Xem mẫu

Những nguy cơ về sức khỏe sinh sản khi vị
thành niên quan hệ tình dục sớm
BS. ĐÀO XUÂN DŨNG

Ngày nay, bốn quan tâm lớn của xã hội đối với sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên nói chung
đã được xác định rõ, đó là quan hệ tình dục sớm dẫn đến sự mang thai không mong muốn – nạo
thai không an toàn – nguy cơ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục gồm cả HIV/AIDS và
những chấn thương tâm lý là hậu quả của những sự cố nói trên.
Mang thai khi chưa tới tuổi…
Quan hệ tình dục sớm là vấn đề xã hội của nhiều nước. Không phải chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước
trong khu vực và trên thế giới, những nước đang phát triển và cả những nước đã phát triển, cũng đã
phải đối diện với vấn đề quan hệ tình dục sớm ở thanh, thiếu niên và đã phải có những giải pháp để đề
phòng những hậu quả của nó (giáo dục phòng tránh thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục…).
Thái Lan, nước láng giềng với ta, ngay từ giữa thập niên 70 đã nhận thấy rằng hoạt động tình dục ở
thanh, thiếu niên ngày càng gia tăng. Đó là một thực tế làm điên đầu Chính phủ Thái Lan vào thời kỳ
đó. Hơn 60% thanh, thiếu niên nam có quan hệ tình dục với bạn gái hoặc với gái điếm, một số mới chỉ
13 tuổi. Số em gái tuy có ít hơn nhưng trở thành các bà mẹ trẻ cũng đã tăng lên. Chính vì tình hình đó
mà Thái Lan đã chấp nhận chương trình giáo dục về sinh lý sinh sản ở các trường trung học. Trung
Quốc: Theo các thống kê thăm dò thì có khoảng 20% học sinh nữ có quan hệ tình dục dù nhà trường đã
răn đe bằng các biện pháp như đuổi học… Trinh tiết không còn là tiêu chuẩn quan trọng. Tuổi dậy thì
đến sớm hơn (1 năm ở phái nam và 2 năm ở phái nữ) và môn giáo dục giới tính đã được đưa vào
chương trình phổ thông ở ta từ năm 1985 với sự tham dự rất siêng năng của học sinh vị thành niên.
Sinh đẻ sớm
Thai nghén không mong muốn hoặc lỡ xảy ra có thể là một kinh nghiệm buồn với bất cứ người phụ
nữ nào nhưng lại là một nỗi kinh hoàng đối với các em gái vị thành niên vì các em chưa được chuẩn bị
để làm mẹ và nuôi con. Những cô gái trẻ lỡ có thai thường phải đối diện với nhiều sự lựa chọn khắc
nghiệt (giữ thai để buộc bạn trai phải cưới hay phá thai để tránh tai tiếng, để khỏi lâm vào tình cảnh
khó khăn về vật chất và tình cảm…). Việc sinh đẻ ở tuổi thanh, thiếu niên luôn là một việc gây lo ngại
về nhiều mặt. Sinh đẻ vẫn được coi là hiện tượng sinh lý mang nhiều yếu tố nguy cơ tiềm ẩn đến sức
khỏe người phụ nữ, tuổi càng ít thì nguy cơ xảy ra biến chứng khi sinh đẻ gây tử vong cho mẹ và cho
con càng cao, nhất là đối với các cô gái tuổi vị thành niên (dưới 17). Họ chưa đạt đến sự trưởng thành
đầy đủ về thể chất, xương chậu chưa đủ độ rộng để cho đầu thai nhi xổ. Do đó, cuộc chuyển dạ có thể
gặp trở ngại và kéo dài, biến chứng chảy máu, thậm chí tử vong cho cả mẹ và con có thể xảy ra nếu
không có điều kiện tiếp cận với cơ sở y tế có trang bị phẫu thuật.
