Xem mẫu

  1. MỘT SỐ CHẤN THƯƠNG THƯỜNG GẶP TRONG HOẠT ĐỘNG THỂ DỤC THỂ THAO ThS. Lê Hữu Toàn, ThS. Võ Minh Vương Giảng viên Trường Học viện Hàng không Việt Nam TÓM TẮT Hoạt động Thể thao luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe của con người. Tuy nhiên, trong quá trình chơi hoặc tập luyện thể dục thể thao, nhiều người không may bị chấn thương. Chúng ta cần hết sức cẩn trọng trong quá trình luyện tập thể thao để tránh những chấn thương nghiêm trọng. Dưới đây là những chấn thương thể thao phổ biến nhất mà bạn cần lưu ý để hạn chế tối đa. Từ khóa: Chấn thương, Thể dục thể Thao. Liệu pháp RICE. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Tập luyện thể thao là hoạt động tốt cho sức khỏe. Cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý, chế độ vận động vừa sức là nền tảng cho cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều lợi ích mà thể thao mang lại, người chơi thể thao (cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên) đều phải đối mặt với những chấn thương trong quá trình tập luyện và thi đấu. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi năm ở Mỹ có gần 10 triệu trường hợp gặp phải chấn thương do chơi thể thao. Tại Việt Nam, con số này cũng có thể lên đến hàng nghìn người. Do đó, những người chơi thể thao cần được tư vấn và hướng dẫn cách vận động phù hợp để phòng ngừa chấn thương. 2. MỘT SỐ CHẤN THƯƠNG THƯỜNG GẶP 2.1 Căng giãn cơ Căng cơ là tình trạng các thớ cơ căng giãn hơn bình thường, vượt quá giới hạn chịu đựng của cơ. Chứng căng cơ thường xảy ra nhiều hơn khi bạn không trải qua khâu làm nóng cơ thể (khởi động) trước những lần vận động nặng. Đặc biệt rất hay gặp đối với người hay luyện tập thể thao vừa mới trở lại tập luyện sau một thời gian nghỉ tập. Dấu hiệu: - Đau nhói ở vùng bị chấn thương. - Khả năng vận động của nhóm cơ bị ảnh hưởng, chức phận của cơ bị hạn chế. - Xuất hiện vết tím, sưng. - Mức độ nặng: Cử động nhóm cơ khó khăn, vết tím và sưng lớn (do một phần, một số sợi cơ bị rách hoặc đứt). 230
  2. 2.2 Bong gân mắt cá chân Mắt cá được bao phủ trong vô số các dây chằng có chức năng chính là kết nối các xương lại với nhau và kiểm soát chuyển động của cơ thể. Khi mắt cá xoay và bị lật vào trong quá nhanh hoặc bị xoắn mạnh vì các chuyển động đột ngột, dây chằng quanh mắt cá, vốn đã yếu, sẽ bị đứt. Hậu quả là bạn bị bong gân mắt cá chân. Đó là lý do tại sao các vận động viên tham gia vào các môn thể thao với cường độ mạnh như bóng đá, bóng rổ, bóng bầu dục thường bị bong gân mắt cá chân. 2.3 Chấn thương gân khoeo Khoeo được cấu thành từ ba cơ bắp riêng biệt ở đùi. Chấn thương gân khoeo xảy ra khi chân bạn bị căng giãn quá mức trong khi chạy vượt rào hoặc chạy nhanh. Chấn thương gân khoeo cũng có thể xảy ra khi bạn ngã về phía trước trong khi trượt ván nước. Các chấn thương ở khoeo thường mất một thời gian dài, thường là một năm, để hồi phục, bởi vì đi bộ tạo ra độ căng không ngừng trên mô đã bị chấn thương. Bạn không nên chơi thể thao trong thời gian đợi hồi phục. Một số người không thể đợi lâu và chơi thể thao lại sớm, vì vậy chấn thương tái phát là điều rất phổ biến. 231
