Xem mẫu

  1. NGHIÊN CỨU – TRAO ĐỔI MICE - HƯỚNG ĐI NHIỀU TRIỂN VỌNG CỦA NGÀNH DU LỊCH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ThS. NGUYỄN ĐÌNH TÌNH (*) TÓM TẮT Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu tàu của nền kinh tế cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh hội tụ rất nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế trong đó có ngành du lịch. MICE được biết đến như một loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác. MICE hiện là loại hình du lịch mang lại nguồn thu rất lớn cho ngành du lịch ở các nước. Với đặc trưng là một thành phố năng động, hiện đại về cơ sở hạ tầng, nguồn lao động đông và có chất lượng cao hàng đầu cả nước, là điểm đến của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới nên Thành phố Hồ Chí Minh rất phù hợp để phát triển loại hình du lịch MICE. Bài viết đi sâu phân tích những tiềm năng để phát triển loại hình du lịch MICE ở Thành phố Hồ Chí Minh, nêu thực trạng qua đó đề xuất các giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển của loại hình du lịch này tại thành phố từng được mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Từ khóa: Du lịch MICE, nhân lực du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh. SUMMARY Located in the Southern key economic region, the locomotive of the national economy. Ho Chi Minh City converges a lot of potential to develop economic sectors including tourism. MICE is known as a type of tourism combining conferences, seminars, exhibitions, organizing events, rewarding tourism of companies for employees and partners. MICE is currently a type of tourism that brings a huge revenue source for tourism in a lot of countries. With the characteristic of being a dynamic and modern city in terms of infrastructure, a large source of labor and high quality in the whole country, it is the destination of large enterprises and economic groups in the world. Ho Chi Minh City is very suitable to develop MICE tourism. The article analyzes the potentials to develop MICE tourism in Ho Chi Minh city, showed the current situation and proposed solutions to promote the development of this type of tourism in the city once known as the "Pearl of the Far East". Key words: MICE tourism, tourism human resources, Ho Chi Minh City. 1. Đặt vấn đề Là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của khu vực và cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cũng là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của Việt Nam. Hàng năm lượng khách quốc tế đến thành phố tăng bình quân 8,2%/năm, doanh thu bình quân tăng 16,4%, đóng góp bình quân 9% vào tăng trưởng của TP.HCM, cũng như góp phần tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Do đó, TP.HCM xác định du lịch MICE là một trong bốn loại hình du lịch chính cần chú trọng phát triển mạnh trong tương lai cùng với du lịch mua sắm, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Theo chia sẻ của các chuyên gia, xu hướng du lịch hiện nay của du khách quốc tế không chỉ để đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá và nghỉ dưỡng mà còn để tìm kiếm đối tác, phát triển kinh doanh. Những đặc điểm này của TP.HCM là nền tảng để phát triển và đáp ứng nhu cầu du lịch MICE trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, trong đó du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cơ cấu kinh tế của thành phố. MICE là viết tắt của bốn từ tiếng Anh, viết đầy đủ là: Meeting – Incentive – Convention – Exhibition hay Meeting – Incentive – Conference – Event. (*) Đại học Công nghệ Thực phẩm TP.HCM TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP 96
  2. NGHIÊN CỨU – TRAO ĐỔI Meeting: là hội họp, nhiều người đến với nhau với một số quan tâm chung. Nơi hội họp có thể là ở một quảng trường, cũng có thể là trong một phòng họp… Vấn đề quan tâm chung cần được chia sẻ có thể thuộc lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội… Incentive: là khuyến thưởng, là hành động của một doanh nghiệp, một tổ chức dùng để khen thưởng khích lệ nhân viên, khách hàng hay đối tác của mình. Nó không phải là một bằng khen hay một món quà vật chất có giá trị mà là tham gia một chuyến đi với nhiều người khác. Vừa có thưởng ngoạn (tham quan, ăn uống, vui chơi giải trí), vừa có hội họp, trao đổi ý tưởng, kinh nghiệm… Convention / Conference: là hội nghị, hội thảo, là cuộc gặp gỡ đông người ở một phòng họp để bàn về một vấn đề gì đó, có tính cách chính trị, xã hội, kinh tế hay văn hóa. Exhibition / Event: Hội chợ - triển lãm / sự kiện, qua đó nhà tổ chức muốn quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của mình. Như vậy du lịch MICE là hình thức du lịch kết hợp bốn yếu tố trên hoặc cũng có thể chỉ là một hoặc hai trong bốn yếu tố đó. Điều kiện cốt yếu để một địa điểm phát triển du lịch MICE là phải có cơ sở hạ tầng tốt, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phục vụ khách MICE đầy đủ, hiện đại và đội ngũ nhân lực phục vụ khách MICE chuyên nghiệp. Ngoài ra, những điều kiện không kém phần quan trọng là ổn định về chính trị, an ninh, an toàn, thân thiện hiếu khách, gần các điểm du lịch nổi tiếng, có các khu giải trí, mua sắm… Nếu như ở mảng hội nghị, hội thảo, địa điểm phát triển du lịch MICE ưu tiên có các khách sạn cao cấp với chất lượng dịch vụ cao cấp thì ở du lịch triển lãm, các nhà tổ chức sẽ ưu tiên lựa chọn các địa điểm là các trung tâm, đô thị lớn có nền kinh tế phát triển, nhộn nhịp, sôi động, tập trung nhiều công ty, doanh nghiệp, dân số đông, có mặt bằng sống tương đối cao và đặc biệt phải có các trung tâm triển lãm có cơ sở hạ tầng hiện đại, phù hợp với quy mô triển lãm. Ở du lịch khen thưởng, các địa điểm ưu tiên sẽ là nơi sở hữu hoặc gần các di sản thiên nhiên, văn hóa nổi tiếng để phục vụ nhu cầu chính là nghỉ dưỡng của du khách. 2. Tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch MICE ở Thành phố Hồ Chí Minh 2.1. Tiềm năng phát triển du lịch MICE ở Thành phố Hồ Chí Minh Là một trung tâm du lịch quốc gia, TP.HCM hội tụ đầy đủ các tiềm năng du lịch tự nhiên cũng như văn hóa để đảm bảo cho loại hình du lịch MICE phát triển một cách hiệu quả và bền vững. Với vị trí địa lý rất thuận lợi, TP.HCM cách thủ đô Hà Nội 1.730 km đường bộ, nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á. Trung tâm thành phố cách bờ biển Đông 50 km đường chim bay. Đây là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh thành trong vùng và là cửa ngõ quốc tế. Sông Sài Gòn như một dải lụa bạc uốn lượn qua thành phố. Một chuyến du ngoạn trên sông không chỉ để ngắm cảnh, đón gió mát mà còn để có cái nhìn bao quát về quá trình phát triển của vùng đất này: Từ những vạt dừa nước trên vùng đất bồi chuyển sang những cao ốc đẹp của thời kỳ đổi mới; từ những bến ghe chất đầy nông sản miền Tây đến cảng Sài Gòn lớn nhất Việt Nam đón tàu biển khắp thế giới; từ bến Nhà Rồng là nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước sang bến Bạch Đằng cho tàu du lịch trên sông… Rừng ngập mặn Cần Giờ án ngữ cửa sông Sài Gòn, nguyên là căn cứ của lực lượng đặc công với những trận diệt tàu giặc lẫy lừng, đã trơ trụi vì bom đạn và chất độc màu da cam. Nay những cánh TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP 97