Thai nghén ở các cô gái trẻ thường dễ bị đẻ non, con đẻ ra nhẹ cân và có tỷ lệ tử vong cao. Nguy

cơ cho thai nhi của các cô gái trẻ còn do bệnh của bạn tình đem lại (đáng sợ nhất là sự lây nhiễm HIV
cho thai do quan hệ với người không rõ đời sống tình dục trước đây của họ), do chính các cô gái đã
tìm mọi cách để phá thai bằng nhiều thứ thuốc có hại. Do đó, gây tăng tỷ lệ dị tật ở thai, tăng tỷ lệ tử
vong ngay năm đầu tiên của trẻ ở những người mẹ quá trẻ (lớn hơn tới 30% so với trẻ có mẹ lớn tuổi).
Nạo thai không an toàn
Trên bình diện toàn cầu, nạo thai ở lứa tuổi từ 15 – 19 ít nhất cũng có khoảng 5 triệu ca trong tổng
số ước đoán là 50 triệu ca phá thai hàng năm. Ở Mỹ, cứ 10 trường hợp có thai ở tuổi vị thành niên thì
có 4 trường hợp đi nạo, chiếm tỷ lệ 1/4 tổng số nạo. Ở Thượng Hải năm 1988, khảo sát về nạo thai
hàng năm ở lứa tuổi 15 – 19 cho thấy cứ 20 cô gái chưa kết hôn thì có một cô nạo hơn một lần. Nạo
thai không an toàn nghĩa là khi thủ thuật này được thực hiện bởi những người không có đầy đủ kỹ năng
và tại những cơ sở không có điều kiện tốt nên nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí tính mạng của các cô
gái trẻ. Một tỷ lệ lớn các em gái vị thành niên phải nhập viện vì có những biến chứng do nạo thai.
Nạo thai không hoàn toàn dễ thực hiện ở nhiều nước: có thể do luật pháp chưa cho phép, do không
tiếp cận được dịch vụ này (không có cơ sở hoặc không có tiền để được hưởng dịch vụ). Nhiều em đã
phải tìm đến những người không thành thạo để nạo thai chui với nhiều nguy cơ rình rập (dễ xảy ra tai
biến như thủng tử cung, nhiễm khuẩn huyết, chảy máu do sót nhau…).
Đường đi của bệnh lây truyền qua đường tình dục
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV/AIDS chẳng hạn là hậu quả của hành vi tình dục
sớm. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 250 triệu trường hợp bị nhiễm các bệnh
lây truyền qua đường tình dục. Trong số này chiếm tỷ lệ cao nhất thuộc nhóm tuổi 20 – 24, đứng thứ
hai là nhóm tuổi 15 – 19. Thanh, thiếu niên có nguy cơ cao bị lây nhiễm các bệnh lây truyền qua
đường tình dục là vì tỷ lệ bước vào hoạt động tình dục sớm gia tăng và vì ít khi sử dụng các biện pháp
tránh thai. Hơn nữa, nhiều bệnh nhân AIDS đã nhiễm HIV từ tuổi vị thành niên do đó đã lây nhiễm cho
bạn tình. Các em gái đang độ tuổi vị thành niên là đối tượng có nguy cơ lớn hơn các em trai về mặt lây
nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và AIDS. Một nguy cơ bao trùm quan trọng để bị nhiễm
bệnh lây truyền qua đường tình dục là có nhiều bạn tình hoặc bạn tình đã từng có quan hệ tình dục với
nhiều người. Thanh - thiếu niên thường dễ rơi vào hoàn cảnh nguy cơ vì họ có thể là người kế tiếp của
một cuộc tình sét đánh nhưng ngắn ngủi. Những em gái bị bóc lột hoặc lạm dụng tình dục cũng có nguy
cơ nhiễm bệnh, kể cả những em gái bụi đời phải bán thân xác để kiếm sống. Những thanh, thiếu niên
nam, nữ nghiện rượu hoặc ma túy cũng thường có tỷ lệ cao nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình
dục hoặc mang thai.
