Xem mẫu

  1. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” GIẢI PHÁP CHO NGÀNH DU LỊCH VIỆT NAM VƯỢT QUA ĐẠI DỊCH COVID-19 SOLUTIONS FOR VIETNAM TOURSIM INDUSTRY OVERCOMES THE COVID-19 PANDEMIC ThS. Nguyễn Diệp Phương Nghi1, ThS. Lê Thị Nhã Trúc2 Tóm tắt – Thực tế cho thấy, du lịch là một trong những ngành phát triển năng động nhất dựa trên cơ sở phát huy các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và mức giá dịch vụ cạnh tranh. Ngành du lịch đã đóng góp không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng GDP và giải quyết việc làm. Tuy nhiên, hiện nay dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, khiến ngành du lịch Việt Nam gặp nhiều thách thức khi lượng khách tiếp tục giảm; dịch vụ lữ hành, lưu trú, vận chuyển hoạt động cầm chừng. Trước thực trạng này, bài viết thảo luận về những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong đại dịch Covid-19. Từ đó, tác giả đề xuất các giải pháp góp phần khôi phục thị trường, biến thách thức thành cơ hội phát triển với tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu. Từ khóa: du lịch mùa Covid-19, du lịch, Việt Nam. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong lịch sử nhân loại, du lịch đã được ghi nhận như là một sở thích, một hoạt động nghỉ ngơi tích cực của con người. Ngày nay, du lịch đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống văn hóa, xã hội ở các nước. Về mặt kinh tế, du lịch đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của nhiều nước công nghiệp phát triển. Mạng lưới du lịch đã được thiết lập ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Các lợi ích kinh tế mang lại từ du lịch là điều không thể phủ nhận, thông qua việc tiêu dùng của du khách đối với các sản phẩm của du lịch. Nhu cầu của du khách bên cạnh việc tiêu dùng các hàng hoá thông thường còn có những nhu cầu tiêu dùng đặc biệt: nhu cầu nâng cao kiến thức, học hỏi, vãn cảnh, chữa bệnh, nghỉ ngơi, thư giãn… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngành du lịch Việt Nam đang trải qua một cuộc khủng hoảng thực sự do tác động bởi dịch Covid-19. Những hệ lụy của nó 1 Trường Đại học Trà Vinh; Email: phuongnghi@tvu.edu.vn 2 Trường Đại học Trà Vinh; Email: ltntruc@tvu.edu.vn 190
  2. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” chắc chắn sẽ còn kéo dài, không thể khắc phục trong một sớm một chiều. Mặc dù vậy, cơ hội phục hồi và phát triển của ngành du lịch sau khi đại dịch kết thúc là rất lớn. Thậm chí, du lịch sẽ dẫn đầu về tốc độ phục hồi sau khủng hoảng. Cùng với các chương trình kích cầu du lịch của Chính phủ, các doanh nghiệp du lịch trên cả nước cũng đang tìm các giải pháp để tự “hồi sinh”. Bài viết đề cập đến những khó khăn ngành du lịch đang gặp phải trong mùa dịch Covid – 19, từ đó đưa ra một số giải pháp với hi vọng thật sự cần thiết và bổ ích cho các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam. 2. THỰC TRẠNG CỦA NGÀNH DU LỊCH VIỆT NAM Nước ta có tiềm năng lớn về nhiều mặt để phát triển du lịch, có điều kiện thiên nhiên phong phú, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có truyền thống văn hóa lâu đời với nhiều lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp và độc đáo, nhiều di tích lịch sử, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, giàu bản sắc nhân văn, nguồn lao động dồi dào thông minh, cần cù và giàu lòng nhân ái. Trong những năm gần đây, ngành du lịch đã