Xem mẫu

  1. Giao tiếp thời hội nhập Việt Nam thời mở cửa hội nhập và giao lưu với mọi dân tộc trên thế giới Ngày nay đứng trước vận hội mới : Nước Việt Nam ta đang hội nhập vào đời sống của nhân loại, mở cửa giao lưu với mọi dân tộc trên thế giới, không phân biệt màu sa, sắc tộc, chính kiến hay tôn giáo. Ðó là một chính sách đúng đắn và hợp lý, mang lại cho sự phát triển toàn bộ của đất nước – kinh tế, xã hội, các vấn đề nhân văn - những lợi điểm vô cùng cần thiết. Vì chính sách cởi mở, thông thoáng và thân thiện đó đã thu hút được sự kính trọng và cảm tình của cả thế giới, khiến hàng ngàn hàng vạn nhà tư bản không chỉ từ hàng ngũ khoảng ba triệu Việt Kiều sống rải rác trên khắp thế giới, nhưng nhất là các nhà đại tư bản người ngoại quốc đổ hàng tỷ US dollars vào đầu tư trên đất nước chúng ta. Họ đến mở các công ty, lập các nhà máy tại nước ta, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu công nhân Việt Nam. Tiếp đến, đất nước Việt Nam tươi đẹp cũng như đặc tính lạc quan, vui vẻ và hiếu khách của người Việt Nam chúng ta, đã làm đất nước chúng ta trở thành một điểm hẹn lý tưởng cho hàng triệu người ngoại quốc đến tham quan, ngoạn cảnh, ăn uống hay
  2. mua sắm, v.v… Ngày nay, trên các đường phố, trong các khách sạn, các tiệm ăn, các cửa hàng buôn bán đủ loại trên khắp cả nước, việc gặp gỡ, truyện trò, đối thoại với người ngoại quốc hoàn toàn là một chuyện bình thường quen thuộc. Ðây không chỉ là cả một nguồn lợi nhuận không nhỏ cho nền kinh tế nước nhà, nhưng còn là một đóng góp thiết thực to lớn cho sự học hỏi, nghiên cứu văn hóa các nước bạn và trau dồi trí thức của mọi tầng lớp dân chúng, như chúng ta đang chứng kiến hiện nay. Thế nhưng, tình huống lạc quan, hồ hởi và đầy hứa hẹn đó lại đòi hỏi phía chúng ta nhất thiết phải có những thái độ cư xử hợp lý, đúng đắn đối với các vị khách quý nước ngoài của chúng ta, dù họ thuộc tầng lớp du lịch vãng lai, thương mại, làm kinh tế, làm văn hóa hay lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo. Biết người biết ta Ðể tránh được những sơ suất, khiếm khuyết và cả sự mất mát về mọi lãnh vực trong khi tiếp xúc, giao lưu, sống chung và làm ăn với người
  3. nước ngoài, chúng ta không thể bỏ qua được nguyên tắc cơ bản là phải « biết người biết ta ». Bởi thế, Tổ tiên đã dạy một cách chí lý : « Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng » ! Trước hết, chúng ta biết rằng đã là con người thì dù ở chân trời góc biển nào đi nữa, những tính chất « người » nơi họ vẫn hoàn toàn đồng nhất, vẫn giống nhau, chẳng hạn : Vui thì cười, buồn thì khóc; thành công thì sung sướng hớn hở, thất bại lại rũ rượi chán nản. Ðặc biệt nhất là : Khi làm một điều thiện thì tâm hồn cảm thấy thảnh thơi vui sướng, còn khi làm điều ác thì lương tâm lại dày vò cắn rứt. Vì dù thuộc dân tộc hay văn hóa nào đi nữa, mỗi con người khi được sinh ra trên cõi đời này đều đã được Thượng Ðế ban cho một trí năng, một lương tri và sự hiểu biết, để phân biệt được sai phải, tốt xấu và thiện ác . Nhưng vì sự khác biệt về địa lý, phong thổ, khí hậu, tâm lý, tập quán, nên những nguyên nhân của buồn hay vui, khóc hay cười, giữa các dân tộc lại ít khi trùng hợp và giống nhau. Vì thế mới xảy ra hiện tượng : Có những điều nếu người dân nước này mỗi lần nghe nói đến là vui đến «