Nếu thanh, thiếu niên biết sử dụng bao cao su thì có thể giảm được nhiều nguy cơ nhiễm AIDS và
các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng họ thường có xu hướng không ý thức được mình là nhóm
người có nguy cơ cao. Đặc biệt là các em gái rất khó đề nghị bạn tình dùng bao cao su, vì sợ bị hiểu
lầm hoặc người yêu bỏ. Nhiều khi thanh, thiếu niên còn dùng bao cao su không đúng cách và thiếu hiểu
biết về các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Khi đã mắc bệnh thì chậm trễ hoặc không biết tìm đến
nơi điều trị bệnh đáng tin cậy, do đó cứ thế truyền bệnh. Vì thế, thanh thiếu niên có nguy cơ cao nhiễm
các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Hậu quả nặng nề

Người con gái chưa đủ 18 tuổi, hầu hết đang ở độ tuổi học phổ thông, kiến thức khoa học cũng như
kinh nghiệm sống còn quá ít ỏi, lại chưa thực sự trưởng thành về mặt tâm, sinh lý nên rất dễ bị tổn
thương, rất dễ đi đến các quyết định tiêu cực (tự sát, buông thả, trầm cảm…) khi có những khủng
hoảng, bế tắc trong cuộc sống. Một cô gái mới lớn khi mang thai ngoài ý muốn thường phải đi đến
quyết định nạo thai. Nạo thai xong thì “hậu quả” đã được giải quyết nhưng còn những ảnh hưởng tâm sinh lý, và các tác động xã hội lên một tinh thần còn non như vậy sẽ ra sao? Liệu họ có thể trưởng
thành một cách bình thường?
Viễn cảnh đen tối, bế tắc của việc làm mẹ ở những cô gái trẻ lỡ có thai ngoài hôn nhân là một thực
trạng dễ nhận thấy: họ thiếu sự hỗ trợ về tình cảm (bạn tình bỏ rơi, đôi khi cả gia đình cũng ruồng rẫy)
và kinh tế để nuôi con. Nhiều cô gái đã phải chịu đựng một giai đoạn dài vất vả, tủi hổ, lẩn tránh để
cuối cùng phải bỏ lại đứa trẻ sơ sinh cho một nhà hộ sinh hay một bệnh viện nào đó, thậm chí trên ghế
đá công viên hay trong thùng rác vì không thể nuôi con hay vì muốn rảnh rang để lập lại cuộc đời. Một
số em mang thai có thể đi đến hôn nhân một cách miễn cưỡng nhưng những cuộc hôn nhân này thường
không hạnh phúc hoặc tan vỡ sau đó (vì phần lớn những thai nghén không mong muốn là kết quả của
hành động tình dục do lầm lỡ, cả tin, dối lừa, không có sự tôn trọng và tình yêu đích thực). Chương
trình VTV3 ngày 18/12/1998 với hai cuộc phỏng vấn các bác sĩ khoa sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ
(TP.HCM) và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội về tình trạng trẻ bị bỏ lại bệnh viện vẫn đang là một thực
trạng đau lòng.

THỬ NHÌN LẠI VẤN ĐỀ TÌNH DỤC TUỔI
VỊ THÀNH NIÊN
GS. ĐẶNG PHƯƠNG KIỆT

Những con số đáng suy ngẫm
Những thống kê được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng mấy năm gần đây cho
thấy:
– Sinh hoạt tình dục tuổi vị thành niên (VTN): Số nạo hút thai tuổi VTN chiếm khoảng 25% tổng số
các vụ nạo hút thai (300.000/1.200.000, 1990–1996); Gái mại dâm VTN 2,1% (trong tổng số) vào
năm 1989, tăng lên 5,22% (1990) và 12% (1998).