có những đổi mới, từng bước phát triển cơ sở vật chất kĩ thuật, tạo điều kiện bước đầu thu hút khách nước ngoài và kiều bào về thăm Tổ quốc, giới thiệu đất nước, con người và tinh hoa của dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế; đáp ứng một phần nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, giải trí của người dân trong nước, bước đầu đã thu được kết quả nhất định về kinh tế. Trong những năm qua, du lịch Việt Nam, đang trên đà phát triển, lượng khách quốc tế đến cũng như khách du lịch nội địa ngày càng tăng. Du lịch Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thế giới, nhiều điểm đến trong nước được bình chọn là địa chỉ yêu thích của du khách quốc tế. Điều này được minh chứng thông qua số lượng khách quốc tế đến du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh với tốc độ trung bình trên 12% mỗi năm, ngoại trừ suy giảm do dịch SARS 2003 (-8%) và suy thoái kinh tế thế giới 2009 (-11%). Nếu lấy dấu mốc lần đầu tiên phát động “Năm Du lịch Việt Nam 1990” (khởi đầu thời kì đổi mới) với 250.000 lượt khách quốc tế, thì đến nay đã có 10.000 lượt khách đến Việt Nam trong năm 2016. Khách du lịch nội địa cũng tăng mạnh liên tục trong suốt giai đoạn vừa qua, từ 1 triệu lượt năm 1990 đến 2016 đạt con số 35 triệu lượt. Sự tăng trưởng không ngừng về khách du lịch đã thúc đẩy mở rộng quy mô hoạt động của ngành du lịch trên mọi lĩnh vực. Thị phần khách quốc tế đến Việt Nam trong khu vực và trên thế giới không ngừng tăng lên. Từ chỗ chiếm 4,6% thị phần khu vực Đông Nam Á; 1,7% thị phần khu vực châu Á – Thái Bình Dương và 0,2% thị phần toàn cầu vào năm 1995, đến năm 2016 du lịch Việt Nam đã chiếm 8,2% thị phần khu vực ASEAN; 2,4% khu vực châu Á – Thái Bình Dương và 0,68% thị phần toàn cầu [1]. Bên cạnh đó, hệ thống di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận liên tiếp gia tăng về số lượng là các trọng tâm trong thực tiễn xây dựng sản 191
  3. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” phẩm, thu hút khách du lịch. Các sản phẩm như tham quan cảnh quan vịnh Hạ Long, tham quan di sản văn hóa Huế, phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn; du lịch mạo hiểm khám phá hang động Phong Nha-Kẻ Bàng, du lịch nghỉ dưỡng biển Mũi Né, Phú Quốc, du lịch sự kiện Nha Trang... ngày càng thu hút được sự quan tâm lớn của khách du lịch trong và ngoài nước. Các lễ hội được tổ chức ở quy mô lớn đã trở thành những sản phẩm du lịch quan trọng, như: lễ hội Chùa Hương, lễ hội bà chúa Xứ, festival Huế, carnaval Hạ Long, lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, festival hoa Đà Lạt... Những sản phẩm và những giá trị nổi bật của điểm đến Việt Nam dần được hình thành và định vị tại các thị trường khách du lịch mục tiêu. Các khu, điểm du lịch quốc gia và các đô thị du lịch là những điểm nhấn quan trọng hình thành sản phẩm du lịch được định hướng phát triển trong chiến lược phát triển ngành du lịch. Một số khu du lịch, công trình nhân tạo khác cũng có sức hút tạo sản phẩm như thủy điện Sơn La, chùa Bái Đính, hầm đèo Hải Vân, khu vui chơi tổng hợp Đại Nam... Sự phát triển không ngừng của ngành du lịch góp phần vào GDP Việt Nam, bao gồm cả đóng góp trực tiếp, gián tiếp và đầu tư công là 584.884 tỉ đồng (tương đương 13,9% GDP). Trong đó, đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP là 279.287 tỉ đồng (tương đương 6,6% GDP). Tổng đóng góp của du lịch vào lĩnh vực việc làm toàn