  4. cười ngã cười nghiêng » ra; trong khi đó người dân của nước khác lại cảm thấy dửng dưng, vô cảm. Hoặc : Có điều làm cho dân này giận tím cả gan hay buồn đứt cả ruột; trong khi đó, người dân thuộc nước khác lại cảm thấy chẳng động chạm gì cả hay chỉ buồn chút đỉnh qua loa mà thôi. Một ví dụ nho nhỏ : Khi nào quá tức giận, quá bị chạm tự ái, thì người Việt Nam chúng ta thường chửi toáng lên , trong khi đó một người Âu Mỹ khi nghe những câu chửi thề như thế lại hoàn toàn « coi như không ». Vì thế, người ta mới nói : Một người khi sống ở ngoại quốc mà có thể làm cho người dân bản xứ, nơi mình ở, cười hay khóc được, thì mới chứng tỏ người đó đã thực sự hiểu được những người dân nước đó, tức đã hiểu được tâm lý, xã hội và phong tục tập quán của họ. Do đó, để sự giao lưu và tiếp xúc giữa chúng ta với người ngoại quốc đang sống hay làm việc trên đất nước chúng ta, được thành công và mang lại hiệu quả xây dựng thiết thực, chúng ta cần phải hiểu họ, hiểu văn hóa, tâm lý, tập quán và quan niệm sống của họ. Ðây không phải là chuyện dễ dàng, nhưng cũng không phải là chuyện hoàn toàn bất khả. Và để tầng lớp dân chúng Việt Nam có thể hiểu được tâm tư tình cảm
  5. của người nước ngoài, thì các cơ quan và ban ngành chuyên môn liên hệ, như sở thông tin hay du lịch, cần soạn thảo những tài liệu ngắn gọn về tình hình địa lý, lịch sử và văn hóa của các nước trên thế giới, đặc biệt của những nước chúng ta tiếp xúc nhiều nhất, như các nước Âu Châu, Bắc Mỹ, và các nước trong khối ASEAN. Tuy nhiên, nếu việc biết được người cần thiết như thế, thì việc tự biết được chính mình còn cần thiết hơn. Bởi lẽ, nếu mình không biết được mình là ai và mình như thế nào, thì làm sao chúng ta có thể tiếp xúc và nói chuyện với người khác một các có hiệu quả được. Vâng, chúng ta cần phải hiểu rõ và nắm vững được bản sắc dân tộc và nên văn hóa của quê hương đất nước mình, thì chúng ta mới có thể đối thoại một cách hữu ích và có hiệu quả được ! Do đó, việc biết người biết ta là một điều kiện cần thiết trong khi tiếp xúc với họ, nghĩa là chúng ta cần phải biết và phân biệt được cái hay cái dở nơi người và nơi ta; cái ưu-khuyết điểm của người và cái ưu-khuyết điểm nơi mình; cái tích cực và cái tiêu cực của người cũng như cái tích
  6. cực và cái tiêu cực nơi mình. Nhờ thế, chúng ta mới có được một thái độ quan trọng khác trong khi giao lưu với người ngoại quốc. Ðó là : Tính tự trọng và sự tự tín Ðây là một thái độ phát xuất từ một tâm lý trưởng thành, đứng đắn. Một khi chúng ta đã biết được mình là ai, biết được những ưu khuyết điểm của mình cũng như đã tìm hiểu và biết rõ được chính người bạn hay đối tác của mình là ai, hay hoặc dở như thế nào, bấy giờ chúng ta mới có thể có được thái độ đối xử thích hợp cần thiết. Ðó là tính tự trọng và sự tự tín. Tính tự trọng là khi chúng ta biết sống tự chủ, đứng đắn, có bản lĩnh, có tư cách và đối xử với mọi người một cách lịch sự, từ lời ăn tiếng nói cho đến cử chỉ, chứ không bao giờ « xảo ngôn » hay có những cử chỉ và hành động thiếu đứng đắn, thiếu trung thực, hoặc có thái độ lợi dụng người đối tác của mình, dù khi một mình hay lúc trước mặt họ, dù trong cuộc sống bình thường hay lúc gặp phải khó khăn hoạn nạn, vì « quân tử
  7. cố cùng », người hiền đức thì vẫn giữ vững được bản lĩnh trong cảnh cùng khốn ! Và thái độ sống tự trọng như thế không chỉ là một cử chỉ lịch sự xã giao thuần túy, nhưng là sự ý thức đầy xác tín được trách nhiệm về mọi hành động, mọi lời nói cũng như mọi tư tưởng của mình trước tòa án lương tâm . Bởi vậy, ông Mahatma Gandhi, vị Cha Già dân tộc Ấn Ðộ - mà người Việt Nam đã đầy kính trọng gọi là thánh Cam Ðịa – đã nói : « Từ miệng tôi không bao giờ thoát ra một lời không đúng sự thật, dù là để nói chơi ! » Dĩ nhiên tính tự trọng hoàn toàn khác với tính tự ái. Vâng, trong khi tính tự trọng, như đã nói trên, là tư cách sống của một người theo đúng với lương tâm mình : ngay thẳng, chân thành và quảng đại, chứ không man trá, lừa lọc, dua nịnh hay hại người; còn tính tự ái lại chỉ nghĩ đến mình, chỉ muốn đề cao mình, nên ích kỷ, nhỏ nhoi, dễ bất bình và không từ nan bất cứ phương tiện nào, miễn sao đạt được mục đích mình nhắm tới. Do đó, tính tự trọng là một nhân đức xã hội, là một điều tích cực, là tư cách của bậc quân tử; còn tính tự ái là một tật xấu, là một điều tiêu cực, là thái độ của kẻ tiểu nhân.