– Trong một hội thảo về sức khỏe VTN (1997) thì số nạo hút thai ở phụ nữ chưa kết hôn chiếm
20% tổng số. Trong số này, 50% ở tuổi học trò, 70% quan hệ tình dục lần đầu ở tuổi 15, 60% quan hệ
tình dục khi mới quen nhau chưa đầy 3 tháng (Lê Thúy Tươi, báo Người Lao Động 21/3/98).
– Bùng nổ nạo hút thai: Từ 1976 đến 1987 tăng 10 lần; 1986–1989: 700.000 ca/năm; 1990–1996:
1.200.000 ca/năm; 1996: nạo hút thai ở phụ nữ chưa kết hôn chiếm 20–30% tổng số (tại hai TP. Hà
Nội và TP.HCM) (Thanh Tâm, Báo Lao Động, 14.6.1997)
– Tình dục trước hôn nhân: Điều tra trên 500 thanh niên dưới 25 tuổi, cho thấy quan hệ tình dục
(nam – nữ) không có tình yêu 25,6%, có tình yêu 60,2% (Nguyễn Minh Hòa, Tuổi trẻ Chủ nhật
31.8.1997).
– Nạn tảo hôn: Theo Tổng cục Thống kê (18.2.2000, trong tổng số 54.432.812 người dân nước ta ở
độ tuổi từ 13 trở lên, có 32.302.278 người đã lập gia đình. Có tới 8.609 người ở độ tuổi 13–14 và
96.961 người ở độ tuổi 15–17 đã kết hôn (T.B., báo Lao Động, 17.2.2000)
Sử dụng các biện pháp tránh thai
Qua những con số vị thành niên có hoạt động tình dục ngày càng gia tăng, chứng tỏ việc sử dụng các
biện pháp tránh thai còn bị xem nhẹ. Do vậy, ngày càng có nhiều thiếu nữ đứng trước nguy cơ dễ có
thai, và 80% số thiếu nữ có thai không mong muốn trước khi kết hôn. Mặc dù thiếu nữ chiếm chừng
1/5 số phụ nữ thuộc lứa tuổi có hoạt động tình dục và có khả năng mang thai, song họ lại chiếm gần
1/2 số sinh con ngoài hôn thú và chiếm 1/3 số nạo phá thai.
Ngoài ra, có chưa tới 10% số vị thành niên hiện nay được tiếp nhận các chương trình giáo dục sâu
rộng về giới tính tại nhà trường. Hiện tại, chưa tới 1/2 số sinh viên đại học tại Hoa Kỳ được theo các
lớp học riêng về giáo dục giới tính. Hầu hết các trường học có cung cấp một khía cạnh nào đó về giáo

dục giới tính song lại chưa nhấn mạnh đến nhu cầu giảng dạy những chủ đề cụ thể có liên quan, bao
gồm các phương diện sinh lý và tâm lý trong hành vi giao hợp cũng như những thông tin về tính dục ở
trẻ em.
Đành rằng hiểu biết về tình dục không tạo ra một khác biệt nào về mặt sử dụng các biện pháp tránh
thai, song nó không phải là yếu tố quan trọng duy nhất có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ có thai ở phụ nữ. Có
vẻ như không có một tương quan rõ ràng nào giữa hiểu biết tình dục với việc đã tham gia các lớp học
trước đây về giáo dục giới tính, cũng không có tương quan nào giữa hiểu biết và việc sử dụng các biện
pháp tránh thai. Phần lớn vị thành niên không sử dụng các biện pháp tránh thai vào lần giao hợp đầu
tiên. Ngoài ra, khi bắt đầu sử dụng các biện pháp tránh thai, vị thành niên phần lớn lại không tiếp tục
dùng mặc dù vẫn tiếp tục hoạt động tình dục. Áp lực bạn bè và áp lực xã hội cùng nỗi sợ hãi mắc bệnh
thường là những yếu tố quan trọng trong việc ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai. Hơn nữa, mặc
cảm tội lỗi về hoạt động tình dục, sợ bị phát giác, tính bốc đồng, sự phủ nhận và những ước muốn có
thai có ý thức và vô thức có thể thúc đẩy việc ngừng tránh thai. Nhưng điều quan trọng cần nhớ là
không dùng các biện pháp tránh thai không có nghĩa là muốn có thai. Những yếu tố nhận thức phát triển
theo lứa tuổi cũng được xem là các phương diện quan trọng có ảnh hưởng đến khả năng đặt kế hoạch
và sử dụng các biện pháp tránh thai của vị thành niên. Có điều chắc chắn là thiếu khả năng lập kế
hoạch trong tương lai hoặc thiếu khả năng thỏa thuận với cha mẹ hay hệ thống chăm sóc sức khỏe có
thể là những trở ngại chính yếu.