  3. NGHIÊN CỨU – TRAO ĐỔI rừng đước mênh mông đã được hồi sinh, trở thành Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới, một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Bên cạnh đó, khách du lịch cũng sẽ ngạc nhiên về một điểm sinh thái khác cách không xa trung tâm thành phố là vườn cò Thủ Đức, trong một vùng quê sông nước êm ả, thanh bình, nơi “đất lành chim đậu”. Tài nguyên du lịch văn hóa là một thế mạnh nổi bật của thành phố đối với phát triển ngành du lịch nói chung và du lịch MICE nói riêng. Sự độc đáo về kiến trúc của các công trình ở từng giai đoạn lịch sử khác nhau, nhiều bảo tàng lịch sử, cùng các trung tâm vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú hàng đầu của cả nước là bệ phóng cho loại hình du lịch MICE. Di tích văn hóa lịch sử - kiến trúc: Thành phố hiện có trên 1.000 ngôi chùa, đình, đền và miếu được xây dựng qua nhiều thời kỳ cũng là những tài sản quý về văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật. Khách du lịch sẽ tìm thấy những chùa Phật giáo Nam Bộ tiêu biểu, những ngôi đình xưa gắn liền với lịch sử khẩn hoang mở đất. Bên cạnh đó là những chùa "cách tân" lớn nhất và đẹp nhất trong cả nước, kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách hiện đại với kiến trúc chùa cổ truyền. Thành phố có đến nửa triệu người Hoa sống tập trung nên số chùa Hoa cũng nhiều nhất cả nước, kiến trúc đa dạng và phong phú, nhiều chùa đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa của thành phố và quốc gia. Người Pháp cũng đã để lại nhiều công trình đẹp và đa dạng. Có thể nói hiếm có đô thị nào ở Đông Nam Á lại có nhiều dạng kiến trúc, nhiều trường phái, phong cách nghệ thuật phương Tây như Sài Gòn - TP.HCM. Điển hình như trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố theo phong cách Đệ Tam Cộng hòa Pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu ảnh hưởng trào lưu Tân Nghệ thuật, Nhà Thiếu nhi với phong cách Tân Cổ điển, Nhà Rồng phong cách Đông Dương, Bưu điện với trường phái Chiết Trung, nhà thờ Đức Bà với nghệ thuật Rôman, nhà thờ Huyện Sĩ theo Tân Gôtic… Mảng kiến trúc đương đại, đang bùng nổ, trăm màu trăm vẻ, tạo cho thành phố một diện mạo vui mắt, trong đó có một số tòa nhà đẹp, có giá trị thẩm mỹ cao. Nhưng điểm du lịch độc đáo nhất của thành phố vẫn là Địa đạo Củ Chi, một công trình độc đáo trong lịch sử quân sự thế giới, biểu tượng của ý chí sắt đá và thông minh mưu trí của quân dân thành phố trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lẫy lừng không kém là rừng ngập mặn Cần Giờ với những trận chiến phá tàu giặc trên cửa sông Sài Gòn, nay là một điểm du lịch sinh thái tuyệt vời với những cánh rừng đước xanh vô tận. Hệ thống bảo tàng: Hệ thống bảo tàng của TP.HCM gồm 11 bảo tàng cùng nhiều nhà lưu niệm, nhà truyền thống, phòng truyền thống ở các quận, huyện. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là bảo tàng lớn nhất và cũng là bảo tàng đầu tiên của thành phố, ra đời từ những năm nửa đầu thế kỷ 20. Nhờ không ngừng sưu tầm và bảo quản được hiện vật qua các thời kỳ, nên bảo tàng Lịch sử đã có một bộ sưu tập phong phú gần 30.000 hiện vật giá trị. Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thu hút nhiều khách nội địa nhất. Trong khi bảo tàng Chứng tích Chiến tranh trưng bày về tội ác dã man của quân xâm lược Mỹ đối với nhân dân Việt Nam, là địa chỉ không thể thiếu trong chương trình tham quan của du khách nước ngoài. Nơi vui chơi giải trí: Cùng với sự phát triển kinh tế, mức sống được nâng cao, hoạt động vui chơi giải trí ngày càng được quan tâm hơn để đáp ứng nhu cầu thư giãn, nghỉ ngơi của người dân thành phố sau những giờ lao động căng thẳng. Sự phát triển về du lịch nảy sinh yêu cầu phục vụ du khách cũng đã góp phần làm phong phú thêm lĩnh vực dịch vụ này. Có thể thấy các hoạt động vui chơi giải trí của thành phố khá đa dạng và luôn có sự đổi mới, sáng tạo, chất lượng phục vụ không ngừng được TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP 98
