Xem mẫu

  1. GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TRONG CHUYÊN NGÀNH SỨC KHỎE: CƠ HỘI - THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP Dương Quý Sỹ* TÓM TẮT: Hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong lĩnh vực sức khỏe mang tính chất đặc thù rất rõ nét; chất lượng và kỹ năng GDNN phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ giáo viên làm công tác giảng dạy và cũng phụ thuộc vào năng lực người học và phụ thuộc vào môi trường thực hành nghề nghiệp trong suốt quá trình đào tạo và thực tiễn. Trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế, GDNN theo hướng “chuẩn năng lực nghề nghiệp quốc gia” là rất cần thiết vì góp phần tạo ra nguồn nhân lực bảo đảm các điều kiện chuyên môn về tay nghề và yêu cầu của xã hội trong công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho nhân dân. Thực tiễn hiện nay cho thấy vấn đề CSSK phải được thực hiện dựa trên nguyên tắc chăm sóc người bệnh toàn diện bao gồm các vấn đề về tinh thần, thể chất và chất lượng cuộc sống. Do vậy, mục tiêu của GDNN trong lĩnh vực sức khỏe là phải phải đào tạo ra được những nhân viên y tế có những kỹ năng chuyên ngành. Để đạt được những yêu cầu thực tiễn của hoạt động đào tạo nghề trong lĩnh vực sức khỏe hiện nay, hệ thống GDNN phải đặt mục tiêu là đào tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng thực hành nghề nghiệp tốt theo chuẩn tay nghề quốc gia và hội nhập quốc tế. Việc xây dựng và ban hành bộ tiêu chí chuẩn thực hành nghề nghiệp cho từng chuyên ngành trong lĩnh vực sức khỏe là rất cần thiết. Từ khóa: Giáo dục nghề nghiệp; chăm sóc sức khỏe; chuẩn năng lực. “Sức khỏe là vốn quý nhất của con người”, do vậy hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong lĩnh vực sức khỏe mang tính chất đặc thù rất rõ nét. Thật vậy, chất lượng và kỹ năng GDNN phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ giáo viên làm công tác giảng dạy, phụ thuộc vào năng lực người học và phụ thuộc vào môi trường thực hành nghề nghiệp trong suốt quá trình đào tạo (thực tập) và thực tiễn. Đặc biệt hiện nay, trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế, GDNN theo hướng “Chuẩn năng lực Nghề nghiệp Quốc gia” là rất cần thiết vì góp phần tạo ra nguồn nhân lực bảo đảm các điều kiện chuyên môn về tay nghề và yêu cầu của xã hội trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; và phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực y tế của khu vực và quốc tế. Đây cũng vừa là cơ hội cho sự vận động, đổi mới của hoạt động GDNN và cũng vừa là thách thức cho việc đào tạo nghề vừa mang tính kỹ năng, tính chuyên nghiệp, tính hội nhập trong lĩnh vực sức khỏe của các cơ sở GDNN trong lĩnh vực sức khỏe trên cả nước. * Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng 217
  2. Thực tiễn hiện nay cho thấy rằng, vấn đề chăm sóc sức khỏe (CSSK) phải được thực hiện dựa trên nguyên tắc chăm sóc người bệnh toàn diện bao gồm các vấn đề về tinh thần, thể chất và chất lượng cuộc sống, song song với việc cá thể hóa chăm sóc người bệnh để đảm bảo công bằng trong CSSK cho người dân. Do vậy, mục tiêu của GDNN trong lĩnh vực sức khỏe là phải phải đào tạo ra được những nhân viên y tế cụ thể như là những điều dưỡng, hộ sinh, y sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên hoặc chăm sóc viên... có những kỹ năng chuyên ngành trong giao tiếp, ứng xử; có khả năng thấu cảm những vấn đề sức khỏe của