Trong văn liệu trước đây, người ta gắn tình trạng thai nghén vị thành niên với tâm, bệnh lý, mô tả
hoạt động tình dục như “hành động bột phát”, một biểu hiện của sự rối nhiễu nội tâm. Những công trình
nghiên cứu gần đây gợi ra rằng các yếu tố tâm bệnh có tồn tại ở một số thiếu nữ, song với đa số thì
những áp lực gia đình, bè bạn và xã hội được xem là yếu tố thúc đẩy hoạt động sớm về tình dục và
thậm chí còn hỗ trợ cho thai nghén. Ngoài ra, thiếu phương tiện hoặc tình trạng mơ hồ về tránh thai,
thiếu hiểu biết chính xác về thai nghén và sinh sản cũng có thể làm gia tăng khả năng có thai.
Việc sử dụng hiệu quả các biện pháp tránh thai đòi hỏi phải có hiểu biết về tính dục con người và
một định hướng cho kế hoạch tương lai. Về mặt phát triển, vị thành niên thường phủ nhận những hậu
quả hành động của mình, xem đó là một hành động tự vệ chống lại xung đột. Ngoài ra, tính bốc đồng là
nét đặc trưng của nhiều vị thành niên. Hoạt động bị thúc ép, những cách nhìn không nhất quán, những
sự chao đảo giữa trách nhiệm, bổn phận, với lối sống buông thả là những phương diện của quá trình
phát triển. Do vậy, sự nhất quán, tinh thần trách nhiệm và kế hoạch hóa liên quan đến việc sử dụng
biện pháp tránh thai hiệu quả có thể mâu thuẫn với giai đoạn phát triển của nhiều vị thành niên đã có
hoạt động tình dục. Tình trạng có thai thậm chí có thể được nhìn nhận như là sự trừng phạt thích đáng
đối với vị thành niên có mặc cảm tội lỗi.
Vì vị thành niên nằm ở giữa một quá trình làm thay đổi bản chất các mối liên hệ với cha mẹ, hướng
nhiều hơn đến bạn bè và những người lớn khác, nên việc xa lánh có thể được đánh dấu bằng sự chống
đối và thách đố, một biểu hiện của cái gọi là bước khởi đầu hoạt động tình dục. Vì lẽ, sự hỗ trợ và tán
đồng của bạn bè cũng khá quan trọng và lòng tự tin có thể phụ thuộc vào đó, nên nhiều nữ vị thành niên
dấn thân vào hoạt động tình dục mặc dù hiểu biết còn rất mơ hồ. Các cô cũng có thể bị xô đẩy vào hoạt
động tình dục là vì muốn xa lánh khi cảm thấy bị lôi kéo vào những gắn bó phụ thuộc mà mình cảm
thấy bị thoái lùi hoặc không thể chấp nhận được. Sự gần gũi của một mối quan hệ tình dục và/ hoặc
một đứa bé mới sinh có thể được xem là yếu tố mang lại tình yêu thương và một cuộc sống đỡ cô đơn

nguon tai.lieu . vn