  4. NGHIÊN CỨU – TRAO ĐỔI nâng cao. Không lâu sau chính sách mở cửa, các điểm vui chơi đã nhanh chóng nắm bắt các công nghệ giải trí hiện đại của thế giới, từ các trò chơi cảm giác mạnh, trò chơi cảm giác ảo, trò chơi dưới nước, kỹ thuật ánh sáng laser cho đến những tạp kỹ xuất xứ từ những miền đất lạ như xiếc cá voi, xiếc cá heo… Ngay các quán cà phê, karaoke hay bar, discotheque cũng không ngừng nâng cấp trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, tạo phong cách và không khí riêng. Bên cạnh đó là xu hướng quay về với thiên nhiên và phát huy văn hóa dân tộc. Cùng với việc mở rộng nội ô thành phố, đã có thêm một số công viên và khu du lịch mới với không gian xanh và thoáng đãng, với kiến trúc và trang trí dân gian, là những điểm nghỉ ngơi, thư giãn thú vị. Các sân khấu ca nhạc hàng đêm vẫn thu hút đông khán giả. Bên cạnh Hà Nội, TP.HCM là nơi có các sân khấu kịch nói, nhạc thính phòng, múa rối nước biểu diễn thường xuyên. Cơ sở vật chất cho hoạt động thể dục thể thao khá đa dạng, nổi lên trong giai đoạn gần đây là hồ bơi, sân quần vợt, bowling, golf và nhiều câu lạc bộ sức khỏe. Một số điểm vui chơi giải trí hấp dẫn ở TP.HCM có thể kể đến như Công viên Văn hóa Đầm Sen, Khu Du lịch Suối Tiên, Khu Du lịch Bình Quới, Văn Thánh, Thảo Cầm Viên… Văn hóa ẩm thực: Là trung tâm của vùng đất phương Nam trù phú, sản vật dồi dào, nên món ăn Sài Gòn rất đa dạng. Lại thêm là nơi hội tụ của cư dân từ mọi miền đất nước và cửa ngõ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nên thành phố đã tiếp nhận thêm các dòng ẩm thực của cả nước và thế giới, chọn lọc tinh hoa thành một nền ẩm thực phong phú và hấp dẫn. Ngày nay, người ta dễ dàng tìm thấy ở Sài Gòn vô số đặc sản các vùng miền Bắc, Trung, Nam hay quốc tế, theo đúng nguyên bản cũng có, nhưng phổ biến hơn vẫn là những món đã được “Sài Gòn hóa” để hương vị thêm phong phú, đậm đà. Chất Sài Gòn thường thể hiện ở vị ngọt, nhiều rau xanh và nhiều thủy, hải sản tươi sống. Chẳng hạn như món canh chua Sài Gòn đã kết hợp cả cái chua mặn của miền Bắc, cay nồng ớt tươi của miền Trung và cái ngọt xởi lởi của miền Nam. Món Bún bò Huế được cải biên để bớt cay, thêm ngọt, thêm béo và thêm rau. Món bò bít tết của phương Tây thì mỏng hơn, chín hơn, nhiều gia vị hơn và kèm rau sống, đồ chua nhiều hơn…. Khuynh hướng gần đây tìm về những món ăn dân dã chốn đồng quê, món ăn của thời khẩn hoang mở cõi. Kể cả thực đơn của các nhà hàng sang trọng nay có cả món chuột đồng rô ti, châu chấu chiên giòn, lươn hấp trái bầu, ếch xào lăn, cá rô kho tộ, cá bống dừa kho tiêu… Món lẩu sành điệu phải đủ hai mươi mấy thứ rau đồng nội như cù nèo, tai tượng, càng cua, bông so đũa, bông điên điển… Món nướng thì nào là nướng than hồng, nướng trui, nướng mọi, nướng lu, nướng đất sét… Và người Sài Gòn vẫn không ngừng sưu tầm để bổ sung vào thực đơn của mình những món ăn đã một thời bị quên lãng cũng như những món mới từ khắp bốn phương trời. Các trung tâm mua sắm: Một trong những thú vui khi đến TP.HCM là đi dạo phố và mua sắm. Hàng hóa thật phong phú, đủ màu sắc, đủ chủng loại, từ những vật dụng thông thường hàng ngày cho đến những đặc sản nổi tiếng của mọi miền đất nước, từ hàng sản xuất trong nước đến những nhãn hiệu quốc tế có uy tín trên thế giới. Người Sài Gòn vẫn quan niệm “buôn có bạn, bán có phường”, nên tự phát thành nhiều khu phố kinh doanh cùng một mặt hàng, rất dễ dàng cho khách xem và lựa chọn. Cửa hàng kề nhau nên để giữ khách, người bán thường không nói thách nhiều. Có cửa hàng bán giá nhất định. Tuy nhiên mọi người vẫn nên cảnh giác với vấn đề giá cả và chất lượng, nhất là khi đi mua sắm trong chợ. Bản thân thành phố là một trung tâm công nghiệp và đầu mối giao thương trong và ngoài nước. Chợ Lớn đã nổi tiếng từ bao đời nay với tay nghề tiểu thủ công nghiệp. Vì thế, không lạ khi hàng hóa ở đây rất dồi dào. Nhưng có lẽ du khách cũng vẫn sẽ ngạc nhiên khi phát hiện tìm mua một đặc sản TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP 99