  3. 2.4 Đau cẳng chân Đau cẳng chân do các cơ gần xương cẳng chân bị đau. Chạy, đặc biệt là trên bề mặt cứng như các con đường lát đá, là nguyên nhân chính gây đau cẳng chân, đặc biệt đối với người mới bắt đầu hoặc những người không có giày hỗ trợ phù hợp. 2.5 Chấn thương đầu gối - Rách dây chằng chéo trước: Chấn thương đầu gối rất phổ biến trong số các chấn thương thể thao. Có hai loại chấn thương đầu gối là rách dây chằng chéo trước và hội chứng đùi bánh chè. Chức năng của dây chằng chéo trước là giúp giữ chặt xương chân vào đầu gối. Nếu bạn bị rách dây chằng chéo trước, cần đi khám bác sĩ ngay vì đây là một trong những chấn thương thể thao nghiêm trọng nhất. Nếu chấn thương nghiêm trọng, bạn có thể phải trải qua phẫu thuật để duy trì hoạt động thể chất sau này. - Hội chứng đùi bánh chè Vấn đề này xảy ra khi khớp gối của bạn phải chịu áp lực liên tục trong quá trình chạy, nhảy hoặc chơi bóng chuyền, gây kích thích dưới nắp gối. Hội chứng đùi bánh chè không nghiêm trọng như rách dây chằng chéo trước. Tất cả những gì bạn cần làm là kiên nhẫn chờ đợi. Đầu gối sẽ cần 6 tuần để hồi phục hoàn toàn. Tập thể dục nhẹ nhàng được khuyến cáo trong quá trình hồi phục của bạn. 2.6 Các chấn thương ở vai và cánh tay 2.6.1 Viêm gân khớp vai Khớp vai là khớp có biên độ vận động lớn nhất trong cơ thể, nên rất dễ bị chấn thương. Chấn thương ở vùng vai chiếm khoảng 1/10 tổng số các chấn thương thể thao. Các chấn thương gặp phải thường do sự quá tải hoặc do việc lặp đi lặp lại động tác ném và đẩy. 232
  4. Khớp vai dễ gặp phải chấn thương khi luyện tập thể thao Khớp vai dễ gặp chấn thương nhất, song cũng là khớp gặp nhiều khó khăn nhất trong việc phục hồi chức năng. Lý do là khớp vai có tầm vận động quá rộng, có nhiều gân, cơ tham gia vào vận động của nó, bởi vậy sẽ mất nhiều thời gian phục hồi sau chấn thương thì bạn mới có thể chơi thể thao trở lại được. 2.6.2 Viêm gân chóp xoay Viêm gân chóp xoay là loại viêm gân khớp vai thường gặp nhất. Có 4 gân cơ xoay ở vai, nằm bọc quanh khớp vai, chúng có chức năng làm chắc vai, tham gia vào các động tác giơ tay lên, đưa tay ra trước, ra sau và xoay vai. Nhóm gân này rất quan trọng, gần như phụ trách toàn bộ hoạt động của khớp vai, nhưng lại có cấu tạo rất mỏng. Bởi vậy, khi bị viêm gân chóp xoay sẽ gây đau, làm giảm hoặc mất vận động khớp vai. Nếu không được điều trị đúng, tình trạng này sẽ trở thành mạn tính, khi đó sẽ rất khó điều trị. Biểu hiện của viêm gân chóp xoay: các triệu chứng thường xảy ra một cách từ từ, người bệnh không nhớ rõ nguyên nhân là do đâu. Bệnh nhân có triệu chứng đau vùng vai, đau có thể lan lên cổ hoặc lan xuống dưới mặt trước cánh tay. Đau tăng lên khi thực hiện các động tác như giơ tay qua đầu phát bóng, xì-mách trong bóng chuyền, cầu lông, tennis, bơi lội,... hay khi thực hiện động tác ném trong môn bóng ném, ném lao,... Diễn biến của bệnh: Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, triệu chứng đau vai ngày càng nặng thêm, đau tăng khi vận động và kể cả khi ngủ. Có lúc đau dữ dội làm cho bệnh nhân không thể cử động vai được. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng như teo cơ, cứng khớp, vai mất chức năng vận động, từ đó làm xáo trộn cuộc sống của bệnh nhân, bệnh nhân có thể bị suy sụp, mất ngủ mạn tính. Viêm đầu dài gân nhị đầu Nguyên nhân của tình trạng này là do: - Vận động khớp vai quá mạnh, lặp đi lặp lại nhiều lần. 233