người bệnh trên cơ sở có cách nhìn biện chứng về hoạt động CSSK và được trang bị đầy đủ các kỹ năng về ngoại ngữ, khoa học công nghệ phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ 4.0. Do vậy, để đạt được những yêu cầu thực tiễn của hoạt động đào tạo nghề trong lĩnh vực sức khỏe hiện nay, hệ thống GDNN phải đặt mục tiêu là đào tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng thực hành nghề nghiệp tốt trong CSSK theo chuẩn tay nghề quốc gia và hội nhập quốc tế. Trong tương lai, việc xây dựng và ban hành bộ tiêu chí chuẩn thực hành nghề nghiệp cho từng chuyên ngành trong lĩnh vực sức khỏe là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần phải lồng ghép những tiêu chí về kỹ năng, về kiến thức và những trải nghiệm thực tiễn trong quá trình đào tạo của các nước trong khu vực – quốc tế nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực theo hướng mở rộng và luân chuyển trong khối ASEAN; và cũng như phải xem xét đến việc trao đổi nhân lực, xuất khẩu nguồn lực sang các nước đối tác truyền thống trong cộng đồng quốc tế hiện nay (như là Nhật Bản hay Cộng hòa Liên bang Đức) đã và đang sử dụng nhân lực Việt Nam trong các lĩnh vực khác về cơ khí, chế tạo, dịch vụ..... Bên cạnh đó, với sự đa dạng và đặc thù về văn hóa, truyền thống của Việt Nam với hơn 54 dân tộc sinh sống trên khắp 63 tỉnh thành của các nước, hoạt động GDNN trong lĩnh vực sức khỏe ngoài việc mang tính đặc thù về nghề nghiệp còn phải bao hàm cả tính đặc thù về đối tượng được phục vụ (con người) có tính đa dạng về văn hóa. Do vậy hoạt động GDNN trong lĩnh vực sức khỏe vừa mang tính đa dạng về đối tượng được phục vụ, đặc biệt là các dân tộc thiểu số, vừa mang tính đặc thù ngành nghề đào tạo và không thể thiếu được thuộc tính cơ bản về địa lý của các khu vực (Tây Bắc Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ) và các vùng đặc thù về kinh tế - xã hội. Với sự ra đời của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 (Luật 74 Quốc hội khóa 13, ban hành ngày 27/11/2014) cùng với định hướng của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay nhằm tạo điều kiện tăng cường năng lực tự chủ cho hệ thống GDNN, các cơ sở GDNN trong lĩnh vực sức khỏe (các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp và cao đẳng y tế) cần phải tích cực, chủ động trong việc thực hiện yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực nghề quốc gia (cán bộ y tế) và khu vực theo hướng đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo phù hợp với các hoạt động 218
  3. CSSK của các vùng miền - khu vực có tính đến sự đặc thù nghề nghiệp và các loại hình dịch vụ (y tế công lập, y tế tư nhân) hoặc các mô hình hoạt động (doanh nghiệp, công ty cổ phần, đơn vị y tế công lập có tự chủ một phần hay toàn bộ....). Để thực hiện những yêu cầu trên đây, các chủ trương, chính sách của hệ thống GDNN Việt Nam và các chủ thể thực hiện các nhiệm vụ GDNN cần phải có các định hướng và giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay, như là: (1) Cần phải xây dựng định hướng, chính sách GDNN cho chuyên ngành sức khỏe theo hướng đồng bộ hóa và liên thông trong hệ thống GDNN và giữa các cơ sở đào tạo nghề trên toàn quốc. Bên cạnh đó, mục tiêu đào tạo phải được thực hiện theo hướng đào tạo theo chuẩn năng lực nghề nghiệp mang tính chuyên biệt cho nhóm ngành sức khỏe theo định hướng vùng trọng điểm, khu vực, và hướng đến hội nhập quốc tế thông qua