  5. NGHIÊN CỨU – TRAO ĐỔI địa phương ở Sài Gòn có khi còn dễ dàng hơn tại chính nơi xuất xứ hoặc phát hiện khá nhiều các sản phẩm địa phương nay được sản xuất tại Sài Gòn với chất lượng cao hơn. Các điểm mua sắm nổi tiếng ở TP.HCM như các trung tâm thương mại Vincom, Diamond, Parkson, Thương xá Tax, chợ Bến Thành, chợ Bình Tây… Sản phẩm du lịch đặc trưng: Do có tài nguyên du lịch đa dạng, đặc biệt là tài nguyên văn hóa, TP.HCM đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch bao gồm: du lịch văn hóa, du lịch đường sông, du lịch mua sắm, ẩm thực, du lịch sinh thái và du lịch MICE. Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh còn liên kết với nhiều địa phương khác để phát triển các sản phẩm du lịch mang tính chất liên vùng. TP.HCM còn được gắn với cái tên là “Thành phố sự kiện” với rất nhiều các sự kiện tiêu biểu, chuyên đề mang nét đặc trưng riêng của thành phố, có thể kể đến như Lễ hội trái cây Nam Bộ, Liên hoan ẩm thực đất Phương Nam, Ngày hội du lịch, Liên hoan ẩm thực món ngon các nước, Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM … Trong đó, tổ chức hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM là sự kiện du lịch quốc tế thường niên chuyên nghiệp lớn nhất Việt Nam được tổ chức tại TP.HCM. Tính đến nay, hội chợ này đã tổ chức 9 lần. Hội chợ tập trung quảng bá điểm đến trong và ngoài nước cũng như quảng bá chương trình Bốn Quốc Gia, Một Điểm Đến – 4CODE bao gồm Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông. Trong bức tranh du lịch TP.HCM, du lịch MICE nổi lên như một mảng sáng, tươi sắc với những đóng góp tích cực cho sự phát triển du lịch thành phố. 2.2. Thực trạng phát triển du lịch MICE ở Thành phố Hồ Chí Minh TP.HCM là một trong những trung tâm kinh tế lớn, phát triển nhanh và dẫn đầu về thu hút khách du lịch của cả nước. Năm 2016, tổng lượng khách quốc tế đến thành phố đạt 5,2 triệu lượt, tăng 13%; khách nội địa đạt 21,8 triệu lượt, tăng 12,95 %; tổng thu từ du lịch đạt 103 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm 2017, TP.HCM tiếp tục đà tăng trưởng với tổng thu từ du lịch đạt hơn 53 nghìn tỷ đồng, tăng 12%; khách quốc tế đến đạt 2,7 triệu lượt, tăng 14% so với 6 tháng đầu năm 2016, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng lượng khách của cả nước, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 quốc gia có tốc độ phát triển du lịch nhanh nhất thế giới năm 2017. Sự tăng trưởng tích cực của ngành du lịch TP.HCM có đóng góp quan trọng của thị trường khách hội nghị, triển lãm, khuyến thưởng, mở ra cơ hội đưa TP.HCM trở thành một điểm đến mới của du lịch MICE tại Đông Nam Á. Số liệu báo cáo năm 2017 của Tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey cho thấy có đến 17% du khách đến TP.HCM vì mục đích công việc, cao hơn so với mức bình quân 14% - 15% của khu vực. Điều này khẳng định TP.HCM đang có sức hút đặc biệt đối với thị trường khách MICE và điểm đến này hội tụ đầy đủ tiềm năng cũng như yếu tố để phát triển một cách toàn diện du lịch MICE; góp phần nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế của ngành du lịch nói riêng và đóng góp vào sự phát triển bền vững của Thành phố nói chung. Mặc dù hiện nay chưa có số liệu thống kê chính thức về thu nhập từ du lịch MICE tại TP.HCM, do du lịch MICE gồm 4 phân khúc (hội họp, hội thảo, triển lãm, khuyến thưởng), khách du lịch tại mỗi phân khúc lại có mức chi tiêu và thời gian lưu trú khác nhau. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia thì doanh thu từ du lịch MICE thông thường cao hơn 4-5 lần so với du lịch bình thường. 3. Giải pháp phát triển du lịch MICE ở Thành phố Hồ Chí Minh Để phát triển loại hình du lịch MICE hiệu quả, TP.HCM cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau: Một là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch và các dịch vụ hỗ trợ. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP 100
  6. NGHIÊN CỨU – TRAO ĐỔI Để MICE trở thành sản phẩm du lịch chiến lược, thành phố cần đầu tư nhiều hơn nữa cơ sở vật chất, hạ tầng, đặc biệt là nhà hàng khách sạn, các trung tâm tổ chức triển lãm. Theo Tổng cục Du lịch, tính đến tháng 1/2013 số lượng các khách sạn từ 3 -5 sao tại Thành phố Hồ Chí Minh như sau: Bảng 1. Số lượng khách sạn từ 3 đến 5 sao tại TPHCM Loại khách sạn Số lượng khách % so với Số lượng buồng % so với cả sạn cả nước khách sạn nước 3 sao 61 19,4% 4.633 21,2% 4 sao 14 10% 2.057 12,1% 5 sao 15 27,8% 4.612 35% (Nguồn: Vụ Khách sạn, Tổng cục Du Lịch) Số lượng khách sạn 3 sao ở TP.HCM là 61 khách sạn, chiếm 19,4% so với khách sạn 3 sao cả nước, số buồng là 4.633, chiếm 21,2% so với cả nước. Số lượng khách sạn 4 sao ở TP.HCM gồm 14 khách sạn, chiếm 10% so với khách sạn 4 sao cả nước, số buồng là 2.057, chiếm 12,1% so với cả nước. TP.HCM có 15 khách sạn 5 sao, chiếm 27,8% so với khách sạn 5 cả nước, với 4.612 buồng, chiếm 35% so với cả nước. Mặc dù so với các địa phương khác số lượng khách sạn 4 – 5 sao ở TP.HCM cao hơn nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của du lịch MICE. Bên cạnh hệ thống khách sạn thì TP.HCM cũng có nhiều điểm tổ chức hội nghị, triển lãm nhất trong cả nước, có thể kể đến những địa điểm nổi tiếng như Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn, Nhà thi đấu Phú Thọ, Trung tâm hội nghị White Palace, Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Tân Bình… Như vậy để thúc đẩy du lịch MICE phát triển tương xứng với tiềm năng của mình, TP.HCM cần chú trọng đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng thêm các trung tâm triển lãm mang tầm vóc quốc tế, các dịch vụ hỗ trợ như vui chơi giải trí, mua sắm, vận chuyển cũng cần được quan tâm đầu tư. Hai là tăng cường công tác quảng bá tiếp thị du lịch. Đối với ngành du lịch thành phố nói chung và loại hình du lịch MICE nói riêng trong thời gian tới cần tăng cường năng lực xúc tiến, quảng bá du lịch. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tại chỗ thông qua khách du lịch quốc tế đến thành phố. Bên cạnh đó cũng cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về xúc tiến du lịch, nghiên cứu và ban hành các chính sách, cơ chế tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xúc tiến du lịch. Tăng cường công tác phối hợp, kết hợp với các ngành, doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông phục vụ xúc tiến du lịch... Đặc biệt, cần chú trọng tới các giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch ở nước ngoài; Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch trong nước; Phát triển marketing điện tử phục vụ xúc tiến quảng bá du lịch; Xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch; Nghiên cứu, áp dụng mô hình văn phòng đại diện du lịch của thành phố ở nước ngoài. Đẩy mạnh quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên đài truyền hình như kênh SCTV12 của Saigontourist nói về các địa điểm du lịch khắp nơi trên thế giới và đặc biệt là qua các báo, tạp chí có độc giả là các khách hàng mục tiêu mà khách sạn nhắm đến. Các khách sạn nên tăng cường quảng cáo trên tạp chí hướng dẫn du lịch, tạp chí của hãng hàng không Việt Nam. Ngoài ra khách sạn cũng nên quảng cáo trên các báo, tạp chí tiếng Anh xuất bản tại Việt Nam như VietnamNews, Vietnam TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP 101