  5. - Do tăng cường độ, tần suất hoặc thời gian tập luyện thể dục thể thao một cách đột ngột. - Chấn thương viêm đầu dài gân nhị đầu thường gặp trong các môn thể thao như cầu lông, bơi thuyền, tennis, golf, thể dục dụng cụ, bơi lội, bóng ném, ném lao,... Biểu hiện của viêm đầu dài gân nhị đầu: bệnh nhân xuất hiện đau ở mặt trước vai, đau lan xuống khuỷu tay. 2.6.3 Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay Nguyên nhân gây viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là do vận động quá mức, khi chơi các môn thể thao có những động tác chuyển động lặp đi lặp lại như đánh gôn, tennis, cầu lông, bóng bàn,... Biểu hiện của tình trạng viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay đó là: đau nhức phía bên ngoài khuỷu tay, triệu chứng đau sẽ đỡ khi được nghỉ ngơi. Nếu như bệnh nhân vẫn tiếp tục vận động sẽ làm cho tình trạng chấn thương nghiêm trọng hơn. 3. CÁCH SƠ CỨU VÀ ĐIỀU TRỊ BAN ĐẦU KHI XẢY RA CHẤN THƯƠNG TRONG HOẠT ĐỘNG TDTT 3.1 Áp dụng liệu pháp RICE Sơ cứu, điều trị bằng phương pháp RICE được tiến hành ngay sau khi bị chấn thương. Phương pháp này nếu được sử dụng ngay trong khoảng 10 – 20 phút đầu sau chấn thương có thể rút ngắn được thời gian điều trị được vài ngày hoặc vài tuần và nhanh chóng cho VĐV trở lại tập luyện và thi đấu. Khi bị chấn thương, thực hiện phương pháp “RICE” ngay, gồm 4 bước: R – Rest: nghỉ chơi ngay lập tức sau khi chấn thương, có thể bất động tạm thời chi bị chấn thương từ 24 – 72 giờ (có thể dùng nẹp để bất động chi). I – Ice: Chườm lạnh giúp giảm chảy máu, giảm sưng, giảm đau, giảm viêm, thời gian từ 10-15 phút, không nên chườm quá lâu có thể gây phỏng lạnh, có thể phối hợp với băng ép. Cách làm: đá nhuyễn hoặc nước đá trong túi nylon, bọc khăn vải ướt bên ngoài, chườm lên vùng tổn thương. “Ice massage” là hình thức phối hợp giữa chườm lạnh và băng ép. Chườm lạnh được thực hiện trong 24-72 giờ đầu sau chấn thương (tùy vào mức độ tổn thương), thời gian chườm là 10-15 phút, rồi nghỉ 30-45 phút, có thể lặp lại nhiều lần trong ngày. - Đối với những chấn thương nhỏ thì đau, sưng sẽ giảm rất nhanh. - Đối với chấn thương trung bình đau, sưng sẽ giảm sau 24 giờ. - Đối với chấn thương nặng thường đau và sưng sẽ giảm sau 72 giờ (cần phải có điều trị chuyên sâu sau đó). - Thời gian chườm lạnh còn phụ thuộc vào vị trí tổn thương và cơ thể mỗi người (mập, ốm). C – Compression: băng ép với mục đích làm giảm giảm sưng có thể thực hiện cùng lúc với chườm lạnh hoặc khi không có chườm lạnh. 234
