Xem mẫu

  1. Hành trình không ngơi nghỉ “Sự hy sinh thầm lặng” do báo Sức khỏe&Đời sống tổ chức là một trong số ít cuộc thi viết hiếm hoi giữ nguyên đề tài của mỗi lần phát động và kết thúc. Đề tài không thay đổi đã thành dấu ấn trong lòng bạn đọc bởi nội dung cuộc thi được phát hiện từ thực tiễn hoạt động của đội ngũ thầy thuốc với những tấm gương tận tụy, hy sinh như dòng chảy liên tục không bao giờ cạn. Sự phong phú của hiện thực hoạt động y tế cả nước; đức hy sinh của những người chiến sĩ áo trắng đang thầm lặng hàng ngày chiến đấu với bệnh tật vì sức khỏe cộng đồng là mạch nguồn cảm hứng phát hiện, sáng tạo trước những người cầm bút chuyên và không chuyên là lý do không thể tạo ra sự trùng lặp. Những trang viết trong các cuộc thi đã thực sự lay động hàng triệu độc giả để thầy thuốc và người bệnh xích lại gần nhau hơn trong muôn nỗi cảm thông, chia sẻ với tin cậy và yêu thương. Sau 2 cuộc thi thành công to lớn, cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III lại được tiếp tục phát động vào ngày 10/7/2013 đã đáp ứng được mong mỏi của bạn đọc với tất cả những dự cảm tốt lành. Đó là dự cảm chắc chắn bởi nội dung cuộc thi đã vượt ra khỏi những bài viết về y tế mang được bức tranh xã hội thông qua hình ảnh người thầy thuốc. Sự hy sinh của BS. Phạm Đức Giầu hay hiểm họa lơ lửng trên đầu BS. Nguyễn Quang Ánh hiện ra trong cuộc thi trước cũng phản ánh phần nào sự phức tạp của cuộc sống. Bên cạnh đó, phần yêu thương của cuộc đời cũng hiện ra qua tấm gương của một nhà sư, chị thanh niên xung phong hết lòng vì người khó hay trẻ cô đơn. Tấm gương thầy thuốc luôn song hành cùng hiện thực cuộc sống với những khó khăn bề bộn để hình ảnh những thầy thuốc như BS. Triệu Văn Dân, y sĩ quân y biên phòng Nguyễn Văn Hùng làm bạn đọc rõ hơn y tế cơ sở vùng sâu vùng xa cũng như mối tình keo sơn trong quan hệ Việt-Lào anh em. Những thầy thuốc trong lĩnh vực công nghệ cao cũng đầy sự hy sinh qua hai cuộc thi trước và hình ảnh GS.TS. Nguyễn Tiến Quyết ngày nào được phản ánh thì giờ đây, bệnh viện của ông đã trở thành Trung tâm cấy ghép tạng, gần đây nhất là ca “một người chết não cứu được bốn người” do chính ông và đồng nghiệp thực hiện đã làm nức lòng nhân dân cả nước. Những tấm gương “Sự hy sinh thầm lặng” của đội ngũ thầy thuốc vốn tồn tại như khí trời được phát hiện thành diện mạo cụ thể và công bố đã trở thành sự vẫy gọi, thành niềm tự hào không chỉ của ngành y tế mà đó là tài sản của cộng đồng, là giá trị của đạo đức Việt,
  2. tâm hồn Việt. Cuộc thi sẽ còn tiếp tục, không có điểm cuối trong hành trình không ngơi nghỉ bởi những tấm gương thầy thuốc sẽ không có điểm cuối mà ngày một nhiều thêm qua mỗi thế hệ. Trong ngành y tế cũng như nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống vẫn còn những tiêu cực, bất cập nhưng thầy thuốc được giám sát nhiều hơn bởi không gia đình nào không có quan hệ với y tế. Một bác sĩ và một cán bộ có công việc không tiếp xúc với dân nếu thăm dò thì chắc chắn bác sĩ nhận tiếng khen và lời ca thán cũng nhiều hơn. Và thực tế, điều khen khó thành làn sóng nhưng điều chê có thể thành bão. Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” do báo SK&ĐS tổ chức ngoài việc phát hiện người tốt, lớn hơn là đã điều chỉnh được thái độ dư luận một cách đúng đắn, đến gần hơn với bản chất sự thật. Và đây là cuộc thi mang đầy tính nhân văn. “Sự hy sinh thầm lặng” của thầy thuốc không có điểm dừng và cuộc thi viết về những tấm gương cao cả ấy không chỉ có lần thứ ba, thứ tư mà chắc chắn sẽ là hành trình đi cùng thầy thuốc với tất cả cảm hứng của người viết và sự đón nhận của nhân dân. Lê Quý Hiền
nguon tai.lieu . vn