  7. NGHIÊN CỨU – TRAO ĐỔI Investment Review hay Economic Times,... vì các báo này được hầu hết các nhà kinh doanh, các cán bộ nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo dõi. Ba là đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng cho đơn vị tổ chức và đội ngũ phục vụ đối tượng khách du lịch MICE. Là loại hình du lịch với đối tượng khách cao cấp, du khách MICE đòi hỏi chất lượng dịch vụ rất cao và có những yêu cầu khó tính. Đội ngũ lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch MICE từ nhân viên quản lý đến nhân viên phục vụ trực tiếp như hướng dẫn viên, lái xe, lễ tân… phải có trình độ cao, thái độ làm việc chuyên nghiệp. Nhân viên quản lý, xây dựng chương trình MICE trọn gói phải có kinh nghiệm, kiến thức và nhanh nhạy trong việc xử lý tình huống, đảm bảo quá trình phục vụ không xảy ra sai sót. Đội ngũ phục vụ trực tiếp tại khách sạn, hội nghị, hội thảo cũng phải là những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao và ngoại ngữ tốt bởi khách hàng MICE thường kỹ tính và không cho phép xảy ra sơ sót gì trong quá trình tổ chức, đặc biệt là những hoạt động có tính quốc tế. Đặc biệt, đội ngũ hướng dẫn viên, phiên dịch viên phải có trình độ chuyên nghiệp, giỏi nghề. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quyết Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, Trưởng khoa Quản trị Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Để phục vụ cho những tour du lịch lớn và cao cấp như MICE, ngành du lịch TP.HCM phải có một nguồn nhân lực du lịch có trình độ nghiệp vụ cao, chuyên nghiệp. Vì vậy, TP.HCM cần đầu tư triệt để cho lĩnh vực này bằng cách tuyển chọn đội ngũ nhân viên du lịch với những tiêu chuẩn cao, mở các lớp đào tạo nghiệp vụ trong nước và gửi đi đào tạo tại các trường đủ điều kiện ở trong nước và nước ngoài”. Việc đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ của nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch MICE theo các hướng cụ thể như: Các cơ sở đào tạo cần mở thêm nhiều khoa chuyên ngành, trung tâm đào tạo du lịch MICE với đội ngũ giảng viên chuyên môn vững vàng cả về học thuật lẫn kinh nghiệm thực tế. Nâng cao kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ giảng viên và hỗ trợ học viên cải thiện phương pháp học tập hiệu quả hơn, kết hợp với các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các giảng viên và học viên có cơ hội thực hành tại doanh nghiệp, đồng thời mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình thiết kế chương trình đào tạo. Thiết kế các chương trình đào tạo về nhân lực cho ngành du lịch trên cơ sở Bộ tiêu chuẩn nghề du lịch VTOS Bảng 2. Các bậc trình độ và chứng chỉ VTOS Bậc trình độ Mô tả VTOS Bậc 5 Năng lực chuyên môn sâu, rộng, mức độ phức tạp cao với kỹ năng quản lý cấp (Văn bằng cấp cao; Ứng dụng các khái niệm, quản lý, sáng tạo và kỹ thuật xây dựng xung cao 5) quanh các năng lực tại một cơ sở rộng hay chuyên sâu hoặc liên quan đến trọng tâm tại các đơn vị lớn hơn. Bậc 4 Năng lực chuyên sâu với kỹ năng quản lý; Có trình độ lý thuyết tốt và các năng (Văn bằng 4) lực chuyên môn, kỹ thuật, quản lý sử dụng để lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá công việc của bản thân và/hoặc nhóm. Năng lực chuyên môn cao với kỹ năng giám sát; Sử dụng kỹ thuật phức tạp hơn Bậc 3 liên quan đến năng lực đòi hỏi nâng cao kiến thức lý thuyết, áp dụng trong một (Chứng chỉ 3) môi trường không thường xuyên và có thể liên quan đến lãnh đạo nhóm và trách nhiệm cao hơn đối với kết quả công việc. Một loạt các kỹ năng trong môi trường đa dạng hơn với trách nhiệm nhiều hơn; TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP 102
