Xem mẫu

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN LOẠI HÌNH DU LỊCH HOMESTAY
TẠI CỤM CÙ LAO AN BÌNH – VĨNH LONG
()
NGUYỄN QUỐC NGHI *
PHAN VĂN PHÙNG (**)

TÓM TẮT

Trong thời gian vừa qua, ngành du lịch Vĩnh Long đã đạt được những thành tựu rất
quan trọng, đặc biệt là sự phát triển của loại hình du lịch ở nhà dân (Homestay) tại cụm cù
lao An Bình đã mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân địa phương và làm phong phú thêm
sản phẩm du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng
và nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh vì thế cần phải có những giải pháp thiết thực và mang
tính cấp bách để phát huy tối đa hiệu quả của loại hình du lịch vừa mới vừa độc đáo này.

ABSTRACT

The tourism of Vinh Long province has obtained a lot of remarkable achievements, for
example the homestay tourism development at An Binh islet, which the people there can
benefit from a lot and which diversifies the tourism products of the province. However, this
kind of tourism has not taken full advantage of the potentialities and tourism resources of the
province. Hence, there would be some practical and immediate solutions to enhance the
effectiveness of this new and unique tourism.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Cụm cù lao An Bình có tổng diện tích 6.482 km2, thuộc huyện Long Hồ tỉnh Vĩnh
Long bao gồm 4 xã: An Bình, Bình Hoà Phước, Hoà Ninh và Đồng Phú. Nằm sát thành phố
Vĩnh Long, cụm cù lao An Bình nổi lên giữa một vùng sông nước mênh mông được bao
quanh bởi hai con sông lớn là sông Tiền và sông Cổ Chiên tạo cho cù lao một vị thế độc đáo,
chứa đựng nhiều yếu tố văn hoá miệt vườn cù lao đặc sắc với hệ thống kênh rạch chằng chịt,
đan xen lẫn nhau nên phương tiện đi lại ở đây chủ yếu là xuồng, thuyền nhỏ, ghe… Dọc theo
các con kênh, rạch, xẻo là những vườn cây ăn trái nặng trĩu, những khu vườn xanh mát tạo
cho phong cảnh cù lao thêm duyên dáng thu hút du khách. Nắm bắt được tiềm năng này,
Trung tâm Cổ phần Du lịch Vĩnh Long đã có sự liên kết với một số nhà vườn để xây dựng cơ
sở lưu trú cho khách tham quan. Loại hình này ngày càng phát triển rộng rãi thu hút rất nhiều
du khách, nhất là khách quốc tế. Mô hình du lịch Homestay ở cụm cù lao An Bình đã mang
lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân địa phương và góp phần không nhỏ vào sự phát
triển của ngành du lịch của tỉnh Vĩnh Long.

2. THỰC TRẠNG LOẠI HÌNH DU LỊCH HOMESTAY

Hiện nay, tại 4 xã của cụm cù lao An có 12 điểm du lịch (Vườn du lịch Sáu Giáo, Vườn du
lịch Hai Hoàng, Vườn du lịch Mười Hưởng, Vườn du lịch Tám Hổ, Vườn du lịch Mười Đầy,
Vườn du lịch Ba Lình, Vườn du lịch Sông Tiền – Tám Tiền, Vườn du lịch Ba Hùng, Vườn du
lịch Mai Quốc Nam, Vườn du lịch Bảy Chánh, Vườn du lịch nhà xưa Cai Cường, Vườn du
lịch Tám Hồng) và 1 khu trang trại Vinh Sang đã kí hợp đồng với Trung tâm Cổ phần Du lịch
Cửu Long. Nếu ở Cồn Thới Sơn (Tiền Giang) các khách sạn miệt vườn này được đầu tư thành

(*)
Trường Đại học Cần Thơ
(**)
Trường Đại học Cửu Long
các khu du lịch giữa một vùng dân cư thì tại Vĩnh Long loại hình này chủ yếu được cải tạo,
nâng cấp từ nhà dân và cũng là từ những chủ vườn trái cây. Chính sự hấp dẫn của việc nghỉ
tại nhà dân, trực tiếp tiếp xúc với gia chủ, cũng như tìm hiểu những sinh hoạt đời thường
trong một gia đình Nam Bộ đã thu hút rất nhiều khách du lịch đến Vĩnh Long. Cụ thể, năm
2005 lượng khách đến tham quan cụm cù lao An Bình 25.250 lượt, trong đó khách du lịch
quốc tế 17.000 lượt, khách nội địa 8.250 lượt. Đến năm 2008, lượng khách đi du lịch tham
quan là 59.500 lượt, trong đó lượng khách quốc tế lên đến 41.100 lượt gấp 2 lần khách nội
địa.