quốc (gồm cả việc làm gián tiếp) là hơn 6,035 triệu việc làm, chiếm 11,2%. Trong đó, số việc làm trực tiếp do ngành du lịch tạo ra là 2,783 triệu (chiếm 5,2% tổng số việc làm). Đồng thời, xét về cơ cấu doanh thu ngoại tệ trong xuất khẩu dịch vụ, doanh thu của ngành du lịch chiếm trên 50% trong xuất khẩu dịch vụ của cả nước, đứng đầu về doanh thu ngoại tệ trong các loại hoạt động dịch vụ “xuất khẩu”, đồng thời có doanh thu ngoại tệ lớn nhất, trên cả các ngành vận tải, bưu chính viễn thông và dịch vụ tài chính. So sánh với xuất khẩu hàng hóa, doanh thu ngoại tệ từ xuất khẩu dịch vụ du lịch chỉ đứng sau 04 ngành xuất khẩu hàng hóa là xuất khẩu dầu thô, dệt may, giày dép và thủy sản. Thêm nữa, với tư cách là hoạt động “xuất khẩu tại chỗ”, du lịch lại đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn và tạo ra nhiều việc làm có thu nhập cho xã hội mà hiện nay chưa tính toán hết được [1]. 3. THỰC TRẠNG CỦA NGÀNH DU LỊCH VIỆT NAM TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 - Lượt khách quốc tế sụt giảm Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam giảm rất mạnh, từ khoảng 1,9 triệu lượt vào tháng 1/2020 xuống chỉ còn hơn 400.000 lượt vào tháng 3/2020. Cũng do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong nước cũng như trên thế giới và do thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam 192
  4. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu từ 0 giờ ngày 18/3/2020, nên lượng du khách đến nước ta liên tục giảm. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 4 chỉ đạt 26,2 nghìn lượt người; trong tháng 5 chỉ đạt 22,7 nghìn lượt người, mức thấp nhất trong nhiều năm qua, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm tới 98,3% so với cùng kì năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến trong tháng chủ yếu là chuyên gia, lao động kĩ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam (có ý kiến cho rằng, trong tháng 4 và tháng 5, không có khách nước ngoài đến Việt Nam với mục đích đi du lịch). Tính chung 05 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 48,8% so với cùng kì năm trước [2]. Những số liệu trên cho thấy, ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, tổng thu từ du lịch 05 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 150.300 tỉ đồng, giảm tới 47,4% so với cùng kì 2019 [1]. Tuy hoạt động du lịch nội địa đến thời điểm này đã dần được phục hồi khi các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng từ tháng 4/2020; nhưng với du lịch quốc tế thực sự là ngừng trệ kể từ tháng 3/2020 đến nay. Theo dự báo của Tổng cục Du lịch, từ nay đến cuối năm 2020, ngành du lịch tiếp tục còn gặp khó khăn. Mặc dù Việt Nam đã phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm đẩy mạnh kích cầu du lịch, tuy nhiên, nếu khống chế được dịch bệnh tốt như hiện nay thì lượng khách nội địa năm 2020 cũng chỉ có thể đạt khoảng 60-65 triệu lượt; với khách quốc tế, trong trường hợp có thể bắt đầu đón khách được từ quý III/2020 thì lượng khách có thể đạt từ 6 – 8 triệu lượt; nếu đón từ quý IV/2020 thì có thể đạt được 4,5 – 5 triệu lượt khách quốc tế; thấp xa so với mục tiêu của ngành du lịch là năm 2020 phấn đấu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách du lịch nội địa [1]. - Các cơ sở lưu trú phải đóng cửa, nhân viên ngành du lịch thất nghiệp Do diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của dịch Covid-19 không chỉ tác động trực tiếp lên số lượng khách đi du lịch mà còn tác động đến các cơ sở lưu trú. Công suất hoạt động các cơ sở lưu trú giai đoạn này chỉ đạt 20 – 30% so với cùng kì năm ngoái. Số lượng khách hủy phòng tại các cơ sở lưu trú tại Hà Nội là hơn 80.613 lượt, số ngày bị hủy phòng khoảng 57.652 ngày [2]. Các khách sạn trên khắp các tỉnh, thành cả nước lần lượt tuyên bố đóng cửa ít nhất đến hết dịp 30/4, như: hệ thống Silk Queen, Hệ thống OHG sở hữu các khách sạn 4* & 5* như Oriental Suites Hotel & Spa, O’Gallery Premier Hotel & Spa, O’Gallery Majestic Hotel & Spa hay Thiên Minh Group với chuỗi khách sạn & tàu Victoria 5* cao cấp,… Chính điều này khiến nhân lực ngành du lịch bị mất việc làm, các công ti, khách sạn, nhà hàng lần lượt phải cắt giảm biên chế 193
  5. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” đến 60%. Các công ti đa quốc gia thậm chí còn giảm 4/5 số lượng nhân viên. Ít nhất cho đến hết tháng 6/2020, hơn 80% nhân sự không có việc làm. Nếu tình hình khó khăn hơn thì tình trạng thất nghiệp có thể kéo dài hơn [2]. - Doanh nghiệp du lịch chỉ biết “chịu trận” Theo khảo sát tại một số công ti du lịch, những ngày gần đây các du khách liên tục gọi điện đến đường dây nóng và dịch vụ chăm sóc khách hàng yêu cầu hoãn, hủy tour vì lo ngại trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 80 – 90% tour đăng kí đi vào cuối tháng 8 đến giữa tháng 9 bị hoãn, hủy. Thậm chí tâm lí khách hàng đều mong được hoàn tiền chứ không muốn dời ngày khởi hành, gây khó khăn cho các công ti du lịch. TS. Nguyễn Tấn Thanh – Trưởng Bộ môn Du lịch, Khoa Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, Trường Đại học Trà Vinh (ý kiến cá nhân ngày 15/8/2020) chia sẻ: “Chúng tôi đã mua tour Phú Quốc cho sinh viên tiếp cận thực tế với lịch trình 3 ngày 2 đêm và đã chuyển khoản cọc từ cuối tháng 7 với số tiền 13.850.000 cho bên công ti du lịch. Giờ tôi xin hủy tour nhưng phía bán tour trả lời là rất khó, vì điểm đến này không nằm trong vùng có dịch, giãn cách xã hội. Phương án họ đưa ra là lùi thời gian lại hoặc tôi chấp nhận mất tiền mua tour” (Phỏng vấn bởi Nguyễn Diệp Phương Nghi. Vấn đề trao đổi sinh viên thực tập thực tế tại doanh nghiệp trong mùa dịch). Hiện tình trạng của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch rất khó khăn, để có giá tour ưu đãi, phía lữ hành thường phải đặt cọc, thanh toán tiền với đối tác từ nhiều tháng. Việc hoàn hủy tour lâu nay vẫn được thực hiện theo quy định. Các đối tác hàng không, khách sạn hầu hết đều chỉ chấp nhận cho đổi ngày, bảo lưu tiền cọc chứ không hoàn tiền. Trong trường hợp khách hủy dịch vụ, doanh nghiệp lữ hành thậm chí phải bỏ tiền túi ra đóng phạt cho các đối tác do những cam kết đã kí trong hợp đồng. Bên cạnh đó, nhân viên của nhiều công ti mới chỉ đi làm lại được một thời gian thì bây giờ lại phải tạm nghỉ, chi phí dự phòng của nhiều doanh nghiệp gần như cạn kiệt. - Doanh thu từ ngành du lịch sụt giảm Du lịch là một lĩnh vực kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều nhóm ngành khác, như: vận chuyển, lưu trú, dịch vụ ăn uống..., vì vậy tác động của dịch Covid-19 khiến doanh thu tất cả những nhóm ngành này cũng đồng thời sụt giảm. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I/2020 ước tính đạt 126,2 nghìn tỉ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và giảm 9,6% so với cùng kì năm trước (cùng kì năm 2019 tăng 11,3%). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn không hoạt động, dẫn đến sụt giảm doanh thu ở các 194