  8. Từ chỗ đó, chúng ta thấy rằng thành quả tất yếu của đức tính biết tự trọng như thế, đó là lòng tự tín. Vâng, một khi người ta đã biết sống đúng đắn, có đầy đủ ý thức về thiên chức và trách nhiệm « làm người » của mình, về những giá trị chân chính của cuộc sống, và không bao giờ cố ý làm những điều ngang trái, lỗi đến đạo Trời và đạo người, thì đương nhiên người ta sẽ có được sự tự tín. Vâng, sự tự tín là sự ý thức đầy đủ, là sự thâm tín được các phẩm chất và giá trị chân chính của mình. Người có được sự tự tín, sẽ luôn sống và hành động một cách hợp lý và hài hòa. Không tự cao tự đại và khinh người, nhưng cũng không tự ti mặc cảm và a dua chạy theo người một cách mù quáng và vô lý. Ở đây, chúng ta phải thành thực công nhận rằng một số rất lớn người Việt Nam chúng ta vì còn quá tự ti mặc cảm và thiếu sự tự tín, nên đã có những tư duy và quan niệm lệch lạc mâu thuẫn. Ví dụ điển hình : Một đàng, họ tự hào vì người Việt Nam ta đã thắng được hai đế quốc vĩ đại một cách hào hùng; nhưng đàng khác, trong thực tế họ lại quá « vọng ngoại », rất tự ti mặc cảm, đến nỗi cái gì hay đẹp đều là của Tàu và của Tây hết. Vâng, xưa kia : Chỉ những ai biết được chữ Tàu, nói được tiếng
  9. Tàu, thì mới là bậc nho nhã, mới thuộc tầng lớp sĩ phu có chữ nghĩa; còn chữ Việt và tiếng Việt họ lại tỏ vẻ khinh khi, lại coi là đồ « nôm na mách qué ». Và ngày nay : Chỉ những ai đọc được chữ Tây và nói được tiếng Mỹ mới là người trí thức, có ăn học và đáng trọng. Cũng vì thế, trong đời thường đã có những hiện tượng buồn cười, số là nếu một người Việt Nam nói được tiếng ngoại quốc nào đó « như gió », trong khi chính tiếng mẹ đẻ lại chỉ bập bẹ, ngọng nghịu, tiếng được tiếng mất, thì được coi là người giỏi, có trí thức. Ngược lại, một sinh viên xuất sắc thuộc đại học văn khoa Việt Nam, nhưng lại vấp váp trong khi xử dụng ngoại ngữ, thì bị chê là còn « quá non », thiếu tiêu chuẩn. Nhưng chúng ta nên biết rằng đa số kỹ sư người Nhật Bản không biết được ngoại ngữ. Vậy, những người có sự tự tín sẽ luôn tôn trọng cái hay, cũng như quan điểm và sự xác tín của kẻ khác, nhưng đồng thời cũng không tự ti mặc cảm và chỉ biết cái hay của người, hoặc dễ để mình bị lôi cuốn một cách mù quáng bởi những giá trị nông cạn, đầy sức quyến rũ bên ngoài của người.
