cách hiện thực, mang tính hàn lâm; Ở phòng tranh này chị có tranh in lưới: Múa lên đồng. Nữ họa sĩ diễn tả màn múa lên đồng như một cảnh diễn xướng dân gian, mang tính nghệ thuật, và có màu sắc của tín ngưỡng thờ mẫu. Tranh Bích Ngân luôn vui, có nhịp điệu, nhiều màu sắc và nhiều nhân vật. Tạ Thị Thanh Tâm vẫn một lối tạo hình hiện đại, ngộ nghĩnh và cách điệu đến tối giản về nét, Điệu múa cổ của chị đượm chất đồng dao và lạ mắt. Múa Bồng của làng Triều Khúc - Hà Nội, là một điệu múa dân gian, mới được phục dựng trong những năm gần đây. Đây là điệu múa mừng thắng trận, điều đặc biệt là cả đội múa đều là nam giả nữ, khi múa các diễn viên phải lẳng lơ, nhưng e thẹn và mềm dẻo, trang phục múa có nhiều sắc màu và thường trình diễn trong lễ hội làng Triều Khúc. Nguyễn Thị Bích Huệ với tranh Múa Bồng với màu hồng là chủ đạo, tạo hình ngộ nghĩnh, cả đội múa đều ngửa mặt lên trời, tay vung nhẹ, vừa nhảy múa vừa gõ trống, nét mặt hài hước, vui nhộn. Điệu múa Bồng này được nhiều họa sĩ tái hiện. Múa Bồng của Triệu Khắc Lễ, màu sắc cũng rất đẹp, nét mặt bốn chàng trai vô cùng biểu cảm, cả bức tranh rực rỡ bởi sắc vàng, đỏ. Đây là một bức tranh đẹp.
  7. VŨ BẠCH HOA - Vũ điệu Chăm. Gò kim loại
  8. Nguyễn Văn Chuốt cũng tái hiện điệu múa Bồng bằng những nhát bút sơn dầu đậm đặc, và sắc xanh, đỏ bạo liệt. Xem tranh anh, ta có cảm giác anh vẽ để giải tỏa cảm xúc hơn là miêu tả đối tượng. Tranh Nhảy múa - sơn mài của họa sĩ Hoàng Đình Tài là một bức tranh đẹp, gây ấn tượng thị giác mạnh cho người xem. Các cô gái chuyển động vòng tròn, bước chân uyển chuyển, mái tóc tung bay. Xem tranh ông, ta nhớ tới các điệu múa cổ của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, nhưng cách tạo hình và bút pháp lại phảng phất phong cách của họa sĩ Nguyễn Sáng, người họa sĩ tài danh mà Hoàng Đình Tài luôn coi là người thầy của mình. Màu xanh, nâu, đỏ của quần áo, màu đen của những sóng tóc của các cô vũ nữ, và những mảng màu đỏ ẩn hiện trên các gương mặt, trên nền nâu đỏ chủ đạo, tạo sự chắc, nặng cho tác phẩm. Tranh sơn mài của Hoàng Đình Tài sang trọng, và giàu chất tạo hình. Chèo là một loại hình nghệ thuật dân gian có hát và múa. Các làn điệu chèo, tiếng trống chèo, và các tích chèo: Quan Âm Thị Kính, Kim Nham, Lưu Bình Dương Lễ... lan tỏa ở các làng quê đồng bằng Bắc Bộ, và được nhiều họa sĩ tái hiện nên tranh. Trích đoạn Xúy Vân giả dại trong vở chèo Kim Nham được nhiều họa sĩ thể hiện như Múa chèo - sơn dầu của Hữu Sim. Múa chèo, sơn mài của Nguyễn Văn Bảng. Họa sĩ thường vẽ theo trường phái hiện thực, và say mê kỹ thuật sơn mài
  9. truyền thống, màu sắc trầm và sâu, một nhân vật Xúy Vân giàu tâm trạng, đáng thương làm nao lòng người thưởng thức. Tranh nhảy múa I, Nhảy múa II của họa sĩ Nguyễn Hữu Nghị đã thu hút nhiều người xem. Họa sĩ miêu tả hai vũ nữ múa, và một nhạc công thổi kèn, với những động tác chắc, khỏe, mảng miếng dứt khoát, bố cục chặt, hình vững và đẹp. Tác giả say mê sự chuyển dịch các sắc độ của màu nâu, pha chút sắc đỏ, sự chuyển động của thân hình các vũ nữ. Xem tranh ông ta như nhớ đến những cô gái trong tranh của họa sĩ Gô-ganh, trên đảo Tahiti tràn đầy gió và ánh nắng nhiệt đới. Họa sĩ Nguyễn Hà Bắc góp mặt bằng tranh Vũ Điệu. Vũ điệu ba lê Hồ thiên nga của Trai-cốp-xki được rất nhiều vũ công nổi tiếng trên thế giới biểu diễn, họa sĩ Hà Bắc vẽ trích đoạn các nàng thiên nga đang tung cánh trên sàn diễn, một sự chuyển động nhịp nhàng, rộn rã, cả một đàn thiên nga xanh đang bay lượn, vẫn là những vệt màu chấm phá. Hà Bắc không dùng đường công tua viền nét, mà anh dùng các vệt màu nguyên để tạo hình nhân vật, xem tranh anh ta thấy sự nhảy múa của các vệt màu, lối vẽ gần với cách vẽ “điểm màu” của các họa sĩ trường phái Ấn tượng Pháp thế kỷ 18. Không thể điểm hết những tác phẩm múa đẹp của các họa sĩ trong phòng tranh, bởi lẽ nghệ thuật múa có rất nhiều yếu tố tạo hình gây cảm xúc mạnh cho các họa sĩ sáng tạo. Sự kết hợp giữa 2 Hội Mỹ thuật Hà Nội và Hội Múa đã cống hiến cho
  10. người xem một bữa tiệc đầy màu sắc, rộn ràng nhịp điệu. Phòng tranh trưng bầy hơi dày đặc, giá như bớt đi 1/4 tranh, thì mật độ tranh sẽ thoáng hơn, và các tác phẩm cũng chất lượng hơn. Nhưng sự nhiệt tình với nghệ thuật múa của các họa sĩ khiến cho ban tổ chức không thể chối từ sự say mê sáng tạo nghệ thuật của đông đảo họa sĩ thủ đô
nguon tai.lieu . vn