  6. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” địa phương, trong đó Khánh Hòa giảm 38,2%; TP. Hồ Chí Minh giảm 30,3%; Đà Nẵng giảm 23,7%; Thanh Hóa giảm 20,4%; Hà Nội giảm 20,2%; Cần Thơ giảm 17%; Lâm Đồng giảm 16,8%; Quảng Bình giảm 14,5%; Quảng Ninh giảm 12,4%; Hải Phòng giảm 8,9% [1]. Doanh thu du lịch lữ hành quý I ước tính đạt 7,8 nghìn tỉ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và giảm 27,8% so với cùng kì năm trước (cùng kì năm 2019 tăng 13,2%). Lí do là bởi nhiều địa điểm tham quan du lịch phải ngừng hoạt động, một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đã hủy tour du lịch do lo ngại dịch bệnh. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành quý I giảm so với cùng kì năm trước như: Thanh Hóa giảm 49,9%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 48,3%; Quảng Ninh giảm 47,1%; Khánh Hòa giảm 43,9%; TP. Hồ Chí Minh giảm 39,9%; Bình Định giảm 24,4%; Đà Nẵng giảm 19,5%; Hà Nội giảm 18,7%; Hải Phòng giảm 14,9% [1]. Vận tải hành khách tháng 3/2020 ước tính đạt 334,4 triệu lượt khách vận chuyển – giảm 8,8% so với tháng trước, và luân chuyển 14,8 tỉ lượt khách.km – giảm 15,1%. Tính chung quý I/2020, vận tải hành khách đạt 1.190,7 triệu lượt khách vận chuyển – giảm 6,1% so với cùng kì năm trước (cùng kì năm 2019 tăng 10,8%), và luân chuyển 55,9 tỉ lượt khách.km – giảm 8% (cùng kì năm trước tăng 10%). Trong đó, vận tải trong nước đạt 1.187,7 triệu lượt khách – giảm 6,1% và 46,4 tỉ lượt khách.km – giảm 3,5%; vận tải ngoài nước đạt 3 triệu lượt khách – giảm 30,3% và 9,6 tỉ lượt khách.km – giảm 24,9% [1]. Xét theo ngành vận tải, tất cả các ngành đường đều bị ảnh hưởng do nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh, vận tải hành khách đường bộ quý I đạt 1.128,3 triệu lượt khách – giảm 6,3% so với cùng kì năm trước, và 38,5 tỉ lượt khách.km – giảm 7,2%; đường thủy nội địa đạt 47,7 triệu lượt khách – giảm 1,3%, và 1,1 tỉ lượt khách.km – giảm 0,4%; đường biển đạt 1,3 triệu lượt khách – giảm 23,2%, và 109,4 triệu lượt khách.km – giảm 5,8%; đường sắt đạt 1,5 triệu lượt khách – giảm 27,8%, và 0,7 tỉ lượt khách.km – giảm 23,8%. Hàng không là ngành chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất bởi dịch Covid-19 khi các hãng phải tạm dừng khai thác các đường bay quốc tế, vận tải hàng không quý I năm nay đạt 11,9 triệu lượt khách – giảm 8%, và 15,6 tỉ lượt khách.km – giảm 9,5% (riêng tháng 3/2020 vận chuyển giảm 28,8% và luân chuyển giảm 35,9%) [1]. 4. GIẢI PHÁP CHO NGÀNH DU LỊCH VIỆT NAM VƯỢT QUA ĐẠI DỊCH COVID – 19 - Thứ nhất, cần có biện pháp để trấn an tâm lí du khách thông qua tăng cường các biện pháp y tế, như phân bố nguồn lực để đảm bảo vệ sinh cho dịch vụ vận tải, cung cấp giấy chứng nhận y tế… Đồng thời, cần có đánh giá tác động đến người lao động dễ bị tổn thương trong lĩnh vực du lịch, như phụ nữ, cộng đồng dân tộc thiểu số vì xu hướng du lịch sinh thái gần đây đã mang lại nhiều lợi ích 195