Những tác động tích cực của loại hình du lịch Homestay tại cụm cù lao An Bình:

(i) Việc phát triển loại hình lưu trú góp phần nâng cao mức sống và chất lượng cuộc
sống người dân địa phương. Góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng dịch vụ - tiểu
thủ công nghiệp, đa dạng hoá các ngành nghề, xoá bỏ dần nền kinh tế thuần nông tồn tại bấy
lâu nay ở địa phương. Đồng thời, loại hình du lịch này còn giúp bảo tồn một số ngành nghề
truyền thống ở địa phương, đặc biệt là ngành chế biến thức ăn.

(ii) Việc phát triển loại hình lưu trú nhà dân giúp khôi phục các kiến trúc dân gian
đang mất dần ở các vùng nông thôn, phục hồi, bảo tồn các di sản văn hoá vật chất, phi vật
chất (nghi lễ truyền thống, phong tục tập quán) ở địa phương, tạo nét đẹp văn hoá về điểm đến
và vùng du lịch sinh thái sông nước miệt vườn. Trình độ dân trí và văn hoá của người dân
được nâng cao thông qua sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân địa phương và khách du lịch,
đòi hỏi họ phải tự nâng cao trình độ, phải học hỏi để thích ứng tốt trong giao tiếp với khách
du lịch. Tạo cho người dân địa phương có ý thức về văn minh lịch sự, ý thức về giữ gìn và
bảo vệ môi trường sống.

(iii) Mô hình du lịch Homestay tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, giải quyết tình trạng thất
nghiệp cho số lao động thừa của địa phương, tránh được sự lãng phí về mặt xã hội và kinh tế,
tăng thu nhập cho người dân cù lao, góp phần thực hiện chính sách xoá đói giảm nghèo của
địa phương.

Những ảnh hưởng tiêu cực của loại hình du lịch Homestay tại cụm cù lao An Bình:

(i) Sự độc đáo về phong tục tập quán, truyền thống văn hoá bản địa cũng có thể bị đe
dọa khi chính người dân địa phương thương mại hoá chúng thành những sản phẩm sinh lời vì
những lợi ích trước mắt. Lâu dài chính họ sẽ đánh mất giá trị văn hoá và truyền thống bản sắc
riêng của mình. Khi đón tiếp, đưa khách du lịch về lưu trú tại gia thì cách sống, tư tưởng và lí
tưởng của một bộ phận dân cư sẽ bị xáo trộn, thay đổi theo hướng tiêu cực do người dân địa
phương tiếp thu không chọn lọc từ văn hoá, kiểu cách của khách du lịch.

(ii) Việc phát triển mô hình này góp phần đô thị hoá các vùng nông thôn, tuy nhiên nó
làm tăng giá cả sinh hoạt, khuynh hướng mưu cầu vật chất và tiêu dùng của người dân địa
phương tăng lên dần dần làm thay đổi tập quán tiêu dùng của họ. Người làm du lịch, với
doanh thu có thêm có thể thích ứng với việc tăng giá hàng hoá còn dân địa phương không
hoạt động du lịch lại phải chịu mức sống tăng lên.

Một số vấn đề tồn tại của loại hình du lịch Homestay tại cụm cù lao An Bình:

(i) Việc phát triển các điểm du lịch còn mang tính tự phát, sản phẩm du lịch trên địa
bàn trùng lắp dẫn đến sự cạnh tranh bằng giá cả thay vì chú trọng đến chất lượng và sáng tạo
sản phẩm mới. Do đó, gây nên sự nhàm chán và làm mất uy tín du lịch miệt vườn. Đặc biệt
khó kiểm soát các tác động xấu đến môi trường cảnh quan cũng như sự an toàn cho du khách.

(ii) Chủ nhà vườn và nhân viên cơ sở kinh doanh hầu như chưa qua đào tạo nghiệp vụ,
kinh doanh theo kinh nghiệm nên chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Các dịch vụ vận
chuyển khách: tàu, thuyền… còn cũ kĩ, dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao còn chưa được đầu
tư. Đây là thách thức lớn, nếu không đầu tư khó cạnh tranh và khó kéo dài thời gian lưu trú
của khách.

(iii) Việc phát triển các điểm du lịch trong những năm qua chưa theo một qui hoạch
chính thức nào của các cơ quan trong ngành Du lịch, dẫn đến có những điểm du lịch đang có
xu hướng “hiện đại hoá”, làm mất vẻ tự nhiên của nhà vườn, giảm sức thu hút đối với du
khách.

3. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN

Giải pháp về thiết kế sản phẩm du lịch

Đa dạng hoá và chuyên môn hoá sản phẩm du lịch Homestay, nâng cao chất lượng, tạo
ra sự chuyên biệt về sản phẩm và tạo lực hấp dẫn mạnh với du khách. Thiết kế sản phẩm du
lịch sông nước miệt vườn phải tập trung đầu tư du lịch. Trong thời gian sắp tới, nên chọn một
số điểm tập trung, số lượng vừa phải, đầu tư chiều sâu cho các điểm du lịch theo hướng: cảnh
quan đẹp, hấp dẫn kết hợp với loại dịch vụ như lưu trú, ăn uống (đặc sản), nghệ thuật dân
gian, cố gắng hạ giá thành để kích cầu.

Giải pháp về huy động vốn đầu tư

Vốn đầu tư được huy động chủ yếu từ hai nguồn: Ngân sách của Tỉnh chủ yếu đầu tư
cho cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch (đường sá, tàu thuyền chở du khách…). Vốn
của dân chủ yếu là vốn của các hộ dân đầu tư để xây dựng vườn cây ăn trái, cơ sở hạ tầng, cơ
sở vật chất trong vườn cây. Các cơ quan ban ngành hữu quan cần có hình thức trợ vốn, cho
vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các hộ dân tham gia loại hình du lịch Homestay để phát triển
và đa dạng hoá sản phẩm du lịch.

Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực

Đội ngũ cán bộ nhân viên hoạt động trong lĩnh vực Homestay chưa được đào tạo và
trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản. Đây là mặt hạn chế lớn nhất kìm hãm tốc độ phát
triển du lịch Homestay. Do đó, cần mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn thuộc các lĩnh
vực như: sản phẩm du lịch Homestay, tổ chức và quản lí các điểm Homestay, marketing du
lịch Homestay, hiểu biết về hành vi du khách đến từ các nền văn minh khác nhau. Đối tượng
bồi dưỡng là chủ kinh doanh điểm du lịch, nhân viên phục vụ du lịch Homestay, hướng dẫn
viên du lịch.

Giải pháp về môi trường

Trong qui hoạch phát triển loại hình du lịch Homestay phải kết hợp hài hoà 3 yếu tố
kinh tế, xã hội và môi trường. Trong yếu tố môi trường coi trọng việc giữ gìn khôi phục cảnh
quan hoang sơ của tự nhiên và khắc phục hiệu quả những vấn đề ô nhiễm nảy sinh. Hình
thành những khu vườn sạch, vườn sinh thái, tạo ra những loại rau quả sạch, an toàn để hấp
dẫn du khách. Cần phát động toàn dân trong khu du lịch làm vệ sinh môi trường thường
xuyên. Giải quyết cầu cá ven sông rạch, đặc biệt là các nhà sàn xây trên kênh rạch. Tăng thêm
màu xanh dọc tuyến kênh rạch, tạo các cảnh quan riêng biệt cho từng đoạn kênh rạch: khi thì
hàng dừa, khi thì đồng lúa…

Giải pháp phát triển dịch vụ vui chơi giải trí mang tính nông thôn đặc thù

Khuyến khích các dự án có qui mô lớn trong đó có dịch vụ vui chơi giải trí nhất là vui
chơi giải trí sông nước như: du thuyền, các loại hò vè, hò đối đáp trên sông, tắm sông mùa
nắng, bơi thuyền… phục vụ khách du lịch. Khuyến khích một số điểm du lịch có mô hình vui
chơi tại chỗ như các loại trò chơi dân gian, câu cá, chế biến, và hướng dẫn du khách thực hành
các món ăn dễ làm hay tập cho du khách đặc biệt là khách quốc tế hát theo những câu vọng cổ
đơn giản của nghệ thuật đờn ca tài tử,.… nhằm tăng thời gian lưu trú cho du khách.

Giải pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

Thực hiện tốt quy chế phối hợp công an và du lịch trong các cơ sở lưu trú, đặc biệt là
đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách tại các điểm du lịch vườn, trong quá trình vận chuyển
và phục vụ du khách. Phối hợp tốt với cấp chính quyền địa phương tuyên truyền vận động
nhân dân cùng thực hiện tốt công tác bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn và đảm bảo văn
minh, lịch sự trong giao tiếp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban chỉ đạo phát triển du lịch Vĩnh Long (2003), Hội thảo Giải pháp phát triển du lịch
sinh thái miệt vườn.
2. Sở Văn hoá, thể Thao và Du lịch (2009), Tổng hợp hoạt động ngành du lịch Vĩnh Long
2005-2008.
3. Các website: Tổng cục du lịch Việt Nam: www.vietnamtourism.gov.vn, Vĩnh Long:
www.vinhlong.gov.vn.
nguon tai.lieu . vn