  8. NGHIÊN CỨU – TRAO ĐỔI Bậc 2 Người có kỹ năng mà có thể áp dụng một loạt các năng lực trong môi trường làm (Chứng chỉ 2) việc đa dạng hơn và có khả năng làm việc nhóm, làm việc độc lập trong một số trường hợp và chịu trách nhiệm chính đối với kết quả và sản phẩm công việc của họ. Bậc 1 Các kỹ năng cơ bản, hằng ngày trong điều kiện đã xác định; Trình độ thực hiện (Chứng chỉ 1) công việc mức cơ bản bao gồm một số công việc chuyên môn/hoạt động đòi hỏi có kiến thức làm việc nền tảng và các kỹ năng thực hành ở mức độ giới hạn trong điều kiện làm việc đã xác định. Nguồn: Tổng cục Du lịch Mặt khác cần tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn để nâng cao chuyên môn đội ngũ nhân viên làm việc trong lĩnh vực du lịch MICE. Mời các chuyên gia trong nước và quốc tế đến đào tạo, bồi dưỡng cho nhân viên, đặc biệt về kỹ năng phục vụ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, làm việc nhóm... Thường xuyên tổ chức cho cán bộ, nhân viên học tập thực tế về du lịch MICE ở những nước dẫn đầu về du lịch MICE như Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản, Thái Lan… 4. Kết luận Với những lợi thế sẵn có về tự nhiên và kinh tế - xã hội, TP.HCM là địa điểm lí tưởng để phát triển loại hình du lịch MICE và thực tế thành phố cũng đã xác định MICE là sản phẩm du lịch mang tính chiến lược. Một số quốc gia trên thế giới đã thành công với việc xây dựng thương hiệu cho loại hình du lịch này như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Thái Lan, Xingapo…Việc học hỏi kinh nghiệm của các nước, thay đổi chính sách, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển của du lịch MICE là việc làm hết sức cần thiết để có thể biến MICE thành “con gà đẻ trứng vàng” cho ngành du lịch của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài những cơ hội thì cũng không thể thiếu những thách thức nhưng chúng ta tin tưởng rằng với sự quyết liệt của những nhà quản lí, sự năng động sáng tạo của các doanh nghiệp du lịch, sự thân thiện mến khách của người dân, TP.HCM sẽ là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế trong đó có khách du lịch MICE. Tài liệu tham khảo [1]. Sơn Hồng Đức (2011), Đường vào kinh doanh du lịch MICE, NXB Lao động – Xã hội. [2]. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM (2010), Báo cáo tham luận về phát triển du lịch MICE tại TP.HCM tại tọa đàm với 10 công ty lữ hành, khách sạn hàng đầu khai thác du lịch MICE tại TP.HCM. [3]. Sở Công thương TPHCM (2010-2012), Số liệu hội chợ, triển lãm tổ chức tại TP.HCM. [4]. Tổng cục Du lịch Việt Nam (2010), Báo cáo kết quả khảo sát du lịch MICE tại TP.HCM, Quảng Nam, Đà Nẵng. [5]. Tổng cục Du lịch Việt Nam, Báo cáo tổng kết các năm từ 2009 – 2012. [6]. Tổng cục Du lịch Việt Nam, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030. [7]. Ủy Ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2008), Quyết định số 06/2008/QĐ-UBND về ban hành chương trình phát triển du lịch TPHCM giai đoạn 2007 – 2010 và những năm kế tiếp. [8]. World Tourism Organization – UNWTO (2012), MICE Industry-An Asia-Pacific perspective, UNWTO, Madrid. Ngày nhận: 26/4/2019 Ngày duyệt đăng: 06/6/2019 TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP 103
nguon tai.lieu . vn