  6. Cách làm: sử dụng băng thun quấn từ dưới vùng bị tổn thương khoảng 5 – 10cm quấn lên trên vùng tổn thương và qua khỏi vùng tổn thương. Chú ý: Những vòng đầu quấn hơi chặt sau đó lỏng dần. Sau quấn phải kiểm tra xem có có chèn ép mạch máu thần kinh (quấn quá chặt). E – Elevation: Kê cao chi chấn thương giúp máu trở về tim tốt hơn, làm giảm sưng và viêm, đặc biệt đối với chi dưới, có thể nằm kê cao chân 10 - 15cm trong 24 - 72 giờ đầu. Chú ý: Trong 48 giờ đầu không được chườm nóng, xoa bóp các loại dầu nóng, kéo nắn chi hay vùng bị tổn thương vì dễ làm tổn thương dập – rách – đứt – tăng lên, chảy máu và sưng nề nhiều hơn, hiện tượng viêm tăng lên và kéo dài làm mô bị tổn thương lâu lành hoặc lành với sẹo xấu. Đặc biệt đối với dây chằng, việc xoa bóp với các loại dầu có thể kích thích hình thành các mô sợi (Fibro) thế cho các sợi collagen dẫn đến giảm tính đàn hồi, chắc của dây chằng, sau khi lành dây chằng trở nên yếu và dễ bị tổn thương lại. Nếu sau 24 – 72 giờ tổn thương không giảm nhiều, hoặc tổn thương ban đầu trầm trọng cần thiết phải gặp Bác sĩ Y Học Thể Thao. RICE không những là phương pháp điều trị mà còn là phương pháp sơ cứu chấn thương thể thao. 3.2 Chống chỉ định khi bị chấn thương trong hoạt động TDTT - Không được xoa bóp hoặc chườm nóng, các liệu pháp nóng (kể cả dầu nóng, salonpas, rượu xoa bóp…) cho vùng bị bong gân ít nhất trong vòng 48-72 giờ đầu tiên, tuy có tác dụng giảm đau nhưng làm giãn mạch nên có thể gây chảy máu tiếp và tăng mức độ sưng nề. - Không uống rượu trong thời gian này vì rượu cũng gây giãn mạch giống như chườm nóng. - Không tiêm bất kỳ thuốc gì kể cả thuốc tê vì gây tăng sưng nề do khối lượng thuốc tiêm. 4. CÁCH PHÒNG TRÁNH CHẤN THƯƠNG KHI TẬP LUYỆN THỂ THAO Khởi động kỹ trước khi bắt đầu luyện tập để tăng lưu thông máu tới các cơ, làm cho các cơ, khớp vận động linh hoạt hơn. Trong quá trình luyện tập, nên nghỉ giữa các lần tập để cơ thể có thời gian phục hồi. Khi luyện tập môn thể thao mới, bạn nên bắt đầu từ từ, sau đó tăng dần độ mạnh, sự linh hoạt và sức bền. - Điều quan trọng nhất để phòng tránh chấn thương khi tập thể thao là bạn phải biết lắng nghe cơ thể của mình, hãy dừng lại khi cảm thấy đau, khó chịu hoặc căng thẳng. 5. KẾT LUẬN Tập luyện thể dục thể thao giúp cho mọi người có một sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên nếu như chúng ta luyện tập không đúng có thể gây ra những chấn thương, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. 235
  7. Trong tập luyện thể dục thể thường gặp 4 nhóm chấn thương đó là căng cơ, bong gân, chấn thương khớp gối, chấn thương vùng vai và cánh tay. Tùy từng loại chấn thương và mức độ chấn thương sẽ có biện pháp điều trị khác nhau. Khi gặp phải các chấn thương này bạn phải sơ cứu đúng để không làm nặng thêm, sau thời gian sơ cứu tùy vào tình trạng và mức độ tổn thương để tới các cơ sở y tế, được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, kiểm tra, đánh giá mức độ tổn thương và đưa ra biện pháp điều trị phù hợp. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Giáo trình Y học TDTT (2014), Nxb Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 2. Lê Đúc Chương (2010), Bài giảng Sinh lý TDTT. 3. Lưu Quang Hiệp, Phạm Thị Uyên (1995), Sinh lý học thể dục thể thao, NXB TDTT, Hà Nội. 4. PGS. TS. Trịnh Hùng Thanh (1999), Đặc điểm sinh lý các môn thể thao, NXB TDTT, Hà Nội. 5. Https://nutrihome.vn/chan-thuong-thuong-gap-cua-nguoi-choi-thể-thao. 6. Http://soyte.namdinh.gov.vn/home/hoat-dong-nganh/giao-duc-suc-khoe. 236
nguon tai.lieu . vn