  10. Cụ thể, khi tiếp xúc với người ngoại quốc : một đàng, chúng ta vui vẻ, hiếu khách, tôn trọng họ và học hỏi nơi họ nhiều điều tích cực và bổ ích; đàng khác, chúng ta cũng không vì sự giàu có, kiểu trang sức ăn mặc, những cách thức và quan niệm sống phóng khoáng lạ mắt hay những hình thức hấp dẫn bên ngoài khác của họ, mà bỏ quên bản sắc dân tộc, « số vốn » quý báu về văn hóa, tinh thần và đạo đức của dân tộc mình, để bắt chước rập theo đúng khuôn mẫu của họ. Bởi vì, người Tây phương tuy có được những sở trường, nhưng họ cũng không tránh được những sở đoản. Trong khi chúng ta tuy còn bao nhiêu sở đoản, nhưng chúng ta cũng có dư tràn những sở trường. Người Tây phương có những cái hay mà chúng ta không có, và ngược lại, chúng ta có những cái tốt mà họ lại không thể có được. Vì thế, trong khi giao lưu với họ mà chúng ta có lòng tự trọng và sự tự tín đúng đắn, chúng ta sẽ gặt hái được bao điều bổ ích về mọi mặt, nhất là không để họ coi thường vì chúng ta thiếu tính tự trọng và tự tín. Nhưng trước hết tính tự trọng và tự tín còn giúp chúng ta có được một thái độ đối xử hợp lý khác nữa, đó là : Hòa đồng thân thiện, chứ không phân biệt và kỳ thị
  11. Ðúng vậy, đối với những người đã có được tính tự trọng và sự tự tín, đã biết rõ được chính mình và bạn như thế nào, hơn kém và ưu-khuyết điểm ra sao, thì sẽ có được thái độ cư xử quân bình, đúng đắn và hợp lý, chứ không phân biệt hay kỳ thị màu da, sắc tộc, văn hóa, chính kiến hay tôn giáo. Họ biết tôn trọng nhân vị, phẩm giá và các quyền con người cũng như niềm xác tín cá nhân về ý thức hệ, chính kiến hay tín ngưỡng của các đối tượng và đối tác của họ, chứ không thiên vị, trọng người này khinh người kia. Cái kinh nghiệm về thái độ kiêu căng vô lối và kỳ thị người khác một cách thiển cận sai lạc của các vua chúa Việt Nam thời phong kiến vào các thế kỷ 18,19 sẽ không bao giờ quên được, vì nó đã phải trả những cái giá quá đắt. Vâng, trong khi Nhật Bản canh tân đất nước và mở cửa giao lưu với thế giới Tây phương, thì các vua chúa chúng ta lại « bế môn tỏa cảng », và chỉ biết hướng tầm mắt nhìn về phía một nước Trung Hoa lạc hậu như mẫu mực lý tưởng duy nhất, để bắt chước làm theo, trong khi đó lại kết án người Tây phương văn minh tiến bộ là bọn « tây dương
  12. bạch quỷ ». Và hậu quả ra sao, ngày nay con cháu chúng ta đã rõ : Nước Nhật đã trở thành một nước văn minh, tiến bộ và giàu có vào bậc nhất thế giới, còn chúng ta thì mãi đang trên đường phát triển, tụt hậu. Ngày nay nhà nước chúng ta đã học được cái kinh nghiệm đau thương và đắt giá đó, nên đã mở cửa hội nhập vào cuộc sống nhân loại, giao lưu tiếp xúc với hết mọi quốc gia, mọi dân tộc, chứ còn không phân biệt màu da, sắc tộc, chính kiến hay tôn giáo nữa. Ðó cả là một chính sách hoàn toàn sáng suốt và đúng đắn. Nếu vậy, mỗi người dân chúng ta cũng phải có chung một tinh thần hòa đồng thân thiện như thế. Ðúng vậy, một đàng, chúng ta mở cửa đón tiếp mọi bạn bè năm châu bốn bể một cách thân hữu thành thật, để cùng họ giao lưu, trao đổi những cái hay cái dỡ, những kinh nghiệm cụ thể về văn hóa, về kinh tế, xã hội, v.v..; đàng khác, chúng ta vẫn giữ vững bản sắc dân tộc, các đạo lý ông cha để lại và những tinh hoa của các truyền thống dân tộc chúng ta, chứ không vội bị « choáng váng », hay bị « hớp hồn » trước những vẻ hào nhoáng bên ngoài của sự tiến bộ văn minh vật chất của người. Vì sự
  13. văn minh và tiến bộ chân chính và bền vững không thể là kết quả của việc « cốp-py » mù quáng được, nhưng là kết quả của sự kiên trì học hỏi, trau dồi, luyện tập, gạn lọc và hòa biến, từ những cái hay của người thành cái hay của riêng chúng ta. Nói tóm lại, trong thời nước ta mở cửa hội nhập và giao lưu với mọi nước trên thế giới, từng người dân chúng ta cũng cần phải có thái độ đúng đắn, hợp lý thích hợp trong khi tiếp xúc với người nước ngoài đến tham quan hay làm ăn sinh sống trên quê hương đất nước chúng ta. Ðược vậy, hàng triệu người nước ngoài tấp nập và hồ hởi tuôn đến nước ta, không chỉ bị thu hút và quyến rũ bởi vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú của một nước Việt Nam gấm vóc cẩm tú, nhưng còn bị lôi cuốn và mê hoặc bởi những đức tính đặc thù đáng trân trọng của con người Việt Nam nữa, như : vui vẻ duyên dáng, khoan dung, hiếu khách, đứng đắn, chân thành và ngay thẳng, v.v…. Chính bản sắc dân dân tộc cao quý và những đức tính đặc thù, hoàn toàn thuần túy Việt Nam như thế, sẽ khiến cả thế giới phải tôn vinh kính trọng, và làm vẻ vang cho cả dân tộc, dòng giống con rồng cháu tiên.
  14. Nguyễn Hữu Thy
nguon tai.lieu . vn