các chính sách đặc thù. (2) Thiết lập thể chế GDNN với những đặc thù riêng cho hoạt động GDNN nhóm ngành sức khỏe liên quan đến các kỹ năng chuyên ngành phù hợp với đối tượng phục vụ là người có vấn đề sức khỏe hiện đang sinh sống tại Việt Nam và cho cả đối tượng được phục vụ là người bệnh tại các nước trong khối ASEAN bằng cách đồng bộ hóa chương trình đào tạo giành cho các mô đun chuẩn năng lực chuyên ngành. (3) Ban hành các chủ trương, chính sách xây dựng các cơ sở GDNN có quy mô vùng hoặc khu vực nhằm tổ chức các hoạt động GDNN đặc thù cho nhóm ngành sức khỏe mang tính đồng bộ hóa trong hoạt động đào tạo; mở rộng quyền hạn, trách nhiệm trong tự chủ, tự giám sát nhằm bảo đảm chất lượng trong quá trình đào tạo theo chuẩn thực hành nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của đầu ra. (4) Tạo cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực tự chủ cho các cơ sở GDNN mở rộng đào tạo các chương trình nghề tiên tiến, đổi mới theo hướng hội nhập khu vực – quốc tế dựa trên khung trình độ nghề quốc gia cho nhóm ngành sức khỏe. Xây dựng khung pháp lý dựa trên cơ sở nội dung của Luật Giáo dục nghề nghiệp nhằm bảo đảm cho các cơ sở GDNN có năng lực mở rộng quy mô đào tạo, thu hút người học là sinh viên các nước trong khu vực, và tham gia đào tạo nguồn nhân lực chung cho khối ASEAN. (5) Cần có chính sách thu hút người học mạnh mẽ hơn và bền vững hơn song song với việc phân luồng định hướng GDNN từ học sinh phổ thông trung học cho nhóm ngành sức khỏe bằng chế độ đặc thù cho người học thông qua cơ chế hỗ trợ một phần hoặc toàn phần cho người học cùng với việc bảo đảm việc làm sau đào tạo; thực hiện chính sách đãi ngộ cho ngành nghề đặc thù của nhóm ngành sức khỏe (thang bậc lương hoặc vị trí việc làm có chế độ ưu đãi). 219
  4. (6) Cần có chính sách thu hút người giỏi, người có năng lực chuyên môn cao tham gia vào hoạt động quản lý, đào tạo tại các cơ sở GDNN từ trung ương đến địa phương thông qua chế độ đãi ngộ về mức lương, chế độ làm việc và các hình thức động viên khen thưởng xứng đáng nhằm tôn vinh, ghi nhận sự đóng góp của người giỏi, người có năng lực cao trong hoạt động GDNN. Tóm lại, bên cạnh những thành tựu đã đạt được của đất nước trong quá trình đổi mới từ hơn 30 năm qua, hệ thống GDNN Việt Nam đã đóng góp được những thành quả to lớn trong việc đào tạo nghề, trong hoạt động hướng nghiệp, và trong đảm bảo việc làm cho người lao động, tạo tiền đề cho việc hội nhập nguồn nhân lực trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, hoạt động GDNN trong chuyên ngành sức khỏe vẫn còn là lĩnh vực mới từ khi được chuyển giao từ giáo dục chuyên nghiệp sang GDNN (từ tháng 1/2017). Đây vừa là cơ hội cho việc đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động GDNN chuyên ngành sức khỏe cũng vừa là thách thức cho việc xây dựng các chủ trương chính sách phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân nước nhà và các nước khu vực trong tương lai./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ban chấp hành trung ương (2017). Nghị quyết Trung ương 20, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khoá XII về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới ngày 25/10/2017 2. Bộ Y tế. (2012). Quyết định số 1352/QĐ-BYT. Chuẩn năng lực cơ bản của Điều dưỡng Việt Nam ngày 24/4/2012 3. Quốc hội. (2014). Luật Giáo dục nghề nghiệp. Luật số 74/2014. Quốc hội Khóa 13. 220
nguon tai.lieu . vn