  7. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” cho họ. Cần đẩy mạnh kích cầu dịch vụ du lịch nội địa, sau đó là du lịch quốc tế. Đồng thời, đảm bảo đủ cơ sở lưu trú hợp vệ sinh với chi phí phù hợp, doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu được dự báo sẽ tăng, mặc dù là mức độ tăng chậm trong thời gian tới. - Thứ hai, để phục hồi mạnh mẽ hơn du lịch trong nước và quốc tế, cần hiểu rõ hơn sự phát triển của lĩnh vực này bằng cách thu thập dữ liệu có tần suất cao thông qua các khảo sát nhanh. Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã thay đổi nhu cầu của khách du lịch và dẫn đến nhiều thay đổi về hành vi. Việt Nam sẽ cần phải phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội tư nhân đánh giá tình hình tài chính của ngành du lịch. Đánh giá này cần xem xét sự khác biệt giữa các khu vực và đặc điểm của từng nhóm doanh nghiệp dịch vụ du lịch, như về quy mô, nội địa, quốc tế, công lập, tư nhân,… Để hoạch định chính sách hiệu quả, cần cập nhật thông tin về cả nguồn cung và cầu trong lĩnh vực này. - Thứ ba, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch và điểm đến. Theo đó, cần kết hợp các giải pháp về giảm giá dịch vụ (như một số nơi đã làm) song song với nâng cao chất lượng phục vụ. Về giá cả, trong ngắn hạn, có thể sử dụng các công cụ tiêu chuẩn như giảm thuế, phí, lệ phí – mặc dù việc giảm này có thể làm giảm thu ngân sách. Do vậy, để hiệu quả hơn, cần tập trung vào chất lượng các sản phẩm du lịch. Mục tiêu này có thể được thực hiện thông qua các chương trình kích cầu du lịch, như Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phát động được triển khai từ ngày 1/6 đến ngày 31/12/2020. Các điểm đến có mật độ khách du lịch thấp hơn, chẳng hạn điểm đến ở các vùng sâu, vùng xa, cần có sự tăng cường phối hợp với các chương trình đầu tư xây dựng hạ tầng ở cấp độ cộng đồng. Việc này giúp các điểm du lịch được đảm bảo hơn về điều kiện vệ sinh, qua đó cải thiện chất lượng trải nghiệm du lịch theo chiến lược dài hạn về thúc đẩy sinh thái và thu hút du khách quốc tế quay lại Việt Nam. - Thứ tư, tập trung xây dựng chiến lược xây dựng thương hiệu và quảng bá, đảm bảo doanh nghiệp dịch vụ có đủ năng lực cung cấp dịch vụ của họ trong môi trường phát triển mới. Sau nhiều tháng tạm ngừng hoạt động do Covid-19, nhiều công ti lữ hành gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có nguy cơ bị phá sản do giá trị tài sản sụt giảm, và ít nhân viên sẵn sàng làm việc trở lại. Do đó, các cơ quan hữu quan cần có sự đánh giá, thống kê để xác định các hỗ trợ để doanh nghiệp có thể cơ cấu lại danh mục vay nợ và giải quyết những khó khăn về thanh khoản. Điều này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng mất khả năng thanh toán, thanh lí bán tháo tài sản, đồng thời bảo vệ việc làm. Mục tiêu phục hồi ngành du lịch không chỉ đòi hỏi các điểm đến hấp dẫn và nâng cao chất lượng dịch vụ, mà bên cạnh đó, khách du lịch còn cần được tiếp cận 196
  8. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” dễ dàng hơn các thông tin và công cụ đặt phòng trực tuyến. Để tiếp tục thu hút khách du lịch, cũng cần có các chính sách linh hoạt hơn về việc hủy hoặc thay đổi lịch đặt phòng hoặc phương tiện đi lại… Vì, sự lựa chọn của du khách cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi nguồn cung và chất lượng các dịch vụ vận tải; mặc dù Covid-19 cũng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động vận tải tại Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Tổng cục Thống kê. Báo cáo tình hình kinh tế quý I/2020. [2] Tâm Lê. Ngành Du lịch khắp nơi chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Truy cập từ https://baodulich.com/diem-den/nganh-du-lich-khap-noi-chiu-anh-huong- boi-dich-covid-19/ [Ngày truy cập 22/11/2020]. 197
nguon tai.lieu . vn